LẠI CHUYỆN DU KÝ
Từ tuần cuối tháng 5 tới cuối tháng 6 này, kẻ này lại có dịp đi ngao du lang thang xứ Thụy Sỹ. Do đó, việc post các góp ý hay ngay cả các bài chính như Bình Luận, trang Tin Tức, hay trang Cộng Đồng, đã bị lủng củng giờ giấc ít nhiều, xin quý độc giả tha thứ.
Kẻ này hầu như đi Thụy Sỹ mỗi năm, một phần vì đã từng theo học ở đây lâu năm, coi xứ này như... 'quê hương thứ ba', sau VN dĩ nhiên, và sau Mỹ là nơi đã sinh sống gần nửa thế kỷ nay. Biết đâu mai mốt sẽ phải chạy qua Thụy Sỹ xin tị nạn ... xã nghĩa Mỹ???! Phần nữa là có nhiều bạn già người Việt cũng như Thụy Sỹ, muốn đi thăm để có dịp nói lại chuyện xưa, là thú tiêu khiển của mấy cụ già như VL này.
Kẻ này đã 'báo cáo' về Thụy sỹ trong một chuyến đi trước, bây giờ không còn gì lý thú để báo cáo, chỉ xin nêu lên vài chuyện ít người biết về Thụy Sỹ. Chẳng hạn như:
- Quốc kỳ Thụy Sỹ là thập tự trắng trên nền đỏ, ai cũng biết, nhưng điều ít người biết hơn là quốc kỳ Thụy Sỹ không phải là hình chữ nhật như hầu hết các quốc kỳ trên thế giới, mà là hình vuông với dấu thập trắng rất lớn.
- Thụy Sỹ có ba sinh ngữ chính là Pháp, Đức, Ý và một tiếng địa phương Đức lai Ý được dùng tại vùng phía đông giáp giới Áo. Tất cả giấy tờ, đơn từ, ngay cả tiền bạc, đều có ba thứ tiếng chính.
- Người Thụy Sỹ nổi tiếng nhất ở VN là bác sĩ Yersin. Ông sanh ra tại một làng nhỏ gần Lausanne, tốt nghiệp bác sĩ tại Đại Học Lausanne. Sau đó khá lâu mới qua Pháp sống và làm việc, có thể đã nhập quốc tịch Pháp sau đó tuy việc này không ai rõ. Khiến nhiều người vẫn đinh ninh BS Yersin là người Pháp. Sau đó, BS Yersin qua VN làm việc và sống, phần lớn ở Đà Lạt và Nha Trang, rồi qua đời ở VN luôn. BS Yersin là một trong những ân nhân lớn của dân tộc ta.
- Thụy Sỹ trên nguyên tắc căn bản là xứ hoàn toàn trung lập về chính trị, trung lập đến độ không tham gia vào Liên Hiệp Quốc hay NATO hay ngay cả Liên Âu. Thế nhưng trong cuộc chiến tranh VN chống xâm lăng CSBV, Thụy Sỹ trên nguyên tắc trung lập, nhưng lại không trao đổi ngoại giao với CSBV, không có tòa đại sứ Hà Nội tại Thụy Sỹ, và không công nhận cái bình phong Mặt Trận Giải Phóng của VC. Mà chỉ công nhận và có quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với VNCH.
- Thụy Sỹ là một trong số rất ít -Nhật cũng vậy- những xứ không cho phép xây đền Hồi giáo trong nước. Đây không phải là quyết định của chính phủ Thụy Sỹ, mà là kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý. Thụy Sỹ lấy hầu hết các quyết định chính trị lớn qua các cuộc trưng cầu dân ý, để người dân quyết định gần hết các luật lớn của nước.
- Thụy Sỹ là một liên bang của 26 tiểu bang, gọi là Canton. Tên chính thức là Confédération Helvétique, viết tắt là CH. Chính quyền liên bang là một nội các với 7 bộ trưởng được bổ nhiệm theo kết quả bầu cử quốc hội liên bang. Mỗi bộ trưởng thay phiên nhau làm quốc trưởng trong một năm, với vai trò chính là đại diện Thụy Sỹ đón tiếp các quốc trưởng các quốc gia khác tới thăm viếng hay tham dự hội nghị lớn tổ chức tại Thụy Sỹ.
- Dân Thụy Sỹ rất ít để ý đến chính trị, hầu như không một người nào có thể nêu đủ tên 7 bộ trưởng hay tên người đang làm quốc trưởng.
- Tất cả nam công dân Thụy Sỹ đều là quân nhân trừ bị từ năm 18 tuổi, bị đi quân dịch, chịu huấn luyện ít nhất 21 tuần, trong 9 năm sau đó bắt buộc phải đi tái huấn luyện quân sự cấp nhật 6 lần, mỗi lần 3 tuần liền. Phụ nữ không bị bắt buộc nhưng có thể tự nguyện tham gia. Vì là xứ trung lập lại rất giàu, nên Thụy Sỹ cũng có những vũ khi tối tân nhất, đắt tiền nhất, như súng đạn, đại bác, máy bay phản lực, xe tăng, hệ thống radar, hệ thống thông tin liên lạc qua computer,... bất kể xuất xứ từ Mỹ hay Nga hay Tây Âu. Dù trung lập, nhưng Thụy Sỹ đặt rất nặng vấn đề quốc phòng, dựa trên quan điểm 'trung lập chỉ có thể được bảo vệ bằng một lực lượng quân sự thật mạnh'. Lần cuối cùng trong lịch sử mà Thụy Sỹ có chiến tranh là năm 1847, cách đây cỡ 180 năm. Trong cả hai thế chiến, Thụy Sỹ hoàn toàn an toàn, không xứ nào dám đụng tới. Sách lược quốc phòng của Thụy Sỹ đặt căn bản trên một cuộc chiến tranh du kích của toàn dân, phát động từ các núi tuyết bao bọc Thụy Sỹ. Lực lượng lưu động quan trọng nhất là đạo quân... xe đạp, đi xe đạp leo núi rất giỏi. Thứ nhì là đạo quân trượt tuyết vô song của Thụy Sỹ. Điều ít người Thụy Sỹ công nhận là Thụy Sỹ luôn an toàn không có chiến tranh cũng vì đó là kho bạc của cả thế giới. Các tay độc tài CS hay phát-xít gì gì thì cũng đều gửi tiền trong ngân hàng Thụy Sỹ hết. Sau thế chiến, cả triệu dân Do Thái bị Hitler giết, một số không nhỏ tiền của họ gửi trong ngân hàng Thụy Sỹ đương nhiên lọt vào tay Thụy Sỹ.
- Cậu ấm Ủn của Bắc Hàn trước đây là sinh viên du học tại Thụy Sỹ, học trong trường tư rất đắt tiền. Trường dạy những tư tưởng tự do, dân chủ, nhân bản căn bản nhất, nhưng cậu học xong, về nước, lên nắm quyền, quên hết, trở thành một ác thú tàn nhẫn nhất, đối lập bị cho chó cắn, ăn thịt, hay bị bắn trực xạ bằng đại bác.
- Đời sống Thụy Sỹ khá đắt. Vào một tiệm ăn bình thường, một miếng thịt bò -entrecote- không dưới 40 đô, một đĩa salad không dưới 20 đô, một bữa ăn 4 người, phải tính trên dưới 200 đô, không kể tiền chai rượu đỏ cả trăm đô là chuyện bình thường, nhưng được cái không phải 'boa' gì hết, zero! Không như ở Mỹ, 'típ' khoảng trung bình 18%. Nếu bạn 'rộng lượng', để lại 2-3 quan thì sẽ được cám ơn rối rít (theo hối suất hiện hữu, dollar xấp xỉ ngang giá trị với franc Thụy Sỹ, Thụy Sỹ không xài Euros). Tiền xăng bên Thụy Sỹ khoảng 2 đô một lít, hay gần 8 đô một ga-lông.
- Thụy Sỹ là một trong những quốc gia có chính sách di dân vào quốc tịch khó khăn nhất thế giới. Xứ này không nhận di dân Trung Đông hay Phi Châu như phần lớn các quốc gia Tây Âu. Trẻ con sanh ra tại Thụy Sỹ không có quốc tịch Thụy Sỹ, mà vẫn theo quốc tịch của bố. Ví dụ như một anh Ba Tầu ở Thượng Hải, có bà vợ mang bầu, đi du lịch Thụy Sỹ, sanh con tại Thụy Sỹ, thì đứa con vẫn là quốc tịch Tầu, tuyệt đối không có một ưu tiên nào để được vào quốc tịch Thụy Sỹ, chỉ được tạm ngụ tại Thụy Sỹ ít ngày hay ít tuần, cho tới khi bác sĩ ô-kê đủ sức khỏe là phải lên máy bay về Thượng Hải. Ông Trump tính áp dụng chính sách này ở Mỹ, bị ngay đám DC -và vẹt tị nạn- tố là 'vô nhân đạo'. Nhưng không ai dám tố Thụy Sỹ là vô nhân đạo hết. Cũng không khác gì cả thế giới đòi hỏi phải có thông hành, chiếu khán mới vào nước được thì ô-kê, Trump muốn vậy thì lại là kỳ thị di dân.
- Muốn vào quốc tịch Thụy Sỹ, phải sinh sống trong nước ít nhất 10 năm. Được vào quốc tịch qua ba giai đoạn: gia nhập 'quốc tịch' thành phố -citoyen de la commune-, rồi gia nhập quốc tịch tiểu bang -citoyen du canton-, rồi mới gia nhập quốc tịch Thụy Sỹ -citoyen de la confédération-. Các 'quốc tịch' của thành phố và tiểu bang không có văn kiện chính thức mà chỉ là chuyện đáp ứng đầy đủ điều kiện có khi khá phức tạp của thành phố hay tiểu bang. Tất cả mỗi chặng đều phải hội đủ nhiều điều kiện rất nhiêu khê như thời gian cư trú, thi cử về lịch sử, luật của thành phố, của tiểu bang, rồi của cả nước, và mỗi lần, phải đóng lệ phí rất nặng. Nếu có chồng hoặc vợ có quốc tịch Thụy Sỹ thì thủ tục nhập tịch tương đối dễ hơn. Tuy nhiên, dân tị nạn Việt được ưu đãi đặc biệt, được nhận vào nước cũng như nhập tịch dễ dàng hơn nhiều.
- Năm 75, sau biến cố 30-4, tất cả sinh viên VNCH đang du học tại Thụy Sỹ được tự động ở lại, nhận vào sống và mau chóng cấp quốc tịch Thụy Sỹ, đồng thời nhận được ngay trợ cấp đâu gần 2.000 quan Thụy Sỹ một tháng cho tới ngày học xong đại học, xấp xỉ gấp ba lần số tiền chính phủ VNCH cho phép gia đình chuyển ngân chính thức mỗi tháng cho các sinh viên du học trước đó.
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment