Mướp đắng trong trắng ngoài xanh…
Tác giả bên giàn mướp đắng sau nhà. (ảnh: Quyên Di)
Quả dưa gang trong vàng ngoài trắng
Quả mướp đắng trong trắng ngoài xanh…(Ca Dao Việt Nam)
Vợ tưới bón bụi thanh long thế nào không biết mà bỗng dưng từ gốc thanh long mọc lên một dây leo. Cái dây leo thân thì khẳng khiu mà lá lại toả rộng rất tươi mát. Trông nó yếu ớt thế mà một ngày kia tôi khám phá ra không những nó phủ gần kín bụi thanh long mà còn leo đầy cánh cổng vườn khiến cổng không mở được.
Hơn thế nữa, nó lại tìm cách chui qua một cái khe tường rất hẹp để phát triển thành một dây nữa phía bên kia tường, cũng xanh tươi không kém cái thân chính bên ngoài.
Hai vợ chồng bàn cãi xem đây là cây gì. Chồng bảo đây là cây dại. Vợ cãi: “Dại gì mà dại! Nó tinh khôn như thế mà bảo là dại à?” Chồng bảo: “Vậy chắc nó là cây mướp.” Vợ lại cãi: “Mướp gì mà mướp! Cái lá nó bé tí hĩn thế này thì làm sao mà mướp được!” Chồng thua, ngồi im. Vợ mơ màng: “Đây là một thứ cây đặc biệt, Trời cho. Chắc là sẽ ra quả quý, trần gian ít thấy!”
Chồng để yên cho vợ tha hồ mà mơ tưởng… hão.
Chẳng bao lâu, dây leo nở hoa vàng. Rồi cũng chẳng bao lâu sau đó, hoa kết thành quả; mà là quả mướp đắng, bà con miền Nam kêu là trái khổ qua! Quả mướp đắng phát triển thần tốc, đến một ngày chồng ra thăm nó, thấy nó to tướng, mới kêu “ối” lên một tiếng.
(ảnh: Quyên Di)
Vợ tưởng chồng gặp tai nạn gì, thí dụ như bị sâu rụng xuống đầu hay kiến cắn ngón chân (chồng nhát như cáy) bèn chạy ù ra cứu, hoá ra là quả mướp đắng; liền nguýt chồng một cái rồi trịnh trọng rước mướp đắng vào nhà. Vợ thấy cái quả này to quá, mới lấy thước ra đo. Chồng giằng ngay lấy quả mướp đắng, đem so nó với chai rượu, thấy nó dài và to hơn cả chai rượu. Khiếp! Dài gì mà dài thế! To gì mà to thế!
Ai trong chúng ta cũng biết: Mướp đắng là khổ qua. “Khổ” có nghĩa là “đắng.” Còn “qua” có nghĩa là “quả dưa.” Bởi thế “mướp đắng” mới được gọi là “khổ qua.” Người xưa dạy rằng, xét về vị thì có bốn vị chính, là “tân, toan, cam, khổ.” Tân là cay. Toan là chua. Cam là ngọt. Khổ là đắng. “Tân toan cam khổ” là “cay chua ngọt đắng.”
Đó là vị thức ăn mà cũng là hương vị cuộc đời. Xem vậy thì đời người ta ba phần buồn đau, chỉ có một phần hạnh phúc, chứ không phải “một chiều khổ cực bốn chiều say” như Hoàng Cầm viết trong “Huyền Sử – Hội Yếm Bay.”
Với ai thì không biết, nhưng “ba phần buồn đau, một phần hạnh phúc” xem ra rất đúng với cuộc đời Mẹ tôi. Cả một đời bà hy sinh cho chồng con. Một tay bà chôn không biết bao nhiêu người nằm xuống, cả bên nhà mình lẫn bên nhà chồng. Thế mà lúc nào bà cũng tươi cười, lúc nào cũng mở rộng bàn tay chia sẻ. Bà chia sẻ cho đến giây phút cuối, tươi cười cho đến giây phút cuối, khi Chúa gọi bà về năm bà 103 tuổi.
Mẹ tôi, người nhỏ bé, vậy mà ý chí và sức mạnh nội tâm của bà thật phi thường. “Quả mướp đắng trong trắng ngoài xanh,” câu ca dao này có hai hướng cắt nghĩa khác nhau, hướng tích cực và hướng tiêu cực.
(ảnh: Quyên Di)
Với Mẹ tôi, câu này được cắt nghĩa theo hướng tích cực: Đừng nghĩ người bà nhỏ bé thì nghị lực bà yếu đuối, cũng như đừng nghĩ bên ngoài quả khổ qua màu xanh thì ruột nó cũng xanh. Bố tôi mất sớm, một tay Mẹ tôi nuôi dạy chúng tôi, như dây khổ qua nuôi quả khổ qua. Quả càng lớn thì dây càng héo hắt. Khi tất cả quả đã to lớn đẫy đà thì cũng là lúc dây khổ qua tàn héo. Mẹ tôi và các bà mẹ Việt Nam đều là dây khổ qua cả.
Chiều hôm nay vợ tôi nấu canh khổ qua nhồi thịt. Khi bổ trái khổ qua “lớn hơn chai rượu” ra thì chúng tôi mới biết nó đã bắt đầu già. Ruột khổ qua trắng, nhưng khi già nó chuyển sang màu đỏ. Các bà mẹ Việt Nam càng già thì lòng càng son càng thắm.
(ảnh: Quyên Di)
Vợ chồng chúng tôi ăn canh khổ qua mà thổn thức nghĩ đến Mẹ chúng tôi.
Quyên Di
No comments:
Post a Comment