Monday, December 11, 2023

MỘT GIA ĐÌNH CÓ NĂM NGƯỜI LÃNH GIẢI NOBEL


Marie Curie
Pierre Curie
Irène Joliot-Curie
Fréderic Joliot-Curie
Henry Labouisse

Nữ giới trên hoàn vũ giở nón cúi đầu thán phục bà Marie Curie, một nữ khoa học gia xuất chúng được lãnh giải thưởng Nobel hai lần về hai bộ môn khoa học khác nhau: Vật Lý và Hóa Học. Cùng chồng, con gái và rề, đại gia đình của bà có 05 người lãnh giải thưởng Nobel (Marie Curie, Pierre Curie, Irène Curie, Frédéric Joliot- Curie, Henry Richardson Labouisse ). 

****
Marie Curie (1867- 1934) là người Pháp gốc Ba Lan. Curie là họ của chồng, ông Pierre Curie. Tên Ba Lan của bà là Maria Salomea Sklodowska. Bà sinh năm 1867 ở Varsaw, thủ đô của Ba Lan và mất ở Haute Savoie, Pháp, năm 1934.

Vào thời thơ ấu quê hương Ba Lan của bà chịu áp lực nặng nề của Nga và Áo- Hung. Vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX rất ít phụ nữ có học vị cao nhất là trên lãnh vực khoa học. Bà Marie Curie xuất thân trong một gia đình trí thức trung lưu. Cha bà là giáo sư Trung Hoc. Khi ở học đường Ba Lan bà tham gia tổ chức sinh viên, học sinh yêu nước chống đối Nga. Đậu tú tài bà không được vào đại học vì chánh quyền đô hộ Nga cấm không cho phụ nữ học đại học. Đó là ly đó khiến ba tìm cách sang Pháp để được an ninh và tiếp tục việc học dai học. Người chị cả của bà là Bronislava Dluska (1865- 1939) học y khoa ở trường Sorbonne, Paris. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa bà Bronislava Dluska về Ba Lan và sáng lập Viện Radium Warsaw năm 1925.

Như nhạc sĩ Chopin bà Marie Curie chọn nước Pháp vì Pháp là một nước mộ đạo Thiên Chúa như Ba Lan.

Nữ bá tước Ba Lan là bà Marie- Anne Walewski (1786- 1817) là người yêu của Hoàng Đế Napoleon I. Bà quen với Hoàng Đế Pháp năm 1806 như để cứu Ba Lan ra khỏi gọng kìm của Nga. Bà theo Napoleon I về sống ở Paris rồi đảo Elba nơi Napoleon I bị đầy lần thứ nhất năm 1814. Năm 1810 bà Marie- Anne Walewski có một người con trai với Hoàng Đế Napoleon I. Đó là Bá Tước Alexandre- Florian-Joseph Colonna (Alexandre Colonna Walewski 1810- 1868). Dưới thời Hoàng Đế Napoleon III Alexandre Colonna Walewski là tổng trưởng bộ Ngoại Giao và Thượng Nghị Sĩ Pháp. Năm 1866 ông được ban tước Công dưới triều đại Napoleon III (Hoàng Đế: 1852- 1870).

Không riêng Ba Lan, nhiều quốc gia Âu Châu khác xem Pháp là cái nôi:

- của cách mạng dưới khẩu hiệu Tự Do, Bình Đẳng và Huynh Đệ (Liberté, Égalité, Fraternité)

- của văn chương thi phú lãng mạn với 'sầu thế kỷ' sau sự bại trận của Pháp ở Waterloo năm 1815.

- của các vấn để xã hội sau khi Bảng Tuyên Ngôn Cộng Sản của Karl Marx (1818- 1883) chào đời năm 1848 trước cao trào phát triển kỹ nghệ và sự chổi dậy của chủ nghĩa tư bản. Tác phẩm Les Miserables của đại văn hào Victor Hugo được ấn hành năm 1862 phản ánh đầy đủ bức tranh xã hội và chánh trị của Pháp từ thời 'sầu thế kỷ' đến các biến động kinh tế, chánh tri, xã hội của Pháp vào thế kỷ XIX.

Marie Curie sang Pháp và học Đại Học Sorbonne năm 1891. Mặc dù sống trong cảnh thiếu thốn của người nhập cư, bà lấy cử nhân Vật Lý dễ dàng với thứ hạng cao. Năm 1894 ba gặp ông Pierre Curie lam việc trong phòng thí nghiệm Vật Lý của trường Sorbonne. Hai người yêu nhau và cử hành một dám cưới đơn sơ của hai nhà khoa học nặng lý tưởng khoa học hơn là sự phú túc vật chất (1895).

Pierre Curie (1859- 1906) sinh năm 1859 ở Paris và mất tại thành phố này năm 1906.
Cha ông là bác sĩ Eugène Curie (1827- 1910) theo đạo Tin Lành.
Ông nội Paul Curie (1799- 1853) cũng là bác sĩ.
Anh của Pierre Curie là nhà toán học và vật lý Jacques Curie (1856- 1941).

Bên phía bà nội của ông có nhà vật lý và toán học nổi tiếng là Jean Bernouilly (1667- 1748) và nhà vật lý được giải thưởng Nobel năm 1991: Pierre -Jille de Gennes (1932- 2007).

Điều đáng chú ý là Pierre Curie không học ở trường học khi còn trẻ. Năm 16 tuổi ông đậu tú tài và ghi danh học đại học khoa học Paris. Ông đậu cử nhân với hạng xuất sắc nên được tuyển dụng làm việc trong phòng thí nghiệm vật lý của trường. Năm 1895 ông trình luận án tiến sĩ Vật Lý. Đó cũng là năm ông cưới bà Marie Curie (Curie là họ của chồng, ông Pierre Curie).

Năm 1903 bà Marie Curie trình luận án tiến sĩ. Năm 1903 cũng là năm hai vợ chồng Pierre và Marie Curie nhận huy chương Davy, huy chương cao quí về khoa học của Hội Đồng Hoàng Gia Anh và giải Nobel về Vật Lý.

Năm 1906 ông Pierre Curie chết vì mộ tai nạn xe cộ ở Paris.
Bà Marie Curie vẫn tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy khoa học ở đại học Sorbonne. Năm 1911 bà được trao giải thưởng Nobel về Hóa Học. Bà mất ở Haute Savoie năm 1934.

Bà Marie Curie là:
- người phụ nữ Pháp đầu tiên có tiến sĩ khoa học (1).
- Người phụ nữ Pháp đầu tiên đảm nhận chức Giáo Sư Đại Học thực thụ (Professeur Titulaire- Full Professeur) của trường Đại Học Sorbonne, Paris.
- người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được lãnh giải thưởng Nobel (1903) (2)
- Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được lãnh giải thưởng Nobel hai lần về Vật Lý và Hoá Học (1903, 1911).

****
Pierre Curie và Marie Curie có hai người con gái:
1. Irène Curie sinh năm 1897
2. Ève Curie sinh năm 1904.

Irène Curie tức Irène Joliot- Curie (1897- 1956) sinh năm 1897 ở Paris và mất tại thủ đô Pháp năm 1956. Bà là con gái của Pierre Curie và Marie Curie. Khi ông Pierre Curie chết vì tai nạn xe ngựa Irène mới 09 tuổi và người em mới 02 tuổi. Mọi sự giáo dục đều do bà Marie Curie đảm trách. Irène Curie rất giỏi Toán và Vật Lý. Bà theo mẹ làm việc trong phòng thí nghiệm trong trường đại học. Nhờ đó bà có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng, sửa chữa máy quang tuyến cũng như việc giải thích các ảnh chụp. Trong đệ nhất thế chiến, với tư cách một chuyên viên quang tuyến bà giúp cho các bác sĩ tìm miểng bom, đạn trong cơ thể các thương binh.

Đệ nhất thế chiến chấm dứt, bà về Paris tiếp tục học đại học khoa học và giúp mẹ trong phòng thí nghiệm. Năm 1925 Irène Curie lấy tiến sĩ khoa học. Bà quen với Jean Frédéric Joliot, một nhà khoa học phụ tá của mẹ bà, bà Marie Curie. Năm 1926 lễ cưới của hai nhà khoa học trẻ được cử hành.

Jean Frédéric Joliot (1900- 1958) sinh năm 1900 ở Paris và mất ở đó năm 1958. Ông là nhà khoa học phụ tá cho bà Marie Curie trong phòng thí nghiệm Vật Lý. Tại đây ông quen với con gái của bà Marie Curie là Irène Curie. Hai người tổ chức lễ cưới một năm sau khi gặp nhau (1926). Từ đó bà Irène Curie được biết dưới tên Irène Joliot- Curie.

Năm 1935 Jean Frédéric Joliot lấy tiến sĩ. Cũng năm nầy Irène Curie và Jean Frédéric Joliot được giải thưởng Nobel về Hóa Học giống như trường hợp của Marie Curie và chồng là Pierre Curie với giải Nobel Vật Lý năm 1903.

Irène và Jean Frédéric Joliot là hai nhà khoa học nguyên tử tiền phong của nước Pháp. Ngoài năng khiếu khoa học Irène Curie và Jean Frédéric Joliot còn quan tâm đến đời sống chánh trị ở Pháp. Cả hai rất ghét chủ nghĩa phát xít (Fascism). Vì vậy họ nghiêng theo chánh trị tả khuynh vào thời kỳ Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) của Léon Blum (1872- 1950) nắm chánh quyền (1936) và thời kỳ bị Đức Quốc Xã chiếm đóng (1940- 1944). Jean Frédéric Joliot từng là đảng viên của SFIO (Section Française de L’ Internationale Ouvrière- Quốc Tế Công Nhân Phân Bộ Pháp Quốc) và Hội viên của Hội Quốc Tế Nhân Quyền v. v. Bà Irène từng tham gia nội các với chức vụ Thứ Trưởng đặc trách việc nghiên cứu khoa học thời chánh phủ Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) do ông Léon Blum lãnh đạo (1936).

Do tài năng vượt bực, mặc cho vài khó khăn mà cả hai người phải đối đầu với chánh phủ hữu khuynh của Pháp, cả hai vợ chồng Irène- Jean Frédéric Joliot đều được người Pháp nề trọng.

Bà Irène Curie mất năm 1956.
Hai năm sau ông Jean Frédéric Joliot cũng mất.

Cả hai đều được ban Bắc Đầu Bội Tinh (Legion d’ Honneur), huân chương cao quí nhất của nước Pháp.

****
Ève Curie tức Ève Denise Curie- Labouisse (1904- 2007) sinh năm 1904 tại Paris (Pháp) và mất năm 2007 tại thành phố New York (Hoa Kỳ).
Ève Curie không nổi tiếng trên lãnh vực khoa học như mẹ (Marie Curie) và chị (Irène Curie). Bà rất tự hào trong đại gia đình của bà có 05 người lãnh giải thưởng Nobel: cha (Pierre Curie), mẹ (Marie Curie), chị (Irène Curie), anh rể (Jean Frédéric Joliot) và chồng của bà (Henry R. Labouisse). Nhưng bà thì không được giải nào như lời than phiền của bà. Bà Ève Curie có Cử Nhân Khoa Học và Triết Học năm 1925 khi học ở Collège Sévigné. Bà rất tự hào về cha mẹ mình khi viết quyển Madame Curie xuất bản năm 1937. Đây là quyển sách thu hút đông đảo độc giả. Nó được thành phim nổi tiếng một thời.

Năm 1940 Đức xâm chiếm miền bắc nước Pháp. Ève Curie sang Anh, liên lạc với nhóm Pháp Tự Do của tướng Charles de Gaulle (1890- 1970) cũng tỵ nạn ở Anh.

Năm 1941 bà sang Hoa Kỳ. Bà nổi tiếng là một nhạc sĩ dương cầm mà bà học ở Pháp và Bỉ. Bà có cơ hội đi đến nhiều quốc gia trên thế giới trong đệ nhị thế chiến như các nước Phi Châu, Trung Đông, Liên Sô, Ấn Độ, Miến Điện, Trung Hoa với tư cách là ký giả của tờ International Herald Tribune.

Đệ nhị thế chiến chấm dứt. Năm 1952 bà Ève Curie là Cố Vấn của Tổng Thơ Ký Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO: North Atlantic Treaty Organization).

Năm 1954 bà kết hôn với ông Henry Richardson Labouisse, Giám Đốc Tổ Chức LHQ Cứu Trợ Người Tỵ Nạn Palestine ở Trung Đông (1954- 1958).

Năm 1958 bà Ève Curie- Labouisse nhập tịch Hoa Kỳ sau khi sống ở đó 17 năm.

Henry Richardson Labouisse (1904- 1987) sinh ở New Orleans, Louisiana, và mất ở Manhattan, New York. Ông là người Mỹ gốc Cajun (3) tức có tổ tiên là người Pháp ở Canada. Henry R. Labouisse là một luật gia, một nhà ngoại giao và một nhân vật quan trọng làm việc trong các cơ quan quốc tế của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc thời hậu đệ nhị thế chiến.

Henry R. Labouisse học đại học Princeton, New Jersey (Cử Nhân) và Harvard, Massachusetts (Tiến sĩ Luật). Ông hành nghề luật ở New York. Sau đệ nhị thế chiến ông làm việc ở tòa Đại Sứ Pháp ở Paris để thực thi Kế Hoạch Marshall (1951- 1954) thời hậu chiến trước khi đảm nhận chức Giám Đốc Cơ Quan Cứu Trợ và Lao Động Liên Hiệp Quốc dành cho người ty nạn Palestine ở Trung Đông.

Năm 1954 ông tục huyền với bà Ève Curie, con gái thứ hai của bà Marie Curie. Người vợ đầu tiên ông cưới năm 1935 là Elizabeth Scriven Clark, cháu của người sáng lập Công Ty sản xuất máy may Singer, Isaac Merrit Singer (1811- 1875). Bà Elizabeth mất năm 1945.

Thế là Henry R. Labouisse trở thành rể của nhà khoa học khét tiếng Marie Curie và Pierre Curie. Từ năm 1962 đến 1965 ông là Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hy Lạp. Trong thời gian 1965- 1979 ông là Giám Đốc UNICEF (United Nations International Children ’s Emergency Fund- Quỹ Quốc Tế Cấp Cứu Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc).

Năm 1965 ông Henry R. Labouisse được lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình.

Khi ông Henry R. Labouisse làm Đại Sứ ở Hy Lạp thì vợ ông, bă Ève Curie- Labouisse, làm Giám Đốc UNICEF ở Hy Lạp. Năm 1987 ông Henry R. Labouisse mất ở New York.

Sau khi chồng mất bà Ève Curie- Labouisse thường nối liền New York với Paris và Athens (thủ đô Hy Lạp). Đó là nơi sinh (Paris), nơi sống (New York City) và nơi cùng chồng làm việc (Athens) của bà Ève Denise Curie- Labouisse. Bà mất ở New York năm 2007 thọ 103 tuổi.

****
Danh dự của gia đình bà Marie Curie là một trường hợp hiếm hoi có một không hai trên thế giới trong vòng một thế kỷ qua. Người Pháp tự hào với những nhân tài người Pháp bẩm sinh như Corneille, Racine, Montesquieu, J.J. Rousseau, Voltaire, Chateaubriand, Lamartine, Victor Hugo, Alfred de Musset, Alfred de Vigny, George Sand, Henri Bergson, Descartes, Pascal, Louis Pasteur, Claude Bernard, Yersin, Calmette, Albert Camus v.v. Họ cũng tự hào với hai người Pháp nhập cư từ Ba Lan như Frédéric Chopin (1810- 1849) và Marie Curie (1867- 1934). 

Người Pháp tự hào với nữ khoa học gia lẫy lừng mang Pháp tịch khi nhận hai giải thưởng Nobel về Vật Lý và Hóa Học (1903 và 1911). 

Năm 1911 họ đặt tên Marie Curie cho một trường nữ Trung Học Pháp ở Sài Gòn: Lycée Marie Curie (4). Dưới thời Pháp thuộc trường này dành cho các nữ sinh Pháp và người Việt hay người Hoa giàu có học. Sau năm 1975 một số tên trường Trung Học công łập ở Sài Gòn bị đổi tên.

Trường Marie Curie cũng bị đổi tên (5) nhưng được phục hồi lại tên cũ vào năm 1997.

Tài năng của bà Marie Curie và sự ngưỡng mộ mà nhân dân thế giới dành cho bà không có biên cương. Dù vậy đời bà cũng bị chi phối bởi định luật bất phân ly giữa THIÊN TÀI và SỰ CÔ ĐÒN (Le Génie et la Solitude). Ông Pierre Curie mất năm 1906 sau 11 năm chung sống với bà. Bà sống trong cảnh góa bụa ở tuổi 39.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
___________

Chú Thich:
(1) Bà Marie Curie là người Ba Lan nhập Pháp tịch chớ không phải là người Pháp bẩm sinh.

(2) Giải thưởng Nobel bắt đầu năm 1901. Hai năm sau Marie Curie và chồng bà đoạt giải Nobel về Vật Lý. Lúc ấy bà mới 36 tuổi.

(3) Cajun hay Cadgin, Cadien xuất phát từ chữ Acadien của tiếng Pháp phát âm nhanh làm mất vần A nên trở thành Cadien rồi phát âm trại thành Cajun. Acadien (Pháp) hay Acadian (tiếng Anh) chỉ người Pháp ở Acadie (La Cadie) tức miển duyên hải đông bắc Canada nơi được xem là thuộc địa đầu tiên của Pháp ở Bắc Mỹ. Năm 1713 Pháp nhượng Acadia cho Anh theo tinh thần hiệp ước Utrecht.

(4) Dưới thời Pháp thuộc ở Sài Gòn có trường Trung Học dành cho học sinh người Pháp như trường Chasseloup Laubat (trường nam) và Marie Curie (trường nữ). Học sinh Việt Nam hay người Hoa học ở các trường Pháp nầy thường là những người xuất thân từ những gia đình giàu có và có thế lực. Cũng có một số ít học sinh Việt Nam xuất sắc được đậu vào hai trường này. Hai trường dành cho học sinh bản xứ ở Sài Gòn là trường Pétrus Ký (nam sinh) và trường Gia Long (trường Áo Tim- nữ sinh).

(5) Trường Marie Curie được đồi thành trường Mạc Thị Bưởi. Mãi đến năm 1997 tên cũ mới được phục hồi.

No comments:

Blog Archive