Wednesday, August 25, 2021

QUÁN PHỞ BÌNH VÀ CHIẾC VÒNG “KIM CÔ” LỊCH SỬ...

FB Nguyen Anh-Vu
Quán phở Bình nằm ở đoạn đầu đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) gần giáp đường Hai Bà Trưng là một trong những quán phở lâu đời của đất Sài Gòn. Tôi đi ngang qua quán này trong suốt nhiều năm mà chưa một lần bước vào, dù biết rằng đã khá nhiều bài báo viết về nó. Chẳng qua là vì tôi ngán cái bảng hiệu nền đỏ chói, một ngôi sao vàng to tổ bố choán hơn nửa diện tích bảng hiệu với hàng chữ Phở Bình cũng màu vàng.

Có lẽ nhiều người cũng ngán cái ngôi sao vàng bự chảng đó như tôi, nên chẳng mấy khi thấy đông thực khách, lúc nào quán cũng mang một vẻ hiu quạnh, dù khu vực đó gần chợ Tân Định, nổi tiếng của giới nhà giàu, và việc buôn bán sầm uất bậc nhất Sài Gòn.

Báo Thanh Niên hôm 8-3-2020 đăng bài viết của tác giả Lê Công Sơn về quán phở “trứ danh” này với tựa đề “Khi chủ nhà muốn trả lại bằng xếp hạng di tích”. Theo đó, ông chủ tiệm phở là Ngô Văn Lập bị bệnh nan y, không có tiền chữa trị; căn nhà lầu ngay mặt tiền để bán phở kiếm sống, bên trong chứa ba gia đình với 16 người chật chội tù túng, không thể ngọ nguậy hay cựa quậy gì được. Vì sao thế? Vì nó phải mang vác cái danh xưng “di tích quốc gia” nên chủ nhà không được phép xây sửa, sang nhượng, cầm cố, cũng không thể sắp xếp đồ đạc hay dẹp bỏ đám “hiện vật di tích cách mạng” đang chiếm trọn một tầng. Thậm chí không thể làm chủ quyền nhà hợp pháp như mọi căn nhà khác.

Thông thường có một mặt tiền đẹp như vậy tại Sài Gòn người ta có thể sống thoải mái, dư dả khi dùng nó làm nơi kinh doanh hoặc cho mướn để người khác tự kinh doanh. Phở Bình có lẽ cũng chẳng ngon đến độ lôi kéo đông đảo thực khách đến, để họ vừa được thưởng thức tô phở ngon vừa có cảm giác ngồi giữa một “di tích lịch sử”. Nếu không, ông chủ đã chẳng phải nghèo đến độ không có tiền chữa bệnh? Cũng có thể do chủ nhà suốt ngày cứ phải làm hướng dẫn viên không lương bất đắc dĩ, để tiếp hết đoàn khách này đến đoàn khách khác hòng giới thiệu niềm tự hào lịch sử, nên không chú tâm vào việc kinh doanh. Hoặc do cách bài trí quán phở kiểu di tích này là “phản phong thủy” nên việc làm ăn ngóc đầu lên không nổi…

Trong số hàng trăm bài báo viết về quán phở Bình, có bài viết rằng tờ báo Los Angeles Times từng gọi phở Bình là “phở Việt Cộng”, lý do đây chính là nơi trú ẩn của tổ chức Việt Cộng F100, từng là nơi phát xuất ra trận đánh Mậu Thân 1968. Các Việt Cộng núp trong nhà đã chỉ huy đặc công đi ném bom mìn, tấn công các cơ sở quan trọng nhất Sài Gòn như Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, Đại sứ quán Hoa Kỳ… Những ngày cận tết Mậu Thân, trên lầu chứa hơn 100 cán binh Việt Cộng để chuẩn bị cho một cuộc khủng bố kinh hoàng nhất trong cuộc chiến Việt Nam.

Ngay hôm sau trận đánh mở màn Mậu Thân, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã xác định được quán phở này chính là một sào huyệt quan trọng của Việt Cộng, nên đã vây ráp và bắt đi vài chục cán bộ Việt Cộng chỉ huy trận đánh. Chủ nhà khi đó là ông Ngô Toại, bố ông Ngô Văn Lập, cũng bị bắt giam đến năm 1973 thì được thả theo kế hoạch trao đổi tù binh.

Trở lại bài báo Thanh Niên dẫn trên, ông Ngô Văn Lập còn đủ trong tay bằng khoán điền thổ, chứng từ mua bán năm 1967 với giá tiền tương đương 3.600 lượng vàng (khoảng 158 tỷ VNĐ hiện nay). Do không thể chen chúc sống nghèo khổ chật chội như vậy được, ông Lập đã nhiều lần xin phép được hoán đổi căn nhà khác hoặc đề nghị nhà nước trưng mua theo giá thị trường. Cách đây hơn hai năm, chính quyền quận 3 cũng đề nghị chính quyền thành phố mua lại căn nhà với giá 30 tỷ. Tuy nhiên với các quy định mới về nhà ở, cũng như nhà di tích thì nhà của ông Lập cũng lâm vào bế tắc, không ai giải quyết hay giải thoát cho “gia đình cách mạng trung kiên” khỏi đeo mãi chiếc vòng kim cô “lịch sử” này cả.

Bị dồn vào đường cùng, tại lá đơn kêu nài thứ 10 đề ngày 20-2-2020, ông Lập quyết định: “Gia đình tôi sẽ trả lại bằng di tích lịch sử cấp quốc gia cho nhà nước để tự lo liệu cho cuộc sống, vì chúng tôi không đủ kiên nhẫn chờ đợi trong sự bế tắc nhiều năm qua”. Nhưng dù có giận dỗi đòi trả lại vinh dự mà nhà nước đã ban tặng cũng không dễ. Theo một chuyên viên Sở Văn hóa mà Thanh Niên trích dẫn cho biết “đây là một trường hợp chưa có tiền lệ. Muốn trả lại bằng chứng nhận di tích cấp quốc gia thì cơ quan ra quyết định cấp bằng đó phải ký hủy với các lý do dễ thuyết phục mới đúng thủ tục. Đằng này bán nhà di tích để có tiền chữa bệnh thì… độc nhất vô nhị”. Vì thế có lẽ ông Ngô Văn Lập cứ phải bình tĩnh chờ đợi nhà nước tiếp tục “cứu xét”. Nhà đó vẫn là nhà ông, có phải là nhà của nhà nước đâu mà vội.

Tôi thì hy vọng rằng, ông Lập cứ xé quách cái quyết định di tích lịch sử đi, đồng thời đập bỏ cái bảng hiệu có ngôi sao vàng to tổ bố chẳng giống ai, rồi cho thuê mặt tiền để người khác kinh doanh những thứ bổ ích và sinh lợi. Chắc chắn ông sẽ có tiền chữa bệnh, có tiền thuê một chỗ khác sống cho thoải mái cuộc đời. Giữ mãi cái vòng kim cô làm gì!

No comments:

Blog Archive