Định luật con cua
Những người từng đi mò cua bắt ốc đều biết rằng, nếu như bỏ một con cua vào trong giỏ tre, thì cần phải đậy nắp giỏ lại, nếu không con cua sẽ bò ra ngoài.
Nhưng nếu câu được thêm mấy con cho vào trong giỏ, thì bạn không cần phải đậy nắp giỏ lại nữa, lúc này cho dù con cua có vùng vẫy kiểu gì cũng không thể bò ra ngoài được. Tại sao lại như vậy?
Bởi vì khi có trên hai con cua ở bên trong cái giỏ tre, mỗi một con đều tranh giành bò về phía lối ra. Khi một con cua bò đến miệng của chiếc giỏ tre, những con cua còn lại sẽ dùng cái càng của chúng để kẹp chặt con cua đó, sau đó kéo nó xuống phía dưới cùng.
Những con cua trong giỏ cứ tuần hoàn như vậy liên tục, cuối cùng không có một con cua nào có thể tẩu thoát thành công. Đây chính là “định luật con cua” nổi tiếng.
Định luật con cua chính là: Bản thân mình sống không hạnh phúc, trong cuộc sống có nhiều điều không được như ý, vậy thì cũng muốn nhìn thấy người khác sống không hạnh phúc. Nếu như bản thân không thể trèo lên trên cao, vậy thì cũng phải kéo người khác xuống, để người khác cũng không thể trèo lên phía trên.
Người ở tầng lớp xã hội càng thấp thì lại càng thích so đo, đố kỵ, bởi vì bản thân không tốt đẹp, nên cũng không muốn người khác tốt đẹp.
Những người đó sẽ không muốn nhìn thấy người khác có cuộc sống tốt hơn mình, vì vậy nhất định sẽ tìm mọi cách để “vượt lên” người khác, để thỏa mãn sự yếu đuối và tâm hư vinh của chính mình.
Những người như vậy, càng sống càng làm hẹp con đường phía trước của mình mà thôi, chính là tự rước họa vào thân mình vậy.
Sự đố kỵ như lưỡi dao, không chỉ hại người mà hại cả chính bản thân mình
Có một câu chuyện như thế này:
Có một người đàn ông thường ngày rất hòa thuận với hàng xóm của mình, nhưng có một lần, vì một chút chuyện nhỏ mà anh ta và hàng xóm của mình đã xảy ra tranh chấp, từ đó đôi bên bắt đầu trở nên có khoảng cách.
Một hôm, anh ta gặp được một vị Thần tiên, Thần tiên kéo anh ta ra một góc và nói với anh ta rằng:
“Cậu có điều ước gì đều có thể nói ra, ta sẽ giúp cậu được thỏa mãn, nhưng bất luận cậu ước điều ước gì, người hàng xóm của cậu đều sẽ nhận được gấp đôi”.
Người đàn ông này nghe xong, trong lòng thầm suy nghĩ: “Nếu như mình muốn có một căn nhà, hàng xóm của mình sẽ có được hai căn, nếu mình muốn có 100 triệu, hàng xóm của mình sẽ có được 200 triệu. Nếu cứ như vậy làm sao được, anh ta làm sao có thể sống tốt hơn mình được chứ!”
Nghĩ như vậy, anh ta liền vội vàng đưa ra điều ước của mình với Thần tiên: “Tôi muốn ngài làm hỏng một con mắt của tôi!”
Đố kỵ người khác có cuộc sống tốt hơn mình, luôn tìm cách để người khác không thể vượt lên, cuối cùng người bị tổn hại lại chính là bản thân mình. Người thật lòng muốn tốt cho người khác, cuối cùng rồi sẽ nhận được sự ban thưởng của vận mệnh, sẽ hiểu được thế nào là ý nghĩa của kiếp nhân sinh.
Tác thành cho người khác cũng chính là thành tựu cho chính mình
Có một câu tục ngữ: “Những người xuất sắc nâng đỡ nhau, những kẻ ngu xuẩn giẫm đạp lên nhau”.
Có một thanh niên hỏi Thượng Đế: “Thiên đường và địa ngục rốt cuộc có gì khác biệt?”
Thượng Đế mỉm cười không trả lời, sau đó dẫn người thanh niên đi tham quan một vòng ở hai chỗ khác nhau.
Khi đi tham quan địa ngục, bên trong địa ngục có một nhóm người đang ngồi vây quanh dưới một ánh sáng mờ nhạt, trong tay mỗi người đều cầm một chiếc muỗng dài, nhưng vì cái cán muỗng quá dài, cho dù trước mặt họ là một tô nước súp, nhưng vốn dĩ không có cách nào để dùng cái muỗng múc súp đưa vào miệng của mình. Họ chỉ có thể mở to mắt ra nhìn tay chân mình lóng ngóng mà thôi, đói đến mức gầy trơ xương, chỉ còn một hơi thở thoi thóp mà cũng không uống được một ngụm súp.
Còn trên thiên đường lại là một cảnh tượng hoàn toàn ngược lại.
Những người ở trên thiên đường cũng cầm trong tay một cái muỗng dài. Nhưng họ lại dùng chiếc muỗng dài đó múc nước súp đưa vào miệng của người đối diện, mỗi người đều được chia nước súp để uống. Vì vậy mà người nào người nấy ở trên thiên đường đều được ăn no, khuôn mặt hồng hào, vô cùng thỏa mãn và hạnh phúc.
Những người có trí tuệ đều hiểu được rằng “nâng đỡ” lẫn nhau mới chính là sự tác thành lớn nhất, không ai có thể tự cảm thấy thỏa mãn khi sống cô độc ở một hòn đảo hoang.
Giữa người với người nên có sự giúp đỡ qua lại, thì mới có thể có một lối đi thênh thang, rộng mở. Khi tác thành cho người khác, ky` thực cũng là đang thành tựu chính mình. Bởi vậy mới nói, người luôn có tâm đố kỵ, chuyện gì cũng không muốn người khác được tốt đẹp chính là một người bất hạnh. Người có tâm địa lương thiện, luôn biết giúp đỡ người khác, vui bởi cái vui của người khác, thì chính là bậc trí giả.
Trong cuộc sống, mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ có thể buông bỏ được những đố kỵ ganh ghét, so đo tính toán, tác thành cho người khác nhiều hơn, để cuộc sống của mỗi chúng ta luôn ngập tràn yêu thương.
Nguồn: Alobuowang
Lan Hòa
No comments:
Post a Comment