David Miller phỏng vấn thầy Hằng Thật (Heng Sure) 2005-
Phần(1)- Thầy Hằng Thật là trụ trì Tu viện PG Berkeley, một chi nhánh của Tổng Hội PG Hoa Kỳ, do HT Tuyên Hóa thành lập. Đọc để biết thêm về cuộc hành hương Tam Bộ Nhất bái của Thầy vào 1977.
Nếu bạn dạo quanh tu viện Berkeley, nơi Thầy Hằng Thật đang trụ trì, có thể Thầy sẽ mời bạn ngồi uống trà và đàm luận về mọi chuyện, từ Kinh sách Phật giáo Trung Hoa cổ điển, cho đến những cái hay- không hay của hệ Macintosh mới ra đời. Trước khi kịp nhận ra, bạn đã nói chuyện suốt 2 giờ rồi.
Thật khó tin là Thầy Hằng Thật, lớn lên ở Ohio trong gia đình đạo Tin Lành gốc Tô-Cách và Ái-Nhĩ-Lan, thầy đổi sang đạo Phật trong thập niên 60s khi học ĐH Berkeley. Là người thích nói, mà Thầy từng suốt sáu năm không hề nói một lời. Thầy đã phát nguyện tịnh khẩu năm 1977, sau khi thọ giới Tỳ Kheo.
Trong thời gian đó, Thầy cũng bắt đầu chuyến bái hương gian nan dài 2 năm rưỡi, từ Los Angeles đến Vạn Phật Thánh Thành ở Talamage, Ukiah, cùng với một người bạn đồng tu. Suốt dọc đường, Thầy bái lạy, cứ "ba bước một lạy".
1. David Miller: Theo truyền thống PG Trung Hoa, thì chư Tăng Ni đều có pháp danh sau khi thọ giới. Thường, pháp danh được đặt ra để giúp người tu sĩ tinh tấn trên đường tâm linh. Pháp danh của Thầy có ý nghĩa gì?
-Hằng Thật: Pháp danh Heng Sure nghĩa là “luôn luôn thật”. Trước khi xuất gia, tôi làm trong ngành sân khấu nghệ thuật. Là diễn viên kịch, giá trị của bạn nằm ở chỗ miêu tả được ảo tưởng trong vở kịch hay ho đến mức nào. Thói quen xấu của tôi là vẫn duy trì lối sống ảo tưởng ấy vào đời sống thực của mình. Pháp danh đó là để nhắc nhở luôn trở về với sự thật, với những gì chân thật.
2. David Miller: Thầy từng đóng những vai gì?
-Hằng Thật: Tôi ở trong ban kịch mùa hè, phần nhiều là nhạc kịch Broadway. Tôi thủ vai Guy Masterson trong vở nhạc kịch "Guys and Dolls”, vai J. Piermont Finch trong vở “How to succeed in business” và vai Mr. Applegate trong “Damn Yankees”.
3. David Miller: Quả là sự chuyển tiếp rất lớn, từ sân khấu nhạc kịch sang tu viện Phật Giáo. Thầy có cảm tưởng gì về cuộc sống quá khứ của mình?
-Hằng Thật: Ông biết đấy, kịch trường là rất vui và thú vị. Tôi vẫn còn nhớ tất cả bài hát nhạc kịch và rất nhiều lời ca khác nữa. Nhưng tôi đã sống đời xuất gia lâu hơn thời tại gia rồi. Cho nên, mặc dù tin là sự giải trí có chỗ đứng riêng, nhưng theo tôi, cũng cần đến lúc dành thời gian nhìn sâu hơn vào mọi sự.
4. David Miller: Bằng cách nào Thầy khám phá ra Phật giáo? Tôi đoán là chẳng có nhiều Phật tử tại Toledo, Ohio, nơi Thầy lớn lên vào thập niên 50s và 60s, phải không?
-Hằng Thật: Chìa khóa con đường tâm linh của tôi, bước ngoặc lớn, chính là ngôn ngữ Trung Hoa. Dì của tôi (chị mẹ) làm tại Sở Thông tin Hoa Kỳ (US Information Agency) ở Hoa Thịnh Đốn, chuyên về tin tức Á Châu. Một hôm, bà gửi cho tôi cuốn sách về những họa phẩm Trung Hoa, lúc đó tôi mới 13 tuổi. Những chữ Hoa trong sách có cái gì đó thu hút sự chú ý của tôi. Điều đó – tôi không biết đúng không – giống như tôi đã thấy qua từ trước rồi.
5. David Miller: Thế là Thầy bắt đầu học tiếng Hoa?
-Hằng Thật: Vâng, tôi may mắn là đã học tiếng Hoa thời Trung Học. Đó là một trong ba chương trình ngoại ngữ ở Mỹ hồi đó. Ba mẹ tôi - thật cám ơn họ - đã đồng ý ngay và bảo : -“Con cứ học đi để nới rộng tầm nhìn”. Và tôi theo đuổi con đường ấy, ngay cả ỡ đại học. Tôi đã đậu thạc sĩ Ngôn Ngữ Đông Phương (Oriental Languages) ở Berkeley. Lúc đó, tôi gặp Sư Phụ, Hòa Thượng Tuyên Hóa.
6. David Miller: Thầy đã gặp Ngài Tuyên Hóa như thế nào?
-Hằng Thật: Một người bạn cũ -cùng trọ học với tôi trước đây- đã dời sang California và gặp Hòa Thượng Tuyên Hóa tại Tu Viện Kim Sơn, vốn là xưởng làm nệm cũ trong khu Mission District.
Một hôm, anh ấy điện thoại cho tôi và nói rằng: -“Này, còn nhớ có lần chúng ta bảo nhau sẽ đi tìm một vị Tổ Sư Phật giáo khong?”. Hồi đó, chúng tôi thường mơ gặp vị thầy như vậy ở Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas), có thể là ở vùng Rishikesh bên Ấn Độ, hay Nam Dương (Indonesia). Và bạn ấy tiếp: “Không cần đi. Ngài ở ngay San Francisco này. Anh hãy đến đây để gặp Phương Trượng”.
Thế là tôi lái chiếc xe Volvo qua cầu Bay Bridge, rồi đi thẳng vào toà nhà cũ kỹ ờ góc đường 15 và Valencia. Tôi đã có một kinh nghiệm rất khác thường.
7. David Miller: Chuyện gì đã xảy ra vậy?
-Hằng Thật: Hồi đó, tôi đang học năm thứ hai chương trình cao học và chiến tranh Việt Nam đang bùng nổ dữ dội. Tôi tự hỏi: “Muốn làm giáo sư đại học chăng? Không! Khô khan quá! Hay là làm ca sĩ dân ca? Không! Quá mạo hiểm, quá bẩn. Hay là sang Gia Nã Đại ở? Không! Làm vậy không đúng”. Tôi cứ suy nghĩ mãi về mấy chuyện này.
Nhưng khi bước vào cửa tu viện, ngửi thấy không khí mát lạnh, nghe tiếng chuông vang và cảm thấy sự tĩnh lặng ở đấy, mọi thứ đang quay cuồng trong đầu tôi bỗng dưng tan biến. Mọi nghi ngờ, sợ hãi tuột xuống và biến mất qua đầu ngón chân. Tôi nghe rõ ràng có tiếng ai nói nhỏ nhẹ: “Con đã trở về. Con về đây. Con đã về nhà”.
8. David Miller: Thế là Thầy bắt đầu học với HT Tuyên Hóa tại Tu viện này. Ngài đã dạy Thầy những gì?
-Hằng Thật: Hòa Thượng là người Mãn Châu, một nhà sư Phật giáo chân chính, hành trì chánh pháp. Ngài không phải là loại: “Chúng ta thực hành thiền bởi vì thiền tô điểm thêm cho cuộc đời của ta”. Ngài dạy tôi nền tảng đạo đức: "Làm người cũng quan trọng như tu tập. Làm người tốt chính là khởi đầu việc tu hành". Ngài dạy tôi về Khổng tử, nhiều như về Đức Phật. Một điều mà Ngài tiêm sâu vào cốt tủy tôi, là tầm quan trọng của giáo dục. Tôi đã đi học liên tục suốt 18 năm trời, nhưng không hề lưu tâm đến đời sống tâm linh. Khi gặp HT Tuyên Hóa, tôi thấy ngay sự ham thích học hỏi của Ngài. Ngài luôn hoan hỷ quan sát tâm của những người trẻ đang học hỏi kiến thức và đang phát triển. Một niềm vui thuần tịnh.
9. David Miller Bây giờ hãy nói về chuyến hành hương mà Thầy đã thực hiện ngay sau khi trở thành Tỳ Kheo, vào 1977. Suốt hai năm rưỡi, Thầy đã cùng người bạn đồng tu đi từ Los Angeles- dọc theo bờ biển California, cứ ba bước lại lạy một lạy. Đây thật là một khó khăn ngoài sức tưởng tượng.
-Hằng Thật: Đúng rồi. Lễ lạy thôi cũng đủ khó. Nhưng khó nhất là phải im lặng, không nói chuyện. Tôi đã phát nguyện 'tịnh khẩu trong 6 năm/ (bắt đầu từ cuộc hành hương).
10. David Miller: Vậy, điều gì khó nhất khi tịnh khẩu lâu như vậy?
-Hằng Thật: Khó nhất là phải kiên nhẫn, theo dõi những lúc tâm mình "muốn" nói chuyện. Con người được cấu tạo để giao tiếp. Một trong những niềm vui của con người là khả năng nói chuyện. Vì vậy, khi phải ngậm miệng, không nói chuyện, cái ý 'muốn nói' không hề giảm bớt, trong một thời gian khá lâu.
Có lúc, tôi thấy cả tuần, tôi đã không nghĩ ra được một từ nào. Lúc đó, cuốn kinh Phật tôi đeo sau lưng –cuốn kinh mà tôi lễ lạy– tự nhiên hiển hiện sống động. Rất lạ, khi tâm trở nên thật tĩnh lặng, những câu kinh Phật, tự nhiên trở thành lời bình giải những gì tôi thấy nơi thế giới bên ngoài. Tôi khám phá ra điều rất lạ là đầu óc chúng ta được cấu tạo để giao tiếp một cách rất tinh vi và mãnh liệt với thế giới bên ngoài. Thế nhưng, khi chúng ta quay về với nội tâm, tất cả những điều đó đều nằm yên.
11. David Miller: Nếu Thầy phải tịnh khẩu, thì làm sao liên lạc được trong khi đi đường?
-Hằng Thật: Tôi không cần phải nói, vì vị đi cùng đã lãnh phần nói chuyện. Việc của tôi là chỉ chú ý vào tâm mình thôi.
12. David Miller: Thế thì, tại sao Thầy phải đi hành hương?
-Hằng Thật: Tôi quyết định rằng, nếu có thể chuyển hóa được tham, sân, si của mình qua cuộc hành trình đi bộ, giữ giới tịnh khẩu và lễ lạy, thì có thể tôi sẽ làm được 1 điều gì đó khiến cho thế giới an bình hơn. Tôi sẽ bắt đầu từ cái phần thế giới bất an trong tôi, có thể kiểm soát Khẩu và Ý của tôi. Như vậy, cuộc hành hương này là vì hòa bình thế giới, nhưng bắt đầu từ Tâm tôi.
13. David Miller: Ý Thầy muốn nói là: Bằng việc kiểm soát được hành vi của mình, Thầy đang đẩy mạnh nền hòa bình thế giới một cách tượng trưng à?
-Hằng Thật: Thật ra, nó có ý nghĩa nhiều hơn là 'tượng trưng'. Ông nên biết, tôi đã hoạt động chính trị khá nhiều khi là sinh viên. Tôi đã chứng kiến những người bạn bị cảnh sát Chicago đánh bể đầu tại Đại Hội Đảng Dân Chủ. Khi tôi còn ở trung học, Tiến sĩ Martin Luther King bị ám sát và Robert Kennedy bị giết. Cho nên, là một sinh viên cao học lúc đó, tôi cố gắng tìm ra những điều có ý nghĩa trong thế gian này, cần làm gì và phản ứng thế nào trước thời cuộc. Tôi nghĩ rằng: “Câu trả lời truyền thống của đạo Phật là phải hành xử từ bên trong. Phải bắt đầu từ cái Tâm chính mình. "Tất cả do Tâm tạo - Nhất thiết duy Tâm tạo” là một thành ngữ (Phật giáo). Nếu tôi có thể hiểu rõ sự mê mờ của mình, tôi sẽ thấy ra cái chân thật. Đó không phải là đóng kịch, không phải chỉ là vung tay chống lại nhóm tài phiệt, quân phiệt. Cũng không phải là bỏ học đi hút sì ke ma tuý. Thực ra, câu trả lời là: tìm đến nguồn gốc của vấn đề, đó là cái Tham, Sân, Si nơi tôi.
14. David Miller: Đi hành hương như vậy, Thầy thấy sao? Thầy đã gặp những kiểu người nào?
-Hằng Thật: Chúng tôi đã gặp đủ kiểu người, mà anh có thể tưởng tượng. Có nhiều người biểu lộ hành vi tử tế và rộng lượng. Nhưng cũng có những người không tử tế. Chúng tôi đã bị chĩa súng vào đầu ba lần.
15. David Miller: Người ta chĩa súng vào đầu Thầy? Họ định ăn cướp hay sao?
-Hằng Thật: Không. Chúng tôi có bị cướp năm, sáu lần, nhưng không lần nào bị chĩa súng hết. Một vài người thích chĩa súng vào chúng tôi, không hiểu tại sao. Marty, vị tu sĩ đi cùng tôi nói với họ: “Xin chào. Chúng tôi là hai nhà sư Phật giáo đi hành hương cầu cho thế giới hòa bình. Bạn có muốn đọc vài tờ rơi (bố cáo) không?” Không hiểu sao, họ chĩa súng nhưng không bao giờ bóp cò cả. Tuy nhiên, phần lớn những người chúng tôi gặp, đều tự động giúp đở.
16. David Miller: Xin Thầy cho thí dụ cụ thể.
-Hằng Thật: Một hôm, đi qua vùng Santa Cruz. Trời còn sớm lắm. Khi tôi lạy và đứng dậy, có một bé gái chừng 10 tuổi đi chiếc xe đạp trờ tới. Cô bé mang gói đồ và nói: “Ông ơi, đây là bánh mì kẹp của cháu. Cháu nghĩ ông sẽ cần đến cái bánh này, nếu ông còn đi suốt, tận đằng kia. Ông cầm lấy đi!”. Những cuộc gặp gỡ tốt như thế xảy ra nhiều hơn, so với những trường hợp thù nghịch.
17. David Miller: Thầy có bao giờ thực sự bị nguy hiểm không?
-Hằng Thật – Có một lần, gần vùng San Luis Obispo, các em nhỏ (trung học) cứ tan học là nhất quyết đến làm phiền chúng tôi, bằng các xe tải nhỏ của chúng. Chúng làm bụi đất và đá sỏi bay mù trời, che phủ chúng tôi. Thật là đáng sợ, bởi vì có biết các em là ai đâu. Tôi đành chấp nhận, bởi vì tôi cho mình là vị sư đang làm chuyện lễ lạy, đang kiểm soát Tâm mình. Nhưng ít lâu sau, như vài tuần sau đó, tôi lại nghĩ: “Trời ơi, bây giờ là 4 giờ. Còn chừng một tiếng để lễ bái, thì chúng lại đang đến kia kìa".
Một buổi chiều, tôi thấy các em và mấy chiếc xe hơi, xe tải nhỏ tại bải đậu xe. Thế là, tôi bắt đầu tụng Chú Đại Bi. Thực ra, tôi đang nghĩ: “Xin Bồ Tát đến đánh chúng, xin bảo vệ con”. Bỗng nhiên, mở mắt ra, tôi thấy Sư Phụ-HT Tuyên Hóa, đang đứng đó trên bãi đậu xe, chân đi dép...
18. David Miller: Ồ, Ngài Tuyên Hóa đến làm gì vậy?
-Hằng Thật: Tôi nghĩ là Ngài đã lái xe từ San Francisco xuống. Dầu sao, Ngài cười với tôi, rồi bước tới những chiếc xe tải của tụi nhỏ, bắt đầu nói chuyện với chúng. Lũ trẻ nhộn nhịp hẳn lên khi có một ông- trông như sư phụ chùa Thiếu-Lâm trong phim, đến nói chuyện. Ngài cho chúng những chuỗi hạt thì phải và chúng biếu Ngài chai Coke. Sau đó, tôi mới nhận thức rằng tôi đã dùng Chú Đại Bi làm thứ vũ khí. Tôi đã tự coi mình là nạn nhân. Tôi đã không tập trung vào công việc của tu sĩ. Có điều lạ là, sự chỉ dạy của Sư Phụ bao giờ cũng đến đúng lúc. Chiều hôm ấy, Ngài bảo tôi: “Đó không phải là từ bi (tụng chú Đại Bi cầu Bồ Tát đánh bọn trẻ)”. Ngày hôm sau, tôi đang bái lạy, bọn trẻ lại kéo đến. Lần này, chúng chỉ đậu xe và nhìn ngắm. Lát sau, tôi nghe một đứa nói: “Chúc các Thầy may mắn. Thầy vẫn thật kỳ lạ, nhưng thôi, chúc các Thầy may mắn”.
19. David Miller: Thầy ngủ ở đâu? Có đến ngủ tại nhà người dân không?
- Hằng Thật: Thực ra, chúng tôi đã nguyện không vào ngủ nhà ai hết trong suốt gần 3 năm đó. Chúng tôi có chiếc xe hơi Plymouth Station wagon đời 1957, để ngủ qua đêm. Xe này chứa các thứ như ảnh Phật, kinh Phật và xoong chảo để nấu nướng.
20. David Miller: Hai Thầy ăn gì?
-Hằng Thật: Phần nhiều là rau cỏ dại mọc ven đường. Chúng tôi có bản sao cuốn sách của Euell Gibbons “Stalking the Wild Asparagus” (nói về măng dại). Một thầy giáo dạy sinh học tại Santa Babara cho chúng tôi cuốn sách này, có lẽ vì sợ chúng tôi không biết phân biệt thứ nào ăn được. thứ nào không.
21. David Miller: Thầy đã học được các điều chính yếu gì trên hành trình đó?
-Hằng Thật: Tôi đã học hỏi rất nhiều về Ý nghiệp. Tôi thấy như bị kẹt vào các trò lừa đão của tâm trí. Tôi học hỏi nhiều về bản thân, về những nhận thức mà tôi đã có được từ cha mẹ, từ TV, từ bạn bè. Tôi thấy rõ kích thước của tri giác. Tôi thấy giới hạn hiểu biết của mình về phải trái, về chính mình và về tha nhân. Tất cả những điều đó là do Tâm mình tạo ra. Mà những thứ đó đâu phải là toàn thể Bản Tâm. Kinh Phật ví nhận thức này như những bong bóng trên mặt biển. Tâm Thật là biển cả. Bằng cách lễ lạy, bằng cách tịnh khẩu, tôi đã từ từ lặn sâu hơn xuống biển cả. Vùng nước đó rất, rất sâu.
22. David Miller: Thầy có muốn lặn sâu xuống biển cả nữa không? Ý tôi là Thầy lại muốn đi hành hương "tam bộ nhất bái" nữa không?
-Hằng Thật: Việc đó cũng giống như khảo sát hang động vậy. Khi hành thiền, ông đi sâu vào tâm mình và đánh dấu điểm dừng. Rồi ông quay ra ngoài. Hôm khác, ông vào lại và đánh dấu thêm lần nữa. Tôi không biết là có đi hành hương nữa không, nhưng tôi vẫn thực hành thiền, vẫn lễ lạy hàng ngày. Như vậy, có thể nói là tôi vẫn "hành hương". Phải mất rất nhiều kiếp mới xuống tận đáy biển. Nào ai biết được là sẽ mất bao lâu?
23. David Miller: Thỉnh thoảng, có người phê phán cuộc sống tu hành là chạy trốn. Họ cho rằng sống trong tu viện là cách để không quan tâm đến thế giới bên ngoài nửa. Thầy nghĩ thế nào?
-Hằng Thật: Điều đó hẳn là định kiến chung, nhưng tôi cho đó là sai. Bất cứ ai- đã từng sống trong tu viện- đều sẽ cho ông biết rằng: không có nơi nào ông có thể thoát khỏi thế giới được cả.
24. David Miller: Tại sao không?
-Hằng Thật: Trong tu viện, thực sự không có chỗ nào để trốn tránh cả. Không có TV, sách báo hay đồ chơi... Không có cả tủ đựng thuốc men. Trên căn bản, chỉ có cái Tâm để ta đối diện mà thôi.
Hãy so sánh tu viện với cái phòng khách của gia đình bình thường xem. Trung bình, người ta mở TV, chơi computer sáu giờ rưỡi/ một ngày. Đó là chạy trốn, tránh né đấy. Hãy nghĩ đến tỷ lệ % người cần đến thuốc an thần để sống qua ngày và ngủ được ban đêm. Bao nhiêu đứa trẻ đang xài Ritalin (một loại an thần)? Có bao nhiêu thì giờ dành cho mua sắm, ăn nhậu?
Những ai chỉ trích đời sống tu viện, có lẽ chẳng bao giờ dành thời gian cho cái Tâm của mình. Nếu có, họ sẽ khám phá rằng không thể chạy trốn đi đâu được hết. Tất cả mọi thứ trong Tâm đang chờ ta tham cứu. Một khi ngồi xuống thiền và chìm trong tỉnh lặng, tất cả kỷ niệm, đau khổ, lo âu, hy vọng, sợ hải lại khởi lên. Như vậy, tu viện là chỗ cuối cùng khi muốn tránh né những điều đó. Tu viện chẳng có gì để đánh lạc hướng bạn cả, chỉ có những điều bạn đã quên- không nhìn đến từ lâu, đó là những gì trong đầu của bạn.
No comments:
Post a Comment