Monday, July 26, 2021

GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG BÀ

Vợ chồng bà ly dị tính ra cũng hơn mười năm. Ly dị, không phải vì hạnh phúc gia đình bị vùi dập trong những cơn sóng gió, mà chỉ vì cả hai muốn tìm chút thú vị cho cuộc đời.

Thời gian mới đến Mỹ, hai vợ chồng bà đi làm lương ba cọc ba đồng, tháng nào cũng chật vật, thiếu thốn. Vì ngoài những khoản chi tiêu cho gia đình, gồm hai vợ chồng và hai đứa con, ông bà lại còn phải gửi tiền về Việt Nam hàng tháng cho cha mẹ hai bên. Gần hai năm trời, thời khóa biểu hàng ngày của bà đều đặn không thay đổi, sáng đi làm, chiều về nhà nấu ăn, cuối tuần đi chợ, giặt giũ quần áo… chẳng đi chơi, chẳng biết đâu là đâu. Chị Năm hàng xóm nghe bà than thân, trách phận mới nhỏ to chỉ dẫn. Thì ra, ở đất Mỹ này, nếu biết mánh mung cũng hưởng được nhiều khoản "quyền lợi". Tối hôm đó, bà nhận được cú điện thoại "giúp đỡ" của chị Hiểu:

-Tôi sẽ giúp chị xin được nhà theo chương trình Housing, và cả tiền Foodstamp nữa.

Bà còn lớ ngớ chưa biết nói năng gì, chị bồi thêm:
-Có điều kiện, tội gì không hưởng!

Ngập ngừng một lúc, bà nói nhỏ như sợ có ai nghe thấy:
-Vợ chồng tôi đi làm có lãnh lương đàng hoàng, làm sao có điều kiện mà hưởng.

Chị Hiểu xăn xái cướp lời:
-Lo gì chuyện đó. Phải làm được tôi mới nói. Miễn là tôi biểu gì, chị làm nấy thì chuyện gì cũng xong. Bảo đảm, một năm chị dư gần chục ngàn, bỏ túi xài chơi.

Bà bàng hoàng khi nghe đến số tiền khổng lồ -đối với bà lúc đó- nên chăm chú lắng nghe chị chỉ vẽ.

Suốt đêm đó bà trằn trọc không ngủ được. Vừa thích, vừa lo. Nửa muốn, nửa không. Bà dựng ông dậy vào giữa khuya để bàn bạc. Nói là bàn chứ mọi sự bà muốn ông phải thuận theo ý muốn của bà. Chỉ cần có người gật đầu, để bà yên tâm là mình có đồng minh. Ông thở hắt ra, quấn mình trong chăn, giọng ngái ngủ:
-Ối! bà muốn làm gì thì làm, tôi có cản nổi bà đâu mà bày đặt hỏi.

Vậy là theo "kế hoạch" bà thi hành, sau khi chạy đôn, chạy đáo, mượn một số tiền "khá bộn" để trà nước cho chị Hiểu. Việc trước tiên, bà nghỉ việc ở hãng, rồi xin vào làm ở một shop may. Tiền lương thì bà nằn nì chủ shop trả một nửa tiền mặt, một nửa check. Bước kế tiếp, hai vợ chồng bà ký tên vào đơn ly dị. Chưa đầy một năm thì bà mướn được căn nhà nhỏ ba phòng mà không tốn xu nào.

Thời gian đầu ông còn thận trọng việc đi về, vì sợ hàng xóm để ý, nhưng sau đó thì đâu vào đấy êm xuôi. Bà sung sướng vẽ ra một bản kế hoạch chi tiêu. Hàng tháng, bà chỉ xài phân nửa tiền lương của ông, cộng với tiền foodstamp. Phân nửa còn lại và tiền lương của bà được cất kỹ ở một nơi bí mật. Tính ra, dư cả ngàn một tháng chứ đâu ít. Hạnh phúc đời bà cứ tăng dần theo số tiền trong "hộp saving". Ông thì đặng chẳng mừng, mất chẳng lo. Cứ mỗi lần nghe bà báo cáo con số, ông lại trề môi, nhíu mũi:

-Tiền nhiều thì hưởng được gì? Có bao giờ được đi chơi hay ăn nhà hàng đâu. Lần nào bạn bè mời dự tiệc, bà cũng viện cớ từ chối, vì sợ phải tốn tiền quà cáp. Có bao nhiêu tiền đi nữa tôi cũng là cái thằng đói suốt đời, đói đủ mọi thứ.

Lòng bà đang tràn ngập niềm vui, nên dù ông có đay nghiến bà cũng không giận. Đứa con gái lớn, mới mười bốn tuổi cũng a dua theo ba nó, lên giọng dạy đời:

-Ba má làm chuyện kỳ cục. Mỗi lần người quen hỏi, ủa ba má mày ly dị từ hồi nào, con xấu hổ gần chết.

Thằng con út đi qua đi lại, cái mặt nghênh nghênh,chì chiết:
-Người lớn mà nói dối … vậy mà biểu con phải thiệt thà.

Bà cười bao dung, không chấp nhất bọn trẻ. Thế mới biết, khi người ta cảm thấy hạnh phúc thì tâm hồn cởi mở hơn, chẳng để ý làm gì đến những chuyện nhỏ nhặt xung quanh.

***
Ba năm sau, chị Năm hàng xóm -cũng là chị Năm thân ái- thủ thỉ với bà:
-Bà muốn có mười mấy ngàn bỏ túi không?

Bà tròn mắt:
-Giỡn chơi hoài, không lẽ ai có dư tiền, rồi không biết làm gì, kiếm tôi cho không?

Chị Năm nhìn bà, nói với giọng "hình sự":
-Thiệt đó, bà để ổng về Việt Nam cưới con nhỏ cháu chồng tôi đem qua đây, lấy mười hai ngàn nhẹ nhàng.

Bà giật nẩy mình, nhìn chị hàng xóm chầm chập:
-Bà nói gì kỳ vậy… còn tôi … bỏ ở đâu?

Chị Năm cười ngặt nghẽo, khoát tay lia lịa:
-Hổng phải …. cưới giả thôi mà. Chuyện vầy nè ….

…. Vậy là vợ chồng bà được hai vé máy bay về Việt Nam "free". Sau đó là một bao thư dầy cộm những tờ giấy một trăm đô la trong đó. Tiền trong "hộp saving" lại cao vun lên. Bà cảm thấy hạnh phúc vô vàn. Đã cố tình dấu kín, vậy mà không hiểu sao đứa con gái cũng biết. Nó vùng vằng nói với bà:
-Hết biết ba má rồi. Má đó nghe, cứ giả… rồi có ngày thiệt cho coi!

Bà cười hệch hạc:
-Ối! có mất mát gì đâu mà sợ. Chờ đủ ba năm thì ba bây làm giấy ly dị là xong. Ba năm… lâu la gì con ơi!

Thật vậy, ba năm bay qua cái vèo. Mọi chuyện trót lọt êm xuôi. Ông chồng của bà cũng mỗi ngày đi đi, về về, tối leo lên giường, nằm cạnh bà ngáy ro ro.

Một năm sau, vào buổi sáng đẹp trời, chị Năm lại sang thỏ thẻ:
-Kỳ này, mười lăm ngàn đó …. làm một chuyến nữa đi.

Bà mừng rơn, nhưng cũng làm bộ:-Thôi! làm hoài… ngán quá. Rủi đổ bể, chết cả đám chị ơi!

-Làm sao bể được. Bà dấu kín, người ta còn kín hơn bà nữa. Đừng sợ, bà cẩn thận một, người ta cẩn thận mười. Ngon gần chết, bỏ uổng.

Bà quay ngược lại hỏi:-Ùa! ngon sao chị không biểu anh Năm làm đi ?

Chị Năm cười nhẹ:-Thì … tôi thấy … sẵn ổng với bà ly dị rồi …

-Thôi, lần này chị với anh Năm làm đi… kiếm tiền xài chơi.

Chị hàng xóm trở giọng nghe bắt ghét:-Đời nào ông nhà tôi chịu làm chuyện đó.

Bà bực mình nên trả lời nhát gừng:-Để tôi tính lại!

Đêm đó, bà chờ đến nửa khuya, khi mọi người yên giấc mới nhẹ nhàng lôi chiếc hộp ra đếm tới, đếm lui. Ôi! những tờ giấy bạc sao mà thơm ngát, hấp dẫn quá chừng. Để coi, mười lăm ngàn nữa là bao nhiêu hén. Trời! nhiều dữ vậy sao? Có nằm mơ, bà cũng không nghĩ rằng có ngày mình cầm được trong tay một số tiền lớn như thế. Đứng lên, ngồi xuống, lăn qua trở lại cả đêm, cuối cùng, bà lắc vai ông, ngọt ngào nói:
-Làm chuyến chót đi ông để kiếm tiền dưỡng già.

-Ừa !! ừa!!!

Bà hân hoan dẫn ông về Việt Nam "cưới vợ" lần thứ hai giữa sự chống đối và bất mãn của hai đứa con.

-Bọn bây còn nhỏ, ăn chưa no lo chưa tới, không biết tính toán chuyện lâu dài thì để tao lo, đừng nói tới, nói lui mệt lắm.

Thời gian trôi, rồi ba năm lại qua nữa. Ông ký tên lên tờ giấy ly dị thêm một lần nữa giữa tiếng thở phào nhẹ nhõm của bà. Tiền thì cũng ham lắm, nhưng trong lòng bà cũng thấp thỏm lo âu, lỡ có chuyện gì bất trắc, chắc là khó yên với ba cha con nó.

Thật sự, lúc bấy giờ bà có thể chọn cho mình một cuộc sống thanh thản, nếu bà muốn. Vì con cái đã lớn, học hành đâu ra đó, tiền chìm cũng rủng rỉnh đầy hộp, chồng thì hiền lành, dễ sai dễ bảo, chuyện gì cũng OK tuốt. Nhưng bà vẫn còn mê đôla, nên suốt ngày gò lưng trên bàn máy để kiếm tiền.Thấy bạn bè làm nghề may đều đổi sang dũa móng tay, lượm tiền như lượm lá, bà ham quá đỗi. Ngặt nỗi, cái đầu bà nhất định không chấp nhận. Nó phản đối dữ dội mỗi khi bà tiếp xúc với mùi hóa chất. Nó hành hạ bà bằng những cơn nhức đầu như búa bổ. Bà đành phải dẹp mộng làm nail để trở về shop may đếm bạc cắc.

Một năm nữa lại sắp hết. Sau khi bị layoff, ông tìm việc mãi không được, nên đành phải lên tận Fort Worth, nhận đỡ công việc mà ông không hề thích, đã vậy còn làm ca ba. Qua hai tháng, chịu hết nổi, ông mướn apartment ở, cuối tuần mới về nhà. Bà và hai đứa nhỏ đề nghị ông tìm job khác gần hơn, chứ tiền lương đâu có bao nhiêu mà chia năm, xẻ bảy. Nói gì thì nói ông vẫn giữ vững lập trường. Đúng là già sinh tật cứng đầu. Bà giận lẫy bỏ lơ, không thèm nói nữa. Riết rồi hai tuần, ba tuần ông mới về một lần, nhưng bà cũng chẳng buồn hỏi han. Ai không cần đây, thì đây cũng chẳng cần đó. Quan niệm sống của bà xưa nay là vậy mà, đời nào bà chịu xuống nước năn nỉ ai.

Một hôm, bà đi chợ Việt Nam Plaza thì gặp người bạn cũ. Lâu ngày mới có dịp hàn huyên tâm sự, bà mời bạn qua tiệm phở kế bên, vừa ăn vừa nói chuyện. Chợt bạn bà hỏi nhỏ:
-Con nhỏ cháu ở Việt Nam mới qua ở chung với chị hả?

-Cháu nào?

Bà ngạc nhiên hỏi ngược lại.
-Thì con nhỏ bữa hôm ảnh dắt đi sắm đồ trong Outlet Mall đó.

Bà hồ nghi nên hỏi tới. Thì ra, cách đây khoảng một tháng, vợ chồng chị bạn gặp ông đưa một cô gái đi sắm quần áo, và được giới thiệu là cháu của ông. Nhìn sắc mặt của bà, người bạn biết chuyện chẳng lành, nên nhẹ nhàng khuyên nhủ:

-Chuyện đâu còn có đó. Từ từ theo dõi, tìm hiểu coi ra sao, đừng ồn ào quá, mất mặt cả đám, mà mình lại bị thiệt thòi nữa. Đàn ông bây giờ ghê gớm lắm, nhất là từ hồi có cái vụ về Việt Nam cưới vợ, họ trở mặt với mình như không.

Bà về trở nhà bằng cái xác không hồn. Gọi con gái, bà khóc ồ ồ trên điện thoại. Một chặp sau nó trở về, không nói câu nào mà nhìn bà chầm chập. Bà lảng tránh ánh mắt của nó, như tránh câu hỏi gay gắt đang thầm gửi đến bà "Đó! con nói rồi mà má không nghe, giả riết rồi có ngày thành thiệt". Bà vừa khóc rấm rứt, vừa nói:

-Ngày mai, con chở má đi tìm con nhỏ đó.

-Rồi má định làm gì?

-Chưa biết. Nhưng gì thì gì má cũng phải làm cho ra lẽ.

Con gái ôm vai bà:
-Má ráng bình tĩnh. Trên giấy tờ ba má đã ly dị rồi, má có làm gì cũng không được đâu. Từ từ nói chuyện tình cảm với ba.

Bà ngã lăn xuống giường. Bây giờ, nhắm mắt lại bà không còn thấy những đồng đôla màu xanh óng ánh nữa mà là hình ảnh một đứa con gái đỏng đa, đỏng đảnh giựt chồng bà.

***
Đứa con gái đứng trước mặt bà mặc chiếc váy cao, lộ đôi chân thon trắng muốt, hai tay khoanh trước ngực. Đôi mắt sắc lẻm của nó đậu trên khuôn mặt thanh tú. Dù trong lòng có muốn tặng nó mấy tô acid, bà vẫn phải công nhận nó rất đẹp. Nghe bà tự giới thiệu, nó vẫn thản nhiên hất mặt:
-Bác muốn chờ anh Nhàn hả? Ra ngoài sân ngồi chờ đi.

Bà nhào tới, gào vào mặt nó:-Cái thứ mất nết ….

Bao nhiêu danh từ xấu xa bà gán hết cho nó. Đứa con gái cười nửa miệng, vừa quay lưng, vừa nói:

-Bác nên nhớ, tôi là vợ có giấy tờ của anh Nhàn. Bác lộn xộn tôi kêu cảnh sát đó.

Cánh cửa đóng rầm một cái. Thiệt tình, bà muốn vặn họng nó. Thứ đồ con nít, mặt búng ra sữa mà dám gọi chồng bà bằng anh. Bà xấn tới, đưa tay đập cửa thì bị ghì chặt lại với tiếng kêu "Đừng Má!" như ngăn cấm. Bà tức giận, giật mạnh cánh tay, ngồi bệt xuống đất, ôm lồng ngực có trái tim đang đau nhói. Con gái kéo bà ra xe.

Trên đường về, bà khóc tấm tức. Bây giờ, bà mới vỡ lẽ ra tại sao ông chọn công việc xa nhà. Nhớ lại hồi năm ngoái, bạn bà kể, có thấy ông trong một nhà hàng sang trọng ở Việt Nam nhưng bà không tin. Thì ra, ông lén lút về Việt Nam để làm đám cưới và bảo lãnh con nhỏ này qua đây. Bao lâu nay, ông có đem về cho bà cắc nào đâu. Bà vặn hỏi thì hai đứa nhỏ cằn nhằn, ba ở một mình hao tốn lắm, lương ba sợ còn không đủ, làm gì có tiền dư mà má đòi. Không ngờ ông lại gian lận. Thôi chết! Chết thiệt rồi. Nhiều lần ông hù dọa bà phải đem tiền bỏ vào "safety box" ở ngân hàng, vì bọn cướp bây giờ hay cướp nhà Việt Nam. Bọn nó biết người mình thường giữ tiền mặt trong nhà, nên tra khảo tới chừng nào lòi tiền ra mới thôi. Để tiền ở nhà, không mất tiền thì cũng mất mạng.

Bà bảo đứa con gái chạy gấp tới ngân hàng…

Bà ngã quỵ xuống đất. Tay chân bủn rủn khi thấy trong hộp chỉ còn một xấp tiền xẹp lép dưới đáy. Về đến nhà, bà chụp điện thoại, run run bấm số. Vừa có tiếng a-lô, bà gào lên, vừa chửi rủa, vừa hạch hỏi:
-…Tại sao ông lường gạt tôi? Đồ tráo trở, gian manh!

Giọng ông cũng từ tốn như hồi nào:
-Bà bình tĩnh đi. Nếu muốn nói chuyện đàng hoàng thì đừng dùng những chữ khó nghe.

Bà nuốt ực nỗi uất ức trong lòng:
-Tôi hỏi ông, tại sao ông cả gan lấy tiền của tôi cho gái.

Ông cười khẩy:
-Tôi nói rõ cho bà biết, tiền tôi lấy là tiền của tôi, chứ không phải của bà. Bà bán tôi đến hai lần rồi bà không nhớ sao? Bà có thú vui đếm tiền thì tôi cũng thú vui của riêng tôi. Bao nhiêu năm sống với bà, tôi hưởng được cái gì? Ngoài tiền ra bà đâu cần biết đến chồng. Muốn chửi người khác thì hãy tự xét mình trước đi.

Tiếng máy dằn cái cụp vang lên khô khan. Trời ơi! ai dạy dỗ mà ông nặng nhẹ bà một cách trơn tru vậy chớ. Ngoài cái con chằn tinh gấu ngựa đó còn ai nữa. Tuổi nó chỉ xấp xỉ con gái bà mà cái mặt của nó lõi đời. Qua đây chưa bao lâu mà nó dám chọi tay đôi với bà thì đâu phải hiền lành. Không lẽ bà thua nó? Bà chưa nghĩ ra cách đối phó thì con gái đã cao giọng can ngăn:

-Má đừng tính chuyện gì nữa. Bây giờ, má chỉ có từ thua tới thua thôi. Con đã nói bao nhiêu lần mà má đâu có nghe.

Bà phang chiếc điện thoại đang cầm trên tay vào ngực con gái.Vừa khóc, vừa mắng:
-Đi đi cái đồ bất hiếu. Tao vô phúc quá mà. Chồng không ra gì, con cũng chẳng ra gì.

Bước ra cửa, nó còn nhẫn tâm quay lại, chua thêm một câu:
-Cũng là tại má thôi

Ngân Bình

No comments:

Blog Archive