New York City, Một Năm Sau…
01/07/2021
Nguyễn Q.
Đây là lần thứ ba qua New York sau lần phong tỏa tháng ba năm ngoái. Lần đầu, bị cấm vào sở hai tuần khi trở về. Lần thứ hai đở hơn vì đã chích hai mũi vaccine trước khi đi và lần nầy chắc không ai dòm ngó chi tới mình. Nhưng khổ nhất vẫn là phải đeo khẩu trang từ lúc rời nhà ra phi trường cho đến khi bước vào nhà bên đó, mười mấy tiếng đồng hồ. Trên máy bay, vừa mới kéo cái khẩu trang xuống để thở đã thấy người tiếp viên đứng bên cạnh ra dấu kéo lên. Không nghe lời họ không những có thể bị phạt tới hơn 15 ngàn đô-la mà còn bị còng tay, vào danh sách cấm bay, quá khổ!
Mấy tháng trước chỉ có vài ba người chờ taxi về Manhattan, không cần phải sắp hàng. Lần nầy, cả một hàng dài ngoằn ngoèo mà mấy phút mới có một chiếc taxi trờ tới, đến phiên mình thì mất hơn một giờ, đã quá nửa đêm.
New York City đang dần dần hồi sinh. Tháng Tám nầy sẽ có “home coming concert” ở Central Park để ăn mừng, nghe đâu có mời Simon và rất nhiều người tiếng tăm khác. Simon & Garfunkel đã trình diễn ở đây năm 1981 cho 400 ngàn người, nhưng lần nầy chỉ cho khoảng 60 ngàn người thôi, ai thích nghe Mrs. Robinson, Bridge Over Troubled Water… chắc phải tìm cách giữ chổ sớm. Tuần sau, 2021 Tribeca Film Festival phía ngoài Westfield Shopping Center, chỉ cách nhà hai mươi phút đi bộ, sẽ bắt đầu.
Ngoài đường đã thấy nhiều đoàn du khách, có người mang mask có nguời không, lẫn vẫn trước trụ sở của NY Stock Exchange hay đi quanh 911 Memorial.
Nhiều nhóm người đã tụ tập với nhau gần cầu Brooklyn tập yoga, đánh box, nhưng thành phố vẫn còn thưa thớt. Những xe bán thức ăn halal, sinh tố, không có ai sắp hàng giờ trưa, có lẽ nhiều người vẫn còn làm việc ở nhà hay mang thức ăn theo. Còn quá nhiều cơ sở thương mại vẫn cửa đóng then gài, có thể vĩnh viễn, nhưng nhiều tiệm ăn, quán cà phê… sống sót qua mùa dịch đã lục tục mở lại, nghe đâu được hơn 50% rồi, nhưng lại phải đối diện với một vấn đề khác: tìm không ra người làm việc. Nhân viên cũ không vội vàng trở lại mà nấn ná ở nhà tiếp tục lãnh trợ cấp thất nghiệp, chờ khi mức lương tối thiểu lên mười lăm đồng một giờ thêm tiền “thưởng” khi đi làm lại. Bên kia Thái-Bình-Dương, những người đầu bếp, hướng dẫn viên, nhân viên trên tàu…làm cho công ty du lịch của người bạn mình gặp ở Cambodia, Myanmar, Viet-Nam, rất thân tình vì sự nhã nhặn và tử tế của họ, sau một thời gian chờ đợi, mất hết hy vọng là nạn dịch sẽ qua mau để họ trở về làm việc, đã phải trở về vùng quê làm ruộng nuôi thân!
Ở đây, vật giá vốn đã đắt đỏ nay càng thêm đắt đỏ. Ghé qua một siêu thị nhỏ gần nhà tìm mua một ít nấm, dưa leo Nhật ở đây 4 đô-la một pound trong khi chợ HMart ở Orange County có khi chỉ khoảng 30 xu. Nhưng ngạc nhiên quá khi thấy chợ nầy có cả khoai mì (sắn) bằng giá ở bên nhà, đồng mấy một pound, chắc nhờ quí vị New Yorker chưa biết cái ngon của khoai mì luột có chút muối mè rắt lên hay bánh khoai mì, thế là lựa mua một củ đem về. Một ngày nào đó, nếu có ông chef ở một tiệm Michelin-star về Việt-Nam học được cái ngon của khoai mì, nấu bỏ lên menu, rồi mấy ông bà food critic của tờ New York Times viết bài đăng lên, chắc gì mình còn mua nổi khoai mì về ăn!
New York City là thành phố của những người liberal, không nhiều thì ít chính quyền phải để tâm vào phúc lợi của tầng lớp lao động, vì “lý tưởng” của họ hay mị dân kiếm phiếu? tùy mỗi người nhìn từ góc độ của riêng mình. Chỉ $30 cho một vé subway đi không giới hạn nguyên tuần. Áo quần không trả sales tax dưới một giới hạn nào đó. Tuy nhiên, giá nhà cửa, thuế nhà đất... vô cùng mắc mỏ.
Tháng trước, gởi email cho một người quen bên Nhật nhờ tìm thuê dùm một cái apartment nhỏ vài ba tháng ở Tokyo, để qua ở mùa thu và mùa đông khi cô Vy thuần tính. Đã đi Nhật mười lần nhưng vẫn mơ màng một ngày nào đó ngồi trong quán nước nhìn tuyết rơi bên ngoài ở Kyoto. Anh nầy hỏi thế thì budget bao nhiêu, mình nói khoảng hai ngàn đô-la được không, anh trả lời hai ngàn đô-la thì thuê được một lỗ hổng trên tường ở đây. Anh còn nói thêm, lấy giá tiền thuê nhà ở New York rồi nâng lên cao chút nữa. Chắc là mộng không thành rồi!
**
Chiều nay người con tổ chức buổi picnic ngoài park cho gia đình và bạn bè lúc 4 giờ chiều mà mình phải ra giữ chổ có hai cái bàn từ lúc 10 giờ sáng, bởi nguyên cả vùng nầy chỉ có cái park nầy là có 4 cái bàn. Bãi cỏ bên cạnh có một gia đình xin permit cho party sinh nhật, người làm catering đã đến sắp xếp bàn ghế, thức ăn, bong bóng từ sáng sớm, cạnh vài ba cặp ra nằm phơi nắng, đọc sách … an hưởng một ngày cuối tuần đẹp trời, nhàn hạ. Chẳng như ở bên nhà, đâu cũng có park mà không mấy ai thèm dùng. Chắc ăn uống trong nhà tiện lợi hơn, cần cái gì cũng có sẵn và không sợ dơ quần áo hàng hiệu mắc tiền. Lại vui hơn, ăn xong còn hát cho nhau nghe hay ngồi quanh trao đổi kiến thức, sôi nổi bàn luận về chuyện của những người không quen biết, không dính dáng gì tới đời mình!
Cái park nầy nằm cạnh sông Hudson, nhìn qua New Jersey, với vô số băng ghế xinh xắn dọc hai bên đường cây cối xanh mướt, vô cùng êm ả. Có thể thấy tượng Nữ Thần Tự Do ở đằng xa, nơi mà du khách nào đến đây cũng quay lưng chụp vài ba tấm hình trước khi đi China Town coi bán đồng hồ, túi xách giả và ghé tiệm Tàu ăn một tô mì.
Trong bữa cơm tối trước khi về lại chiều hôm sau, người con hỏi sẽ ra phi trường bằng cách nào. Đã gọi xe đến đón chưa, hay đi taxi, hay Uber? Nói không, sẽ kéo vali ra Fulton subway station cách nhà 4, 5 ngã đường, lấy train “A” ra phi trường, $2.75 cho 45 phút, rồi đón Airtrain tới ngay terminal, thêm $5 cho 10 phút, thế là xong. Cũng như hàng trăm ngàn người đi lại hằng ngay ở đây thôi, tại sao phải trả 7, 8 chục đô-la cho taxi hay Uber mà còn lo kẹt xe, trễ chuyến bay. Ai cũng phản đối, ngoài sự dè dặt về cô Vy chưa chịu đi còn chuyện kỳ thị, hành hung người Á Châu đang lây lan. Người con hỏi nếu ai ở trong nhà nầy kêu một chiếc Uber ra phi trường chắc mình sẽ khuyến khích, nhưng phần mình tại sao đi subway. Chuyện nầy cũng dễ hiểu thôi, cha mẹ nào mà chẳng vậy, nhất là cha mẹ Việt-Nam. Biết bao bà mẹ ăn chay nhưng vẫn nấu thịt cá cho con hằng ngay, có người con lại thắc mắc sao Mẹ lại chỉ thích ăn xương cá, hay ăn thịt thì chỉ cứ lựa đầu với cánh mà khen là ngon. Biết bao người Cha đi xe cũ nhưng muốn giúp con mua xe mới cho an toàn…
Mấy người nầy sinh ra, lớn lên, ăn học ở đây, lại có cha mẹ đi làm trả hết student loan, trợ giúp để đời sống dễ dàng hơn… còn mình, cha mất sớm, mẹ tảo tần, lớn lên quanh những người một nắng hai sương, vì thế mà bây giờ dù có cùng một điều kiện, ngồi ăn chung một bữa cơm, mỗi người mỗi cái nhìn, mỗi cách sống. Một cái almond croissant ở tiệm cà-phê mới mở cạnh nhà sáu đô-la rưỡi, thêm thuế và tip là 8 đồng. Người con nói it is okay mà mình không thấy okay chút nào. Không muốn “nuông chiều”, tập hư chính mình bằng cái croissant tám đồng dù không phải trã tiền. Tiền ai cũng là tiền.
Ai cũng kiếm tìm hạnh phúc cho đời mình, mà hạnh phúc là từ cảm xúc, và vì mỗi người có cảm xúc riêng nên không có cái “hạnh phúc” nào giống cái “hạnh phúc” nào. Mấy người nầy hiểu mình đang cố gắng sống đời mình như thế nào. Cố tránh gây phiền hà cho người khác. Cho dù nếu may mắn có phương tiện đi nữa cũng chỉ muốn chuyện giản dị, nhẹ nhàng, tỉnh thức, tránh xa xĩ, không phí phạm, không phải bận tâm về những điều không mang lại giá trị gì cho đời mình. Biết giảm cân là tốt cho sức khỏe mà cứ tiếp tục mua heo quay, thịt gà chiên dòn, bánh ngọt… về ăn thì làm sao mà giảm cân!
Dạo sau nầy, quay đâu cũng nghe nói tới việc sống tối giản, less is more, không biết để thức tỉnh sau đại họa cô Vy, hay chỉ là một phong trào đáp ứng cho một đời sống quá đỗi phức tạp phiền toái vì ôm giữ nhiều thứ quá...nhưng cũng chú tâm nghe để học hỏi. Những khoảng trống trong lòng không thể lấp đầy bằng của cải, tiện nghi vật chất. Chỉ là những miếng thuốc dán. Làm sao có thì giờ, sự tỉnh thức để suy ngẫm, mài dũa cái tâm của mình, biết đâu là hạnh phúc đích thực lâu dài. Cái mình “có” không phải là mình!
Nói tới sống tối giãn ai cũng nghĩ tới người Nhật, nhưng đã đến vài nhà người Nhật ở đây, cũng giống giống nhà mình! Không dễ ở một xã hội dư thừa vật chất, khuyến khích tiêu thụ. Sẽ cố gắng hơn để đừng biến căn nhà mình ở thành kho hàng và mình không trở thành người giữ kho cho Costco và Amazon.
Trước đây, thấy mấy người vào chợ chỉ mua một trái chuối hay một trái apple là lạ lắm, không hiểu. Mấy thứ chợ đang giảm giá thì phải mua thật nhiều để “tiết kiệm” mới khôn ngoan, mới biết cách dùng tiền chứ. Đã no nhưng cứ sẽ tiếp tục ăn vì bỏ thì “phí”, “tội trời”. Ăn không hết thì tìm người cho, hay có hư thì đem bỏ thùng rác thôi, có sao đâu. Rồi tìm chỗ cất giấu, thấy nhà càng ngày càng chật, tủ lạnh không lớn như lúc mới mua về, nhưng có biết chính đời mình mới ngày càng chật hẹp không? Ràng buộc đời mình cho những nhu cầu tự tạo mà quên một thế giới sống động để khám phá và trải nghiệm. Để rồi:
Ngày sẽ hết, tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu. (BG)
**
Tiết kiệm được sáu mươi đồng ra phi trường bằng subway chỉ là một lý do, còn có một lý do khác: thích đi lại bằng phương tiện công cộng để hòa lẫn với người địa phương, quan sát họ, nghe đủ mọi chuyện họ nói với nhau… để hiểu hơn nơi mình đang thăm viếng, vì thế mà thích NY, San Francisco, Boston và Nhật-bản…Những lần đi công chuyện cho sở, có cơ hội là leo lên xe bus thay vì taxi, dù là đi từ khách sạn về nơi hội họp mà công ty sẽ bồi hoàn tiền lại. Chắc mấy người trong phòng kế toán nghĩ mình điên khi thấy trong expense report mấy cái bus ticket hai đồng hai mươi lăm xu.
Nhưng rồi có người nói một câu làm mình tỉnh ngộ. Họ không muốn mình đi subway cũng là vì họ, để họ được an tâm! Ai cũng có nhu cầu làm điều tử tế, thể hiện tình thương. Vì thương người khác mà không muốn làm phiền họ, không muốn họ bận tâm về mình, tưởng thế là tốt, nhưng không, làm sao tốt bằng tạo cơ hội để những người mình thương thể hiện tình thương, lòng quan tâm. CHO đã khó mà BIẾT NHẬN còn khó hơn. Phải học hoài, phải tự nhắc nhở hoài.
Ngày hôm sau kéo vali ra cửa, thay vì quẹo phải để đến Fulton subway station thì đi thẳng ra đường Broadway đón chiếc taxi ra phi trường. Vào tới phòng đợi, text cho mọi người biết đã đến phi trường “bình yên”, nhưng không nói tới việc kẹt xe, nóng ruột sợ trễ máy bay… Chưa bao giờ thấy mình làm được một việc hay ho như thế. Gần bảy mươi đô-la, không đủ cho một bữa ăn trưa ở một tiệm ăn cao cấp ở đây, mà mang đến sự bình an cho nhiều người!
Rồi khi về tới nhà, sẽ mở dùng ngay cái máy đấm bóp Hypervolt Go, nghe rất tốt cho đầu gối bị đau, mà mọi người trong nhà mua cho đã mấy tuần vẫn còn trong hộp. Khi bị hỏi đến cứ quanh co trả lời hơi bận nhưng sắp dùng rồi vì vẫn không biết chắc nên giữ hay trã lại. Rồi sẽ chụp tấm hình mình đang dùng máy đó, gởi cho mọi người và nói cái máy nầy hay qua, mới dùng có mấy lần mà đầu gối đã bớt đau rất nhiều, đi đứng bình thường rồi.
**
Ngày thứ Bảy sau khi về lại nhà ra biến khi trời mới rạng sáng. Đã lâu lắm rồi không ra đây nghe tiếng sóng biển, nhìn trời xanh mây trắng. Thăm mấy con chim đậu một mình đơn lẻ trên thành cầu, ngơ ngác nhìn về chân trời xa đang hừng sáng. Theo dõi mấy đàn chim chạy đuổi theo sóng nước tìm mồi. Vài người đang mang wetsuit sửa soạn trượt nước, không quen biết nhưng cũng cười chào với nhau, chắc bởi họ đọc được sự ngưỡng mộ trong mắt mình nhìn. Rồi đi đến cuối cầu nơi nhiều người Việt Nam ra đây câu cá mỗi ngày, nói vài câu thăm hỏi bâng quơ và nghe họ kể chút chuyện riêng tư. Lần nầy ghé lại xem ai còn ai mất. Vẫn còn một anh thường đứng ở góc cầu mà có lần đem biếu một cặp găng tay vì trời lạnh quá, thấy tay anh tím ngắt, than con cái bên nầy kỳ quá, ngày Valentine nó đem con qua tấn cho mình trông coi để vợ chồng nó đi valentine với nhau, không cho mình đi valentine phần mình. Không thấy bà người Nam khi nào cũng mặc mấy lớp áo, vừa tử tế làm dùm mấy con cá nục bán cho mình vừa hành tội cô dâu. Bà có người con là bác-sĩ làm việc trên Seattle. Chỉ hai mẹ con nên rất gần gủi, thương mẹ, rồi nghe lời mẹ tìm lấy một người vợ Viêt-Nam. Khi lấy về rồi mới biết, bà than, nó như con quỹ, suốt ngày không động đến cái móng tay, hở ra là đi shopping mua sắm cho nó. Bà hối hận nhưng bó tay, vì thế mà ra đây hằng ngày cho đở buồn! Cũng không còn gặp ông nói giọng Nghệ, đã tám mươi mà có hàm răng trắng đều rất đẹp. Ông sinh sống nhiều năm bên Lào nên vừa móc mồi vừa hát thầm những bài hát tiếng Lào. Ông tiếc rẽ cho đất nước hiền hòa nầy, cho những người dân Lào vì tham cái lợi trước mắt mà bán đất thành thị cho thương lái Trung-Hoa, lấy tiền mua xe hơi về nông thôn sinh sống. Nay xe cộ, nhà cửa cần tu sửa mà tiền thì xài hết rồi, biết đi đâu.
Đây là một xã hội thu nhỏ, gần gủi, vừa sống động vui vẻ, vừa bình yên. Nghe cả tuần nầy biển động, không ai câu được một con cá nục nhưng rồi cũng ra đây hằng ngày để gặp nhau, để “giết thời giờ”. Ai cũng có niềm riêng, cần nói, cần giãi bày, cần được nghe, cần sự cảm thông….
Newport Pier
Chuyến đi nầy có quá nhiều chuyện vui, dù nhỏ nhặt. Hôm ở New York đi ra ngoài park chơi, về tới nhà mới biết cặp kính mát rớt mất đâu rồi. Tiếc rẽ vì cặp kính nầy mua của một công ty startup lúc ghé coi gian hàng đầu tiên của họ ở Miami. Người con nói cứ trở lại tìm, biết đâu. Làm sao mà tìm ra một cặp kính rớt đâu đó trên đường ở New York, gần hai dặm, có cả hàng ngàn người qua lại? Chuyện mò kim đáy bể, nhưng rồi cũng quay lại, như cái cớ để đi bộ thêm năm bảy ngàn step. Vừa bước vào park thì đã thấy cặp kính của mình nằm ngay ngắn trên một bức tường thấp! Ai nói chỉ có bên Nhật mình mới có thể “vô ưu” nếu để quên ví xách đâu đó, cứ về khách sạn vì những thứ mình mất đã chờ ở đó rồi.
Hôm picnic ở park, một bà da đen đứng tuổi lái xe rác ngang qua đưa cho mấy bao nylon đựng rác, mình hỏi có thể mời bà một ổ bánh mì Việt-nam, ít trái cây và nước uống được không, bà không từ chối mà nhã nhặn cám ơn và nói sẽ trở lại lấy khi xong việc, làm mình tưởng thật bỏ mọi thứ vào trong bao, chờ bà cho tới khi picnic xong không thấy bà trở lại. Một người làm nhân viên thu dọn ở park mà hành xử classy như thế, mình không thể sánh bằng!
Còn chuyện nầy nữa, LAX nay đã có người nhận hành lý ngoài lề đường. Mừng quá, kẹp tờ năm đồng trong cái boarding pass đưa cho anh lo việc cân hành lý để cám ơn anh trước - khác rất xa với những tờ đô-la kẹp trong passport ở phi-trường Tân Sơn Nhất hay Nội-Bài - Anh nói cái thùng đầu miễn phí nhưng thùng thứ hai phải trã $30. Đưa cho anh cái credit card. Cân xong và đẩy hai thùng đồ lên dây chuyền kéo đi, anh trã lại credit card và nói thùng thứ hai nầy cũng không tính tiền. Không biết có “đầu tư” nào mà lời được 600% trong vòng 15 phút, ngoài “đầu tư” lòng cám ơn chân thật.
**
Ngoài cửa nhà thờ Hòa Ninh, Đà Nẵng có căng một tấm bảng rất lớn, không kêu gọi phải đi nhà thờ mỗi tuần, đóng góp nhiều cho nhà thờ để được Chúa “trã công bội hậu”, mà nói “Cố gắng sống cho ra người tử tế”. Sống tử tế đâu phải dễ, phải cố gắng…
NYC
Tháng Sáu, 2021.
No comments:
Post a Comment