Wednesday, October 7, 2020

Chuyện vải vóc

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc tháng 5.1954. Gần một năm sau tôi ra đời. Mở mắt là bắt đầu chứng kiến công cuộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Khi dăm bảy tuổi, luôn nghe thày bu và người nhớn than cuộc sống cứ mỗi ngày một khó khăn, nghèo đói, thiếu thốn, vất vả. Đó là kết quả của chủ nghĩa xã hội nhưng không ai dám nói ra. Lúc rảnh rỗi chuyện trò, bu tôi đùa bảo, cả nhà chỉ mỗi ông Cào (tên tôi lúc bé, như bây giờ người ta gọi con bằng khoai tôm gạo na cún... cho dễ) là khổ nhất đói nhất rách nhất. Sau này tôi cũng chả mặc cảm gì, bởi tôi là con đẻ của chủ nghĩa xã hội.

Người dân miền Bắc suốt mấy chục năm coi sự thiếu thốn như một thứ định mệnh, chả khác gì kiếp trước chắc mình làm điều ác, mình là phú ông tàn bạo sống bằng mổ hôi nước mắt người lương thiện, nên kiếp này phải đền tội, phải chịu cảnh đời cơ hàn vất vả. Họ cắn răng chịu đựng và chờ được đến ngày thống nhất, tháng 4.1975. Không nói ra, nhưng người ta ai cũng mong mỏi một cuộc đổi đời, nhất là về vật chất.

Và rồi lòng ai nấy lâng lâng niềm hy vọng sẽ đổi đời, ít nhất thì tiếp cận được cuộc sống vật chất mà họ suốt bao năm không dám khao khát. Đó là khi họ nhìn dòng hàng hóa từ miền Nam chảy ngược ra Bắc. Cũng phải thôi, buổi giao thời, người ta, dù ở Nam hay Bắc, đang cần thứ mình thiếu, “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Chưa thấy cuốn sử chính thống nào dám ghi câu đúc kết đặc sắc ấy. Kể cả câu “Hoan hô Hồ Chí Minh, mua cái đinh cũng phải giấy. Đả đảo Thiệu - Kỳ, muốn cái gì cũng có”, người ta truyền tai nhau ngay sau khi bên thắng cuộc tràn vào Sài Gòn có mấy tháng, sau khi biến một cuộc sống sung túc đầy đủ vào đúng chuẩn đói nghèo.

Tôi chỉ dám biên kể ra đây những điều chính mình chứng kiến, mắt thấy tai nghe. Tất nhiên trong sự thực ngồn ngộn ấy, thứ mà mình biết chỉ như một vài nét khắc của lịch sử, của cuộc sống kéo dài mấy chục năm. Rồi sau này có những nhà tiểu thuyết trường thiên, họ sẽ ghi lại đầy đủ.

Với dân miền Bắc, kể cả một số cán bộ quèn, sự thiếu thốn đã thành điều quá bình thường nên ít khi cảm thấy thiếu. Nhưng giờ đây hết chiến tranh, tự dưng thấy thiếu ghê gớm, thiếu đủ mọi thứ. Đầu tiên là vải vóc. Sống thời bao cấp, người lớn mỗi năm chỉ được phân phối 4 mét vải, có năm chỉ 3 mét 6, nếu may bộ quần áo dài thì vừa đủ. Anh nào khá giả, chơi sang thì mua vải simili màu lông chuột (vải này do mấy nước Đông Âu viện trợ, nhà nước phân phối cho cán bộ là chính), còn không thì kaki Nam Định, tệ nữa là vải xanh chéo, để may quần. Đứa nào có quần si thì vênh lắm. Hàng kaki Trung Quốc cực hiếm. Còn áo, thì vải pô pơ lin (trong miền Nam gọi là ka tê) ngôi số 1, con gái thì chuộng va li de bởi nó mềm, nhẹ, ít nhăn, chỉ có điều hơi mỏng so với sự kín đáo lúc bấy giờ. Thế là diện lắm rồi. Đám sinh viên chúng tôi, tới năm 1976, tôi để ý thấy gần như không đứa nào có cùng lúc 2 cái áo mới. Chen nhau xếp hàng ở bách hóa Cửa Nam hoặc Hàng Bột mà mua được khúc pô pơ lin trắng, không khác gì lập nên kỳ tích. Hầu như chả mấy đứa có hơn 2 chiếc quần đùi. Áo may ô 3 lỗ là hàng hiếm. Khăn mùi xoa thường chỉ mấy tay chơi mới có, v.v.. Vì thế, khi dòng hàng miền Nam chảy ra Bắc, vải chiếm ngôi đầu bảng, hơn cả Honda, tivi, bởi nó thiết thực, gắn với từng người, hơn nhau tấm áo manh quần.

Sao miền Nam lắm vải thế. Đủ loại sang trọng, chả hạn đàn ông Bắc nhiều người lần đầu tiên biết được có thứ vải tên là ốc pho, tuýt xi, nhìn đã thấy mê. Tôi biết, có những con buôn đánh hàng bằng đường tàu biền Thống Nhất, chỉ đi mươi chuyến vải là đã có thể mua nhà. Trong khi vài nhà máy dệt lèo tèo ở miền Bắc như Nam Định, 8 tháng 3, Cự Doanh làm ăn cầm chừng, sản phẩm đơn điệu, hàng không đủ cho thương nghiệp bán phân phối, thì miền Nam có gần hai chục nhà máy dệt. Chỉ riêng ở 2 khu Thủ Đức và Tân Bình đã gần chục, đều công nghệ hiện đại, sản phẩm không thua gì của Âu-Mỹ. 

Vải chảy ra Bắc phần lớn từ kho sản phẩm của các nhà máy này được dệt trước ngày 30.4. Phe thắng cuộc về, các nhà máy dệt hoạt động thêm được ít tháng nữa rồi rơi vào cơn hấp hối. Dù có tạo ra vài trăm cô Trần Thị Bé Bảy (điển hình tiên tiến ngành dệt) thì các nhà máy dệt cũng không thoát khỏi cái chết được báo trước khi chúng bị quốc hữu hóa, làm ăn theo đúng bài bản mà đám Nam Định, Cự Doanh ở miền Bắc từng làm. Năm 1980, các thầy tôi ở miền Bắc vào dạy thỉnh giảng, khi trở ra bằng xe lửa, ngoài việc mua gom xà bông cây, khung xe đạp, mì chính, sữa hộp, mỗi thầy đóng một kiện vải đủ loại, vừa để làm quà quý cho vợ con, vừa tích cực tham gia thị trường. Giờ nhớ lại cảnh ấy, thương các thầy vô cùng.

Nhân chuyện vải, lẩn mẩn nhớ luôn một chi tiết liên quan tới quần áo. Thú thực, cho tới tận năm 1976, tôi vẫn chỉ biết ở chiếc quần tây của đàn ông, khi may chỗ moi quần (chỗ để mở ra đi… đái, nên gọi là moi, có lẽ đó là thứ tên gọi rất đời, muốn “ấy” thì phải moi ra), người ta may mấy cái cúc (khuy) thành hàng dọc. Rất bất tiện, nhất là lúc quá mót. Hành sự xong, lẩn mẩn cài khuy đóng cúc cũng mất mấy phút. Tới sau “giải phóng” mới biết ở trong Nam thợ may cho đám khuy cúc về hưu lâu rồi, chỉ dùng dây kéo (fermeture). Xoẹt cái, xong. Sao cái dây kéo thuận tiện thế mà ngoài Bắc không nghĩ ra nhỉ. 

Tới năm 1978, 1979, đời sống bắt đầu xuống dốc không phanh, nhất là khi người Hoa chạy vụ “nạn kiều”, ở Sài Gòn hình thành những chợ lạc xoong trên lề đường hoặc bãi đất trống. Nhiều lần tôi mò ra chợ lạc xoong ven chợ An Đông quận 5, thấy người ta bán cả từng chiếc dây kéo quần cũ, dài bằng gang tay. Chúng đều khá cũ kỹ bởi được tháo ra từ những chiếc quần rách. Quần thì loại bỏ bởi đã rách, nhưng dây kéo lại trở thành món hàng cho người miền Bắc vào thu gom. Thật không thể tưởng tượng nổi.

Nguyễn Thông

No comments:

Blog Archive