Saturday, October 31, 2020

Bài công dân giáo dục nhớ mãi trong đời

Tạm rời con Corona trong chốc lát ôn lại chút bạn cũ trường xưa, Sài Gòn yêu dấu.

Năm đó tôi mới chập chững bước vào ngưỡng cửa Trung học, lớp 6, trường Tân Định, Sài Gòn (bây giờ là trường Nguyễn Thái Sơn thì phải !). Ngoại trừ một số nhỏ các bạn có xe đạp, hầu hết số còn lại ở xa trường phải đi học bằng xe “LAM” (Lambros), loại xe ba bánh và khoảng 10 chỗ ngồi.

Xe Lam này chạy tuyến đường SàiGòn - Lăng Cha Cả theo lộ trình chính là đường Trương Minh Giảng, không chạy ngang trường. Mỗi ngày chúng tôi đón xe Lam đi đến góc Nguyễn Đình Chiểu phải xuống đi bộ dọc theo đường Nguyễn Đình Chiểu đến cuối đường gặp Hai Bà Trưng cắt ngang mới đến trường.

Con đường này rất đẹp và sang trọng, hai bên đều là những biệt thự kín cổng cao tường, tư gia của nhân viên sứ quán ngoại giao các nước. Và tôi phải thành thực thú nhận rằng, những căn biệt thự trên đọan đường đó đã là nạn nhân của không biết bao nhiêu trò phá phách của lũ học trò chúng tôi.

Có câu “Nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Mỗi ngày hai lần: giờ đi học và giờ tan trường, con đường với những villa sang trọng đó đáng lẽ phải được yên tĩnh an ninh thì trái lại, ồn vang, vì những trò nghịch ngợm quái quắc của đám học trò…Mặc cho nhà trường khuyến cáo, chúng tôi vẫn chứng nào tật ấy.

Sự nghiệp phá rối của chúng tôi không biết đến khi nào mới kết thúc nếu không có một ngày kia..

Vâng, ngày kia, trên đoạn đường này, một người Cảnh sát xuất hiện.

Anh vẫn còn rất trẻ, chỉ độ hai mươi mấy là cùng, chận chúng tôi trên đường và nói muốn nói chuyện. Một vài nhóm khác đi gần đó cũng được anh bảo như vậy, tổng cộng khoảng chục đứa. Tuy người Cảnh sát tươi cười và thân thiện, nhưng chúng tôi còn con nít thấy Cảnh sát đứa nào cũng sợ. Anh bảo đứng đó là cả bọn không dám cãi.

Một cách từ tốn, người Cảnh sát này phân giải cho chúng tôi thấy những hành động phá phách của chúng tôi bấy lâu nay. Anh nói hồi còn nhỏ đi học anh cũng nghịch ngợm và phá rối không thua gì mấy em nên anh thông cảm.

Tuy nhiên, quãng đường này hầu hết là người ngoại quốc. Họ ở một thời gian ngắn rồi sẽ về nước. Những người đó có cảm tình, có kính trọng nền văn hóa người Việt chúng ta hay không là qua những hình ảnh ghi nhận trên quãng đường này hằng ngày…

Người Cảnh sát nói nhiều lắm, nhưng tôi nhớ câu cuối cùng anh hỏi “Mấy em có muốn người ngoại quốc khi trở về nước nói rằng trẻ con Việt Nam là một lũ mất dạy, đi học chỉ phá làng phá xóm hay không ?”

Không một tiếng trả lời. Chúng tôi đứa nào đứa nấy đứng im nghe mấy lời phân giải của người Cảnh sát và cảm thấy ngượng ngùng.

Sau khi hỏi xong, anh bỏ đi để nói chuyện với các nhóm khác đang đi tới…

Khoảng một tuần sau, không cần nhà trường phải ra khuyến cáo gì cả, tình trạng phá phách trên đã giảm đi rất nhiều. Dĩ nhiên không thể hết hoàn toàn 100%. Vẫn còn đây đó chọc chó sủa, đập lá cây… nhưng chỉ là rải rác. Phần lớn học sinh chúng tôi đã ý thức được những gì mà người Cảnh sát đó đã khuyên nhủ.

Chúng tôi bắt đầu bước vào bậc Trung học. Danh dự Quốc gia, lòng tự hào Dân tộc đã từng được cha mẹ và thầy cô giảng dạy, nhưng chưa bao giờ cảm thấy thấm thía như lần được người Cảnh sát này khuyên bảo. Bài Công Dân Giáo Dục về lòng yêu nước năm xưa đó, luôn luôn nhớ mãi trong lòng.

ThaiNC

No comments:

Blog Archive