Saturday, October 17, 2020

Gái trẻ Israel mang súng ra đường: Đừng sợ, họ là quân nhân!

Kiến Thức

Theo quy định của Luật Quốc phòng Israel, ngay cả trong thời gian không làm nhiệm vụ, tất cả binh sĩ Israel đang tại ngũ và trong ngạch dự bị đều phải luôn mang theo súng bên mình. Đây chính là lý do trực tiếp khiến các cô gái Israel phải đeo súng trường khi đang mặc bikini.
Có lẽ trong phần lớn ấn tượng của mọi người, Mỹ là nơi kiểm soát súng lỏng lẻo nhất trong tất cả các quốc gia trên thế giới, nhưng mọi người thường bỏ qua tỷ lệ mang súng của người Israel. Ở hầu hết mọi nơi trên đất nước này, người ta đều có thể thấy người Israel với súng trường sau lưng “lắc lư đi dạo phố”, trong số đó có rất nhiều phụ nữ trẻ xinh đẹp. Trên thực tế, chuyện mang súng bên mình của các cô gái người Israel có những lý do riêng của họ. Ảnh: Các nữ binh sĩ Israel sát cánh cùng các nam đồng nghiệp đảm đương mọi nhiệm vụ trong quân đội.

Những cô gái Israel đang đeo súng này hầu như đều là những phụ nữ đang hoặc đã phục vụ trong quân đội thường trực Israel. Theo quy định của Luật Quốc phòng Israel, ngay cả trong thời gian không làm nhiệm vụ, tất cả binh sĩ Israel đang tại ngũ và trong ngạch dự bị đều phải luôn mang theo súng bên mình. Đây chính là lý do trực tiếp khiến các cô gái Israel phải đeo súng trường khi đang mặc bikini.

Súng trường gần như đã trở thành trang bị tiêu chuẩn của nữ quân nhân Israel. Trên mạng xã hội đầy các bức ảnh của các cô gái Israel chụp khoe bản thân, một bên với trang bị vũ khí đầy đủ và một bên là trong trang phục mát mẻ vào mùa hè. Có thể khi xem những tấm hình này, sẽ có người không hiểu: những cô gái này ăn mặc theo thể thống gì vậy? Làm sao có được sức chiến đấu khi chụp những bức ảnh như thế mỗi ngày? Mong các nhà chức trách Israel có liên quan hãy quản chặt họ...

Thực tế hoàn toàn ngược lại! Để thu hút nhiều phụ nữ trẻ tham gia quân đội, quân đội Israel đã khuyến khích các nữ quân nhân đang tại ngũ post những bức ảnh “mát mẻ nhất” lên các trang mạng xã hội để thể hiện bộ mặt tinh thần tốt đẹp của lực lượng quốc phòng Israel. Năm 2007, Lãnh sự quán Israel tại New York đã cho đăng 5 bức ảnh cực kỳ quyến rũ của các nữ quân nhân Israel trên tạp chí nam nổi tiếng Maxim của Mỹ, khiến dư luận dậy sóng...

Trên Internet, có những lời bình luận rằng “Gái Do Thái kỳ dị, không thích trang điểm thích súng ống”, nhưng vẻ đẹp quyến rũ của thân hình các cô gái Israel quả thật đã khiến cho giới mày râu đứng ngồi không yên. 

Vào ngày 18/8/1948, Thủ tướng Israel David Ben-Gurion đã ra lệnh tuyển dụng phụ nữ độc thân và phụ nữ có chồng mà chưa có con (sinh từ năm 1920 đến 1930) vào quân đội. Từ đó, phụ nữ Israel đã chính thức trở thành một bộ phận của quân đội thường trực Israel và dần dần phát triển, thực sự đã thành “một nửa bầu trời” trong quân đội.

Cho đến nay, lính nữ chiếm khoảng 34% tổng quân số quân đội thường trực và 57% số sĩ quan quân đội; có tới 92% vị trí trong quân đội mở cửa đối với phụ nữ Israel – đây là điều có một không hai trên toàn thế giới, không có ở bất cứ quốc gia nào khác. Tương tự, theo thống kê của Quân đội Quốc gia Israel, trong hơn nửa thế kỷ từ 1962 đến 2016, đã có 535 nữ binh sĩ Israel hy sinh trong các hoạt động chiến đấu (con số này không bao gồm hàng chục nữ quân nhân đã thiệt mạng trong quân đội Israel trước năm 1962).

Là một quốc gia nhỏ với dân số chỉ 8,5 triệu người, lãnh thổ chỉ rộng hơn 10.000 km2 và bị kẹp giữa một số nước Ả Rập thù địch, quốc phòng là nền tảng lập quốc của Israel. Kể từ khi thành lập đất nước vào năm 1948 đến nay, Israel đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh quy mô lớn và có tới mấy lần đứng bên bờ vực đất nước diệt vong. Điều này khiến người Israel rất coi trọng quân nhân.

Bản thân Israel có dân số ít, nên chỉ có thể thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Luật nghĩa vụ quân sự của Israel quy định tất cả công dân nam từ 18 đến 29 tuổi, công dân nữ trong độ tuổi từ 18 đến 24 đều phải tham gia quân đội thường trực, trừ những trường hợp đặc biệt. Công dân nam phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 3 năm và công dân nữ thì phục vụ quân đội 21 tháng. Ngoài ra, sau khi hết thời hạn phục vụ, tất cả quân nhân sẽ được chuyển đổi thành lính dự bị, trừ những trường hợp đặc biệt phải gia hạn thời gian phục vụ tại ngũ.

Có lẽ sẽ có người đặt câu hỏi, tại sao những người vẫn còn là trẻ em chỉ mới 18 tuổi, lại sẵn sàng tham gia quân đội? Điều này không tách rời khỏi việc giáo dục lòng yêu nước và giáo dục quốc phòng ở Israel. Từ khi bắt đầu vào bậc trung học (phổ thông cơ sở), mọi trẻ em Israel đều được nghiên cứu lịch sử phục quốc của người Do Thái rất chi tiết. Các em cũng sẽ bắt đầu học hỏi từ nhiều khía cạnh về việc dân tộc mình đã bị lưu lạc và phải chịu đựng những khổ nạn như thế nào. Trong quá trình này, trẻ em cũng đồng thời được học các môn học giáo dục quốc phòng có liên quan, như lịch sử chiến đấu của quân đội, kỷ luật quân đội và thậm chí cả chiến lược quân sự.

Khi các thanh niên Israel trở thành tân binh theo pháp lệnh quốc gia, có một hoạt động không thể thiếu là đến thăm Bức tường Than khóc và Đài tưởng niệm vụ thảm sát Holocaust ở Jerusalem. Các tân binh sẽ đến Bức tường Than khóc trong đội ngũ chỉnh tề và lắng nghe sĩ quan hướng dẫn kể về lịch sử đau thương người Do Thái không chốn nương thân suốt hai nghìn năm, thánh đường bị phá hủy và cả dân tộc phải lưu lạc khắp nơi. Nhờ hệ thống phòng thủ quốc gia hoàn chỉnh và nền giáo dục quốc phòng đã đi sâu vào lòng người dân mà Israel đã hình thành một mô thức chiến đấu “toàn dân đều là lính”.

Cả nước Israel được chia thành 14 khu vực động viên, mỗi khu vực có các điểm tập kết và kho vũ khí quân dụng. Mỗi khu vực có thể có một hoặc hai lữ đoàn quân dự bị. Sau khi bước vào thế kỷ 21, Quân đội Quốc gia Israel đã thiết lập các binh trạm trên khắp thế giới để chuẩn bị nếu cuộc xung đột với người Palestine leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn trên thế giới thì người Do Thái trên khắp nơi có thể tham gia chiến đấu được ngay. Với cách giáo dục như vậy, một dân tộc như vậy, kỷ luật như vậy, đã tạo nên một quân đội giống như sắt thép.

Vào ngày 6/10/1973, các quốc gia Ả Rập do Ai Cập, Syria đứng đầu và quân du kích Palestine nhân “Ngày lễ Rửa tội” của Do Thái giáo đã tiến hành một cuộc đột kích vào Israel. Quân đội Israel lúc đầu lâm vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có, thậm chí quân đội Ai Cập đã đuổi được người Israel ra khỏi bán đảo Sinai. Quân đội Ả Rập trên tất cả các mặt trận cũng đã phá vỡ tuyến phòng thủ của quân đội Israel. Mười lăm phút sau khi chiến tranh bùng nổ, Đài phát thanh Israel đã công bố các mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và thông báo qua điện thoại, điện báo, thư, đài phát thanh... yêu cầu tất cả các quân nhân ngạch dự bị ngay lập tức đến các địa điểm được chỉ định. Ảnh: Tổng thống Mỹ (giữa) và Thủ tướng Israel (trái), Tổng thống Ai Cập (phải) gặp nhau ký kết Hiệp ước hòa bình Trại David sau Chiến tranh Ngày lễ Rửa tội năm 1973

Trong vòng bốn mươi tám giờ sau khi chiến tranh bùng nổ, số lượng binh sĩ dự bị được huy động lên tới 330.000 và tổng binh lực đã trực tiếp tăng từ 120.000 trước chiến tranh lên 450.000 quân. Đồng thời, các nhà máy sản xuất ô tô và máy bay cũng nhanh chóng chuyển từ dân sự sang quân sự; các nhân viên kỹ thuật công trình và nhân viên sửa chữa cũng lần lượt đi ra tiền tuyến. Israel nhanh chóng đảo ngược cục diện chiến tranh và kết thúc chiến tranh với phần thắng chỉ sau 20 ngày. 

Sau chiến tranh, tổng thống Ai Cập đã bị áp lực chính trị trở thành nhà lãnh đạo Ả Rập đầu tiên đến Israel để ký “Hiệp ước trại David” với sự chắp nối của Hoa Kỳ - đó là kết quả chung cuộc của cuộc Chiến tranh Trung Đông lần thứ tư (Chiến tranh Ngày Rửa tội).

Hai ngàn năm trước, Masada, được coi là thánh địa của người Do Thái, đã bị người La Mã chiếm giữ và 960 người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong thành phố đã tự sát. Từ đó trở đi, dấu chân của người Do Thái biến mất khỏi Vùng Đất Hứa (Promised Land) và bắt đầu một cuộc lưu đày khắp thế giới trong hai ngàn năm. 

Hai ngàn năm sau, người Do Thái trên thế giới đã quay trở về vùng đất theo dấu chân của tổ tiên, ngay trước mắt của người Ả Rập và tạo lập nên bầu trời và mặt đất riêng.

Ý thức khủng hoảng, ý thức hoạn nạn, tinh thần dân tộc, giáo dục quốc phòng, v.v., chạy xuyên suốt lịch sử của dân tộc Do Thái, cùng với sự phát triển của nhà nước Israel. Các thế hệ thanh niên Israel, đặc biệt là phụ nữ trẻ, đã không quay lưng lại với doanh trại quân đội; giống như những người đàn ông, các nữ vệ binh Israel cũng lái máy bay, điều khiển xe tăng và chiến đấu với kẻ thù bằng chính thân mình.

Cuộc sống quân ngũ là tuổi trẻ của các cô gái Israel và tuổi trẻ của hầu hết những người trẻ tuổi ở Israel.

.

No comments:

Blog Archive