VẤN NẠN 1 - PHÂN HÓA CHÍNH TRỊ
Lời phi lộ: với tân TT đắc cử Donald Trump, những chông gai trước mặt, phải nói là nhiều vô kể và lớn vô vàn. Thẳng thắn mà nói, trong cái xứ Mỹ này, người dám ra tranh cử TT phải có rất nhiều đặc tính 'không giống ai'. Đó phải là người điếc nặng không sợ súng, có tham vọng cực lớn và có tự tin còn lớn hơn nữa, tự tin mình có dư thừa khả năng giải quyết tất cả mọi đại nạn quốc gia.
Tuần này và trong một số tuần tới, DĐTC sẽ bàn qua những vấn nạn khổng lồ, vĩ đại mà tân TT sẽ phải trực diện. Giải quyết như thế nào, thành công hay không, tới mức nào, là chuyện chỉ có tương lai mới có câu trả lời chính xác.
Tuần này, ta sẽ bắt đầu bằng đại nạn lớn nhất của nước Mỹ hiện nay: nạn phân hoá chính trị đang phá nát xứ này. Trong những bài kế tiếp, chúng ta sẽ có dịp bàn đến những đại nan đề lớn khác mà Mỹ đang phải trực diện, tất cả cho thấy dường như cuộc tranh cãi về Trump hay Kamala có vẻ như hơi vô ích vì những đại nạn của Mỹ hiển nhiên quá lớn, lớn hơn xa tầm tay của cả hai vị.
Nước Mỹ đã quá già, không ai có thể nói Mỹ đang trải qua cơn sốt 'vỡ da' của tuổi thành niên.
Nhưng hiển nhiên không kém, nước Mỹ đang trải qua thời kỳ lột xác, biến đổi một cách khó tưởng tượng nổi, đánh dấu bởi những thay đổi lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ. Cái may cho chúng ta là nước Mỹ đã được các Cha Già Lập Quốc xây dựng trên một nền tảng quá vững chắc, nên đã không phải trải qua những thay đổi, xáo trộn đẫm máu như Cách Mạnh 1789 của Pháp, Cách Mạng Tân Hợi 1911 của Tầu, hay Cách Mạng Bôn Sê Vích 1917 của Nga.
Dường như nước Mỹ, qua trên dưới 250 năm ngủ vùi trên một bản Hiến Pháp quá tuyệt vời, đã thức giấc và thấy dường như cái giường quá êm do các Cha Già thiết lập đã hết còn êm rồi, và đã đến lúc phải nghĩ tới chuyện đổi giường vì cái giường đó đã quá ọp ẹp.
Trong chính trường Mỹ, có một cặp vợ chồng hết sức lạ lùng, chồng là James Carville thuộc thành phần cấp tiến khùng điên nhất, từng là cố vấn cho TT Bill Clinton, vợ là Mary Matalin, thuộc thành phần bảo thủ kiên trì nhất, từng là cố vấn cho phó TT Dick Cheney. Hai người lấy nhau từ năm 1993, tới nay là 31 năm sống chung hòa bình. Trong suốt thời gian có cuộc chiến giữa Clinton và Bush, hai người vẫn sống với nhau trong nhà, trong khi ra trước báo chí thì choảng nhau ra trò, không ai 'phản đảng' xì bí mật đảng ta cho người phối ngẫu biết.
Vợ chồng khác quan điểm là chuyện bình thường, nhưng không phải lúc nào cũng sống với nhau êm ả được. Bà Kellyanne Conway là phụ tá đắc lực nhất nhì của TT Trump trong nhiệm kỳ đầu, trong khi chồng là George Conway là người chống Trump tới cùng, thành lập ra nhóm 'Dự Án Lincoln' -Project Lincoln- chỉ có một mục tiêu, đánh Trump chết bỏ. Hai vợ chồng lấy nhau năm 2001, tới 2023 thì ly dị khi bà vợ hợp tác chặt chẽ lại với Trump trong cuộc vận động tranh cử lần thứ nhì của Trump.
Nói về những chuyện trên để thấy tình trạng phân hóa chính trị đã leo thang tới mức không còn là những khác biệt quan điểm giữa đảng này đảng nọ, mà đã chen chân vào hầu như tất cả gia đình Mỹ. Ngay cả trong gia đình dân Việt tị nạn, chuyện khác biệt quan điểm chính trị cũng đang phá tan nhiều gia đình, khi vợ chồng suốt ngày cãi nhau, hay bố con không nhìn mặt nhau, anh em, bạn nối khố từ nhau, chiến hữu từng cùng nhau vào sinh ra tử trong một chiến hào, bây giờ đứng hai bên chiến tuyến nghịch nhau, thù ghét nhau còn hơn trước đây thù ghét VC.
Tình trạng phân hóa đã đi tới mức quá trớn, tới độ bất cứ chuyện gì ta nghĩ, ta nói, ta làm cũng đều hay, đều đúng, đều phải trong khi bất cứ người nào nghĩ khác, nói khác, làm khác đều sai. Dân Mỹ có mức văn hoá và dân trí nói chung khá cao, nên nếu có khác ý thì vẫn có thể tranh cãi, nhiều khi rất hăng, nhưng ít khi tuột dốc xuống mức chửi tục bẩn thỉu như ta thấy tràn lan trong hệ thống emails của cộng đồng Việt tị nạn. Trong khi dân Mỹ vẫn có thể tranh luận với nhau, thì trong cộng đồng tị nạn chúng ta, không còn chuyện tranh luận nghiêm chỉnh nào nữa mà chỉ còn chửi tục, hay nhẹ nhàng hơn, là chửi sảng, chửi xéo, cãi ngang, cải chầy, cãi cối, đưa bằng chứng phịa, dữ kiện ngụy tạo,... hay chụp nón cối lên đầu nhau. Hệ thống emails của cộng đồng đã biến thành hý trường, nơi biểu diễn văn chương thơ phú tục tằn bẩn thỉu nhất mà kẻ này nhiều khi muốn độn thổ khi lỡ đọc, hay tin phịa lố bịch nhất. Chuyện vớ vẩn như Trump phất cờ VC trong 3 giây đồng hồ cùng với Nguyễn Xuân Phúc phất cờ Mỹ đã trở thành đề tài chống Trump tuy phịa nhưng lại có vẻ giá trị nhất, tới độ phải tung đi tung lại cả mấy năm nay mà vẫn chưa sáng tạo được đề tài công kích nào khác nghiêm chỉnh đáng tin hơn.
Bỏ qua tình trạng cộng đồng tị nạn, trong chính trường Mỹ, tính phân hóa đã lên tới mức ít ai tranh cãi về chính sách, về sách lược, về kinh tế, xã hội, quốc phòng,... nữa, mà trọng điểm của tranh cãi bây giờ là cái cà vạt quá dài của Trump hay cái cười ngựa hý của Kamala, theo đúng triết lý thời thượng của 'chính trị lý lịch'. Chưa hết. Tính phe đảng bây giờ đã đạt điểm...'mù quáng', không ai cần biết dữ kiện, bằng chứng, hay lý luận gì nữa. Phe ta là phe ta trong mọi hoàn cảnh, trong mọi cuộc đầu phiếu. Phe địch là phe địch trong mọi tình huống, mọi cuộc bỏ phiếu. Mà tình trạng phe đảng mù quáng không phải chỉ thấy trong đám dân ít học, ít hiểu biết, mà đã thống trị luôn giới tinh hoa cao nhất của trí thức. Bác sĩ, luật sư, triết gia, giáo sư đại học,... tất tần tật đều nghiến răng nghiến lợi tranh đấu chết bỏ cho quan điểm phe đảng của mình, bất kể vô lý, chói tai tới đâu. Tất cả các thăm dò vẫn phản ảnh tình trạng một nửa nước sống chết với Trump cho dù Trump có bị nhốt tù, trong khi một nửa còn lại sống chết với DC, bất kể Biden bị đảo chánh hay Kamala leo lên giường ai. Trump bị tố là vô đạo đức, dâm đãng vô luân khi 'ăn bánh trả tiền' một lần, nhưng Kamala leo lên giường một cụ gấp đôi tuổi mình hay Biden cuỗm vợ bạn thì chuyện... bình thường không có gì đáng bàn.
Vẫn chưa hết. Tình trạng phân hóa đã đi tới độ cực kỳ vô lý khi chẳng còn ai dùng lý trí, dùng não suy nghĩ hai giây đồng hồ về bất cứ chuyện gì nữa. Bộ óc ngưng làm việc, chỉ còn hai lỗ tai nghe, hai mắt nhìn, rồi cái miệng la hoảng, tất cả như cái máy computer đã được thảo chương sẵn. Như mới đây bà Kamala tỉnh bơ tuyên bố thảm họa tháo chạy đẫm máu khiến 13 lính chết lãng xẹc giờ chót tại phi trường Kabul là lỗi của Trump hoàn toàn. Trump đã hết làm tổng thống 9 tháng trước, không dính dáng bất cứ gì tới cuộc tháo chạy đó, vậy mà Kamala vẫn có thể nói đó là lỗi Trump, và truyền thông loa phường xúm vào đăng lại, không bàn thêm một lời. Biden, 3 năm sau khi Trump đã mất job vẫn khăng khăng quả quyết lạm phát là do Trump để lại, bất chấp mọi thống kê do chính bộ Lao Động của Biden đưa ra. Một con vẹt già còn siêu hơn nữa, giải thích lạm phát là hậu quả việc Putin tung quân đánh Ukraine một năm sau khi lạm phát đã phát tác ra tại Mỹ.
Tình trạng phân hoá chính trị thật ra không có gì mới lạ trong chính trường Mỹ, mà là chuyện đã có từ khi chưa lập quốc. Nhưng phân hóa bây giờ đã đi tới mức quái dị, có hại cho cả nước, cho tất cả các phe nhóm.
Hại đầu tiên; hết người tài
Điểm này rõ nét nhất: phẩm chất cấp lãnh đạo Mỹ ngày càng sa sút, đặc biệt là trong vòng nửa thế kỷ qua. Một cách cụ thể nhất, ai cũng có thể thấy một Obama không đáng sách dép cho Roosevelt, một Clinton tuy ăn chơi trác táng không thua gì Kennedy nhưng về khả năng lãnh đáo chính trị không cao hơn mắt cá chân Kennedy, Biden thì tệ đến độ bị chính các đồng chí cùng đảng xúm lại đá ra khỏi Tòa Bạch Ốc để tránh thảm họa cho cả đảng. Về phiá CH, thì tổng tư lệnh Bush -cha hay con- đều chưa xứng đáng làm tài xế lái xe cho tổng tư lệnh Eisenhower, Trump cứng rắn tới đâu cũng không bằng một góc ông cao bồi già Reagan. Ngay cả về phiá phụ nữ cũng không khác, khi bà Kamala chưa xứng đáng đứng phất quạt cho bà Hillary ngủ trưa.
Không phải nước Mỹ hết người tài, mà chỉ vì những người có tài thật đều ớn sợ cái đấu trường chính trị gió tanh mưa máu thời nay, chỉ giỏi đạp đối thủ xuống bùn thôi. Năm xưa, Roosevelt bị liệt cả mấy năm trời, Eisenhower có đào nhí từ ngày còn làm kế hoạch đánh Hitler, Kennedy gái gú lung tung tới đau lưng đau thận kinh niên, Johnson ngủ với không biết bao nhiêu vợ của các phụ tá,... thế nhưng chẳng ai khui những chi tiết lắt nhắt này ra để chửi, vì thiên hạ vẫn còn bận nhìn vào chính sách này, sách lược nọ, xem lợi hại cho quốc gia như thế nào, cho quyền lợi gia đình mình ra sao. Bây giờ, chẳng ai cần biết quyền lợi quốc gia, quyền lợi gia đình ra sao nữa. Như trường hợp ông Trump: không ai dòm ngó tới việc giảm thuế cả nước mà chỉ lo khui móc chuyện ông ăn bánh trả tiền. Không ít người tài cũng đã từng 'ăn bánh trả tiền', không dại gì thò đầu ra để truyền thông khai thác, bôi bác, tên tuổi mình bị ô uế, kéo xuống bùn, trong khi 'phần thưởng' tài chánh hoàn toàn vô nghĩa, không đáng để ý tới. Trong khi một anh cầu thủ 'quarterback' của một đội football lãnh trung bình 50 triệu đô để liệng banh trong 5 tháng, hay 10 triệu đô một tháng để chơi trong 4 trận, mỗi trận kéo dài 3 tiếng đồng hồ, thì một tổng thống với quyền sinh sát trên cả trăm triệu người, làm việc bở hơi tai 24/24 trong suốt 4 năm, bị chửi te tua, có thể bị ám sát bất cứ lúc nào, chỉ lãnh 400.000 đô một năm. Tính lại, lương nguyên năm của một tổng thống còn ít hơn lương liệng banh trong nửa giờ của anh cầu thủ football. Trong cái thành đồng tư bản mà giá trị mỗi người được đánh giá trên tiền lương mang về, ai thèm làm tổng thống chi cho mệt?
Hại thứ nhì: bế tắc chính trị
Đây là cái hại quan trọng không thua gì cái hại đầu tiên. Tình trạng phân hóa tận cùng đưa đến tình trạng cả hai chính đảng đều có hậu thuẫn xấp xỉ ngang nhau, thắng nhau chỉ trong vòng khít nút một vài phần trăm, trong khi ngay trong quốc hội, khác biệt giữa hai đảng chỉ vỏn vẹn vài ghế, để rồi ta thấy những đổi chác, trao đổi quyền lợi, mua bán phiếu biểu quyết công khai nhất. Tới độ Lập Pháp chẳng còn 'lập' được 'pháp' nào nữa.
Trong thời gian nửa thế kỷ qua, chỉ có đúng hai bộ luật quan trọng được thông qua, là Obamacare dưới thời Obama và luật giảm thuế dưới thời Trump. Điều đáng nói là bất kể hai bộ luật này có lợi hay có hại cho đất nước, cả hai đều được thông qua gần như tuyệt đối theo làn ranh đảng phái trong quốc hội, nghĩa là tất các nghị sĩ dân biểu đều biểu quyết theo tính phe đảng. Với Obamacare, tất cả phe DC đều nghĩ là có lợi cho dân cho nước, trong khi tất cả phe CH đều cho là có hại. Trong luật giảm thuế, tất cả phe CH cho đây là luật tốt trong khi tất cả phe DC cho là luật xấu. Obamacare được thông qua năm 2010, cách đây 14 năm, trong khi luật giảm thuế được thông qua năm 2017, cách đây 7 năm. Gần cả chục năm mới thông qua được một luật, quốc hội thời nay hữu hiệu vậy sao?
Hại thứ ba: độc tài nhị đảng
Tình trạng phân hóa cùng cực, 50% bên này, 50% bên kia, đưa đến tình trạng không còn chỗ cho phần trăm nào khác chen vào giữa. Nôm na ra, không còn chỗ cho bất cứ anh/chị chính khách thứ ba hay đảng thứ ba chen chân vào nữa. Nước Mỹ không có nạn độc tài độc đảng, nhưng hiển nhiên đã rơi vào tình trạng độc tài nhị đảng. Trong khi cả Âu Châu vẫn theo thể chế dân chủ thật sự với cả chục đảng cạnh tranh nhau, dành giựt nhau phục vụ cho dân, nhiều khi đi tới rối loạn chính trị -như Pháp hay Đức hiện nay- nhưng ít ra, còn có tiếng nói cho mọi khuynh hướng. Như ngay cả trong phía tả, cũng có tới cả chục đảng, từ đảng cộng sản đỏ thẫm, tới đảng xã hội màu hồng. Dân chúng tha hồ lựa chọn, đúng theo nguyên tắc dân chủ căn bản nhất.
Nhưng tại Mỹ, là xứ luôn luôn đấm ngực tự cho là thành đồng của thể chế dân làm chủ, thì người dân chỉ có quyền chọn một trong hai chính đảng thôi. Thỉnh thoảng có một vài người nhẩy ra, muốn chen chân vào và ngoi đầu lên, thì tức khắc bị triệt từ trong trứng nước. Trong nửa thế kỷ qua, những George Wallace, John Anderson, Ross Perot,... rồi mới đây, Robert Kennedy đều thảm bại, không ngóc đầu lên nổi. Đảng CH chủ trương theo tư bản, tha hồ cạnh tranh thị trường, thậm chí cá lớn nuốt cá bé. Đảng DC muốn áp đặt kinh tế chỉ đạo, Nhà Nước Vú Em, công chức quèn làm chủ hết. Đó là hai lựa chọn rõ nét mà người dân Mỹ được quyền bỏ phiếu chọn. Thế nếu người dân đó muốn một thể chế nào đó, trung dung giữa hai thái cực trên thì sao? Thì có quyền ôm gối khóc vì sẽ chẳng được thỏa mãn trong tình trạng độc tài nhị đảng của nước Mỹ hiện nay.
Hại thứ tư: đế chế Cờ Hoa cáo chung
Những sa sút lãnh đạo, bế tắc chính trị nêu trên thật ra chỉ là những hậu quả ngắn hạn có thể kềm chế được phần nào nếu thật tâm muốn cải đổi. Nhưng nếu không cải đổi, thì về lâu về dài, cái hại to lớn gấp bội sẽ khó tránh: nghĩa là đế chế Cờ Hoa từng thống trị cả thế giới từ gần cả trăm năm qua sẽ cáo chung. Cáo chung không khác gì các đế chế La Mã khi xưa, hay đế chế Anh Quốc gần đây hơn.
Sức mạnh quân sự của Mỹ đã phô trương ra hình ảnh một con cọp giấy khổng lồ, bị mấy tên dép râu Việt cộng và mấy tên khủng bố khố rách áo ôm Taliban đánh cho tan xác.
Sức mạnh kinh tế thị trường của Mỹ đã chứng tỏ tính tai hại qua việc vật giá leo thang toàn diện trên tất cả các sản phẩm, kể cả những sản phẩm nhu yếu sinh tử cho người dân, mà chẳng ai biết kềm chế cách nào, mà chỉ thấy đám siêu kinh tế gia xỉa tay đổ thừa cho nhau.
Sức mạnh của thể chế dân làm chủ của Mỹ đã lột xác, đẻ ra một quốc gia phân hóa tai hại như chưa từng thấy. Người dân không còn làm chủ gì nữa, mà những chủ nhân ông thật sự là đám Nhà Nước Ngầm, nghĩa là đám công chức không ai bầu, nhưng ngồi lâu lên lão làng, nắm quyền thực tế để phục vụ quyền lợi thiển cận của chính chúng và gia đình chúng, cạnh tranh cùng với một nhúm chính khách đứng trong hậu trường chính trị giựt giây như Obama, Pelosi,... Việc 'đảo chánh' Biden một cách thô bạo nhất đã là cái đinh đóng chặt nắp quan tài chôn sống 14 triệu phiếu cử tri Mỹ cùng với thể chế dân chủ Mỹ.
Một cách thực tế nhất, cáo chung của đế chế Cờ Hoa không còn là chuyện có hay không nữa, mà chỉ còn là chuyện khi nào thôi. Mà điều kinh hãi hơn cả là sau khi đế chế Cờ Hoa mồ yên mả đẹp, thì đế chế mới có nhiều triển vọng thay thế nhất lại là đế chế Tầu Đỏ.
Đại họa trên có thể tránh được không? Nước Mỹ có thể tồn tại trong thế mạnh để chặn đế chế Tầu Đỏ hay không? Đó là câu hỏi chưa ai có câu trả lời tuy ai cũng thấy rõ vấn nạn. Không phải là không có câu trả lời, mà trái lại vì có cả trăm, cả ngàn giải pháp, mà chẳng ai đồng ý với ai. Kẻ này dĩ nhiên chẳng bằng ai, nên chẳng có ý kiến gì. Chỉ thấy dân Mỹ khi bầu cho một Trump chủ trương chống Tầu đỏ mạnh nhất, đã thấy rõ nguy cơ của Tầu đỏ và bầu cho một người cứng cựa nhất để chặn Tầu đỏ.
Vì đâu nên nỗi?
Nguyên nhân xa
Thể chế dân làm chủ của Mỹ hiện nay, như đã bàn, đã đẻ ra quá nhiều vấn đề quá nan giải, cũng có thể quá tai hại. Thể chế đó được ra đời, đặt trên nên tảng một Hiến Pháp mà việc tôn trọng đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch cho sự sống còn của xứ này. Không ai có thể phủ nhận các Cha Già Lập Quốc đã đẻ ra một thể chế cực kỳ xuất chúng, dựa trên một văn kiện tuyệt hảo là Hiến Pháp liên bang, giúp biến nước Mỹ này từ một thuộc địa tạp nhạp của Anh, với một đám dân cao bồi vô kỷ luật, ích kỷ nhất chỉ biết lo cho chính mình, gia đình mình, và con ngựa của mình, thành một đại cường vô địch, cứu sống rồi thống trị cả thế giới, trong đó có cả nước Anh.
Như vậy làm sao giải thích những vấn nạn Mỹ đang trải qua?
Câu hỏi mà kẻ này bạo gan dám đưa ra là có phải những vấn nạn chính trị Mỹ đang chịu thử thách là hậu quả của việc tuyệt đối tuân thủ một văn kiện đã được viết ra gần 300 năm trước không? Các Cha Già Lập Quốc là những siêu nhân không ai chối cãi được. Nhưng họ có tài giỏi đến mức nghĩ được những giải pháp có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề của cả mấy trăm năm sau không?
Phe bảo thủ CH chủ trương tôn trọng Hiến Pháp tuyệt đối, một cách bất di bất dịch, vì Hiến Pháp chính là nền tảng xây dựng thể chế chính trị của xứ này. Mất Hiến Pháp là mất nền tảng, thì căn nhà nào cũng phải xập không sớm thì muộn. Trong khi phe cấp tiến DC cho rằng cần phải sửa đổi, cập nhật Hiến Pháp, nếu cần vứt Hiến Pháp hiện hữu đi luôn để làm Hiến Pháp mới, hay ít ra thì cũng cần diễn giải Hiến Pháp một cách du di, mềm dẻo dựa trên những thay đổi của bánh xe lịch sử, dựa trên tiến hóa của văn minh nhân loại.
Bên nào có lý? Kẻ này chỉ có khả năng nêu lên câu hỏi để mọi người có dịp suy nghĩ thêm, tuyệt đối không đủ khả năng đưa ra bất cứ một giải pháp nào. Chỉ biết vứt Hiến Pháp vào thùng rác như phe DC đòi hỏi, sẽ là giải pháp khùng điên nhất thôi.
Nguyên do gần
Nếu nói đến nguyên nhân gần thì ta có thể thấy tình trạng phân hóa cùng cực hiện nay hiển nhiên là hậu quả trực tiếp của tình trạng 'thông tin quá tải' trong xứ Mỹ hiện nay. Nghĩa là dân Mỹ được cung cấp thông tin quá nhiều, quá lộn xộn, quá hỗn độn, quá trái ngược, chưa kể quá nhiều tin phịa, tin xuyên tạc, tin bóp méo. Đưa đến tình trạng rối loạn tập thể và phân hóa cùng cực.
Vì nhu cầu cạnh tranh sống chết, các báo và đài tivi, radio, tranh nhau tung tin giựt gân nhất, phe đảng nhất để câu khách. Trước đây, truyền thông được nể trọng vì tính nghiêm chỉnh, trung lập khi đưa tin cũng như khi bình luận. Thời nay, đưa tin và bình luận chung chung, vô thưởng vô phạt đã trở thành lỗi thời, nhàm chán, khiến độc giả và khán giả giảm, thính giả ngủ gật hết, không còn thu tiền được nữa. Do đó, truyền thông ngày nay phải sống động hơn, phải tích cực hơn, phải dám đứng hẳn và công khai về một phe, công kích cho ra trò, mà tung hô cũng nổ mạnh. Nếu cần, còn phải hung hăng khiêu khích, ăn nói viết lách mạnh bạo hơn đối thủ cạnh tranh mới ăn tiền. Phịa tin hay bóp méo tin luôn nếu cần.
Các đảng phái, các chính khách không ngu, nhìn thấy ngay truyền thông đã trở thành vũ khí chính trị hữu hiệu nhất trong thể chế dân chủ nặng mùi mỵ dân này.
Tất cả, chỉ trầm trọng hóa thái độ phe đảng, đào sâu thêm hố chia rẽ đảng phái trong quần chúng.
Chưa hết. Bất thình lình, trong tình trạng tràn ngập thông tin, tất cả mọi người, ai cũng biết mọi chuyện xẩy ra chung quanh mình. Bất cứ ai cũng đều có quan điểm của mình trên bất cứ một vấn đề gì. Đã vậy, tất cả mọi người cũng luôn luôn tự nghĩ mình là đúng, muốn lên tiếng, muốn thuyết phục người khác là mình đúng trong khi tất mọi người khác đều sai. Các hệ thống emails tràn ngập những ý kiến của cả triệu người, ai cũng đúng trong khi tất cả mọi người khác ý đều ngu hay gian. Cả ngàn trang mạng xã hội ra đời trong đó ai có ý kiến gì, tung lên là có người đọc, ủng hộ hay chống đối lung tung. Tình trạng phân hóa chính trị là hậu quả tất nhiên, không thể tránh được.
Tương lai của Mỹ
Tình trạng phân hóa chính trị cực đoan hiện nay, sẽ tiến triển như thế nào trong tương lai? Chẳng ai có câu trả lời.
Ít ai tin TT Trump sẽ có thể hàn gắn nước Mỹ lại được. Trái lại, với tính khí cực mạnh của ông ta, TT Trump có nhiều triển vọng đào sâu thêm hố chia cách nước Mỹ. Tân TT đắc cử Trump đã hé lộ là diễn văn nhậm chức của ông sẽ kêu gọi đại đoàn kết toàn dân, tuy nhiên, ông đã bổ nhiệm một nội các bảo thủ mạnh, rất cứng rắn, triệt để chống chủ trương thiên tả, cấp tiến, quyết tâm phá tan 'văn hóa thức tỉnh' của đám DC, do đó, ít ai nghĩ một TT Trump sẽ tạo lại được đại đoàn kết toàn dân, hay một sự hợp tác nào đó của đối lập DC trong đó ảnh hưởng của khối cực tả vẫn còn rất mạnh dù đã mất đi Biden và Kamala.
Nếu như Biden hay Kamala đã được bầu làm TT, tương lai có khá hơn không? Chẳng những không khá hơn mà trái lại sẽ tệ hơn nhiều. Biden thì lẩm cẩm không thể làm điểm tập họp của dân Mỹ được. Bà Kamala vô tài bất tướng, chỉ giỏi nghề công kích, bắt tội người khác lại càng ít hy vọng hơn.
Ít người cho rằng sẽ sớm có một giải pháp, có thể là một nhân vật lịch sử sẽ xuất hiện, có khả năng hàn gắn cả nước. Cho đến nay, dường như nhân vật đó chưa ra đời. Có người cho rằng chính trường Mỹ hậu Trump -tức là sau khi TT Trump mãn nhiệm- sẽ ổn định hơn, bớt phân hoá hơn. Nhưng hiển nhiên đó chỉ là những giải thích mang tính chụp tội lên đầu Trump một cách ... phe đảng trong khi phớt lờ việc đảng DC đã đi quá xa, quá nhanh về hướng tả từ những ngày dưới Obama tới nay. Phân hóa chính trị Mỹ đã có từ lâu trước khi có Trump, do đó, sau khi không còn Trump cũng sẽ không bất thình lình biến mất.
Hầu hết ngược lại, cho rằng phân hóa chỉ có thể trầm trọng thêm mỗi ngày, cho tới ngày ... đế chế Cờ Hoa cáo chung, đế chế Cờ Đỏ Tầu lên ngôi.
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment