Wednesday, November 20, 2024

Về lại quê hương để… học lại tiếng Việt!

Năm nay tôi và các bạn cùng lớp bước vào 7 bó! Thời gian trôi qua nhanh thật! Mới ngày nào lúng túng mặc áo dài trắng, “ba vòng như một”, người cứng đơ như khúc củi, bỡ ngỡ đến trường. Nay thì đã bước vào ngưỡng cửa thất thập cổ lai hy! Bao biến động trong đời, thành công/thất bại, lên voi /xuống chó, kiếm sống/“tìm đường”, yêu đương, kết hôn, sinh con, nuôi dạy, dựng vợ gả chồng, làm bà nội bà ngoại… Giờ đã đi gần hết đời!

Bao năm mình vật vã mưu sinh nơi xứ người cũng là bao năm bạn mình trần thân kiếm sống tại quê nhà, chẳng ai nhàn hạ hơn ai! Nay ở vào tuổi có thể gọi là “gần đất xa trời”, các bạn giục về lại quê nhà hội ngộ, ăn mừng “70 năm cuộc đời!”

Ờ thì về!

Không biết làm sao diễn tả được tâm trạng của một người trở về “quê nhà yêu dấu”, nhưng lại thấy mình về một đất nước tuy quen thuộc nhưng lại vô cùng lạ lẫm! Trong tác phẩm Đức Phật Thích Ca (Siddhartha) của Hermann Hesse có bảo người ta không thể nào bước xuống cùng một dòng sông lần thứ hai! Đúng thế, dòng sông không tồn tại bất biến mà nó lờ lững trôi đi, bồi đắp phù sa, uốn lượn chuyển dòng, khiến cho ngựa đá sang sông, chỗ nước cuồn cuộn chảy ngày xưa nay biến thành chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai! Các cụ bảo không sai: thương hải biến vi tang điền.

Nền văn hóa xưa bao gồm thói quen, tập quán, thức ăn, lối sống… đã trở nên lạ lẫm với “người trở về”! Có biết bao món ăn mới xuất hiện: cơm cháy chà bông, bánh tráng trộn, bún đậu mắm tôm, miến ngan, cháo dưỡng sinh v.v. Có những món thuần túy ngày xưa giờ đây chế biến theo kiểu khác: khuôn bánh khọt ngập dầu như chảo chuối chiên, muỗng bột chế vào các khuôn lõm giòn sém ngoài bìa vì ngập trong dầu sôi.

Có những dịch vụ mới xuất hiện mà ngày xưa không hề có, như dịch vụ giặt giày thể thao. Ngày xưa mang giày Bata trắng trong giờ tập thể dục, về nhà tự lấy bàn chải chà xà bông giặt rồi đánh kem trắng lên cho đôi giày trắng lại như mới. Làm gì có cửa hàng giặt giày cho mình. Những cửa hàng dành cho cún cưng xuất hiện đầy đường, có vẻ cũng nhiều gần bằng cửa hàng dành cho bé cưng. Cún đã được nâng cấp lên hạng công dân sáng giá, chả bù ngày xưa bị người ta nguyền rủa thẳng tay bằng những câu đại loại như: Đồ chó đẻ! Đã vậy, chó chạy rông ngoài đường là bị xe bắt chó đi ngang tóm cổ, chủ nhân nếu thương thì đi chuộc, không thì đành nhắm mắt đau lòng mất đi con cún cưng.

Và ngôn ngữ, cái thuyền chuyên chở văn hóa dân tộc, đã trở thành “Tiếng Việt Mới” đối với tôi! Tôi không muốn nói đến những từ ngữ từ Miền Bắc mang vào như bức xúc, hoành tráng, sự cố, mặt bằng v.v. Cái đó xưa rồi Diễm! Tiếng Việt Mới mà tôi muốn nói ở đây là những từ mới do người dân Miền Nam chân chất sáng chế ra để thích ứng với tình hình mới.


Những nhu cầu, dịch vụ ngày xưa không có thì bây giờ phải đặt tên mới cho chúng.

Từ trước đến nay đã được thưởng thức gà quay, gà luộc, gà nướng, gà tiềm v.v. Tuy nhiên bây giờ được mời thưởng thức món gà lắc! Chịu thua, chẳng thể tưởng tượng xem gà ấy được chế biến như thế nào, Lại còn có cả khoai lang lắc nữa! Vậy là cách “lắc” đã khá phổ biến trên thị trường ẩm thực ngày nay rồi. Tìm hiểu thêm thì ngoài gà lắc phô mai còn có cả 59 cách lắc gà khác nhau: lắc muối, lắc nước mắm, lắc sả ớt, lắc xoài, lắc cóc v.v. Nhìn bảng quảng cáo Gà lắc kiểu Mỹ tôi cứ ngẩn tò te. Ủa, mình từ Mỹ về mà sao hổng biết món gà lắc này cà?

Có nhiều cửa hiệu dựng bảng quảng cáo gọn lỏn “Dán Keo”! Ủa, dán keo ở mô? Dán làm gì? Tại sao Dán? À, đây là bôi một lớp keo mỏng lên sơn xe mới keng để không bị trầy trụa xây xát. Lại một nghề mới!

Và, sau nhiều lần được bạn chở ngang qua nhiều cửa hiệu quảng cáo dịch vụ “ốp lưng, tăng cường lực” tôi đánh bạo hỏi có phải đây là dịch vụ chữa trị những “bệnh đàn ông khó nói” không. Bậy nà! Ốp lưng là gắn bao bọc plastic vào cái phone để giữ cho nó an toàn, tránh bị vỡ khi lỡ đánh rơi xuống đất. Còn tăng cường lực là dán miếng đệm bằng plastic trong suốt vào các màn hình để tăng độ bền, độ an toàn và giảm thiểu nguy cơ hỏng hóc của máy điện toán, theo lời một quảng cáo trên mạng. Chớ nghĩ bậy bạ, hỡi những đầu óc đen kịt!


Vì nhu cầu cạnh tranh phải đặt những tên “hot” để câu khách

Có muôn vàn sáng tạo: Trùm Nón, Cà Phê Nè!, Viện Nghiên cứu Điều chế Trà Sữa v.v. là những bảng hiệu được tô kẻ lộng lẫy treo trước cửa hàng. Cà Phê không chưa đủ, phải là Cà Phê Nè! mới rủ rê được những khách còn ngơ ngơ ngáo ngáo chẳng biết quán ruột của mình đang ở ngay bên đường. Dễ thương hơn nữa là một tiệm cà phê mới mở với cái tên độc đáo: Em Có Cafe! Vậy hả em? Để anh ghé vô thử cho biết nha!Uống trà sữa của một Viện nghiên cứu thì nhất định là có tính khoa học cao độ, phải tấm tắc tâm phục khẩu phục rồi. Muốn mua nón thì chớ dại bạ đâu mua đó, đến mua của Ông Trùm mới bảo đảm mua được nón bảnh nhất, xịn nhất. Không biết những tên hiệu có tính huênh hoang này có câu được nhiều khách hàng hơn những tên hiệu bình thường chân chất không, nhưng cũng khiến người đọc tủm tỉm cười một mình.


Thu gọn để tiết kiệm sơn vẽ hay thích ứng với mặt bằng nhỏ hẹp

Nói ít hiểu nhiều luôn là phương pháp giao tiếp thành công. Nói đủ hiểu thôi, chớ lặp đi lặp lại vừa tốn kém sơn vừa nhàm chán. Khi quán đề bảng Bún Riêu Mọc Ốc, đừng nghĩ rằng trong món bún này riêu đã mọc ra con ốc, mà từ Bún được dùng làm thừa số chung của 3 món bún khác nhau: bún riêu, bún mọc, và bún ốc. Từ đó ta hiểu được cụm từ Lẩu Dê Bò Hải sản. Con dê không bò đi đâu cả nhé, nó đã nằm gọn trong nồi rồi.

Đôi khi cả thừa số chung cũng bị “hy sinh” vì không gian chật hẹp. Khi nhìn thấy một bảng hiệu hẹp té gắn trên xe bán nước giải khát “Má Mía” thì chớ nghĩ rằng quán này là của Má Mía (chứ không phải của Má Bảy hay Má Năm), mà phải hiểu rằng nơi đây bán nước rau MÁ và nước MÍA. Từ nước trong nước mía và nước rau má đã “hy sinh”. Ai cũng hiểu mà! Ngày xưa ông bà dạy: “Người khôn nói ít nghe nhiều”, còn bây giờ “Người khôn nghe ít hiểu nhiều” mới thật là người khôn.

Trời hỡi, về lại quê nhà mà thấy mình ngơ ngác lạc lõng như đứa trẻ lên 3, đi thi “Tiếng Việt Mới” chắc chắn rớt cái độp. Sao thấy mình như một “Việt gian” vừa mới lén lút đột nhập, xa lạ ngỡ ngàng với cả tiếng nói của quê hương mình. Tuy nhiên, có một thứ không hề thay đổi hay trở nên xa lạ: đó là tình cảm trìu mến thân thương. Tình bạn vẫn thắm thiết từ ngày còn bé ríu rít cùng nhau đi học cho đến ngày mái tóc điểm sương chậm chạp chống gậy đến họp lớp. Nó không hề suy giảm theo năm tháng, tuổi đời càng cao thì tình cảm càng sâu. Và cái nhịp đập của những con tim nồng nàn vẫn đều đặn, bền bỉ, thủy chung. Nó bất cần những đổi thay trong xã hội, không canh tân hay sáng tạo theo lối sống mới như thứ tiếng Việt mới tôi gặp trên đường phố. Và tôi cảm thấy yên lòng, hạnh phúc trong những “cái cũ” thân thương này.

Thúy Messegee

No comments:

Blog Archive