Saturday, November 23, 2024

Cây cầu $6.5 t Mỹ -Canada

Canada là hàng xóm thân thiết, ngoài tình hàng xóm, mối giao thương kinh tế giữa hai nước rất sôi nổi. Để tăng thêm phần nhộn nhịp, mùa Thu năm 2025 dân Mỹ và Canada sẽ khai trương một cây cầu mới toanh, to đùng nối hai quốc gia, vai trò của chiếc cầu này sẽ chuyển vận khoảng 25% lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước …

Cầu biên giới Mỹ- Canada sẽ khai trương năm 2025

Chuyện một chiếc cầu… chưa gãy

Trong thế kỷ 19, giao thương giữa Mỹ và Canada ngày càng phát triển, các chuyến phà không đủ khả năng vận chuyển hàng, sự chậm trễ khiến giá hàng hóa tăng vèo vèo. Từ nhu cầu đó, cầu Ambassador khởi công, bắt đầu năm 1927 và hoàn thành vào năm 1929 với tổng chiều dài hơn 2 cây số (7,500 ft), bắc qua sông Detroit nối Detroit (Michigan) của Mỹ và Windsor (Ontario) của Canada. Đây có thể xem là cửa biên giới quốc tế nhộn nhịp nhất ở Bắc Mỹ.

Đây là chiếc cầu thuộc sở hữu tư nhân, chủ nhân là t phú Manuel Moroun, cho đến khi chủ nhân cây cầu qua đời vào tháng 7 năm 2020, cây cầu đã mang lại lợi tức khổng lồ cho ông và gia tộc Moroun, với khoản thu phí khoảng nửa triệu đô la mỗi ngày, chưa kể đặc ân từ các cây xăng miễn thuế, doanh thu đạt trung bình 60 triệu đô la/năm.

Đến nay cầu Ambassador đã gần bước vào tuổi 100, mặc dầu được bảo trì rất kỹ lưỡng nhưng cũng bắt đầu rệu rạo. Chính phủ Canada và Hoa Kỳ lập dự án xây một cây cầu khác, hiện đại hơn, rộng hơn, đặt tên là Gordie Howe Bridge. Cầu này sẽ thuộc sở hữu của chính phủ liên bang Canada. Tên “Gordie Howe” là một cầu thủ khúc côn cầu huyền thoại người Canada được dùng để vinh danh ông.
Kỹ sư Mỹ – Canada bắt tay xây dựng cầu Howe | ảnh gordiehoweinterationalbridge

“Chiến tranh cầu”

Khi dự án cầu Gordie Howe được công bố, chủ sở hữu của Cầu Ambassador là t phú Manuel Moroun đã phản đối quyết liệt, ông kiện chính phủ Canada và cả thành phố Michigan. Khi ông qua đời vào năm 2020 các con cháu ông tiếp tục việc kiện tụng.

Tuy nhiên, dư luận phần lớn không ủng hộ gia tộc Moroun, một cư dân nói “Nào giờ tôi sống ở Detroit, nhưng tôi đã không sử dụng cây cầu Ambassador Bridge, kẹt xe như quỷ, muốn qua Toronto, tôi chui vô đường hầm Detroit-Windsor. Tôi đang chờ cây cầu Gordie Howe khánh thành…”.

Một người khác nói “45 năm qua, tôi chán ngấy ô nhiễm của cây cầu này, sống gần đây là hít khói ná thở. Cầu mới (Gordie Howe) ở khu công nghiệp, sẽ không ảnh hưởng đến môi trường của khu dân cư..”.

Một tài xế xe tải than vãn “Tôi qua cây cầu Ambassador Bridge chắc cũng trên 10,000 lần, từ năm 1977 lận. Lần nào cũng đợi thông xe cả tiếng hoặc hơn, lâu bà cố luôn…”
Công nhân làm việc trên cầu Howe | ảnh gordiehoweinterationalbridge

Cầu mới

Cây cầu mới nằm trong khu công nghiệp ở cả hai thành phố, nhờ vậy khu dân cư sẽ tránh bị ô nhiễm.

Cầu quốc tế Gordie Howe (tiếng Pháp: Pont International Gordie-Howe) bắc qua sông Detroit nối xa lộ liên bang 75 ở Michigan với quốc lộ 401 ở Ontario. Ý tưởng này được đưa ra vào năm 2000 nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt của chủ sở hữu cầu Ambassador là gia đình Manuel “Matty” Moroun. Không rõ có phải để “né” kiện tụng hay không, chính phủ Mỹ nhượng toàn bộ quyền khai thác cho một tập đoàn liên bang của Canada.

Cầu Gordie Howe dự tính mức đầu tư ban đầu 5 t đô la nhưng đã đội giá lên đến 6.4 t đô, dự định sẽ mở hàng vào mùa Thu năm 2025. Cầu này chỉ cách cây cầu Ambassador chừng 10 phút lái xe. Với sự hiện diện của cây cầu Gordie Howe khu vực này trở nên hấp dẫn hơn đối với các hoạt động thương mại khác, đồng thời kích thích phát triển các nhu cầu về nhà cửa, dịch vụ quanh khu vực. Cầu Gordie Howe rộng rãi hơn, hiện đại hơn, cứng cáp hơn sẽ có 6 làn xe so với 4 làn bên Ambassador. Vì là cầu biên giới nên sẽ có các cổng kiểm tra, với 16 trạm thu lệ phí, cộng với 24 làn kiểm tra, Hải quan có đến 36 cửa sẽ giúp việc thông xe nhanh chóng.

Bà Grondin, thuộc Cơ quan Quản lý Cầu Windsor-Detroit cho biết, gần 30% trong tổng số 1.3 nghìn t hàng hóa Canada – Mỹ sẽ đi qua chiếc cầu này, tương đương 390 t đô la Mỹ. Ngoài ra, cầu Howe sẽ mang lại cho Michigan hơn 250,000 việc làm ở Michigan và Windsor.
Công nhân (ô tròn) làm việc tại một chân cầu Howe

Giao thương Mỹ – Canada

Năm 2022, Hoa Kỳ và Canada giao dịch hàng hóa và dịch vụ ước tính trị giá 908.9 tỹ đô la, trong đó Mỹ xuất cảng 427.7 tỹ USD và nhập 481.2 t USD, phía Mỹ thâm hụt thương mại $53.5 tỹ.

Điều này dễ hiểu vì Canada tài nguyên bao la, toàn hàng độc mà phía Mỹ rất cần thiết như dầu thô, khí đốt, đồng, nhôm, sắt thép, hóa chất, dược phẩm, rau củ, và thậm chí máy móc, hàng điện tử và một số nguyên vật liệu cho các lò nguyên tử. Đặc biệt, Canada có nhiều hãng sản xuất các cơ phận quan trọng cho những hãng máy bay quân sự và dân dụng của Mỹ, chẳng hạn cửa và càng đáp Boeing Max được làm tại thành phố Winnipeg, thuộc tỉnh bang Manitoba (Canada)…

Mỹ xuất sang Canada phần lớn xe hơi, xe tải, xăng dầu tinh chế. Có thể nói Mỹ và Canada có mối quan hệ thương mại lớn nhất và toàn diện nhất thế giới, hỗ trợ hàng triệu việc làm ở mỗi quốc gia. Trong đó 34 tiểu bang của Mỹ xếp Canada là thị trường xuất cảng số một của họ.

Kết

Khoảng 90% quy định giao thông và an toàn đường sá giữa Mỹ và Canada tương đồng, khiến xe Mỹ lưu hành ở Canada thoải mái như ở nhà. Không chỉ việc lưu hành xe cộ mà văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử giữa hai quốc gia hàng xóm có nhiều điểm chung và gắn bó. Chính vì vậy, mà một số dân Mỹ khoái sống ở xóm giềng hơn ở nhà, hiện nay có khoảng 1 triệu người Mỹ đang sống, làm việc, hoặc an hưởng hưu trí ở Canada.

Khi chiếc cầu Gordie Howe hoàn tất, ngoài việc thông thương, nó còn góp phần phát triển kinh tế và tình thân hữu chân thật, bền vững mà không cần tô điểm “16 chữ vàng, chữ bạc” giữa hai quốc gia tự do và giàu có này.

Cẩm Tú ( Tác giả )

No comments:

Blog Archive