Bạn có thể ăn tối đa bao nhiêu quả trứng mỗi ngày?
Bạn ăn bao nhiêu quả trứng một ngày? Nhiều người lo lắng ăn quá nhiều trứng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhưng vấn đề không nằm ở số lượng trứng mà nằm ở cách bạn ăn chúng.
Ăn trứng lòng đào phù hợp với những người có sức đề kháng tốt. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Bạn có thể ăn bao nhiêu quả trứng trong một ngày?
Trứng là thực phẩm rất bổ dưỡng. Lòng trắng trứng chủ yếu chứa protein. Lòng đỏ trứng có chứa lecithin, zeaxanthin, lutein, các khoáng chất như selen, kẽm, sắt cũng như vitamin A, vitamin B2, vitamin B12, axit folic và vitamin D. Trong số đó, lecithin có thể bảo vệ dây thần kinh và kích hoạt tế bào não. Vitamin D giúp cải thiện khả năng miễn dịch và tăng cường sức khỏe của xương. Zeaxanthin và lutein có thể bảo vệ mắt.
Từ bữa sáng đến bữa tối, có rất nhiều cơ hội để ăn trứng. Chẳng hạn, bữa sáng có bánh mì kẹp trứng, bữa trưa có trứng ốp la trong cơm hộp, bữa tối có trứng hấp hoặc trứng chiên, và khi đói giữa các bữa ăn, bạn có thể ăn trứng hấp trà. Nếu để ý, bạn sẽ thấy trong một ngày dễ dàng ăn nhiều hơn một quả trứng.
Một số người lo lắng rằng ăn quá nhiều trứng có thể dẫn đến mức cholesterol cao. Trương Thích Hằng, Giám đốc bệnh viện Cát Lâm, cho biết trên thực tế, việc ăn nhiều hơn một quả trứng mỗi ngày là hoàn toàn tốt, nhưng mọi người sợ ăn quá nhiều trứng sẽ làm tăng cholesterol, nguyên nhân chủ yếu là do một nghiên cứu năm 2019 của Mỹ.
Vào thời điểm đó, Đại học Northwestern đã phân tích mối tương quan giữa lượng cholesterol, lượng trứng ăn vào, bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong. Kết quả nghiên cứu cho thấy: cứ ăn nửa quả trứng mỗi ngày thì bệnh tim mạch sẽ tăng 6% và tỷ lệ tử vong tăng 8%. Con số tuy không cao nhưng lại là sự gia tăng có ý nghĩa.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với kết quả này. Ông Trương Thạch Hằng cho biết: “Ý kiến của tôi là nghiên cứu này không nghiêm ngặt lắm vì nó bỏ qua các chế độ ăn kiêng”. Ông giải thích rằng nghiên cứu yêu cầu các đối tượng điền vào bảng câu hỏi và ghi lại họ đã ăn bao nhiêu trứng, đồng thời không kiểm soát chặt chẽ cách họ ăn trứng.
Trứng luộc, trứng rán, trứng hấp, trứng chần, trứng chiên, trứng ốp lết… đều là những món trứng phổ biến. Trong số đó, một số cách ăn trứng rất không tốt cho sức khỏe. Ví dụ như trứng tráng mềm, mịn và trứng bác kiểu Tây được thêm bơ, sữa tươi và rất nhiều muối. Người ta không ăn riêng những quả trứng này mà thường ăn kèm với xúc xích, thịt xông khói, bánh mì nướng kiểu Pháp, v.v.
Những cách ăn uống có thể dẫn đến cholesterol cao: Nấu trứng với bơ và kem, nếu kết hợp với thịt xông khói và xúc xích sẽ dễ làm tăng cholesterol xấu và gây ra bệnh tim mạch.
Vì vậy, trừ khi bạn có lượng cholesterol dư thừa nghiêm trọng hoặc bệnh nhân mắc bệnh thận cần hạn chế protein, người bình thường “có thể ăn 5 đến 7 quả trứng mỗi ngày”, ông Trương Thạch Hằng nói. Vì cholesterol trong thực phẩm ít ảnh hưởng đến cơ thể con người nên ngay cả những bệnh nhân bị mỡ máu cao cũng có thể ăn 1 đến 2 quả trứng mỗi ngày mà không gặp vấn đề gì.
Tuy nhiên, cần chọn cách ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như trứng luộc hoặc trứng chần. Nếu bạn thích ăn trứng chiên, nên sử dụng dầu thực vật lành mạnh để chiên và giảm lượng muối, dầu, bơ, và xì dầu. Cũng không nên kết hợp với các thực phẩm không lành mạnh như thịt xông khói hay bánh mì kẹp mứt.
Ăn trứng cho người già có giúp ngăn ngừa thiểu cơ?
Vậy thì, có thể dựa vào việc ăn trứng để bổ sung protein không? Đặc biệt là một số người lớn tuổi cần tiêu thụ protein, nhưng vì răng miệng không tốt, không thể nhai thịt, nên chuyển sang ăn trứng. Ông Trương cho biết, người lớn tuổi phụ thuộc vào việc ăn trứng để bổ sung protein dễ dẫn đến thiếu hụt. Bởi vì nhu cầu protein của người lớn tuổi có thể cao hơn so với người trẻ.
Người cao tuổi đặc biệt có nguy cơ bị thiểu cơ. Để bổ sung protein nhằm ngăn ngừa tình trạng thiểu cơ , 1 kg trọng lượng cơ thể cần 1,5 gram protein mỗi ngày. Một người trưởng thành nặng 60 kg cần tiêu thụ 90 gam protein mỗi ngày, nhưng một quả trứng chỉ có 7 gam protein. Vì vậy, nguồn protein cho người già tốt nhất chủ yếu là thịt trắng, cá và các loại protein động vật khác tốt hơn, đồng thời họ cũng có thể ăn một ít thịt đỏ để bổ sung chất sắt.
Ông Trương nhắc nhở người già và trẻ nhỏ nên ăn trứng luộc, trứng tráng là tốt nhất. Nếu muốn ăn cả quả trứng như trứng luộc, trứng om thì nên cắt thành miếng nhỏ, vì trứng luộc chín rất khô và không dễ nuốt. Ông cho biết: “Người già rất dễ gặp vấn đề về nuốt”. Trong phòng cấp cứu, ông từng gặp một bệnh nhân bị nuốt phải một quả trứng dẫn đến ngừng tim.
Trứng không thể ăn sống
Đổ trứng sống trực tiếp lên cơm hoặc thêm vào nước sốt để làm nước chấm đối với nhiều người là cách ăn ngon nhưng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Bởi trứng sống có chứa vi khuẩn Salmonella có trong đường tiêu hóa của gà. Khi gà đẻ trứng, vi khuẩn Salmonella sẽ bám vào trứng và thải ra ngoài. Hơn nữa, có thể còn sót lại phân trên vỏ trứng chưa được làm sạch. Vì vậy, không nên ăn trứng sống.
So với các vi khuẩn chịu nhiệt khác, Salmonella dễ bị tiêu diệt hơn. Phải mất 5 phút ở 70°C và 15 đến 30 phút ở 60°C. Vì vậy, có một cách khác có vẻ an toàn hơn: luộc ở nhiệt độ không quá cao, đủ để chín lòng trắng nhưng lòng đỏ chưa chín hẳn. Ông Trương chỉ ra rằng loại trứng lòng đào này tương đối ít nguy hiểm hơn. Hầu hết vi khuẩn salmonella đã bị tiêu diệt, nhưng có thể có một lượng nhỏ vi khuẩn salmonella.
Vấn đề là, định nghĩa về trứng lòng đào của mỗi người không giống nhau. Có người thì lòng đỏ gần đông lại, trong khi có người lại làm vỡ lòng đỏ và vẫn thấy nước lòng đỏ chảy ra. Vì vậy, cách ăn trứng lòng đào chỉ phù hợp với những người có hệ miễn dịch bình thường. Những người có hệ miễn dịch yếu hơn, như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người lớn tuổi, cũng như những bệnh nhân có sức đề kháng kém như bệnh nhân ung thư và người chạy thận, đều được khuyến nghị nên ăn trứng chín kỹ.
Lý Ngọc biên dịch
Theo The Epoch Times
No comments:
Post a Comment