Thursday, November 21, 2024

Người Đàn Bà Giúp Việc


Tác giả Nguyễn Mộng Giang (hình TG cung cấp)

***

Nghĩa trang Oaks Hill chiều nay lồng lộng gió, mây đen dồn cục cuối chân trời, cây cối ngã rạp mình theo chiều gió. Thành đứng trên hành lang phía sau căn "mobile home" của mình nhìn bao quát sang khu nghĩa địa rồi tiên đoán dự báo thời tiết, ngày hôm nay có lẽ sẽ có mưa đây. Chóng quá! Thế mà đã hơn một năm qua, Halloween rồi lại Halloween. Hình như Halloween năm nào trời cũng có mưa nhẹ thì phải?

Thành nhớ đúng vào ngày Halloween năm ngoái chàng dọn đến căn “mobile home” này sau khi ly dị xong với người vợ mang từ Việt Nam sang. Vì không muốn phân chia tài sản lôi thôi, vã lại còn đứa con chung, chàng không muốn thằng bé phải vất vưởng theo mẹ nên đã nhường lại căn nhà cho hai mẹ con ở với số tiền cấp dưỡng hằng tháng do tòa định sẵn. Chàng cuốn gói ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng mà chẳng chút buồn phiền, vì chàng quan niệm tiền bạc là vật ngoại thân, ăn ở sao cho phải đạo làm người mới là quan trọng. Mình còn hai bàn tay thì lại cày tiếp, gây dựng lại từ đầu. Chàng chỉ buồn khi nghĩ đến câu hát: “Anh đã lầm dưa em sang đây...” của nhạc sĩ Lam Phương mà nghe thấm thía cho hoàn cảnh của mình.

Tiếng là ra đi với hai bàn tay trắng nhưng thực ra chàng vẫn còn một ít tiền dành dụm sau khi phân chia vì ly dị. Chàng lấy số tiền đó mua một căn “mobile home” để ở. Cũng may “job” còn vững nên chàng không lo, cấp dưỡng thì cấp dưỡng, chàng vẫn ung dung sống với tình trạng độc thân hiện tại. Hằng ngày vẫn có một bà giúp việc do một người bạn giới thiệu đến nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa cho chàng nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào.

Căn “mobile home” của chàng nằm cách đường Monterey không xa, trong khu “Chateau la salle”, đâu lưng lại với nghĩa trang Oaks hill bằng một hàng rào gỗ chứ không được bằng tường xây. Thành nhớ ngày đầu tiên dọn đến, chàng đã đứng trầm tư hằng giờ trên hành lang lối đi sau nhà nhìn sang phía bên kia khu nghĩa trang mà có cảm tưởng như mình đã được lánh xa trần thế. Đứng trên hành lang nhà, chàng có thể nhìn thấy những ngôi mộ đằng xa phía bên kia nghĩa địa.

Dọn đến được vài ngày, mấy cái phên hàng rào phía sau nhà ngăn đôi khu mobile home với nghĩa trang bị sút đinh ngã sang phía bên kia nghĩa địa để hở ra một lỗ hổng to cỡ một người chui lọt. Chàng cũng chẳng buồn báo cáo lên văn phòng để họ cho người đến sửa chữa lại mà còn chui sang lượm mấy phên hàng rào dựng vào một góc bởi không muốn người nằm dưới mộ bị đè. Ngôi mộ trực chỉ ngay lỗ hổng ngó thẳng vào backyard nhà chàng là của một ngươi đàn bà đã đứng tuổi, căn cứ theo những gì chàng đọc được trên tấm mộ bia không có hình, chàng đoán thế. “Mai Thi Ly”, cái tên không bỏ dấu, chàng đoán là một người đàn bà Tàu hoặc Việt Nam cũng không chừng. Mai thị Lý hay Lý Thi Mai viết đảo ngược không thể là tên đàn ông được. Ngôi mộ hình như chẳng được ai chăm sóc bao giờ nên cỏ mọc che gần kín hết mộ bia đặt nằm dưới đất (chứ không phải mộ bia đứng).

Từ đó, ngoài giờ làm việc ở sở làm ra, ngày nào chàng cũng chui sang khu nghĩa địa, thơ thẩn tò mò đọc tên người chết trên những ngôi mộ quanh quanh gần đó. Chàng để ý thấy vào những ngày lễ lớn hoặc những ngày cuối tuần, ngôi mộ nào cũng có bó hoa tươi trước mộ kèm theo đĩa trái cây nếu là mộ Việt Nam hoặc đồ chơi nếu là mộ con nít. Duy nhất chỉ có ngôi mộ chiếu tướng vào nhà chàng là chẳng có ai thăm viếng cả, cho nên chàng đặc biệt chú ý đến ngôi mộ đó nhiều hơn.

Chiều hôm nay, sau khi đi làm về, theo thói quen thường lệ, chàng ngã người dài xuống chiếc ghế bành đặt sau hành lang nhà chàng dõi mắt nhìn qua lỗ hổng hàng rào. Ngôi mộ không người thân lại đập vào mắt chàng, chàng giơ tay chào và mỉm cười, mắt lơ đãng ngó sang những ngôi mộ khác. Hình như hôm nay nghĩa địa tươi hơn thì phải? Mộ nào cũng có hoa rực rỡ muôn màu sao ngôi mộ hàng xóm chẳng có một cái gì cả. Rồi chàng sực nhớ đưa tay vỗ vào trán mình “à” lên một tiếng khi nghĩ hôm nay là ngày lễ Halloween. Chàng đứng dậy đi vào nhà kiếm một ít trái cây và cắt vài bông hoa trong vườn nhà đem ra đặt trước ngôi mộ không người thăm viếng thì thầm khấn vái:

- Tôi không biết người nằm dưới mộ là ông hay bà? Thôi thì sống hay chết gì thì cũng là... láng giềng với nhau, you (chàng xưng hô như thế để khỏi thắc mắc người dưới mộ là giống đực hay giống cái) đã... dọn đến đây, sát vách với nhà tôi mà you cứ nằm ngó thẳng vào nhà tôi hoài làm tôi nhột quá! Hình như you cũng cô đơn như tôi thì phải? Dọn đến đây một năm rồi, tôi để ý thấy chẳng có ai thăm viếng you bao giờ cả. Nay tôi có ít quà mọn gửi biếu you... ăn lấy thảo (rồi chàng đùa): Nếu you có linh thiêng thì phù hộ cho tôi sớm có đôi có bạn nhưng phải là bạn hiền chứ đừng bạc tình bạc nghĩa như người vợ đầu tiên của tôi thì buồn lắm!

Tâm sự với ngôi mộ xong, chàng nhổ sơ cỏ dại cho bớt hoang tàn thì trời cũng bắt đầu hoàng hôn, chàng đứng lên cúi chào người chết rồi chui trở vào nhà mình. Bếp núc lạnh tanh, đồ ăn chẳng có ai nấu, chén bát ngày hôm trước chàng ăn vẫn còn ngổn ngang trong bồn rửa chén. Chàng ngạc nhiên gọi điện thoại hỏi người bạn về người đàn bà vẫn giúp việc cho chàng hằng ngày, mới hay bà ta bị té trật chân không đi được. Thành thở dài gác ống điện thoại đi lục mì gói ăn vậy, ăn xong trời cũng vừa sụp tối, lũ trẻ con đi xin kẹo ồn ào một lúc đâu cỡ độ hai tiếng đồng hồ, từ 7 đến 9 giờ tối thì thưa dần và chấm dứt. Thành cũng tắt đèn vào phòng nằm xem tivi một lát rồi cũng ngủ say sưa.

Được một giấc no nê, chàng giật mình thức giấc lắng nghe tiếng lách cách khua động rửa chén bát ngoài nhà bếp, hình như ở trong nhà chàng. Liếc nhìn đồng hồ đã hơn 12 giờ đêm, chẳng lẽ dì Hai (người giúp việc) nửa đêm lại đến làm cho chàng? Thấy lạ, chàng mở cửa phòng lẹp xẹp bước lần ra nhà bếp. Người đàn bà đang rửa dọn nơi cái “sink” rửa chén, quay lại tươi cười chào chàng và tự giới thiệu về mình:

- Chào cậu! Tôi là người làm thế cho dì Hai trong lúc dưỡng bịnh. Dì Hai có đưa cho tôi chìa khoá nhà cậu và dặn dò tôi những việc phải làm cho cậu, hy vọng là cậu sẽ hài lòng với những công việc tôi đã làm.

Chàng ngạc nhiên:
- Nhưng dì Hai làm việc ban ngày...

Người đàn bà ngắt lời chàng:
- Quên!... Rồi bà ngượng ngập che miệng nói tiếp, xin lỗi đã ngắt lời cậu...

Thành cũng lật đật xua tay:
- Không sao dì cứ nói tiếp.

- Quên nói với cậu là xin cậu cho tôi giúp cậu ban đêm bị ban ngày tôi mắc bận chuyện gia đình, tôi sẽ ráng hết sức nhẹ nhàng để không làm thức giấc ngủ của cậu.

Thành ngạc nhiên hỏi lại:
- Lớn tuổi như dì thức khuya không thấy mệt sao? Ban ngày dì bận chuyện gì?

Người đàn bà không trả lời, cúi mặt nhìn xuống buồn bã, Thành hỏi xong cũng thấy mình bị hố khi hỏi vào chuyện riêng tư của người ta nên chàng lật đật khỏa lấp:

- Được rồi, không sao! Dì làm ban ngày hay ban đêm gì cũng không ảnh hưởng gì đến tôi, miễn là nhà cửa, chén bát được rửa dọn sạch sẽ và tôi có cơm ăn hằng ngày là được rồi. Xin lỗi, tôi có thể biết tên dì cho dễ xưng hô được không?

Người đàn bà tươi ngay nét mặt:
- Dạ được! Cậu cứ gọi tôi là Na, dì Na là được rồi

Thành hỏi thêm:
- Dì đi như vậy rồi ai đưa đón dì?

Dì Na trấn an chàng:
- Dạ tôi cũng ở gần đây, cũng trong khu Oaks hill... quên... khu “chateau la salle” này mà thôi! Đi bộ bước sang mấy bước chứ xa xôi gì. Rồi dì cười, già cả rồi cũng nên vận động chút xíu cho nó khoẻ, đi bộ ban đêm cho nó mát, cũng là một phương tiện để tập thể thao vậy mà cậu. Tôi có cái bịnh mất ngủ ban đêm, ngủ ít lắm! Gần sáng mới ngủ được nên kiếm chút việc làm cho qua thì giờ.

Thành cũng hỏi cho có lệ:
- Ủa! Vậy à! Té ra là hàng xóm cả, bữa nào dì chỉ nhà cho biết coi có gần nhà tôi không, tuy dọn đến đây cả năm rồi nhưng tôi vẫn chưa có dịp đi hết xóm.

Từ đó, đêm nào cũng đúng 12 giờ đêm là dì Na đến dọn dẹp và nấu nướng thức ăn cho chàng, dì còn cẩn thận bới “to go” cất vào tủ lạnh để sáng hôm sau chàng xách theo đi làm. Chiều về chàng chỉ việc hâm lại thức ăn trong tủ lạnh, ăn xong chàng cứ quẳng hết vào bồn rửa chén, sáng hôm sau nhà cửa lại gọn gàng và thức ăn lại đầy trở lại. Chàng có cảm tưởng như dì Na là một người mẹ mà chàng là một đứa con đang được chăm sóc từng li từng tí, mà dì nấu ngon thật, thức ăn dì nấu rất hợp khẩu vị của chàng. Nhất là món mì quảng chàng rất mê từ thưở bé, sang Mỹ chưa tiệm ăn nào nấu mà chàng ưng ý.

Được hơn một tuần, vì cảm mạo nên chàng phải nghỉ làm ở nhà uống thuốc xong là ngủ li bì. Đến gần 12 giờ đêm thì chàng thức giấc, một lát sau nghe tiếng khóa mở cửa phía sau nhà. Rồi tiếng nước chảy róc rách, tiếng rửa dọn chén bát dù là thật khẽ nhưng chàng cũng vẫn nghe được để biết dì Na đã đến mà mọi khi vì ngủ say quá nên chàng không nghe. Chàng ngạc nhiên khi chợt nghĩ, sao dì Na không đi cửa chính mà lại đi bằng cửa sau? Tuy thắc mắc nhưng chàng vẫn nằm ỳ trên giường vì cơn cảm cúm vẫn còn làm chàng uể oải. Mùi xào nấu thức ăn thơm lừng bay vào trong phòng làm chàng cảm thấy đói cồn cào, chàng xuống giường mở cửa vừa đi vừa hít hà:

- Dì Na nấu cái gì mà thơm quá! Làm con đói bụng quá!

Dì Na la lên:
- Cậu bịnh sao không ở trong phòng nằm nghỉ, tôi đang nấu cháo gừng với hành lá cho cậu ăn giải cảm.

Thành tròn mắt:
- Sao dì biết bữa nay con bịnh?

Hơi lúng túng một chút, dì Na đáp ngay:
- Ạ! Bị thấy thức ăn trong tủ lạnh còn nguyên, cậu không bịnh thì là gì?

Thành chống cù chỏ lên bàn ăn, hai tay ôm lấy đầu bóp bóp, mặt nhăn lại. Dì Na thấy vậy hỏi:
- Cậu thấy khó chịu?

Thành gật đầu:
- Con nhức đầu, chóng mặt từ sáng đến giờ. Hồi trưa này có uống một chút sữa để chiêu với vài viên thuốc cảm rồi đi ngủ, bây giờ vẫn còn thấy choáng váng. Con thức giấc được một chút thì dì tới.

Rồi như sực nhớ ra chàng hỏi:
- Uả! Sao dì Na không đi bằng cửa trước mà lại đi bằng cửa sau vậy?

Dì Na trả lời tỉnh:
- Bị đêm hôm khuya khoắc không muốn gậy sự chú ý cho lối xóm nên tôi tự ý đi cửa sau. Nói rồi dì bước lại rờ trán chàng kêu lên: Trời đất! Cậu nóng quá! Vô đây! Vô đây tui cạo gió cho, một lát là khoẻ ngay thôi. Cạo gió xong, cháo chín, tôi múc cho cậu ăn, ngày mai là hết bịnh liền.

Không biết Thành bị sốt hay tại bàn tay dì Na lạnh ngắt mà chàng cảm thấy bàn tay dì như cục nước đá đặt lên trán chàng. Tuy vậy Thành cũng không phản đối, cứ để mặc cho dì Na lôi xềnh xệch chàng sang phòng khách, ấn nằm sấp xuống “salong”, lấy muỗng vạch lưng chàng lên cạo rồn rột, mùi dầu xanh bay khắp cùng. Chàng ngạc nhiên, không biết dì lấy ở đâu ra dầu gió, chàng hỏi:

- Chai dầu dì lấy ở đâu ra?

Vừa cạo dì vừa trả lời:
- Tôi thấy trong hộc tủ nhà bếp.

Thành nghĩ có lẽ của dì Hai để lại chứ chàng có đời nào xức dầu. Mới cạo lúc đầu chàng chỉ thấy “đã” chứ chưa thấy đau, có lẽ chàng trúng gió thật nên người ngợm bị tê hết nên không có cảm giác? Cạo được một lát Thành bắt đầu cong người nhăn nhó:

- Đau quá dì Na!

Dì Na ấn chàng xuống cố cạo nốt vài đường nói:
- Chèn ơi! Bầm đen hà cậu à! Cậu trúng gió nặng lắm đó!

Cạo xong cái lưng cho chàng, dì chưa tha, còn bắt chàng quay lại cạo thêm vài đường đằng trước ngực nữa mới chịu thôi. Chàng cúi xuống nhìn, thốt giật mình khi thấy những đường sọc đen thui in trên ngực như những chiếc xương sườn nướng “barbeque”. Chàng thảng thốt kêu lên:

- Cái gì ghê quá vậy dì Na?

Dì Na cười giải thích:
- Cậu trúng gió nên cạo nó mới bầm dữ vậy đó! Người bình thường cạo đâu có đỏ.

Nói xong dì đi ra bếp, vừa đi vừa nói:
- Cậu nằm nghỉ đi, tôi coi cháo nhừ chưa sẽ múc cho cậu một tô, bảo đảm ăn xong ngày mai sẽ hết bịnh.

Trong lúc chờ dì Na múc cháo, Thành nằm dài trên chiếc ghế “salong” nơi phòng khách theo dõi chiếc bóng di động mờ mờ như sương khói của dì Na nơi nhà bếp. Dì Na chắc cỡ ngoài 60, hơn chàng cỡ 20 tuổi. Dáng người hơi đẫy đà và trông dì rất khoẻ mạnh, nhưng nước da dì không được hồng hào mà tái tái như người chết, mà hình như người dì cũng lạnh ngắt. Chàng thốt chạnh lòng khi nghĩ dì đi đêm đi hôm nên lên tiếng:

- Dì Na à! Dì đi đêm đi hôm như vậy có sợ cảm sương gì không? Khi nãy con thấy tay dì lạnh ngắt.

Tiếng dì Na ngoài bếp vọng vào:
- Tôi có áo khoác, khăn choàng kỹ lắm cậu ơi! Tôi chẳng bao giờ bị bịnh đâu, cậu lo cho thân cậu đi.

Dì Na bưng tô cháo gừng nghi ngút khói thơm lừng mùi hành, tiêu đặt xuống bàn phòng khách ngay trước mặt Thành, chàng ngồi dậy hít hà:

- Chà thơm quá! Làm con đói bụng quá! Từ sáng đến giờ chỉ có một ly sữa.

Nói rồi chàng bưng tô cháo lên vừa thổi vừa húp xì xụp. Ăn xong, mồ hôi chàng vã ra như tắm. Không biết có phải nhờ cạo gió hay nhờ tô cháo nấu hành gừng mà chàng cảm thấy như đã khoẻ lại nhiều. Dì Na rót cho chàng một ly trà nóng và đi vào nhà tắm lấy cho chàng chiếc khăn mặt để lau mồ hôi. Thành đón lấy ly nước uống một hơi và tấm khăn nhỏ vừa thấm mồ hôi chàng vừa nhìn dì Na cảm động:

- Cám ơn dì, không có dì thật con không biết phải nhờ cậy ai.

Dì Na gạt đi:
- Ơn nghĩa gì cậu, thấy cậu là người thật thà, tốt bụng tôi giúp qua giúp lại vậy mà.

Thành nói:
- Con có làm gì cho dì đâu mà dì nói giúp qua giúp lại? Hay dì muốn nhờ con làm việc gì?

Dì Na cười nửa đùa nửa thật:
- Muốn làm mai cho cậu có người chăm sóc mà không biết cậu có chịu không?

Thành cười:
- Dì có con gái không?

Dì Na gật đầu:
- Có chứ! Tôi chỉ có một đứa con gái độc nhất, tên nó Trần Mai Mai, nhưng nó đi làm ở tuốt tận “New york” lận! Lâu lâu mới về thăm tôi một lần. Mai mốt nó về, tôi dẫn nó tới chào cậu nghe?

Tưởng hỏi đùa chơi ai dè dì Na tới luôn làm Thành ngượng ngập đâm mặc cảm:

- Con gái dì nhỏ tuổi hay lớn tuổi? Còn con thì già đầu gần 40 tuổi rồi đó dì! Lại một lần dang dở, có một đứa con trai còn đang phải cấp dưỡng dì biết không?

Dì Na gật đầu:
- Biết hết! Nhưng ăn thua gì chuyện đó, nếu cậu vẫn còn có ý định lập gia đình thì tôi sẽ cho cậu gặp con gái tôi, nó mới 31 tuổi, chưa có gia đình, cậu muốn không?

Thành không gật đầu cũng chẳng từ chối chỉ hỏi lại một câu:
- Sao dì biết nhiều về con quá vậy?

Dì Na không trả lời, thò tay rút trong túi áo của mình ra một tờ giấy nhỏ gấp làm tư để xuống mặt bàn đẩy đến trước mặt Thành nói:

- Đây là số phôn và địa chỉ của con gái tôi, nếu cậu muốn trả ơn cho tôi thì cứ liên lạc với nó xem sao, biết đâu đây là duyên nợ của hai người thì sao?

Nói rồi dì bưng tô cháo Thành đã ăn hết đi vào bếp không quên dặn dò chàng:

- Khuya rồi cậu nên uống thêm thuốc cảm rồi đi nghỉ đi, bảo đảm ngày mai cậu sẽ hết bịnh.

Thành cầm tờ giấy gấp tư của dì Na đi vào phòng ngủ mà chưa vội mở ra đọc ngay, chàng cẩn thận cất nó vào ngăn kéo đựng đồ quan trọng cho khỏi quên để khi cần đến là tìm được ngay.

Sáng hôm sau thức dậy, cảm thấy không còn đau ốm nữa, chàng bồi thêm hai viên thuốc cảm cho chắc ăn rồi đi làm như thường lệ. Những ngày sau đó chàng bận bù đầu vì công việc hảng, over time đến tối mịt mới về đến nhà, đặt lưng xuống là chàng ngủ say như chết nên không có dịp gặp lại dì Na. Và chàng cũng chẳng có thời gian để mà chui sang nghĩa địa rù rì tâm sự với ngôi mộ hàng xóm nữa.

Tuần lễ sau, vào ngày Chúa Nhật không đi làm, vừa mới sáng sớm là chàng đã nhận được điện thoại của dì Hai báo tin là chân đã hết sưng, sẽ trở lại giúp việc cho chàng. Chàng chúc mừng dì Hai đã lành bệnh luôn tiện hỏi thăm về dì Na và nêu thắc mắc vì chàng chưa trả lương cho dì Na. Dì Hai ngạc nhiên nói đâu có nhờ ai làm dùm đâu?

Thành thẫn thờ buông điện thoại xuống trong lòng hoang mang.
- Quái lạ! Không biết dì Na là ai mà lại tốt bụng đến giúp chàng như thế?

Chàng cảm thấy hối tiếc và quyến luyến khi nghĩ dì Na sẽ không bao giờ đến nữa, chỉ gần gũi một thời gian ngắn ngủi và đôi lần trò truyện với dì Na, mà chàng cảm thấy rất hợp và thân thiết làm sao. Chàng đâm hối hận vì đã lơ là trong việc hỏi thăm nhà cửa của dì Na để bây giờ muốn liên lạc không biết đâu mà lần, tuy vậy chàng vẫn hy vọng đêm nay dì Na vẫn chưa hay biết dì Hai đã lành bệnh mà lại đến giúp chàng lần nữa.

Chợt nhớ đến mảnh giấy gấp tư của dì Na, Thành lật đật mở ngăn kéo lấy ra xem, suy nghĩ một lát chàng quay số “...” Đầu giây bên kia reng một chập thì có một giọng nói “answer machine” của một người con gái. Không có ai ở nhà, chàng gác điện thoại chờ khi khác gọi lại chứ không muốn nhắn gì vào trong máy.

Buổi trưa dì Hai đến giúp việc, chàng hỏi qua loa vài chuyện rồi ra ngoài ghế bành sau hành lang nằm nghỉ, ánh mắt chàng vô tình nhìn sang lỗ hổng đúng ngay ngôi mộ “chiếu tướng”. Chàng nhổm bật dậy, mới có hơn tuần lễ không sang thăm viếng “bạn”, hình như “nhà” bạn có cái gì lạ? Đã có ai thăm viếng nên có hoa tươi và ngôi mộ được sửa sang lại sạch sẽ, gọn gàng hơn với một tấm mộ bia đứng có gắn hình. Thành phóng nhanh khỏi hành lang, khom người chui qua lỗ hổng đi nhanh lại phía ngôi mộ, tò mò nhìn vào tấm mộ bia mới được viết lại bằng tiếng Việt:

Nơi an nghỉ của bà:
MAI THỊ LÝ
Sinh ngày mồng 2 tháng Giêng âm lịch năm 1944
Tại Việt Nam
Mất ngày 12 tháng 11 âm lịch năm 1996
Tại Hoa Kỳ.
Người lập mộ:
Con gái: Trần Mai Mai.

Thành té bật ngửa chống hai tay ra phía sau ngồi phịch xuống đất, khi nhìn thấy tấm hình dì Na gắn trên mộ bia mới đang cười tươi như hoa, ngó chàng đăm đăm như chế nhạo đàn ông con trai gì mà nhát khích, giữa ban ngày ban mặt mà sợ ma.

Sự thật Thành không có sợ ma, mà chàng ngạc nhiên quá đổi vì không ngờ sự đùa dai không biết sợ của chàng hay qua tỉ tê tâm sự với ngôi mộ đã khiến cho người nằm dưới mộ cũng phải “sống dậy” thì thật là quá đáng! Khi đã lấy lại bình tĩnh, Thành đứng dậy chắp tay xá xá vài cái trước ngôi mộ của dì Na rồi quay trở về chiềc ghế bành nằm nhắm mắt suy nghĩ. Như vậy không biết chàng có thể gặp lại được dì Na nữa không? Bởi dì Hai đã trở lại làm việc, mà cho dù không có dì Hai cũng chưa chắc dì Na dám xuất hiện trở lại lần nữa khi biết mình đã khám phá ra dì chỉ là một người đã chết. Sao dì Na lại tốt với mình như vậy? Sao dì lại muốn đem con gái gả cho mình? Bao nhiêu cái “sao” hiện ra trong đầu Thành làm chàng ngủ quên lúc nào không hay.

Chàng chỉ chợt tỉnh khi những hạt mưa lất phất bay nhẹ vào mặt chàng, dì Hai xong việc đã ra về từ lúc nào. Thành hấp tấp đứng dậy kéo chiếc ghế bành vào sát vách nhà cho khỏi ướt, chợt nhìn thấy một người con gái tóc dài, mặc áo dài trắng che dù quỳ trước mộ dì Na đang lúng túng đứng lên vì cơn mưa chợt đến. Thành khấp khởi mừng trong bụng khi nghĩ cô gái có thể là con gái của dì Na, mà chàng thì đang muốn tìm hiểu về dì Na nên vớ vội lấy tờ báo che lên đầu, chui sang đến sau lưng cô gái gọi khẽ:

- Cô Mai Mai.

Cô gái giật mình quay lại, không để cô gái lên tiếng chàng nói luôn:
- Mưa đã bắt đầu nặng hạt, không kịp cho cô chạy đến office để trú mưa đâu. Tôi quen biết với dì Na, có thể nào mời cô vào nhà tôi trú mưa, nhân tiện có chút chuyện về dì Na muốn kể cô nghe. Chỉ vào lỗ hổng chàng nói tiếp, nhờ cái lỗ hổng này mà tôi quen biết với dì Na, mời cô theo tôi.

Cô gái nghe người đàn ông xa lạ gọi đúng tên mình, lại biết được cả “nick name” của mẹ mình thì nghĩ chắc là người quen biết rồi, vả lại nhìn cũng dễ coi chắc không phải người xấu nên theo Thành chui vào nhà.

Nơi căn phòng khách ấm cúng cách âm hẳn tiếng gió mưa ngoài trời bởi những lớp kính cửa double. Sau khi đã pha xong hai ly trà nóng và cô gái đã xác nhận mình chính là Trần Mai Mai, Thành bắt đầu lên tiếng. Giọng chàng đều đều, rõ rệt kể lại từng chi tiết một sự diện kiến ly kỳ với dì Na cho người con gái nghe. Câu chuyện đã chấm dứt từ lâu mà người con gái vẫn yên lặng, cúi xuống vân vê tà áo, mái tóc nàng rũ xuống tận lưng, nước da trắng hồng, cặp mắt to, trong sáng được điểm trang thêm bởi hai hàng lông mi rậm đang chớp lia chớp lịa khiến Thành phải buột miệng kêu thầm: “Nàng đẹp quá!” Để phá tan bầu không khí ngượng ngập, Thành lên tiếng:

- À! tại sao dì Lý lại có thêm cái tên “dì Na”?

Cô gái giải thích:
- Dạ Na là nick name của mẹ em.

Rồi nàng ngập ngừng hỏi:
- Dạ! Xin lỗi anh có phải tên Cao Bửu Thành không ạ?

Thành ngạc nhiên:
- Sao cô biết được tên tôi?

Giọng Mai như reo vui:
- Dạ! Mẹ em về báo mộng với em trong giấc mơ...

Thành hấp tấp:
- Dì Na đã nói gì?

Mai Mai cúi đầu đáp nhỏ:
- Mẹ em nói có quen với một người thanh niên tên... (nàng thẹn thùng liếc nhìn Thành má ửng hồng nói ngập ngừng) tên... là... tên của anh đó! Mẹ em trách sao lâu quá không về thăm mẹ, con ráng thu xếp về thăm mẹ một chuyến đi, con sẽ gặp được chàng thanh niên tốt bụng đó.

Mẹ em mất cách nay đã 10 năm, lúc đó em chỉ mới 21 tuổi, em mồ côi cha lúc còn nhỏ, nghe mẹ em kể lại. Năm 75 cha em đi tù, ở nhà mẹ sanh em được gần hai tuổi thì cha em mất trong trại cải tạo. Mẹ đem em đi vượt biên và ở vậy nuôi em nên mẹ thương em lắm! Mẹ em mất đi chỉ có bạn bè của mẹ lo dùm tang lễ vì em còn đang học năm chót đại học San Jose State nên không có tiền, một năm sau em ra trường và nhận job ở New York. Tuy đi làm, em vẫn tiếp tục học lên, vì chỉ có một mẹ một con, có lẽ mẹ không yên lòng nên hay hiện về trong giấc ngủ để báo mộng cho em chuyện này chuyện nọ.

Mỗi năm em đều lấy vacation để về San Jose thăm mộ mẹ. Năm nay em hơi chậm vì phải đợi kết quả chắc chắn xin được “job” ở San Jose rồi mới đi luôn một thể, thì may quá em đã được về dạy lại ở San Jose State. Em đã sửa sang mộ cho mẹ, làm lại tấm mộ bia đứng có gắn hình mẹ bằng chính tiền mồ hôi nước mắt của em làm ra. Rảnh rỗi là em chạy đến thăm mẹ ngay, không ngờ hôm nay lại gặp anh đúng như mẹ đã báo mộng. Trước khi chính thức nhận “job” mới, ngày mai em còn phải quay trở về New York để trả nhà cửa và giải quyết một số giấy tờ cần thiết.

Thành gật gù:
- Thì ra thế, tôi có gọi điện thoại cho cô mà không có ai bốc phôn.

Đến lượt Mai ngạc nhiên:
- Làm sao anh có số phôn của em được?

Thành cười tủm tỉm trêu nàng:
- Thì dì Na cũng… “báo mộng” cho tôi.

Nói rồi Thành chìa tấm giấy gấp tư của dì Na ra cho Mai Mai xem, Mai Mai ngạc nhiên vô cùng khi nhận ra đó là nét chữ của mẹ mình. Không cần viết đoạn kết chắc chắn quý độc giả cũng biết kết quả đoạn cuối như thế nào rồi phải không quý vị? Halloween đến rồi đó! Coi chừng tiếng gõ cửa nhà mình đó!... “Hù!” …

Nguyễn Mộng Giang
Hạnh Phúc Cuối Đường


TG Vĩnh Chánh (thứ 2 từ phải) cùng những người bạn thân

Một ngày trong tháng 9, 2024, Kim Oanh điện thoại cho vợ chồng chúng tôi, ngỏ ý muốn qua thăm “anh chị”. Chúng tôi cho biết, nếu cần đưa đón, chúng tôi sẵn sàng. Nhưng Kim Oanh trả lời sẽ nhờ người quen đưa đến. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào cuối tháng 10, 2024 tại nhà chúng tôi. 

Kim Oanh là vợ của Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân, một người bạn tù cải tạo rất thân thiết của tôi trong 2 năm tại Long Khánh. Kim Oanh có lần dẫn vợ tôi cùng nhau thăm lén hai ông chồng trong rừng cao su bên ngoài trại tù ở Long Khánh. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên, vì cả hai cặp có được chút thì giờ “tâm sự” riêng với nhau giữa cảnh màn trời chiếu đất. Anh Hoàng Văn Tân mất vào đầu năm 2016 tại San Diego.

Trong cuộc đời, ta có những bạn theo từng giai đoạn. Từ các bạn thuở thiếu thời trong cùng xóm khắng khít với nhau qua năm tháng, đến những bạn học từ tiểu học, trung học rồi đại học, rồi các đồng đội trong thời quân ngũ, và các đồng nghiệp, thân hữu trong sinh hoạt đời thường về sau. Tuy nhiên có lẽ ta khó quên nhất là bạn tù cải tạo, tuy trước đó ta chẳng hề quen, nay lại cùng nhau chịu đựng những đọa đày và căm hờn đổ lên đầu, và chia sẻ những tủi nhục cay đắng và nỗi đau sự nhớ.

Trong suốt thời gian ở trại tù cải tạo L19 T9 ở trong một trại thiết giáp tại Xuân Lộc, tôi nằm giữa, bên phải là anh Hồ Xuân Tịnh, một Trung Úy Trợ Y Biệt Động Quân, quen biết trước vì là một đàn anh của tôi tại trường YK, động viên sau Tết Mậu Thân, và bên trái là anh Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân từng du học tại Mỹ, gặp lần đầu. Trong hoàn cảnh ấy, ba chúng tôi trở nên những bạn tù thân thiết của kiếp chim lồng cá chậu biết thuở nào ra. Tâm tình, chia xẻ, nâng đỡ tinh thần, đùa giỡn, dặn dò nhắc nhở, che chở cho nhau…Tân và tôi đều đạo Công giáo. Tịnh không phải Công giáo dù vợ cũng Công giáo gốc. Tịnh có vợ và một con trước khi đi tù, Tân là dân Bắc di cư vào Rạch Giá năm 1954, sau gia đình di chuyển lên Saigon, đang học Khoa Hoc Saigon thì động viên, có vợ và ba con, còn tôi lấy vợ chỉ ba ngày sau mất nước. Trong ba đứa, Tân là người ít nói, đi đứng chậm rãi, dáng người hơi mập, có lẽ do thiếu hoạt động và xanh xao vì bệnh suyễn kinh niên. Anh lắng nghe nhiều hơn là nói, đặc biệt rất hiền và chân chất, không chưởi thề, không hút thuốc, biết nhường nhịn và đặc biệt rất ngoan đạo.

Vì hơn Tân một tuổi nên tôi được Tân kêu bằng huynh thay vì tên và xưng đệ với tôi, dù trước đây không hề quen biết nhau. Giờ đây, sát bên nhau trong nhà tù, kẻ trước người sau trong hàng điểm danh hay lao động, nằm cạnh nhau hằng đêm, ba chúng tôi, Tịnh, Tân và tôi như thể tay chân của nhau, tai mắt cho nhau, nuôi sống nhau bằng hy vọng và kinh cầu. Tịnh và Tân thường nâng đỡ tôi trong những khi tôi suy sụp, chán chường tuyệt vọng.

Qua bao nhiêu đêm, không những Tân đã lén lút giúp Tịnh và tôi ôn lại những đoạn kinh thánh quan trọng, bắt chúng tôi lập lại kinh cầu, mà còn luôn nhắc nhở hai đứa tôi đọc kinh hằng đêm trước khi ngủ. Đêm nào cũng như đêm nấy, không sót một đêm, vài phút sau khi đèn phòng tắt, Tân nghiêng người rót nhẹ vào tai tôi “Huynh, đọc kinh với đệ. Huynh, đọc kinh với đệ”. Khi được Tân nhắc nhở, tôi lấy chân mình đá nhẹ mấy cái vào chân Tịnh, rồi cùng nhau lâm râm đọc kinh. Nhu cầu đời sống tâm linh khiến chúng tôi gắn bó thân thiết. Có những lúc tôi làm biếng vì quá mệt mỏi, tôi giả lờ hoặc cố tình không nghe. Tân lấy cùi tay thúc nhẹ vào hông tôi liên tục cho đến khi tôi phải chịu thua, đành cùng nhau đọc kinh cầu nguyện. Mỗi lần đọc kinh và cầu nguyện, tôi tìm thấy an ủi và lạc quan, lòng thư thả phó mặc; tinh thần vững mạnh hơn để chịu đựng thử thách; thể xác nhẹ hẳn vì có được niềm tin sẽ đến ngày tìm thấy ánh sáng cuối đường, dẫn đưa tôi vượt thoát nghịch cảnh, để cuối cùng cho tôi nguyên vẹn sum họp với gia đình. Tịnh và Tân cũng vững niềm tin như vậy.

Với kinh nghiệm của một người di cư, Tân luôn nhắc nhở tôi cần phải tuyệt đối thận trọng khi làm tờ khai sơ yếu lý lịch, càng đơn giản, càng ít chi tiết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và nhất là phải nhớ những điều mình đã khai, đã viết lên trang giấy, vì bút sa gà chết. Biết tôi dễ tin người, Tân thường xuyên căn dặn tôi phải dè dặt với mọi người, tránh to tiếng, tránh gây gỗ và nên hạn chế làm thân hay chuyện trò với các người bạn tù khác, nhất với những người mình không quen biết bao nhiêu hay những người ở trong các đơn vị trọng yếu như quân báo, thám báo, phượng hoàng, an ninh, cảnh sát, chiến tranh chính trị, xây dựng nông thôn…để tránh phiền hà hay bọn “antennes” theo dõi.

Quá nhiều lần tôi chứng kiến Tân lên cơn suyễn trong tuyệt vọng. Thật xấu hổ và đau đớn khi tôi chẳng thể giúp được bạn mình vì chẳng có thuốc men trong tay. Tôi xót xa nghe hơi thở Tân khò khè nặng nề với những tiếng rít nghẹt thở, người ngồi dựa vào tường, mắt mở lớn, miệng hả to hớp không khí, cánh mũi phập phồng, bẹ sườn giãn nở tối đa, thân thể ướt sũng mồ hôi dù giữa đêm mưa lạnh. Bệnh chẳng hề thuyên giảm và càng ngày càng trầm trọng với những cơn suyễn dồn dập kéo dài. Với sức khỏe kém dần, Tân thường xuyên được miễn lao động. Đau yếu lại chẳng biết ngày về, Tân càng hướng tâm linh vào cầu nguyện, và cầu nguyện nhiều hơn.

Trong ba chúng tôi, bạn Hồ Xuân Tịnh được thả cho về sớm nhất, trước cả đợt thăm nuôi đầu tiên. Tân và tôi tiếp tục ở tại chỗ trên cả năm, trước khi tôi bị chuyển trại vào ngay sau Tết năm 1977. Đêm chuyển trại, trời mưa và lạnh, Tân đang lên cơn suyễn nặng, ngồi yên trên giường thở nặng nề. Phút cuối khi chia tay, tôi đến gần Tân nắm tay bạn chào tạm biệt. Tân làm dấu cho tôi đến sát mặt mình, hổn hển thì thào “Huynh đi bình an, nhớ đọc kinh cầu nguyện. Nhớ cầu nguyện cho đệ”.

Và kể từ lúc ấy, tôi mất hẳn tin tức của Tân cho đến năm 2007, tôi vui mừng nhận tin từ một bạn KQ cho biết Tân hiện đang sinh sống tại Oklahoma City. Trong hân hoan và xúc động, tôi điện thoại ngay cho Tân. Sau khi nhắc lại tên mình, xưng huynh với Tân, kèm theo vài kỷ niệm khó quên giữa hai đứa trong tù, rồi lập lại câu “Huynh, đọc kinh với đệ”, tôi hơi khựng lại, có cảm giác Tân không nhận ra được huynh của Tân ngày xưa. Có một cái gì bất ổn! Tân đã thay đổi? Không nồng nhiệt như tôi ước mong qua cách trả lời ngắn, bâng quơ, không đầu không đuôi và không mạch lạc. Mãi đến khi biết tin Tân được nhận vào viện dưỡng lão El Dorado tại San Diego, đầu tháng 10, 2015, vợ chồng chúng tôi đến thăm ngay. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại nhau tại Mỹ. Với Tân, nằm trên giường, không hay biết nhiều, và Kim Oanh, ở tạm trong nhà bà con gần đấy, ngày ngày vào săn sóc chồng.

Qua câu chuyện với Kim Oanh, tôi mới biết Tân bắt đầu có triệu chứng bệnh từ cả 16 năm trước, cho đến khi không tự mình săn sóc được. Tân đã mắc phải căn bệnh thần kinh từ năm 2001, bắt đầu với triệu chứng lãng trí, rồi cơ thể bại xuội từ từ. Đi đủ mọi trung tâm y tế chuyên khoa, qua đủ mọi thử nghiệm, bác sĩ cho biết hệ thống tuần hoàn trong não Tân quá kém, đưa đến tế bào não yếu rồi chết dần, không có thuốc gì hay thủ thuật gì cứu chữa được; chứng bệnh sẽ từ từ trở nặng theo thời gian. Bốn năm sau này, K. Oanh đã phải một mình săn sóc đặc biệt cho chồng 7/24, lo vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo, đút mớm, xốc vác dìu đỡ chuyển qua xe lăn… toàn những công việc nặng nhọc.

Để nâng đỡ tinh thần Kim Oanh, vợ chồng chúng tôi quyết định đem theo cô con gái đầu lòng, bị tàn tật sau một tai nạn bất ngờ, như một chia xẻ và cảm thông sự khó nhọc và nỗi đau khổ của Kim Oanh đang gánh chịu. Điều này đã nhanh chóng giúp Kim Oanh và chúng tôi dễ cảm thấy gần gũi, thông cảm hoàn cảnh của nhau. Nếu thấy và hiểu được đời là bể khổ, mỗi người ai cũng có một thánh giá để vác, không cái nào nhẹ hơn cái nào thì chúng ta dễ dàng chấp nhận những sự bất như ý trong cuộc sống. Vấn đề là ráng vác làm sao cho khéo léo. Nhẹ nhàng thì tốt hơn, đỡ khổ hơn.

Tôi tự hỏi có phải những chịu đựng tinh thần, những hành hạ thể xác, những cơn suyễn nặng trong chốn tù, sự bất ngờ thành công vượt ngục trong sợ hãi khủng khiếp vào năm 1979, những thất bại và nguy hiểm liên tục trong nhiều chuyến vượt biên, cái chết của người anh đầu trên biển, và sự hãi hùng ghê sợ ngoài sự chịu đựng của con người, tuy sống sót trong chuyến vượt biển (**trên cùng một con thuyền với nhà văn Nhật Tiến) nhưng phải chứng kiến cảnh hải tặc hành hạ, tàn nhẫn giết và làm nhục các phụ nữ trên đảo Ko Kra khi chuyến tầu vượt biên của Tân bị chúng đánh chìm - tất cả những sự kiện ấy đã không ít thì nhiều góp phần đưa đến hội chứng hậu chấn thương tâm lý và làm hư hỏng, xóa mòn não bộ của Tân!?

Một tuần trước Lễ Tạ Ơn 2015, chúng tôi đến thăm Tân lần thứ hai, lần này kéo theo vợ chồng bạn Hồ Xuân Tịnh. Dù đây là lần đầu tiên vợ chồng Tịnh gặp Kim Oanh, nhưng không vì thế mà ánh mắt không thân thiết, bàn tay không siết chặt nhau trong nỗi thông cảm sâu xa đầy thân ái. Như chuyền cho nhau sức sống và hy vọng. Để cũng cố đức tin trong hiệp thông cầu nguyện – vì từ năm 1980, trước khi vượt biên, bạn Tịnh đã tìm thấy ánh sánh Thiên Chúa để trở thành một tín đồ ngoan đạo. Chúng tôi cùng ngồi trong phòng, vừa quan sát Tân vừa lắng nghe những câu chuyện từ Kim Oanh cho đến khi Kim Oanh đút chồng ăn xong phần cơm trưa. Tịnh và tôi thay phiên nhau nói chuyện với Tân. Trông Tân có vẻ tỉnh hơn lần trước, dù với vài lời ư e vô nghĩa và ánh mắt xa xôi.

Kim Oanh thường xuyên gọi chúng tôi, cho biết tình trạng của Tân xấu dần. Vào ngày 28 tháng 2, 2016, Trung Úy Hoàng Văn Tân, cựu sĩ quan binh chủng Không Quân VNCH, người bạn tù và đệ của tôi, đã thanh thản ra đi, với sự hiện diện bên cạnh của người bạn đời thân thiết và con trai. Kim Oanh đưa xác chồng về chôn tại Oklahoma. Chúng tôi luôn nói lên sự ngưỡng mộ Kim Oanh về sự săn sóc chu đáo cho chồng mình liên tục trong suốt trên 15 năm. Chúng tôi cảm thấy yên tâm biết Kim Oanh sống trong tình yêu thương và bảo bọc của các con và cháu. Chúng tôi và Kim Oanh vẫn giữ liên lạc với nhau, gởi cho nhau những lời chúc trong những mùa lễ, hình ảnh tin tức về con cháu…

Đầu tháng 10, 2024, Kim Oanh điện thoại xác nhận ngày đến thăm chúng tôi, cùng lúc xin gặp mặt anh chị Hồ Xuân Tịnh trong ngày tiệc. Khoảng hai tuần trước khi đến Cali, Kim Oanh xin phép cho đem theo người bạn trai của mình, ý muốn chính thức giới thiệu với các anh chị bạn tù trước đây của chồng mình, là những người mà cá nhân Kim Oanh rất cảm kích. Chúng tôi nhìn thấy Kim Oanh thật tế nhị và cẩn thận, từng bước một tỏ bày câu chuyện lòng của mình. Kế đến, chúng tôi nhận được quà từ Kim Oanh gởi qua bưu điện, là những bao khô bò gởi tặng cho anh chị Tịnh, Maurice Emanuel, là tên người bạn trai của Kim Oanh và cho chúng tôi, mỗi cặp 2 gói. Thật là chu đáo khi Kim Oanh vừa cám ơn chúng tôi sẽ đón tiếp mình và bạn trai lại vừa tinh tế gián tiếp giới thiệu tên người bạn trai của mình.

Về phía chúng tôi, không chút mảy may thành kiến, chúng tôi không những chọn thái đội cởi mở, trìu mến dang tay đón nhận Kim Oanh cùng Maurice, mà chúng tôi thật tình mong muốn và ủng hộ Kim Oanh trong sự tìm lại tình yêu đôi lứa ở tuổi chín chắn. Biết Kim Oanh từng khổ sở nuôi chồng 4 năm trong tù cải tạo, móc nối tạo điều kiện cho chồng trốn trại tù, sắp xếp cho vợ chồng sống tạm ở vùng hẻo lánh xa kiểm soát của công an CS, rồi mưu toan lo cho chồng vượt biên cả mươi lần. Về sau, gia đình Tân và Kim Oanh đoàn tụ, định cư tại Kansas, quyết chí xây dựng tương lai gia đình, nhưng chỉ được khoảng 20 năm hạnh phúc thanh xuân bên chồng con, Kim Oanh lại một lần nữa quên mình, gác lại tất cả lạc thú trên đời, dồn mọi nỗ lực vào chuyện săn sóc cho Tân liên tục trong 15 năm tiếp theo, cho đến khi chồng mất.


Maurice và Kim Oanh

Qua Kim Oanh, tôi biết thêm Maurice chưa bao giờ lập gia đình, bố mẹ không còn, chỉ có một người anh và một người chị cùng cha khác mẹ. Maurice giữ chức vụ giám đốc điều hành công nghệ thông tin và là nhân vật số 3 trong hãng Globe Life Insurance Conpany. Kim Oanh làm việc cho hãng này hơn 3 năm qua, và khác văn phòng với Maurice, ít khi có dịp gặp mặt nhau tại sở. Hai người bắt đầu quen nhau, rồi từ 2 năm nay, thường xuyên gặp nhau, tâm sự và tìm hiểu nhau mỗi cuối tuần. Tình yêu từ từ đến, và chính thức sau ngày 18 tháng 9, 2022 khi 2 người dẫn nhau đi chơi xa. Các con của Kim Oanh đều biết câu chuyện này tỏ lời thông cảm cho mẹ, và quý trọng Maurice. Có điều Kim Oanh hơi tỏ ra quan tâm vì Maurice thích quan niệm Thiền với Tỉnh Thức, Ý Nguyện Hòa Bình và tinh thần Lắng Nghe của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, và đã từng tình nguyện giúp khá nhiều cho nhánh Thiền địa phương về in ấn, về công nghệ thông tin.

Buổi tiệc ngày thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024 tại nhà xẩy ra trong khung cảnh thân thiết, ấm cúng nhưng đồng thời trang trọng và lịch sự. Maurice và tôi nói chuyện khá nhiều và cởi mở. Anh cho biết anh làm việc cho hãng này được 38 năm, và vẫn chưa tính chuyện về hưu – sự kiện này cho thấy anh là một con người trung thành với công ty mình. Tuy trụ sở Mẹ nằm ở Oklahoma City, nhưng hãng có mặt tại nhiều tiểu bang khác và các thành phố lớn như New York, Dallas… đang bành trướng tốt đẹp. Anh cho biết anh vẫn giữ đạo Anh Giáo (Presbyterian Church), và Thiền chỉ giúp thêm anh tĩnh tâm. Tôi sơ lược cho Maurice biết chuyện chiến tranh Việt Nam, sự xảo quyệt và tàn nhẫn của Cộng sản, cuộc sống của tù nhân sau chiến tranh, so sánh cho anh thấy sự khác biệt giữa chiến tranh Nam Bắc nước Mỹ chấm dứt trong danh dự cho cả 2 phe, với cuộc chiến tranh VN chấm dứt trong trả thù và phân biệt chia rẽ Nam Bắc cho dù thống nhất đất nước; rồi câu chuyện 3 bạn tù nằm sát bên nhau, che chở cho nhau và cầu nguyện với nhau, mà nay còn hai mống trước mắt anh… Tôi nhìn thấy ở anh sự cảm thông đối với nạn nhân cuộc chiến, mà Kim Oanh là một chứng nhân điển hình.

Tôi nhìn thấy Maurice có dáng người cao, khá đẹp trai, nhỏ nhẹ, thân thiện, chân thật, giản dị và dễ hòa đồng. Khi cháu Bồ Câu từ trường về nhà bằng xe bus, cả Kim Oanh và Maurice đồng đến gần, ôm chào hỏi cháu với nhiều thương mến, trao tặng thú nhồi bông và bánh kẹo cho cháu.


Trước khi chào nhau ra về, Maurice và tôi đứng chụp chung một tấm hình. Đó cũng là lúc tôi cám ơn Maurice đã làm cho Kim Oanh vui hẳn lên vì tôi nhìn thấy đôi mắt Kim Oanh sáng ngập hạnh phúc. Đồng thời tôi cũng chúc phúc cho đôi bạn chia sẻ phần đời còn lại với nhau. Và tôi cũng xin phép trước sẽ ghi lại câu chuyện tuyệt vời này, như một món quà cho cả hai.

TG Vĩnh Chánh (bên trái) và Maurice

Cùng trong chiều hôm ấy, Maurice gởi riêng cho chúng tôi lời cám ơn rất chân thành và mong ước sẽ còn gặp nhau trong tương lai. Hai người tiếp tục thăm viếng miền Nam Cali, gởi cho chúng tôi nhiều tấm hình thật dễ thương, trông rất xứng đôi. Trong những tấm hình đó có quang cảnh của Thiền Viện Deer Park Monastery ở Escondido do cố Thiền Sư Nhất Hạnh sáng lập. Về lại Oklahoma, Kim Oanh chia sẻ thêm nhiều tâm sự, cùng hình ảnh của 2 người, lời viết tay của Maurice bày tỏ tình yêu và quý mến gởi cho Kim Oanh nhân dịp kỷ niệm ngày anniversary cuộc tình của nhau…Tuy nhiên, với tôi, có lẽ câu viết của Kim Oanh sau đây là quan trọng nhất: “Nếu anh Tân là người yêu đầu tiên của em qua sự giới thiệu và quen biết giữa hai gia đình, để từ đó em trở thành vợ anh Tân lúc em mới 17 tuổi, quá non nớt và bồng bột để tự hỏi đó là tình yêu?! Nhưng bây giờ qua bao thử thách, em thấy rõ tình yêu của Maurice dành cho em rất lớn và trân trọng. Nếu anh Chánh hỏi ý kiến em về đề tựa cho câu chuyện đời em, em bằng lòng với “Tình Yêu Cuối Đời”. Riêng với tôi, “Hạnh Phúc Cuối Đường” có lẽ thấm hơn và mênh mông hơn.

Bài này được viết trong mùa Lễ Tạ Ơn. Để cám ơn Trời, cám ơn Đời, cám ơn nước Mỹ luôn cho mọi người chân thiện có cơ hội tìm thấy hạnh phúc ở bất cứ tuổi nào.

Vĩnh Chánh
Tháng 11, 2024.

** Nhà văn Nhật Tiến là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng trước 1975, như Thềm Hoang, Chim Hót Trong Lồng, Những Vì Sao Lạc…Cuối năm 1979 ông vượt biển và chuyến đi đã gặp hải tặc trong Vịnh Thái Lan. Ông và nhiều thuyền nhân bị hải tặc đem vào đảo Ko Kra giam nhiều tuần trước khi được nhân viên của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc giải cứu. Ông là người đầu tiên chính thức viết những bản cáo trạng nhờ tổ chức Boat Peope S.O.S. phổ biến. Câu chuyện của ông đã gây dư luận xúc động khiến thế giới quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thuyền nhân và nạn hải tặc. Tại Hải Ngoại, Ông có những sáng tác như: Tiếng Kèn, Mồ Hôi Của Đá, Một Thời Đã Qua… Nhà văn Nhật Tiến từ trần năm 2020 tại CA, không đầy một tháng sau khi người bạn đời của Ông ra đi về miền vĩnh hằng.
Căn hộ trên tầng cao nhất của tháp Eiffel

Ít ai biết rằng ngay trên đỉnh của tháp Eiffel, một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của thế giới, có một căn hộ bí mật. Được xây dựng bởi chính Gustave Eiffel, kiến trúc sư của công trình vĩ đại này, căn hộ trên tầng cao nhất của tháp Eiffel không chỉ là một nơi trú ẩn riêng tư, mà còn là một biểu tượng cho sự khéo léo và tầm nhìn của ông.

Căn hộ này nằm ở tầng trên cùng của tháp, ở độ cao hơn 300 mét so với mặt đất. Khi bước vào bên trong, người ta không chỉ ngạc nhiên bởi không gian thoải mái và trang nhã mà còn bởi sự khác biệt với phần còn lại của tháp. Trong khi toàn bộ tháp Eiffel chủ yếu làm bằng sắt thép cứng rắn và góc cạnh, căn hộ của Gustave Eiffel lại mang một phong cách ấm cúng, với các nội thất bằng gỗ và những bức tranh nghệ thuật tinh tế, thể hiện sự yêu thích văn hóa và sự nhạy bén nghệ thuật của ông.

Bên trong căn hộ, các phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi với phòng khách và cả phòng thí nghiệm nhỏ, nơi Eiffel thường làm việc. Căn hộ này không hề xa hoa mà thay vào đó, nó được thiết kế với phong cách tối giản và lịch thiệp, phù hợp với sự kín đáo và tinh tế của người chủ sở hữu. Gustave Eiffel thường sử dụng căn hộ này như một nơi để tiếp đãi các vị khách danh dự của mình, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như nhà khoa học Thomas Edison, người đã từng đến thăm và tặng ông một trong những phát minh quan trọng của mình: chiếc máy hát.

Cảnh quan từ căn hộ cũng là một yếu tố đặc biệt. Từ đây, người ta có thể nhìn toàn cảnh Paris, từ dòng sông Seine thơ mộng chảy qua, đến những con phố nhộn nhịp bên dưới. Vào buổi tối, khi thành phố lên đèn, cảnh tượng này trở thành một khung cảnh tuyệt đẹp, tạo cảm giác như Paris đang tỏa sáng ngay dưới chân mình. Đó cũng là lý do mà căn hộ trên đỉnh tháp Eiffel được coi là một trong những điểm ngắm cảnh đẹp nhất thế giới.

Mặc dù căn hộ không dành cho công chúng tham quan, ngày nay người ta vẫn có thể nhìn thấy một phần bên trong thông qua cửa sổ khi tham quan tháp Eiffel. Căn hộ của Gustave Eiffel đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử tháp Eiffel, một minh chứng cho tầm nhìn xa trông rộng của người kiến trúc sư vĩ đại này. Gustave Eiffel không chỉ tạo ra một kỳ quan thế giới, mà còn để lại dấu ấn cá nhân đầy tinh tế trên chính công trình của mình, một không gian riêng tư nhưng đầy ý nghĩa giữa bầu trời Paris.

Nguồn : Pane e Vino- 3 Nguyễn Khắc Cần


Mẹo để cầm máu cấp thời...

Bằng cách cho tiêu vào!

Này, này, tôi nghe thấy bạn phản ứng ngay: "Nhưng làm như vậy sẽ rất nhức buốt!"
Ồ không đâu bạn ơi, và đó chính là điều thần diệu: sẽ có hiệu quả tức thì và đảm bảo không gây đau đớn!

Tôi đang cắt hành thì con dao rất sắc của tôi trượt tay và cắt một vết vào ngón trỏ. Phản ứng tức thì của tôi là đưa ngón tay mình đến vòi nước. Hoàn toàn sai lầm, bạn ơi!

Nước làm loãng máu và do đó làm cho máu càng chảy thêm nữa. Hạt tiêu! Hạt tiêu! Hạt tiêu!

Bố tôi là một đầu bếp chuyên nghiệp liền nắm lấy tay tôi, cầm hủ đựng hạt tiêu và rắc rất nhiêu tiểu lên ngón tay tôi.

Theo bản năng, tôi hét lên, vì nghĩ rằng sẽ rất nóng và rát! Bạn biết đó, chỉ là một phản ứng tự nhiên vì trong vô thức của con người, khi nói đến tiêu (hoặc ớt...) là nghĩ ngay đến CAY, đúng không nào?

Sau đó, tôi nhanh chóng thay đổi suy nghĩ của mình khi nhận thấy không những mình không đau rát tí nào mà ô hay chưa, không còn chảy máu nữa!

Điều này là như thế nào nhỉ? Thật ra, hạt tiêu có tác dụng như một rào cản khiến máu đông lại.

Khi khô, nơi đó sẽ tạo thành một lớp vỏ nhỏ và ta chỉ cần rửa sạch bằng nước một giờ sau.

Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể tiếp tục việc đang dang dở mà không có giọt máu nào rơi vãi khắp nơi.

Phương pháp này có thể áp dụng cho các loại vết thương nhỏ, vết cắt, trầy xước.

Mẹo này không chỉ áp dụng cho những vết cắt nhẹ ngoài da. Vết cắt do dao của tôi rất sâu và ra máu khá nhiều.

Những hạt tiêu đó ngày lập tức tạo thành lớp vỏ và đã cảm máu rất hiệu quả!!


Wednesday, November 20, 2024

Sự ra đời của ca khúc ‘Mùa thu chết’ và cái tên Julie Quang

Sau người vợ đầu Julie, Duy Quang có nhiều bóng hồng khác trong đời mình nhưng ngày anh nằm ở bệnh viện Hoa Kỳ vì căn bệnh ung thư gan, cũng vẫn Julie là người sớm hôm túc trực bên giường bệnh.

Julie sinh năm 1951, mang hai dòng máu Việt – Ấn. Cha cô là một người lính trong quân đội Pháp tham chiến tại VN (trước năm 1954). Mẹ cô tên Phạm Thị Hoài quê ở Cần Thơ, khi Julie vừa tròn 1 tuổi thì mẹ con cô phải theo ông bố qua Pondichery (Ấn Độ). 5 năm sau bà mẹ mới đưa mấy chị em cô trở về VN sống với ông bà ngoại.

Đàn con của bà Hoài vẫn “tiếp tục phát triển” và Julie là chị cả của 5 đứa em còn lại. Lúc này gia đình cô rất nghèo, thiếu thốn đủ thứ nhưng mẹ cô vẫn tằn tiện cho cô theo học trường Tây và không hề tiếc tiền khi phải chắt chiu từng đồng mua cho cô rất nhiều bài hát để cô sưu tầm cũng như tập dượt. Julie nói và hát được thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh (dĩ nhiên cả tiếng Việt nữa!)

Được sự khuyến khích của mẹ (đang lúc vấn đề kinh tế thúc bách) Julie bước vào con đường nghệ thuật bằng cách đi hát với những ban nhạc trẻ vào những năm cuối thập niên 60. Cô hát nhạc Anh, Pháp cho các căn cứ quân đội Hoa Kỳ ở Long Bình, Biên Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Tân Sơn Nhất… Và trong một lần đi hát như thế, cô đã gặp Duy Quang. Trong Tự truyện Môi son Julie, cô đã viết:

“… Thời gian khởi đầu ca hát, những năm cuối thập niên 1960, tôi tuổi teen như con thiêu thân, tự mình chắp đôi cánh nhung thiên thần “lao vào lửa”. Tự mình lao vào hát nhạc Pháp nhạc Anh cho các căn cứ quân đội Hoa Kỳ ở Long Bình, Biên Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Tân Sơn Nhất… Lúc đó tôi nào biết Duy Quang là con trai nhạc sĩ Phạm Duy.

Câu hát đầu tiên trên môi anh ngọt: “Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. Lòng anh mở với quạt này. Trăm con chim mộng về bay đầu giường …” (Ngậm Ngùi, thơ Huy Cận, nhạc P.D). Làm sao em quên được nỗi hạnh phúc run rẩy khi hai đứa lần đầu tiên cắn vào trái cấm.

Đây là thời kỳ trăng mật của hai chúng mình. Em nhớ không sai. Hai chúng ta ra Nha Trang để được Tự Do yêu mà không bị giám sát bởi gia đình…

Hai trẻ chắt chiu dành dụm được một số tiền để mua lại một số dụng cụ âm thanh, đàn trống, do những ban nhạc Mỹ khi về nước họ để lại.

Và chúng tôi đã thành lập ban nhạc gia đình: The Dreamers. Nhờ Chàng, tôi bắt đầu tập ca nhạc Việt. Không bao lâu sau, tôi được khán thính giả Việt biết đến với bài Mùa Thu Chết, nhạc Phạm Duy phổ thơ Apollinaire. Rồi tôi bắt đầu nổi danh với một lọat tình ca thời chinh chiến…”.

Như vậy, Duy Quang gặp và yêu Julie, rồi khi lập ban nhạc The Dreamers chàng đưa nàng về nhập nhóm và Julie trở thành một thành viên chính thức trong đại gia đình Phạm Duy.

Julie kể trong tự truyện Môi son Julie rằng: Thuở đầu đời mới làm quen với nhạc Việt và khán thính giả Việt qua nhạc ngoại quốc lời (Việt) của Phạm Duy, cô chỉ được biết đến qua cái tên rất ngắn gọn: Julie…

Cô cũng không biết Bùi Giáng là ai, dù lúc đó ông ấy đã là một “thi sĩ lẫy lừng tên tuổi, một thiên tài trong Thi văn nước Việt” (nguyên văn). Cô không thuộc thơ, cho nên cũng chưa bao giờ nghe nói tới “ông thi sĩ ngoại quốc Guillaume Apolinaire”…

Cho đến một hôm thi sĩ Bùi Giáng đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy. Bố Phạm Duy khoe với thi sĩ: “Để Moi bảo bọn nhỏ đàn hát cho Toi nghe! Julie, con hát bài “Vòng tay nữ sinh” và bài “Hai khía cạnh cuộc đời nhé!” (tức ca khúc To Sir With Love và Both Sides Now – cả 2 bài đều do P.D đặt lời Việt-NV).

Trong lúc Julie hát thì Bùi Giáng cầm cây bút chì hí hoáy vào một tờ giấy… Rồi ông khen Julie hát hay, và nói: “Ông và Bố sẽ có bài hát dính liền với tên con!”

Mà “dính” thật! – khi Julie đang hát thì ông dịch bài thơ L’automne est morte của thiên tài Guillaume Apolinaire ra tiếng Việt tại chỗ, và cũng trong ngày hôm ấy “Phù thủy” Phạm Duy đã cho ra đời ca khúc Mùa thu chết. Dĩ nhiên, bài hát này ông dành cho giọng ca của Julie.

Ca khúc Mùa thu chết cũng là bài hát đầu tiên của Julie được thu thanh vào đĩa nhựa. Tuy nhiên Cô Sáu – chủ hãng đĩa Việt Nam đã yêu cầu Julie phải có một cái tên Việt, để những người Việt ở tận vùng nông thôn cũng có thể đọc được, gọi tên được…

Khi Julie còn đang lúng túng, chưa nghĩ ra được một cái tên Việt cho mình, thì đã thấy xuất hiện trên bao bì đựng đĩa (và cả in trên đĩa nhạc) cái tên Julie Quang. Đó là quyết định của “Bố già” Phạm Duy. Julie nói: “Bố ghép tên chúng tôi lại, như một lời chúc phúc cho đôi trẻ”.

Julie Quang nói về Mùa thu chết như sau: “Mùa thu chết là một kết hợp của Thi Ca – East meets West (Đông Tây gặp gỡ) – thai nghén và sinh ra bởi những Cổ Thụ như Apolinaire, Bùi Giáng và Phạm Duy thì làm sao không đáp ứng được nhu cầu Thời Thế. Duyên may cho tôi kết tụ tại đấy… Là người chuyên chở bài hát chẳng đánh Bắc dẹp Nam hay cậy mình tài giỏi, tôi tin rằng đã có người hát hay hơn mình, và sẽ có người thể hiện bài Mùa thu chết “tới” hơn Julie Quang…”.

Ca khúc Mùa thu chết và cái tên Julie Quang được khai sinh cùng lúc như một định mệnh, lời của bài hát hình như cũng vận vào cuộc tình của hai người: Duy Quang và Julie…

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo.
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…
Em nhớ cho: đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa trên cõi đời này…
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo.
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em…”

(viết đến đây, tôi nhớ hồi các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy mới được phép hát lại (đầu những năm 2000) và Công ty Văn hóa Phương Nam đã mua độc quyền các bài hát (được cấp phép) của ông thì có một chiến dịch chống đối của các nhạc sĩ phía Bắc diễn ra một cách rất khiên cưỡng và hàm hồ. Tiêu biểu là nhạc sĩ Nguyễn Lưu đã viết một bài báo, trong đó cho rằng ”đỉnh điểm của tư tưởng chống phá Cách Mạng của P.D là viết bài hát Mùa thu chết. ”Mùa thu chết” chính là Cách mạng mùa Thu”- (tức Cách mạng tháng. Suy luận như thế thật… khôi hài. Sau đó báo Thanh Niên đã đăng một bài “phản pháo” chỉ rõ những lỗ hổng kiến thức của nhạc sĩ Nguyễn Lưu, ông này biết “bị hớ” nên im re!).

Nhưng Julie Quang đâu chỉ hát có mỗi Mùa thu chết. Cô còn hát nhiều ca khúc khác của Phạm Duy như: Giết người trong mộng, Huyền thoại trên một vùng biển, Một ngày một đời, Thu ca điệu cô đơn, Thú đau thương, Tưởng như còn người yêu (phổ thơ Lý Thụy Ý), Nước mắt mùa thu… và cả Mùa thu còn đó (Châu Kỳ), Số phận bẽ bàng (Thanh Phong)… Nói chung, giọng của Julie Quang thích hợp với những bản nhạc buồn thật buồn và đã để lại dấu ấn “Julie Quang” trong lòng khán giả mộ điệu.

Thời gian đầu chung sống hạnh phúc, Duy Quang đã viết ca khúc Bài thơ vu quy(phổ thơ Tuệ Mai), bìa là ảnh ca sĩ Julie Quang trong trang phục cô dâu mặc áo đội khăn voan trắng muốt… Họ có với nhau một con gái tên Lylan.

Rồi ly thân “Chẳng còn nhìn nhau nữa…” vì một lý do rất nhạy cảm. Julie Quang lấy lại cái tên ban đầu: Julie!

Mùa Giáng sinh năm 1974, Julie Quang sang Pháp và ở lại đó bởi những thay đổi ở quê nhà. Duy Quang và 3 em trai cũng kẹt lại VN trong khi bố mẹ cùng với 4 em nhỏ của anh đã qua Mỹ. Đó là một giai đoạn đầy khó khăn, Duy Quang phải trân mình tìm chỗ đàn hát để tự tồn tại và nuôi sống các em. Ngoài khả năng về ca nhạc, anh đâu biết nghề nghiệp gì khác, nhưng để được đàn hát cũng không phải dễ, đôi khi anh còn bị tủi nhục vì sự nghi kỵ vì anh là con của “ông Trùm”!

Tuy đã ly thân nhưng đến năm 1978, Julie vẫn bảo lãnh Duy Quang qua Pháp. Một thời gian sau (1980), anh qua Mỹ để đoàn tụ cùng gia đình.

Những ngày cuối cùng của Duy Quang và…
Khi phát hiện mình bị ung thư gan ác tính, nhiều bạn bè lo lắng còn Duy Quang thì vững vàng bảo: “Chắc không sao đâu, mình sang Mỹ sẽ có thuốc hay, rồi chắc qua khỏi thôi”. Và khi căn bệnh đã cướp dần sinh lực của Duy Quang, anh mới được người bạn thân là bác sĩ đưa sang Mỹ điều trị. Tại đây, Duy Quang nằm tại Bệnh viện Orange Coast nhưng tình trạng sức khỏe anh ngày một xấu đi.

Điều cảm động là khi hay tin Duy Quang nhập viện với tình trạng sức khỏe rất xấu, Julie – người tình đầu tiên của anh cùng với con gái (Phạm Lylan) đã bỏ hết công việc để vào bệnh viện chăm sóc anh. Dưới đây là những đoạn hồi ký trích trong Son môi Julie:

“… Cô y tá bước vào phòng bệnh nhân thay thuốc và chào mọi người buổi sáng.

Trong phòng người thăm hầu hết là thân nhân.
– Đau quá. Duy Quang nói.
– Anh lập lại: “Ôi đau quá”.

Mọi người hoảng hốt không biết anh đau ở đâu?
– Anh đau đâu ? Cô y tá hỏi.
– Anh để tay lên ngực: “Đau lòng”. Anh nói.

Anh vẫn thích đùa đến giờ phút cuối. hẳn nhiên là anh không chọn nhìn thấy chúng ta phân ưu bịn rịn thế này.

Lúc này vẫn chưa phải là vĩnh viễn không còn nhìn thấy nhau để nói câu giã từ vĩnh biệt… Vì em tin rằng không giã từ có nghĩa là một ngày nào đó chúng ta lại gặp nhau trên một con đừờng khác có âm nhạc cho 2 ta cùng song ca như thuở trước. Có các em đàn trống theo sau. Có Thái Hiền chờ anh tập hát…

Anh còn là thần tượng của Bố đấy, anh biết không. Bố xây Tượng đài cho anh từ lâu, có lẽ từ bài hát đầu tiên Thà như giọt mưa, thơ Nguyễn Tất Nhiên. Bố tôn giọng hát của anh thành thần tượng trong lòng âm nhạc của Bố. Trong suốt chặng đường dài cống hiến cho cuộc đời, từng bài hát Bố sáng tác cho riêng anh hát là từng khối Đá vàng nạm kim cương, làm bục bệ, để con trai Bố trở thành ngôi sao lấp lánh trong lòng người hâm mộ …

Và sắp tới đây người ta sẽ được nghe anh hát những bài hát cuối đời. Trong loạt bài hát phổ thơ Bích Khê này, Chàng hát thật đắm say, thật lạ, thật hay, như kể chuyện cho chỉ một người nghe… một Chuyện dài…

(Julie chăm sóc Duy Quang được 44 ngày. Đến 11 giờ 39 sáng ngày 19/12/2012 tại Bệnh viện Orange Coast- giờ Hoa Kỳ, anh đã về cõi vĩnh hằng-NV).

Tang lễ anh… Con gái Lylan và tôi không có mặt trong đám tang anh. Với bạn bè là một điều khó hiểu. Tôi khó lòng giải thích điều này trong lúc này. Mong có dịp thuận tiện để giải bày.

Riêng với các khán thính giả và bạn đọc, xin tạ lỗi …

Bởi trong đời có những nỗi rất riêng, không thể chia sẻ cùng ai. Tôi xin giữ lại cho riêng mình.

Tôi xem tang lễ qua TV.
Tang lễ anh và cũng là show diễn cuối cùng
Có khán giả có đại gia đình, có MC, có ca sĩ, có báo chí bạn bè thân hữu … rộn lên cả phố Bolsa.
Nhưng trong show diễn cuối cùng, anh không diễn. Anh làm khán giả. Một Duy Quang khán giả nằm yên đó ngắm nhìn.

Chợt nhớ một buổi chiều sau khi anh đã nằm trong lòng đất, tôi đi thăm nghĩa trang. Sau đó tôi viếng mộ mẹ Thái và mộ bác Mai Thảo. Trên mộ bác Mai Thảo người ta khắc lại bốn câu thơ của ông.

Tôi thấy bốn câu thơ cũng đã đúng cho anh vào những phút giây nào đó …

Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi
(Trích “Tự truyện Son môi Julie)

Tran Do



Blog Archive