Giải cứu trái cây
Cả tháng nay nhà vườn lao đao vì trái cam sành. Lỗ nặng khi giá cam chỉ còn 2000 đồng/ ký. Nhất là những người thuê đất trồng cam sành kiếm lời. Lời đâu không thấy, năm nay chắc cú sạt nghiệp vì không sao trả nổi tiền thuê đất.
Nhà nước và truyền thông hô hào giải cứu cam sành, giải cứu cũng giống như giải cứu các loại trái cây thanh long, củ hành tím hay dưa hấu.
Giải cứu thật ra chỉ là bán sô với mức rẻ nhất giống như câu thiệt thà của người Nam bộ " Mua đâu cũng vậy mua dùm tui, tui cám ơn!"
Hàng trái cây được giải cứu là khi ta thấy trái cây đổ tràn lan từng đống ở các hành lang vỉa hè trong các ngôi chợ từ lớn tới bé. Từ chợ tỉnh,chợ huyện tới chợ chồm hổm.
Mấy tuần nay nơi Chợ Lách cũng vậy, cam sành đổ bán lề đường đống đống. Từ cam nhất nhì đến cam nước. Thượng vàng hạ cám. Mới đầu 10 ngàn / 3 kg rồi, rồi 10 ngàn /4 kg. Riết 10 ngàn/ 5 kg bán cho hết. Để còn mang hàng mới về bán tiếp tục.
Người mua đi bán lại mà bán giá đó thì nhà vườn nói theo cách dân miền Tây là "lỗ sặc máu".
Khi truyền thông hô lên đã giải cứu xong mùa cam sành là cam sành bắt đầu lên giá 10 ng/ kg. Là khi nhà vườn cũng không còn bao nhiêu để bán khi vừa bán đổ bán tháo cho cây không kiệt sức, lớp rụng tràn đất, nổi lềnh bềnh giáp mương.
Vườn nhà tôi trước đây đã từng trồng cam sành với diện tích kha khá. Nên nhìn đống cam sành bán sô rẻ bèo ở chợ tôi thấy quá chạnh lòng, thương người trồng cam vô cùng.
Trồng lên được một vườn cam sành vốn không phải dễ. Từ chọn mua cây giống rất đắt. Mà có khi gặp chủ trại cây giống không có lương tâm xuất cho loạt cây giống ghép từ cây bị bịnh. Thế là trồng hoài cây không lớn nổi, vàng lá từ trứng nước phải nhổ bỏ. Mua cây khác chêm vô. Hao thêm mớ tiền cũng bộn.
Muốn cây xanh um thì phải cho cây đầy đủ phân bón, nước noi. Khi cây cho trái thì lớp bị ruồi vàng bu, bù xít đụt thì còn phải lo nuôi nhử kiến vàng vì bị kiến hôi tấn công trái cam không bóng mượt mà nám thâm, đen sì rất khó bán. Tới đợt bán thì nhà vườn hái từng trái cam, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa nếu không nhẹ tay cam sành dễ bị dập the.
"Cam sành lột vỏ còn the"_Cái the cam sành rất độc đáo. Nó có tinh dầu và mùi thơm the the dễ chịu nhưng khi trái cam bị rớt giập the rồi thì chỉ có thể ăn liền. Qua nửa ngày là nó thấm vào múi cam khi ăn hay uống nước từ cam đều có vị nhẫn nhẫn.
Thế nhưng trái cam sành khi hái xuống để 2-3 giờ đồng hồ rồi thì chất the cũng dịu hẳn đi. Đó là lúc tới tay thương lái. Họ lựa hàng thẩy đùng đùng vô các sọt nhựa cũng không sao.
Cam sành ngay mùa vào khoảng tháng 9,10 al. Giá cam vì thế không thể cao. Cam sành cho nở bông nghịch mùa thu hoạch từ độ tháng 5 hay 6 thì bán rất ngon vì giá cao.
Giá cam nhứt có thể lên 60-80 ng/kg nhưng cả đống cam hơn trăm kg thì lựa ra cam loại nhứt giỏi lắm 5-6 kg. Thương lái mua cam sành vừa ép giá vừa ép loại. Cam sành chở ra vựa bán rồi thì họ mua muốn lựa cỡ nào cũng ngồi chịu, nhà vườn không thắc mắc, không hơn thua. Cốt sao có nơi để bán là được. Chứ chở cam sành bán xa xôi rất cực. Vì tôi cũng là người chuyên môn chở cam sành đi bán mà.
Vườn cam sành ở nhà, tôi ngoài việc phụ chồng đi tưới thì mọi việc chăm sóc đều một tay anh lo. Tôi chỉ có nhiệm vụ chở đi bán mà thôi.
Nhắc tới chuyện bán cam sành tôi có nhiều kỷ niệm về nó.
Gia đình tôi tuy không giàu có bằng ai nhưng Ba Má tôi chưa bao giờ để chị em tôi thiếu cái ăn, cái mặc. Chưa bao giờ chúng tôi phải vất vả mua gánh bán bưng. Khi gả về nhà anh, tôi có thời gian bán sạp quần áo ở chợ cách nhà 5_6 cây số. Khi mang bầu Tân thì tôi nghỉ bán. Tân ra đời vì nuôi toàn sữa hộp nên vợ chồng tôi có bao nhiêu tiền đều dành dụm để mua sữa cho con. Từ hụi hè, nữ trang, vốn liếng đều văng hết vô đống hộp sữa không, ngồn ngộn chất sau hè nhà.
Lúc đó ba má chồng cho chúng tôi 4 công đất. Anh trồng cam sành lác đác trái chiến. Mỗi lần bán chỉ chừng 2 giỏ nhỏ khoảng 20 ký.
Có một chiều anh bẻ sẳn cam để đó. Tôi hỏi:
- Bán ai vậy anh?
Anh lơ đễnh nói: Bán chợ.
Thấy anh loay hoay lau kỹ từng trái nên tôi cũng không hỏi thêm mặc dù tôi ngây thơ không hiểu bán chợ là bán ra sao.
Khuya hôm đó 4 giờ sáng anh kêu tôi :
- Dậy đi em ,dậy đi bán cam.
Tôi dụi mắt nghe anh nói tôi tỉnh ngủ luôn:
- Em đi bán hả?
- Vậy chớ hong lẽ anh đi?
Nào giờ tôi có đi bán trái cây chợ khuya hồi nào đâu trời.
Nhưng tôi cũng thay đồ chuẩn bị đi mà trong lòng thầm nghĩ " Không ngờ mình lại có ngày này ."
Trong lòng lại lo :" Trời ơi, lỡ gặp bạn bè không biết phải giấu mặt đi đâu". Bởi Thảo Phạm nào giờ tuy không đài các nhưng cũng có thể tàm tạm gọi là tiểu thơ của gia đình có chút tiếng tăm khá giả. Nào giờ việc bán trái cây chỉ thấy ba vô cần xé gửi đò lên chợ Ông Lãnh bán thôi. Tự nhiên giờ bưng giỏ cam có mấy trái đi bán thật là kỳ ta. Nghĩ thấy ngộ nghĩnh mà lại thấy đau. Nhưng rồi nghĩ lại không đi bán thì lấy đâu tiền mua sữa con bú. Lúc đó 1 hộp Meiji 450 g trị giá 50 ngàn. Mua 10 hộp là đúng 1 chỉ vàng. Trong khi Tân uống 1 hộp chỉ có 3 ngày mà thôi. Vì con mà chường cái mặt bây lớn cũng kệ. Miễn sao có tiền là được.
Ngày ấy làm gì có chiếc xe máy. Tôi máng 2 giỏ cam 2 bên gi-đông xe, đạp cọc cạch trên con đường đầy ổ gà, ổ voi tay cầm cái đèn pin rọi để thấy đường mà chạy.
Nghĩ là vậy, nhưng tôi cũng luôn đi bán thật khuya để tránh bạn bè khó có thể gặp. Có hôm cái giỏ sút quay. Cả chục kg cam rơi xổ xuống đường. Tôi phải dựng xe lượm dưới đường đất tối thui cũng may có sẳn cái đèn pin không thì không biết phải làm sao.
Có hôm lo bán tôi cởi phăng cái áo lạnh, thuận tay máng đại vô bờ rào nhà người ta gần đường. Rồi bán xong tôi xuống chiếc trẹt qua Chợ Lách mua đồ ăn rồi dong xe về. Tới nhà, tôi mới hay còn cái áo bỏ quên.
Tôi trở ra chợ lần nữa.
Chỗ tôi bán cam là ngay bến đò Chợ Lách. Thiên hạ bận nhau chen chúc xuống trẹt buổi sáng để qua chợ không ai thèm để ý cái áo dù màu nó nổi bật.
Nhìn thấy còn cái áo lạnh nhung màu cam cam vắt vẻo trên bờ rào tôi thở phào nhưng cũng thầm cười mình " Cái áo máng trước mặt mà cái gì lại quên. Thiệt là tình!
Từ vài giỏ cam sành trái chiến, tới cam sành rợp mùa. Tân được 4 tuổi thì chúng tôi sắm được chiếc xe gắn máy. Vườn cam sành đã sum suê trái.
Lúc đó tôi đã chở cam sành đi bán trường kỳ. Đi bán cam sành từ khi Tân mẫu giáo vô cấp 1 rồi tới Tiến.
Từ ngày đầu tiên chở cam sành đi bán bằng xe máy chỉ có giỏ cam 4-5 chục ký. Tôi chở lên 2 giỏ trăm kg rồi 200 kg chạy bon bon. Không những chở cam sành bán tôi còn chở bán cả mùa sầu riêng khổ qua vườn nhà. Anh chỉ việc làm cho cây ra trái. Buôn bán là việc của tôi.
Có bữa đi bán cam tôi gặp ông anh trước đây chuyên là lái mua trái cây ở nhà Ba tôi. Anh cũng đi bán cam sành cùng chỗ.
Gặp tôi, anh ngạc nhiên: Trời ơi, em hả Thảo!?
Rồi anh nhìn tôi ngắm nghía từ đầu tới chân, cười mỉm mỉm như thể không tin đây là Thảo " Giờ em giỏi quá vậy Thảo!"
Tôi cũng cười khè anh luôn :" Hời ơi em giỏi lâu gòi !". Trên đường về nhớ câu anh Đức khen mà tôi thầm nghĩ trong đầu :" Giỏi cái gì mà giỏi anh ơi. Thời thế tạo anh hùng thôi. Không đi bán thì lấy gì nuôi con chứ!". Tôi chợt mỉm cười một mình với ý nghĩ ngộ nghĩnh. Giá mà Ba tôi còn sống chắc ông cũng ngạc nhiên lắm không ngờ đứa con gái ốm yếu bịnh hoạn " làm biếng nhớt thây " ngày nào giờ đây mưu sinh lăn lốc bụi đời như vậy.
Nhớ hồi chiếc cầu Chợ Lách còn lót ván mỗi khi qua lại nếu 2 xe hơi gặp nhau y chan như câu chuyện gấu qua cầu của lớp mẫu giáo. Trong 2 chiếc xe phải có chiếc trở lui. Có bữa 2 xe không ai nhường ai làm tắt cầu thiên hạ phải chờ cả buổi.
Mỗi lần chở cam sành lên dốc cầu Chợ Lách tôi đều lo nơm nớp. Xe lên được con dốc thấy không có xe hơi, xe tải lên ngược hướng là tôi mừng húm. Hình như ông trời cũng thương nên hôm nào đi bán tôi qua cầu Chợ Lách cũng thuận lợi.
Duy chỉ có 1 lần làm tôi nhớ mãi không quên. Nhớ và luôn ghi ơn những người đã giúp tôi hôm đó.
Đó là một buổi trưa tôi cũng chở 4 giỏ cam sành hơn 200 kg. Xe tôi lên nửa con dốc thì chiếc xe tải đổ xuống. Tôi hoảng hồn nên thắng gấp. Bánh xe sau trợt ngang làm chiếc xe bị ngã. Không thể tưởng tượng được mình lại có cảnh nầy dù qua cầu thường nhựt thấy người ta ngã cũng là chuyện không lạ.
Thế là nguyên 2 giỏ cam sành phía sau xe đổ xuống cầu. Tôi cầm chắc tay lái chưa thể dựng xe được nhìn từng trái cam sành lăn lông lốc từ trên dốc cầu Chợ Lách xuống tới chân cầu. Những người đi xe máy phía sau dựng xe và cả những người buôn bán quanh phía dưới chân cầu họ lượm hết số cam sành bị đổ vô giỏ khiên lên máng vào yên sau dùm tôi. Lúc đó tôi chỉ đứng yên cầm cự cho xe không bị ngã vì phía trước tay lái còn một giỏ cam lớn.
Anh tài xế chèn xe tải phụ mọi người đỡ xe tôi dậy ràng rịt 3 giỏ cam phía sau cho chắc chắn rồi anh de xe trở xuống nhường tôi chạy qua.
Tôi cảm ơn mọi người mà chân còn run.
Đến vựa cam, tôi thản nhiên như không có chuyện gì.
Anh lựa cam sành hỏi tôi:" sao bữa nay cam dơ hầy vậy?"
Tôi cười thật tươi:" Dạ hôm nay em đi gấp quá vì lo đưa con đi học sợ trễ giờ nó!"
Tôi đâu dám nói té. Nếu không anh ta sợ giập the lựa bỏ hàng giạt hết thì khổ.
Rồi tới chuyện hiểu nhầm hữu ích. Cũng vì do tôi ăn mặc luôn chải chuốt nên dù tôi chở cam sành đi bán nhưng cũng không quên nhìn mình ăn mặc sao cho đẹp.
Anh chủ vựa cam sành thấy tôi ăn mặc chỉn chu nên tưởng tôi là dân đi làm việc ở cơ quan nào đó nên có cơ hội là anh chỉ đống giỏ cam sành của tôi biểu người làm lựa trước cho cô này đi.
Người chờ trước mà lại bị mua sau họ phàn nàn thì anh chủ vựa nói:" Nhường dùm cổ chút đi để cổ còn phải đi dạy !".
Thế là họ vui vẻ nhường cho tôi bán trước. Tôi không quên cảm ơn rối rít mà lại mắc cười trong bụng.
Nhiều lần như vậy, để rồi có 1 hôm tính toa xong anh chủ vựa vui vẻ hỏi :" Em dạy ở đâu!?
Tôi cười cười nói vừa đủ anh nghe
- Dạ, em đâu có đi dạy.
Anh chủ vựa cười thú vị:
- Vậy mà lâu nay anh tưởng em làm cô giáo không!!
Tôi cũng cười : Thì anh nói chớ em có nói đâu.
Anh ta cười hóm hĩnh :" Nhưng ưu tiên vẫn được mà !'
Tôi cười không thể tươi hơn: Hi hi, dạ anh
Vì vườn cam sành ở nhà lai rai có bán hoài, rộ nhất là lúc ngay mùa mới nhiều. Nên trưa trưa là tôi chở cam đi bán rồi tranh thủ về chở Tân đi học. Nghỉ xíu tới 4 giờ đi rước con. Sẳn tiện đi bán cam sành rồi đưa con đi học. Nên ăn mặc đàng hoàng cũng là việc cần làm chứ đâu phải cốt lừa gạt ai.
Hình ảnh tôi chở cam sành đi bán là chuyện các con thấy quen mắt nhiều năm nên một chiêù vô văn phòng đóng tiền ăn cho Tiến thì 2 cô phụ trách thu tiền nhìn tôi ngần ngại hỏi:
-Chị, có phải chị đi dạy bên trường kia không ?( Tức là trường cấp 3 đối diện trường cấp 1)
Tôi tình thật:
- Không em, chị làm vườn. Người đi dạy bên kia là chị ruột của chị. Chắc em nhìn lộn á. Đi Chợ Lách nhiều người cũng nhầm chị với chị ấy lắm!
Cô thủ quỹ liền tâm tình :
- Em tưởng chị đi dạy nên hỏi Tiến mẹ em dạy ở đâu. Thì Tiến nói mẹ em không có đi dạy cô ơi. Mẹ em làm nghề bán cam. Nhưng em không tin. Nên nay quyết hỏi chị cho rõ ."
Về nhà, tôi kể anh nghe mà cười không nhịn được:" Anh, Tiến nó nói em làm nghề bán cam !"
Vườn cam sành nhà tôi ăn trái gần 10 năm thì bị vàng lá chết dần. Lúc đó bịnh vàng lá là nạn kiếp của vườn cam sành cả huyện Chợ Lách. Cũng giống như bịnh chổi rồng trên cây nhãn quế gây chết hàng loạt.
Các tay kỹ sư nông nghiệp đài Cần Thơ lên bày binh bố trận cho nhà vườn trồng cam sành cách phòng trị bịnh vàng lá trên cây cam sành. Tới bước cuối cùng là đốn cây và các bạn đốt luôn cái gốc mới triệt tiêu được nấm gây bịnh.
Xem tới khúc đó vợ chồng tôi nhìn nhau cười phá lên. Tư vấn như ri thì ai mà không biết, cần kỹ sư để làm gì.
Thế là nhà vườn bắt buộc phải chuyển đổi cây trồng. Vườn nhà tôi cũng nằm trong số đó.
Vợ chồng tôi đốn bỏ vườn cam sành trồng cam mật. Rồi hành trình chở cam mật đi bán cũng gian nan không kém. Cũng bị rớt giá cũng bị lựa như lựa dâu. May là bỗng dưng có lái tìm tới tận nhà cân mua nên tôi đỡ chút vất vả. Từ đó tôi chỉ còn chở sầu riêng khổ qua đi bán mà thôi.
Ngày xưa hồi ở nhà Ba má, lâu lâu ba hái cam sành vô nhà chỉ để ăn thôi không có nhiều để bán vì nhà trồng toàn cam mật chỉ có chêm vài cây cam sành để ăn thôi.
Cam sành ở nhà lúc đó rất ngọt. Nhưng vị ngọt cam sành có vị chua đặc trưng riêng của nó. Không ngọt ngon như cam mật. Nên ở nhà ít ai thích ăn cam sành bởi cam mật ngon hơn.
Chỉ có bà nội tôi thích ăn cam sành bằng cách tách múi ra để vào cái ly rồi thêm muỗng đường trộn đều đợi cho múi cam thấm đường bà mới ăn.
Trước đây Má tôi chưa mất, Má là người thường xuyên dùng cam sành lấy nước uống. Không phải Má tôi thích nó mà là Má uống cam sành để bổ sung vitamin và cũng để nhuận trường. Má tôi thường nói cam sành bây giờ chua nhiều hơn ngọt. Mà cái vị ngọt nó cũng lạt lẽo lắm. Không còn thơm ngon như xưa. Thì cũng đúng thôi. Cái gì qua rồi khó kiếm lại lắm. Mà một khi nó đã mang tên xưa thì thôi luôn. Không thể nào tìm lại được đâu.
Khi về nhà chồng, cam sành trồng nhiều vậy nhưng tôi cũng chưa bao giờ lột trái cam sành để ăn. Bởi tôi nào giờ không thích chua. Tôi là người hảo ngọt mà. Tôi chỉ dùng cam mật mà thôi.
Cũng là trái cam sành nhưng kẻ thích người không. Tôi chợt nghĩ có khác gì cũng một người tâm tính đó nhưng có người thương, người ghét . . Người thích cam sành thì dù chua ăn cũng thâý ngon ngọt. Người không thích có ngọt cũng không thèm ăn.
Có khác gì thương thì xấu cũng thành đẹp, có dở, có hèn mấy cũng bỏ qua nhẹ như phủi chiếc lá khô. Khi ghét rồi dù mình sống tốt cỡ nào người ghét mình cũng không công nhận, và luôn mặc định mọi việc mình làm đều xấu xa. Để rồi họ phải nhọc công đi theo dõi mình, để bươi móc từng ngõ ngách, thóc mách cho hả dạ bằng được.
Nghĩ tới đây tôi lại tự nở một nụ cười riêng mình. Tôi không thích cam chua càng không thích loại người sống chua lè nhưng tôi không buồn để ý họ. Bởi khi tôi không thích ai thì tôi gạt họ ra khỏi đầu mình ngay. Cho khoẻ.
Cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn đúng không.
Phạm Thu Thảo
Chợ Lách 28/12/2023