Làm từ thiện
Ngày này cách đây 25 năm, bệnh viện Nhi Đồng (Memorial Children' s Hospital) ở Chicago đã công bố nhận được 18 triệu Mỹ kim từ một bà cụ.
Đây là khoản tiền quyên tặng lớn nhất bệnh viện nhận được trong lịch sử 115 năm hoạt động. Khoản quyên tặng này đã phá kỷ lục con số 10 triệu Mỹ kim mà ông Ray Kroc, ngưới sáng lập ra McDonald đóng góp cho bệnh viện khoảng cuối thập niên 70.
Sinh thời, bà được mọi người trong bệnh viện gọi là Teddy Bear Lady, bởi vì bà thường lui tới bệnh viện thăm bệnh và tặng gấu bông cho các em. Không ai biết tên của bà, người phụ nữ luôn đến bệnh viện trong bộ trang phục màu đỏ thắm. Chỉ biết bà đến vì bà muốn mỗi trẻ em đều có một chú gấu bông để ôm và vuốt ve cho đỡ buồn.
Sau này, người ta mới biết bà tên là Gladys Holm, gia đình gốc Na Uy, di dân đến Mỹ sinh sống. Bà sống độc thân, không bà con thân thích, trong một apartment nhỏ ở thành phố Evanston.
Bà làm việc cho một công ty chuyên cung cấp vật tư và thiết bị y tế. Trong suốt 41 năm làm thư ký riêng cho ông chủ công ty này, bà chưa bao giờ lãnh mức lương vượt quá con số 15,000 Mỹ kim một năm. Nhưng bà có đầu tư vào chứng khoán, mua cổ phiếu của công ty bằng chút đỉnh tiền trích từ lương tháng. Ngoài luật sư của bà và người môi giới chứng khoán, không ai biết bà là người giàu có.
Cái xe Cadillac Eldorado đỏ là tài sản sang trọng duy nhất của bà. Bà bị bệnh phong thấp, nên đã chọn chiếc xe này vì nó rộng rãi, thiết kế của xe tránh cho bà không bị khó khăn khi ngồi vào xe hay bước ra khỏi xe.
Hồi còn trẻ, có lần bà vào bệnh viện nhi đồng thăm con của một người đồng nghiệp. Cô bé bệnh rất nặng, tưởng đâu không qua khỏi. Bệnh viện đã cứu sống cô bé. Chứng kiến và cảm kích sự tận tâm của các bác sĩ, bà muốn làm một việc gì đó để giúp cho bệnh viện có thể cứu thêm nhiều mạng sống nữa, như đã cứu sống cô bé Lynn Adrian, con gái người đồng nghiệp của bà. Cô bé 10 tuổi này gọi bà bằng dì, dù chẳng có ruột rà gì. Nay cô đã là giáo sư, giảng dạy tại trường đại học Alabama ở Tuscaloosa.
Khi trông thấy người phụ nữ vận đồ đỏ đi đến từng giường bệnh an ủi và tặng gấu bông cho bệnh nhi, không ai biết bà giàu cỡ nào. Đến khi họ xâu chuỗi lại những câu chuyện về bà, mới sáng ra một chuyện nữa. Đi phát gấu bông chỉ là cái cớ thôi. Thực ra bà muốn tìm hiểu gia cảnh của các cháu để biết gia đình cháu nào lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền trang trải chi phí điều trị. Biết để âm thầm giúp họ trả bill.
Trong suốt 25 năm lui tới bệnh viện, ước tính bà đã giúp khoảng 200,000 Mỹ kim.
Năm 1969, sau 41 năm làm việc cho công ty American Hospital Supply, bà về hưu. Lúc này, công ty đã trở thành một trong những nhà cung cấp thiết bị y tế lớn nhẩt thế giới.
Năm 1997, bà qua đời, thọ 86 tuổi. Bà quyết định để lại toàn bộ khối tài sản trị giá 18 triệu Mỹ kim cho khoa nghiên cứu của bệnh viện nhi đồng (Memorial Children Hospital) để khoa có kinh phí nghiên cứu và áp dụng những phương pháp điều trị mới cho các bệnh nhân, nhất là các cháu mắc bệnh tim.
Vì không có họ hàng thân thích, đến dự tang lễ của bà chỉ có khoảng 25 người vốn là bằng hữu lâu năm hoặc là người quen biết. Phần lớn đều đã già yếu hom hem. Không đủ người có sức để khiêng cỗ quan tài, nên một nhân viên nhà quàn đã kê vai góp sức.
Phải chăng Gladys Holm đã thực hành một lời răn dạy :"Khi cho đi thì chớ thổi kèn đánh tiếng."
Một người nào đó, hẳn là người đã biết Gladys Holm từng cho đi những gì, nên đặt vào mỗi chiếc ghế trong phòng tang lễ một chú gấu bông.
Trộm nghĩ, đâu nhất thiết phải có tiền muôn bạc triệu mới làm được điều tốt. Mỗi ngày đều đưa cơ hội, cơ duyên đến cho chúng ta. Đó có thể chỉ là một nụ cười, một lời hỏi thăm, một cử chỉ, hoặc chỉ cần sự hiện diện là đủ. Khi làm được những điều tốt như vậy, bản thân cũng thấy vui. Gladys Holm hẳn cũng đã cảm nhận niềm vui này. Chúng ta có thể không đóng góp được số tiền to tát so với số tiền mà bà đã đóng góp, nhưng nếu đã giúp được một chút gì đó, ắt chúng ta cũng cảm nhận được niềm vui giống như vậy. Những gì bà đã làm được với số tiền chục triệu của bà, thì chúng ta cũng có thể làm được một việc gì đó với số tiền ngàn, tiền trăm, vài ba chục, với nụ cười, với chút thời gian, với tấm lòng.
Sau này nếu có nhìn lại, mới hay, những gì đã cho nào có mất đi đâu, vì chúng đã ở lại trong ký ức vui vẻ, khiến chúng ta ấm lòng, ấm lòng vì những điều nhỏ nhoi thôi, những điều cho đi mà không cầu hồi báo, không vì cầu phước cho con cháu mình, không tính toán thiệt hơn; cho đi đơn thuần chỉ vì tha thiết muốn làm như vậy. Nếu không, thì đó mới thực sự là chúng ta đã bỏ sót, để thiếu mất một điều gì đó trong cuộc đời.
Tiếc là không tìm thấy tấm hình nào của Gladys Holm, một bà cụ ưa mặc trang phục đỏ, ưa đeo nhẫn to, ưa uống scotch trong bữa tối. Nhưng chí ít, hôm nay đã có thêm vài người biết thêm đôi điều về bà, một người suốt đời sống tặn tiện nhưng tử tế vô biên.
No comments:
Post a Comment