Một nhân tài của Việt Nam, Họa Sĩ Vũ Hối đã ra đi ..
Xin thông báo quí anh chị
Họa Sĩ Vũ Hối vừa ra đi lúc 5:00pm chiều nay, FRI. 8/19/22 tại Maryland.
VŨ HỐI: NGHỆ THUẬT THƯ HỌA
Tham khảo: Nghệ Thuật Thư Họa của Vũ Hối. NXB: EM Magazine, EMMEKONG, INC. 2007
- Hải Bằng.HDB
Vũ Hối vốn là một giáo sư hội họa kiêm thi sĩ. Năm 1989, nhờ quốc tế can thiệp, ông được nhà cầm quyền Hà Nội phóng thích. Ông qua Mỹ năm 1992 và hiện nay (2008) là một nhà thư pháp tầm vóc thế giới.
Bằng tác phẩm “Mộng Hòa Bình”, ông chiếm giải Khôi Nguyên “Kennedy’s Prize” năm 1963 với sự tham dự của 32 thư pháp gia thế giới. Ông được vinh danh về “Tính SángTạo Nghệ Thuật” trong Ðại Hội Mỹ Thuật Thế Giới năm 1994 tại Atlanta, Hoa Kỳ. Ông cũng được Quốc Hội Hoa Kỳ vinh danh là Chiến Sĩ Văn Hóa và Chiến Sĩ Nhân Quyền.
Tên tuổi của ông được ghi trong nhiều tự điển như cuốn tự điển Thư Ðạo của Nhật Bản (2006) và trong Từ Ðiển Tiểu Sử Quốc Tế, Cambridge, Anh Quốc - Dictionary Of International Biography (tập XXVI) của The International Biographical Centre, Cambridge, England (1998)
Vũ Hối đã từng dùng thư họa viết câu nói nổi tiếng của TT John F. Kennedy: “Ask not what your country can do for you. Ask what you can do for your country. (1963)”, dịch là: “Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước”. Ông cũng đã vẽ chân dung Ðại Tướng Creighton W. Abraham (1970).
Ông là người sáng lập ra trường phái Painting in Motion (Họa Ðộng) và Thư Pháp Họa.
*
Sơ Lược Tiểu Sử và Thành Tích của Nhà Thư Họa Vũ Hối
Vũ Hối sinh ngày 22 tháng 11 năm 1932 (Nhâm Thân) tại Tam Kỳ, Quảng Nam, mất ngày 19/8/2022, tại Laurel, Maryland, thọ 91 tuổi
Ông là họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, và cũng là nhà thơ mang bút hiệu là Hồng Khôi.
Ông nguyên là giáo sư hội họa Trường Trung Học Thủ Ðô (Hậu Giang).
Ông là Hội Trưởng Thi Văn Ðoàn Cao Nguyên; hội viên Trung Tâm Văn Bút Việt Nam và Hội Nhà Văn Việt Nam.
Sau năm 1975, ông bị Cộng Sản Hà Nội bắt giam tại nhà tù Phan Ðăng Lưu và nhà tù Chí Hòa cùng với thi sĩ Vũ Hoàng Chương; rồi bị chuyển đi nhiều trại giam khác.
Ông bị tra tấn hỏng mất một mắt và khi được thả ra thì một chân bị liệt.
Nhờ quốc tế can thiệp, năm 1989 Vũ Hối được Cộng Sản Hà Nội phóng thích.
Gia đình ông cuối cùng đến được Hoa Kỳ năm 1992.
Hiện nay (2008), toàn bộ đại gia đình con cháu 16 người sống chung dưới cùng một mái nhà tại thành phố Laurel, Maryland.
· Ông đoạt Giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế tại Hoa Kỳ, 1963, với sự tham dự của 32 quốc gia, qua tác phẩm “Mộng Hòa Bình” vẽ hình 3 con chim bồ câu trắng và cô gái có bộ mắt đen mở rộng đầy diễn tả về ước mơ Hòa Bình.
· Ông vẽ chân dung của TT. Kennedy và Ðại Tướng Creighton W. Abraham.
· Triển lãm tác phẩm tại Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Anh, Ðại Hàn, Phi, và Ðức.
· Ông được Trung Tâm Vô Tuyến Truyền Hình Columbia mời nói chuyện về Hội Họa và Thi Ca năm 1963.
· Ông được nêu tên tuổi trong: Văn Học Tự Ðiển, Việt Nam Cộng Hòa; Vẻ Vang Dân Tộc II; Tự Ðiển Danh Nhân Thế Giới ân hành tại Anh năm 1998; 5000 Personalities of the World của American Biographical Institute 2000; Tuyển Tập L’Art d'Écriture, Paris, 1993; Tuyển Tập Thư Ðạo của Nhật Bản, 2006.
· Ðược vinh danh về “Tính Sáng Tạo trong Nghệ Thuật” tại Atlanta, 5/11/1994.
· Ðược Quốc Hội Hoa Kỳ vinh danh là Chiến Sĩ Văn Hóa và Chiến Sĩ Nhân Quyền trong Nghị Quyết 322.
Tác phẩm đã xuất bản:
· Mùa Giao Cảm (Thơ, 1958)
· Vần Thơ Màu Trắng (Thơ, 1959)
· Những Dấu Chân Ði (truyện ngắn, 1960 và 1963)
· Chiêm Bao Trở Giấc (Thơ, 1997)
· Nghìn Thương Ðất Mẹ (Thơ và Thư Họa, 1999)
· Thơ Nhạc Trong Tranh (CD, 2000)
· Chiêm Bao Trở Giấc (CD Thơ, 2003)
· Mây Ngàn (Thơ & Thư Họa, Norway 2004)
· Nghệ Thuật Thư Họa, 2007
*
Thư Pháp và Khoa Thư Họa là Gì
Thư là chữ viết; pháp là phương pháp hay nghệ thuật. Theo định nghĩa hiện hành thì thư pháp (calligraphy) là nghệ thuật tạo hình cho các dấu một cách khéo léo, hòa điệu, và có diễn tả (calligraphy is the art of giving forms to signs in an expressive, harmonious and skillful manner).
Thư pháp được ghi nhận là đã xuất hiện khoảng 3500 năm trước Công Nguyên và nghệ thuật viết chữ đẹp này đã được dùng viết Thánh Kinh, Kinh Phật, Kinh Koran, và các thiệp mời, v.v.
Nhìn chung, nhân loại ở đâu có chữ viết và có những người có hoa tay thì ở đó có nghệ thuật viết chữ đẹp. Thứ chữ nào cũng có thể viết cho đẹp. Nhưng viết cho có hồn thì phải tùy năng khiếu mỗi con người. Khoảng năm 1500 Trước Tây Lịch, người Trung Hoa đã biết thưởng thức nghệ thuật thư pháp. Nổi tiếng nhất về thư pháp cổ điển Trung Quốc là Vương Hy Chi.
Bàn về “Hoa Tay”, nhà biên khảo BS. Lê Văn Lân (Texas) viết trong Nghệ Thuật Thư Họa, tr. 11 như sau:
Các cụ Việt Nam mình ngày xưa hay dùng chữ “Hoa tay” để chỉ một người có thiên tài phú bẩm về cách xử dụng bàn tay để vẽ, để viết chữ, để nắn tượng, hay làm bất kỳ việc thủ công nào. Nếu hiểu như vậy thì Vũ Hối rõ ràng là một người có “Hoa tay” và bút vẽ của Vũ Hối là một thứ Bút Họa.
Ðiều đáng nói hơn cả là cái “Hoa tay” này được cộng thêm với một con mắt nghệ thuật cộng với một trái tim yêu quê hương, và một trí tuệ mẫn cảm về Chân, Thiện, Mỹ. Nói ra quý vị đừng cười, tôi đã hỏi Vũ Hối xòe hai bàn tay ra để chính mắt tôi xem xét thì tôi đã đếm đủ 10 cái hoa văn ... từng lằn chỉ tay hình trôn ốc trên 10 đầu ngón tay của anh ... Hoa tay đã hiện ra tướng của anh đó.
*
Nói về nhà thư pháp danh tiếng xưa kia của Trung Quốc, tác giả Ðào Ðức Chương viết trong Nghệ Thuật Thư Họa [tr. 39] như sau:
Xưa có Vương Hy Chi (303- 361), người thời Ðông Tấn, nổi tiếng viết chữ Hán theo lối Hành đẹp nhất nước Trung Hoa. ... Ngày 3 tháng 3 năm 353, Vương Hy Chi (Wang Xi Zhi) cùng Tạ An (Xie An, Tôn Xước, nhóm 10 người tụ tập ở Lan Ðình làm thơ ngâm vịnh, gom thành Lan Ðình Tập. Bài tự tập thơ này do Vương Hy Chi viết, gồm 28 hàng, 324 chữ, người đời gọi là Lan Ðình Tự. Nguyên bản thiếp Lan Ðình là báu vật của Trung Hoa được vua Ðường Thái Tông (627- 649) đưa vào nội phủ. Khi Thái Tông mất, nguyên bản cũng mất.
Người Ả Rập cũng nổi tiếng về lịch sử thư pháp. Tuy nhiên, các thứ chữ vốn có hình tượng sẵn như chữ Tầu, Nhật, Việt là những loại chữ rất thích hợp cho thư pháp, nghĩa là, những loại chữ đó có nhiều yếu tố giúp làm tăng vẻ đẹp nhờ những dấu giọng hay những đường nét xổ dọc hoặc ngang.
Nước ta thời trước, những nhân vật nổi tiếng viết chữ đẹp có Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du. Những nhân vật này viết thư pháp bằng chữ Nho hay chữ Nôm.
Vào đầu thế kỷ thứ 20, nhà thư pháp tiên phong viết chữ quốc ngữ phải kể là thi sĩ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác. Ông là người đầu tiên múa ngọn bút lông viết những câu thơ, câu đối bằng chữ quốc ngữ làm cho bừng sáng những tia hy vọng đặt vào tuồng chữ Việt mới thuở sơ khai khi đất nước chuyển mình đoạn tuyệt với loại chữ Nho hay chữ Nôm cổ điển.
Thi sĩ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác sinh ngày 16 tháng Hai năm 1906, người làng Mỹ Ðức, Hà Tiên. Ông mất ngày 25 tháng 3 năm 1969 ngay tại Ðại Học Văn Khoa Saigòn đang lúc giảng dạy. Tiên tổ cả ông làm kỳ lục cho Mạc Cửu di cư từ Lôi Châu (Quảng Ðồng) sang VN khoảng 1671. Phu nhân của Ðông Hồ là Mộng Tuyết nữ sĩ dòng họ Thái, họ của mẹ Mạc Cửu.
Ông tự cố gắng học để vươn lên và rất yêu quốc văn, đặc biệt là yêu chữ quốc ngữ. Ông mở Trí Ðức Học Xá dạy chữ quốc ngữ tại Hà Tiên năm 1926, làm thơ đăng trong Tạp Chí Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, Ðông Pháp Thời Báo, Kỳ Lân Báo; xuất bản tập Lính Phượng Tập Lệ Ký (1928), Thơ Ðông Hồ (1932), Cô Gái Xuân (Thơ, 1935), Hoài Cảm (1933), Thăm Ðảo Phú Quốc (1927), Trinh Trắng (tuyển thơ, 1961) ...
Ở Việt Nam hiện nay có xuất hiện nhiều nhà thư pháp tài tử như Kiều Văn Tiến (tác giả cuốn Sự Kỳ Diệu của Chữ Viết Việt Nam Hiện Ðại), Lê Vũ, Tâm Trụ, Trụ Vũ, Tuấn Hải, Văn Long, v.v. Nhà thư pháp Kiều Văn Tiến cho biết một nét về khoa thư pháp tại VN nhu sau:
Chưa có một tiêu chuẩn nào, một luật định nào để “khẩu phục, tâm phục” giữa các nhà thư pháp với nhau.
Kiến thức còn hạn chế hoặc có thành kiến trong việc thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, các kiểu chữ viết, - giữa một bộ phận quần chúng với các tác giả thư pháp. [coi Sự Kỳ Diệu của Chữ Viết Việt Nam Hiện Ðại, tr. 62]
Thư pháp Việt Nam hiện phần lớn hãy còn lệ thuộc vào tuồng chữ Hán. Các hoạt động thư pháp mới chỉ mở ra được dưới hình thức các câu lạc bộ, chưa có tiếng tăm gì với thế giới.
Các câu lạc bộ thư pháp ở Việt Nam nhìn nhận Ðông Hồ là người đầu tiên dùng thư pháp để viết chữ quốc ngữ và chọn ngày 16 tháng 2 là Ngày Truyền Thống Thư Pháp Chữ Quốc Ngữ.
Và, đây là mấy vần thơ tình cảm của nhà thơ Ðông Hồ:
Mua Áo
Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi
Em đâu còn mặc để đi chơi?
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ
Ðành gởi anh mua chiếc mới thôi
Trinh Trắng
Mơn mởn dòng thơm lá cỏ thơm
Hồn đêm chưa có dấu sương mòn
Ao tràn mưa ngọt, bờ hoang dại
Bèo nở xinh xinh, cánh nhỏ tròn
*
Riêng với nhà thư pháp Vũ Hối, ông đã dùng những kỹ thuật hội họa để viết chữ Việt sao cho người ngắm có cảm tưởng đó là một bức họa lý thú và vì vậy ông đã đặt tên cho phương pháp viết đó là Thư Họa, phỏng dịch sang tiếng Anh là Calligraphy by Painting.
Trả lời cho câu hỏi: “Kỹ thuật viết thư họa như thế nào?”, nhà thư họa Vũ Hối cho biết:
Thật ra gọi là thư pháp. Gọi là thư họa do tôi là họa sĩ. Thư là thư pháp, họa là đưa hội họa vào thư pháp. Có thể gọi là một bức tranh thơ. Nói thật ra tôi rất dốt chữ Nho. Nét chữ của tôi không phải là nét chữ Nho. Có trường dạy viết thư pháp nhưng tôi không chịu lối đó. Việt Nam mình có chữ quốc ngữ riêng, tôi thấy rằng tại sao mình lại không dùng chữ Việt?
Tôi không muốn ảnh hưởng chữ của nước nào hết. Việt Nam phải dùng chữ Việt Nam. Tôi không bắt chước ai, tôi không muốn lai căng. Tôi là người sáng tạo thư họa. Từ năm 1986, lúc còn ở tù, sau giờ lao động, tôi lấy than trong nhà bếp hí hoáy viết những câu ca dao trên thềm cho khuây khỏa qua ngày đoạn tháng [coi Nghệ Thuật Thư Họa, tr. 73].
Bàn về thư pháp hay thư họa, cũng cần phải nói về các dụng cụ căn bản để người nghệ sĩ múa tay bởi vì dụng cụ là thành phần thiết yếu của bất cứ một bộ môn nghệ thuật nào. Bạn đánh quần vợt giỏi ư? Nếu không có cái vợt vừa tay, ăn ý, thì bạn cũng khó lòng tạo được thành tích vượt bực. Ðời Tam Quốc, Quan Vân Trường không có thanh long đao vửa tay và không có ngựa Xích Thố chạy ngàn dặm thì làm sao có thể “vượt năm ải, trảm sáu tướng?”
Dụng Cụ Dùng trong Thư Pháp: Tứ Bảo
Quá trình sáng chế ra loại bút viết chữ Nho như thế nào?
Người ta thường nói: “Nghề chơi cũng lắm công phu” nên trong thư pháp cũng phải có những dụng cụ nhất định để viết chữ và được mệnh danh là “văn phòng tứ bảo”, đó là: giấy, bút, mực, và nghiên.
Giấy: có nhiều loại: giấy gòn, giấy báo, giấy A 4, A 3, giấy dó, xuyến chỉ, hồng điều, hoa tiên, vải, và lụa.
Bút: có bút lông Trung Quốc, Hàn Quốc đủ cỡ. Ðầu bút tròn, dài, nhọn, và có tính đàn hồi, là bút tốt. Bút viết xong nên ngâm và rửa sạch, lông vuốt cho thẳng ra.
Mực: thỏi mực Tàu hình chữ nhật, hay tròn, dài, để mài trên nghiên. Dùng mực nước chứa trong chai nhựa cũng tiện. Mực đậm có mùi thơm là mực tốt.
Nghiên: thường làm bằng đá. Khi mài mực , nên thêm nước. Nước mực chứa trong ly hay lọ có nắp đậy.
Khi làm việc - viết chữ - các dụng cụ để bên tay phải. Trước khi viết, nên rửa bút cho thật sạch và vuốt đầu bút cho ráo nước.
*
Nhà biên khảo BS. Lê Văn Lân viết trong Nghệ Thuật Thư Họa (tr. 11) của Vũ Hối như sau:
Từ lâu, tôi vẫn hâm mộ và ao ước có dịp gặp anh, và cơ duyên đã làm cho niềm mơ ước của tôi được thỏa mãn. Cách đây hai năm, tôi đã đến thăm xưởng vẽ của Vũ Hối và được anh dùng phương pháp Thư Họa để viết cho tôi một câu thơ ... trước sự yên lặng ngắm nghía của tôi. Cảm tưởng của tôi được cô đọng trong câu lục bát sau:
Bấy lâu ước thỏa phút dài
Lặng yên ngắm bút nhã đài nở hoa ...
Ngày xưa loại bút tre loại cứng để viết loại chữ Triện có thể vạch những đường đủ hình thể: tròn, hình thuẫn, ngoằn ngoèo nhưng chiều dầy của những nét đều bằng nhau. Về sau, ông Trình Mẹo sáng chế loại bút bằng gỗ mềm, nhưng ngòi bút lại đập thành có xơ chấm vào mực xạ, viết trên mặt giấy lụa. Do đó những hình tròn trở nên vuông, những đường cong trở nên gẫy khúc.
Rồi đến ông Tướng Mông Ðiềm, trong khi xuất chinh đánh giặc Hung Nô ở Miền Bắc đã sáng chế ra bút lông, mực và giấy. Ngòi bút lông của Mông Ðiềm đã biến chuyển hẳn lối viết văn tự của Trung Hoa vì ngòi bút lông chỉ có thể vạch xuôi theo chiều của những sợi lông chứ không đi ngược lại vì sẽ làm xóc tóe sợi lông ra. Vả lại, giấy hút mực nên có những nét dầy, nét mỏng, uốn lượn, sổ xuống, đá lên, hoặc tòe ra như lưỡi mác, hoặc đi vuốt như những lá tre, hoặc nằm tụ lại thành một điểm. Ngòi bút nhẩy múa, những nét liền lạc với nhau tạo thành những loại chữ gọi là Liên Bút Tự; hoặc cứ ném mình phăng phăng trên mặt giấy tạo thành những nét Thảo Tự.
Trong lối thư họa của Vũ Hối, ông đã tận dụng ngòi bút lông để viết những chữ đương nhiên là khác hẳn với viết bằng ngòi bút kim loại. Do sự uyển chuyển của ngòi bút lông, phối hợp với con mắt của người họa sĩ yêu đường nét và bút pháp Á Ðông, Vũ Hối đã tạo ra nhiều tự thể: nào là Thủy Tự, Hỏa Tự, Trúc Tự, Vân Tự ... tùy theo nội dung của câu thơ hay câu nói diễn tả trên mặt giấy.
Thư pháp của Trung Hoa đương nhiên là áp dụng vào những chữ Hán ... còn Thư Họa của Vũ Hối lại chuyển sang áp dụng vào chữ quốc ngữ Việt Nam nên đường lối trình bày, bố cục đương nhiên là khác biệt. [tr. 13]
Ngày trước, các nhà thư pháp đã nghĩ ra các dạng chữ căn bản để viết cho thích hợp với yêu cầu của hoàn cảnh. Ngày nay, các dạng này vẫn còn được xử dụng và càng ngày càng được cải tiến và mỗi nhà thư pháp có một lối riêng để trình bày.
Các Thể Thư hay Các Dạng Chữ trong Thư Pháp
Các thể thư hay dạng chữ (fonts) căn bản hiện thông dụng trong thư pháp là: Chân, Hành, Thảo, Triện, Họa. Mỗi nhà thư pháp tự chọn lấy một hay nhiều dạng kể trên để viết tùy theo sở thích. Các nhà thư pháp lành nghề có thể sáng chế thêm thể thư mới theo cảm hứng của họ.
Chân thư: là dạng chữ có tính chân phương, đơn điệu, dành cho những người mới học viết thư pháp. Ðó là những dạng chữ viết đứng, dễ đọc, dễ viết, nhưng cũng rất được nhiều người chuộng vì nét sáng sủa, chữ dễ nhận ra, và bình dị.
Hành thư: là loại chữ viết liền lạc như có vẻ đang di chuyển, thích hợp với những tình ý linh hoạt, yêu đời, vững tin.
Thảo thư: đây là loại chữ viết tháu, viết thảo, viết nháp, thường khó nhận ra chữ ngay mà phải ngẫm nghĩ.
Triện thư: là dạng chữ viết dùng cho các loại con dấu (triện). Thường chữ viết được đóng khung trong một ô vuông, tròn, hay chữ nhật.
Họa thư: là dạng chữ mở rộng với các kỹ thuật của khoa hội họa, thường được dùng trong các bức tranh hay bức họa. Chẳng hạn, trong bộ Sưu Tập Thi-Thư-Ảnh-Họa có bức tranh vẽ cảnh mùa thu với những bông hoa kết tụ thành hình chữ S (hình nước Việt Nam) của Vũ Hối, nhà thư họa Vũ Hối đã viết hai câu khiến cho bức tranh tăng thêm giá trị:
Gom lá phong vàng, thu xứ lạ
Kết vòng chữ S, nhớ quê hương
Ngoài những dạng chữ, thư pháp và thư họa đòi hỏi phải có kỹ thuật tạo những đường nét đẹp.
Kỹ Thuật Tạo Ðường Nét Ðẹp trong Thư Pháp và Thư Họa (tr. 39)
Nhìn những tuồng chữ đẹp, người ta đã xuýt xoa, nhưng thứ chữ đó chưa thể gọi là thư pháp. Nhà thư pháp cần phải học và sáng tạo ra những lối viết thế nào để diễn tả hơn và lôi cuốn hơn đối với cảm quan của người ngắm.
Ðại cương, thư pháp có mười đường nét căn bản có tên là: “Dương, Ức, Ðốn, Tỏa, Trì, Hoàn, Tốc, Khẩn, Trọng, và Khinh” mà tác giả Ðào Ðức Chương nêu trong Nghệ Thuật Thư Họa Vũ Hối (tr. 37) như sau:
Tôi [tức Ðào Ðức Chương] ở tù ra, phải đi kinh tế mới ở huyện Bình Long tỉnh Sông Bé, rồi bỏ về Saigòn sinh sống. ... Dịp Tết, nhà thơ Hồng Tâm, một đồng hương ở huyện Phù Mỹ đến thăm. Anh trịnh trọng đặt cuộn giấy trên bàn rồi chậm rãi trải ra. Mắt tôi hoa lên. Bức tranh thủy mạc, đường cong sông núi? Không! Vẽ hoa? Cũng không! Ồ, đó là chữ viết, viết ở dạng đặc biệt. Viết như vẽ. Ðúng thế! Vẽ chữ, Hán văn gọi là Thư Họa.
Tôi đã đọc qua vài tài liệu về thư pháp, đã xem nét Chữ Viết của Ðông Hồ. Nhưng lần này, tôi ngây ngất trước bức hoành phi này:
Bút rung xuân động – mùa hoa nở
Hương ngát đời say – ánh nguyệt cười
Mãi say sưa ngắm từng nét, từng chữ; hồi lâu tôi mới hỏi đến xuất xứ. Ðược biết Hồng Tâm làm câu đối, nhờ Vũ Hối viết, mang đến tặng tôi trong dịp đầu Xuân. Cảm xúc tột cùng trước tác phẩm có sự đóng góp của hai người và bái phục nét bút Vũ Hối, tôi hứng khẩu câu đối:
Tứ thơ kết tụ say thần bút
Hồng, Vũ tương phùng dậy thánh nhân
Thật vậy, ngày xưa Tô Thức (1036- 1101) người tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa, mới 20 tuổi đậu Tiến Sĩ, giỏi thư pháp, nổi tiếng viết chữ đẹp. Ðời Tống Thần Tông (1068 – 1085), Tể Tướng Vương An Thạch làm nhiều việc táo bạo. Tô Thức (Su Shi) thuộc nhóm Cựu đảng, phản đối chính sách cải cách. Ông bị cách chức và lưu đày ra đất Hoàng Châu (nay là Hoàng Giang, Hồ Bắc), ở sườn núi phía đông nên đặt hiệu là Ðông Pha Cư Sĩ. Người đời gọi là Tô Ðông Pha (Su Dong Po). Sau được tha, trên đường về từ Hoàng Châu về Bắc Kinh, mỗi trạm dừng chân nghỉ đêm, dân chúng sắp hàng từ sáng sớm để đón ông và xin ông cho được thủ bút lưu niệm. Ở mỗi trạm có hàng ngàn người chờ đợi. Ông chỉ kịp viết cho mỗi người một chữ, thế mà đêm nào cũng đến khuya mới xong. ...
Ðấy, xưa nay người ta quan niệm Thư Pháp (calligraphy) không chỉ đơn thuần nghệ thuật mà chính là Ðạo. Người Tàu nói Thư Pháp là Giả Ðạo; ở Nhật gọi là Thư Ðạo. Từ Ðời Hán, thư pháp được liệt vào giáo khoa với lý luận bài bản, gọi là Thư Học. Ở nước ta, các chữ Hán như Thần, Phật, ... được viết đại tự, thờ ở đình, chùa, miếu. Những người viết chữ đẹp được tôn sùng như bậc thánh nhân. ...
Nhìn bài thơ anh [Vũ Hối] viết, tôi thấy đủ 10 hình thái trong luật thư pháp. Từ nét Dương đá lên: bút lực anh mạnh mẽ, ngang tàng. Ức là nét nhấn xuống: sắc cạnh như một thanh gươm. Ðốn là nét dè dặt: đường bút của anh không chút ngập ngừng, rụt rè. Tỏa là nét hạ xuống: nhẹ nhàng như cánh chim sà bãi đáp. Trì là nét chậm rãi: anh biểu lộ sự khoan thai. Hoàn là nét trả: điêu luyện như thân rồng uốn khúc. Tốc là nhanh: anh phóng bút nhanh như lằn chớp giữa trời không. Khẩn là nét vội vã và gấp gáp: tầm bút anh không bao giờ quá đà, đuối sức. Trọng là nét nặng: anh dùng cho dấu nặng và tận cùng của nét nhấn, tựa hồ như quả tạ ngàn cân. Khinh là nét nhẹ phớt: ở cuối chữ, anh kéo dài tầm bút nhạt dần như dải tơ trời mất hút ở cuối trời xa. Tôi biết anh dùng thư lụa viết bài thơ tôi, anh vì tình tri kỷ mà cảm xúc tột cùng:
Hoa tiên sông núi rồng bay lượn
Dòng chữ tâm tình gửi bạn thăm
Anh đã đạt đến độ Tâm Bút Hợp Nhất. Khoảnh khắc đó, từ ngữ thư pháp gọi là Xuất Thần. ...
Xưa có Vương Hy Chi (303- 361) người thời Ðông Tấn, nổi tiếng viết chữ Hán theo lối Hành đẹp nhất nước Trung Hoa, được người đời tôn: “Thiên hạ đệ nhất hành thư”. ...
Với Vũ Hối cũng thế, trước anh có vài người đem thư pháp vào chữ Việt như Ðông Hồ, Trụ Vũ. Nhưng phải đợi đến Vũ Hối sáng lập phái Thư Họa, mới phô bày hết cái tinh hoa vào thư pháp chữ Việt.
Hiện nay có nhiều người theo lối thư họa của anh, như Song Nguyên, Phương Nam, nhưng chỉ đạt được dạng tự; còn thần tự thì không thể so sánh bằng anh được.
Mặc dầu phong trào thư pháp chữ Việt đang lên [2001], xuất hiện nhiều cây bút tài hoa như Chính Văn, Mặc Vị Nhân, Thanh Sơn, Tuấn Hải, Y Sa, mỗi người mỗi vẻ, nhưng thư họa Vũ Hối vẫn có giá trị lịch sử như thiếp Lan Ðình Tự của Trung Hoa.
*
Nhân vì Vũ Hối vốn xuất thân từ đất Quảng Nam, nhà thơ Ðào Ðức chương cũng nhắc đến sự kiện Quảng Nam nổi tiếng với 5 ngọn núi được gọi là Ngũ Hành Sơn và có tên là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và Quảng Nam được tin là nơi “địa linh, nhân kiệt” sản xuất nhiều nhân tài, trong đó nổi tiếng có “Ngũ Phụng Tề Phi”:
Khoa Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái Thứ 10, tỉnh Quảng Nam có 5 người đỗ Ðại Khoa được phong danh hiệu: “Ngũ Phụng Tề Phi”, gồm:
Phan Liệu: người xã Trừng Giang, Diên Phước, đỗ Ðệ Tam Giáp đồng Tiến Sĩ lúc 26 tuổi.
Phan Quang: người xã Phước Sơn, huyện Quế Sơn, đỗ đệ Tam Giáp đồng Tiến Sĩ lúc 26 tuổi.
Phạm Tuấn: người xã Xuân Ðài, huyện Diên Phước, đỗ Ðệ Tam Giáp đồng Tiến Sĩ lúc 47 tuổi.
Ngô Tuân: người xã Cẩm Sa, huyện Diên Phước, đỗ Phó Bảng lúc 26 tuổi.
Dương Hiển Tiến: người xã Cẩm Lâu, huyện Diên Phước, đậu Phó Bảng lúc 33 tuổi.
Nhà thơ Ðào Ðức Chương kết luận:
Quảng Nam đại khoa cùng lúc đến 5 người; trường phái Thư Họa nay có Vũ Hối khởi xướng. Xin tặng anh và xứ Quảng địa linh nhân kiệt câu đối:
Ngũ Phụng đăng khoa còn vọng tiếng
Nhất danh thư họa mãi ngời tăm
*
Hình trên: Vũ Hối tặng dĩa Thu Pháp
No comments:
Post a Comment