CUỘC TRÙNG PHÙNG LÝ THÚ
Vợ chồng anh Khải và vợ chồng anh chị Nguyện (hình tác giả cung cấp).
Thị trấn Muskogee, tiểu bang Oklahoma là một tỉnh lỵ nhỏ bé đìu hiu, nằm về phía Đông Nam của thành phố Tulsa, cạnh con sông Arkansas River, với dân số hơn 37 ngàn người. Tuy có vẻ buồn tẻ, thị trấn này cũng là nơi đất lành chim đậu của một số rất ít người tỵ nạn Việt Nam, khoảng 45 gia đình. Người dân địa phương sẽ không biết có một cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở đây nếu họ không đi nhà thờ St. Joseph vì ở đó có 27 gia đình công giáo người Việt đang là con chiên ở giáo xứ toàn người Mỹ này.
Tuy là giáo dân họ đạo Mỹ, tham dự thánh lễ bằng tiếng Mỹ, cộng đồng nhỏ bé người Việt ở đây từng ngày hòa vào giòng sinh hoạt địa phương, nhưng tận đáy sâu thẵm trong tâm hồn những người Việt thế hệ thứ nhất vẫn luôn nhớ về nguồn, nhớ tiếng mẹ đẻ, họ luôn khát khao được tham dự thánh lễ bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ mà họ được mẹ cha thì thầm từ lúc nằm nôi; chỉ có bài giảng và thánh kinh bằng tiếng Việt mới có thể giúp họ hiệp thông, chia sẻ, và cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của tinh thần người Ki-Tô giáo mà vị linh mục muốn gởi đến họ trong bài giảng. Khi đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Việt, họ cảm thấy gần gũi hơn với người Cha trên trời của mình.
Họ cảm nhận được vẫn có một hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ và con cái, họ mua sách vở viết bằng tiếng Việt cho con cháu mình để chúng đọc và tập nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt với mong ước chúng sẽ không quên cội nguồn. Tiếng Việt chính là sợi giây liên kết hai ba thế hệ lại với nhau, họ gặp gỡ, trao đổi, và chia sẻ những chuyện vui buồn hằng ngày; nếu không còn tiếng Việt, cộng đồng nhỏ bé này sẽ dần biến mất và hòa tan vào cuộc sống thường ngày của người dân bản sứ.
Ông bà trùm Nguyện là một trong những người sáng lập ra họ đạo lẻ này. Ông bà đã bước vào lứa tuổi “bát thập cổ lai hy”, định cư ở đây từ những ngày còn chân ướt chân ráo, hoang mang lẫn vui mừng, bắt đầu cuộc sống mới, tự do trên đất nước được mệnh danh là Vùng Đất của những người Can Đảm (Land of the Braves). Ông Nguyện là một cựu hạ sĩ quan ngành truyền tin của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vượt biển và đến Mỹ năm 1980. Bà Hồng, vợ ông, cùng 2 con vượt biển 3 năm sau đó rồi đoàn tụ với ông vào năm 1984. Nhiều người tỵ nạn Việt Nam khác cũng dần tìm về đây, họ sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Họ thành lập riêng một cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé trong lòng giáo xứ Mỹ này, mỗi tháng 2 lần, một linh mục Việt Nam đang hưu trí ở Tulsa về viếng thăm, an ủi để họ còn có cơ hội cùng nhau hàn huyên và cùng dâng thánh lễ bằng tiếng Việt, ngôn ngữ của quê hương mà họ luôn mang theo trong lòng. Họ lo sợ tiếng mẹ đẻ của mình sẽ dần mất đi với đám con cháu hằng ngày đang nói tiếng Mỹ. Nỗi niềm canh cánh bên lòng của các bậc cha mẹ là làm sao con cháu mình sẽ luôn duy trì được tiếng nói và văn hóa, một bản sắc riêng của người Việt Nam dù đang sống trên mảnh đất hiền hòa mang tên thổ dân Da Đỏ Muskogee này.
*
Thành phố Atlanta, thủ phủ của tiểu bang Georgia, là một thành phố rất lớn, đông dân, và phồn thịnh mà cũng là thành phố đã đi vào văn chương với một tác phẩm kinh điển của Mỹ nổi danh trên thế giới, hấp dẫn bạn đọc khắp nơi, đặc biệt độc giả Việt Nam với tác phẩm “Cuốn Theo Chiều Gió”, dịch từ cuốn tiểu thuyết “Gone With The Wind” của nữ văn sĩ Margaret Mitchell (1). Cuốn sách được dựng thành phim năm 3 năm sau đó vào năm 1939. Khán giả mê phim không thể nào quên cô gái 16 tuổi, đẹp sắc xảo, thông minh nhưng ích kỷ, với một cá tính nổi loạn, nhưng không kém phần sôi nổi và chất ngất đam mê, cô Scarlett O’ Hara, do Vivien Leigh đóng vai, nhân vật chính của cuốn truyện trong thời nội chiến.
Atlanta cũng là nơi vợ chồng ông Khải, bà Giáo, cùng 5 đứa con chọn làm quê hương từ ngày định cư ở Mỹ cho đến nay. Ông năm nay 86 tuổi là một cựu Đại Úy Quân Nhu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, dân gốc Kontum. Ông là một thợ mộc học nghề trong trại tù “cải tạo” và cũng là một chuyên viên xây cất có bằng cấp, giỏi tay nghề chuyên xây dựng nhà cửa trong vùng Conyers thuộc Atlanta đã mấy mươi năm. Tôi quen ông qua chương trình đóng góp từ thiện của hội KMF (Kontum Missionary & Friendship) cho địa phận Kontum, một vùng đất truyền giáo nghèo khó và gian khổ cho đồng bào Kinh, Thượng. Ông bà Khải là những người Công Giáo nhiệt thành, luôn đóng góp cả công sức lẫn tiền bạc một cách rộng lượng cho các chương trình của KMF. Chúng tôi thân nhau, biết nhau đã lâu qua hình ảnh trên mạng và qua các chương trình quyên góp hằng năm.
*
Anh Sỹ và chị Kim đang sinh sống tại Sài Gòn, Việt Nam, năm nay cũng xấp xỉ thất thập cổ lai hi. Anh chị là cặp vợ chồng thương gia thành công, chịu thương chịu khó, đi lên từ hai bàn tay trắng. Sau 1975 gia đình bị “đánh tư sản” đến tận gốc, cha mẹ, anh chị em ly tán, trở nên cơ cực, nghèo đến mức phải ngủ ngoài đường. Nhờ chăm chỉ và kiên trì, có kiến thức, cộng thêm một chút may mắn, anh chị làm ăn với vài công ty Nhật Bản và ngày nay có một sự nghiệp kha khá. Anh Sỹ đã từng đạp xe thồ chở nặng hàng hóa cho đến trở thành y tá thú y đi chích dạo; chị Kim từng đi bán cháo gánh ở các vỉa hè thành phố Sài Gòn trong thời gian sau năm 1975. Không việc gì có thể kiếm tiền nuôi gia đình mà anh chị không làm.
Anh chị là một trong số rất ít người đóng góp không tiếc tay cho nhiều công trình được xây dựng như các bệnh xá cho người nghèo miền cao nguyên, trại mồ côi, đặc biệt là cho mái ngói đỏ au mới được lợp lại của tòa nhà to lớn nhất Kontum được làm toàn bằng gỗ Cà Chít, một loại gỗ quý hiếm, mối mọt đều chê. Tòa nhà được xây cất vào năm 1935, theo lối kiến trúc Tây phương pha với nét căn nhà Rông của đồng bào Thượng, đó là Tiểu Chủng Viện Thừa Sai Kontum, nơi đào tạo những nhà truyền giáo Việt Nam trước 1975. Phuơng châm làm ăn của anh chị là bền bỉ, kiên trì, nếu cái gì không giết được ta, nó sẽ làm cho ta mạnh hơn.
*
Một ngày mùa Đông lạnh giá cuối năm 1990 khi những cơn gió lạnh tê tái, đông cứng cả lỗ tai kéo về thị trấn Stillwater, Oklahoma. Tại giáo xứ St. John của trường đại học Oklahoma State University, linh mục chánh xứ Francis Xavier Nguyễn Ngọc Tâm được hội USCC báo tin ra phi trường đón một gã tỵ nạn độc thân đang trên đường bay đến phi trường Tulsa, Oklahoma. Cha Tâm qua Mỹ vào năm 1975 và hiện thời cha là chủ tịch hội KMF. Thời tiết hôm đó thật xấu. Bầu trời âm u, lạnh lẽo, một cơn bão tuyết tràn về làm nhiều chuyến bay bị trì hoãn. Tuyết rơi tơi bời, gió rít từng cơn. Người tỵ nạn buồn rồi cũng đáp xuống phi trường Tulsa trong chuyến bay cuối ngày. Hắn là người cuối cùng ra khỏi phi cơ, ngơ ngác đưa cặp mắt tìm kiếm người bảo trợ mình và cũng là người thày dạy học của hắn trước năm 1975.
Tất cả hành khách đều đã lên xe rời khỏi phi trường, người lữ khách cô đơn, bơ vơ giữa một phi trường mênh mông, vắng lặng, vẫn còn hoang mang cố tìm kiếm một khuôn mặt Á Đông nào đó của hơn 15 năm trước, nhưng vô vọng. Phi trường hầu như không còn ai ngoài vài nhân viên quét dọn và một ông cảnh sát Mỹ gốc Châu Phi. Hắn kéo va li bước ra ngoài, thầm mong người đón mình sẽ nhận ra gã tỵ nạn cô độc đang đi tới đi lui, những bước chân bồn chồn; cơn gió lạnh buốt mang theo bông tuyết tạt vào mặt làm hắn chùn bước, rùng mình vì lạnh, hắn quay ngoắt lại và trở vào bên trong. Kéo tay áo nhìn đồng hồ, đã quá nửa đêm. Hắn biết giờ này chắc chắn không còn ai dám lái xe ra đường để đi đón mình. Hắn kéo va li đến một băng ghế dài, kéo cao cổ áo khoác, ngả mình lên băng ghế lạnh lẽo, chân gác lên cái va li và đầu gối lên cái túi hành lý xách tay. Hắn tự nhủ phải cố mà ngủ để lấy sức chờ đến sáng mai.
Lăn qua trở lại mà vẫn không ngủ được vì cái lạnh thấm dần vào da thịt. Hắn vừa nhắm mắt thì một bàn tay vỗ nhẹ vào vai và một giọng nói ồm ồm cất lên. Mở mắt nhìn, người cảnh sát lúc nãy hỏi hắn có cần giúp đỡ gì không. Ông ta độ chừng 55 tuổi, dáng dấp cao lớn nhưng vẻ mặt hiền hòa. Hắn trình bày hoàn cảnh và đưa thẻ tỵ nạn IOM cho viên cảnh sát coi. Ông cho biết chắc phải đợi đến sáng mai may ra người đến đón sẽ tới vì giờ này không ai dại gì lái xe giữa cơn mưa tuyết trắng phủ mênh mông cả bầu trời. Ông hỏi hắn có đói không. Nghe nhắc, hắn mới chợt nhận ra mình chưa có gì vào bụng từ trưa đến giờ. Trên chuyến bay, họ có cho vài thứ đồ ăn tạm, nhưng vì lo lắng, nên hắn chẳng hề đụng tới. Người cảnh sát chỉ hắn cái máy bán đồ ăn. Hắn đứng dậy bước đến, móc bóp lấy ra tờ giấy $100 duy nhất và đây là cả gia tài mà cô bạn gái tặng hắn trước khi lên đường định cư. Hắn lay hoay mãi không biết làm sao mua được miếng bánh sandwich. Viên cảnh sát thấy hắn lúng túng bèn ngỏ ý đến giúp.
Hắn đưa tờ giấy bạc và nhờ giúp đỡ. Viên cảnh sát đưa cả hai tay lên trời và giải thích cho hắn là tờ giấy bạc lớn quá, máy chỉ nhận tối đa $20. Cuối cùng, ông ta trả lại hắn tiền và tự móc túi mình, nhét tờ giấy $5 vào máy và mua cho hắn miếng bánh sandwich, chúc hắn may mắn rồi rời đi.
Mới đó mà 32 năm trôi qua như một giấc chiêm bao. Gã tỵ nạn năm nào giờ về hưu sớm, mong thực hiện những ước mơ dang dở của đời người. Dấu ấn thời gian hằn rõ trên mái tọc bạc thưa thớt của hắn, trên đôi mắt đã mất đi vẻ tinh anh ngày xưa, và giấc mộng vẫy vùng đã tạm thời khép lại. Giống như những bạn học cũ, hắn cũng đóng góp vào những chương trình gây quỹ xây dựng bệnh xá cho người cùi và đồng bào Thượng, đặc biệt giúp trẻ em nghèo thiểu số được đến trường học tiếng Việt hầu mở mang kiến thức và đẩy lùi những cổ tục bán khai như trẻ em sơ sinh vô tội phải bị chôn sống theo người mẹ nếu chẳng may người sản phụ chết khi sinh con.
Một ngày đẹp trời, anh Khải gọi điện thoại và mời vợ chồng gã tỵ nạn buồn năm nào đến Georgia chơi và thăm gia đình anh chị và tiện thể có anh chị Sỹ Kim vừa từ Việt Nam qua. Tất cả chúng tôi đã biết nhau từ trước qua các hoạt động từ thiện và bây giờ là dịp gặp nhau. Theo thứ tự anh Khải cao tuổi nhất nên được gọi bằng cái tên thân thương là Già Làng. Vì mới về hưu, rảnh rỗi, tôi nhận lời. Chúng tôi cùng lên chương trình cho một chuyến du hành nửa vòng nước Mỹ ở các tiểu bang miền Đông và miền Trung Tây Hoa Kỳ, nơi có nhiều bạn bè cùng chí hướng. Không nói ra nhưng ai cũng biết đây có thể là chuyến đi chơi cuối cùng của họ vì ngoài vợ chồng tôi ra, ai cũng đã bước vào tuổi 80, khó có thể thực hiện được chuyến thứ hai. Tôi tình nguyện làm tài xế duy nhất của chuyến đi, dù sao tôi vẫn còn nhanh nhẹn và mắt còn sáng hơn tất cả mọi người.
Chúng tôi lái xe qua nhiều tiểu bang khác nhau, thăm viếng những thắng cảnh của từng nơi. Theo lịch trình, chúng tôi lái xe đến Tulsa, Oklahoma gặp lại cha Tâm, người bảo trợ, sau 30 năm kể từ ngày tôi dọn qua Arizona bắt đầu cuộc sống mới của mình. Sau 30 năm gặp lại, cha Tâm vẫn còn khỏe mạnh, hiện đang nghỉ hưu sau nhiều năm làm cha xứ các cộng đoàn Mỹ, và cha vẫn sống ở Tulsa, Oklahoma. Cha mời chúng tôi đi tham dự thánh lễ Chủ Nhật ở thị trấn Muskogee cùng một họ đạo lẻ Việt Nam.
Sau lễ, ông bà trùm Nguyện mời tất cả chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Trong bữa ăn, cha Tâm giới thiệu ông trùm Nguyện ngày còn ở Việt Nam đã từng chèo ghe chặt củi Đước ở rừng Sác giống như trong một câu chuyện tôi viết về nghề đi rừng này trong mục Văn học nghệ thuật/Truyện ký, trên Việt Báo. Bài viết mang tên “Chuyến chặt củi cuối cùng” (2). Lan man truyện trò, chúng tôi nhắc lại những câu chuyện vượt biển ngày xưa của mình.
Bên kia bàn, chị Giáo, vợ anh Khải và chị Hồng, vợ anh Nguyện, ngồi gần nhau, hai bên là hai ông chồng, tôi ngồi đối diện với họ. Chị Hồng kể lại hành trình vượt biển của mình, một con tàu chạy buồm với 102 người, biết bao gian nan khốn khó, khi đến được đảo Indonesia thì chết mất một người, đó là một cậu thiếu niên khoảng 13 tuổi. Bên đây anh Khải đang kể cho phe đàn ông nghe làm thế nào anh đã sửa được cái bánh lái gãy của chiếc ghe buồm, chỉ bằng 1 cái búa bổ củi và 1 cái đục. Chị Khải và tôi cùng lắng nghe và cùng nhìn nhau, trong ánh mắt như cùng muốn nói điều gì đó, nhưng chưa dám chắc.
Chị Hồng lại tiếp tục câu chuyện với phe các bà. Khi chiếc tàu mới chạy được đêm thứ nhất, chưa xa bờ biển Việt Nam bao lâu, bánh lái bị gãy, ai nấy đang kinh hoàng vì ghe bị quay mòng mòng và nghiêng một bên sát mặt nước, gần chìm do cánh buồm bị gió thổi ngang, ghìm xuống. Vài người đàn ông lo hạ cột buồm trong khi một người đàn ông cao lớn đang ra sức đục đẽo một cái gì đó. Lúc đó, anh Khải cũng kể ghe đang chạy thì bánh lái gãy, số mạng mọi người trên thuyền đành phó mặc cho sóng gió, anh khuyên mọi người chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và hãy đặt niềm tin vào tôn giáo của mình vì chỉ có Thượng Đế mới cứu giúp được chúng ta trong khi sức con người thì có hạn.
Ông tài công và cũng là người tổ chức chuyến đi, mặt tái đi lo lắng vì trên tàu có một người bạn thân vừa trốn trại cải tạo về, một cựu biệt kích nhảy toán vừa được tha về từ miền Bắc, bản thân ông tài công cũng vừa cầm lệnh tha ra khỏi trại cải tạo, nếu cả 3 bị bắt lại sẽ là một đại họa. Anh Khải vẫn tiếp tục sửa chữa cái bánh lái gãy bằng tất cả phuơng tiện eo hẹp anh có được. Cái máy F-10 được tháo ra và vất xuống biển cho nhẹ tàu. Sau gần một ngày, cái bánh lái cũng tạm thời sử dụng được. Cột buồm lại được dựng lên, cánh buồm hứng gió, con thuyền bẻ lái được theo hướng mình muốn, chạy phăng phăng lướt trên sóng, tiếp tục cuộc hành trình. Lúc này tôi và chị Khải nhìn nhau và cùng thốt lên không lẽ anh Khải và chị Hồng cùng đi chung một chuyến.
Tôi ghép các mảnh vụn câu chuyện của hai người lại với nhau như đang chơi ghép hình (puzzle) và tôi nhận ra nhiều điểm rất tương đồng. Chị Giáo, vợ anh Khải quay qua hỏi chị Hồng đi vượt biển năm nào, ở đâu, và đến đảo nào? Tôi cũng đặt cùng một câu hỏi với anh Khải.
Tất cả đều ngừng đũa, mọi ánh mắt đều hướng về hai người chờ câu trả lời. Cả anh Khải lẫn chị Hồng đều trả lời ăn khớp với nhau. Anh cho biết tàu đi mất 3 ngày 1 đêm thì cặp được vào 1 đảo nhỏ của Indonesia ngày 1 tháng 3, sau đó mới được đưa về trại tỵ nạn đảo Galang ngày 9 tháng 3, năm 1983. Chị Hồng quay sang hỏi anh Khải có nhớ một cậu thiếu niên khoảng 13 tuổi chết vì cái nắp khoang tàu rớt lên bụng không. Anh Khải nói làm sao quên được khi chính anh và vài người khác khiêng xác cháu bé lên bờ để an táng. Chị Hồng nhìn chăm chăm vào anh Khải một hồi lâu, để cuốn phim quá khứ 39 năm trước quay chậm lại, chị chợt nhận ra một vài nét quen thuộc trên khuôn mặt người đàn ông đang đứng trước mặt mình dù dấu vết thời gian đã phũ phàng che kín. Bây giờ chị biết chắc rằng người đàn ông cao lớn đó không ai khác hơn là anh Khải.
Anh Khải cho hay anh và đứa con trai tên Hải đóng 2 cây rưỡi vàng để ra đi. Đêm đó anh bị tách riêng ra khỏi đứa con trai, cùng với một số hành khách đang ở trên tàu thì bị dân canh me tràn lên, nên nhóm người bên chủ tàu, trong đó có con anh bị bỏ rơi lại. Số hành khách được dự định là 60 người mà bây giờ lên đến hơn 100. Nhìn đồng hồ đã quá nửa đêm, ông tài công lo lắng và quyết định phải rời bến, sợ không kịp ra khỏi cửa Vũng Tàu trước khi trời sáng. Chiếc tàu buồm xuất phát vội vã trong đêm đen từ ấp Ngọc Hà chạy thẳng ra cửa biển, sáng hôm sau, quay lại vẫn còn thấy tượng Thánh Tâm Chúa Giê Su đứng giang tay trên núi Vũng Tàu.
Đến chiều hôm đó, gió nổi lên và cơn mưa ập tới, tài công đang ôm bánh lái thì một tiếng động mạnh lớn vang lên, chiếc ghe xoay tròn mấy vòng, nghiêng hẳn một bên, và không thể nào bẻ lái được theo ý muốn. Trong lúc tính mạng mọi người như mành treo chuông, anh Khải tình nguyện đứng ra sửa cái bánh lái bị gãy. Sau này khi tới bến, người tổ chức trả lại anh một cây vàng đền ơn anh đã cứu vớt được cả con tàu.
Chị Hồng tiếp lời anh Khải rằng chị sống ở Bà Rịa, khi chồng và con đi rồi, chị và 2 đứa còn lại cũng mấy lần tìm cách vượt biển nhưng đều thất bại. Có một nhóm tổ chức tại địa phương đồng ý cho chị và 2 con đi theo không tốn tiền với điều kiện chị phải đứng tên làm chủ ghe, để khi đi thoát thì không ảnh hưởng đến người chủ ở lại. Đặc biệt chiếc ghe này tuy có máy nhưng không chạy được vì người thợ máy gỡ mất con heo dầu đem về nhà sửa chữa, rồi anh ta bị bỏ lại chung với nhóm người của chủ ghe. May mắn tàu được trang bị thêm một cánh buồm và là chiếc ghe chạy buồm duy nhất ở đây. Mấy ngày ra khơi, chị bị nhét ở dưới khoang, ngộp thở muốn chết, chỉ ngoi được lên bong hít thở khí trời khi tàu gãy bánh lái và đang trôi dạt; chị nhìn thấy người đàn ông giữa đám đông hỗn độn trên tàu, người đó vừa cố sửa chữa bánh lái vừa khuyên nhủ mọi người nên cầu nguyện theo tôn giáo của mình.
Một không khí trang nghiêm, thinh lặng. Ai nấy ngồi yên một chỗ. Không còn tiếng than van, hoảng sợ, chỉ còn tiếng lâm râm niệm Phật đều đều, tiếng cầu kinh nho nhỏ vang lên với cả tâm tình phó thác mạng sống, hiến dâng linh hồn mình cho các Đấng ngự trên cao. Tấm lòng thành khẩn được Chúa, Phật nhậm lời. Con tàu tiếp tục cuộc hành trình thêm mấy ngày nữa mà không bị hư hao hoặc bão tố.
Tất cả mọi người trong bàn tiệc đều sững sờ như không tin vào tai mình, ai nấy vui vẻ nâng ly chúc mừng cuộc hạnh ngộ, buổi trùng phùng có một không hai này. Ai cũng cho đây là ý Chúa hoặc cái duyên lành mới có thể đem hai người gặp lại nhau sau một thời gian dài không ai biết ai. Cha Tâm là người vui nhất vì cha là nhịp cầu đưa hai người quen-mà-không-quen của mình có cuộc gặp gỡ đặc biệt ngày hôm nay.
Tiếng Việt và hồn Việt là cầu kết nối để người Việt tỵ nạn còn nhận ra nhau dù ở cách nhau hàng vạn dặm trên khắp nước Mỹ rộng bao la này, tiếng Việt cũng là sợi giây kết nối tất cả người Việt trên thế giới đang lưu lạc có thể tìm về với nhau. Cuộc gặp gỡ của những người cùng chí hướng thiện nguyện như chúng tôi đã là khó xảy ra, mà cuộc trùng phùng của chị Hồng và anh Khải còn hiếm hơn rất nhiều, tưởng như chỉ có thể xảy ra trong tiểu thuyết mà thôi.
Được chứng kiến câu chuyện thật và người thật, tôi ngộ ra cái duyên lành trong đời người tuy hi hữu nhưng vẫn có thể. Vòng trời đất tuy mênh mông muôn trùng, nhìn lên bầu trời đêm đầy tinh tú lấp lánh trong vũ trụ bao la, tôi tin có bàn tay Tạo Hóa diệu kỳ sắp đặt để có một ngày người còn nhận ra người, ta còn nhận ra ta. Con người ai nấy đều có một định mệnh, một số phận khác nhau, nhưng ta vẫn có thể tự xoay chuyển số mệnh của mình để đi đến một kết cuộc tốt hơn.
Nguyễn Văn Tới (LT). 2022.
CHÚ THÍCH:
Phần phụ thêm: Tiểu chủng viện thừa sai Kontum, Việt Nam, dài 100 mét, được hoàn thành năm 1935 bằng gỗ Cà Chít, là nơi du khách thế giới luôn đến chiêm ngưỡng khi đến vùng cao nguyên, thành phố Kontum.
https://antontruongthang.wordpress.com/than-h%E1%BB%AFu-chung-s%E1%BB%A9c/luoc-su-hinh-thanh-chung-vien-thua-sai-kontum/
No comments:
Post a Comment