60 đôi giày - những cái chết bi thảm bên dòng Danube xanh
Tôi có dịp được “chạm” vào “trái tim của Châu Âu” hồi giữa Tháng Năm. Thủ đô Budapest cổ kính với kiến trúc tuyệt hảo như một bức tranh trong chuyện cổ tích. Nhưng đứng bên bờ sông Danube, đọng lại trong tôi một nỗi niềm sâu sắc: Hình ảnh 60 đôi giày mà bên cạnh là những bông hoa tưởng niệm.
Dòng sông diễm lệ
Một góc thơ mộng bên dòng sông Danube.
Có lẽ không ít người biết đến bài hát Dòng sông xanh – một trích đoạn trong “The Blue Danube” của Johann Strauss II, qua lời dịch của cố nhạc sĩ Phạm Duy và giọng hát không lẫn vào đâu được của ca sĩ Thái Thanh. Nhưng vào những năm 1970, đứa con nít như tôi, khi được nghe bài hát, không mường tượng nổi, “một dòng sông xanh xanh” ấy, nó thơ mộng đến như thế nào, cho đến Tháng Năm vừa qua.
Dòng sông Danube không chỉ xanh, mà còn uốn lượn lãng mạn như một dải lụa đào dài 2,850 km (hơn 1,770 dặm), chảy qua 14 thành phố lớn của mười quốc gia: Đức, Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Serbia, Romania, Bulgaria, Moldova và Ukraine, trước khi chảy ra Biển Đen. Đặc biệt, dòng sông “lượn là” qua bốn thủ đô: Budapest (Hungary), Vienne (Áo), Bratislava (Slovakia) và Belgrade (Serbia). Danube được gọi là con sông mẹ của Châu Âu, và tôi đang đứng ở đoạn đẹp nhất, diễm lệ nhất của dòng Danube xanh, ở ngay trung tâm Budapest.
Đoạn sông này chia thủ đô Hungary thành hai phần: Buda và Pest. Buda bên bờ trái với những tòa lâu đài tuyệt diệu như trong truyện cổ tích, được xây dựng trên một ngọn đồi từ thế kỷ 13. Bờ phải là thành phố Pest được xây dựng trên đồng bằng gồm những tòa nhà cổ kính thời trung cổ, hình thành từ thế kỷ 19 thời Đế chế Áo-Hung.
Những tòa lâu đài tuyệt diệu như trong truyện cổ tích.
Khúc sông Danube chảy qua Budapest, kéo dài từ cầu vàng mang tên công chúa Margaret tới cầu xanh do vua Franz Joseph bỏ tiền ra xây dựng để kỷ niệm 1000 năm thành lập đất nước Hungary. Cả hai cây cầu đều là điểm nhấn, làm tăng thêm vẻ đẹp của dòng sông. Tiếc là lúc tôi đến Budapest, cầu đang được sửa chữa, nên tôi mất cơ hội đứng trên cầu, tưởng tượng về những chuyện tình lãng mạn, như lời cầu hôn của nhà văn Mark Van Spall dành cho người yêu mình.
Người bạn dẫn tôi đi – cư dân sống lâu năm ở Budapest, chỉ cho tôi những chiếc xe điện có màu vàng, anh gọi là “tuyến tàu vàng” (földalatti) chạy dọc đại lộ Andrássy mà bên dưới là hệ thống tàu điện ngầm (metro) cổ nhất ở Châu Âu lục địa và cổ thứ hai trên toàn châu lục, sau tàu điện ngầm London.
Điều thú vị không kém, là tôi được đứng giữa “quần thể di sản” rất hiếm hoi được UNESCO công nhận. “‘Hiếm hoi’ là vì thông thường, UNESCO chỉ vinh danh một công trình cụ thể nào đó, nhưng vì thấy đoạn này nhiều di sản ở phần trên, đại lộ chính, mà bên dưới có metro đầu tiên, nên họ công nhận luôn thành một ‘quần thể di sản’”, bạn tôi giải thích.
Tàu vàng chạy dọc đại lộ Andrássy mà bên dưới là hệ thống tàu điện ngầm (metro) cổ nhất ở Châu Âu lục địa.
Giết người tập thể
Nhưng tại ngay cái khúc sông diễm lệ của dòng Danube xanh ấy có một “góc tối” đầy nước mắt của lịch sử nước Hung. Đó là những đôi giày nằm rải rác, vất vưởng bên bờ sông, nhưng lại được du khách nhìn ngắm và trân trọng, vì đó là đài tưởng niệm – một đài tưởng niệm bi thảm bên bờ sông Danube.
Du khách tham quan công trình “The Shoes on the Danube Bank”.
Cũng cần nhắc lại, trước Đệ Nhị Thế Chiến, từ giữa thập niên 30, do tác động của nước Đức, Hungary bắt đầu đưa vào luật những điều khoản kỳ thị và phân biệt đối xử với sắc dân Do Thái. Từng bước, Hungary cấm đoán, loại trừ người Do Thái khỏi đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Qua thời gian, quyền công dân và dân sự của người Do Thái ở Hungary cũng bị giảm thiểu, phù hợp với tiến độ của cái gọi là “giải pháp tối hậu” (Endlösung) mà nước Đức đặt ra với sắc dân này.
Và chính nơi tôi đang đứng, cách đây gần 80 năm, diễn ra những cuộc sát hại tập thể người Do Thái ở Hungary, liên quan đến “cỗ máy giết người hàng loạt” trong trại giam Auschwitz ở Ba Lan.
Du khách chụp lại hình ảnh của ký ức năm xưa.
Tháng Năm, bầu trời Budepest xanh ngắt, nắng vàng rực rỡ, nhưng tôi lại cảm thấy ớn lạnh khi nghe bạn kể: Mùa Xuân 1944, những đoàn tàu chở người Do Thái sang trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan để bị hành quyết theo lệnh của Đức Quốc Xã, luôn chạy hết tốc lực, mỗi ngày bốn đoàn. Những đoàn tàu chở người như chở súc vật, các toa đóng kín mít, nhồi nhét hàng trăm con người. Nhiều người chưa kịp bị cháy trong lò thiêu ở trại Auschwitz, thì đã chết ngạt, chết đứng trong toa tàu.
Nhưng công suất lò thiêu của Auschwitz không lớn, người sang đông quá, thiêu không kịp, nên có sự “mặc cả” là mỗi ngày chỉ có hai đoàn tàu, thay vì bốn. Lúc ấy, ở Hungary còn rất nhiều người Do Thái mà Đức Quốc Xã muốn diệt chủng.
Trước dư luận thế giới phản đối, chính quyền Hungary thân Đức không đưa người sang hành quyết ở Ba Lan nữa, mà dùng cách khác. Những phần tử dân tộc cực đoan Hungary đưa người Do Thái đến bờ sông Danube. Tại đây, họ buộc 20 người với nhau thành chùm và… bắn. Chỉ một người bị bắn ngã xuống sông, là toàn bộ những người bị trói chung rớt theo. Trước đó, tất cả mọi người đều bị trói khuỷu tay ra sau (để không thể thoát thân), phải lột bỏ quần áo, và giày dép. Những đôi giày là hình ảnh ám ảnh nhất của nạn diệt chủng Do Thái.
Những đôi giày là hình ảnh ám ảnh nhất của nạn diệt chủng Do Thái.
60 đôi giày, hình ảnh của những cái chết bi thảm xưa kia, nay là công trình mang tên “The Shoes on the Danube Bank” (Những đôi giày trên bờ sông Danube). Ba tấm bảng có dòng chữ bằng tiếng Hungary, tiếng Do Thái, và tiếng Anh, ghi “To the memory of the victims shot into the Danube by Arrow Cross militiamen in 1944 – 1945. Erected 16 April 2005” (Để tưởng nhớ những nạn nhân bị quân Arrow Cross bắn trên sông Danube, năm 1944 -1945. Được gắn vào ngày 16 Tháng Tư, 2005).
Tấm bảng tưởng nhớ những nạn nhân bị quân Arrow Cross bắn trên sông Danube, năm 1944 -1945.
“The Shoes on the Danube Bank” là một trong những tượng đài chiến tranh cảm động nhất thế giới, được đạo diễn phim Can Togay, với sự đóng góp của nhà điêu khắc Gyula Pauer dựng lên. Bên cạnh 60 đôi giày sắt hoen rỉ là những cánh hoa, tươi có, khô héo có, chứng tỏ họ – những người Do Thái vô tội, chưa bao giờ bị bỏ quên.
Người và giày của năm 2022 bên cạnh những chiếc giày của 78 năm về trước.
Tôi viết bài này khi nhiều thảm kịch vẫn đang xảy ra trên trái đất. Sau đại dịch COVID-19 cướp đi hơn 6.3 triệu mạng người, những tưởng đã là quá sức chịu đựng của nhân loại. Nhưng không, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine hơn 110 ngày qua chưa có hồi kết, khi hàng chục ngàn người đã mãi mãi nằm xuống. Đây đó, vẫn có những cái chết kinh hoàng, thảm khốc của người tị nạn từ châu Âu, châu Phi, hay trên đất nước Hoa Kỳ, khi cố đi tìm nguồn sống mới.
Chợt nghĩ về thân phận con người. Đâu phải chỉ hàng chục năm về trước, thảm kịch vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu. Liệu họ có được hậu thế nhớ đến, để tưởng nhớ, và đau thương, như cảm xúc của tôi, hay những người đứng trước 60 đôi giày vô tri vô giác – dấu tích lịch sử, của một thời…
Đoan Trang
No comments:
Post a Comment