Chuyện tình “Hương Giang dạ khúc”
GS Trần Văn Khê và Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thời trẻ là một đôi bạn thân. GS Trần còn giữ nhiều kỷ niệm sâu sắc về nhạc sĩ Lưu. Câu chuyện sau đây Giáo sư Trần đã kể trong những ngày ông về Huế dạy nhã nhạc tháng 4 năm 1996.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tác giả Hương Giang Dạ Khúc. TL Internet
Năm 1943, chúng tôi gồm Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng và Trần Văn Khê còn đang theo học tại Hà Hội. Lúc nầy anh Phước được giới trẻ hết sức hâm mộ với các bài hát dành cho thanh niên của anh.
Một hôm anh Phước nhận được một lá thư của một nữ sinh Huế tên là Thu Hương. Thư ca ngợi tài năng và tinh thần yêu nước của anh Phước. Nhưng tiếc thay thư lại viết bằng tiếng Pháp. Đọc thư LHP không bằng lòng. Phước viết thư trả lời: "Thưa cô, cô là người Việt mà tôi cũng là người Việt, không hiểu tại sao cô lại viết thư cho tôi bằng tiếng Pháp? Vì thế cô cho phép tôi trả lời cô bằng tiếng Việt ". Ngay sau đó, Phước nhận được lá thư thứ hai, cô nữ sinh giải thích lý do vì sao cô phải viết bằng tiếng Pháp: "Vì tôi quý trọng nhạc sĩ lắm, nhưng mà tôi là con gái không có quyền gọi nhạc sĩ bằng anh, mà gọi bằng ông thì xa xôi quá. Vì thế tôi đã phải mượn tiếng Pháp để tự xưng là Je (tôi) và gọi nhạc sĩ bằng Vous (anh) một cách bình thường mà lại giữ được sự thân mật. Nếu điều đó đã vô tình làm cho nhạc sĩ bực bội thì tôi xin nhận lỗi vậy ". Lưu Hữu Phước vỡ lẽ, không những không trách nữa mà còn khen " cô nầy là con gái Huế sâu sắc thiệt".
Từ đó thư qua thư lại đến mười mấy cái nữa. Đến khi trường Đại học Hà Nội đóng cửa, Phước cùng Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ về Nam. Khi tàu chạy đến ga Huế thì Phước nhảy xuống đi tìm Thu Hương. Phước tìm đến đúng địa chỉ hay gởi thư thì mới biết địa chỉ đó không có thật. Lưu Hữu Phước thất vọng vô cùng. Không gặp được Thu Hương, Phước đi lang thang men theo con đường chạy dọc sông Hương. Anh định một lúc rồi lên ga mua vé tàu đi tiếp vào Sài Gòn thì may mắn gặp được một người bạn. Anh bạn mừng rỡ hỏi Phước đi tìm ai, Phước kể lại sự tình đi tìm Thu Hương ở địa chỉ anh hay gởi thư. Anh bạn cười và cho Phước hay địa chỉ đó chưa bao giờ có ở Huế. Đó chỉ là một cái cốt đặt ở bưu điện. Nghe vậy Phước lại càng thất vọng.
Anh bạn mời Phước về nhà ở lại. Nhà anh bạn có hai cô em gái cũng đang học trường Đồng Khánh. Được gặp Lưu Hữu Phước hai cô mừng lắm, họ bèn chạy đi mời một số bạn gái nữa về nhà chơi nghe Phước nói chuyện. Các cô nữ sinh kính phục lắm. Nhưng Phước không để ý đến ai cả mà chỉ thổn thức mơ tưởng đến Thu Hương mà thôi. Nhưng không ai biết Thu Hương là ai cả. Và cũng không ai biết trong những người đến nhà chơi có ai là Thu Hương hay không. Nói chuyện xong, các cô mời anh Phước xuống thuyền dạo chơi trên sông Hương. Nhìn thấy các cô nhón chân bước xuống thuyền đẹp quá, Phước hết sức xúc động. Hình ảnh đó càng làm cho Phước tưởng nhớ đến Thu Hương mạnh mẽ hơn. Nó đã gợi cho Lưu Hữu Phước sáng tác bài Hương Giang Dạ Khúc. Bởi thế trong bài hát có những câu.
"Nhón chân bước xuống thuyền, tình tôi thương nhớ ".
"Làn hương thu, mờ trong bóng chiều, vờn rung nắng ngà, nhẹ đưa đưa xa, làn hương thu".
Bài nhạc được viết xong nhưng Phước không gặp được Thu Hương.
Sau năm 1945, trước khi đi kháng chiến Phước đưa cho tôi bài Hương Giang Dạ Khúc và nói:
- "Tôi đặt bài nầy có tên mà không có mặt, nhưng hình ảnh người đó phải là một cô gái Huế. Bài nầy tặng cho các cô gái Huế nhưng đưa cho Khê coi chơi chớ không được hát ra công chúng. Nếu lỡ hát thì không được nói tên tác giả".
Vì lúc đó cuộc kháng chiến đã bắt đầu. Tình cảm trong HGDK không thích hợp với ý chí mạnh mẽ của tuổi trẻ thời bấy giờ. Vì thế tôi đã giữ trọn lời căn dặn đó. Anh Phước đi kháng chiến rồi đến lượt tôi đi. Trước khi rời thành phố tôi được các cô mời gặp mặt. Các cô yêu cầu tôi hát HGDK. Không thể từ chối được, tôi hát mà không nói ai là tác giả. Tôi hát chưa hết bài thì trưởng đoàn đến giục đi. Các cô không chịu:
- "Không được, phải hát hết bài nầy rồi mới được đi".
Xe đến, các cô đóng cửa lại cái rầm và bắt hát hết. Các cô khen :
- “Hay quá. Của ai vậy?"
Giữ lời hứa với anh Phước tôi bảo :
- "Của một nhạc sĩ không tên".
Vì không tên nên ai cũng nhớ.
Năm 1961 tôi qua Newyork dự Hội nghị âm nhạc Thế giới. Ăn cơm Mỹ ngán hết sức, thấy ở gần khu Đại học có một tiệm cơm Việt Nam tôi mừng quá vào ăn ngay. Ông chủ tiệm là người Việt Nam đến, biết tôi cũng là người Việt Nam mừng lắm. Người vợ đến nói:
- '"Tôi biết anh là Trần Văn Khê bạn của Lưu Hữu Phước phải không ?".
- "Sao cô biết ?"
- "VN có mấy người như các anh đâu mà không biết."
Sau mấy câu xã giao chủ khách trở nên thân mật như đã quen nhau tự bao giờ. Thế là tất cả những món ăn Huế như bánh khóai, bánh bèo, bún bò ... có món Huế gì ngon đều bưng ra mời hết mà không lấy tiền. Từ hôm đó ngày nào tôi cũng ra ăn cơm Huế. Đến bữa cuối cùng tôi báo không ăn cơm Huế nữa vì phải dự chiêu đãi bế mạc hội nghị. Bà chủ nhà hoảng hồn, nói toáng lên :
-" Trời đất ơi, biết anh sắp rời Mỹ, tối nay tôi mời trên ba chục người Việt đến nghe anh nói chuyện âm nhạc VN và chia tay. Anh đi dự chiêu đãi thì chết tụi tôi rồi !".
Không thể bỏ qua cuộc gặp mặt hiếm có nầy tôi phải bỏ cuộc chiêu đãi bế mạc hội nghị để làm vui lòng chủ tiệm người Huế.
Lúc đó người VN chưa có nhiều ở Mỹ. Với số lượng hơn ba chục người là đông lắm rồi. Hơn ba chục mà có đủ ba miền Bắc Trung Nam. Trong lúc nói chuyện tôi hát một câu hò miền Nam, ca mấy điệu Nam bình Nam ai, và ngâm mấy câu sa mạc. Hò miền Nam thì người miền Nam chảy nước mắt, ca Huế thì người miền Trung lấy khăn chặm nước mắt, ngâm sa mạc thì người miền Bắc nhớ quê khóc. Đến khi ai cũng đã chảy nước mắt cả rồi thì cô chủ nhà hỏi:
- " Anh có biết bài Hương Giang Dạ Khúc không ? ".
- " Biết. Nhưng sao chị biết bài đó? " - Tôi hỏi.
Bà chủ nhà không trả lời mà lại hỏi:
- "Anh hát được không?'
- "Được."
Tôi hát. Khi chị nghe tôi hát đến câu :
- "Làn hương ơi làn hương, mờ xoá bóng ai yêu kiều" .
Bà chủ nhà ôm mặt khóc. Khóc nức nở. Chồng chị là anh Bính - một họa sĩ, biết những giọt nước mắt đó không phải khóc vì mình, nhưng anh đã có một cử chỉ đẹp vô cùng là lấy khăn lau nước mắt cho vợ. Anh ôm vợ vào lòng. Một cử chỉ thật đẹp và thật vị tha. Không một lời nói ghen tuông tầm thường nào.
Bà chủ lại hỏi:
- "Anh có biết Lưu Hữu Phước đặt bài đó cho ai không?".
- "Biết. Đặt cho Thu Hương." - Tôi đáp.
- "Anh có biết Thu Hương là ai không?
- " Không".
- "Thu Hương là tôi đó !"- Bà chủ tiệm ăn Huế nói một cách dứt khoát.
Tôi hơi ngờ:
- "Không, lâu nay tôi nghe tên chị là chị Lan kia mà? "
Bà chủ giải thích :
- "Lan là tôi mà Thu Hương cũng là tôi."
Trời đất ơi, sao lại có sự trùng hợp lạ lùng như thế nầy. Trong bài hát có câu "Lan Hương Thu". Mà "Lan Hương Thu" cũng đều là tên của chị.
Chị chủ quán là người "trong cuộc" thế mà chị cũng hết sức ngạc nhiên:
- "Hương Thu là bí danh của tôi, tên thật là Lan. Tại sao ông Phước đặt bài hát có cả ba chữ Lan Hương Thu?".
Tôi hỏi chị:
-"Có bao giờ chị có ý định gặp lại anh Phước không?"
Thu Hương đáp:
- "Không! Nhưng nếu gặp anh Phước anh nói hộ với anh ấy: Tôi đã hai lần lập gia đình nhưng không bao giờ tôi quên anh Phước - người đã sáng tác bài Hương Giang Dạ Khúc. Lâu lắm tôi mới nhận được bài hát nầy nhưng tôi biết anh Phước dành bài hát nầy cho tôi."
Như thế là vô tình tôi đã tìm được con người mà Phước đã không được gặp mặt hơn mười lăm năm trước. Từ đó tôi trở thành bạn thân thiết với gia đình Thu Hương .
Mười lăm năm sau (1976), nước nhà thống nhất, tôi gặp lại anh Phước ở Hà Nội. Sau lúc mừng rỡ, nói chuyện chung xong rồi, tôi kéo anh Phước ra nói nhỏ:
-" Có một chuyện tôi phải nói riêng với anh! ".
-" Chuyện gì?" Phước hỏi.
-" Tôi đã gặp Thu Hương rồi! "
-" Gặp ở đâu?"
-" Gặp ở Newyork! "
-" Bây giờ Thu Hương ở đâu? "
Tôi đành phải nói một sự thật:
-" Thu Hương đã trở nên người thiên cổ rồi. Do một tai nạn máy bay cách đây sáu bảy năm! "
Tôi nói đến đó nước mắt anh Phước lưng tròng. Và mắt tôi cũng ngấn lệ.
Đó là một kỷ niệm không thể nào quên. Ngày truy điệu anh Phước tôi hát lại bài Hương Giang Dạ Khúc và nhắc lại chuyện nước mắt anh lưng tròng, năm 1976. Lúc đó Thu Hương đã ra người thiên cổ nhưng Phước vẫn còn là người dương trần. Bây giờ tôi khấn trước hương hồn anh :
- "Ngày hôm nay tôi hát lại bài nầy, trong giờ phút nầy biết đâu bạn ở bên kia thế giới đã gặp lại Thu Hương chăng!"
Tôi hy vọng anh Phước đã gặp được con người mà trên trần thế anh chưa hề gặp mặt. Kể lại chuyện nầy với hy vọng các nhà sưu tập nhạc Lưu Hữu Phước bổ sung thêm vào Toàn tập nhạc của anh thêm một bài nhạc mà theo tôi là rất hay.
GS Trần Văn Khê kể
No comments:
Post a Comment