Chuyện Huế Ít Người Biết
Tô Kiều Ngân
Người Huế mà không được nói tiếng Huế, đó là lệnh cấm đối với các thiếu nữ được tuyển vào làm cung phi trong Nội, dưới triều Nguyễn. Họ không được nói rặt giọng Huế mà phải nói y như giọng dân Phường Đúc. Phường Đúc là khu quần cư, tập trung các người thợ đúc đồng tài giỏi do triều đình tuyển từ Bắc vào hoặc trong Nam ra. Họ là tác giả của chuông chùa Linh Mụ, Cửu Vị Thần Công Và Cửu Đỉnh ở Huế.
Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837.
Những sản phẩm của họ dãi nắng, dầm mưa, trải bao tuế nguyệt đến nay vẫn chẳng chút nứt rạn hay có tì vết gì. Họ mang theo gia đình ra làm ăn sinh sống lâu ngày ở Huế nên hòa đồng ngôn ngữ với dân địa phương. Dân Phường Đúc không nói rặt một giọng nào mà pha trộn nửa nọ, nửa kia. Các cung phi trong Nội phải bắt chước giọng Phường Đúc, nghĩa là vừa nói nửa Trung, nửa Nam, ai không tuân thì bị tội. Tại sao lại có hiện tượng này? Kể cũng khó hiểu. Và lệnh này có từ đời nào?
Có người đưa ra giả thuyết: có lẽ chuyện này xuất phát từ thời bà Từ Dũ vốn là một phụ nữ Nam Ky`, con gái của Đại Thần Phạm Đăng Hưng, người Gia Định. Bà được phong Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu, lấy Vua Thiệu Trị, đứng đầu bộ phận “hậu cần” của Hoàng Đế, có nhiều quyền uy đối với các cung phi khắp ba cung, sáu viện. Có lẽ bà muốn những người dưới tay mình phải dùng giọng nói pha âm sắc Nam Ky` để trao đổi cho dễ hiểu chăng, bởi vì người Tân Hòa – Gia Định nghe giọng Huế “đặc sệt” có thể không hiểu mô tê chi cả.
Cũng có thể lệ này xuất hiện sớm hơn, từ thời Minh Mạng vì ông này nổi tiếng là ông Vua có nhiều vợ và phần lớn là người miền Nam. Về giọng nói Phường Đúc thì cho đến nay, thời gian qua quá lâu, trải nhiều thế hệ, giọng nửa Nam nửa Trung đã trở thành Huế rặt rồi.
Ngoài ra còn có một hiện tượng buồn cười khác là các người làm việc trong nội dù là cung phi, lão tỳ, thị tỳ, nô nhân hay nê nhân, lúc mới vào đều phải tự nguyện “câm” đi trong thời gian sáu tháng. Suốt thời gian này, họ không nói chi cả hoặc nói rất ít. Không nói vì sợ phạm húy, lỡ mồm lỡ miệng thì mang họa vào thân. Chờ khi mô thuộc lòng những chữ “nên tránh” gồm trọng húy và khinh húy, hoặc những chữ cấm nói như: chết chóc, đui què, máu me, phong hủi… vì những từ này mang điềm gỡ hoặc thô tục, lúc đó họ mới được phép… hết câm.
Sao gọi “ngựa Thượng Tứ”?
Ở Huế, khi nói về một người đàn bà hung dữ, có lời ăn tiếng nói thô lỗ, cử chi vùng vằng, người ta thường ví kẻ đó như Con Ngựa Thượng Tứ. Thượng là thuộc về Vua. Tứ là xe bốn bánh do ngựa kéo. Gần cửa Đông Nam, một trong tám cửa của kinh thành Huế, xưa có khu vườn nuôi ngựa để kéo xe cho Vua. Những con ngựa này thường là dữ dằn phải do đội phi kỵ vệ và khinh kỵ vệ nuôi dạy, huấn luyện cho ngựa trở nên thuần. Người đàn bà dữ dằn lúc nào cũng lồng lên như ngựa chứng thì có gọi là “Ngựa Thượng Tứ” cũng đúng thôi.
Cửa Đông Nam vì ở gần khu Thượng Tứ nên cũng được dân Huế gọi luôn là cửa Thượng Tứ không ai còn để ý đến hai chữ Đông Nam ghi trên vọng lâu nữa.
Cửa Thượng Tứ
Chợ Đông Ba hay Đông Hoa?
Chợ Đông Ba, ngôi chợ lớn nhất trong các chợ ở Huế, vốn có tên thật là chợ Đông Hoa – cửa Đông Ba xưa cũng gọi là cửa Đông Hoa. Đây là một cái tên do ta bắt chước Trung Quốc. Thời Tần Thủy Hoàng bên Tàu cũng có một cái cửa gọi là cửa Đông Hoa. Chỉ vì tránh phạm húy mà người Huế phải gọi trệch ra là Đông Ba vì tên của bà Hồ Thị Hoa, vợ Vua Minh Mạng, được phong Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu, gốc người Biên Hòa (Nam Bộ).
Chợ Đông Ba.
Nếu ta nghe người Huế xưa gọi “ánh sáng” là “yến sáng” thì cũng đừng ngạc nhiên vì sợ phạm húy bởi “Ánh” là tên Vua Gia Long nên phải đổi ra thành “yến”. Lão thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm thơ cũng đổi chữ “cành phồn hoa” ra “cành phiền ba”, bởi hơn ai hết, ông phải kỵ húy vì ông là người trong Hoàng Tộc.
Bắt trẻ con làm cá, trấu làm tép ?
Nhân vùng biển Thuận An sắp trở thành thị xã, xin kể vài tục lạ của ngư dân vùng biển này có từ thời xa xưa. Dân chài lưới ở Thuận An rất sùng bái nữ thần Thái Dương vì vị thần này đã nhiều phen giúp họ làm ăn phát đạt. Họ lập miếu thờ và mỗi năm, cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch lại tổ chức lễ hội.
Lễ Hội "Cầu Ngư" ở làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Huế; Họ thường nhắc câu: “20 làm tốt, 21 xâu tai, 22 đeo hoa, 23 tế Nhân”. Xâu tai, đeo hoa là làm đẹp cho tượng thần và Nhân là tên của nữ thần Thái Dương.
Ngư dân ở đây đã lấy lưới vây trên bến cạn, bắt một số trẻ em trần truồng cho vào trong lưới giả làm cá vừa lưới được, xong nhiều người đem rổ cá đến mua. Cũng diễn ra cảnh chọn cá và kỳ kèo, trả giá, xong thì đem bọn trẻ sang bờ bên kia thả cho chúng chạy.
Họ cũng dùng trấu (vỏ lúa) giả làm tép biển và lấy vợt xúc lên, giả như đang thu hoạch. Tiếp sau đó, có những trò vui như đua trải, nhậu nhẹt và hát bội cho dân làng xem”
(Trích Hương Giang)
No comments:
Post a Comment