Monday, October 12, 2020

NGHE TIẾNG HUẾ 

Lương Thúy Anh
Nghe tiếng đứa cháu bé bỏng khóc lè nhè, tôi kêu con gái:

“THỔ em đi con, RĂNG mà em khóc hoài RỨA”

Con gái nhìn tôi có vẻ ngỡ ngàng một chút: “dạ, mạ nói chi?”

Tôi chợt hiểu, lứa trẻ Huế chừ chẳng mấy quen thuộc với một số tiếng Huế của một thời, tôi giải thích: “ à, thổ em, là dỗ em cho nó nín khóc đó mà”

Có những âm Huế rặt nhưng lúc sau này rất ít khi được nghe lại, nên đôi khi có một lớp tuổi trẻ Huế bỗng dưng lạ lẫm với một số tiếng Huế ấy.

Lúc còn rất nhỏ, mỗi khi tôi chạy nhảy hơi thái quá, thì mạ tôi sẽ la rằng:

“Con gái con đứa chi mà nhảy như NGỰA TẾ ( ngựa ở lễ Tế Đàn Nam Giao), rứa trời.”

Hay có khi: “Đồ “ NGỰA THƯỢNG TỨ”, chưa đi đã chạy, lắc xắc lưởi xưởi vừa thôi con NÃ, lớn lên có mà ế chồng”

Có lúc vui chuyện chi đó, tôi kể cho mạ nghe, mà kể chưa tròn câu hết ý đã lăn ra cười, rứa là mạ tôi: “Cái đồ con gái mà vô duyên ÕM, chưa nói đã cười…”

Ra chợ đông ba, có những lúc, ngang qua hàng cá, O bán cá :“ mua mớ ni “MÌ XƯAcho tui đi chị ơi, MÌ XƯA là mở hàng cho họ, người mua đầu tiên trong ngày. Nếu thuận mua vừa bán, mớ cá trao tay rồi, chủ cá sẽ buông một câu nhẹ nhàng “THE THÍA, ít vía nhiều lời”. Nếu trả giá rồi mà không thuận mua, bỏ đi, người bán cá sẽ kì kèo: “ NOÁI thêm cho một tiếng nữa đi, cả mà MẤT MÌ XƯA của tui hí…”

Mạ tôi hay dặn, “con gái đừng có CÃI LỘN, ĐẬP BẬY(đánh nhau), hay CHƯỠI NHƯ LẶT RAU hí, không thôi người ta lại chê con cái nhà ai mà ĐOẢN VÔ HẬU rứa”.

Chưỡi như lặt rau, là cách nói so sánh rất tượng hình và cả tượng thanh, khi mua bó rau còn tươi rói , tôi nhớ ngồi lặt bỏ cọng mà cứ nghe tiếng tanh tách của cọng rau, và lặt rau thì rất nhanh, nên mang hình ảnh cô gái chưỡi lay lảy là rứa đó.

Có khi mạ tôi nói với con gái: “ BỮA TÊ, BỮA DIẾP hay BỮA MÔ đó, mạ nhớ có mua một GOÁI đường đen cất trong CỤI, chừ không CHỘ mô cả, hay là đứa MÔ ăn CHÙNG rồi?

Lúc tôi có con gái nhỏ, có lần BỒNG cháu lên nhà mạ chơi lúc trời sắp tối, rứa là mạ tôi: “ TÚI THÙI THUI rồi TỀ, đừng có bồng em ra đường nữa, CHẠNG VẠNG rồi, “họ” quở chừ, không nên”.

CHẠNG VẠNG chỉ bóng hoàng hôn, trời đã dần tối, “họ” ở đây là mạ tôi muốn nói người khuất mặt.

Bị ngã, té, thì kêu là BỔ, mạ tôi hay dặn tôi NGÓ chừng con gái bé nhỏ, “NGÓ cả mà em BỔ nơi tề”, hay có khi kèm theo một tiếng khá tượng thanh, lẫn tượng hình bên cạnh tiếng BỔ ni, “Ngoài NỚ trơn lắm, DÒM chừng không thôi em đi lẩm chẩm, rồi BỔ cái OẠCH chừ hí”

Tiếng Huế từ xưa đến nay, có rất nhiều từ, tuy đồng nghĩa nhưng phát âm hoàn toàn khác, làm nhiều người từ nơi khác đến có khi nghe không hiểu.

Ngoài những tiếng thông thường như MÔ, TÊ, RĂNG, RỨA, HÍ, TỀ, NỚ, NI, RI… vẫn dùng hàng ngày, rất quen thuộc với người Huế.

Người Huế còn gọi trại trại một số tiếng, ví dụ cái chân thành CHƯN, cái chổi là CHỦI, quét nhà kêu là XUỐT nhà, ngay cả tiếng nói, lại thành ra NOÁI, cái đọi (tô) là ĐOẠI, thích thì nói là ƯNG, chồng gọi là DÔN, trái (quả) là TRẤY, “ chút nữa chạy ra chợ mua vài TRẤY ớt”, cái thì gọi là CẤY, cấy ở đây còn có nghĩa là phái nữ, như là khi hỏi một ai đó vừa sinh con trai hay gái, câu trả lời sẽ là “Dạ, con cấy”, nghĩa là sinh con gái.

Làm thì gọi là MẦN, đi MẦN VIỆC đã, xấu hổ thì thành ra là DỊ, TRẼN, ỐT DỘT, HỔ NGƯƠI, coi thành COAI, nhìn là NGÓ, DÒM, thấy lại kêu là CHỘ. Chữ BƯA, mang nghĩa là đủ rồi, chán rồi…BƯA quá đi, là chán quá đi, ăn BƯA rồi, nghĩa là ăn đã đủ no, quá no, hay là chán món ăn nớ rồi. Nhiều, lại nói là HUNG, mua chi mà HUNG rứa? Có khi đi chơi, lại nói là đi rượng, khôn lại kêu là KHUN ( KHUN vừa vừa hí). Hỏi, lại đọc trại là HOẢI, đi HOẢI vợ…

THỘN cho đầy, có nghĩa là dồn cho đầy, trên cao gọi là trên CÔI, như để chỉ một vật để trên cao thì nói CÔI NỚ, cái đầu có khi kêu là CÁI TRỐT, già lại nói là TRA, để chê một món ăn hay một điều chi đó, lại nói đồ DỞ ÒM, hoặc DỞ THÚI. Để diễn tả là thấm, lau khô thì nói CHẶM. Ngắm lại gọi là NGHỄ.

Để diễn tả một cách nói nhiều chuyện, người Huế hay dùng hai chữ TÒE LOE. Còn nếu nói chuyện linh tinh lang tang, trật bậy lung tung có cụm từ “ nói chi toàn là TÀO LAO XỊT BỘP”. Các bà Mẹ Huế hay nhắc con gái rằng là : nì, con gái thì đừng có NHẢY ĐỰNG NHẢY ĐỘT, hay là ĐỪNG NHẢY RẬT RẬT hí.

Giọng Huế nếu kể ra và nói cho đầy đủ thì mấy cho vừa, và còn phân chia ra hai loại giọng Huế, giọng Huế ở thành phố và giọng Huế ở làng quê. Ví dụ người làng quê Huế gọi lúa là LÓ, nhưng người Huế ở phố thì không gọi như thế, mà vẫn gọi là lúa, đôi đũa thì không gọi là đôi ĐỤA. Hoặc là tiếng DƯỚI, người Huế ở làng quê gọi là ĐƯỚI, nhưng người Huế ở phố thì vẫn đọc là dưới, rất hiếm khi gọi đưới. Tuy nhiên chỉ khác nhau rất ít thôi.

Lương Thúy Anh

No comments:

Blog Archive