Duyên Số
Ngọc Hạnh
Mùa Hè nóng nực rồi cũng qua. Mùa Thu mát mẻ đã chính thức trở về vùng Hoa-Thịnh-Đốn với nắng nhẹ quanh nhà. Mặt trời thức muộn, lá bắt đầu đổi màu. Từ màu xanh, lá chuyễn thành màu vàng cam hay ráng đỏ như vầng thái dương vừa nhô lên khỏi chân trời. Các loại cúc vàng tím, đỏ, và hoa hồng đua nhau nở khắp phố phường. Mùa Thu thật dễ thương, lý tưởng cho người đi dạo, trời không nóng, không lạnh, gió Thu nhẹ nhàng. Đó đây trên sân cỏ, lối đi lác đác lá vàng rơi như họa sĩ tài hoa điểm tô màu sắc cho bức tranh thêm xinh đẹp. Mùa Thu từ ngàn xưa là đề tài sáng tác của các văn, thi, và nhạc sĩ, những người vốn nhạy cảm, dễ xúc động với cảnh đẹp thiên nhiên. Trong văn chương, âm nhạc mùa thu được nhắc nhở ca tụng. Cụ Nguyễn Khuyến nói về mùa thu:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…
Mùa Thu còn là mùa yêu thương, mơ mộng cho những người trẻ tuổi, là mùa học sinh , sinh viên đi dã ngoại, học tập ngoài trời. Bài hát của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh đươc người miền Nam yêu chuộng dù miền Nam Viêt Nam như Saigon hai mùa mưa nắng, dân chúng chỉ biết mùa Thu qua sách báo:
… Anh mong chờ mùa Thu
Dìu thế nhân vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ anh rồi…
Bài hát “Mùa Thu cho em” của nhạc sĩ Ngô thụy Miên nhẹ nhàng, lời đẹp như mơ đưa người vào cỏi mộng. Tôi nhớ lõm bõm vài câu:
Em có nghe mùa Thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa Thu tới,
Mang ái ân mang tình yêu tới …
Mùa Thu Hoa thịnh đốn tươi đẹp, cảnh vật quyến rũ như thế nhưng tôi không đi dạo mà vào Viện An Dưỡng thăm người bạn, chị Cúc. Chị vào đấy gần một năm sau khi tai biến mạch máu não quái ác viếng thăm, thật là khách không mời mà đến. Gia đình đưa chị vào bệnh viện lúc đầu và khi sức khỏe tốt hơn, các cháu chị đưa chị đến viện hồi phục ít lâu để tập đi, tập đứng, tập nói, tập rửa mặt, chải tóc…v…v. Khi chị được xuất viện tuy sức khỏe ổn định nhưng chị vẫn cần người trông nom nên gia đình mang chị vào nhà An dưỡng, nơi lúc nào cũng có người ra vào, giúp đở ngày đêm nếu cần. Viện rộng rãi xinh đẹp, có cỏ hoa cây cảnh, ở trung tâm thành phố nên khá đắt.
Lúc mới nhập viện chị Cúc khi nhớ khi quên nhưng có vài người bạn thân chi không quên, bao giờ cũng nhắc các vị ấy. Giờ trí nhớ chị trở lại bình thường. Chị có thể đọc sách, chuyện trò qua điện thoại nhưng vẫn phải dùng xe lăn để di chuyển. Lâu lâu bạn bè đến thăm, chị vui lắm. Viện có 8, 9 tầng lầu, phòng ăn cả trăm người nhưng hình như chỉ có chị Cúc là người Việt duy nhất. Có vài ba ông Đại Hàn, vài người da đen còn lại là người da trắng. Chị Cúc cho biết họ nói năng lịch sự tử tế nhưng lạnh lùng, không thể trò chuyện, tâm tình. Trước phòng ăn có vườn hoa nho nhỏ nhưng phải có người đẩy xe đưa chị ra và ở đó với chị. Có lẻ họ sợ chị té thình lình. Nhân viên viện bận nên chẳng mấy khi đưa chị ra vườn trừ khi gia đình đến thăm. Chị không con, các cháu bận đi làm chỉ đến thăm chị vào cuối tuần hay ngày lễ. Trông chị có vẻ an phận, chẳng than phiền, mong chờ ai. Trên sofa phòng chị, xe lăn, giường ngủ… đâu đâu cũng thấy sách Anh, Pháp, vài tờ báo Việt ngữ. Chúng là bạn bè của chị.
Được biết Ba chị Cúc trước kia là công chức cao cấp trong chánh phủ miền Nam. Lúc nhỏ chị học chương trình Pháp nên giỏi sinh ngữ. Lên Đại học chị chọn Anh Văn và đâu thủ khoa khi tốt nghiệp. Xinh đẹp, dịu dàng, hòa nhã với mọi người chị được bạn bè thương mến. Một người bạn đồng môn yêu chị lắm, muốn kết hôn với chị. Chị cảm động, quý mến anh như người bạn tốt chứ không yêu thương rung động của tình yêu nam nữ. Chị năn nỉ anh cưới vợ cho chị an tâm. Hai người thân nhau, chi nhớ hoài tình cảm tốt đẹp anh dành cho chị.
Chị được học bổng xuất ngoại du học Hoa kỳ. Xa gia đình, một mình nơi quê người, ai tử tế giúp đở, chị mừng và biết ơn. Duyên đưa đẩy chị gặp một sĩ quan Hải quân câp tá Hoa kỳ đẹp người, khéo nói. Hợp tình hợp ý hai người chính thức kết hôn sau thời gian quen biết. Sau ngày cưới khoảng 1 năm, “hương lửa” đang nồng chị thấy anh như có điều gì bận tâm, lo âu. Hóa ra ông đã có vợ có con. Chị như sét đánh ngang tai,hết hồn, chới với, lòng dạ tan nát, như trời long đất lỡ. Người chồng chị yêu thương, “cưng” của chị thuộc về người khác. Buồn đứt ruột, tức cành hông nhưng chuyện đã rồi, nặng lời với anh đâu có cứu vãn tình được tình thế. Lúc mới yêu nhau anh thường nói chỉ muốn sống với chị mà thôi, ngoài ra anh không cần chi hết. Yêu chị lắm lắm. Buồn và giận anh rất nhiều nhưng cố nén đau thương chị nhẹ nhàng nói “anh an tâm, mọi việc để em lo”. Chỉ vì muốn sống chung với chi, yêu thương chị mà anh bất chấp hậu quả. Ở Mỹ song hôn là tù tội, mất việc, mất chức…
Tương lai, sự nghiệp anh trong tay chị. Chị nhớ lại mãnh lực tình yêu đã có từ ngàn xưa, vì tình mà hy sinh công danh sự nghiệp. “Thân còn chẳng kể, kể chi danh”. Trong lịch sữ hôn nhân ngang trái vẫn xảy ra. Vua Anh Edward VIII từ chối ngai vàng để cưới bà Wallis Simpson, phụ nữ người Mỹ một lần ly dị chồng (1911 ),tướng lừng danh La mã Mark Antony bỏ vợ theo nữ hoàng Cleopatra ( năm 30 trước công nguyên ) và cách đây dưới 10 năm, tướng David Petraeus, có gia đình, từng đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ phải từ nhiệm (2012) vì quan hệ yêu thương với cọng tác viên Paula Broadwell. “Honey” chị đâu phải người duy nhất vượt rào. Thôi thì đưa cao đánh khẽ, chị ra tòa xin ly dị với tội danh anh bỏ bê gia đình, không đòi thường cấp dưỡng chi cả. Dĩ nhiên là anh vắng mặt. Theo chị có 3 trường hợp xin ly dị: 1/ song hôn, nặng nhất, có thể bị tù 2/ bỏ bê gia đình 3/ ngoại tình
Từ đó chị không gặp anh nữa. Chị mất bờ vai để nương tựa, không ai chia sẻ, an ủi lúc đau lòng. Buồn muốn chết nhưng cũng phải chia tay. Thật là “trời đất nổi cơn gió bụi” và “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” nên hôn nhân chị dở dang, không giống ai. Bơ vơ, phiền muộn. Có ai tin cô gái xinh đẹp, con nhà giàu, học giỏi lại long đong việc lứa đôi như chị lúc bấy giờ? Có lẽ nhờ sự chia tay trong hòa bình êm đẹp nên tháng 4 năm 1975, từ nơi xa xôi nào anh điên thoại về kêu chị Cúc đem gia đình sang Mỹ vì sắp mất nước, miền Nam sẽ bị nhuộm đỏ. Gia đình hãy chuẩn bị sẵn sàng và sẽ nhờ bạn làm ở tòa Lãnh sư Viêt nam lo giấy tờ, đến nhà đón Ba má và các em chị Cúc ra phi trường để di tản, hơn 20 người.
Chị ngạc nhiên và cảm động vì chị không ngờ anh quan tâm và lo cho gia đinh trong lúc khó khăn nhất. Nếu không nhờ anh, có lẽ gia đình phải tốn nhiều tiền và thời gian mới được đến xứ tự do. Tuy vậy cũng còn sót vài người em ở xa không về Saigon kịp. Chị Cúc lại tốn kém rất nhiều hiện kim lo cho các em đến Hoa kỳ. Một mình chị gánh vác, xin giấy tờ, tìm trường cho các em cháu thời gian đầu khi Ba Má mới đinh cư Hoa kỳ. Chị là con đầu, chị Hai của các em mà. Chị nói mình làm tốt không mong đươc đền đáp nhưng bất ngờ đươc phước lành. Ba chị nếu kẹt trong nước có lẻ sẽ bị tù đến chục năm, Má chị làm sao nuôi nổi gần 10 đứa em
Chị làm việc nhiều giờ hơn, dũng cảm, không phàn nàn, cẩn thận hơn nhất là về tình cảm. Sau này chị kết hôn người khác, hạnh phúc, hơn 30 năm không 1 ngày chia cách cho đến khi anh mất. Giờ cha mẹ không còn, chồng qua đời, chị ở viện An dưỡng không một người đồng hương. Ngoài các cháu con của mấy người em, lâu lâu bạn bè đến thăm. Theo chị luật tạo hóa có hợp thì có tan, cuộc đời như phù vân. Có mấy ai mãi mãi giàu sang, hạnh phúc? Thôi thì cư xử tốt lành với nhau, sống trong trong yêu thương, tha thứ cho nhau, đừng làm điều gì tạo nghiệp, có hại cho người khác.
Theo chị nước Mỹ thật giàu có và nhân đạo. Chính phủ đã cấp học bổng cho rất nhiều học sinh ngoại quốc, đào tạo nhân tài cho thiên hạ. Lúc trẻ chị được hoc bổng mấy năm liền, không tốn tiền học phí và ăn ở. Có gia đinh Mỹ còn nhận nuôi sinh viên trong nhà. Đó là thời bình. Sau 1975 họ cưu mang gần cả triêu người, dạy nghề, cho đi học, giúp nơi chốn ăn ở cho họ buổi đầu. Riêng các em, cháu chị nếu không có sự trợ giúp chinh phủ Mỹ sẽ vất vả cực nhọc mới thành đạt như ngày nay. Hầu như mọi người đều tốt nghiệp Đại học và Hậu Đại học, nhà cao cửa rộng…
Chị nói vợ chồng là duyên số, còn bịnh tật, cô đơn là cái nghiệp mỗi người. Chi khuyên tôi giữ gin sức khỏe. Theo chị sức khoe quý nhất trên đời. Nhà cao cửa rông, tiền bạc rủng rỉnh, hoc cao bằng cấp nhiều nhưng đau ốm bệnh tật những thứ kể trên cũng chẳng giúp minh được vui vẻ hạnh phúc mà còn làm phiền người thân, con cháu. Tôi thấy cách chị nói giống người tu hành, quên hỏi chị theo tôn giáo nào mà lòng chị thanh thản bình an dù phải ngôi xe lăn, phát âm khó khăn tuy khỏi bệnh đã lâu.
Ngoài sân các loại hoa mùa Thu đang nở rộ đẹp rực rỡ. Trong nhà An dưỡng những quả bí màu vàng được xếp đặt mỹ thuật, khéo léo trên các bó rơm khô bên cạnh tên người nộm giống như cảnh đồng quê. Hình ảnh này làm tôi nhớ thôn quê Việt Nam vào mùa gặt. Ước ao mọi người có gia đình hạnh phúc, thân tâm an lạc, nông dân Viêt nam được mùa để “gánh thóc về, gánh thóc về” mỗi chiều như bài hát của nhạc sĩ lão thành Phạm Duy sáng tác năm nào…
Ngọc Hạnh
No comments:
Post a Comment