Monday, October 12, 2020

Cà phê Danh Dự

FB Andrew Nguyen

Có người nói "dân trí Việt Nam thấp", lấy đó làm lý do để từ chối một khả năng nền dân chủ nên xuất hiện ở Việt Nam. 

Hãy nhắc lại lịch sử một chút, trước Đệ Nhị Thế Chiến, Đức là quốc gia có nền giáo dục và dân trí tương đối cao, nếu không muốn nói là gần như cao nhất. Không muốn là bởi vì không có dữ kiện chính xác, nhưng thành tựu học thuật, kiến thức, hơn nửa dân số theo Tin Lành, nước Đức là một quốc gia xứng đáng đứng đầu Âu Châu thời điểm đó. Và sự thực là họ đã đứng đầu Âu Châu trong một giai đoạn, trước sự khiếp nhược của Anh và Pháp. Ấy vậy mà người Đức lại tin lời Hitler. Kết quả nước Đức thế nào thì ai cũng đã rõ. Chỉ nhắc lại để nói rằng, không cứ phải có dân trí "không thấp" thì mới đảm bảo cho nền dân chủ tồn tại, lý lẽ đó không hề xác đáng. Bởi vì ngay khi cả có dân trí cao, một giống nòi vẫn có thể lầm lạc quàng lên cổ cái ách độc tài. 

Điều đáng sợ nhất của nền độc tài không phải ở chỗ nó làm con người ta ngu đi. Đúng là nó làm phần lớn dân chúng ngu đi, người Việt Nam ngoài Bắc, và người Việt Nam đi qua thời bao cấp hiểu rất rõ cảm giác phải suy nghĩ bằng bao tử. Não cần dùng phần lớn oxygen và glucose nạp vào cơ thể. Cho con người ta tồn tại trong một môi trường ít áp lực, đầy đủ chất dinh dưỡng, oxygen không vì con người sợ hãi mà bị dồn xuống cơ xương, tự nhiên trí thông minh sẽ được phát triển toàn diện. Điều này đặc biệt quan trọng ở tuổi nhỏ. Đứa trẻ chỉ cần được cho ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, được chơi thể thao. Rất nhiều thế hệ Việt Nam có tuổi trẻ đi qua những ngày tháng hết sức đói kém, trí tuệ của họ bị ảnh hưởng. 

Chính vì đói, nên đại đa số đầu óc nhóm người này, nhất là những người đi qua thời bao cấp hết sức chậm chạp. Nhóm người có năm tháng hoa niên vất vả đó, sinh vào những năm 60-70, hiện giờ đang nắm các vị trí quan trọng trong chính quyền. Trí tuệ của họ khiếm khuyết, và nội tâm của họ cảm giác được rất rõ điều đó, nên học trình giáo dục họ ép lên thế hệ sau rất nặng nề. Nặng tới độ chưa nói tới thứ thổ tả được viết trong sách giáo khoa lớp 1, mà lên cấp II, III chương trình khoa học nặng hơn ở các quốc gia ở Đệ Nhất Thế Giới rất nhiều lần. Điều đó không làm trẻ con thông minh hơn. 

Việc thâu nạp lượng kiến thức có chiều sâu đòi hỏi rất nhiều thời gian, và ngay khi người ta còn chưa nhìn ra được rằng lượng kiến thức STEM đó có cần thiết hay không, thì việc phải nhồi nhét lượng kiến thức từ các môn học tào lao khác cũng đủ làm thần kinh người trẻ hết sức căng thẳng. Những đứa trẻ học rất tốt ở giai đoạn cấp II, cấp III, rất nhiều lên đại học, hậu đại học, là mất đi niềm say mê học tập. Bởi vì chúng không có đam mê, chúng chỉ làm theo như cái máy ở trường trung học, tinh lực của chúng bị hao tổn quá sớm. 

Tuy vậy, nền giáo dục thổ tả này không đáng sợ, đáng sợ nhất là nhân cách con người bị biến thái. Một người có thể làm điều xấu, có thể vì hoàn cảnh bắt buộc. Người ta sau đó mang mặc cảm tội lỗi, nếu gặp lại tình huống tương tự thì không làm nữa. Nhưng ngược lại, người ở trong chế độ Cộng Sản, những người làm việc ở công quyền, cơ quan nhà nước,... thì không thể không tiếp tục làm chuyện xấu. Nếu họ chấp nhận làm một lần, hoặc là vì phương cách làm việc, hoặc là vì cấp trên yêu cầu, sau họ phải làm lần thứ hai, thứ ba... Nguyên do là bởi vì ở môi trường đó cần có hành vi như thế mới được chú ý, ngoài tồn tại, còn thăng tiến. Người ta làm một lần, hai lần, vẫn còn cảm giác hối lỗi, còn "lương tâm". Tới khi người ta buộc phải vì sinh kế mà cắn răng làm, sau vài lần thì phần lương tâm không lên tiếng nữa. Mãi rồi họ không phân được tốt xấu nữa, vì "ai cũng làm thế", cái ác đã được "thường hóa" đi rồi (normalised). 

Một người bình thường hiền hòa có thể vì hoàn cảnh ép buộc mà trở nên hết sức độc ác, nhưng ác tới mức độ nào? Browning có câu trả lời. Ông ghi lại trong một quyển sách, đọc không mấy dễ chịu. Quyển sách này có nói về một nhóm lính Đức ở Ba Lan. Nhóm này là những người đàn ông bình thường, không đủ sức khỏe đi lính, có người hơi khù khờ, nên được giữ lại dự bị. Sau nhóm này được lệnh đi giết người. Người bị giết thường là phụ nữ, trẻ em, người già,... đa phần là người Do Thái ở Ba Lan. 

Ban đầu có vài người không dám. Nhưng sau thì bị ép phải làm. Browning ghi chép lại chi tiết diễn biến của từng người. Có người viết đơn xin nghỉ, vì họ có con cái ở nhà, họ không lỡ lôi đứa trẻ cỡ tuổi con họ ra đồng trống giết. Người khác khi "làm việc" lại nhớ tới người thân, cũng không đành. Nhưng rồi họ gặp đe dọa từ cấp trên. Nếu họ dám làm khác, không chỉ có họ bị để ý, cả gia đình họ cũng bị để ý, và hậu quả như thế nào, thì ai cũng biết. Nên dần dần ai cũng nhắm mắt làm đại. Làm một thời gian thì họ quen, họ bắt đầu thấy giết người không quá tệ nữa. Thậm chí có người còn bắt đầu yêu thích công việc của mình, họ lôi người nữ có thai ra giữa trời tuyết, lột hết quần áo, bắn xuyên qua bụng. Người mẹ không chết, họ bắn tiếp một viên khác vào đầu. Cuối cùng rồi ai cũng sẵn sàng giết người, họ cảm thấy mình rất "mạnh mẽ."
 
Nguyễn Thiện Nhân thật ra lúc chưa bước vào chính trường, khuôn mặt của ông cũng "coi được". Ông đi dạy sinh viên rất có duyên, nói chuyện cũng uyên bác. Tức là ông không tới nỗi tệ. Không phải chỉ có ông, thực ra có khá nhiều trí thức tây học về nước làm có dung mạo không hề tệ. Bởi vì nội tâm của họ cũng không tới nỗi xấu, thậm chí có một số là vẫn còn tốt. Mãi về sau này, năm tháng lăn lộn chốn quan trường, nếm trải cũng nhiều. Cái thiện lương kia biến đâu mất, chỉ còn lại trên khuôn mặt là nét mệt mỏi hằn trên đôi mắt, tròng mắt đã hơi lồi ra, thinh thoảng tia nhìn ánh lên loang loáng. Loang loáng là bởi vì phần prefontal cortex trong não hoạt động liên tục, sợ hãi liên tục, nên phần này đẩy hai mắt hơi lồi ra. 

Mấy học sinh Olympia sang Úc, thực ra nhân tài gì chứ, ở Úc đại học học không hề nhẹ, chương trình na ná UK - đặc biệt là ở 8 trường đại học hàng đầu, những học sinh này chỉ sang học ở một trường hạng thường, và chỉ có trường đại học hạng thường đó chấp nhận cấp học bổng cho họ. Nhưng 19 người không về, là bởi vì ở xứ tự do, họ gìn giữ được một thứ - sự thiện lương của họ. Rằng lực học khá giỏi ở một trường hạng thường vẫn có thể có một đời sống tự do và phong phú. Trong khi về Việt Nam không hẳn là họ không thể tìm được việc tốt, hay không có cơ hội kiếm tiền. Nhưng đời sống không chỉ có công việc, còn quan hệ, gia đình, còn các vấn đề khác như đời sống,... ít nhiều đều phải nương theo tình huống của người Cộng Sản làm một vài việc sai trái, hay dối trá. 

Đáng sợ nhất của chế độ cộng sản, không phải là nó làm người ta ngu đi, mà nó làm người ta vì đời sống hủy hoại đi phần thiện lương trong con người mình. Dần dần, họ chẳng còn phẩm giá nữa, chẳng còn tôn trọng bản thân mình nữa. Sở dĩ quốc gia lụn bại, là vì đại đa số người Việt Nam không còn yêu quý bản thân mình nữa. Họ không còn tôn trọng phẩm giá tự thân nữa. Họ bị "khôn" đi mất rồi. Cái "khôn" của ma quỷ. Một cô thiếu nữ không tôn trọng phẩm hạnh của mình, chắc gì đã giữ được mình. Một xứ sở mà người dân không tôn trọng phẩm giá của mình, thì nói gì tới chuyện gìn giữ cơ nghiệp của ông cha? Xưa mất thác, nay mất biển, giặc còn ngồi ở Ba Đình rao giảng "lựa chọn người có tâm cho chính quyền."

Bản thân họ luôn cảm giác được sự thấp kém bên trọng nội tâm, nên mỗi lần nói điều gì là họ nhắc tới những khái niệm hết sức to lớn, những điều tưởng chừng như vĩ đại, ... để bù đắp cho mặc cảm trí tuệ khiếm khuyết, cho nội tâm thấp hèn mà họ đã tự mình chà đạp. 

Một ông tướng việt cộng chưa từng lâm trận ngày nào, lại đeo đủ thứ huy chương trên ngực áo. Tới như Jonathan Hạnh Nguyễn không phải là quân nhân, cũng hết sức hợm hĩnh, cài các huân huy chương tới độ muốn bung cúc áo vest. Khắp nơi đều thấy người Cộng Sản phung phí tiền bạc, nói chuyện vĩ cuồng, hành động dối trá khinh bạc,... Họ là những người đáng thương nhất, bởi nhân cách của họ bị hủy hoại đi rồi. Ai trong họ còn phẩm giá đây? 

Là "Tổ Quốc" trước, hay là "Danh Dự" trước? Anh không tôn trọng bản thân anh, làm sao mà người khác tôn trọng bản thân anh? Ngay cả người cờ vàng còn lấn cấn chuyện này. Tập Thể không bao giờ cao hơn Cá Nhân. Quốc Gia cũng không bao giờ cao hơn Cá Nhân. 

Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm nằm dưới lá cờ vàng, lá cờ quẻ Bĩ - Bĩ là đường cùng, điều tốt đẹp đi mất. Quốc gia dân tộc gì chứ? Bao nhiêu triều đại lụi tàn, bao nhiêu quốc gia đã bị xóa xổ. Tiên khởi vẫn là mình có tôn trọng phẩm giá của mình hay không. Bất kỳ ai có phẩm đức cao thượng thì sẽ có tín thác của trời đất, dân các xứ theo đó được nhờ. Vì lẽ đó mà Abraham thành tổ phụ của dân Do Thái và Ả Rập. Trước khi là dân của một quốc gia, thì cái trên thân người ta hình hài và ân phước từ Thần Phật. 

Anh không tôn trọng bản thân mình, không nỗ lực học tập, làm việc, rèn luyện và trau dồi phẩm đức, không ai muốn tới gần anh, không một nhóm người nào cần anh. Ngay cả đối với bản thân mình còn khinh bạc, chắc gì biết trân quý sinh mệnh của người khác. Quốc Gia không thể nào đứng trước Danh Dự, và không thể nào cao hơn Cá Nhân. 

Người Tin Lành Huguenots ở Pháp 300 năm trước học hành được bao nhiêu? Họ đọc sách Daniel (Book of Daniel), phát hiện ra rằng một khi vương quyền không còn giữ giao ước thần thánh thì vương quyền đó không chính đáng nữa. Một khi vương quyền không chính đáng nữa thì họ không xứng đáng ở đó nữa, loại bỏ họ đi thôi. Ý tưởng về một nền dân chủ không hề mới, và người ta đã có lý do để chứng minh tính chính đáng của nó từ hàng trăm năm trước. Chưa kể là ngay cả khi không dựa vào Kinh Torah của người Do Thái, nền dân chủ của thành Athens cũng không hẳn là quá tệ. Mà chuyện thành Athens là chuyện của hơn hai ngàn năm trước rồi, rốt cuộc dân trí thời đó cao tới đâu?

Cộng Sản làm người ta mất đi thứ đó: lương tâm. Một khi người ta vì cách mạng làm điều ác này, thì người ta sẵn sàng làm một điều ác khác. Người trước khi thủ ác và sau khi thủ ác là hai người khác nhau. Cũng như một cô thiếu nữ khi trao thân cho người đàn ông rồi, rất khó để không làm điều đó lần thứ hai.

Trái cấm của vườn Địa Đàng, thực ra còn có một hàm nghĩa đó. Sự tồn tại của một sinh mệnh là có quy luật. Ở không gian của Yhwh, ông có quy luật của ông. Khi ông nói không thì nghĩa là không được phép. Eve không giữ được giao ước đó, và Adam cũng không giữ được giao ước đó. Nên con người chỉ có thể tồn tại ở nơi mà một khi nguyên tắc cấm kỵ bị họ phá vỡ, vì tò mò hay tình thế bắt buộc, họ còn cơ hội để sám hối là làm lại từ đầu. Eve và Adam phải rời khỏi vườn Địa Đàng. 

Con rắn trong vườn Địa Đàng thực ra nằm ở trong tâm hồn của mỗi người. Ai đọc Harry Potter của JK Rowling cũng sẽ thấy biểu tượng này, những học sinh có năng lực trí tuệ cao hơn, có phần tham vọng một chút, sẽ được chọn vào Slytherin, ngôi nhà của rắn. Trí tuệ là ở chỗ biết được các nguyên tắc, còn trí huệ là ở chỗ tuân giữ các nguyên tắc. Con rắn trong tâm hồn người trí tuệ sẽ biết lúc nào cần hỏi: tại sao không? (Why not?) Nhất là khi con người đối diện với mâu thuẫn nội tâm, rằng họ bị cám dỗ vi phạm tới những điều đã thuộc về nguyên tắc. Các anh hùng trong thần thoại Hy Lạp từ Perseus tới Hercules có điểm chung thú vị thế này, từ lúc mới sinh ra, đã có con rắn bò tới nôi định cắn chết. Em bé Perseus và Hercules đều bóp chết con rắn đó.

Một khi người ta sẵn sàng bóp chết những con rắn nhỏ cám dỗ trong nội tâm, thì lúc đó tâm hồn người ta đã sẵn sàng bắt đầu hành trình vĩ đại của các anh hùng, hoặc ít nhất, là hành trình của lương tri.

Cộng Sản chính là một ổ rắn như thế.

No comments:

Blog Archive