“Uy tín của Tập Cận Bình bị sứt mẻ” và Tập cận Bình đã thua chỗ nào?
Steffen Richter phỏng vấn Willy Lam; và Ngụy Kinh Sinh
Lần đầu tiên, nhà lãnh đạo độc đoán Tập Cận Bình của Trung Quốc đang bị chỉ trích từ trong nước: Ông ta bị cho là đã không có đối sách thỏa đáng với Trump. Chuyên gia Willy Lam cho chúng ta biết chuyện gì xảy ra phía sau hậu trường chính trị Trung Quốc.
Từ ngày Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến nay, không một nhà chính trị nào đã lãnh đạo một cách độc đoán như Tập Cận Bình ngày nay. Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) đã làm tất cả để kiểm soát chặt chẽ và nắm quyền điều khiển trong mọi lĩnh vực quốc gia, dù là chính trị, xã hội, truyền thông hay kinh tế. Những ý kiến khác biệt hầu như không được chấp nhận, sự đàn áp trong nước ngày càng gia tăng. Dưới sự lãnh đạo của Tập, các thành quả kinh tế của Trung Quốc được dùng để làm sức ép cho chính sách đối ngoại của mình, và chế độ độc tài đang mở rộng về kinh tế cũng như quân sự.
Trước tình thế đó, trong chính phủ Mỹ của Donald Trump cũng như tại các quốc gia khác sự kháng cự đã gia tăng lâu nay. Có mới chăng là các chỉ trích trong nội bộ đảng CSTQ về tài lãnh đạo của Tập ngày càng công khai. Bên cạnh các nhà kinh tế đã từng phê phán cách ứng phó của Tập Cận Bình đối với Mỹ, lần đầu tiên vào cuối tháng Bảy qua, một bản chỉ trích toàn diện về chính sách cứng rắn của Tập bởi một giáo sư luật từ Đại học Thanh Hoa nổi tiếng ở Bắc Kinh đã được phổ biến công khai. Willy Lam là một trong những chuyên gia am tường về tầng lớp ưu tú của Trung Quốc, về Đảng Cộng sản và lãnh đạo của nó là Tập Cận Bình. Chúng tôi đã nói chuyện với ông để tìm hiểu thêm về những gì xảy ra phía sau loạt phê phán mới này ở Trung Quốc.
ZEIT ONLINE: Tầng lớp ưu tú của CSTQ rất hiếm khi có những tranh cãi nội bộ lọt được ra ngoài. Tuy nhiên gần đây đã có những dấu hiệu đầu tiên về sự bất mãn đối với phong cách lãnh đạo của chủ tịch đảng Tập Cận Bình. Việc này nên được hiểu như thế nào?
Willy Lam: Có hai lý do chính khiến người dân Trung Quốc, kể cả những người thuộc tầng lớp ưu tú, không hài lòng với ông Tập. Một là vào tháng Ba vừa qua, ông ta đã vận động để được Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thông qua làm chủ tịch nước suốt đời. Lý do thứ hai và quan trọng hơn là nhóm chóp bu chính trị đã cho rằng cách ứng xử của Trung Quốc trước những thách thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một thất bại, đặc biệt là trong việc tranh chấp thương mại giữa đôi bên.
ZEIT ONLINE: Như vậy thì Tập Cận Bình đã được cố vấn sai hay sao?
Willy Lam: Có những dấu hiệu cho thấy đội ngũ của ông Tập không được nhất trí. Dường như có sự bất đồng ý kiến giữa ông và người cố vấn kinh tế thân cận nhất của ông là Phó Chủ tịch Lưu Hạc (Liu He), người chịu trách nhiệm về quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Thay vì phụ trách lãnh vực chính là Mỹ, ngày nay Lưu Hạc phải đi chăm lo cho các xí nghiệp nhà nước và các vấn đề an toàn công nghiệp, cả hai lãnh vực thực sự không quan trọng cho lắm. Có vẻ như Lưu đã bị Tập cho ra rìa bởi vì Lưu không ngăn tránh được tranh chấp thương mại với Trump.
Nếu thực như vậy thì hiện nay trong tập đoàn lãnh đạo không có ai gọi là có khả năng thay thế được ông Lưu và có đủ thẩm quyền để đưa ra một chiến lược đối với những thách thức ngày càng phức tạp hơn của Trump. Cuối cùng nhận xét chung là chủ tịch đảng đã không có cách ứng phó thích hợp cho chính sách trừng phạt thuế quan của Trump, mà đó là thách thức lớn nhất trong thời gian gần đây đối với nền kinh tế Trung Quốc.
ZEIT ONLINE: Những người phê phán Tập Cận Bình thực sự đang lo lắng chuyện gì?
Willy Lam: Đảng CSTQ cầm quyền nhưng không có tính chính danh vì không qua các cuộc bầu cử dân chủ. Trung Quốc là một chế độ chuyên quyền. Nền cai trị của họ dựa trên hai trụ cột: tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc, chính chủ nghĩa này được thúc đẩy bởi chiêu bài của ông Tập về “Giấc mơ Trung Quốc”, theo đó Trung Quốc sẽ thay chỗ đứng của Hoa Kỳ, thành cường quốc thế giới vào năm 2049. Đây là hai cơ sở mang lại tính chính danh cho nền cai trị của họ lâu nay, nhưng hiện giờ cả hai đang bị lung lay.
Trễ nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra, thì những vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc lần lượt phơi bày trước công chúng, đặc biệt là số nợ chính phủ khổng lồ và sự kiểm soát quá mức đối với doanh nghiệp nhà nước. Tăng trưởng kinh tế TQ trong hai năm qua chủ yếu chỉ nhờ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quốc nội cũng như vào một thị trường bất động sản quá nóng – mà quả bong bóng này đang đe dọa nổ tung bất cứ lúc nào. Ngay cả trước khi có tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, vào năm 2015 sự sụp đổ trên các thị trường chứng khoán đã tiêu hủy tài sản khá lớn của người dân. Điều này đã làm dân chúng mất lòng tin vào tương lai, họ cũng không còn tin tưởng vào một sự tăng trưởng kinh tế dài hạn như trong ba thập kỷ qua nữa. Nếu Đảng CSTQ không thực hiện được các điều họ đã hứa hẹn về kinh tế, thì tính chính danh của họ sẽ bị đặt thành vấn đề.
ZEIT ONLINE: Vậy quyền lực của Tập Cận Bình có bị nguy không?
Willy Lam: Vị trí số một của Tập Cận Bình trong nhà nước và đảng vẫn còn nguyên vẹn, bởi vì ông ta hoàn toàn kiểm soát được quân đội và công an. Quyền lực của ông ta vẫn ổn định, nhưng đây là lần đầu tiên uy tín của Tập bị sứt mẻ. Người ta có thể thấy điều này qua hai diễn biến. Khi đứng trước những chỉ trích nội bộ ngày càng gia tăng với đường lối cầm quyền của mình, Tập Cận Bình đã đi tìm sự hỗ trợ từ các tỉnh, từ các lãnh đạo vùng, các cán bộ cao cấp trong các thành phố lớn. Kỳ lạ thay, từ những nhân vật chính trị nặng ký địa phương này không hề có sự hồi âm ủng hộ nào cả.
Sự tổn thương uy tín của Tập còn thể hiện qua diễn biến thứ hai: Ông ta bị chỉ trích công khai bởi chính những người trí thức hàng đầu trong nước. Họ cáo buộc ông ta đã cản trở sự cởi mở của Trung Quốc và đi ngược với chính sách cải cách thị trường dưới thời Đặng Tiểu Bình. Và họ cũng bất mãn khi ông Tập đem ra sử dụng lại các mô thức cai trị của Mao Trạch Đông, chẳng hạn như tôn sùng cá nhân và cầm quyền suốt đời.
ZEIT ONLINE: Ông chủ tịch nước và phe ủng hộ ông ta sẽ phản ứng như thế nào với tình trạng bất mãn này?
Willy Lam: Tập Cận Bình là một người rất ngoan cố, ông ta sẽ không quay lại với chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình đâu. Nhưng Tập sẽ tìm kiếm sự thỏa hiệp với các thành phần bất mãn của giới chóp bu và có lẽ phải chia sẻ quyền lực với các địch thủ của mình trong đảng.
ZEIT ONLINE: Trong lịch sử gần đây, có khi nào một lãnh đạo đảng bị chỉ trích nhiều như Tập Cận Bình hay không?
Willy Lam: Không, đây là lần đầu tiên. Lấy thí dụ Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Tập. Hồ là một nhà chính trị yếu hơn nhiều, được ít hỗ trợ từ quân đội và đảng hơn. Nhưng uy tín của ông Hồ không bao giờ bị đe dọa như ông Tập ngày nay, nhất là khi chúng ta nhìn trong bối cảnh ông Tập là một nhà cầm quyền cứng rắn hơn, kiểm soát công an và quân đội mạnh hơn nhiều.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng ông Tập bị áp lực rất lớn từ bên ngoài, bởi vì cuộc chiến thương mại cuối cùng thực ra là một biểu hiện của cuộc xung đột văn hóa giữa một bên là thuyết kinh tế tư bản laissez-faire, do Mỹ dẫn đầu phương Tây, và bên kia là thuyết kinh tế tư bản nhà nước, chủ yếu tập trung vào kiểm soát chặt chẽ, do những người cộng sản chuyên chế ở Trung Quốc chủ trương. Tuy Trung Quốc đã có nhiều thành công ngoạn mục trong những thập kỷ gần đây, nhưng hôm nay Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bị lép vế trong cuộc chạy đua này. Người Trung Quốc đã nhìn ra những mặt yếu kém của mô hình Trung Quốc và chính điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến tính chính danh cầm quyền của đảng CSTQ.
****
Chú thích: Willy Lam là Phó Giáo sư về ngành Nghiên cứu Trung Quốc tại viện Đại học Hồng Kông. Willy Lam được biết đến như là một trong những chuyên gia am tường về tầng lớp ưu tú của Trung Quốc, về đảng CSTQ và lãnh tụ của nó là Tập Cận Bình. Willy Lam là tác giả của năm cuốn sách về Trung Quốc, trong đó có cuốn “Chính trị Trung Quốc trong kỷ nguyên của Tập Cận Bình: Phục hưng, cải cách, hay thoái bộ?”.
Tập Cận Bình đã thua chỗ nào?
Tác giả: Ngụy Kinh Sinh (theo FB Vũ Thư Hiên)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh từ internet)
Tình trạng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã rõ nét khi TT Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đầu tiên trên trị giá 50 tỷ đôla nhập khẩu. Nhưng Tập Cận Bình đã không bận tâm và quyết định chiến đấu, đe dọa sử dụng “các vũ khí cao cấp”. Khi Trump công bố áp thuế nhập khẩu 200 tỷ đôla lên TQ, người Âu châu kín đáo mỉm cười – TQ làm ra vẻ do dự, nhưng vẫn nhận các đơn đặt hàng lớn. Khi Trump nói rằng ông sẽ không ngần ngại đánh thuế tất cả 500 tỷ đôla hàng nhập khẩu từ TQ, thì hầu như mọi người trong lãnh đạo Đảng Cộng sản TQ không còn ngồi yên được nữa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh từ internet)
Đến lúc này, Tập Cận Bình đã thua cuộc chiến và không thể quay nguợc lại được. Liệu ông ta sẽ kết thúc sự lãnh đạo của mình theo mô hình Hoa Quốc Phong (bị hạ bệ) hay mô hình Tứ Nhân Bang (ở tù), hoặc thậm chí theo mô hình Lưu Thiếu Kỳ (bị bêu xấu và chết trong tù), đó là vấn đề mà hầu hết mọi người đang thảo luận và vẫn chưa rõ nét. Nếu Tập chịu tự phê và thừa nhận tội lỗi của mình ngay bây giờ, ông ta vẫn có thể cứu được mạng sống của mình và của gia đình. Nhưng nếu ông ta vẫn tiếp tục bất chấp đến cuối cùng, ông ta có thể chết mà không có chổ chôn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh từ internet)
Vậy ông ta thua chổ nào? Một số người cho rằng ông ta thua là do đánh giá tình hình một cách sai lầm. Một số người khác nói rằng ông đã đánh giá sai quyết tâm của Trump. Cả hai đều đúng nhưng đây không phải là gốc rễ của vấn đề. Sai lầm cơ bản của ông ta là ông ta phán xét chính mình một cách sai lầm. Ông ta quá tự tin và tự cho mình luôn luôn đúng, nhưng lại thiếu bản lãnh cần thiết. Nên từ buớc này sang bước khác, ông ta bước vào cái bẫy mà ông ta tự đặt ra.
Chắc ông ta không biết là cơ quan tuyên truyền của ông ta đang khoe khoang khoác lác? Có vẻ như ông ta không biết, cho nên ông ta khoe khoang cái gọi là “tự tin”, và thậm chí nghĩ rằng thời gian đã chín muồi để ông ta trở thành hoàng đế. Ông thậm chí còn nghĩ rằng việc ông có kinh nghiệm đối phó với các chính trị gia Mỹ liên tục trong nhiều năm là một vũ khí nhiệm mầu, đủ để xem thuờng sự bất mãn của người Mỹ và nguời châu Âu. Ông ta thực sự nghĩ rằng dân chủ là giả tạo và tiền có thể giải quyết được mọi vấn đề. Kết quả là, niềm tự tin vào sự giàu có mới đã lừa dối chính ông và khiến TQ rơi vào một tình huống khó giải quyết.
Ông ta thích gần nguời xấu, xa lánh nguời tốt, với sự yếu đuối là thích được tâng bốc. Điều này làm cho ông ta tin vào những ý tưởng thối nát của những cố vấn mà đầu óc chậm phát triển, và cho rằng ông ta đủ sức trả đũa với “những vũ khí cao cấp”, hoàn toàn tự tin để quyết tâm chiến đấu chống lại Trump. Chuyện gì xảy ra?
“Vũ khí cao cấp” đầu tiên của Tập là liên kết những người châu Âu để chống lại người Mỹ. Để làm điều này, Tập Cận Bình, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường, và những chức sắc khác tung mua với các đơn đặt hàng lớn cho châu Âu, với cả hai cách là đe dọa và hứa hẹn về lợi nhuận. Tuy nhiên, một vài ngày trước đây, Liên minh châu Âu đã đồng ý làm việc với Trump để hướng thuế quan tới bằng 0, ngay cả với Nhật Bản và các nền kinh tế phương Tây lớn khác cũng vậy. Đây là một cú đấm lên đầu Tập.
“Vũ khí cao cấp” thứ hai của Tập là quy tụ lực lượng của ông vào các cử tri nông dân của Trump ở vùng Trung Tây, do đó buộc Trump phải tương nhượng. Tuy nhiên, hầu hết nông dân ở miền Trung Tây vẫn tiếp tục ủng hộ Trump, ngay cả khi họ có thể bị thiệt hại. Gần đây, Trump đã bồi thường cho họ 12 tỷ đôla. Mưu mẹo này của Tập hoàn toàn thất bại.
“Vũ khí cao cấp” thứ ba của Tập là đưa các công ty Mỹ đầu tư ở Trung Quốc quay trở về Mỹ để vận động hành lang dân chúng và các chính trị gia Mỹ, để họ tuyên bố rằng thuế quan sẽ làm tổn hại người dân Mỹ. Một số lớn các học giả và chuyên gia được TQ trả tiền đã thực sự làm như vậy, nhưng không có hiệu quả. Những gì dân chúng Mỹ nhìn thấy là luơng thực được giảm giá, hàng tiêu dùng giá rẻ được bổ sung vào bởi các nước khác. Người Mỹ không bị quấy rầy và nền kinh tế của họ đang phát triển mạnh mẽ. Xã hội Hoa Kỳ thờ ơ, và độ tin cậy vào những học giả được trả tiền đã bị hạ thấp. Điều này làm cho Tập Cận Bình ném cán bỏ rìu.
“Vũ khí cao cấp” thứ tư của Tập là phá giá tiền tệ TQ để chống lại các mức thuế của Mỹ. Đây có lẽ là động thái thối tha nhất. Đầu tiên, sự lạm phát sẽ gây tổn hại cho người dân TQ, nó cũng dẫn đến dòng vốn đầu tư chạy bỏ TQ và đầu tư bị trì trệ. Điều này làm tổn thương nền kinh tế TQ đang gặp khó khăn và tăng thêm gánh nặng cho người dân TQ, những người đã gặp khó khăn trong cuộc sống. Đây là trường hợp điển hình thúc đẩy các quan chức vào thế chống đối dân sự.
Liệu các thủ thuật này có thực sự đáp trả được cuộc chiến thuế quan của Trump hay không? Nó giống như phản ứng của một người giữ con nít. Trump có thể tăng thuế quan cùng mức với TQ ở bất kỳ lúc nào, và thậm chí không cần sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ. Người châu Âu tương đối khôn ngoan hơn và đã bao gồm tỷ lệ thao túng tiền tệ của TQ trong giá biểu của họ. Nói chung, họ đặt mức thuế trung bình khoảng 50% hàng nhập khẩu từ TQ, điều này giúp loại bỏ sự khó khăn trong việc tăng thuế quan mỗi lần. Vì vậy, thủ thuật của Tập giống như những gì bọn côn đồ ở Thiên Tân làm: đặt cục than cháy đỏ lên trên đùi, hy vọng hành động tự gây hại này sẽ đe dọa người khác. Thật đáng tiếc là người phương Tây không sợ sự chống báng của người TQ, vì nó không làm hại đến lợi ích của người phương Tây.
Cuối cùng, chúng ta dự đoán xem kết quả sẽ ra sao. Tại thời điểm ở mức áp thuế lên 50 tỷ đôla, nếu các điều kiện của hai bên đàm phán bằng nhau, những gì TQ thua sẽ là phần thặng dư thương mại. Nhưng bây giờ, nó cần thiết để cho chế độ Cộng sản TQ phải dẹp đi tính phi pháp của nó. Hay chúng ta có thể nói rằng cải cách hệ thống tư pháp là điều kiện tối thiểu. Nếu không, tất cả các điều khác đều không thể được bảo vệ.
Lê Minh Nguyên dịch
-------------
* Ngụy Kinh Sinh 魏京生 sinh 20-5-1950, nguyên quán ở Kim Trại, An Huy, là một nhà bất đồng chính kiến, từng viết bài “Hiên đại hóa lần thứ 5” trên bức tường đại tự báo ở Tây Đan, Bắc Kinh, năm 1978, thúc đẩy phong trào dân chủ. Bị khép tội âm mưu lật đổ nhà nước và kết án tử hình, sau 15 năm lưu đày lưu vong sang Hoa Kỳ. Từng được trao nhiều giải thưởng quốc tế lớn như giải thưởng Quỹ Glassman Hoa Kỳ chia sẻ với Nelson Maldela 1993, giải Olof Palme năm 1994, giải Nhân quyền Robert F. Kennedy năm 1996, giải Sakharov của Nghị viện Châu Âu năm 1996, giải National Endowment for Democracy năm 1997, năm 2008 được bầu là một trong 15 chiến sĩ hòa bình thế giới, năm 2009 được đề cử ứng viên giải Nobel hòa bình thế giới. Hiện tại là Chủ tịch Liên minh Dân chủ Trung Quốc ở nước ngoài.
(FB Vũ Thư Hiên)
No comments:
Post a Comment