Tuesday, August 28, 2018

Phải Chi Em Có Thêm Một Tuổi





Nhớ em, sinh nhật tháng 8.

Hồi trước, những năm em còn chưa xuống tóc, ăn chay, có lần về nhà, vừa làm bếp em vừa hát ong ỏng: “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời, 20 năm đầu, sung sướng không bao lâu, 20 năm sau sầu vương cao vời vợi, 20 năm cuối là bao… ơ là thế, đời sống không được bao…”

Chỉ có chừng đó câu mà em hát đi hát lại, đến nỗi KL, nhỏ em kế tôi phải bực mình gắt lớn:

- KT, mày hát bài khác có được không, tại sao cứ nhai đi nhai lại mấy câu này như loài bò ăn cỏ vậy?

Em thản nhiên tiếp tục với công việc, đáp:

-  Tui hát bài hát thực tế nhất của cuộc đời, 60 năm, một vòng tuần hoàn của trái đất, can cớ chi chị khó chịu. Chị không thấy sao, 60 năm, không dài mà cũng không ngắn, chỉ đủ một vòng tuần hoàn, lục thập hoa giáp, bắt đầu lại từ đầu, như để thấy, một mai ta lại trở về với cát bụi. Nhưng theo tui thì ông nhạc sĩ nên viết là… 20 năm cuối về đâu… thì hợp hơn, sầu đã cao vời vợi rồi thì biết sẽ về đâu 20 năm cuối cùng.

Tôi la lên:

-  Trời, mi nói gì vậy bà cụ non, thời này người ta sống dai gần như ông Bành Tổ, mi có thấy Social Security Mỹ sắp cạn tiền không? 

Em chép miệng:

-  Thì cũng tuỳ theo số mệnh của mỗi người, mấy chị không thấy là bố chưa hết đủ một vòng tuần hoàn mà đã là cát bụi rồi sao? Tui chỉ cầu trời cho tui sống được đến 60 năm là tui mãn nguyện rồi. Sáu mươi năm, đủ một kiếp người, thọ rồi, thêm được năm nào là bonus năm đó.  Bây giờ tui đã qua nửa đời người rồi, mà còn được những hai cái bonus lận.  Mấy chị không nhớ là bà thầy bói, thầy tướng nào đó nói tui không qua khỏi tuổi 15 sao? 

Tôi và KL im lặng vì em nói đúng, đâu có ai sống dai gần như ông Bành Tổ đâu, điển hình là bố đó.  Bố qua Mỹ làm vừa đúng 12 năm, đủ thời gian để cho má thừa hưởng tiền hưu của bố, rồi xuôi tay. Và em cũng nói đúng, vì em đã có được đến hai cái bonus, lần thứ nhất, qua khỏi cuộc giải phẫu mổ tim năm chưa đầy 18 tuổi, lần thứ hai, tỉnh dậy sau hơn tuần lễ hôn mê khi sinh thằng con lớn, cháu TA.  Hai lần đều thập tử nhất sinh.

*
Hồi nhỏ em đau ốm liên miên. Trái tim nhỏ nhoi không biết mắc chứng gì mà cứ làm việc trật đường rầy.  Đang đi đứng đàng hoàng, bỗng dưng em lăn đùng ra đất, bất tỉnh, tim ngưng đập.  Vài giây sau em trở lại bình thường, mở mắt ra đứng dậy tỉnh queo như không có chuyện gì xảy ra.  Ngày đó, phần lớn tiền bạc bố má làm ra đều đổ vào thang thuốc cho em, mà lạ là mấy ông bác sĩ ở SG chỉ biết chẩn đoán là em bị bịnh tim, nhưng không ai có thể chữa cho em lành bịnh.

Em là đứa con gái thứ ba trong gia đình tôi và là đứa cháu gái thứ 5 trong gia đình ông bà nội. Ông bà có 3 người con trai. Bố và chú Năm đã có gia đình. Chú Tư vẫn độc thân vui tính. Chú thím Năm thì cũng như bố má, có hai đứa con gái, nhỏ hơn tôi và KL vài tuổi. Bà vẫn bảo là má và thím Năm không biết đẻ, nên sinh ra toàn một lũ vịt giời, nuôi cho béo tốt rồi chờ ngày chúng vỗ cánh bay xa.  Nhưng bà không chú trọng nhiều đến thím Nămvì chú Năm là con út. Bà chỉ đay nghiến má, vì bố là con trưởng. Ông bà nóng lòng mong đợi một đứa cháu đích tôn.

Nhưng em sinh ra lại là con gái, nên ông bà nội giận, phạt không cho em được phép làm đầy tháng, đầy năm. Lý do khác mà ông bà nội không ưa em là vì ngay sau khi má sinh em ra bố bị thất nghiệp.  Bà nội đi xem thầy bói, bà thầy bảo em tuổi Tuất, nhưng thuộc mạng chó săn, kỵ tuổi nhiều người trong nhà.  Em là con chó săn đêm (vì đẻ vào ban tối), sẽ cắn chết bố má là hai con chuột nhà (tuổi Tý), cắn chết bà là con gà (tuổi Dậu), nên phải cho em đi, không thì gia đình sẽ liên tiếp gặp tai ương. Nhưng bố má cương quyết không cho em, nên bà không ép được, nhưng không đoái hoài gì đến em.

Bà còn dẫn má đi qua 1 cái đền gần cầu Calmette soi bản mệnh cho em.  Bà đồng đền nói mạng em lớn lắm, có Cửu Trùng Hoàng Mẫu là thánh bản mệnh, em là người của Bạch Hoa công chúa bị đoạ xuống trần, khi em lớn chút nữa phải cho em ra hầu đồng, không thì chưa tới tuổi 15 em đã… “bảng vàng ghi danh”.  Bảng vàng ghi danh ở đây không có nghĩa là bảng vàng bia đá khắc tên tân khoa tiến sĩ, mà là… khắc tên trên bia đá ngoài đồng. 

Má nghe nói sợ quá, nhưng má không tin vào mấy ông bà đồng cô, bóng cậu, nên hỏi thăm bà bác.  Bà bác bảo, em là người của Bạch Hoa công chúa, họ Trần, thôi thì đem em đi bán khoán cho Đức Thánh Trần, cũng họ Trần, để nhờ Đức Thánh gia ân bảo hộ, cho bản mệnh được vững vàng, dễ nuôi, không còn đau ốm triền miên như trước nữa. Biết đâu, mấy ông thánh,  có họ với nhau, nể nhau, không nỡ dành người, thì không lo em sẽ bị...triệu về tiên giới.  Thế là má sửa lễ, dâng sớ đưa em vào đền Đức Thánh Trần bán khoán.

Bán khoán rồi mà em cũng chẳng khoẻ hơn được chút nào, vẫn đau ốm xanh xao. Em vẫn sống vật vờ với trái tim “lỗi nhịp”, và chúng tôi, dường như cũng dần quen với những lần em bất tỉnh thình lình.

*
Sau ngày di tản, rời trại Pendleton, chúng tôi về tá túc trong nhà ông bà nội nuôi, đại tá hồi hưu John Rice, một thượng cấp của bố hồi bố còn làm việc ở TTM.  Ngày đó, New Orleans không có người Việt, má buồn nên ủ rũ cả ngày.  Rồi má nghe theo tiếng gọi của bạn bè, bà con nên năn nỉ bố đưa cả gia đình về định cư tại miền đất ấm. 

Về tới Cali, gia đình tôi được một nhà thờ Tin Lành của vùng Downey bảo trợ.  Bốđược 1 người trong nhà thờ nhận vào làm trong hãng phân phối mỹ phẩm của ông.  Sau đó ông bà Jones, người lo phần xã hội cho nhà thờ đưa gia đình tôi đi xinMedical và Food Stamps.  Có Medical rồi, ba đứa nhỏ dưới 18 tuổi được ông bà Jones dẫn đi khám sức khoẻ, chích ngừa cấp tốc để làm giấy tờ đi học vì trường học đã khai giảng được 1 tuần.

Không biết kết quả khám sức khoẻ của em ra sao, nhưng sau đó bác sĩ gia đình bắt bố đưa em đi khám nghiệm, thử máu thêm, rồi bà làm giấy gửi em sang bác sĩ chuyên khoa để chữa bịnh cho em. Nhưng sau khi đưa em đi khám chuyên khoa rồi thì bố nói em không cần đi bác sĩ nữa. 

Hai tuần lễ sau, bộ bảo vệ nhi đồng gởi thư đến nhà mời bố má đi họp.  Thư bảo đảm, má phải ký tên nhận nên không thể làm lơ.  Họp xong, trở về má khóc, lúc này bố mới nói rõ mọi việc với chúng tôi.  Bố bảo: 

-  Bác sĩ chuyên khoa cho biết em có những cái van tim đóng mở khác thường, khi cần chuyển máu lưu thông thì nó không chịu mở, để máu trào ngược về tim, nên em bị bất tỉnh khi não không có đủ oxy và máu.  Bác sĩ không biết đó là khuyết tật bẩm sinh hay là van tim của em bị biến chứng sau một cơn sốt nặng. Phương thức duy nhất có thể giúp em trở lại đời sống bình thường là giải phẫu để thay cho em những van tim kim loại mới.  Nếu không chữa trị kịp thời thì những cái van tim hư sẽ dần dần bị hoại tử và em sẽ chết. Tuy nhiên, họ không bảo đảm là cuộc giải phẫu sẽ thành công, nên bố phải ký giấy cam đoan là không được thưa kiện họ nếu chuyện rủi ro xẩy ra.

Bố không biết phải quyết định làm sao. Y học Mỹ hiện thời có tân tiến thật đó, nhưng rủi may không lường được, nên bố làm thinh.  Không thấy bố trở lại nên bịnh viện đã báo lên cho bộ xã hội.  Bộ bảo vệ nhi đồng nói nếu bố má không ký giấy tờ cho em đi mổ tim thì bố má sẽ bị đưa ra toà về tội cố sát.

Nhưng dù muốn, dù không, bố cũng phải làm theo “lời đề nghị” của bộ bảo vệ nhi đồng.  Em chưa đầy 18 tuổi, họ có thể “hành động” theo luật mà không cần sự đồng ý của bố má. 

Một tuần sau em có ngày hẹn đi giải phẫu ở bịnh viện St. Vincent.  Trước hôm mổ một ngày bố đã đưa em lên bịnh viện trước để họ sửa soạn cho cuộc giải phẫu thay van.  Tuy nói là khoa học tiến bộ, và bịnh viện này nổi tiếng thành công với những cuộc giải phẫu tim,  nhưng tôi nghe họ giải thích với bố những việc phải làm mà sốt ruột. 

Chưa hết, nghe nói ngoài ông bác sĩ chính, còn có đến 10 ông, bà bác sĩ chuyên gia tim ở nhiều tiểu bang xa trên nước Mỹ về tham dự cuộc phẫu thuật này, bảo sao mà cả gia đình tôi không thấy việc thay van tim của em là nghiêm trọng!

Suốt 8 tiếng đồng hồ đứng ngồi ngoài phòng đợi, tôi và bố không ai nói với ai câu gì, trừ lúc bố bảo tôi đi xuống cafeteria ăn trưa rồi mua cho bố một miếng sandwich với một chai nước lạnh. 

Lúc y tá đưa em ra, nhìn em nằm im không nhúc nhích, mặt trắng bệch như tờ giấy trắng, bố và tôi không khỏi lo âu.  Nhưng ông bác sĩ trưởng ca giải phẫu đã tươi cười bảo bố: 

- Chúc mừng ông, cô ấy đã tai qua nạn khỏi, cuộc giải phẫu thành công.  Chúng tôi đã thay hết những cái van tim đóng ngược.  Chỉ hy vọng là cơ thể cô ấy chấp nhận những cái van kim loại mà chúng tôi đã may vào.  Cầu mong những vết thương không bị nhiễm trùng.

Em được đưa lên phòng hồi sinh.  Khu vực này cũng khá lớn, có đến 12 phòng riêng biệt. Mỗi phòng chỉ có 1 giường cho bịnh nhân và hai cái ghế đơn cho khách viếng thăm nên rộng rãi, ngay cả sau khi họ kê thêm cái giường con cho tôi ngủ lại chăm em. Cửa phòng em đối diện với khu vực làm việc của y tá nên cũng tiện lỡ khi cần... cấp cứu.

Nhìn em nằm thiêm thiếp trên giường hồi sinh với giây nhợ chằng chịt quanh mình, nghĩ đến nỗi đau đớn cắt da xẻ thịt của em mà tôi xót xa. Nhưng tôi không dám khóc lớn, sợ làm kinh động những người ở chung quanh, nên chỉ lặng lẽ lấy khăn lau nước mắt.  Cô y tá người Philippines dễ thương vào thăm em mỗi giờ đã vỗ về tôi: 

-  Đừng lo, cô ấy sẽ khoẻ thôi.  Cô ta đã được một nhóm bác sĩ chuyên môn giỏi nhất thay van tim cho cô.  

Em nằm im suốt ba ngày không nhúc nhích. Ngày đầu tiên tôi biết em còn bị ảnh hưởng của thuốc mê nên cần ngủ, nên tôi không mấy lo.  Nhưng ngày hôm sau tôi vẫn thấy em không cục cựa gì hết, cũng chẳng rên rỉ kêu đau nên tôi sợ lắm.  Tôi hỏi cô y tá thì cô bảo: 

-  Cô ấy mệt lắm, còn phải tĩnh dưỡng nhiều. Nhưng sức khoẻ tốt, chắc ngày mai thì sẽ bắt đầu hồi tỉnh. Nhìn lên màn hình mấy cái máy đo tim, đo nhịp thở kia cô sẽ thấy những làn sóng điện chạy rất nhịp nhàng, đó là dấu hiệu đáng mừng. Nếu có gì không ổn là máy kêu báo ngay. Và chúng tôi, nhóm y tá và bác sĩ túc trực ngoài kia sẽ sẵn sàng ứng phó.

Em dần dần hồi phục, một tuần lễ sau em được xuất viện.  Ông bác sĩ chính đã đến khám nghiệm lần cuối trước khi ký giấy cho em về.  Ông bảo, em sẽ từ từ trở lại với cuộc sống bình thường khi mấy cái van kim loại chuyển đưa máu đều đến nơi cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều loại thuốc sẽ đi cùng em cho đến cuối đoạn đời, trong đó, có  loại thuốc giúp cho những cái van tim không bị sét rỉ.

Thời gian trôi, em vẫn sống bình yên, gần một năm nằm nhà dưỡng bịnh, niên học sau em đã có thể trở lại trường, ghi danh học những lớp Anh Văn vỡ lòng, dễ dễ.

Em lên đại học, vui tươi như con chim én nhỏ bay lượn giữa mùa Xuân. Cả nhà vui mừng, vì căn bịnh bất tỉnh thình lình ngày xưa không còn nữa. Ngoài việc đi học, em còn tham gia vào hoạt động của sinh viên, nhóm bạn, diễn kịch, múa hát với các bạn đồng trang lứa.

Cuối năm học thứ hai, em đưa một chàng thanh niên đẹp trai, trắng trẻo, trong cái lớp học computer về gặp bố má, để xin bố má cho phép chàng đưa người nhà sang thăm hỏi cho hai gia đình kết thân. Em khen chàng đủ điều, nào là hiền lành, dễ thương, ga lăng, biết em yếu đuối nên chăm chút em luôn, nào là chàng học giỏi, siêng năng, sáng đi học, chiều đi làm… mà vẫn luôn được điểm cao trong lớp.

Bố tần ngần bảo từ từ bố tính, bởi vì bố muốn em học cho xong chương trình đại học 4 năm. Thật tình thì bố đâu cần em phải có cái bằng cử nhân, nhưng bố chưa muốn cho em lấy chồng vội vì trước khi cho em về, ông bác sĩ giải phẫu đã căn dặn: “nương nhẹ em thôi, em vẫn còn mỏng manh lắm đấy, nếu trái tim em tiếp nhận nhiều phiền muộn, thì 10 năm sau, em sẽ phải chịu đựng thêm một lần giải phẫu nữa.” 

Bố thì đắn đo, nhưng má thì quyết liệt phản đối. Má sợ, em sẽ như nàng Hàn Ni yếu đuối, sẽ không kham nổi những cay đắng của cuộc đời, mà trong đời sống vợ chồng, có ai bảo đảm lúc nào cũng cơm lành, canh ngọt đâu.  Còn nữa, một điều khác làm má không khỏi lo âu khi nghe nói làgia đình chàng theo Thiên Chúa giáo, đã có nhiều người được ơn Chúa gọi.  Chính bản thân anh chàng cũng là một cựu chủng sinh, nhưng đã được cha mẹ cho rời nhà Chúa vì không đủ sức dấn thân.  Má sợ em sẽ đau thương với cảnh mẹ chồng nàng dâu xung khắc khi không cùng tôn giáo.

Em trấn an bố má, em sẽ không phải làm dâu, vì đại gia đình chàng còn ở tại Việt Nam, chàng chỉ có một người anh ở Mỹ. Hai anh em đang ở chung với gia đình bà dì ruột. Chàng có hứa, đạo ai người nấy giữ, chàng sẽ không bắt em làm đám cưới ở nhà thờ.

Nhưng em nói sao thì bố má cũng không chịu xiêu lòng.  Em giận dỗi, bảo bố má không thương em, không muốn cho em được hạnh phúc.  Em khóc lóc, em bỏ ăn.  Sợ ảnh hưởng tới trái tim yếu đuối của em, bố má đã đầu hàng, nhưng với một điều kiện, chờ chàng có công ăn việc làm vững vàng bố mới cho em ra ở riêng.

Ba tháng sau ngày tốt nghiệp, chàng của em tìm được một công việc thảo chương điện toán cho một công ty tầm cỡ.  Bố má giữ lời hứa, cho em sửa soạn theo chồng. Má khóc sướt mướt với em cả đêm trước ngày em xuất giá.  Má dặn dò:

- Tim con còn yếu, có baby là mất mạng như chơi.  Ráng giữ nghe con.

*
Bố giận tím mặt khi sáu tháng sau em về báo tin bố má sẽ có thêm cháu ngoại.  Em xanh xao thấy rõ, nhưng mắt vẫn sáng ngời khi nói đến baby.  Chồng em, cố gắng giải thích với bố má là em vẫn ăn được, ngủ được, vẫn khoẻ, em vẫn đi bác sĩ khám tim định kỳ, và ông bác sĩ tim hiện thời của em nói là em có thể sinh con an toàn. 

Cháu T. A. sinh ra khi vừa đúng 28 tuần. Thằng bé cân nặng hơn 2 lbs một chút.  Nghe y tá nói lại thì T.A. rời lòng mẹ nhanh quá, nhanh đến nỗi ông bác sĩ chưa đeo xong cái găng tay, chưa bắt đầu đỡ đẻ, may là có cô y tá đứng bên chụp kịp nó.  Ông bác sĩ còn chưa hoàn hồn thì tín hiệu trên máy báo tim em ngưng đập.  Thế là ông bác sĩ quên hẳn chú bé sơ sinh quay sang cứu mẹ. Khi nhịp tim, nhịp thở em trở lại bình thường thì em hoàn toàn chìm vào trạng thái hôn mê!

Và cứ thế, em ngủ sâu, thật sâu, nhưng nhịp tim vẫn đập.  Bịnh viện không cho nhiều người vào gặp, thăm em ngoài chồng và cha mẹ. Bố nói có gặp thì cũng vậy thôi, chỉ nhìn em nằm im bất động.

Mười ngày sau, công chúa ngủ trong bịnh viện của chúng tôi thức tỉnh, bình thản như một người vừa qua cơn mơ.  Bốn tuần sau, em được về nhà, nhưng cháu T.A. vẫn còn ở lại trong bịnh viện.  Cháu phải nằm trong lồng kính cho tới lúc cân được đủ 4 lbs.

Sáu năm sau em sinh thêm đứa con thứ hai.  Đã có con trai rồi, thấy chị KL sinh mấy cháu gái mũm mĩm như búp bê nên em ước ao có một con búp bê để bồng ẵm, thế là em lại liều. Lần này em cũng sinh thiếu tháng.  Mặc dù không có được một con búp bê như em muốn, nhưng em cũng vui vì TK mạnh khoẻ hơn anh, được đến những… 3 lbs.  Điều đáng mừng hơn nữa là em đã không chìm vào giấc ngủ sâu như lần trước, và được xuất viện một tuần sau đó.  TK, hên hơn anh, không ở lại bịnh viện lâu.
 
*
Con đường hạnh phúc của em đi đã có lắm gập ghềnh từ sau ngày cả đại gia đình nhà chồng em sang đoàn tụ.  “Hai mươi năm sầu vương cao vời vợi” của em bắt đầu khi bà mẹ chồng “thỉnh thoảng” vẫn nhắc chuyện đưa hai cháu đi rửa tội, hay ít lắm thì cũng phải cho đứa cháu đích tôn của bà nhập đạo (người anh cả của chồng em lập gia đình nhiều năm nhưng không có con, T.A. đương nhiên thành người nối giõi tông đường).  Em khăng khăng không chịu.

Sau 20 năm dài mệt mỏi với sầu vương, hai vợ chồng em trả tự do cho nhau.  Cũng may là hai đứa con của em đã lớn, TA đã ra riêng, còn TK thì đã xong 4 năm đại học, nên không lâm vào cảnh đứa theo mẹ, đứa theo cha.

Em đi học lại, tìm một ngành nghề dễ dễ để kiếm việc làm.  Bao nhiêu năm trời chỉ ở nhà chăm con em đã không còn thích ứng được với những tiến bộ của môn điện toán.  Em đi làm trợ lý y tá, chăm lo cho các cụ già trong nhà dưỡng lão. Nhưng công việc này làm em đuối sức, ảnh hưởng đến trái tim yếu đuối của em. Sau này, đời sống em dễ thở hơn khi có người giới thiệu em về coi sóc hai đứa bé dễ thương của một bà bác sĩ.

Em xuống tóc, khoác lên người bộ áo lam sau khi TK học xong chương trình Ph. D. và nhận được việc làm tốt cho State ở Houston.  Má sụt sùi khi nghe tin em từ giã đời thường.  Tôi phải an ủi má: 

- Thì coi như là em đã hết nghiệp đi, má phải mừng khi KT không còn vương mắc chuyện đời cay đắng nữa. 

Dần dà rồi gia đình tôi mất liên lạc với em, vì em không muốn gặp gỡ những người trong gia đình nữa.  Chúng tôi chỉ biết được tin tức em qua những đứa con.  Chúng bảo em đi lang thang hết chùa này sang chùa khác, khi thì ở thành phố, khi thì tận mãi trong rừng. 
 
*
Cái việc tôi ghét nhất trong đời là việc đi lựa... áo quan.  Lần đầu tiên tôi đi lựa cái “bộ áo cuối cùng” của đời người này là hơn 30 năm trước, khi bố bỏ chúng tôi ra đi ở cái tuổi 52, cái tuổi mà chỉ được ghi hai chữ “hưởng dương” trên cáo phó. Ba mươi năm sau, tôi lại phải đứng ra làm cái việc tôi ghét nhất này cũng chỉ vì em.

Sáng thứ Ba, gần cuối tháng Bẩy, tôi đang ngồi soạn lại mấy cái giấy tờ cũ để quăng bớt đi cho sạch cửa sạch nhà thì má gọi.  Má nói:

- KT chết rồi. TK mới gọi báo cho má tức thì. 

Tôi bàng hoàng buông rơi xấp giấy. Đã lâu rồi chúng tôi không có tin tức của em, nhưng thà là không có tin gì hết, còn hơn là nhận được hung tin.  Má nói:

-  Con gọi mấy đứa, xem có giúp gì được cho các cháu không.

Tôi gọi cho hai đứa cháu, không đứa nào bắt phone.  Gửi tin nhắn chúng cũng chẳng trả lời.  Buổi chiều, chờ qua giờ làm tôi gọi cho Đ, con trai nhỏ của tôi, hỏi xem có cách nào liên lạc với hai đứa cháu.  Đ. nói:

-  Hai đứa còn đang bị shock, tụi nó không trả lời đâu.  TK đã bay về, chắc tới nhà T.A. rồi. Tối nay, tụi con sẽ gặp nhau ở nhà TA nói chuyện.

Tôi đành phải chờ, dẫu sao thì mấy đứa nhỏ nói chuyện với nhau cũng dễ dàng hơn.  Đ về, kể lại chuyện của em.  Mấy hôm nay em đến ở chơi với TA, hai mẹ con hẹn nhau đến tháng 8 đi sang Houston xem nhà cho TK rồi ăn sinh nhật của em ở Texas luôn, nếu TA có đủ thời gian thì ba mẹ con sẽ làm một chuyến viễn du qua Mễ.  Đêm qua, sau khi bàn bạc chuyện mua vé máy bay xong TA chào mẹ “good night” rồi lên lầu đi ngủ.

Sáng sớm TA dậy đi làm, thấy đèn mở trong phòng tắm dưới nhà, nghĩ mẹ trong đó nên không làm rộn.  Khoảng 10 giờ sáng, hôn thê của TA xuống làm sandwich gói đi làm thì không thấy em.  Con bé nhìn vào phòng tắm thì thấy cửa mở, có tiếng nước chảy nhưng không thấy tiếng người.  Con bé mở cửa phòng ra thì thấy em nằm bất tỉnh trên sàn gạch.  Con bé hoảng hốt gọi 911, và gọi TA.  Khi xe cưú thương tới nơi thì người em đã hoàn toàn lạnh.  Rồi người ta đem em đi.  TA chạy về, không kịp nhìn thấy mẹ lần cuối.  Đ nói, TA sẽ gọi cho tôi sau khi có tin tức từ phòng giảo nghiệm.

Hai hôm sau TA cũng chẳng gọi cho tôi.  Tôi gọi phone và gửi tin nhắn cho cả hai anh em nhưng chẳng đứa nào trả lời.  Tôi gọi cho hôn thê của TA thì con bé bảo hai anh em chỉ ngồi ôm phone, nghe đi nghe lại những mẩu tin nhắn của mẹ ngày nào trong phone rồi khóc. 

Theo con bé biết thì Coroner đã ký giấy chứng nhận, nguyên nhân tử vong là bị nhồi máu cơ tim.  Nơi giảo nghiệm sẽ giữ em ở đó 1 tuần lễ nữa, cho người thân có đủ thì giờ lo liệu việc đón em đi.  Vậy mà mấy đứa cháu tôi không muốn tiến hành thủ tục cuối cùng.  Con bé bảo, hai anh em nói để em đó thì chúng còn mẹ, đem em ra rồi thì chúng sẽ vĩnh viễn mất em!  Bởi vậy, chúng đã không trả lời điện thoại của tôi, cũng chẳng gọi cho tôi.  Đ phải hết lời năn nỉ, chúng mới bằng lòng nói chuyện với tôi.
 
*
Mọi công việc xếp đặt cho em rồi cũng xong xuôi. Em nằm yên bình như ngủ, giữa vòng hoa lan tím, màu em thích, ngủ say như hôm nào chìm trong giấc ngủ sâu, rất sâu, nhưng lần này, em sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa.  Nét mặt em thật thanh thản, ba cái nhập mộ rồi, không còn gì để vương vấn. Ngày đưa em về với cát bụi trời không hanh chút nắng.  Các chị, anh rể, em, con cháu và quan khách trang trọng trong khăn, áo tím tiễn đưa.  Chồng cũ của em cũng đến, đứng bên em thì thầm thật lâu, rồi để vào trong tay em một lá thư.  Nghĩa tử là nghĩa tận, chắc là lời cuối giã từ nhau.

QT, em trai tôi, thay mặt hai cháu nói lời cám ơn các sư thầy, sư cô và ban hộ niệm đã đến lo cho em, cùng cám ơn quan khách, bạn bè đã thương mến mà đến với em giờ phút cuối.  Sau đó QT giao micro cho hai cháu nói lời tạ từ cùng mẹ.

TA nước mắt rơi thành giòng, nó vẫn còn tức tưởi vì đã không chạy về nhà kịp, trước khi xe cứu thương đưa mẹ đi.  TA nói:

-  All I want now is to tell you how lucky I am to have you as my mom and that I have made you proud.  You did your best and gave it your all and I thank you.  Everything you have ever done was from the heart. I thank you for your sacrifices and all you have taught me.  You are in a better place now & know you will always watch over me. I love you Mom and I will miss you always. 

Nói tới đây thì TA nghẹn lời.  TK trầm tĩnh hơn, tiếp nối lời anh:

-  Words can’t begin to describe how much I miss you and the voice that I feel each day.  The last time I saw you was when you dropped me off at the airport in February.  If only I knew then… I would never have boarded that plane. If I had one more month with you, we would have bought that house with the yard you wanted, so you can grow your garden and cook food for us.  If I had one more week with you, we would go on that family cruise that you wanted to go on. If I had one more day with you, I would take you to Disneyland so we can get a picture with Minnie Mouse and I would never leave your side… and if I had just one more minute with you, I would hug you and never let go, give you a kiss and thank you for being the most loving mom this world will ever know.

I hope to see you again, but until then, I will keep you in mind and heart wherever I go.  Mom, rest in peace.  I love you, forever and always.

Người ta đưa em vào.  Chúng tôi gửi theo em những bông hồng tiễn biệt. Tôi không dám đứng lại nhìn cánh cửa sắt lò thiêu kéo xuống.  Tôi ôm mặt chạy ra ngoài nhưng vẫn nghe được tiếng gọi thất thanh…má ơi, má ơi…của các con em. 
 
*
Tháng 7 vừa rồi giỗ đầu em.  Mấy đứa cháu tôi không muốn tới chùa làm lễ.  Chúng bảo: “Bà ngoại, cậu và mấy dì đừng trách chúng con, chúng con không muốn nhớ tới ngày này, chúng con sẽ không bao giờ làm giỗ mẹ. Một năm chúng con chỉ có hai ngày để celebrate: Mother’s Day và sinh nhật má.” Má, KL, và tôi lặng lẽ đem bánh trái, hoa quả tới chùa xin sư cô tụng cho em một thời kinh cầu siêu…

Tháng Tám, cuối tuần sinh nhật em, TK bay về Cali buổi chiều thứ Sáu. Sáng thứ Bẩy, hai anh em mua hoa, bánh sinh nhật, pizza chay, và rocky road ice cream (những món em thích ăn), đến chùa mừng sinh nhật mẹ. 

Tháng 8, ngày này, sinh nhật em, nếu em còn thì là vừa lục thập hoa giáp, như em đã từng mong ước, chỉ cầu trời cho em sống đủ 1 tuần hoàn. 

Phải chi, em có thêm một tuổi…

Bảo Trân

No comments:

Blog Archive