Wednesday, August 29, 2018

Sao Rơi trên Biển

HQ Lê Bá Thông 


Anh hùng sóng dội bờ Nam
Liệt sĩ biển Bắc nghĩa trang mây vờn
(Tưởng niệm hai niên trưởng)

Chiếc xe Jeep chạy qua cây cầu bắt ngang sông Ðà Nẵng, gió mát thổi từ sông lên làm tung bay mái tóc phủ trên vần trán của Vân. Xe chạy về hướng Sơn Chà, qua khỏi bãi biển Mỹ Khê. Hai bên đường những mái nhà tôn, trước sân mấy em nhỏ đang đuổi nhau, cười đùa vui vẻ.

Trên đường thỉnh thoảng vài chiếc xe quân đội chở lính Ðại Hàn chạy ngang qua, trên xe mấy anh lính miệng cười nham nhở, đưa tay vẫy về phía xe Jeep của Vân, làm cho Hương, bạn gái của Vân, cảm thấy khó chịu.

- “Mấy tên lính này thật nham nhở, chúng nó cứ thấy gái là mắt sáng lên.”

Vân ngồi yên không nói gì cả, nàng nhìn về hướng núi, trong lòng cảm thấy thương hại cho dân mình, phải sống trong cảnh chiến tranh hoài, phải chịu đựng gian khổ quá lâu. Anh Cường của Vân cũng phải bỏ dạy học, bị động viên vào Thủ Ðức, anh ra trường cách đây ba năm, mới được thuyên chuyển về làm việc tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I.

– Hôm nay thứ bảy nên người ta đi tắm biển Mỹ Khê thật là đông ghê “, Cường nói tiếp: ” Nhưng mà bãi biển Tiên Sa đẹp hơn nhiều, chút nữa các cô sẽ thấy.

Vân mỉm cười thay vì trả lời người anh quí mến của mình. Trong lòng Vân bây giờ có nghĩ gì đến biển đâu, nàng đang nhớ đến Tùng, Vân phân vân không biết Tùng đã nhận được lá thư màu xanh mà Vân đã gửi cho Tùng cách đây năm ngày chưa. Tùng là bạn của anh Cường, hôm nay Tùng mời hai anh em và Hương qua đơn vị chơi và sau đó xuống tắm biển Tiên Sa.

Xe ngừng lại trước cổng đơn vị, chú tài xế đưa tay chào và ra hiệu cho người lính dân sự chiến đấu gác cổng, rồi từ từ lái xe chạy vào sân căn cứ và dừng trước Câu Lạc Bộ Sĩ quan. Vân nhìn quanh rồi nhủ thầm trong đầu ” Trại lính chi mà không có bảng tên đơn vị chi hết trơn.

Từ xa một người thanh niên, trong bộ quân phục xanh Hải Quân, không mang cấp bậc, dáng người cao ốm đang đi tới khi mọi người vừa bước xuống xe. Ðó là Ðại úy Tùng, bạn của Cường:
– Chào anh Cường, chào cô Hương, chào Vân, thế nào, đi đường có mệt không?

Tùng bắt tay Cường, hai người vỗ vai nhau.
– Mời quí vị vào đây, để cho tôi giới thiệu với mấy người bạn của tôi, cũng chỉ có vài người thôi, hôm nay thứ bảy nên những người khác đi bờ hết rồi.

Vân nói nhỏ vào tai Hương:
– Ði bờ là đi phố đó, mấy ông Hải Quân khó lắm, cái chi cũng đặc biệt hết.

Vân và Tùng quen biết nhau hơn một năm rồi, kể từ ngày anh Cường làm một tiệc sinh nhật mừng cô em gái lên mười bảy tuổi. Hôm đó Tùng có đến tham dự và đàn Tây ban cầm bản nhạc ” Anh đến thăm em một chiều mưa ” để tặng Vân. Sau đó cứ mỗi lần có việc chi vui là có Tùng đến tham dự và tình cảm giữa hai người trở thành thắm thiết. Hai người được cha mẹ cho phép đi chơi với nhau vì hai ông bà rất mến Tùng, cứ khen Tùng đứng đắn.

Vân biết lòng mình cũng rất thương Tùng, cứ vấn vương khi đọc những lá thư viết rất là dễ thương của Tùng. Vân thích nhất là những giây phút đi cạnh nhau, tay trong tay trên bãi biển Mỹ Khê hay thả bộ bên nhau dọc theo sông Ðà Nẵng.

Những buổi ăn tối thân mật, ấm cúng trong tiệm ăn Quốc Tế hay căn nhà hàng nổi bên bờ sông Ðà Nẵng, là những kỷ niệm đẹp của hai người. Vân cũng biết Tùng rất có cảm tình với mình, qua những lời nói và giòng chữ viết trong thư gửi cho Vân. Tuy nhiên hai đứa chưa khi nào tỏ tình chính thức, có lẽ năm nay chờ khi Vân học xong Trung học và chuẩn bị ra học tại trường Ðại học Luật tại Huế, khi đó mới nói yêu nhau hay sao? Nàng biết lòng mình không thể chờ lâu hơn nữa đâu, chỉ chờ khi nào Tùng ra dấu hiệu là nàng thú thật tức khắc. Vân mỉm cười với ý nghĩ này.

Họ hay gặp nhau vào cuối tuần. Tuy nhiên, đôi lúc Vân rất lo âu vì thấy lâu quá, Tùng không qua thăm Cường và gặp Vân. Có lần Vân muốn hỏi cho biết Tùng làm gì và ở đâu, nhưng ngại nên thôi.

Hôm chúa nhật vừa rồi, Tùng qua thăm Vân, mặt mày buồn bã, ít nói hơn bình thường, suốt cả ngày ngồi đăm chiêu. Vân rất thắc mắc trước thái độ của Tùng. Sau này anh Cường mới cho hay là có mấy người bạn của Tùng vừa bị chết trong một chuyến hải hành tuần tiểu, nên Tùng buồn và bỏ cả ăn ngủ trong nhiều ngày.

Khi bước vào Câu Lạc Bộ, ba người được Tùng giới thiệu với những Sĩ quan bạn của Tùng đang ngồi trong đó:

– Ðây là Trung úy Quang, Thiếu úy Luân và đây là Ðại úy Nguyên mà Cường và Vân đã quen biết.

Nguyên bắt tay Cường, vừa cười vừa chào hai cô nữ sinh trường Phan chu Trinh, rồi trở về bàn tiếp tục chơi bài Domino với Quang và Luân. Tùng và ba người khách ở chơi tại Câu Lạc Bộ một lúc, sau đó bốn người ra xe, xuống Tiên Sa để ăn trưa và tắm biển.

Bãi biển Tiên Sa nằm dưới chân núi Sơn Chà, đối diện với đèo Hải Vân trong vịnh Ðà Nẵng, là một bãi biển nhỏ tuyệt đẹp với những gành đá dọc theo chân núi. Bãi cát trắng vàng với những hạt sỏi nhỏ xíu màu nâu nhạt dưới bước chân đi. Bờ nước nghiêng sâu từ từ dần xuôi ra biển, thật là nơi tắm biển lý tưởng cho người lớn. Ðây còn là thiên đàng cho những người thích săn bắn dưới biển. Ðáy biển là cả một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt vời với hàng trăm loại cá màu sắc khác nhau, rừng san hô trải dài xuống đáy biển sâu của vịnh Ðà Nẵng. Núi Sơn Chà chạy dài ra tận bờ biển với hàng dừa xanh mướt trên những bãi biển nhỏ vắng, rải rác dọc theo chân núi và Tiên Sa là bãi biển độc nhất và lớn nhất lại có thể đến chơi bằng đường bộ.

Chiếc xe Jeep chở Tùng và ba người bạn đậu tại bãi đậu xe của Tiên Sa. Bốn người xuống xe và Tùng hướng dẫn bạn vào căn nhà mát nhìn xuống bãi biển. Nhà mát là một Câu Lạc Bộ được điều hành và quản trị bởi Lực Lượng với đầy đủ thức ăn, bia, nước uống và chỗ thay áo quần cho khách tắm biển. Trời càng về trưa, người xuống biển càng nhiều. Tiên Sa là bãi biển của đơn vị của Tùng, chỉ dành cho nhân viên, gia đình và bạn hữu, Cố vấn Mỹ rất thích chỗ này và là nơi giải trí cuối tuần của họ.

Sau khi thay đồ tắm, hai cô học sinh Ðà Nẵng thích thú nhào ngay xuống làn nước mát của biển, bơi lội tung tăng rất là thoải mái. Riêng Tùng và Cường thong thả ngồi uống bia và ngắm những người đẹp với thân hình khêu gợi đang đùa giỡn dưới giòng nước trong xanh ít gợn sóng của Tiên Sa. Vân vừa tắm vừa thỉnh thoảng nhìn lên phía hai người ngồi và ra dấu gọi Cường và Tùng xuống tắm.

Sau khi uống hết chai bia, họ mới chịu chạy xuống tắm và cùng lội ra chiếc xà lan, neo cách bờ khoảng một trăm thước. Bốn người leo lên, ngồi tắm nắng và nhìn phong cảnh vịnh Ðà Nẵng. Từ đây họ có thể nhìn thấy những cánh buồm của thuyền cá đang thả lưới trên biển. Xa xa về phía đèo Hải Vân, từng cánh chim hải âu đang lượn quanh kiếm mồi dưới bầu trời trong xanh. Làn gió mát rượi từ biển thổi vào làm mọi người cảm thấy thoải mái dễ chịu.

Ðã đến lúc vào ăn trưa nên Tùng mời bạn mình vào nhà mát và gọi thức ăn đồ biển cho bốn người. Sau khi ăn uống xong, Tùng đưa Vân ra một gành đá vắng bên phải chân núi Sơn Chà. Hai người tình trẻ ngồi sánh vai bên nhau, tỏ tình lần đầu tiên dưới sự chứng kiến của núi cao biển đẹp. Họ nhìn quanh rồi trao nhau nụ hôn đầu, nụ hôn mà Tùng và Vân đã chờ đợi từ lâu.

Chung quanh hai người, gió biển thổi mạnh hơn vì trời đã về chiều, họ đâu biết đã ngồi bên nhau rất lâu. Vân cười thẹn thùng khi Cường và Hương đi tìm họ và nhắc nhở là đã đến giờ phải trở về Ðà Nẵng.

* * *

Vừa bước ra khỏi phòng của mình, Nguyên ngạc nhiên khi thấy Tùng quần áo chỉnh tề như sắp sửa đi đâu. Nguyên vừa bắt tay vừa hỏi Tùng:
– Ðịnh đi đâu đó anh Tùng?
– À tôi định qua thăm Vân, nghe đâu Vân bị bệnh, Cường vừa gọi điện thoại cho biết, nên tôi xin phép anh Hai nghỉ chiều nay để qua thăm cô ấy. Xin điểm tí thôi mà.

Tùng hay đùa với Nguyên và lại hay tâm sự với Nguyên về Vân, nhất là với Ngọc, vợ của Nguyên. Những lần Tùng đến nhà Nguyên ăn cơm và thăm mấy đứa con của Nguyên, anh ta thường nói đùa với hai vợ chồng là có người yêu nhỏ tuổi khổ lắm, nàng nhỏng nhẻo và đòi quà hoài. Tùng năm nay khoảng hai mươi bảy và Vân thì mới gần mười tám tuổi.
– Cho tôi gửi lời thăm Vân và chúc cô ấy mau lành bệnh nghe. Nguyên nói vói theo.

Tùng gật đầu nhận hiểu, đưa tay chào lại và vừa đi vừa cầm điếu thuốc lá Lucky, chưa châm lửa. Nguyên cảm thấy thương cho cả hai người, đang vui hưởng một tình yêu dễ thương và rất học trò.

Tùng thường nói với Nguyên về nỗi niềm lo lắng của anh:
– Tôi không muốn đèo bòng và nhất là không muốn Vân đang còn trẻ mà phải quấn chiếc khăn tang trên đầu. Nghề của tụi mình sống nay chết mai, phải không bạn?

Nghe Tùng tâm sự, đôi khi Nguyên cũng giật mình lo sợ cho bản thân mình, vợ con đùm đề, lỡ có chuyện chi không may xảy ra cho mình thì khổ cho Ngọc và các con vô cùng. Thôi thì phó mặc cho số mệnh, thầy tướng nói Nguyên có đôi tai tốt lắm chứng tỏ tuổi thọ của Nguyên rất cao.

Vừa mở cửa bước vào Câu Lạc Bộ, Nguyên đã nghe tiếng chú Thọ, Quản lý, đang than phiền:
– Tôi chịu hết nỗi rồi, mấy ông Tề Thiên nay lại dám vào cả trong nhà bếp để kiếm ăn nữa chứ “. Chú Thọ vừa cằn nhằn vừa ném mấy miếng bánh mì đã bị ăn hết một phần lên chiếc bàn ăn. Nguyên bật cười:

– Bởi vậy người Mỹ mới đặt tên núi Sơn Chà là núi Khỉ mà. Mới hôm qua Ðại úy Tùng đuổi theo một con khỉ lên mãi trên suối nữa đó. Con khỉ này vào tận phòng tắm phá phách tùm lum.

Nguyên và các bạn cùng đơn vị biết Tùng rất nóng tính, khác hẳn với lòng tốt của anh ta đối với bạn bè. Anh thường liệng đồ đạc ra khỏi phòng khi có chuyện gì làm anh tức giận. Mặc dầu vậy, ai cũng kính mến anh vì tính thương người và thích giúp đở người khác, nhất là rất giỏi về hải nghiệp, Tùng thường được chỉ định huấn luyện các Thủy thủ đoàn mới thành lập.

Tùng ở chung phòng với một người bạn cùng khóa, tính tình rất là ngăn nắp sạch sẽ, đó là Ðại úy Lân. Khác hẳn với Lân, Tùng là người không để ý nhiều đến việc dọn dẹp, chùi dọn phòng tắm… và thường hay ngủ dậy trễ. Hai người này là bạn thân kể từ ngày đang còn thụ huấn tại trường Hải Quân Nha Trang.

Mỗi buổi sáng, Lân dậy thật sớm, sau khi làm vệ sinh cá nhân, Lân trải chiếc khăn giường thẳng băng, như lúc đang còn là Sinh viên Sĩ quan, rồi mới lên Câu Lạc Bộ ăn sáng. Tùng vì có thói quen dậy trễ, lại để gối mền tứ tung trên giường.

Mỗi lần Lân cằn nhằn về tính không ngăn nắp này, Tùng cứ tỉnh bơ. Nhưng cho đến một hôm, mọi người đều ngạc nhiên và buồn cười khi thấy Tùng cuống quít, chạy chân không, trong chiếc quần xanh xà lỏn bạc màu ” của người lính biển “, mà bạn bè thường chọc quê Tùng. Ðuổi theo sau là Ðại úy Lân, trong bộ quân phục thẳng băng, mặt mày giận dữ, tay cầm chiếc chổi lông gà.

Sau khi mọi người cố nín cười để giảng hòa cho hai người, họ hỏi lý do, mới biết là Lân tức giận vì buổi sáng hôm đó, khi Tùng bị Lân càu nhàu và lèm bèm, anh ta nhảy lên đạp phá chiếc giường ” quân trường ” của Lân.

Lại có một lần khác khi ngồi chơi xì phé, bị tháu cáy, vừa thua tiền vừa bị lật bài chọc quê, Tùng xì nẹt nắm tờ giấy bạc năm trăm vò lại, ném ra ngoài cửa sổ. Trung úy Hiền, một Sĩ quan khóa đàn em, lăng xăng chạy ra lượm đem vào, bị Tùng cú một cái thật mạnh trên đầu, sau này Hiền cứ than phiền hoài. Rồi một hôm vào buổi trưa, cả trại bỗng giật mình vì những tiếng súng nổ từ phòng của Tùng. Có người vội vàng lấy áo giáp mặc vào vì tưởng là đặc công Việt Cọng vô, chợt mọi người thấy Tùng mặt mày hớt hải tay cầm khẩu súng Colt 45, từ trong phòng ngủ chạy ra giọng run run vừa chỉ tay vào trong phòng của mình vừa nói:

– Con trăn…con trăn bự…ở… ở trong kia kìa.

Kể từ đó Tùng được bạn bè đặt tên là “Tùng Tarzan” vì đã hạ sát con trăn bằng hai bàn tay…súng. Vì căn cứ đồn trú tại chân núi Sơn Chà lại gần một con suối, nên có đủ loại thú rừng đến uống nước và kiếm ăn hàng ngày và nhiều khi chúng nó còn vào tận phòng ngủ của nhân viên và phá phách tứ tung.

Tối hôm đó sau khi đã chuẩn bị chiến đĩnh cho chuyến công tác, Nguyên gặp Tùng và được biết Vân chỉ bị cúm nhẹ, Bác sĩ cho thuốc uống và nghỉ học ở nhà dưỡng bệnh.

Hai người tình hẹn nhau cuối tuần này sẽ đi xem phim ” A Summer Place” do cặp tài tử Mỹ trẻ đẹp Sandra Dee và Troy Donahue đóng vai chính, đang được trình chiếu tại rạp hát ở Ðà Nẵng.

* * *

Tiếng máy tàu rộn rã trong một đêm nhiều sương mù, trời hơi lành lạnh. Những “Thần Lôi Phóng Ðĩnh”, tên này được một Sĩ quan đàn em kém thâm niên nhất trong đơn vị, thích đọc truyện chưởng của Kim Dung đã đặt cho những ” PT Boat ” , trong cơn say khi khóc nhớ đến các chiến hữu của Lực lượng Hải Tuần vừa tử trận trong chuyến công tác trước đó.

Tất cả đã sẵn sàng để khởi hành. Gió biển thổi từ vịnh Ðà Nẵng mang theo mùi thơm quen thuộc của đại dương, hòa với mùi khói dầu đặc biệt, mà chỉ có những người đã chọn biển cả làm môi trường sống, mới được thưởng thức. Bốn chiến đĩnh mở giây, lần lượt rời cầu tàu, từ từ lùi lại, rồi trực chỉ hướng đông và lướt sóng ra khơi.

Ðại úy Tùng là Hải đội trưởng trong chuyến công tác này, anh là một trong những Hạm trưởng thâm niên của Lực Lượng, rất có nhiều kinh nghiệm về hải chiến ban đêm với chiến thuật vận chuyển đội hình đặc biệt của “Phóng Thủy lôi đĩnh”. Tùng đã phục vụ trên hai năm với Lực lượng, anh vào sinh ra tử nhiều lần, trong hơn một trăm chuyến công tác rất là nguy hiểm.

Biển hôm nay rất êm, từng đợt sóng gờn nhè nhẹ vỗ vào mạn tàu, không gian chìm trong màu đen sâu thẳm muôn trùng. Nguyên liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, hơn mười một giờ, lại thêm một chuyến hải hành công tác đêm.

* * *

Nguyên vuốt mái tóc vờn bay theo cơn gió biển, mùi vị biển mặn trên môi làm cho Nguyên cảm thấy hơi khát nước. Anh với tay lấy chiếc bình thủy dưới chân cột radar, rót vào chiếc ly nhựa, uống một ngụm thật nhiều. Biển bây giờ hơi động hơn đêm hôm qua, gió thổi từ hướng đông bắc theo hướng sóng chếch xuôi từ tả hạm sau lái tàu. Sóng biển đập vào thân tàu lắc lư, mũi tàu chập chùng theo từng đợt sóng nhấp nhô. Bốn chiến đĩnh sau khi hoàn tất chuyến công tác đêm, đang trên đường trở về căn cứ trong đội hình hàng dọc, khoảng cách giữa hai tàu là 300 thước.

Trời không trăng và khá lạnh. Nguyên cảm thấy mệt mỏi sau chuyến công tác căng thẳng tinh thần, nhiều nguy hiểm, anh nhìn chiếc đồng hồ lân tinh:
– Ðã gần bốn giờ sáng rồi, chắc giờ này Ngọc cùng các con đang say ngủ.

Nguyên đoán chừng sẽ không bao lâu nữa là đội hình ra khỏi ” Vùng Biển Ðen “.
Anh bước ra khỏi chỗ ngồi trên đài chỉ huy và nói với người Hạm phó:
– Sơn chỉ huy tàu nghe, tôi xuống kiểm soát vị trí rồi đi nghỉ một lát.
– Nhận rõ Hạm trưởng, anh Hai xuống phòng nghỉ đi, có gì tôi báo cáo, mình cũng gần qua khỏi ” vùng Tím ” rồi đó thưa Hạm trưởng.

Nguyên bước xuống phòng radar nằm ngay dưới đài chỉ huy:
– Tất cả đều ” clear ” hết, thưa Hạm trưởng.

Nguyên gật đầu, vỗ vai người Trung sĩ Giám lộ già đang chăm chú định vị trí tàu trên tấm hải đồ. Dưới ánh đèn màu đỏ, trên mặt kính radar Nguyên thấy có hai chấm trắng nằm phía trên và một chấm trắng nằm phía dưới, chấm ở trung tâm là chiến đĩnh của Nguyên. Hai chấm kia là những chiến đĩnh chạy phía trước và một chiếc chạy phía sau theo đội hình ” India “- hàng dọc.

Nguyên vặn chiếc nút thay đổi khoảng xa, hiện lên trên mặt kính là hình thể bờ biển cong cong, nằm về phía hữu hạm của đội hình “Torpedo Boat”, khoảng cách chừng mười ba hải lý.

– Với vận tốc và sóng gió xuôi như vầy, mình có thể ăn sáng tại căn cứ phải không Hạm trưởng?”. Người Giám lộ lên tiếng.
Nguyên gật đầu như đồng ý, rồi dặn dò người bạn già lính biển thân tình và đi xuống phòng riêng của mình. Anh cổi chiếc áo giáp, vắt trên đầu nằm, leo lên chiếc giường dã chiến, thiu thiu ngủ.

Sau chuyến công tác trên, Lực Lượng lại đón nhận thêm một Thủy thủ đoàn mới vừa được thành lập và thêm một chiến đĩnh mới toanh. Ðơn vị đón mừng vị Hạm trưởng của Thủy thủ đoàn tân lập và Tùng được giao phó nhiệm vụ huấn luyện cho Ðại úy Phương, tân Hạm trưởng. Trong chuyến công tác kế tiếp, Phương sẽ đi thực tập với chiến đĩnh của Tùng.

* * *

Hôm nay thứ bảy trong một buổi chiều thật là đẹp, bầu trời xanh không nhiều mây, gió từ vịnh Ðà Nẵng thổi vào mát rượi cả mặt. Hai vợ chồng Nguyên rảo bước, tay trong tay như thường lệ, đi dạo chơi dọc theo bờ sông về hướng dinh Thị Trưởng để đến nhà hàng ăn nổi nằm cạnh sông Ðà nẵng.

Vừa bước vào quán ăn, Ngọc nhìn quanh rồi nói nhỏ vào tai Nguyên đang đứng bên cạnh:
– Anh nhìn xem, có phải cô Vân và anh Tùng đang ngồi ở ngoài kia không?

Ngọc vừa nói vừa chỉ tay ra phía chiếc bàn ngoài hiên nhà hàng.
– Ðúng là hai người tình rồi, Tùng có nói với anh là hôm nay sẽ đi xem chiếu bóng với cô Vân, có lẽ họ vừa xem xong.

Nguyên giải thích với vợ mình. Tùng đứng dậy khi hai vợ chồng Nguyên đi đến bàn của hai người:
– Hôm nay sao lại rảnh rỗi thế này? Lũ nhóc đâu cả mà hai ông bà đi du dương vậy?

Vẫn cái giọng Bắc kỳ trào phúng dễ thương cố hữu của người bạn thân.
– Dạ Ngọc nhờ cô em gái của anh Nguyên giữ các cháu dùm vợ chồng em.

Ngọc nhanh nhẩu trả lời:
– Lâu lắm rồi anh Nguyên có cho em đi chơi riêng với anh ấy đâu, hôm nay đặc biệt lắm đó.

Nguyên tiếp lời vợ:
– Mà cũng hay, có như vầy mới gặp lại cô Vân phải không?

Vân chào hai vợ chồng Nguyên, kéo tay Ngọc ngồi xuống chiếc ghế cạnh mình rồi vén cánh tay áo lên khoe với Ngọc:
– Chị Ngọc xem này, có đẹp không? Anh Tùng vừa mua tặng em chiều nay đó.

Nguyên liếc nhìn, trên cổ tay trái trắng hồng của Vân là một chiếc đồng hồ Seiko nhỏ nhắn hình trái tim.

– Trời ơi thật đẹp quá, anh Tùng khéo chọn thiệt. Anh Nguyên thấy không? Cái đồng hồ này giống như cái Ngọc thích, Ngọc nói với Nguyên hôm trước đó.

Ngọc vừa trầm trồ vừa ôm vai Vân trong khi Nguyên nhủ thầm:
“Ðúng là người “Tùng Tarzan” muốn hại mình nữa rồi, ông ấy biết Ngọc thích mua sắm nữ trang mà cứ để cho Vân khoe như vầy hoài thì bao nhiêu tiền công tác cho đủ”.

Rồi Nguyên giả vờ như không nghe Ngọc nói, anh gọi bồi mang nước uống cho bốn người.
– Hôm nay tớ bao, ai muốn sơn hào hải vị xin cứ việc gọi thả dàn

Tùng vừa đưa tay chào người quản lý nhà hàng vừa nói. Nguyên nghĩ thầm trong bụng:
– Trời sắp bão tố đến nơi rồi, người hùng vừa mua quà tặng cho đào, nay lại chơi ngông thế này thì chắc là có chuyện gì đó rồi.

Ai trong đơn vị cũng biết là Tùng xài tiền rất cẩn thận. Tùng chỉ có một bà chị độc nhất đang sống ở Sài gòn với chồng con và bao nhiêu tiền bạc Tùng làm được, một phần anh giữ trong Trương mục tiết kiệm con gà Thương Tín, còn lại anh gửi về giúp gia đình bà chị hết.

– Thế nào cậu đã quyết định ăn món gì chưa? À… hay là ta lại tái diễn món nghêu “fromage” đút lò muôn thuở.

Tùng vừa tếu vừa hỏi Nguyên.

Bạn bè ai cũng biết Nguyên rất thích ăn đồ biển, nhất là món nghêu “fromage” đút lò khoái khẩu, ngon tuyệt trần và đặc biệt của quán ăn nổi tiếng tại Ðà Nẵng này. Hai cặp tình nhân trẻ tối đó vui chơi với nhau cho đến khuya mới từ giã nhau ra về. Thật là một buổi cơm tối thân mật nhớ đời của vợ chồng Nguyên, nhất là đối với Ngọc vì nàng đâu có biết, đó là lần cuối cùng Ngọc gặp Ðại úy Tùng khi anh bạn này đang còn sống.

* * *

Vân đang ngủ say mê, bỗng nghe tiếng gió hú ngoài song, hai cánh cửa sổ bị gió thổi tung ra rồi rung mạnh như có tiếng ai lay. Nàng giật mình tỉnh dậy, trong lòng hơi lo sợ, nhưng rồi cũng đứng dậy đi ra đóng cửa sổ lại. Từng tia chớp từ phương trời xa, về phía đèo Hải Vân, có lẽ xa hơn nữa thì phải. Vân đóng cửa gài then lại, lay thử xem đã thật chặt chưa rồi trở về giường ngủ. Nàng cầm chiếc đồng hồ Seiko, quà tặng của Tùng lên xem giờ, hai giờ mười lăm sáng. Vân để lại chiếc đồng hồ xuống bàn ngủ, đưa bàn tay mặt lên môi hôn, rồi để bàn tay này âu yếm thoa trên chiếc ảnh của Tùng trong chiếc khung hình, dựng trên bàn cạnh giường ngủ. Nàng muốn gửi đến người yêu đang vượt ngàn trùng sóng trong đêm tối mịt trời, nụ hôn nồng thắm, của người con gái đang mơ nhiều mộng đẹp của mối tình đầu.

* * *

Chiến đĩnh trúng đạn nổ tan tành, đài chỉ huy ngập tràn trong ngọn lửa cháy bùng. Ðại úy Tùng bị tử thương trong loạt pháo đầu tiên, người anh ngã gục trên chiếc cần máy. Hai tay anh nắm chặt như đang muốn víu kéo một cái gì, như nuối tiếc, như đang uất ức vì đã lỗi hẹn thề một mối tình sớm nở, chóng tàn, một mối tình non. Bên cạnh Tùng là thân thể không còn nguyên vẹn của vị Ðại úy trẻ tuổi người xứ Huế tên Phương, một Hạm trưởng tập sự, nằm gục chết dưới chiếc ghế hạm trưởng khi chưa có dịp chỉ huy chiến đĩnh riêng của mình.

Hai người chiến hữu Hải Quân cùng xuất thân từ quân trường Mẹ, đêm nay hồn thiêng cùng nhau bay về miền hư vô, tên tuổi ghi vào trang Hải sử Việt Nam, ” không được người đời biết đến “, trong đêm tối sóng gió gào thét, sấm chớp tơi bời tại ” Vùng Biển Ðen”, gần đảo Hòn Me, ngoài khơi thành phố Hà Tỉnh khoảng hai giờ vào một buổi sáng sớm mây buồn giăng phũ kín bầu trời.

* * *

Ngọc đang cho các con ăn cơm tối, nàng ngạc nhiên khi Nguyên bước vào nhà, mặt mày buồn bã, hai mắt Nguyên đỏ ngầu như vừa mới khóc. Nguyên đưa tay ra dấu cho Ngọc đi vào trong phòng ngủ. Ngọc òa lên khóc khi Nguyên nói cho biết Ðại úy Tùng và Ðại úy Phương đã tử trận trong chuyến công tác vừa qua.

Xác của Phương đã được chị Phương đưa về Huế chôn cất, còn xác của Tùng, vì phải đợi bà chị từ Sài gòn ra nhận đem về chôn cất, nên còn để tại nhà quàn trong bệnh viện. Lực Lượng đã thông báo cho Cường, nhưng chưa dám tin cho Vân hay, sợ nàng buồn khổ và không chịu đựng nỗi, nên chỉ nhờ Cường chờ khi nào thuận tiện thì cho Vân biết tin buồn này.

Sáng hôm sau, hai vợ chồng gửi con cho người em gái Nguyên trông coi hộ, rồi Nguyên đi xe Honda chở Ngọc vào nhà quàn để cùng với bạn bè trong đơn vị, lo cho Tùng, trong khi chờ đợi bà chị đang trên đường ra Ðà Nẵng nhận xác em trai và đưa về Sài gòn chôn cất.

Hai vợ chồng vừa xuống xe, đã nghe tiếng tụng kinh cầu siêu của thầy Tuyên úy Phật giáo. Ngọc bước vào trong nhà quàn, thấy Vân mặt mày đầm đìa nước mắt, đang ngồi cạnh người anh mình, Cường cũng khóc tức tưởi. Hai chị em bạn gái ôm lấy nhau khóc nức nở. Nguyên cũng không cầm được xúc cảm, anh lau mắt lia lịa và cố nén lại để lo sắp đặt lính dàn chào, chờ anh Hai đến làm lễ truy điệu theo đúng nghi thức Quân đội cho Tùng.

Chiếc quan tài được phủ lá Quốc kỳ, trước mặt là hình bán thân của Ðại úy Tùng, trong bộ quân phục Tiểu lễ trắng Hải Quân và cặp cấp bậc hai gạch đầy, màu vàng chói.

Nguyên thấy quá đau lòng khi nhìn chiếc hòm mang thân thể của người bạn mới hôm qua vừa đấu láo với mình mà nay đã trở thành người thiên cổ. Vân xin phép và năn nỉ để xin mang khăn chế và chịu tang, nhưng không được anh Cường cho phép theo lời khuyên của tất cả mọi người, kể cả hai vợ chồng Nguyên.

Ngoài sân, trời bỗng nổi gió rồi mưa rơi xuống mịt mù. Nguyên chạy ra dựng lại chiếc xe Honda đang bị ngã xuống.

Ngước mặt lên nhìn bầu trời xám xịt, quần áo đẫm ướt, tóc tai bơ phờ, Nguyên cảm thấy môi mình ướt mặn, mặt mày đầm đìa không biết là với nước mưa hay là với nước mắt, khóc cho hai người bạn lính biển thân kính mến thương của mình, vừa ra đi vĩnh viễn.

HQ Lê Bá Thông

No comments:

Blog Archive