Từ Thức (Paris)/bacaytruc.com
Mỗi lần đọc tin bọn gọi là quan toà nhẫn tâm tuyên án tù nặng những người trẻ, nhiều em còn vị thành niên , hay phụ nữ có con dại, chỉ vì cái tội còn ưu tư tới đất nước, tôi lại nghĩ tới một người quen, trước 75 làm thẩm phán ở Sài Gòn. Tạm gọi là ông T. T tâm sự khi quyết định học để trở thành thẩm phán, bố mẹ không vui, chỉ sợ con làm việc thất đức. Trước mỗi phiên tòa, bà mẹ , một Phật tử thuần thành, không quên dặn con : nếu tha được người ta thì tha, nếu tuyên án nhẹ được thì tuyên án nhẹ, đừng nặng tay làm hại ai, để phúc đức lại cho con cháu.
T nói : ''mình buồn cười, giải thích cho mẹ hay phải có công lý, người có tội phải trả nợ, xã hội mới ổn định được, nhưng mỗi lần tuyên án, không thể không nghĩ tới lời mẹ dặn.'' "Có lẽ suốt đời chánh án, T nói, mình chưa phạm một lỗi lầm, chưa bỏ tù oan hay quá nặng tay với ai, để bây giờ phải hối hận, cũng nhờ lời nhắc nhở của bà cụ, không dạy trong trường luật nào. Ở một nước nghèo như nước ta, nhiều người phạm tội chỉ vì hoàn cảnh. Phải đứng vào địa vị của từng người, để hiểu, trước khi tuyên án. Rất hiếm những người phạm luật vì độc ác. Miền Nam lúc đó còn là một xã hội nhân hậu, tử tế. Cái ác chưa ngự trị". T tâm sự, cố không rớt nước mắt : "Mình chỉ ân hận không cám ơn mẹ trước khi cụ qua đời. Cụ mất khi mình nằm trong trại cải tạo. Chẳng bịnh tật gì, chết héo mòn vì ngày đêm lo cho con trong tù. Họ nhốt một người, nhưng hành hạ, giết được những người thân ở bên ngoài, ở nhà tù lớn". Hy vọng những ông tòa ở các toà án nhân dân, dù nhẫn tâm tới đâu, vẫn còn một chút lương tâm, sẽ có lúc lương tâm ray rứt vì đã làm chuyện thất đức. Giống như anh chàng Roskolnikov trong "Crime et Châtiment" của Dostoïevski. Roskolnikov giết người, vì nghĩ nạn nhân là người xấu đáng chết, và cũng để chiếm đoạt tài sản, tiền bạc cuả họ. Sau khi phạm tội ác, Roskolnikov bị lương tâm ngày đêm cắn xé, trở nên điên cuồng. Kết án 9, 10 năm tù một phụ nữ có con dại hay một thiếu niên mới chập chững vào đời về tội yêu nước, thương dân, là một hành động giết người. Tịch thu tài sản của họ, thêm một cái tội cướp của. Dù có rêu rao, có tự trấn an, tự dối mình đó là chuyện cần thiết để xây dựng "xã hội chủ nghĩa" . Hy vọng cho các ông chánh án "nhân dân" (mất hẳn lương tri của mình khi…) giáo dục Cộng Sản đã thành công trong việc tiêu diệt hoàn toàn cái gọi là lương tâm trong con người họ. Nếu không, một lúc nào đó, chút lương tri còn ẩn núp trong tiềm thức, sẽ lồm cồm bò dậy, các ông sẽ phải sống những giây phút ray rứt đau đớn của Roskolnikov. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời , hay những đêm thao thức khó ngủ.
-----------
Ý kiến độc giả :
Khi còn trẻ, vì nhu cầu của cuộc sống, sự năng động của sinh hoạt thường ngày khiến họ dễ dàng bỏ quên lương tâm của mình trong góc xó của tâm hồn, nhưng chắc chắn khi về già, khi sự năng động đó lắng dịu thì lương tâm lại trổi lên mãnh liệt để hạch hỏi họ về những việc làm trong quá khứ.
Khi còn trẻ, vì nhu cầu của cuộc sống, sự năng động của sinh hoạt thường ngày khiến họ dễ dàng bỏ quên lương tâm của mình trong góc xó của tâm hồn, nhưng chắc chắn khi về già, khi sự năng động đó lắng dịu thì lương tâm lại trổi lên mãnh liệt để hạch hỏi họ về những việc làm trong quá khứ.
Đó là lý do tại sao người ta có thói quen phải niệm Phật suốt ngày, miệng lẩm bẩm "Nam mô A Di Đà Phật" để cái âm thanh của câu niệm đánh tan mọi ám ảnh, đẩy lùi cái quán âm của ray rứt và ân hận. Ở tuổi già, khi không còn tham sân si thì bất cứ ai cũng trở nên dịu dàng và không chấp xét nữa vì họ bận phải tự trấn an mình để tìm sự yên tỉnh cho tâm hồn.
Những lão già nào gần đất xa trời mà vẫn còn khó tính, tham lam và thích xung đột mới chính là những người đã hoàn toàn đánh mất lương tri của họ... do đã phạm quá nhiều tội ác đến nỗi cảm thấy yên tâm hòa nhập thoải mái với cái ác. Những người này sau khi chết sẽ tự cô lập mình trong cô quạnh vì ở thế giới vô hình, các linh hồn sẽ rơi vào "luật ái lực" tự nhiên (affinity), yêu thích nhau thì tự động thu hút nhau trở thành một tập thể vui vẽ hài hòa với nhau, còn những ai khó tính và căm ghét thì sẽ đẩy xa nhau, không thể có hội nhập mà chỉ tự động cô lập mình. Sự cô lập này chính là hình phạt mà họ tự chuốc lấy cho mình, đó sẽ là sự đau khổ cô đơn vô cùng ghê rợn.
Cứ thử tưởng tượng quý vị là một phi hành gia cô đơn trôi dạt vào không gian vô tận của vũ trụ, lạc lỏng với bóng đêm lạnh lùng, chung quanh chẳng có một sinh vật nào, chẳng có âm thanh nào thì kinh khủng biết bao, mọi tiếng kêu cứu đều rơi vào khoảng trống không chẳng có tiếng vọng !! Chỉ muốn chết nhưng không thể chết !!
Cứ tin đi, những kẻ gây quá nhiều tội ác khiến mọi người đều ghét thì họ sẽ có kiếp sau bị cô lập trong cô đơn và bóng tối vô cùng ghê rợn kinh hoàng.
Điền Phong
No comments:
Post a Comment