Một Ngọn Hải Đăng
Đào Anh Dũng
1 - Đoàn tụ cùng gia đình không đầy bốn năm, cha tôi qua đời vì một căn bệnh kéo dài từ những năm tháng tù cải tạo. Là con trai trưởng, tôi đưa mẹ về Việt Nam mai táng cha, theo di chúc ông để lại. Cha tôi muốn tro cốt người được trở về đất tổ, rải trên dòng Vàm Cỏ, dòng sông quê hương. Thực hiện xong ước nguyện của cha, tôi phải về Mỹ ngay vì đa đoan công việc sở làm và gánh nặng vợ con. Mẹ tôi ở lại nhà ngoại gần chợ Gò Dầu trong một thời gian. Bà muốn tìm an ủi nơi chôn nhau cắt rún qua câu kinh nguyện cùng với các cậu, dì của tôi và công việc phụ giúp các sơ trong họ đạo.
Sáng sớm hôm ấy, anh Phương, con cậu tư của tôi, mướn một chiếc xe du lịch đưa tôi đi Sài Gòn cùng với hai đứa cháu, cho vui. Anh lo xa, bảo phải rời nhà sớm vì Sài Gòn bây giờ kẹt xe ghê lắm, không khéo lỡ chuyến bay. Thật ra, anh muốn đãi tôi một bữa ăn ở nhà hàng vì mấy ngày qua tôi chỉ ở bên mẹ, hụ hợ khi có bà con đến viếng thăm, an ủi. Tôi ít ra khỏi nhà ngoại trừ mỗi sáng đưa mẹ đi lễ và hôm mướn ghe mai táng cha tôi trên sông Vàm Cỏ. Chúng tôi đến Trảng Bàng vào khoảng bảy giờ sáng. Anh Phương nói còn rộng thời giờ, kêu cậu tài xế ghé một nhà hàng chuyên món “đặc sản” bánh canh để ăn lót dạ.
Trời chưa sáng hẳn mà Trảng Bàng đã tấp nập người mua bán. Nhà hàng đã đông khách, ồn ào. Chúng tôi tìm được một bàn tận phía trong. Vừa húp muỗng bánh canh tôi nghe tiếng chửi thề, câu nói quát tháo như sát bên tai:
– “Đ.m! Đi chỗ khác chơi! Đã bảo không mua mà cứ lải nhải!”
Tôi nhìn về phía tiếng chửi. Thì ra là một khách hàng đang xua đuổi một ông già bán vé số! Ông già trọng tuổi, đầu đội một chiếc nón lá, vành rách bươm. Ông mặc một bộ đồ cũ kỹ, vá chùm, vá đụp, tay cầm một xấp vé số, vai mang một túi vải. Tôi cảm thấy bất nhẫn, muốn mua vài vé giúp ông mặc dù tôi không biết giá bao nhiêu một vé. Tôi đứng lên, nhìn ông. Gương mặt ông có vẻ quen quen. Nhận ra có một người muốn mua vé số, ông bước đến gần bên tôi, chìa tập vé số:
– “Mời ông… mua dùm vài tấm.”
Tôi nhìn ông, thấy quen lắm. Tôi chăm chú nhìn kỹ hơn, thấy vành tai vểnh có cục thịt dư, tôi nhận ra ngay người thầy cũ. Đó là thầy Tài, ông thầy dạy Quốc Văn của tôi ngày xưa.
2 - Năm tôi học lớp 10, cha tôi được hoán chuyển về trường Bộ Binh Thủ Đức sau nhiều năm xông pha nơi chiến địa. Trước đó, cha tôi thường xuyên vắng nhà vì hành quân hay công vụ. Mẹ tôi rất chật vật, lo không xuể đàn con năm đứa. Khi ấy, tôi đang bước vào tuổi mới lớn, có chiều hướng hoang đàng, ham chơi cùng bè bạn hơn lo việc học hành. Nhân ở quận Thủ Đức có một trường dòng nổi tiếng kỷ luật nghiêm minh, lại còn có sĩ số học sinh thi đậu tú tài khá cao, nên cha tôi cho tôi theo học với kỳ vọng nhờ các sư huynh rèn luyện tôi nên người. Từ năm đầu tiên cắp sách đi học cho đến lúc ấy, đôi ba năm tôi thay đổi một mái trường theo gót giày lính của cha. Vì thế, tôi hội nhập vào trường mới không có một chút khó khăn nào. Tôi kết bạn với một nhóm học sinh cùng lớp chuyên phá phách, gây rối cho nhà trường. Giáo sư nào, kể cả các sư huynh, chúng tôi đều đặt tên để gọi đùa với nhau hoặc dùng như là một ám hiệu. Ví dụ như chúng tôi gọi sư huynh giám học là “Ba Rỗ” vì mặt của thầy có nhiều vết thẹo nhỏ, có lẽ do bệnh đậu mùa khi thầy còn bé.
Tôi học được nửa năm thì thầy Hùng “con gái” (Chúng tôi gọi thế vì thầy Hùng có tướng đi “Mãng xà uốn khúc”) nhập ngũ, thầy Tài thay thế dạy Quốc Văn. Đây là năm đầu thầy dạy trung học. Nghe nói thầy vừa tốt nghiệp sư phạm. Vì thế, đôi lúc thầy lúng túng khi đối đầu với bọn “Nhất quỷ nhì ma” chúng tôi. Trông thầy thật tội nghiệp! Vậy mà chúng tôi có tha thầy đâu. Biết thầy quê ở Tha La, có đứa còn dám đặt tên, gọi thầy là “Tha La xóm đạo”. Mỗi khi thầy đi ngang qua đám học sinh, thế nào cũng có đứa ca:
Đây… Tha La… đây xóm đạo… hoang tàn…
Mây trời vây quanh… màu tang khói lửa…
để “chọc quê” thầy. Riêng nhóm chúng tôi không ưng cái tên đó, cho nó quê mùa, không “đề” một chút nào cả. Thằng Viên đặt tên thầy là “Mickey Mouse” vì vành tai của thầy vểnh ra như tai của chú chuột trong phim hoạt họa Disney. Thằng Nghiệp gọi thầy là “Ăng ten” vì kế bên vành tai trái của thầy có một cục thịt dư ló ra như cây ăng ten. Tôi chớp ngay cái ý nghĩ đó, đặt tên thầy là “tai thừa”, dụng ý nói lái tên thầy nghe cho tiếu lâm. Từ đó, muốn phá thầy tôi cứ khoanh tay, lễ phép nói: “Thưa thầy Tài”. Thầy không sao biết được học trò đang trêu “tai thầy thừa”. Mấy đứa bạn của tôi phục tôi sát đất qua cái “sáng kiến” này.
3 - Vị thầy cũ của tôi rất ngạc nhiên, bỡ ngỡ khi tôi bước đến, choàng vai, ôm thầy, vui mừng, nói như reo:
– “Thưa thầy, em là Tâm, học trò cũ của thầy. Gặp thầy, em mừng quá! Thầy có nhớ em không?”
Thầy nhìn tôi, ánh mắt xa xăm như cố gắng lục lọi trong ký ức hình ảnh một đứa học sinh giống như tôi trong hàng trăm đứa đã học với thầy. Thầy ngập ngừng nói:
– “Tâm… Xin lỗi, thầy… thầy xin lỗi. Học trò đông quá. Thầy mất… thôi dạy học lâu rồi. Thiệt tình thầy không nhớ Tâm nào. Trí nhớ của thầy bây giờ tệ lắm… ”
Tôi đưa thầy về bàn, giới thiệu thầy với cha con anh Phương, rồi kéo ghế mời thầy ngồi.
– “Hơn 20 năm rồi chớ ít ỏi gì thầy! Không sao, để em nhắc vài chuyện xưa là thầy nhớ liền. Sẵn đây, em xin mời thầy dùng bánh canh với chúng em cho vui.”
– “Thầy cám ơn em. Thôi, em cho thầy ly cà phê là được rồi. Thầy không quen ăn sáng.”
Anh Phương nói vào, ân cần mời thầy dùng điểm tâm. Thầy vẫn từ chối. Tôi đành gọi cho thầy tách cà phê sữa. Hỏi thăm, tôi được biết cô, vợ thầy, đã qua đời từ lâu. Thầy đang sống ở Tha La với một người con trai, tự mưu sinh bằng việc bán vé số lẻ ở các quán hàng đông người. Có ngày thầy lặn lội đến tận chợ Gò Dầu, có khi tới miệt Củ Chi nữa. Thương thầy đã trọng tuổi mà còn phải bôn ba kiếm sống, tôi buột miệng, nói bâng quơ:
– “Trời còn sớm quá mà thầy… ”
– “Thằng Quang con thầy nó chạy xe ôm. Nó đi giờ nào, thầy quá giang xuống chợ với nó giờ đó. Vả lại, thầy đi bán sớm, không phải tranh giành với lũ con nít. Thầy không làm như vậy được, mình là người lớn, coi kỳ khôi lắm. Hơn nữa, thầy đã là thầy giáo… Còn em, ba má, anh chị em thế nào? Vợ con chưa? Đi đâu mà ghé Trảng Bàng ăn bánh canh vậy?”
Nghe tôi kể gia đình tôi định cư ở Mỹ, tôi đã có vợ được hai con, thầy nói: “Mừng cho em.” Lúc tôi cho thầy biết tôi đưa hài cốt cha tôi về an táng trên sông Vàm Cỏ, thầy chặc lưỡi: “Thầy chia buồn cùng em và gia đình.” Tiếp đó, tôi thấy thầy trầm ngâm khi nghe tôi nhắc lại tên từng đứa bạn cùng học với thầy và những kỷ niệm xưa. Hình như thầy vẫn chưa nhớ ra tôi. Tôi không khỏi nghĩ thầm: “Phải chăng thầy đã lẫn rồi?”
Chợt giọng nói thô lỗ khi nãy vang lên:
– “Đ.m! Lão già tai thừa hôm nay trúng mối Việt kiều!”
Anh Phương nháy mắt, ngầm bảo tôi giả lơ. Anh không nhắc khéo, tôi cũng phải bỏ ngoài tai câu nói xấc láo vì tôi không muốn xảy ra chuyện lôi thôi có thể làm tôi lỡ chuyến bay, vợ con tôi phải lo lắng và tôi không thể trở lại làm việc đúng hạn. Tôi nhìn thầy, ánh mắt tôi mong thầy hiểu tôi không thể làm gì khác trong khi có người vô cớ nặng lời với thầy. Thầy nhìn tôi, ánh mắt của thầy hình như lóe lên một khám phá nào đó, rồi chợt chìm xuống một vùng tối tăm. Thầy bật đứng lên, bỏ tách cà phê uống lưng chừng, nói thật nhanh:
– “Thầy có việc phải đi ngay. Cám ơn các em.”
Nói xong, thầy tất tả bước đi. Tôi bàng hoàng, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi trộm nghĩ lòng tự ái của thầy bị tổn thương vì câu nói xỏ xiên của người khách lạ đó. Tôi vội móc bóp lấy ra vài tờ đô la, chạy theo thầy. Bắt kịp thầy ở ngoài cửa nhà hàng, một tay tôi ôm vai thầy, tay kia tôi kín đáo nhét vào bàn tay thầy số tiền.
– “Lần này gấp quá. Em chỉ có chút đỉnh biếu thầy. Xin thầy nhận cho. Em sẽ tìm dịp khác về Tha La thăm thầy… ”
Thầy lùa mấy tờ đô la sang tay tôi, nhìn tôi, lắc đầu:
– “Cám ơn em đã thương thầy, nhưng thầy không thể nhận.”
Thầy lại vội vàng bước đi. Tôi đứng như trời trồng bên vệ đường, nhìn theo cho đến khi dáng của thầy lẫn lộn, mất hút vào đám đông cũng tất tả, lam lũ như thầy…
Tôi trở lại bàn ăn mà nuốt không trôi nửa tô bánh canh còn lại. Tôi trách mình sao hấp tấp biếu thầy số tiền, không chờ đến dịp khác hợp cảnh, hợp tình hơn. Có lẽ lòng tự trọng của một nhà mô phạm không cho phép thầy nhận món quà của tôi trong tình huống ấy.
4 - Tôi trở nên một học sinh có nề nếp, học hành tấn tới như lòng mong muốn của cha tôi khi ông cho tôi theo học trường dòng. Tuy nhiên, tôi phải nói người giúp tôi thay đổi là thầy Tài chứ không phải các sư huynh nghiêm khắc. Thầy rất thành thật với lớp, kể cho lớp nghe thầy là giáo viên tiểu học. Vừa đi dạy, thầy vừa theo học ở trường Văn Khoa. Vì thế mất hết sáu năm thầy mới xong chương trình Cử nhân Văn chương và may mắn được các sư huynh chọn làm giáo sư Quốc Văn. Thầy mê thơ nên khi đọc được bài thơ nào hay, thầy lựa lúc thuận tiện giờ giấc chia sẻ với lớp, bình giảng cho chúng tôi nghe. Thầy còn đem nội dung luân lý đạo đức dạy dỗ thêm cho chúng tôi. Thầy đặc biệt thích thơ nói về những khắc khoải, đau khổ do chiến tranh gây nên. Dầu vậy, thầy không ủy mị mà rất năng động trong thể thao. Thầy chơi bóng rổ xuất sắc như một cầu thủ nhà nghề. Thầy kể rằng lúc thầy còn nhỏ ba má thầy chạy giặc, bỏ quê Tha La, làm việc cho một hãng buôn ở Chợ Lớn. Khi ấy, nhà thầy kế bên một trường học Phước Kiến nên thầy có dịp tập dợt và mê luôn môn thể thao này. Năm học Chứng chỉ Hán Văn, thầy chơi thân với nhiều bạn gốc Hoa, lại có dịp chơi bóng rổ ở sân Tinh Võ. Thơ và thể thao đã giúp tình thầy trò của chúng tôi ngày càng thắm thiết. Dần dà, chúng tôi trở thành học sinh đứng đắn mà không hay. Khoanh tay chào thầy “thưa thầy Tài” không còn là một lời trêu ghẹo hỗn láo mà một cử chỉ thân mật đối với thầy.
Mùa Xuân năm ấy, mỗi trưa thứ bảy chúng tôi vào trường để thầy dợt bóng rổ cho cuộc tranh giải toàn trường. Cứ vài tuần, chúng tôi lại thấy một chiếc xe jeep quân sự mang bản tướng một sao đậu ở trường. Trong lúc nghỉ mệt giải lao, chúng tôi tò mò hỏi thì thầy cho biết đó là xe của ông tướng X đến thăm vị thầy cũ là sư huynh Liên. Chúng tôi có bàn tán chút đỉnh về việc này rồi bỏ qua. Tuy nhiên, đến giờ Quốc Văn tuần lễ sau đó, thầy mang vào lớp một quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư và đọc cho chúng tôi nghe truyện ông Carnot ghé trường thăm thầy cũ. Thầy say mê giảng cho chúng tôi nghe truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt và đề cao ông tướng X là một tấm gương sáng cho thế hệ chúng tôi. Sẵn có lòng yêu mến, tin tưởng thầy, tôi nghe thầy giảng mà mơ đến ngày nào đó tôi cũng sẽ thành đạt, rồi cũng trở về thăm thầy như ông quan Carnot. Tôi không ngờ có một sự kiện sau đó hơn một năm đã làm sứt mẻ tình thầy trò chúng tôi…
Sau biến cố 30 tháng Tư, gia đình chúng tôi ly tán. Cha tôi đi tù cải tạo. Chúng tôi bị đuổi ra khỏi cư xá sĩ quan trường Bộ Binh. Không nơi nương tựa, mẹ tôi đưa gia đình về tá túc với ông bà ngoại ở Gò Dầu. Riêng tôi và đứa em kế được bác hai tôi rước về Tây Ninh nuôi ăn học. Mùa tựu trường năm ấy, bác tôi xin cho anh em tôi học tại một trường trung học trước kia là một tư thục ở tỉnh lỵ. Nơi đây, tôi gặp lại thầy Tài. Thầy dạy Quốc Văn lớp 12. Thầy vẫn còn năng động, nhưng không phải trên sân bóng rổ mà trong các sinh hoạt đoàn thể. Trong lớp, thầy cũng hăng say giảng dạy nhưng mà thầy nhiệt tình ca tụng thơ “Cách mạng”. Gió đã xoay chiều, dù chưa đến tuổi trưởng thành tôi cũng hiểu và không có ý trách thầy sao mau thay lòng đổi dạ.
Cho đến một hôm thầy mang vào lớp tờ báo Nhân Dân để dẫn chứng, lớn tiếng phê phán ông tướng X là một con người tàn bạo, đa dâm, vô đạo đức, bám chân đế quốc … tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi nghĩ thầy còn nhớ lúc trước thầy đã ca ngợi vị tướng “Tôn sư trọng đạo” này cho nên khi thầy bắt gặp ánh mắt bất bình của tôi, thầy vội ngó đi nơi khác. Tôi đứng dậy, bỏ lớp ra về. Vài ngày sau, tôi xin phép bác hai cho anh em tôi về Gò Dầu ở với mẹ. Người ta bảo rằng tuổi thanh xuân có hai nơi để nương tựa: đó là gia đình và học đường. Khi ấy, tôi chỉ còn có gia đình, một gia đình phân ly.
Hai năm sau, tôi theo một người cậu vượt biên, rồi định cư tại Hoa Kỳ.
Hơn mười năm sau, tôi bảo lãnh các em tôi sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Mẹ tôi ở lại Việt Nam để thăm nuôi và chờ ngày cha tôi ra tù.
Bốn năm sau đó, khi đại gia đình chúng tôi thật sự cùng nhau sống dưới một mái nhà, tôi kể cho cha tôi nghe về thầy Tài. Cha tôi khuyên tôi nên xí xóa, đừng buồn thầy. Cha tôi bảo trong tù ông đã trải qua vài trường hợp phản trắc, bạn hại bạn, còn tệ hơn nữa. Cái khó nó bó cái khôn. Không ai dám vỗ ngực khoe mình chưa bao giờ lầm lẫn. Vì thế, làm người ta phải biết thứ tha. Hơn nữa, nếu ta học được những cái dở của mình và của thiên hạ thì sự hiểu biết ấy có thể đem đến cho ta những điều tốt đẹp hơn. Tôi nghe lời cha. Tôi chỉ nhớ đến những kỷ niệm đẹp ở trường xưa và những điều hay lẽ phải tôi đã học được từ các ân sư của tôi, trong số có thầy Tài.
5 - Gần một năm sau ngày tôi tình cờ gặp lại thầy Tài ở Trảng Bàng, tôi trở về Việt Nam đón mẹ. Chuyến này, tôi đem theo vợ con, thông thả hơn vì có đến ba tuần nghỉ phép. Vài ngày sau, tôi đi xe ôm từ Gò Dầu xuống Tha La thăm thầy. Hỏi vài người trong họ đạo, tôi tìm được nhà thầy, nhưng thầy lại không nhận ra tôi. Quang, con thầy, cho tôi biết gần đây bệnh của thầy đã quá suy sụp. Có lúc thầy không nhận ra con của mình nữa. Thầy đã lẫn rồi. Quang trao cho tôi một lá thư, bảo rằng thầy viết cho tôi, viết đi viết lại nhiều lần lúc thầy còn tỉnh trí:
Tha La, ngày… tháng…
Em Tâm thân mến,
Thầy viết lá thư này riêng cho em mà thầy thầm mong em không có dịp đọc nó, vì khi em đọc lá thư này, có thể thầy không còn nhận ra em nữa hay đã giã từ cõi đời này.
Nhớ lại ánh mắt của em hôm thầy trò mình tình cờ gặp lại nhau, thầy biết chắc chắn em sẽ trở lại Tha La thăm thầy. Thầy rất muốn gặp lại em để nói, nói thật nhiều những uẩn khúc của thầy, nhưng sức khỏe của thầy đã mòn mỏi rồi Tâm ơi. Thời gian gần đây, trí óc của thầy ngày càng tồi tệ. Hôm nay, từng kỷ niệm xa xôi hiện ra trong tâm trí của thầy. Ngày mai, thầy không biết mình còn có khả năng nhớ hay không. Vùng trời kỷ niệm khi ẩn, khi hiện. Liệu thầy có nhớ mà tâm sự khi gặp lại em? Vì vậy, thầy phải viết lá thư này.
“Thưa thầy Tài”, câu nói các em dùng để trêu chọc thầy ngày xưa, không ngờ hơn một phần tư thế kỷ sau nó chợt phá tan cái vỏ bao kín những kỷ niệm vàng son bị chôn vùi trong trí óc của thầy. Hôm ấy, ngồi nghe em nhắc chuyện thầy trò mình ngày xưa mà thầy không nhớ Tâm là đứa nào. Dù cho người khách đó thật quá đáng, thầy cũng phải cám ơn ông ta đã gọi thầy là lão tai thừa. Nhờ đó mà thầy mới nhớ ra em.
Nhưng Tâm ơi, xin em đừng buồn thầy. Hôm ấy, trong khi kỷ niệm xưa ồ ạt chạy về, oái oăm thay điều thầy nhớ nhất là ngày em bỏ lớp ra đi. Rồi thầy cảm thấy xấu hỗ vì biết mình không xứng đáng là thầy của em, nên thầy chạy trốn như một con nợ chạy trốn chủ nợ. Chủ nợ không ai khác là em, là các em học sinh cũ của thầy.
Tâm ơi, thầy không muốn tự bào chữa cho mình. Tuy nhiên, xin em hiểu tâm trạng của thầy trong giai đoạn đó. Đất nước vừa thanh bình, thầy đem hết tâm trí, khả năng phục vụ cho xã hội mới. Và, thầy đã đi quá trớn. Lý tưởng lắm khi làm con người chúng ta mù quáng. Sau khi bị “mất dạy”, thầy “ngộ” ra nhưng đã quá trễ rồi…
Hôm nay, thầy xin mượn lá thư này để xin lỗi em, dù quá muộn màng.
Thầy nhớ có lần đọc một quyển sách mà thầy đã quên tựa và tên của tác giả. Sách kể chuyện một người học trò nhớ những điều hay lẽ phải ông thầy cũ đã dạy mình. Người học trò này nói “Càng về già, ông càng nhớ đến người thầy cũ như người đi biển vọng tới ngọn hải đăng.”
Tâm ơi, phải chăng thầy chỉ là một ngọn hải đăng mù?
Vài dòng tâm sự cùng em. Thầy chúc em luôn sống vui, sống tốt, sống thật với mình. Và, lần cuối, thầy xin được xưng…
Thầy của em,
Tài
Tôi nắm đôi bàn tay gầy guộc của thầy tôi, thầy Tài. Tôi rưng rưng nhìn đôi mắt đã mất hết thần sắc của thầy, tôi nói trong nghẹn ngào: “Thưa thầy, thầy vẫn là một ngọn hải đăng sáng chói của em.”
Đào Anh Dũng
No comments:
Post a Comment