Kho tàng vô giá ở Bhutan
Trịnh Thanh Thủy
Từ rất lâu tôi đã nghe danh Bhutan, một xứ nằm vắt vẻo dọc theo dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, được mệnh danh là một “Vương Quốc hạnh phúc nhất thế giới”. Nước này, còn có tên là “Rồng Sấm”, nằm lọt thỏm trong gọng kềm giữa hai quốc gia to lớn là Ấn Độ và Trung Hoa (nơi biên giới của Tây Tạng), mà không hề hấn gì, quả là lạ.”. Hạnh phúc đã là một kho tàng vô giá ở đất nước nhỏ bé này. Tôi cũng là một người theo đuổi hạnh phúc, tôi chọn xứ sở xa lắc này để ghé thăm và xem họ đã theo đuổi hạnh phúc và đạt nó như thế nào?
Tuy nhiên việc đi vào một nước để xem thần dân của họ có được hạnh phúc không, bạn phải trả một giá phải nói là khá đắt, so với các chuyến du lịch sang mấy quốc gia khác. Để có 1 ngày được sống và trải nghiệm tại Bhutan, bạn phải chi trả phí tổn khoảng 250 đô la một ngày cho một người, bao gồm chi phí ăn ở, đi lại và hướng dẫn viên. Chi phí này đã làm chùn chân nhiều du khách và ai cũng hỏi, Bhutan có đáng để đi du lịch hay không? Theo tôi, Bhutan là một quốc gia rất đáng để bạn ghé thăm, không những chỉ để thấy hương hạnh phúc của họ mà bạn còn được sống với những cảnh quan thiên nhiên trong lành và tuyệt đẹp. Nơi đây xứng đáng với danh xưng được tặng “Cõi Tây Phương cực lạc cuối cùng” (The last Shangri-la). Sở dĩ có qui luật này vì Bhutan cố tình hạn chế số khách du lịch vào xứ sở của họ. Họ không muốn nền văn minh vật chất toàn cầu hóa của thế giới làm hư đi và xáo trộn nếp sống vốn êm đềm và trong lành của dân họ.
Ngồi trên máy bay của hãng Bhutan Airlines có hình vẽ con cá hoá long ở đuôi phi cơ, khi sắp tới Paro, chúng tôi có dịp thưởng ngoạn dãy núi Hy Mã Lạp Sơn phủ băng và đỉnh núi cao nhất thế giới Everest mây giăng qua khung cửa sổ. Nếu bạn thích phiêu lưu mạo hiểm, bạn sẽ được trải nghiệm những giờ phút thật hồi hộp và ú tim khi nhìn phi công đáp xuống phi trường Paro, Bhutan. Giống phi trường Lukla, Nepal, sân bay Paro nổi tiếng là 1 trong 10 phi trường thơ mộng và nguy hiểm nhất thế giới, rất khó cất và hạ cánh, hãng máy bay Boeing đã công nhận như vậy. Nó bị kẹp giữa hai dãy núi Himalaya dài hơn 18 ngàn bộ. Muốn hạ cánh phi công phải luồn lách qua các ngọn núi (với gió núi rất mạnh) và trên nóc các căn nhà, để cuối cùng hạ cánh trên một đường băng nhỏ, rộng chỉ 6 ngàn 500 bộ. Máy bay chỉ được phép hạ cánh vào ban ngày, với điều kiện mắt nhìn thấy được trong tình trạng thời tiết tốt nhất. Vì sự nguy hiểm vô cùng ấy, theo luật định, chỉ 8 phi công thật giỏi, thuần thục và đủ khả năng được cấp chứng chỉ bay, hạ, cất cánh. Cho nên nếu bạn thăm Bhutan, chuẩn bị sẵn để đối đầu với chuyến bay bị trễ hay dời lại vì thời tiết xấu. Thế mà nguy hiểm không làm chùn chân du khách, mỗi năm có khoảng 30 ngàn du khách(được phép) đến viếng Bhutan.
Pic 1. Phi trường Paro
Vừa bước xuống phi cơ, chân chạm mặt đất nhìn xung quanh tôi bỗng thấy ngẩn ngơ. Phi trường Paro thật không giống bất cứ một phi trường nào trên thế giới. Chung quanh là núi, trước mặt là toà nhà được gọi là phi trường, xa xa là một Dzong tức tu viện xây theo kiểu một pháo đài, Nó đẹp và thơ mộng lạ lùng. Đặc sắc nhất là các hoa văn truyền thống của Bhutan được vẽ hay chạm khắc, khắp nơi trong, ngoài phi trường tạo nên những nét đặc thù. Nó trông như một cái chùa hay đền đài hơn là một phi trường của một quốc gia. Sau này, khi đã thăm thú giải non sông gấm vóc Bhutan, tôi khám phá ra nhà cửa, tu viện, hay bất cứ kiến trúc nào, họ cũng xây rập khuôn theo một mẫu thiết kế nhất định. Bức hình chụp to lớn trên vách tường là tụ điểm cho khách du lịch muốn chụp hình lưu niệm cùng vị vua và hoàng hậu của họ.
Pic 2 Bên ngoài phi trường
Bên trong phi trường, khách không phải xếp hàng dài đợi thủ tục hải quan, vì chúng tôi, vỏn vẹn trên trăm người, vừa đáp xuống trong một chuyến bay chiều, mà có lẽ là chuyến cuối trong ngày! Vào đây bạn có cảm giác lạc vào một thế giới khác, một bộ lạc hay đất nước riêng biệt nào đó mà làn sóng văn minh, chưa hề chạm tới vì toàn dân đều mặc quốc phục(bắt buộc).
Pic 3. Bên trong phi trường
Qua sáu ngày sống và trải nghiệm những tháng ngày thong dong, an lạc ở đây tôi dần dần hiểu ra bí quyết cuộc sống hạnh phúc của người dân Bhutan. Kho báu hạnh phúc này không phải môt giờ một ngày mà có, nó đã là sự tu tập tinh tấn và ý chí thực hành kiên định trải qua nhiều thế hệ của toàn dân xứ Rồng Sấm. Các quốc gia trên thế giới dùng GDP là chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế giàu mạnh của một nước, trong khi Bhutan không đặt căn bản sự phát triển quốc gia mình bằng kinh tế mà dùng chỉ số GNH để tính toán Tổng Hạnh phúc Quốc nội (Gross National Happiness.). Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới này lập hẳn ra một bộ tên là Bộ Hạnh Phúc, chỉ để đảm bảo rằng người dân của vương quốc nhỏ bé này cảm thấy hạnh phúc về mọi mặt của cuộc sống.
Đây là những chia sẻ về cuộc sống hạnh phúc của họ.
Nói đến thuế lợi tức, nông dân không phải trả thuế nhưng nếu lợi tức trên 700 ngàn một tháng, chúng tôi chỉ trả rất thấp khoảng 5 hoặc 6 % lợi tức thu nhập hoặc ít hơn. Nếu rất cao như 1 triệu đô 1 tháng phải trả độ 35% thuế. Tuy nhiên nếu bạn vào đây làm thương mại, bạn phải trả thuế rất cao, như thuế xe hơi là 35%. Lợi tức người dân trung bình khoảng 1800 đô mỗi tháng không nhiều, chỉ đủ dùng cho một gia đình. Nếu có dư, chúng tôi cúng cho chùa hay chia sẻ với người túng thiếu. Hầu hết tất cả mọi người dân trong nước đều làm vậy. Nếu bạn kiểm soát tiền trong băng họ, bạn sẽ thấy họ không có đủ tiền để bỏ băng vì có dư chút nào họ đều giúp người khác hay làm từ thiện. Chúng tôi cũng thực hành ý nghĩa của một câu chuyện cổ của Phật Giáo Tây Tạng về sự sống chung hoà hợp và chia sẻ. Chuyện của một con Voi, Thỏ, Khỉ và Gà Gô chung sống cùng nhau trong một khu rừng rậm. Bốn con vật này rất yêu thương và tử tế với nhau. Giáo lý này cũng dạy chúng ta cách sống chuẩn mực trong xã hội giữa người trẻ và người già: Người già nên thương yêu người trẻ còn người trẻ nên kính trọng người già.
Pic 4 Bức tranh Phật Giáo
Chúng tôi quan niệm đời sống ngắn ngủi hãy tận hưởng và vui vẻ hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại và cả tương lai nữa. Chúng tôi được dạy không tham lam, tiền bạc là vật ngoại thân nên người dân không tàng trữ tiền làm gì. Ngày giờ có rảnh họ đi chùa, tu học và làm việc thiện. Chúng tôi sống trong khung cảnh rừng núi đẹp đẽ, không khí tinh khiết, không bụi bặm ô nhiễm, ăn chay, không sát sinh. Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới có lệnh cấm hút thuốc và bán thuốc lá. Xứ chúng tôi không có trộm cắp, bạo lực, hiếp dâm hay mãi dâm, ma túy. Ngoài ra chúng tôi cố gắng bảo tồn và phục hồi truyền thống, không để văn minh hiện đại phá hủy giá trị phong cách lâu đời của dân tộc. Sống sao cho đơn giản là châm ngôn của chúng tôi.
Pic 5 Gian nhà bếp truyền thống
Dân số của Bhutan khoảng hơn 700 ngàn người và đạo Phật là quốc giáo với tỷ số 98% trên toàn quốc. Là một quốc gia lấy kim chỉ nam Phật Giáo làm gốc, đạo Phật ở Bhutan chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Tây Tạng Kim Cương Thừa(Quốc giáo). Ở đây, Phật giáo chia làm hai nhánh, một được gọi là Ninh Mã (Nyingma) do ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) là giáo chủ, hai là Tây Tạng Truyền Thống Cách Lỗ(Kagyu) do Tôn Khách Ba làm giáo chủ(giáo phái này là giáo phái của đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ở Bhutan, các bé trai trong độ tuổi từ 6 - 9 đã bắt đầu cuộc sống tu hành trong các ngôi chùa, nơi các nhà sư được học ngôn ngữ cổ của kinh Phật, ngôn ngữ gốc của Bhutan, và tiếng Anh. Sau này, các em có thể chọn lựa cho mình một trong hai con đường: học giáo lý nhà Phật và trở thành tu sĩ hay sadi, hoặc trở lại sống cuộc sống bình thường (đa số)với đức tin và sự thấm nhuần triết thuyết nhà Phật và lập gia đình nếu muốn (phái Ninh Mã). Luật lệ bên phái Cách Lỗ khe khắt hơn, nếu là sadi phải làm sadi suốt đời tu hành, không được lập gia đình.
Pic 6 Hai chú tiểu
Có gần gũi với người dân xứ này mới thấy họ hiền lành, vui vẻ, hiếu khách và không ngần ngại tiếp xúc với du khách. Tôi thấy nụ cười cởi mở của họ nở ra ở khắp nơi, góc mái hiên nhà, trên triền núi, giữa bến sông hay một khoảng sân chùa. Ngay cả thú vật hình như cũng vui cười bay nhảy nơi đây, vì dân chúng không ăn thịt, chỉ ăn rau. Chim chóc và chó chỗ nào cũng có. Thật kỳ diệu, người, thiên nhiên và vạn vật chung sống hoà bình thật an lành, hạnh phúc.
Pic 7 Một gia đình Bhutan
Pic 8 Một điệu múa truyền thống
No comments:
Post a Comment