Monday, May 10, 2010

NGÕ TRÚC

Phong Vũ

Bước qua hết chiếc cầu xi măng, bắc ngang con rạch nhỏ nằm núp bóng dưới bụi trúc um tùm, đã thấy mẹ đợi tôi nơi đó tự bao giờ. Nước lên đầy rạch. Hai bên bờ, những khóm điêng điểng trổ bông vàng đung đưa trong gió như vẫy chào người trở lại, sau hai mươi năm dài. Tôi nghe tiếng lá trúc xào xạc bên hiên nhà của Mẹ. Gốc ổi già nua, thân còm cõi đứng bên cửa sổ lặng thinh. Vườn rau xanh, các bụi bạc hà với những chiếc lá to tướng nghiêng đầu bàn tán thì thào - chàng trai bao năm rồi lang bạc nơi đâu, bây giờ về nhà với mẹ đây rồi!

Mẹ nghiêng đầu nhìn tôi mĩm cười; nụ cười vẫn đầy ắp bao dung như thuở nào! Ánh mắt mẹ trìu mến, long lanh sáng niềm vui hội ngộ; trong đó tôi thấy ý nghĩ của Mẹ:
"Ôi con trai yêu dấu của Mẹ đã trở về từ nơi xa xôi "

Tôi mĩm cười mừng rỡ, vội bước đến bên bà. Tôi ôm chầm lấy Mẹ. Nước mắt tôi chảy thành dòng, nói trong nghẹn ngào:
" Mẹ ôi, con đã về với Mẹ đây. Ngày ấy con đi, mà giờ đã hai mươi năm rồi! Thời gian dài đăng đẳng, con luôn trông mong có một ngày về thăm Mẹ. Bây giờ thì con đã về đây, Mẹ ơi! "

Mẹ tôi vẫn cười hiền từ, nhưng sao tôi thấy nụ cười của bà quá xa xăm và buồn bã. Tóc mẹ bạc nhiều hơn xưa. Mẹ gầy và mong manh vì cuộc đời gian nan. Nắng trưa chiếu lung linh trên tóc mẹ. Bóng lá trúc chập chờn nhảy múa trên mặt nước. Những con chuồn chuồn bay lượn, vụt thoáng vụt hiện trên các ngọn sậy. Hàng dừa xanh nghiêng mình sầu tư quay ra mặt rạch; bên dưới có chiếc xuồng ba lá của ai đang cột hờ hững...Con rạch nầy chạy dài theo con lộ tẻ trước mặt nhà Mẹ tôi. Đây là ngôi nhà bà cất trên thửa đất ruộng của ông nội, vào cuối năm bảy mươi lăm. Mẹ đưa ba đứa em tôi về đây trú ngụ, sau khi ngôi nhà lầu ở Vĩnh Long đã bị tịch thu vì qui vào thành phần tư sản. Cha tôi lúc đó đã đi tù cải tạo; một chuyến đi cuối cùng không về trong cuộc đời đầy thăng trầm của ông. Tôi nhớ các em tôi, tôi thương cho chúng phải lỡ vỡ cuộc đời. Cuộc sống buồn như những câu thơ..

Từ khi chạy giặc rồi xa xứ,
về đất làng quê trọ nhà người .
Đây xứ buồn thiu tôi biết lắm,
em vẫn ngồi nhớ phố chợ vui...

Những ngày tháng gian nan đó, Mẹ tôi đã gồng gánh một mình với ba đứa con chưa hết tuổi trung học. Tâm trí bà lúc nào cũng quay quắt nhớ đến thằng con cả đã biệt tăm từ cuối tháng tư định mệnh. Cha tôi đã vào trại tù cải tạo. Bà bươn bã nuôi con. Bà buôn đầu này, bán đầu kia, xoay xở đủ cách để sinh tồn trong cái xã hội đang bị lộn ngược từ vật chất đến tinh thần, cuộc đổi đời. Trong một bức thư, em gái tôi kể một câu chuyện về mẹ tôi. Câu chuyện khôi hài nhưng đầy nước mắt:
...Trong những năm kinh tế quá khó khăn, thực phẩm không được vận chuyển qua vùng khác. Chợ không còn gạo bán, mẹ tôi và các em phải chia nhau đi về các miền quê tìm mua gạo. Một lần kia, mẹ tôi trở về sau một chuyến qua Cần Thơ tìm gạo. Chiếc ruột tượng đổ đầy gạo bà thắt chặc chung quanh bụng bên dưới lớp áo trong để che dấu. Khi qua phà Hậu Giang, bà lẵng lặng theo đoàn người bộ hành bước qua một trạm kiểm soát kinh tế. Toán công an hạch hỏi từng người một, và lục xoát hành lý, rỗ thúng của đoàn người qua phà. Mục đích họ là tìm thực phẩm, gạo thóc mua lậu về từ các nơi bị phong tỏa. Đến phiên mẹ tôi hồi hộp bước đến. Một gả công an đáng tuổi con cháu bà với đôi mắt cú vọ nhìn chằm chặp, thình lình lớn tiếng hỏi:
- Ê bà kia đứng lại. Bà đi đâu qua đây?

Mẹ tôi giật nảy người, hồn vía lên mây và chợt trả lời (rất) thật:
- Dạ, dạ...Tôi đi mua gạo bên Cần Thơ !!

Các người công an chợt buông tiếng cười rộ, nhìn nhau lắc đầu và khoác tay cho Mẹ tôi đi qua.

Mẹ tôi về đến nhà hoàn hồn, kể lại câu chuyện. Hàng xóm ai cũng cười và cho rằng mấy người công an thả mẹ tôi đi, không tịch thu số gạo dấu trong người, vì thấy một bà quá thiệt thà, không dám che dấu ..dù rằng đang đi mua gạo lậu!

Đọc thư, nghe em gái kể mà tôi thấy nghẹn ngào thương cho mẹ và các em tôi ngày đó quá vất vả gian truân để tìm sống. Cũng như câu chuyện đứa em trai tôi đôi khi phải giả làm người đi hát dạo, dấu gạo trong thùng đàn khi qua các trạm kiểm soát. Đứa em gái kế tôi thì phải bỏ học để theo các chuyến xe đò sớm lên Sài Gòn tìm mua hàng vải, dấu diếm đem về đi đò dọc vào các vùng xa xôi để bán kiếm lời nuôi mẹ và các em. Tôi nhớ hai câu thơ thật buồn không biết của ai đó, giống như thân phận em gái tôi:

"Áo có trắng những ngày lên khoắc khoải,
Đường xưa đi tập vở lãng quên rồi"

Thỉnh thoảng tôi nhận được thư và hình của mẹ gởi qua. Trong hình tôi thấy mẹ đã quá gầy so với ngày tôi còn ở nhà. Miếng đất vườn, mẹ tôi đã công lao vun quén để trồng nhiều loại cây có trái. Bà vẫn bảo để cho các cháu con thằng Hai ăn sau này khi nó về thăm xứ!

Xưa gia đình tôi tuy không giàu có nhất nhì thành phố nhưng cũng đầy đủ vật chất. Xe cộ, phòng ốc riêng biệt cho từng người một. Bây giờ, mẹ và các tôi phải tự mình làm ruộng để có gạo ăn. Đến khi đời sống dễ dàng đôi chút thì đứa em gái kế của tôi đi lấy chồng, và về lại thành phố buôn bán. Mẹ tôi lại sống đơn chiếc một mình với hai đứa con. Các gốc dừa bà trồng quanh nhà đã cao lớn và đầy trái. Các bụi nhản cũng đầy quả khi tới mùa. Cây soài tượng cũng đã cao quá nóc nhà, tỏa bóng mát đầy sân.
Gốc mai trồng trước ngõ cũng đơm đầy hoa vàng những độ Tết về, khiến lòng người mẹ càng buồn hơn khi đứa con xa xứ vẫn biền biệt chưa trở về. Bà ra vào trước sân quét lá, đếm từng tháng, rồi từng năm để trông con. Con rạch nhỏ trước nhà thủy triều lên xuống,lúc đầy lúc cạn, nhưng bà vẫn chưa có đứa cháu nào về ăn trái cây bà trồng để dành.

Cha tôi đã qua đời vì bệnh trong trại giam. Ông được đưa về, chôn cất nơi khu vườn hoang của quê nội. Trong một vài bức thư sau này, tôi nhìn giòng chữ của mẹ tôi run rẫy, đôi lúc không còn đọc được rõ ràng. Trong một câu bà viết mà tôi vẫn nhớ:...Bây giờ tay mẹ đã quá yếu, không biết lần tới mẹ còn viết cho con được nữa hay không?

Tôi khóc thầm vì nhớ mẹ, vì biết rằng trên đời này không ai thương mình hơn mẹ. Mẹ sinh ra ta, nuôi dưỡng bồng ẩm từ lúc lọt lòng. Con lớn lên đến trường, rồi ra đời, và tình mẹ vẫn mãi tha thiết trông ngóng bên con. Rồi chiến tranh cuốn hút con vào vòng lửa đạn. Lòng mẹ lại khoắc khoải từng ngày. Mẹ đi lễ từng ngày, cầu nguyện từng đêm, xin ơn trên che chở cho đứa con mình bình an. Có lần tôi được đơn vị đề cử để đưa quan tài của một sĩ quan bạn vừa tử trận về cho gia đình chôn cất. Đến nơi, nhìn thấy người mẹ của bạn khóc than vật vã, nước mắt bà như nhòa nhạt cả chiếc lá quốc kỳ bao phủ áo quan; lòng tôi cũng thấy tan nát, đớn đau theo. Tôi tự nghĩ, nếu là tôi nằm đó, và nỗi đau này là của chính mẹ tôi thì ôi càng thê thiết biết chừng nào...

Những năm tháng sau này tôi vẫn chưa về thăm mẹ được. Đại dương đã thăm thẳm chia cách đôi bờ. Tôi mãi canh cánh bên lòng mối u hoài nhớ đất nhớ quê, nhất là nhớ người mẹ thương yêu đang trông ngóng mình. Mẹ chờ đợi tôi từng ngày nơi ấy !

Nước lại dâng đầy con rạch. Chiếc xuồng nhỏ không biết ai đã tháo dây và bơi đi tự bao giờ. Gốc mai trước ngõ đang trổ những nụ đầu xuân. Nắng đang chiếu nghiêng, trời đã xế. Có tiếng đứa em trai tôi gọi anh Hai vào nhà uống nước. Tôi chậm rãi đứng lên, nói với mẹ:
" Mẹ ơi, lần này con về với mẹ rồi dăm bửa nửa tháng con sẽ lại đi. Mẹ đứng buồn nữa nhé. Cha đã về nằm trong thửa đất nhà mình, không còn lạnh lẽo trong khu vườn vắng ngắt ở Cầu Đôi nữa. Mẹ cũng không còn cô đơn nơi đây. Những đêm trăng sáng , các cháu sẽ đốt nến, thắp trầm, nô đùa bên cạnh mẹ. Những ngày mát trời chúng sẽ đến bên mẹ, chăm bón các bụi cúc vàng mà mẹ ưa thích. Con thích thấy mẹ nơi đây, khoảnh vườn thật đẹp..."

Tôi bước vào nhà, quay lại nhìn mẹ tôi. Bà vẫn mĩm cười dõi mắt theo tôi trong chiếc ảnh cẩn đá hoa, lung linh trong ánh sáng chiều, trên chiếc bia trước đầu mộ. Bụi trúc đang hát những hợp khúc với gió, xôn xao trong nắng vàng, như ru giấc ngủ thiên thu của Mẹ tôi ...

No comments:

Blog Archive