Còn một chút gì để nhớ
Nhữ Đình Hùng
Đây không phải là một câu chuyện tình như cái tựa đề ướt át,nhưng chỉ là những kỷ-niệm xưa sống lại và một đôi khi làm cho nước mắt doanh tròng. Nhớ lại những ngày đã trải qua của mình cũng như của những người cùng cảnh-ngộ,những người đã phải trả nợ cho việc phục-vụ quốc-gia bằng những năm dài cải-tạo !
Tôi không viết những dòng này với tâm-trạng thù-hận những người ở chiến-tuyến đối-nghịch với tôi hay với chúng tôi; " Được làm vua,thua đi cải-tạo" . Thôi thì vận nước nên đành. Chỉ xin được ghi lại đôi điều trong quá khứ để « mai sau có đốt lò hương,nhắc câu chuyện cũ để thương một đờỉ!
Đã có quá nhiều hồi-ký viết về cải-tạo.Chỉ thấy nói đến những nhục-nhằn,cơ-khổ.? Tiếp tục làm công việc này,tôi thấy thừa. Xin được đi tìm một khảo-hướng khác.
Vấn-đề cải-tạo có lẽ có hai bộ mặt.Một đằng là những người « bại-trận » bị đưa đi học-tập cải-tạo,trên lý-thuyết là giáo-huấn cho họ biết rõ đường lối và chánh-sách của đảng và nhà nước nhưng trên thực-tế là để cô-lập,kiểm-soát các thành-phần « phản-động » có khả-năng chống phá « cách-mạng ». Mặt khác là sự đề-kháng của phe bại trận bằng cách này hay cách khác. Một sự giao-lưu văn-hoá đã khởi đi trong yên-lặng,tù cải-tạo biết thế nào là cộng-sản trên thực-tế và phe cộng-sản chiến-thắng xuyên qua các chánh-trị-viên quản-giáo từ cấp sư-đoàn đến cấp trung-đội, xuyên qua các vệ-binh, đã bị thẩm-thấu từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm để biết, để nhận-thức rõ về cái gọi là chế-độ tư-bản.
Qua sự giao-lưu văn-hoá này, ai sẽ cải-tạo ai?!
1°) Cải-tạo tại chỗ, ông tổ phải chạy.
Sau cái ngày 30/4/75 thật là trời sầu đất thảm.Không kể bọn nón cối,tai bèo là bọn chiến thắng thứ thiệt, còn có thêm một lũ « cách-mạng ba mươi » cũng lăm le dính máu chia phần. Một số hồi nào là dân đào-binh,trốn lính cũng nhào ra lượm súng đạn rơi rớt, đeo băng đỏ vô tay để trở thành cách-mạng Một số nằm vùng cũng xuất-đầu lộ-diện,phần lớn ra nắm các tổ dân phố,trở thành gạch nối giữa chánh-quyền cách-mạng với nhân-dân. Nhưng trong những ngày đầu tiên,cái chánh quyền cách-mạng này không thấy bóng dáng ở đâu cả. Không ai biết điạ chỉ các nha, phủ, bộ, sở. Chỉ thấy toàn là thông cáo của ủy ban quân-quản kêu gọi nguỵ quân và nguỵ quyền ra đăng ký. Nếu địa-chỉ ủy-ban quân-quản hỏi cùng không ai biết thì các địa-điểm đăng-ký lại được chỉ rõ. Ít lâu sau,xuất hiện ủy ban cách-mạng phường, rồi tổ dân phố, một số do cán-bộ nằm vùng, một số bị chỉ-định, ai không muốn làm thì bị hăm he chống đối cách-mạng. Bị vậy mà mấy ông tổ trưởng chạy xất bất xang bang, bất kể giờ giấc, làm việc thì không lương mà xem chừng còn tận-tâm hơn chánh-quyền « cách-mạng ». Công tác chính của mấy ông tổ trưởng là huy-động nhân-dân làm công-tác. Đủ thứ công-tác Trước mắt là công-tác vệ-sinh. Sạch phố, sạch nhà. Sạch phố cũng dễ thôi. Dân không dám tiêu xài nữa thì còn có cái gì để xả. Sạch nhà càng dễ hơn nữa. Dân di-tản từ miền Trung vô, dân di-tản từ cao nguyên xuống, có bao nhiêu đồ đạc mang theo đâu mà không sạch nhà. Chánh-quyền miền Nam đi đong, công chức quân nhân không còn ai trả lương, đương nhiên là sạch túi. Hễ sạch túi thì sạch nhà. Có cái nghề mới là nghề « chà đồ nhôm ». Không phải là chà đồ nhôm cho bóng mà là chôm đồ nhà đi bán để kiếm sống. Nghề này đóng góp tích cực cho chiến-dịch làm sạch nhà. Nhưng không thấy cách-mạng biểu-dương Chỉ có bộ-đội là bắt đầu lỉnh-kỉnh, lề mề Không có tiền mà cái gì cũng muốn có. Quý nhất là cái đồng, cái đài, cái xe đạp, cái máy may; Không có tiền thì ta quan-hệ thôi. Gạo, thuốc lá, đồ trong kho quân tiếp vụ vụ hay của Tổng cuộc tiếp tế cứ dần dần biến mất Để bộ đội xuất hiện cảnh « tay đeo đồng, mong đeo đàỉ ». Eo ơi, miền Nam nhiều hàng hoá quá. Ấy ấy, phồn vinh giả tạo, ế thừa của đế quốc đấy!
Nhưng không cấm bộ-đội đi bộ cả ngày kiếm đồ để đội. Rồi đến bọn con buôn chui lọt ở ngoài Bắc vào, cứ là đội đồ nhớn đồ con, thương vàng hạ cám đồ gì cũng đội về Bắc.
Trở lại công-tác của các ông, bà tổ trưởng. Họ bị gọi đi họp liên miên. Rồi về thông-báo cho các hộ dân phố. Nào là thúc-hối nhà có nguỵ quân ngụy quyền đi đăng ký học tập cải tạo, nào là thông báo qui-định chánh sách của « cách-mạng » về quản-lý trị-an, về phân-phối nhu-yếu phẩm..Dân miền Nam bật ngửa trước việc phân phối mỗi đầu người nửa lạng thịt mỗi tháng hoặc 100 grs đường mỗi đầu người, hoặc mỗi hộ vài muỗng cà phê bột ngọt mỗi tháng. Các ông bà tổ trưởng « phấn khởỉ », « tích-cực trong công tác »: Ủy ban nhân dân phường triệu tập học tập chánh-sách vệ-sinh lúc 10 giờ, ông bà tổ lo chạy thúc giục nhân dân, đập cửa từng nhà nhắc nhở từ năm sáu giờ sáng. Cũng tốt thôi! Tưởng học tập cái gì quan trọng,té ra là mỗi hộ phải đào một hầm xí có nắp đậy cho hợp với vệ-sinh xã-hội chủ-nghiã. Thắc mắc nêu lên là nhà có cầu tiêu máy rồi thì sao? Chờ phản-ảnh lên trên! Nghe đâu có bộ đội nuôi cá trong bồn cầu mà bị mỹ-ngụy ăn cắp Anh ta chỉ giật nước một cái để có thêm nước nuôi cá mà cá bị đánh cắp ngay. Thật là tội ác mỹ ngụy đầy giời Ấy, nhân dân còn học mười bài tội ác Mỹ Ngụy nữa đấy. Ông bà tổ cứ là chạy thấy ông thấy bà. ..tổ. Mà dân ngụy cũng phản động lắm, lại phát biểu … « cứ nà ninh tinh thôi ». Thành quả cách mạng thì nhờ cách mạng thành công mà việt cộng thôi pháo kích vào thành phố; Mỹ là con đĩa hai vòi vừa hút máu dân trong nước, vừa hút máu dân nước khác thì phản ảnh là Mỹ ngu thấy mẹ, mình chôm đồ nó dài dài mà nó không biết!
Học chánh sách tập thể hoá nông nghiệp thì «chánh-sách người cày có ruộng » của Thiệu đã bần-cùng-hoá nhân dân, mỗi người chỉ được phép có 5 mẫu ruộng, còn với cách mạng thì nhân-dân làm chủ cả đất nước! Chán phát biểu « ninh tinh », dân thấy cải-tạo tại chỗ là tổ chạy. Báo hại ông bà tổ phải chạy kiếm bắt tham dự học tập rồi bình bầu tổ viên tích cực, tổ viên tiên tiến.
Đó mới là cải tạo chung chung cho nhân dân cả nước, còn cải tạo nguỵ-quân ngụy quyền thì lại khác!
2°)Mặt ngoài cải tạo, cốt lõi tập trung,
Vừa phòng phản động, lại dùng lao-công!
Mẻ lưới tung ra để tóm ngụy quân ngụy quyền phải nói là tinh-vi. Trước tiên là gọi học tập tại chỗ dành cho binh lính và hạ sĩ quan cũng như đối với công chức. Học có 3 ngày với yêu cầu tự túc lương thực thực phẩm đủ dùng cho 3 ngày. Sau đó là mãn khoá, cấp giấy chứng nhận đã theo học cải tạo. Ít lâu sau đó là sĩ quan từ cấp thiếu tá đến cấp tướng,công chức cao cấp chuẩn bị lương thực thực phẩm hoặc tiền để đủ dùng trong một tháng một tuần sau là đến lượt sĩ quan cấp úy chuẩn bị lương thực, thực phẩm, tiền đủ dùng cho mười ngày. Cấp tướng tá chưa hết hạn nên cấp úy không nghi ngờ gì, chui đầu vào bẫy. Nếu sau một tháng mới gọi cấp úy, thấy tướng tá chưa về, cấp úy có thể có nhiều người trốn, cho nên « cách-mạng » phải gọi ngay sau khi cho tướng tá vô tròng. Mẻ lưới tinh vi tóm gọn hết nguỵ quân nguỵ quyền Kế đó là đảng viên các đảng phái phản động. Ấy thế là các trại tập trung mọc ra ở cùng khắp Trại giam là một nhà tù nhỏ. Trại cải tạo là một nhà tù lớn hơn. Cả nước là một nhà tù vĩ đại. Ở ngoài, nhân dân được tổ chức thành đơn vị lao động, theo phường khóm, kiểm soát bằng sổ hộ khẩu, bằng chế độ tem phiếu phân phối nhu yếu phẩm. Trong trại tập trung,tù cải tạo cũng được kiểm-soát chặt chẽ. Các trại cải tạo lúc đầu đặt dưới sự kiểm soát của ủy ban quân quản nên do quân đội kiểm soát, được tổ chức theo cấp sư đoàn. Mỗi sư đoàn cải tạo gồm nhiều trung đoàn, mỗi Trung đoàn gồm 4 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn gồm bốn đội, mỗi đội lại chia thành bốn khối. Khối lại chia làm trung đội, tiểu đội. Môi tiểu đội có một tiểu đội trưởng (A trưởng), Trung đội có trung-đội trưởng (B trưởng), đại đội có đại đội trưởng trưởng (C trưởng hoặc khối trưởng)Tù cải-tạo chúng tôi gọi đùa cấp-trưởng của mình là tù-trưởng. Về phiá « cách mạng », tiểu đoàn gồm có tiểu đoàn trưởng vệ binh, tiểu đoàn trưởng hậu cần và chính ủy tiểu doàn. Vệ binh có nhiệm vụ bảo vệ trại, hậu cần có nhiệm vụ lo nuôi ăn và nhu yếu phẩm(nếu có), chính-uỷ lo việc cải-tạo tư tưởng. Chính ủy coi ban chánh trị tiểu đoàn gồm nhiều quản giáo, đó là những chính trị viên cấp đại đội. Các quản giáo thường xuyên sinh hoạt với đôi do mình phụ trách, mục tiêu là « động viên để an tâm học tập », chánh yếu là kiểm soát tư-tưởng thể hiện qua ngôn từ, hành động!Cách tổ chức ở các cấp cao hơn cũng tương tự.
Tôi và một số bạn đồng nghiệp đi trình diện ở trường Nguyễn Bá Tòng, được chuyển đi cải tạo ở Trảng Lớn,tiểu đoàn ba. Chỗ chúng tôi ở là bộ chỉ huy của sư đoàn 25 BB,khi đến hãy còn bừa bãi quân trang quân dụng cá nhân vứt bỏ lại. Không có chỗ ăn, chỗ ngủ, chúng tôi phải quét dọn bằng những thứ dụng cụ « tự biên tự diễn », Không một ai trong bọn chúng tôi nghĩ đến việc giữ lại các quần áo, ga-men, bi đông nhôm hay nhựa với cốc uống nước. Chỉ vài ngày sau những thứ này đã trở thành tài sản quý giá.
Chúng tôi được phân chia thành từng A,B,C như đã nói ở trên,mỗi C được chỉ định một khu vực, chia nhau ra một số làm vệ sinh doanh trại, một số làm công tác hậu-cần gồm đi lãnh nhai chảo đụng lớn, lãnh gạo và muôi. Nhiều sĩ quan đã tỏ ra rất tháo vát. Với hai cái chảo đụng cỡ lớn để nấu cơm và nấu thức ăn, các sĩ-quan tham gia việc nấu bếp đã cố gắng nấu cơm và nấu nước cho anh em! Chảo kê trên mấy hòn gạch, củi chụm là vách của vài căn nhà trong khu vực Khối của chúng tôi và một khối nữa được chia cho gian nhà nguyên là phòng ăn của sư đoàn 25BB, nền tráng xi măng, vách bằng gỗ thông hai lớp. Trong ngày đầu ngủ ngay trên nền xi măng, cơm ăn với muối, ai có mang theo thức ăn khô thì đỡ hơn. Tôi trong túi chỉ có hơn hai ngàn đồng VNCH,nghĩ là 10 ngày, mỗi ngày tiêu 200. Tới nơi mới biết là một sai lầm lớn!
Cơm trong những ngày đầu là gạo trắng (gạo Mỹ tròn) ăn với « muối mỏ ». Đây là một thứ muối vét ở đâu đó, lẫn bùn cát. Ngụy bén cải tạo muối đen thành muối trắng bằng cách gạn lọc, nấu lại. Các vệ binh cộng sản xem chừng thán phục « óc sáng tạo tài tình » của sĩ-quan ngụy nhưng quản-giáo đội sau đó lên lớp là còn đầu óc tiểu tư sản. Cả tháng trời ở tiểu đoàn ba Trảng Lớn chả học tập gì cả, lao-động cũng chưa có gì, quanh đi quẩn lại cũng chỉ vệ sinh doanh trại rồi lại vệ sinh doanh trại. Vài hôm sau khi tới trại,các quản giáo bắt đầu cho « biên-chế » lại các đơn -vị, lập danh sách tổ, chỉ định A trưởng,B trưởng, Đội trưởng,tổ chức bếp với chức bếp trưởng và cử người trực nhật bếp, lo việc nấu nước, nấu cơm và lãnh gạo. Gạo trắng Mỹ bắt đầu được thay thế bằng « đại mễ Trung Quốc », gạo bỏ vào nước vo nổi lềnh phềnh, gạo đầy sâu,buổi đầu anh em bếp viên còn nhặt sâu, nhưng không xuể, sau đó thì vo qua để loại bỏ đất bụi còn cứ thế cho vào chảo nấu, nói là giữ cám cho có vitamine B, còn sâu thì cho có chút protéine, trong những ngày đầu không có tiếp thế thực phẩm gì khác. Sau đó có tiếp tế nhỏ giọt, khi một tuần một lần, khi hai tuần, không có thời biểu nhất định. Tù cải tạo thắc mắc hỏi sao sau mười ngày chưa về, câu trả lời có sẵn « đã học tập đâu mà vể, cứ yên tâm học tập, nhà nước bảo đảm chánh sách đã qui-định ». Nói về gạo mục, sâu thì được trả lời « như thế là các anh phải vui vì kho tích lũy còn nhiều nên mới có gạo bị mục, nếu phải ăn gạo mới ‘ tức nà’ ta hết dự-trữ đấy! Hỏi về tiếp tế thức ăn thì « sau cách-mạng, nhân-dân còn nhiều khó khăn ». khẩu phần gạo tính theo đầu người lúc đầu còn là 500grs, chia làm 100grs cho điểm tâm (chủ-yếu là cháo thôi ). Cơm trưa cơm chiều « bình-quân » mỗi người được quãng hai bát; Thỉnh thoảng có tiếp tế khi thì xe cải bắp,khi thì xe rau muống, bí đỏ…Mỗi lần chỉ một thứ hàng, để dành ăn trong một tuần (trên lý thuyết). Mỗi bếp khệ nệ lãnh độ 50 cải bắp để ăn cho cả tuần, thiếu phương tiện bảo quản, bếp chia cho 4B mỗi B 10 cải bắp tự do cải thiện, còn bếp nấu 10 cải bắp ngày đầu tiên gọi là « canh toàn quốc »,bởi vì bếp nấu cho cả trăm người, Tính ra mỗi người được chừng hơn một lá cải bắp còn thì toàn nước là nước vì thế gọi là canh toàn-quốc. Cải bắp để vài ba hôm, bị nóng nên thối ra, mùi không chịu nỗi, thế là phải thanh toán nhanh, thanh toán mạnh một hai ngày cho xong. Không thể làm dưa được vì thiếu muối. Rau muống cũng thế, khẩu phần cả tuần phải ăn ngay vì không thể để lâu được, chỉ có món bí đỏ là có thể giữ được nhiều ngày. Hoạ hoằn lắm mới có « chất tanh » nghĩa là cá. Thời gian tôi ở Trảng Lớn trên một năm,Hình như chỉ được cung cấp ba,bốn lần chất tanh,lần nào cũng vào ban đêm. Kẻng báo động tập tọp khẩn, cử lao-động đột xuất đi lãnh cá, mỗi bếp lãnh khoảng muời con loại cá biển không biết tên là loại cá gì, thường thì đã đạt tiêu chuẩn « ươn cao cấp ». Bếp không thể bảo đảm làm cá ban đêm, chia luôn cho B, thế là mỗi B tự lo việc làm cá, mà phải khẩn-trương vì càng để lâu càng ươn nặng! Thế là tối đó bếp con bếp nhỡ linh tinh, nấu nướng chia chác ít ra đến gần sáng mới xong, mỗi người được đến chừng..ba muỗng cà-phê cá. Về sau anh em có kinh nghiệm, lãnh cá làm sơ sơ, bỏ kho hầm nhừ cốt lấy nước, chia mỗi người khoảng nửa chén « xột xệt » để ăn dần. Trong những ngày đầu,doanh trại còn nhiều rau hoang mọc dọc theo hàng rào,anh nào tháo vát có thể kiếm được chút đỉnh chất tươi :rau sam, càng cua, rau dền dại, nhãn lồng, rau chó đẻ…Sau thì nhiều người « cải-thiện » quá, rau dại cũng tuyệt chủng luôn, đúng là tội ác mỹ ngụy :diệt sinh,diệt chủng, diệt môi trường sống Rồi,khẩu phần cơm cũng được giảm đi « vì nhân dân ta có nhiều khó khăn quá,các anh khắc phục thôỉ » thay vì 500 grs gạo thì chuyển sang 500 grs bo bo,hoặc một kí gạo đổi thành 3 kí khoai lang…sùng hoặc 3 kí khoai mì…sượng.Thiệt là đổi gạo thấy sượng sùng! Có lẽ trong giai đoạn này mà bình dân đã đổi lời ca của bài hát cách mạng gì đó thành « cây cuốc cong về Bình Long cây cuốc gẫy, cây cuốc thẳng mình làm rẫy thấy bà, từ giặc Bắc vô đây đầy mình đi kinh tế mới, lao động suốt ngày mà không có gạo ăn..Tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán lắm, tổ quốc ơi ,ta lao động dài dài, từ giặc bắc vô đây, ta lao động bằng hai ». Trong thời kỳ ăn khoai mì, khoai lang, bo bo này, nhiều tù cải-tạo bị phù, bị ghẻ. Càng thuộc binh chủng hoàng-gia bao nhiêu, càng bị bịnh nặng chừng đó. Lính tàu bay, tàu thủy đa số mắc bịnh phù, chỉ có lính bộ binh là chịu đựng giỏi. Thuốc men trong trại cải tạo hầu như không có gì cả, bịnh gì cũng cho « bé-vi-ti-ne », loại nhỏ bằng hột bột báng. Mà muốn bịnh còn phải đăng kí trước! Trước tình trạng bịnh như vậy, ban chỉ huy tiểu đoàn đã tìm cách « khắc-phục »
Dó là kế-hoạch trồng rau và nuôi heo. Tù góp tiền lại mua hột giống và mua heo con về nuôi, mỗi đội một con.(Trên thực tế thì khi vào trại, đồ đạc đã được kiểm kê, tiền phải gởi cho ban chỉ huy trại rồi). Nhưng tù cải-tạo cũng « hồ hỡi phấn khởi » lắm vì hi vọng có rau, có thịt. Nhưng muốn trồng rau thì phải làm đất, muốn nuôi heo thì phải có thực phẩm nuôi. Tù cải tạo bắt đầu lao-động. Chỗ đất nào trồng trọt được là dùng để tăng gia, ngay cả đường đi cũng được be bờ làm luống trồng rau. Một phần đất được trồng rau dền, một phần được trồng rau muống. Đất cần phải có phân bón, trông mong vào sức sản xuất phân của tù cải tạo. Nhưng trong lãnh vực này,không thể nào vượt chỉ-tiêu được vì làm sao mà « ăn ít ị nhiều được ». Tù nào ăn bậy bị tháo tỏng được đồng bạn biểu dương « vượt chỉ tiêu, thiếu chất lượng » Trồng rau thì phải tưới Phải đào giếng Tưởng tượng là làm đất bằng cọc sắt ấp chiến lược, đào giếng cũng bằng cọc sắt ấp chiến lược, vét giếng bằng nón sắt, múc nước giếng cũng vậy, giây làm bằng sợi ni lông rút từ bao cát ra xe lại. Những công trình chưa từng thấy ở ngoài, nhưng trong tù cải tạo,sĩ quan ngụy đã tiếp tay nhau thực hiện. Muốn nuôi heo, phải nhịn cơm. Cơm cháy trước kia chia nhau, nay dành nuôi heo, một phần rau dành nuôi heo. Đương nhiên tù cải tạo ăn giảm rau, giảm cơm. Đã đói càng thêm đói. Phản ảnh lên ban chỉ huy, quản giáo lên lớp giải-thích: « cơ bản là các anh không đói, các anh chỉ ăn không đủ no thôỉ ». Nhờ có cái cách mạng khoa học kỹ thuật áp dụng phân bắc phân xanh đầy đồng mà rau cũng đã xanh tươi hơn. Một nắng, một nước, một phân. Rau dền, rau muống, củ cải, rau khoai lang cứ mọc lan ra. Nhưng tù còn nộp rau cho ban chỉ huy trại nữa gọi là nghĩa vụ lương thực thực phẩm cho nhà nước. Bởi vậy, vừa đi tưới phân cho rau, tù vừa xuyên tạc : "phân tù nuôi cách mạng".
Hỏi nhau chớ thấy vậy có buồn không,tù thủ thỉ với nhau « Sao lại buồn Mình vì mọi người mà. Ai không lao động mà ăn thì thuộc thành phần bóc lột Mình chỉ buồn khi nào đi cầu thôi. Cái đó gọi là buồn ị »Nói chung lao động ở Trảng Lớn không thấm thía gì so với Kà Tum,trại mà tôi bị chuyển đến sau Tết năm 76. Mà nghe nhiều bạn tù cải tạo ở nơi khác chuyển đến Kà Tum thì ở đó được coi như thiên đường rồi. Như vậy, ở những nơi khác còn khó khăn hơn nhiều về mặt sinh hoạt cũng như về kỷ luật.
Xét về thành phần cải-tạo tập trung ở Tiểu-đoàn 3 tại Trảng Lớn, đa số là công-chức, giáo-chức biệt-phái, trong số này có nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, nhà thơ Mai trung Tĩnh..Tôi với Mai Trung Tĩnh (tên thật là Nguyễn Thiệu Hùng) vốn là bạn đồng sự ở ngoài đời nên đã cùng đi trình diện một ngày ở trường Nguyễn Bá Tòng nên được phân phối về cùng một tiểu-đoàn, lúc đầu ở cùng một khối. Anh Hùng này rất dễ tin, cứ quyết đoán với chúng tôi là sau 10 ngày sẽ về: « tụi nó thắng rồi, giữ bọn mình làm gì ».Sau 10 ngày vẫn chưa về, anh cũng vẫn an tâm theo lời quản giáo: « ừ,tại tụi mình chưa được học tập chính sách nên chưa về, học xong là về chứ họ giữ mình làm gì ». Trong số chúng tôi có một anh bạn mà gia đình đã biết về cộng sản đã bảo khẽ với chúng tôi: « chẳng có học tập rồi về đâu chúng mình cứ là dài cổ ra nhiều người ở ngoài Bắc, bị bắt sau 54 cũng chưa được thả ». Còn tôi thì diễu cợt « hãy trông ra núi Bà Đen,Bao giờ Bà Trắng thì em được vể ». Anh Hùng có vẻ thất vọng vì sự bi quan của chúng tôi. Anh cũng bị gọi lên làm việc với quản giáo của tiểu đoàn vì có huy chương của Đại Hàn, Thực tế thì đó chỉ là thứ huy chương ăn giỗ, nói theo kiểu miền bắc thì là « hữu nghị », nghe nói anh bị quản giáo hù dọa đủ thứ tội nào là CIA của Mỹ cài lại, nào là tình báo của Đại Hàn.. Ít lâu sau anh bị thuyên chuyển sang tiểu đoàn khác, hình như cùng một tiểu đoàn với Phan Lạc Giang Đông, một nhà thơ khác của Không Quân.
Ngoài lao động ra,Tù cải tạo ở tiểu đoàn 3 dành phần lớn thời gian để cải thiện sanh-hoạt. Một phần thời gian dành để làm đi làm lại các bản tự khai,sơ yếu lý lịch trích ngang. Trong những lần đầu tiên làm lý lịch, tù cải tạo được chiếu cố, có thêm được nhu yếu phẩm thuộc mặt hàng bồi dưỡng như thuốc lào, đường thẻ loại viên hình vuông bề cạnh độ 2cm…Vài ba hôm sau lại bắt khai lại vì lý do chưa đủ, chưa đúng, phải thành thật khai báo đầy đủ vì cách mạng biết hết nhưng để cho các anh tự giác Nhiều anh đã tự giác khai thêm, thế là được biểu dương và tất cả lại phải làm lại theo gương anh bạn giác ngộ Nói là sơ-yếu lý-lịch nhưng phải khai rõ từ tam đại hai họ nội ngoại,bên chồng,bên vợ,con cái, quan hệ bạn bè thân…Trước khi làm tự khai sơ yếu lý lịch, quản giáo đã « lên lớp » để giải thích sự cần thiết phải khai báo thành thực, phải nói rõ chỗ chôn giấu kho tàng, vũ khí của ngụy, người hoặc tổ chức cài lại của CIA v.v.Thời gian tự khai kéo dài từ 2 đến 4 ngày, không phải lao động ngoại trừ những người bị biên chế vào tổ làm bếp. Quản giáo rất khó chịu vì việc ngụy quân chỉ dành khoảng nửa tiếng đến một tiếng để khai báo, còn thì lè phè bếp nhỏ bếp con, thuốc lào thuốc rê. Sau thu- hoạch, quản giáo lên lớp phê bình anh em không thành khẩn khai báo, không chịu động não..Thực ra thì ở miền Bắc, khai báo có khi 4 ngày chưa xong, vì các vệ binh, cán bộ có trình độ « cao quá cỡ » vừa đánh vần vừa viết, chẳng những phải động não mà có khi tích cực quá đi tới động kinh, khai cả tuần cũng chưa xong còn phải xin thêm thời gian để dứt điểm; vả chăng, khai mất nhiều thời gian thì lao động ít đi. Đâu có như ngụy miền nam « tay tiên một vẫy đã mười khúc ngâm ». Một lần, sau khi khai sơ yếu lần thứ..không biết là thứ mấy, tôi đọc thầm cho anh bạn đồng tù bài thơ mới sáng tác :
« Bố biết sau này con lớn lên,
Đời con rồi sẽ lắm ưu phiền,
Bởi vì con đã là con bố,
Mang kiếp ngụy quân với ngụy quyền !
Bố thấy trong lòng bố đớn đau,
Cha làm,con phải chịu về sau,
Cho nên bố chết từng giây phút,
Khi nghĩ về con lệ bố trào »
Thực thà thì tôi cũng có nhiều lần khóc trong đêm, nước mắt dạt dào nhưng chưa bao giờ khóc thành tiếng, nhưng anh bạn này có lẽ đã quá xúc động nhớ vợ thương con nên đã bật tiếng khóc hu hu. Quản giáo đã yêu cầu anh phản ảnh trược đội « ný ro » vì sao anh khóc, vì không yên tâm học tập hay vì không tin tưởng chánh sách của cách mạng, anh đã trình bày rằng nhờ cách mạng giáo dục mà anh mới biết anh đã lầm đường lạc lối đi theo ngụy quân ngụy quyền. Sự thành khẩn của anh được biểu dương trước đội nhưng sau đó anh được biên chế Đồng Ban, một trại ở giữa Trảng Lớn và Kà Tum, để có điều kiện hôc tập tốt hơn. Khoảng trước Tết 76, có một đợt cho về vì « tiến bộ » mặc dù mới học tập có hai ba bài chi đó Trong số những người cho về này, có nhiều người đã từng bị đưa ra kiểm điểm vì mất đoàn kết, trốn lao động..nhiều tù cải tạo không biết tiêu chuẩn tốt như thế nào . Với quản giáo thì: "các anh cứ yên tâm học tập Đảng và nhà nước đã có chánh sách Trước sau rồi cũng về ».Nhưng mà khi nào? Câu trả lời xem cũng đã có chuẩn bị « hễ tốt là về » Thế nào là tốt? Có tiến bộ trong cải tạo tư tưởng,cải tạo lao động .Thế nào là tiến bộ ? Là có phấn đấu cải thiện bản thân? Ai sẽ xét các trường hợp này ? Ở trên? Trên là ai? Là cách mạng, cách mạng biết hết, biết rõ, biết xuốt… Nếu cứ tiếp tục hỏi,thì sẽ " phản ảnh lên trên để có cái trả lời " hoặc « các anh có vấn đề thế này là chưa yên tâm học tập đấy, chưa tin tưởng vào cách mạng đấy ».
Rồi thì những buổi học chính trị cũng được tổ chức, mỗi bài sau khi « lên lớp » xong cũng phải thảo luận,thu-hoạch tới ba bốn ngày. Ngoại trừ toán lao-động nhà bếp,tất cả được miễn công tác để « học tập cho tốt », cơ bản là cách mạng tốt, Mỹ Ngụy xấu, khối cộng giúp csvn thì là nghiã vụ quốc tế, Mỹ viện trợ cho miền Nam là thực thi chủ nghiã đế quốc thực dân kiểu mới, các nước tự do giúp miền Nam là vi phạm trâng tráo trắng trợn vào nội tình Việt Nam,các thương vong của dân chúng trong vùng cs kiểm soát là tội ác của Mỹ Ngụy giết dân lành vô tội, còn csvn pháo kích, giật mìn hay tàn sát dân chúng trong các cuộc giao tranh thì là « cách mạng đã giệt Mỹ ngụy và bè lũ tay sai (một đôi lúc còn thêm cả ‘ác ôn’ vào cho nâng cấp căm thù,cho có giai cấp tính ). Tù cải tạo không ở chung với nhau lâu. Khoảng trên dưới một năm là bị điều đi nơi khác, người ở lại thì được biểu dương là thành phần tốt được chờ nhà nước xét, người đi được động viên là thành phần tốt được cách mạng tạo cơ hội để tiến bộ hơn nữa…Cuối cùng thì anh em tù cải tạo chỉ còn tin tưởng vào khẩu hiệu « thắng lợi,thắng lợi, đại thắng lợi »( đại thắng lợi nói lái lại thành « đợi thắng lại »,cũng như « đại thắng lợi ảnh bác Hồ lộng kiếng » tức là « đợi thắng lại ảnh bác Hồ liệng cống ») !
Sau Tết 76 vài tháng, một số không ít tù cải tạo ở Trảng Lớn được đưa đi Kà Tum. Tôi cũng nằm trong số này. Khi tới nơi,tù cải tạo Trảng Lớn mới thấy chỗ cũ là thiên đường. Ở Trảng Lớn dù nằm đất, ít ra cũng còn có nhà cửa đàng hoàng, tuy chật hẹp nhưng anh em sát cạnh nhau, tù tiểu đoàn này còn thấy tù tiểu đoàn khác qua hàng rào kẽm gai.. Đến Kà Tum,quang cảnh khác hẳn Tiểu đoàn có tháp canh cao, rào với giao thông hào có đặt chông. Chung quanh trại là rừng xen lẫn với những trảng cỏ tranh. Trước khi chúng tôi đến vài ngày, đã có một đợt biên chế đi nơi khác, chúng tôi vào trám chỗ cho họ! Tiểu đoàn 3 Kà Tum!. Nhà cửa do tù làm lấy, nhà tranh, vách bằng cỏ tranh bện, giường cá nhân bằng sạp tre do tù làm lấy Khi toán tù trước ra đi, các giường này đã bị các tù tại chỗ chiếm lấy, tháo rời nhét dưới gầm giường của mình. Tù mới tới được phân phối về lán, hoặc nằm đất, hoặc quan hệ để mua giường cũ..Có người đổi giừng lấy năm táng đường, hoặc tiền khoảng một đồng…Cũng không đáng trách vì trại này lúc chúng tôi đến rất uộm thuộm, tù đa số là dân tác chiến còn trẻ, cấp cao nhất là trung úy…Đa số gầy ốm,quần áo rách bươm vì phải đi lao động trong rừng bị gai tre, mây quào, công tác lao động chính là đi « cải-thiện » (thiện ở đây hiểu nghĩa là bữa ăn như ngự-thiện, cải thiện chỉ có nghiã là sửa chữa bữa ăn cho có chất tươi,món chính là măng trúc; các bạn tù ở đây nói là một ký măng là một ký máu, vì rừng trúc có rất nhiều vắt, họ hàng của nhà đỉa, bám vào hút máu tù đi hái măng !
Vài ngày sau khi chúng tôi tới, có một buổi lên lớp để động viên anh em yên tâm học tập, đây là giai đoạn lao động cải tạo Anh em đã cải tạo tư tưởng tốt, nay phải phấn đấu tốt hơn qua lao động cải tạo để mau chóng về xum họp gia đình. Đến tối,anh em đấu láo với nhau muốn lao động tốt thì phải ăn tốt, ăn tốt thì được …ị tốt,sản xuất phân có chất lượng để tăng gia năng xuất sản xuất rau xanh để được…ăn tốt !
Công tác lao động đề ra cho những ngày kế tiếp là cải thiện nơi ăn, chốn ở. Trong đội chúng tôi có một anh vừa được biên chế về cùng đợt cũng tên là Hùng, nguyên là kiến trúc sư ở ngoài đời, được đề nghị làm « công trình sư » cho tiểu đoàn. Anh hoạch định là cách phối trí của tiểu đoàn, làm lại các lán cho tù ,cho vệ binh, cho quản giáo, cho hậu cần…nhưng bước đầu là làm nhà cho tù..Nhưng dụng cụ thiếu đủ thứ,có anh tình nguyện nếu được đi phép về nhà sẽ mang lên đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc xây cất như cưa, bào, đục chạm…nhưng bị « cách mạng » từ chối vì trên đã có kế hoạch!
Kế hoạch cũng thần sầu quỷ khốc lắm. Mỗi B cử một đội đi công tác, nhà bếp nấu cơm cho mang theo. Dưới sự hướng dẫn của quản giáo và có vệ binh mang súng theo ‘bảo-vệ’,tù được dẫn đến một tiền đồn cũ của quân đội VNCH, tháo dỡ kẻm gai, cọc sắt , đai sắt các thùng gỗ đựng đạn, vĩ sắt của phi trường dã chiến.. Cứ thế ta ‘hồ hỡi phấn khởi’ mang về doanh trại thôi. Dụng cụ cung cấp cho công tác là hai cây mã tấu. Hết công tác này là công tác đi chặt cây về để làm than. Vì không có nhiều dụng cụ nên lao động tương đối còn phè, tổ năm người chặt ba cây đường kính quãng một tấc, dài 4 thước, công tác làm độ nửa ngày là xong, còn thì vệ sinh bản thân Sau đó,tổ chức đội thợ rèn,có than,có cọc sắt ,bắt đầu rèn dao, làm liềm, làm cuốc, xẻng..Không biết bằng cách nào, tổ thợ rèn đã làm ra cả cưa! Thế là cuộc cải tạo lao động đi vào qui hoạch Chỉ tiêu lao động dần dần được tăng lên, ban đầu chặt năm người ba cây, sau mỗi người một cây, rồi chất lượng cây dần dần gia tăng, từ cây đường kính 10 cm dài 4 thước thành cây đường kính 20,dài 4 thước nhưng..thẳng để làm nhà.Lần lần tù phải tổ hợp thành toán hai ba người để chặt chung với nhau, khiêng chung với nhau nếu không sức một người không vác nổi Lao động dần dân được chuyên biệt hoá,có phân công: tổ chặt cây,tổ đánh tranh, tổ cắt tranh,tổ tăng gia, tổ rèn, tổ đông y, tổ đan cót, tổ cải thiện…Trong các tổ,có tổ nấu bếp,tổ đông y là tương đối nhẹ, còn các tổ khác, lao động vất vả..Nhiệm vụ tổ nấu ăn là bảo đảm buổi sáng khi đánh kẻng báo thức phải có nước sôi phát cho tù đi lao động, có phần cháo sáng cho tù mỗi người quãng một bát, không đến nỗi là cháo toàn quốc nhưng chắc chắn không phải là cháo đặc Sau đó phải lo cơm trưa, canh rau (rau dền,rau lang,rau muống,măng trúc..mỗi người vài cọng, cơm khoảng non hai bát),cơm chiều cũng như thế Buổi trưa, buổi chiều phải lên hậu cần tiểu đoàn lãnh gạo. Có lúc không có gạo, được cấp phát khoai mì, khoai lang, bo bo, bột mì. Lúc đầu,khi lãnh bột mì, không biết làm gì để ăn,nnhà bếp làm bột luộc, sau có anh biết làm bánh mì, huy động anh em đi giỡ mái tôn đồn lính VNCH về làm lò, anh em được ăn bánh mì cải tạo mới ra lò thì dòn nhưng để nửa buổi sau thì cứng nhưng cũng còn dễ ăn hơn bột luộc! Tổ đông y gồm các bác sĩ, dược sĩ ngụy, các sĩ quan trợ y..Nhiệm vụ chính là đi hái các cây thuốc nam, thuốc bắc, lúc đầu có y sĩ ‘cách mạng’ đi kèm nhưng dần dần thì được tự do đi tìm thuốc. Mỗi ông y sĩ, dược sĩ ngụy vác theo một túi dết, một cái cuốc hay xẻng đem theo, đào các thứ cây mật nhân, hà thủ ô, hái các loại cây chùm bao, nhãn lồng hoặc leo cây hái các thứ cây như cây tổ rồng..Xong rồi phơi phóng,nấu cao…Các loại thuốc này, một phần nhỏ dùng chữa cho tù nhưng phần lớn là để nộp lên trên, chẳng biết có công hiệu không Tổ đông y này cũng coi việc chữa bệnh cho tù cải tạo,thuốc men cũng chẳng có gì ngoài ‘bé vi ti ne’ thì mật nhân..Mật nhân rất đắng, chỉ cần một chút cho vào nước là đủ đắng, cho một ít nước gạo rang cho thơm là thành ‘cà phê cải tạo’. Nếu bệnh nặng không có phương tiện thì gởi lên bệnh xá trung-đoàn nhưng thuốc men thì cũng chẳng có gì, thà ở lại trại nhiều khi lại có thuốc của anh em cho..Các tổ lao động khác thì lao động ‘bá thở’, từ bị thương tới chết. Sau khi lán trại của tù làm xong, cũng mất cả năm trời, đến lượt nhà của vệ binh, quản giáo, hậu cần.Nhất định là phải có chất lượng hơn nhà của tù cải tạo!
Rừng ở xung quanh do các lao động ‘chỉnh đốn cơ ngơi’ cứ dần dần quang ra, thế là ta chuyển thành đất tăng gia sản xuất. Chất bổi đốt các gốc cây sau khi đã đản, đốt các bụi nhỏ,diệt cỏ…Sau đó, đến cuốc đất phá đất, trồng bắp, trồng đậu, toàn những thứ cần phải tưới nhiều..Thế thì lao động cứ tích cực thôi. Nếu không có người nhà thăm nuôi thì cứ coi như là…tiêu diêu cực lạc. Cũng trong thời gian làm nhà, tù cũng làm thêm nhà thăm nuôi để gia đình đến thăm và tiếp tế cho tù an tâm học tập Và sau thăm nuôi, sức khoẻ của tù được thăm nuôi đã khá hẳn hơn, nhờ có tiếp tế thuốc men, lương thực như ruốc, nước mắm kho khô, tôm khô, cá khô, lạp sườn, trứng muối..Và nhất là có tiếp tế chút đỉnh tiền, có thể quan hệ với vệ binh hoặc ngay với dân khi đi ra ngoài dân làm công tác như làm cầu, đắp đường, đào rãnh dẫn nuớc..
Những công tác lao động này,chính yếu là phá rừng làm rẫy và làm đường, xử dụng rất nhiều nhân công nhưng không phải trả lương vì đó là những tù cải tạo, phải ra sức phấn đấu để lao động cải tạo tốt với hi vọng mong manh còn có ngày gặp lại gia đình. Nếu không có những biến cố ở biên giới Hoa Việt và Miên Việt, số phận tù cải tạo có lẽ sẽ « muôn đời » như trường hợp tù cải tạo sau 54 mà mãi đến 75 vẫn chưa được thả. Ngay ở Kà Tum,tôi cũng gặp một số tù binh VNCH đã bị bắt từ 63,64 mà không được trao trả theo tinh thần hiệp định Paris 1973!
3°) Sinh-hoạt của Ngụy trong trại cải-tạo.
« Dẫu tù,nếp cũ chẳng chừa,
Nghề ăn chơi tự ngày xưa vẫn còn "
(Trường hợp tôi,tôi chỉ được biết có 3 trại cải-tạo: Trảng Lớn,Kà Tum và Hóc Môn. Cuộc sống ở đây có thể không giống như ở những trại tù cải tạo khác,và ngay trong một trại, từ tiểu đoàn này sang tiểu đoàn khác, từ đội này sang đội khác cũng khác nhau)
Cải tạo cho ngụy được tiến hành dưới hai hình-thức là cải tạo lao-động và cải tạo tư-tưởng. Cải-tạo lao-động chỉ là lớp màu mè son phấn để che đậy thực chất là giam khổ sai (cũng có thể coi đó là một tàn dư của chế độ phong kiến thượng cổ trong đó các tù binh bị bắt làm nô lệ), còn cải tạo tư tưởng thực chất chỉ là một nỗ lực để tẩy não bọn nguỵ quân ngụy quyền. Trong cả hai « diện » cải tạo này, cộng sản việt-nam đã không đạt đến mục đích yêu cầu mà còn có thể nói bị nói là bị « ép-phê ngược ».
Về mặt lao động cải tạo,rõ ràng là bọn nguỵ không có được cái khả năng của nhà " đại xu-hào" Tố Hữu để « vắt đất ra nước,thay trời làm mưa ». Họ chỉ có khả năng đào giếng bằng cọc sắt ấp chiến lược,nạo vét lòng giếng mùa khô cạn bằng nón sắt, kéo nước giếng bằng thừng ny lông « tự biên tự diễn » bằng sợi ny lông rút từ bao cát ra và xe lại. Thiếu thốn đủ thứ trong các sinh hoạt hằng ngày, tù cải tạo đã chứng tỏ khả năng thích ứng cao độ của họ,chứng tỏ được tay nghề cao và óc sáng tạo tài tình vượt xa bọn tự hào là « đã đạt đến đỉnh cao của trí tuệ loài người tiến-bộ ». Từ những miếng nhôm vụn nhặt được, họ đã biến thành lược để xử dụng, thậm chí còn làm cả ra đồ trang sức như vòng, xuyến, trâm cài tóc, đươc chạm trổ để dành tặng cho vợ làm kỷ niệm không phải chỉ cho những ngày xa cách mà còn để nhắc nhở những giây phút tội tù! Từ những miếng tôn cong queo lỗ chỗ vết đạn,tù cải tạo đã biến thành ca uống nước, nồi nấu, siêu nước, chảo con để « cải thiện linh tinh ». Những tấm ván ép, những sợi dây điện thoại vứt ngổn ngang dấu tích của một cuộc tan hàng rã ngũ đã được tù cải tạo xoá sạch đi bằng cách biến chế thành những chiếc đàn ghi ta, những bình ắc quy vứt lỏng chỏng đó đây đã được ngụy quân cải tạo biến thành những quân cờ đô-mi-nô,cờ tướng. Ở Trảng lớn, vách nhà ăn sĩ quan làm bằng hai lớp ván ép dàã được tù cải tạo tháo bớt một lớp để làm giường, làm bàn, mái tôn cũng được gỡ ra rồi lợp lại cốt lấy bớt một số tôn để làm vâli, rương, hòm đủ loại.. Đây cũng là một cách để trả lời gián tiếp cho những nhiếc móc, nhục mạ của bọn vệ binh quản-giáo nào là các anh ngụy quân, ngụy quyền chỉ là bọn hút máu mủ nhân dân, trây lười lao động, chỉ biết vơ vét bóc lột đồng bào, hiếp đáp, giết chóc nhân dân, ôm chân đế quốc Mỹ để hưởng những ế thừa cặn bã của tên sen đầm quốc tế…Đến khi thấy tù cải tạo sản xuất ra nhiều « của cải vật chất »quá thì có đội cho tập hợp kiểm kê rồi tịch thu với lý do là tù đã xử dụng trái phép các của cải tài sản của trại, có đội thì quản-giáo vệ binh liên hệ với tù, biếu xén cục đường thẻ, một ít thuốc rê, thuốc lào để nhờ « các anh cải-tạo » làm hộ cho cái va li tôn, lại còn biểu dương trước đội là các anh cũng khéo tay đấy ,hoặc tay nghề cao đấy, biết cải thiện điều kiện sinh hoạt, cơ ngơi ăn ở..Tù cải tạo thì cứ ngọt như miá lùi « ấy,nghiệp dư đấy mả » hoặc táo tợn hơn « ấy, cũng nhờ có dịp học ở nhân dân ».
Có đủ đồ nghề lệ bộ rồi, hồi ở Trảng Lớn chưa bị lao-động nhiều, tù cải tạo lại để « ngụy tính » nổi lên, nhất là từ khi được nhận quà của nhà mỗi tháng ba kí! Bắt đầu có phong trào bến bé bếp con, cờ tướng, đô mi nô ngoài giờ lao động, thêm chút chè cháo, càphê, thuốc lá .Anh em nào không có quà thì hoặc là được bạn bè chiếu cố « chiêu đãi »,hoặc tự cải thiện với « cà-phê gạo rang,nước trà cơm cháy ».Rồi thêm « phòng trà ca nhạc » với nhạc vàng, nhạc xanh đến nỗi cả các vệ binh cũng biết hát « thuở ấy, cây si, anh trồng ngay lối đi « .. Ít lâu sau có lện cấm hát nhạc vàng, nhạc xanh, tù cải tạo lại quay ra hát nhạch cách mạng « la cum-bâsi-ta ..của cu-ba, nhạc dòng sông xanh của…Hung-gia-lợi » rồi thì nhạc nào cũng trở thành nhạc xã hội chủ nghiã, không húng-cà-ri thì cũng bún-cà-ri. Có lẽ các quảngiáo cũng biết nhưng mà cũng thích nghe, thôi thì cứ như là không biết, vả chăng nghe mãi « bác kính yêu đang cùng chúng cháu..hành răm » thì cũng ngán, đổi món nghe vừa thấm thía tình người « con biết xuân này mẹ chờ tin con » vừa lại tràn đầy ước mơ hi vọng « rồi có một ngày, có một ngày,anh sẽ về.. ». Buổi tối, mặc dù có lệnh cấm quan hệ từ đội này sang đội khác, các nhạc sĩ « du ca » vẫn cứ di tản chiến thuật từ bếp này sang bếp khác, đến đâu cũng được chiêu đãi tận tình không chè cháo thì cũng cà phê, nước trà « Thái Đức ». Những tiếng đàn khe khẽ,những tiếng hát nho nhỏ êm đềm quả đã có một sức nhiệm mầu đưa tù cải tạo vượt qua trạng thái bị giam cầm,vượt không gian để trở lại chốn « ngàn trùng xa cách »,tìm lại những « con đường xưa em đi » để rồi sau đó, trở về thực tế với cảm nhận chua chát « ngày về quê, xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u-mê, làm tình yêu vỗ cánh bay đi… »Tôi không nhớ chắc là vào Noel 76 hay 77, ở tiểu đoàn ba Trảng Lớn, nhạc sĩ Nguyễn Đưc Quang đã la cà qua nhiều bếp với bài ca vì tôi là linh mục. Trong dịp này, nhiều tù cải tạo theo Thiên Chúa Giáo đã tụ họp làm thánh lễ nửa đêm, nhiều anh em tù thuộc các tôn giáo khác đã canh chừng vệ binh quản giáo hộ bằng các ngồi ngoài thềm trại hút thuốc lào, thuốc rê. Tuy không phải Thiên Chuá Giáo, họ cũng đã làm một đêm canh thức, để giữa chốn tù giam được sống một « đêm thánh vô cùng », để thấy một niềm tin nơi Thượng Đế không gì lay chuyển nổi!
Nếu cách chơi của tù cải tạo hãy càng âm hưởng của vang bóng một thời thì cách ăn uống của họ cũng rất chi là lề mề,cũng còn giữ cái phong cách đường xưa lối cũ. Cơm,thức ăn chia ra là tù lo bếp bé bếp con để cải tạo bữa ăn. Cơm thì khoảng chưa tới hai bát con,thức ăn thường chỉ là rau luộc chấm muối.Muối phát cho tù là loại muối đỏ lẫn bùn, đất,vào tay tù cải tạo là thành muối bọt trắng tinh. Thỉnh thoảng có chút cá khô nhớn độ..một ngón tay,thế mà cũng khổ cực cải tạo một ngón tay cá khô,ba ngón tay muối,cải tạo thành bột cá mặn để ăn dần, để « có chất mặn từ đầu,có chất mặn về sau ». Khoảng trước tết 76,tù được nhận quà từ gia đình lần đầu,qui định là ba kí. Nhưng quà nuôi tù đa số có chất lượng cao,chẵng những có thịt cá dưới hình thức khô, chà bông, ruốc, lại còn kẹo, thuốc lá..Ban quản giáo, chỉ huy trại tối tăm mặt mũi kiểm tra để xem có hàng cấm kị, khổ một cái là các anh vừa đọc vừa đánh vần, phát âm thì cứ nẫn nôn « n » , « l », tù cứ bò ra mà cười, bị chất vấn thì trả lời « được quà nuôi, phấn khời quá nên cười » Ừ,thế cũng tốt thôi, có tình có ný nắm…này,anh nào là Đô mi ni que đây? Giờ còn tây với u. Bảo chị Hé lè ne lần sau không được đề tên Tây nữa nhé này anh A, gửi gì lắm thuốc thế ,những mười ống bé-vi-ti-ne, trại cũng có thuốc dân-tộc mà …này,anh B, trại cũng có điện mà gửi làm gì cho anh lắm nến thế (bố khỉ, lạp- sườn của người ta đấy, cán bộ) Còn anh C này nữa, khẩu phần thuốc lào thuốc rê có bao nhiêu mà chị gửi lắm giấy thế này (Giấy đi cầu đấy, giời ơi) Này còn anh này nữa, chị gửi cho anh chai gì thế này, Dạ thưa cán bộ, thuốc phong thấp đấy, có hình ông già chống gậy cẩn thận. Ừ,thế thì được. Thế là chai Johnny Walker nhãn đen được chui lọt. Sau khi lãnh quà gửi nuôi, anh em phấn khởi lắm. Nhớ ơn Bác Đảng lắm lắm, chúng cháu bình thường có mấy khi phấn khởi với mấy thứ ế thừa của đế quốc thế lày! Đúng là đổi đời!
Sau khi có quà tiếp tế, đời sống của cải tạo viên đã có ít nhiều thay đổi. Bữa cơm, dù cơm không đủ no nhưng thức ăn đã được biến-cải để có phẩm chất cao hơn Một chút bột ngọt, một chút mắm kho quẹt đã làm cho ca rau luộc ngon hẳn lên, thỉnh thoảng một chiếc lạp sườn nướng hay một miếng mực nướng cũng là làm vệ binh quản giáo thấy bất mãn vì cuộc sống của họ kham khổ quá so với ngụy. Dịp tết 76 càng làm cho họ thấy sự cách biệt giữa hai nếp sống, khẩu phần trại cấp phát cho ngày tết là một con « heo hơi »,ngoài phần riêng của ban chỉ huy tiểu đoàn,họ còn xén bớt của tù cải tạo cái thủ lợn và bộ đồ lòng,bốn đội tù cải tạo chia nhau phần còn lại Nhưng trong khi vệ binh quản giáo bồi dưỡng bằng « thịt nợn nuộc »,tù cải tạo ăn uống rất linh tinh,có đội làm thịt kho chia đều cho cải tạo, có đội chia thịt sống cho tổ để tuỳ nghi v.v,nhiều bài gia chánh bí truyền hay tự biên tự diễn được phổ biến, nào là bếp nhỏ, bếp con kho, khìa,cà ri, xào lăn đủ kiểu, đủ cách. Một số tù ngụy còn được tiếp tế cả thuốc lá đầu lọc mà cách gọi của miền bắc là « thuốc lá có cán » như Winston, Salem và bị quản giáo phê bình là còn ôm chân đế quốc Và không ngừng quảng cáo các thứ thuốc của miền bắc như Tam Đảo, Thăng Long, Sông Hồng, Điện Biên và bỏ ra chiêu đãi ngụy, bọn này thừa thắng xông lên chỉ trong chớp nhoáng là thanh toán hết số thuốc chiêu đãi. Đúng là bọn ngụy chưa thuộc bài « em chả,không dám ».
Khi được chuyển trại lên Kà Tum, quản giáo đã động viên bọn tù chuyển trại là các anh thuộc thành phần có tiến bộ nên nhà nước tạo điều kiện để phán đấu tốt hơn để mau chóng được về xum họp gia đình. Chắc bọn tù ở lại cũng được học tập là họ tốt nên được giữ lại chờ cứu xét ở trên, chờ cho về. Và cứ thế mà nuôi hi vọng.
Tù Trảng Lớn lên Kà Tum thấy quang cảnh mà não nùng. Nhà lán xiêu vẹo, chung quanh còn là rừng, tù ở tại chỗ trông rất thê thảm. Được biên chế vào các lán,trại,có anh có được giừơng của người đi để lại, có anh được cái giừờng siêu vẹo, có anh phải bỏ tiền ra mua giừờng vì chưa biết cách làm, chưa biết chỗ chặt tre mây(mà có biết chỗ cũng chưa chắc đã làm nổi vì đi lấy tre, lấy mây rất cực)Nhưng cuộc sống dần dần cải thiện Nhà cửa được ngụy lần lần xây cất lại, giếng được đào thêm, vét sâu thêm vì mùa nắng thiếu nước dùng, thêm nhu cầu tăng gia sản xuất rau xanh, phải phá thêm đất trồng rau, đào thêm cầu tiêu và làm thêm hầm ủ để có chất bón Khu rừng xung quanh các tiểu đoàn cứ thưa dần đi,thế là đến giai đoạn phá rừng làm rẫy bằng cách đốt rẩy như người Thượng (ấy,phải gọi là đồng bào thiểu số hay dân tộc ít người ! )
Tù cải tạo làm nhà,tù cải tạo làm rẫy,tù cải tạo làm than, làm lò rèn,làm bánh mì (cung cấp cả cho ban chỉ huy tiểu đoàn vì cách mạng chỉ có cái miệng còn cái tay thì để chỉ trỏ thôi). Đến giai đoạn cho thăm nuôi,tù phải khẩn trương làm khu thăm nuôi,rồi phải làm đường dẫn ra khu thăm nuôi xa hàng chục cây số.Cán bộ cấp trung đoàn xuống chỉ đạo làm đường, được mấy ngày thì hỏi có ai ở công binh ngụy không để giao công tác vì anh chàng cán bộ này không biết cách đọc la-bàn,không biết coi bản đồ đã chỉ đạo làm đường vào khu vực có dân Ấy thế là lại phá ra,làm lại,không có gì quan trọng cả,cái đó gọi là nước sông,công tù. Rồi thì khu thăm nuôi cũng làm xong. Tù chờ đợi được thăm, nhưng thăm nuôi quả là một đoạn đường chiến binh!
Có điều lạ là trong những điều kiện sinh hoạt cực kỳ khó khăn như thế,không thấy tù nào mắc bệnh tâm thần. Có lẽ tại ngụy hay bông đùa. Đi chặt gỗ làm lán, trại thì gọi là kiếm cây về xây lăng, đi làm than thì « ở với lửa hương cho vẹn kiếp,thử xem sắt đá có bền gan »,phá rừng làm rẫy thì gọi là « giành dân lấn đất », đi kiếm măng về ăn thì hát ông ổng « miệng ăn măng trúc măng mai,những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng « ,bị vắt cắn thì bảo đó là « bọn hút máu mủ của nhân dân »,Thiếu thực phẩm thì phải đi cải thiện,phải nhờ mấy anh hán(g) rộng giải thích mới biết cải thiện là sửa chữa bữa ăn chớ không phải là làm cho tốt hơn như ngụy hiểu. Miền bắc thâm nho hơn miền nam, cái đó gọi là hán(g) thâm!
Bên cạnh cái gọi là cải tạo lao động còn có cải tạo tư tưởng. Trên lý thuyết thì để xây dựng xã hội chủ nghĩa cần phải có những con người xã hội chủ nghiã. Nhân dân thuộc thành phần « cách-mạng » cơ bản là tốt rồi, là đã thấm nhuần đạo đức cách mạng rồi. Còn ngụy thì bản chất là xấu thôi, lẻ tẻ cũng có đôi ba người thuộc diện phản tỉnh biết tìm theo cách mạng Ấy thế là cải tạo thôi, cần thiết lắm để cải tạo nguỵ quân nguỵ quyền thành người tốt Cứ tốt là được cứu xét cho về Quản giáo ở đâu cũng lập đi lập lại luận điệu đó Một luận điệu đầy cạm bẫy. Thứ nhất thế nào là tốt chẳng bao giờ được định nghĩa rõ ràng Có khen ngợi, biểu dương về chỉ tiêu hay thành quả lao -động thì chung chung cũng tốt thôi,cá biệt còn nhiều người phải phấn đấu hơn Đã nói cá biệt mà lại nhiều thì chỉ có « cách miệng » mới nói được chứ ngụy mà nói cá biệt là thuộc thành phần lẻ tẻ nhỏ lẻ Vả chăng tốt chưa phải là điều kiện cho về mà chỉ là điều kiện để cứu xét cho về,có cho hay không là tuỳ chính sách từng giai đoạn.Như trong khoảng sáu tháng đầu sau khi đi tập trung cải tạo, một số rất ít được cho về dù chưa học xong mười bài học cải tạo, dù chưa cải tạo lao động, dù có bị lên lớp phê bình về tác phong, đạo đức. Đa số những người được cho về thuộc gia đình cách mạng gộc gốc giải phóng miền nam hoặc thuộc thành phần thứ ba. Sau đó thì chỉ thấy chuyển trại và chuyển trại, còn cho về thì chỉ một vài người. Lần lần, ngụy không còn tin tưởng nơi chánh sách tốt về nữa, tình trạng trốn trại đã xảy ra ở nhiều nơi như Đồng Ban,Kà Tum. Chỗ tiểu đoàn ba Kà Tum nơi tôi ở, đã có mấy vụ trốn trại,phần lớn là những người nằm trong tổ y dược vì họ thường đi rừng và được phép đi xa cả ngày để tìm thuốc, việc đào một cây mật nhân với cuốc xẻng dã chiến cũng mất nửa buổi vì rễ ăn xâu, hái hà thủ ô thì cũng phải mất nhiều thì giờ để tìm đủ một bao về nấu thuốc, lấy ổ rồng phải trèo cây có khi cao đến cả bảy, tám thước..Các vụ trốn trại không biết có thành công không, riêng ở tiểu đoàn ba đã có một anh trở về trình diện sau cả nửa tháng trốn trại vì lạc đường và đói. Phải nói là trong giai đoạn xảy ra các vụ trốn trại, việc canh gác của vệ binh có chểnh mảng vì chính họ cũng bị lên ớp để học tập về đề tài Trung Quốc là kẻ thù truyền thống của nhân dân Việt Nam và Khmer đỏ, tay sai của Trung Quốc, bá quyền khu vực, dang có hành động thù nghịch với Việt Nam. Điều này biết được là nhờ các anh em cải tạo đi công tác tiểu đoàn như khiêng gạo, lãnh nhu yếu phẩm..cho biết Chính sách cải tạo tư tưởng,lý thuyết là để tẩy não ngụy nhưng trên thực tế xem chừng đã có tác dụng ngược, chính vệ binh, quản-giáo đã bị tiêm nhiễm tư tưởng ngụy nhiều hơn Các đề tài cải tạo tư tưởng chỉ nhắc đi nhắc lại điều cách mạng hoàn toàn thắng lợi, ngụy quân ngụy quyền hoàn toàn tan rã, đế quốc Mỹ ,tên san-đầm quốc tế là kẻ thù sừng sỏ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, là con đỉa hai vòi… và cuối cùng là ngụy quân ngụy quyền phải ra sức phấn đấu cải tạo để góp phần xây dựng tổ quốc Cách tổ chức học tập rất nghiêm túc,cả tiểu đoàn được tập trung lên hội trường trừ mộttổ lo việc ẳm thực.Chất lượng thực phẩm trong nhẽng ngày học tập so ra có cao hơn ngày thường như được đột xuất lãnh bột ngọt( mì chính), có thể có cá khô, đặc biệt là lãnh « nhu yếu phẩm » như một táng đường đỏ cho mỗi người cộng thêm một ít thuốc lào, thuốc rê Sau học tập trên hội trường là thảo luận tổ kéo dài đến hai ba ngày,có khi cả tuần,có quản giáo dự khán. Mỗi tiểu đoàn chia thành nhiều bếp, mỗi bếp lại chia thành từng tổ để thảo luận,quản giáo là cà hết tổ này sang tổ khác để nghe thảo luận, góp ý để hướng cuộc thảo luận đi vào trọng tâm cho có chất lượng hơn,cơ bản cũng chỉ là tố cáo tội ác Mỹ Ngụy và thành khẩn khai báo.Trong những lần học tập đầu,có chính ủy sư đoàn,chính uỷ trung đoàn đến quan sát,có vệ binh canh gác cẩn mật súng ống có lắp băng đạn,lưỡi lê,coi rất đằng đằng sát khí.Càng về sau thì càng « giảm căng »,lèo tèo vài vệ binh canh giữ,nhưng chính ủy tiểu đoàn,quản giáo bao giờ cũng có mặt.Các chính ủy hay quản giáo được đề cử đứng lớp thao thao bất tuyệt suốt cả một buổi nói suốt ba đến bốn tiếng đồng hồ nhưng chỉ nhắc đi nhắc lại một số ý,bài phát biểu xem chừng đã được soạn sẵn,các người đứng lớp ví như cái máy điã, cứ để đĩa vào là phát thôi Sau đó tù cải tạo được về tổ để thảo luận.
Qua các buổi sinh hoạt ,thuyết trình,mỗi anh quản giáo có một « mỹ danh » do cải tạo đặt,anh thì mang tên « tức nà » vì nói mỗi câu là phải có chêm vào hai chữ tức nà ví dụ các anh suy nghĩ thế tức nà đúng đấy,các anh nàm thế tức nà đúng đấy Có anh có tên là « phải không nhẩy »,có anh mang tên « tốt thôi ». Ngồi xổm học tập,cứ nghe những tiếng đếm thì thầm 50,51.. 60 Cái gì thế? À,anh này vừa đạt tiêu chuẩn 60 lượt phát « tức nà » đấy, hoặc « cũng tốt thôi » đấy.
Trong phần thảo luận tổ, có những anh được cử làm cò mồi. Hễ thấy quản giáo đến thì không khí trở nên nghiêm túc, phát có chất lượng lắm, quản giáo nghe cũng phải dựng tóc gáy. Này nhé, Mỹ là con điả hai vòi, một vòi hút máu nhân dân trong nước, một vòi hút máu nhân dân nước ngoài. Quản giáo tới Nè,phát đi Tụi Mỹ ngu thấy mẹ. Ai đời hút máu nhân dân trong nước để đi viện trợ nước ngoài Mà có ít đâu, mỗi nước viện trợ cả tỉ đô la Nào Việt Nam, Miên, Lào, Phi Luật Tân, Thái Lan; phải không bóc lột thì mỗi dân Mỹ dám có ba bốn cái ô tô con, có khi có cả máy bay hổng chừng. Mỹ ngu thấy mẹ Anh khác phát tiếp, dân Việt Nam mình nghèo thấy mẹ, trên răng dưới quần xà loỏn. Mỹ nó bóc lột được cái mẹ gì. Toàn tốn tiền chi viện. Nào là bơ, nào là sữa, nào là đồng hồ, ti vi, tủ lạnh, toàn đồ ế thừa. Anh khác phang thêm nó không đem đồ ế thừa đi cho, chẳng lẻ mỗi thằng Mỹ xài ba bốn cái ti vi ,hai ba cái tủ lạnh, đeo năm sáu cái đồng hồ sao? Chuyển qua Mỹ tàn sát nhân dân Mỹ đánh giặc dở thấy mẹ, Bỏ bom toàn là chỗ đồng không mông quạnh. Bằng chứng là cách mạng có tổn thất gì đâu Đánh Mỹ chạy tét ghèn. Như hồi Mậu Thân,cách mạng Tổng Công Kích nè. Dân chết biết bao nhiêu. Chỗ nào cách mạng cũng chiếm. Phải mấy tháng sau Nguỵ quân mới tái chiếm lại các vùng bị Mất. Cách Mạng đánh giặc hay thiệt ;(Hiểu ngược lại thì cách mạng giết dân, thua tét ghèn trận Mậu Thân)Tội ác Mỹ Ngụy? Dám tấn công qua cục R bên Miên, chống phá cách mạng làm chậm cuộc giải phóng miền Nam! Chuyển biến tư tưởng: Nhờ cách-mạng dạy biểu mới biết chớ hồi trước cứ tưởng ngụy tà tay sai Mỹ xài súng M16, đạn Mỹ giết địch cũng là người Việt Nam, còn cách mạng là tay sai Nga Tàu xài AK bắn giết dân ngụy, quân ngụy cũng là người Việt Nam. Có anh còn hăng tới chỗ: phải chi hồi 54 bác Hồ giữ miền Nam thay vì lấy miền Bắc. Lý do? Thì bây giờ tui đi làm quản giáo Phát biểu đại khái là linh tinh như thế, bởi vì đã nghĩ tới điều « xưa nay cải tạo mấy ai về ». Khoảng cuối năm 78 có lên lớp Trung quốc là kẻ thù cuả nhân dân ta. Cải tạo thắc mắc đủ điều sao kỳ vậy. Nào là núi liền núi, sông liền sông, môi hở răng lạnh, nào là Việt Hoa hai nước chúng ta, vừa là đồng chí vừa là anh em, Trung Quốc hậu cần chi viện vĩ đại sao nay lại thế? Linh tinh chất vấn quá, phải mời đến chính ủy sư đoàn, trung đoàn đến đả thông tư tưởng nhưng đả thì có đả nhưng thông chẳng hề thông. Quản giáo trước nay chỉ chuyên lý luận môt chiều theo chỉ thị của trên, nay bị chất vấn đến cùng kỳ lý, chắc không khỏi hoài nghi chế độ.
Sau những bài học chính trị, buổi tối có được giây phút thoải mái, một số anh đã thủ thỉ thì thầm những điều đã được biết về chế độ cộng sản, những cuộc cải cách ruộng đất, những cuộc đấu tố.Có những anh có trí nhớ tuyệt vời, nhắc lại, phân tích không sai sót những điều kín đáo đả kích của Phan Khôi qua bài ông Năm Chuột ,hoặc đọc thơ Quang Dũng, Trần Dần, Yên Thao; Có anh chuyên kể chuyện chưởng như Tiếu ngạo giang hồ vớ những lời bình thấm thiá.
Những ảnh hửơng của Ngụy đối với vệ binh quản giáo cũng có thể nhận ra. Vệ binh ông ổng hát nhạc vàng, nhạc phản chiến. Nhiều quản giáo khi dẫn cải tạo ra ngoài công tác cũng đã để nghỉ thoải mái hơn, không còn chỉ tiêu phải đạt tới, chưa đạt chưa cho về hoặc làm ngày không đũ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ. Có anh còn tâm sự không biết sao những người nhà di cư vào nam năm 54 lại giầu nhanh đến thế,ngoài bắc thì một tấc đấc cắm dùi cũng không mà vào nam sao dinh cơ to đến thế, cứ như nhà bộ trưởng. Có quản giáo bệnh được đưa về điều trị ở bệnh viện Bình Dân, cứ khen ngợi là to như bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp. Có anh kể bà cô trong Nam giầu lắm, cho xe Honda mà không dám lấy, chỉ xin xe đạp. Hỏi tại sao thì thẳng thắn trả lời ngoài Bắc làm gì có cây xăng như trong nam, cái gì cũng có tiêu chuẩn cả. Quản giáo nói chung cũng là một thứ tù. Có đôi chút quyền hạn với tù cải tạo nhưng thấy thua kém hơn nhiều. Văn hoá sĩ quan ngụy thì bét dèm cũng là tú tài, quản giáo nhiều anh chưa hết lớp năm lớp sáu. Kiểm tra quà thăm nuôi của tù thì thấy chất lượng quá. Quản giáo không có tiêu chuẩn đó. Kỳ thăm nuôi lần đầu ở Ka Tum, trong tiểu đoàn tôi, có anh được người nhà chi viện một xe vận tải nhỏ tiếp tê, quản giáo phải cho gọi thêm anh em trong đội ra gánh hộ, sau phải có chỉ thị chỉ được mang theo tối đa 20 kí lô quà Có quản giáo còn bảo khẻ cải tạo bảo các chị ở nhà gửi ít thôi, ở ngoài cũng có khó khan đấy. Kiểm tra thư từ của ngụy thì thấy tình cảm quá, chỉ phớt qua sức khoẻ tốt lao động tốt, còn thì tình cảm là tình cảm. Thơ bộ đội có anh phải nhờ tù cải tạo đọc hộ. Toàn là phấn đấu đạt chỉ tiêu, cả nước hồ hỡi phấn khởi tăng gia lương thực, anh phải phấn đấu để gia nhập đảng, em thì đang ba đảm đang, ba sẵn sàng. Có anh đi B từ 64,65 mà vẫn chưa được về tham nhà, than là không có tiền, về nhiêu khê lắm; phải nào là giấy giới thiệu mua vé xe, giấy đi đường,..Có dạo Kà Tum bị gián đoạn tiếp tế lương thực, tù cải tạo được quản giáo dẫn đi tát hố bom để bắt cá. Có quản giáo tiết lộ các anh ở đây được đối xử theo dạng tù hàng binh do quân đội quản lý. Những nơi khác do công an quản lý thì các anh theo qui chế tù nhân, khổ hơn. Có quản giáo thấy anh em vẽ khẩu hiệu cải tạo tốt, lao động tốt đã đổi khẩu hiệu thành thành thành công, thành công, đại thành công với lý do phải ăn đủ no mới lao động tốt được. Vệ binh cũng thế. Quan hệ nhờ tù đọc thư, viết thư, mua hàng hộ dĩ nhiên là có ăn lời). Từ đó, khi dắt tù đi công tác cũng dành đôi chút dễ dàng cho quan hệ với dân chúng, mua bánh quà trong khi lao động. Tuy chiến thắng, họ không thấy đời sống của họ bằng tù cải tạo. Ghen ghét cũng có thể có nhưng không thể không đặt ra câu hỏi " sao ở miền nam chúng nó giầu thế ?"
4°)Trong cõi lao lung vẫn có người.
Trong những ngày đầu tiên trong trại cải tạo, ngụy quân đã có những tin tưởng rằng sau 10 ngày, họ sẽ được về như là binh sĩ, hạ sĩ quan đi cải tạo tại chỗ ba ngày. Với lại của đâu mà nuôi cả mấy trăm ngàn người. Nhưng ngày tháng dàn trôi! Quá mười ngày!Quá một tháng! Quá mười tuần! Các mốc hi vọng thi nhau rơi rụng. Phản ảnh lên quản giáo "Các anh cứ yên tâm. Cách mang “lói” nà cách mạng nàm. Học tập xong nà về!Phản ảnh về ưu tư gia đình? “Các anh cứ yên tâm. Đã có phường khóm giúp đở! Hỏi sao quá hạn chưa cho về, trả lời các anh đã học tập tốt đâu mà về. Rồi thì giở mặt “ nhà nước chỉ bảo mang tiền bạc, lương thực quần áo đủ dùng cho mười ngày chứ có bảo đi học mười ngày đâu”. Thôi thì xa chân lỡ bước xuống đò, gieo mình xuống xạp còn lo nỗi gì, ngụy chỉ còn biết thắc mắc với nhau “ họ giữ mình làm gì?” Anh kỹ sư nghĩ là nhà nước mới cũng cần người trông coi máy, anh bác sĩ, dược sĩ cho là bệnh viện cũng cần người, anh thầy giáo cũng cho là trường học cần thầy, ai cũng nghĩ đến việc đóng góp vào việc ổn định và phát triển đất nước. Nhưng nhà nước xã hội chủ nghiã đã không cùng tần số với các anh. Nhà nước cần ổn định xã hội bằng cách “bảo quản tốt” các thành phần có khả năng đề kháng. Sĩ quan nằm tù thì lính sẽ không có ai chỉ huy!
“Các anh đừng có “no”, mọi việc đã có nhà nước “no”.Phải ổn định đi đả. Thế là ổn định nơi ăn chốn ở, ổn định sinh hoạt, ổn định tư tưởng. Ổn định, ổn đỉnh. Tuyệt đối tin tưởng vào đường lối cách mạng “trước sau như một”. Tuy mười ngày có thể trở thành mười năm hay lâu hơn thế nữa…
Bước đầu ổn định sinh hoạt vô cùng khó khăn. Thiếu đủ thứ. Nhiều căng thẳng phát sinh vì những chuyện trước đây coi là tầm thường. Chia cơm không đều theo kiểu “ moi chôn ngoáy đít” đã là cớ để gây gỗ nhau. Một miếng cháy chút xíu cũng là đề tài tranh chấp. Nhiều anh tranh nhau làm bếp viên để có quyền rửa chảo, vét những hạt cơm cháy dính đáy chảo. Chia phần luôn luôn là ái cớ để mất đoàn kết. Nhưng đó là điều cách mạng chờ đợi. Càng mất đoàn kết, càng dễ kiểm soát. Và lợi dụng để cài ăng ten với những bổng lộc chẳng ra gì như được cho hút thuốc lào, được hứa hẹn sẽ đề bạt lên trên cho mau về. Nhưng số anh em bất hảo này không có nhiều, đó cũng là điều may. Và ăng tem khó kiếm như thế, cho về thì lấy ai làm ăng ten!
Trong cõi nhân gian chẳng thể ngờ đó, tôi đã có may mắn có những bạn đồng “ca rê” rất tốt. Ở Trảng lớn là những đồng nghiệp, ở Kà Tum là những sĩ quan, hoặc ra võ bị Đà Lạt vài ngày trước khi tan hàng, hoặc là viễn thám, phi công trực thăng, địa phương quân. Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, trong sinh hoạt như anh phi công trực thăng chuyên nghề dánh tranh, khi tôi cắt tranh giao anh đánh là yên chí làm ít, vì anh đánh cho tôi kiểu “mút sơ lin”, còn khi chặt cây anh bạn viễn thám và Đà Lạt phụ chặt, róc vỏ, chặt cành..ngược lại khi cải thiện tôi lo phần biến chế thực phẩm cho ăn được như măng,rau rừng. Đặc biệt tôi có “tăng giả một luống rau đắng và luống rau này không bao giờ bị thu hoạch trộm. Nhưng nhờ rau đắng mà chúng tôi có được vi ta min:chúng tôi ăn rau đắng sống và nói với nhau ngày xưa Câu Tiễn nếm mật thì cũng cỡ như mình ăn rau đắng bây giờ. Có nhữ lần không được tiếp tế gạo mà chỉ có khoai mì,lại là thứ khoai mì chạy chỉ đỏ mà chúng tôi đùa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử,nlại có nhiều sơ, tôi đã cải thiện thành món lạp bát chúc, nghe rất gồ ghề nhưng thực tế là khoai mì sống nạo nhỏ bỏ nấu cháo với muối, anh thay cho canh củ, lỏng bỏng nhưng cũng tạm yên cái bụng. Tôi nhớ đến anh bạn chỉ tôi cách ăn nắm trứng gà, một thứ nấm dị kỳ nhầy nhụa như một quả trứng bị vỡ, nhớ đến những anh bạn đã cùng tôi chia xẻ những điều thầm kín. Giờ này các anh ở đâu, đã đi tị nạn ở những phương trời xa hãy vẫn còn bám trụ ở quê nhà?Trong cõi lao lung tù cải tạo, tôi đã gặp gỡ biết bao nhiêu người vẫn giữ mãi được tinh thần quốc gia chân chính. Chúng ta đã thân ái với nhau, chia nhau từng miếng ăn, chia nhau trong lao động, đùm bọc che chở lẫn nhau. Nếu như tôi có nói nhiều về ăn uống, đó chỉ là điều kiện để được sống còn, để còn có ngày về. Giờ đây,các bạn ở đâu? Có còn giữ mộng ban đầu hay không? Mong có ngày nào đó được tương phùng để nhắc nhở lại những chuyện mà ..chỉ có tụi mình biết với nhau./.
Nhữ Đình Hùng – Tháng 11/2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Blog Archive
-
▼
2010
(141)
-
▼
May
(28)
- Tỵ Nạn chính trị lại muốn không làm chính trị... ...
- Vài nét về tác-giả bộ tiểu-thuyết gián-điệp Z28 A...
- Sharing great tipsHousehold Tips & TricksAnt Repel...
- Khi Bài Hát Trở Về Trần Trung ĐạoNếu phải xếp hạng...
- BAN VIỆT NGỮ ĐÀI BBC VÀ CỘNG SẢN VIỆT NAMNguyễn Tư...
- Câu chuyện Tù ..rất lâm ly nên đọc ..để suy nghĩ v...
- Tuấn Khanh - Những tình khúc tha thiết nhưng dịu d...
- MƯA SÀI GÒN...- Trước năm 1975, Khu Cư Xá Tự Do, N...
- Thằng ăn cắpỞ một làng nào đó bên xứ Ấn Độ, có một...
- H.T. THÍCH TÂM CHÂU NÓI GÌ VỀ TRÍ QUANG VÀ PHE ẤN ...
- “Đệ Nhất Phu Nhân”… không ngai!Lời mở đầu=========...
- Một Đội Quân Bị Quên LãngAndrew WiestTrước hết xin...
- The Amazing CucumberThis information was in The Ne...
- Chuyện Một Chiếc CầuTrần Việt TrìnhNăm nay, để đán...
- Sài Gòn Ngày Dài Nhat Duyên Anh Tôi không hiểu, ...
- Y VÂN VÀ MẸ- Ai là người Việt Nam mà không biết bà...
- LẠI CHUYỆN BẠC ĐẦU, ĐEN ÓC !LÃO MÓCĐài BBC tiếng V...
- Còn một chút gì để nhớNhữ Đình HùngĐây không phải ...
- NGÕ TRÚC Phong VũBước qua hết chiếc cầu xi măng, b...
- MỘT MÙA TRỌ HỌC HUY VĂ...
- VÀI LỜI THÔ THIỂN NHÂN BÀI VIẾT VỀ TRỊNH CÔNG SƠNT...
- Operation Passage To Freedom * Vai trò Hải Quân Ho...
- Những điều chưa biết về quả đu đủNgọt ngào, căng m...
- Cộng Sản Nghĩ Sao Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm? ...
- Ði “thăm” một vị tướng anh hùng QLVNCH(Nguyễn Khoa...
- Hậu Quả Của Việc Hoa Kỳ Bỏ Rơi Đông DươngGiáo sư R...
- TƯỚNG TED SERONG (1915-2002): MỘT ANH HÙNG VÔ DANH...
- Việt Kiều và "Bầy heo " của George Orwell ...
-
▼
May
(28)
No comments:
Post a Comment