Thursday, June 25, 2009

Tôi đọc Thảo Trường.

Nguyễn Mạnh Trinh.

Có những truyện của Thảo Trường tôi đọc ít nhất là vài ba lần đến gần như thuộc lòng. Khi thì ở các tạp chí văn học , lúc thì ở những tập sách mỏng mà ông tự xuất bản như”Ðá mục “, như “Tiếng thì thầm trong bụi tre gai “, như “Miểng”, hoặc khi trong tuyển tập “ Những miểng vụn của tiểu thuyết’. Mỗi lần đọc , là một lần trải qua những cảm giác khác nhau. Bâng khuâng có, kinh ngạc có,thích thú có, và niềm chua chát như tâm sự của ai, những người lao đao trong con lốc thời thế cũng có. Những nhân vật hình như hồi sinh nhiều lần theo mỗi lúc gập cuốn sách lại và cuộc sống ấy bao la quá đến nỗi cách diễn tả như có một điều gì chưa toàn vẹn.

Không hiểu tác giả đã mang cái thực và cái ảo pha trộn như thế nào nhưng trong tâm tư của người đọc là tôi có cảm giác là một đời sống khác được tạo dựng lạ lùng nhưng lại quen thuộc . Một đời sống của nhiều người cùng thế hệ cô đọng lại thành một. Không phải là người kể truyện, mà cũng chẳng phải là người viết lại hồi ký đời mình. Thế mà tôi tưởng như đã đọc lại những trang nhật ký của cả một thế hệ Việt Nam mà cả tác giả và cá nhân tôi cùng sống và cùng hít thở cũng như mơ mộng trong nỗi niềm chung mang trong một thế gian của tận cùng nỗi đau của những con người bị hạ xuống đến gần hàng súc vật. Thảo Trường đã viết những câu như: “Trại còn mười hai tù binh, mười sáu công an, hơn bốn trăm con bò. Công an giữ tù. Tù giữ bò. Cứ như thế mà thống trị nhau.Nhưng luôn luôn cái gì ít thì có giá, ở đây tù ít hơn công an, bò nhiều hơn tất cả cho nên công an gọi tù là các Bác hoặc các Bố, còn bò thì cứ bị giết thịt hoài! Từ trước tới nay, công an vẫn gọi tù là anh xưng tôi, đồng hạng dù người tù ấy bảy, tám chục tuổi còn công an mới mười chín, hai mươi! Kể ra vai vế thì phải là ông cháu, phúc đức dày thì phải là cụ cháu. Nhưng thời nay phúc đức rất là mỏng.” ( trong truyện ngắn Con Bò )

Khi tác giả in “ Những miểng vụn của tiểu thuyết “, đã có rất nhiều người viết về tác giả và tác phẩm ấy. Rất nhiều ý kiến , rất nhiều phân tích, nhưng tựu chung đều là những chia sẻ sâu sắc và những nhận định thấu đáo.

Như nhà văn Phạm Xuân Ðài: ”Từ khi đọc Thảo Trường tôi lại say mê những chuyện trong tù.Tôi không chắc Thảo Trường viết được như vậylà nhờ ở tù lâu hơn tôi. Tôi chỉ có thể nói là ông viết chuyện tù quá hay..” .

Hay nhà thơ Trần Dạ Từ: ”’Những miểng vụn của tiểu thuyết” là một tác phẩm lớn và cổ điển. Nhìn hình bìa do hai họa sĩ Nguyễn Ðồng và Nguyễn Thị Hợp là đủ thấy(?)mà cổ điển nghĩa là bất tận(?)..”

Hoặc nhà văn Huy Phương:”Tôi không cho là Thảo Trường thất bại. Ông đã cố gắng đem cả cuộc chiến vào tác phẩm nhưng không được. Nhưng cuối cùng ông đã “ nhốt “ cuộc chiến vào khi ra tù người ta gọi ông bằng bác, có lẽ vì tóc ông bạc, nhưng không, ngày nào ông còn làm việc với cái máy điện toán là ông còn sức sống. Tôi xin mượn câu nói của một tên tù hình sự nói về ông tù già trong một câu chuyện của Thảo Trường. “Bác” không thuộc về chế độ nào nữa, bác thuộc về lịch sử.Bác Thảo Trường ơi!Bác cũng vậy.Mai sau đến lúc người ta phải công nhận nền văn học hải ngoại này, bác không còn là nhà văn của chế độ nào nữa. Bác thuộc về lịch sử.Chúng tôi hãnh diện vì có bác.”

Hay nhà thơ Ðỗ Quý Toàn:”Ðây là một cuốn sách sẽ tồn tại trong lịch sử Việt Nam. Ðây không phải là tuyệt tác nhưng có nhiều đoạn tuyệt tác. Về tay nghề Thảo Trường là lão luyện. Sự thành công của nhà văn là sau 100 năm người ta có còn đọc mình hay không như cụ Nguyễn Du 300 năm sau vẫn còn có người đọc. Khi đọc Thảo Trường cách nay 40 năm tôi đã cảm thấy văn của ông sẽ sống. Và giờ đây tôi chắc là 100 năm sau người ta vẫn đọc ông. Ðọc Thảo Trường chúng ta thấy sức sống của một người khỏe mạnh. Trong lúc đấu tranh ,cho dù vui buồn ,ở đâu cũng thấy sự sống, ngay cả trong cái chết cũng có sự sống.Thí dụ, câu chuyện về người đàn bà Ðồng Tháp, cuối cùng cũng có một đứa bé ra đời.”

Nhà văn nữ Ðặng Thơ Thơ thì:”tôi đi vào thế giới những miểng vụn của nhà văn Thảo Trường với tư thế của một người đi truy lùng quá khứ. Tôi cầm trên tay cuốn sách này, quá khứ của nó nặng trĩu hơn nửa thế kỷ. Nhà văn Thảo Trường, vốn sống của ông khủng khiếp, 17 năm vừa tham dự chiến tranh Việt nam vừa sáng tác, 16 năm 4 tháng 4 ngày trong những trại lao tù khổ sai ,15 năm lưu vong ngoài quê hương để viết về những kinh nghiệm sống của mình. Ba yếu tố chính làm nền tảng và chủ đề cho mọi truyện ngắn và tiểu thuyết của ông là chiến tranh, lao tù và hội nhập..”

Tôi cũng là một người đọc muốn viết lên cái cảm nghĩ thô thiển của mình khi tiếp cận với văn chương của ông. Nhưng rốt cuộc tới gần cả năm sau mới hoàn tất được một bài viết nhỏ.Chẳng phải tôi không có hứng thú để viết mà cũng chẳng phải tác phẩm của nhà văn Thảo Trường không lôi cuốn tôi. Trái lại là khác. Không biết có phải vì chính tôi sợ không diễn tả được những chuyên chở của tác phẩm. Và cũng có thể, tôi không muốn mình là một trong đám đông ấy.Tôi muốn tìm kiếm cho được những nét khác thường của tác phẩm và tác giả Thảo Trường. Nhưng xem ra , chủ đích ấy vẫn chưa hoàn toàn đạt được.

Nhiều người đã đồng ý rằng văn phong của ông có một cá tính riêng và không gian thời gian cũng như nhân vật của ông đối với mọi người gần mà xa, tưởng như hiển hiện trước mắt mà xa ngàn trùng. Thời gian không chỉ ở ba thì quá khứ , hiện tại và tương lai mà còn có những thời khắc mà hai chân của một người lại đứng ở hai mốc điểm khác nhau và sự phân cách chỉ là một đường ranh mờ nhạt. Một điều lạ lùng, cái không gian thời gian ấy có lúc tưởng gần kề như mới hôm qua và trong cái sinh động hôi hổi ấy lại có sự trầm lắng của những cảm quan có một thời kỳ tích chứa lâu dài..

Có lần tôi phỏng vấn nhà văn Thảo Trường. Khi đề cập đến phong cách viết của mình, tác giả “ Những Miểng vụn của tiểu thuyết “ bày tỏ:

“Tác phẩm là sáng tạo, nhưng đây đó có những chuyện giống giống người này người kia hay nhân vật trong truyện xưng tôi thì cũng không có nghĩa nhân vật là tác giả .Tất cả những gì mà cuộc sống của tôi đã trải qua, những gì mà tôi chứng kiến , những gì mà tôi nghe kể lại và những gì mà tôi đọc được ở sách vở thì đều có thể là chất xúc tác khi xây dựng tác phẩm. Có khi tôi lượm nhiều mẫu đời vụn ở nhiều nơi nhiều lúc sắp đặt vào một nhân vật. Ðã có một người anh họ nói đùa với tôi: ”Coi chừng kể cho nó nghe nó lại "phang” mình vào trong truyện thì bỏ mẹ! “ Cũng có khi tôi đem những cái mà mình gán vào một nhân vật nào đó, như là mình cho mượn vậy, bởi vì chính mình, đã có khi phải đi mượn những mối tình của người khác đặt vào chỗ của mình. Riêng đời tôi, tôi chưa làm tác phẩm nào tự thuật. Tôi không có ý định viết hồi ký.”

Thực ra, hình bóng của tác giả lúc nào cũng phảng phất trong từng truyện. Cái quá khứ thật dài từ khi nhập ngũ vào lính đến lúc thành tù binh cải tạo đã trở thành một mảnh đất cực kỳ phì nhiêu cho bông hoa văn chương nở rộ. Tù mười bảy năm, trải qua bao nhiêu nỗi đoạn trường, thì hỏi sao thời gian ấy không ảnh hưởng khi cầm bút. Hay thời gian trong quân ngũ trước kia, lăn lóc từ chiến trường này đến sa trường nọ , biết bao nhiêu là chuyện đáng nhớ . Hay thời gian ở xứ người, một ông già lưu lạc bỡ ngỡ trước hiện tại mà tầm mắt thì luôn ngoái nhìn lại quá khứ. Cái vốn sống tích lũy được của một đời người có khi là động lực để viết nhưng cũng có khi là nỗi ám ảnh không rời.

Thành ra, không lấy làm lạ khi ông nhiều khi nhìn ngắm cuộc sống bằng con mắt đa nghi và với nụ cười chua chát. Mà sao không chua chát cay đắng cho được khi thời thế như những vệt roi hằn in trên da thịt mỗi khi đụng đến lại bỏng rát. Nhưng dù chua chát tình đời, dù thiên hạ vẫn đầy ứ những quân gian tà, tâm của ông vẫn soi rọi vào phần thiện hơn là phần độc ác. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, có khi loài vật đối xử với nhau còn tốt đẹp hơn loài người, vẫn có những tấm lòng hào hiệp, vẫn có những người nắm tay cứu vớt người cơ nhỡ. Và không phải trong những hoàn cảnh khốn cùng nhất, con người sẽ quay mặt bỏ mặc nhau mà không giơ tay một phần chia sẻ khốn khó. Khác với nhiều tác giả viết về tù ngục Cộng sản, ông không chú trọng vào việc kể tội chế độ hiện hữu mà chỉ kể lại những chuyện thực đã xảy ra bằng phong cách của một người coi mọi chuyện trên đời như một trò đùa. Có nét của trạng thái cam chịu và cũng có nét của người đã có quá nhiều thất vọng nên bất cứ chuyện nào xảy ra cũng đều chấm dứt bẳng câu “kệ mẹ nó”. Bất cần và cứ để mặc dòng đôi trong cái khôi hài hóa mọi chuyện.

“Tôi lẩn thẩn tìm ra cho mình một cách sống mà tôi gọi đùa là “ chủ nghĩa dựa cột”, biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe, ai nói gì làm gì thây kệ người ta, ông bà mình dạy thế “Kệ mẹ nó !” tôi thường tự nhủ với mình thế mỗi khi phải chứng kiến những cảnh trái tai gai mắt xung quanh mình. Ðược xếp chỗ nằm ngay sát cầu tiêu, tôi cũng thấy là một cái hay, đó là một chỗ không ai dòm ngó. Một mảnh đất xấu ít có nguy cơ bị xâm lấn. Mùi hôi khai ngửi riết rồi cũng quen sẽ không còn cảm thấy hôi khai nữa. Ðúng ra, nếu chú ý đến nó thì sẽ nghe thấy hôi nhưng nếu lắng nghe tất cả mọi nơi thì chỗ nào cũng hôi cả, thế cho nên lại phải áp dụng sách “ kệ mẹ nó” cho qua tất cả" ( trong truyện ngắn “Khẩu hiệu”)

Ðời sống của tác giả Thảo Trường như bàng bạc trong từng dòng chữ của ông. Ngày xưa Hàn Dũ đời Ðường đã nói” Bất đắc kỳ bình tắc minh”. Ðại phàm vật nào cũng vậy ,không được bình yên thì kêu. Cỏ cây vô thanh, gió thổi nên kêu; nước kia vô thanh, gió xô nên kêu.Vàng đá vô thanh, đánh gõ nên kêu. Người ta đối với lời nói cũng vậy có sự bất đắc dĩ sau đó mới phát ra lời , giọng ca cũng mang tâm tư, tiếng khóc cũng chứa hoài niệm. Phàm buột ra đằng mồm mà thành thanh âm đều do có sự bất bình chăng?)

Có người đã luận thêm ra cho rằng các tác phẩm văn học đều phát sinh từ mâu thuẫn giữa tác giả và xã hội. Với Thảo Trường , xã hội này là của chế độ mới , của những người chiến thắng . Và , bản thân tác giả là người bị thua trận và đời sống bị hạ thấp xuống đến nỗi ông đã có những ý nghĩ so sánh với loài vật như những con bò của trại tù.Dù , đã nhiều năm trôi qua , nhưng những hồi ức ấy cứ canh cánh trong lòng và bất cứ một ý nghĩ nào , một suy tưởng nào cũng đều có những mảng đời sống của những ngày tù ngục chen vào. Khi sống ở Hoa Kỳ , trong gia đình yên lành nhưng vẫn vướng bận những suy tư của ngày lao ngục cũ.

Trong những nhân vật của ông , bàng bạc hình dạng của người lính , người tù và người lưu lạc. Mà, hình bóng người tù hình như lúc nào cũng xuất hiện không ở mặt này thì cũng ở góc cạnh khác. Nếu nói về những ngày ở Mỹ của ông mà dùng từ “hội nhập” thì e không chính xác lắm. Có lẽ, còn lâu lắm , những người như “ông già “ Thảo Trường hội nhập được vào xã hội chuyển động tới mức chóng mặt ở xứ sở này. Mặc dù, ông là một HO may mắn, không phải đánh vật với sinh kế. Lúc trước khi nhà văn Long An còn sống , khi đến chơi ở nhà ông , anh thường gọi đùa ông là một HO ”happy”. Nhưng , câu tả chân “ trong héo ngoài tươi “ hình như vẫn đúng. Những tiếng thì thầm trong bụi tre gai ông vẫn còn nghe.Những đau đớn của người ông vẫn còn cảm thấy. Và có lúc ông đã tuyên bố ông viết văn là là công việc để đời” tương tự như việc khắc họa một chứng nhân lịch sử cho đời sau.

Thảo Trường có những nhân vật đặc thù trong tác phẩm của ông. Như đứa bé sinh thiếu tháng mà người mẹ không biết cha của nó là ai, ở bên này hay phía bên kia của “ Người đàn bà mang thai trên kinh Ðồng Tháp”. Hay đứa bé là kết quả của một cặp tù nhân làm tình với nhau giữa hai hàng rào kẽm gai và người mẹ kiên quyết giữ lại đứa con dù bị đấm đá giữa lúc mang thai của đám công an lòng dạ độc ác và trơ trơ như gỗ đá của “Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào”. Ở Việt Nam, chỉ có trẻ sơ sinh mà bị tù tội vì mẹ của nó bị án.

Thảo Trường kết luận những câu chuyện bằng những dòng nhắn tin. Như đùa , như thật, ông hí lộng và tạo ra một cuộc đối thoại với nhân vật của mình. Có thể coi như một thông điệp , dù có thể rớt vào hư vô ; nhưng cũng là thông điệp để gửi cho lớp sau như” cậu thanh niên ra đời sẩy thai thiếu tháng, mang họ nhờ “ của truyện “ Khẩu hiệu “hay“ cậu nhỏ mang dòng họ cùng với tôi, hai mươi năm nữa “của“ Người đàn bà mang thai trên kinh Ðồng Tháp “.Tác giả muốn gửi theo cả những mảnh đời bị lốc xoáy theo chiến tranh. Một cuộc chiến kỳ quặc mà cả kẻ gây ra và người cam chịu đều trở thành nạn nhân.

Khi đề cập đến động lực đầu tiên thúc đẩy cầm bút thì ông giãi bày:

“ Hình như đầu tiên là nhân vật. Tôi vớ được một nhân vật nào đó ngoài đời làm cho tôi chú ý, nó bắt tôi phải suy nghĩ xung quanh nhân vật đó và những sự kiện lời nói và hành động tình tiết cùng những băn khoăn mang những ý nghĩa của đời sống, có lý hay phi lý.. Rồi có khi những ý nghĩ của mình bay về quá khứ hay mịt mùng ở một nơi xa xôi nào đó, ý nghĩ bay đi lộn lại quần thảo một hồi xong có khi sắp xếp để đấy, rồi một lúc nào đó nó lại xẹt ra, lại quần thảo. Những cơn vật vã như thế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề , nói khác đi là có lúc nó sẽ nảy ra đề tài, một đề tài hay nhiều đề tài, loại bỏ và chọn lựa .. cho đến khi sự xúc cảm đem đến cho mình niềm thích thú thì dùng bút pháp riêng của mình mà thể hiện nó ra . Cũng có khi phải “ cất “ nó nằm yên trong “bộ nhớ” ở trong đầu mình nhiều năm, thời gian cất đi để dành này có thể “nó’ còn được nhào nặn thêm qua nhiều suy tư nữa. Trường hợp những truyện ngắn hình thành mà tôi phải “cất đi” lâu nhiều năm là những hình thành trong thời gian ở tù Cộng Sản. Qua Mỹ tôi mới thể hiện nó ra. Bây giờ tôi cũng đang đi tìm nhân vật. Tôi tìm trên đường phố ngõ hẻm, và các thành phố Mỹ ..”

Nhân vật phác họa từ con người. Có người nhận xét rằng những tác phẩm văn chương viết về ngục tù Cộng Sản không có tính trường cửu mà chỉ có tính phản ánh nhất thời một giai đoạn của cuộc sống còn viết về con người muôn năm bất biến mới là đề tài lớn. Nhưng ông lại quan niệm “ Ðúng là con người lớn và trường cửu đối với con người. Chỉ khi nào không còn con người nữa thì may ra lúc đó vấn đề mới nhỏ đi và tầm thường. Tác phẩm có thể giúp cho người ta hiểu được vào giai đoạn ấy , nơi ấy, cái thời thế ấy nó như thế.Vài ba trăm năm nữa hậu duệ của chúng ta có khi phải đi đào xới nơi này nơi khác để tìm kiếm những di chỉ hoặc là phải lúc đi tìm sách vở báo chí tài liệu trong các thư viện để xem nền văn minh Cộng Sản nó là gì. Nếu thế thì một tác phẩm văn nghệ cũng có thể chứa đựng một thế giới riêng trong cái thời đại tác giả đã sống. Mở truyện Kiều ra đọc, chúng ta biết được cái thời thế của cụ Tiên Ðiền đã sống. Vấn đề này lớn quá và phải nói dài, có lẽ phải hỏi các vị giáo sư hay các nhà nghiên cứu , phê bình”

Với tham vọng nhốt cả cuộc chiến trong một truyện ngắn nên nhiều khi ông lửng lơ giữa truyện ngắn và truyện dài. Những truyện vừa như “Mây Trôi” hay ”Từ dưới đỉnh đồi nhìn lên chân núi “ với những nhân vật mà cuộc đời của họ có thể khai triển thành một bộ trường thiên với tất cả những tình tiết.Ở “Mây Trôi“ phần đầu của truyện vừa này với hai cặp nam nữ một vợ của một anh lính bên thua trận với một anh bộ đội phía thắng nhưng mù mắt và một nữ cán bị tù quen một anh sĩ quan tù binh trong trại để thành một cặp tình nhân khi người chồng là anh thượng úy hậu cần ngậm miệng ăn tiền. Nhưng phần sau lại từ người con gái vượt biên sang Mỹ để mở ra một cuộc sống và một cuộc tình bệnh hoạn giữa một người đàn bà “bi-sex“, một chàng thủ dâm và một nàng tị nạn ngất ngơ giữa đời sống mở ra đầy phức tạp khuất khúc cả một thời gian dài và không gian rộng được ”nhốt” trong một truyện vừa nên trong cách diễn tả thông điệp để chữ nghĩa chuyên chở chưa được như ý muốn. Truyện “ Từ dưới đỉnh đồi nhìn lên chân núi “ với nhân vật nàng kiều , người chồng và người tình mở ra hai đời sống từ lúc nàng trở thành mồ côi vì chiến cuộc rồi thành người ở, rồi thành người vợ bất đắc dĩ với anh chồng khùng điên, rồi thành “gái bán bar” rồi thành me Mỹ nhưng lúc nào trong tâm vẫn nhớ người tình đầu thuở vừa mới lớn cho đến khi chồng Mỹ chết hội ngộ trở lại với người tình.Người chồng bản xứ, một trung tá Không quân Mỹ, một người giàu có nhưng lúc nào cũng muốn trốn tránh đời sống vật chất hưởng thụ dư thừa.Người tình thuở đầu đời của nàng Kiều, một sĩ quan của QLVNCH, chịu bao nhiêu cảnh tù đầy nghiệt ngã nên lúc nào cũng sống miễn cưỡng trong bất cứ trường hợp nào. Với những mẫu nhân vật như thế với đời sống phong phú như thế mà ‘nhốt “ trong chỉ hơn ba mươi trang sách và diễn tả được những nỗi niềm tâm sự kể ra là đã thành công.

Thế mà , tác giả lại viết trong bài tạp ghi ngắn:
”Hồi ở Việt Nam tôi đã viết một truyện dài( Bà Phi) khoảng hơn 2000 trang, biến cố năm 1975 bản thảo bị thất lạc, nay đã sưu tập lại gần đầy đủ nhưng chưa xuất bản.

Mười bảy năm(1975-1992) làm tù binh trong các trại giam của Cộng sản tôi luôn luôn nghiền ngẫm trong lòng một quyển trường thiên tiểu thuyết dự định sẽ viết khi rời khỏi nơi chốn đó.

Nhưng 12 năm qua tôi chỉ viết ra những truyện ngắn nếu gộp lại cũng khoảng 1000 trang in.

Truyện nào tôi cũng muốn nó thật ngắn và chứa được cả cuộc chiến trong đó, mỗi khi xong một cái, tôi lại cảm thấy là chưa đủ, phải làm cái khác, cứ thế , từ cái này sang cái kia. Bây giờ nhìn lại tôi có cảm giác ”trường thiên tiểu thuyết” của tôi đã nổ tung ra, giống như tôi đã đánh vỡ pho tượng khổ nạn cưng chiều bấy lâu nay của tôi thành nhiều mảnh vụn. Những chất liệu dự tính dùng trong truyện dài đã đem xử dụng vào các truyện ngắn gần hết. Ðời tôi đã gặp nhiều thất bại, đây có lẽ là một thất bại lớn.

Tôi lại nghĩ nếu gom những miểng vỡ trong các tập truyện in ở hải ngoại những năm qua , chắp nối, sắp xếp, hàn gắn chúng lại với nhau, thêm bớt vài dấu chấm phết ,đặt tên những nhân vật chưa có tên, tùy theo cách thức của mỗi người đọc may ra biết đâu nó sẽ hóa thành những tiểu thuyết theo ý từng người.”

Nhưng thật ra, cần gì phải “sắp xếp, chắp nối, hàn gắn”, những truyện ngắn mang tên Thảo Trường đã hiển lộng từng bước đi của lịch sử qua những mảng đời và những phận người trôi dạt trong lốc cuốn thời thế. Thưa anh Thảo Trường , anh đã thành công chứ chẳng phải thất bại đâu trong ý định làm sống lại lịch sử bằng văn chương!

No comments:

Blog Archive