Thursday, June 11, 2009

Biến Động Miền Trung (1963-1975) Phần 9

- Đối Tượng Cảnh Sát Quốc Gia.

* 1)- Thiếu tá Quân lực VNCH Lê Cảnh Thâm, Trưởng ty CSQG tỉnh Quảng Trị.

Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Quảng Trị 1966 đến sau Mậu thân 1968. Hiện tại là Chi Khu Phó chi khu Hương Trà. Trước khi tôi bị bắt, đương sự đã có lệnh thuyên chuyển BTL/Tiền Phương Quân Đoàn I, phục vụ tại Trung Tâm Hành Quân. Lê Cảnh Thâm có người anh ruột là Lê Cảnh Xuân tự là Nam Đen, Quân hàm Thiếu Tá Quân Báo. Tôi móc nối Thâm hoạt động từ khi hắn còn là Trung Sĩ phục vụ tại phòng 2 Sư Đoàn. Sau đó hắn được chuyển qua cho cơ quan Quân Báo điều khiển. Qua tiền bạc của cơ quan Quân báo, hắn đút lót cho cấp chỉ huy, hắn được đề nghị gởi đi học khoá Sĩ Quan Đặc Biệt tại Nha Trang, ra truờng mang cấp Chuẩn úy. Đến 1966, nhờ thế lực hắn được đề cử đi làm Trưởng ty CSQG tại tỉnh Quảng Trị. Trong suốt thời gian này cơ quan Quân Báo hầu như không giao cho hắn một công tác đặc biệt nào, để hắn lún sâu, nằm yên. Cho đến tháng 2/1972 cơ quan Quân báo cho người tiếp xúc với hắn và giao công tác, người tiếp xúc với hắn thời gian gần đây nhất, chính là Thiếu Tá Quân Báo Lê Cảnh Xuân tự Nam Đen, anh ruột hắn.

* 2)- Nguyễn văn Cán, quận trưởng Cảnh Sát. (Commissioner).

Trưởng Ty CSQG Thị xã Huế, sau 1963 đến tháng 5-1966. Nguyễn văn Cán có người anh ruột quân hàm Đại Tá Quân Báo Cộng Sản, em ruột lại là Thiếu Tá Tế, thuộc đơn vị Truyền tin Quân Đoàn I/ QLVNCH. Nguyễn văn Cán được móc nối hoạt động qua quan hệ gia đình, hoạt động sau 1963, trực thuộc Cụm Tình báo Chiến Lược. Trước trận đánh Mậu Thân 1968, Tôi (HKLoan) đã trú ngụ tại nhà Quận Cán nhiều lần.

* 3)- Đoàn Công Lập.

Trưởng Ty CSQG Thừa Thiên và Thị Xã Huế từ tháng 7/1966 đến 2/1968 sau Mậu Thân. Đoàn Công Lập nguyên cán binh Trung Đoàn 95 chính quy Việt Cộng, phục vụ tại đơn vị Quân Báo. Vào 1953 trong cuộc hành quân mang tên Camargue của quân đội Pháp khai diễn taị vùng Vân Trình đến An Hội, từ sông Mỹ Chánh ra đến biển, vùng 'Dãy phố buồn hiu' [tên này do lính Pháp đặt], kéo dài đến Thanh Hương, Đồng Xuyên, Mỹ Xá thuộc 2 quận Phong Điền và Quảng Điền nằm về phiá Bắc Tỉnh Thừa Thiên.

Hai Trung Đoàn 101, và 95 Chính quy Việt Cộng bị tổn thất nặng nề. Đoàn công Lập ra đầu hàng với quân đội Pháp trong trận này tại vùng Thanh Hương. Sau. 1954 trở về Huế sinh sống bình thường, nghề cuối cùng trước khi làm Trưởng Ty Cảnh Sát là phóng viên thể thao, tường trình các trận đấu banh tại Huế. Truớc 1963 theo chỉ thị của cơ quan, tôi (HKLoan) móc nối Đoàn Công Lập hoạt động trở lại. Đoàn công Lập khôn ngoan đã gia nhập một đảng chính trị nổi tiếng chống Cộng để làm bình phong. Đến tháng 7/1966 được tiến cử làm Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên- Huế.

Hoàng kim Loan nói tiếp:
- Tôi là cán bộ điều khiển của Đoàn Công Lập. Chúng tôi thiết lập 2 trạm liên lạc, một ở nội thành và một ở ngoại thành.

* Trạm liên lạc nội thành: Nhà và cũng là văn phòng khám bệnh của Bác sĩ Hoàng Bá, nằm ngay đầu cầu Nam Giao, trên đường Phan Chu Trinh, quận 3 thành phố Huế. Bác sĩ Hoàng Bá là cơ sở đường dây nội thành.

* Trạm liên lạc ngoại thành: Đặt tại vùng Cầu Lim, là Chùa... Từ thành phố Huế đi lên qua khỏi Đàn Nam Giao, vừa qua khỏi Cầu Lim phía trái có con đường nhỏ, cuối đuờng này là ngôi chùa. Trụ trì chùa này là cơ sở đường dây ngoại thành. Trong suốt thời gian gần hai năm Đoàn Công Lập làm Trưởng Ty, chúng tôi hầu như làm chủ ty Cảnh Sát. Qua Đoàn Công Lập, mọi hoạt động chìm, nỗi của Cảnh Sát chúng tôi đều biết trước, rõ ràng và tường tận. Ngoài ra cơ quan chúng tôi đã có kế hoạch đẩy hắn xâm nhập vào cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Huế, qua ngõ Văn phòng Cố Vấn CSĐB. Chúng tôi đã cung cấp cho Đoàn Công Lập một số tin tức có giá trị cao như Nghị Quyết mới nhất của Trung Ương Đảng, báo chí và nhất là một số tài liệu quan trọng có giá trị để hắn thường xuyên cung cấp cho Văn Phòng Cố Vấn CSĐB.

Đối với Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Tại Huế chúng tôi giao cho Đoàn Công Lập các tài liệu liên quan đến mọi hoạt động của Phật giáo Ấn Quang, Đảng phái Chính trị như: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng, Cần Lao.v v... Tóm lại là những tin tức tình báo và chính trị mà 2 cơ quan này cần, với mục đích để hắn mỗi ngày mỗi tiếp cận và tạo uy tín khả năng tình báo của hắn với 2 cơ quan trên. Hy vọng trong tương lai gần, Tình báo dân sự Hoa Kỳ sẽ tuyển mộ hắn. Trong Mậu Thân 1968, nhiệm vụ chính của Đoàn Công Lập là chiếm giữ Đài phát thanh Huế hợp pháp, chờ đợi lực lượng Giải phóng kiểm soát toàn bộ thành phố Huế thì đài phát thanh sẽ phát đi lời kêu gọi của chính quyền Cách Mạng Thành phố Huế và những thông tin cần thiết.

Với 3 cơ sở Hoàng Kim Loan vừa khai báo, tôi yêu cầu hắn dừng ngang đó, để hắn có thì giờ viết lại. Trong 3 cơ sở, chuyện về Quận Cán đã quá thời gian tính, sau Mậu Thân chính Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã cho bắt quận Cán và giao cho Trung Tá Cường, Trưởng Ty An Ninh Quân Đội Đà Nẵng. Trung tá Cường là 1 đại sư phụ trong ngành An Ninh Quân Đội. Ông hoạt động trong ngành tình báo, kể cả tình báo hải ngoại, từ lúc còn Trung úy trong thời Đệ I Cộng Hoà. Giữ chức vụ Trưởng Ty ANQĐ Đà Nẵng trong 11 năm, bản chất ngang tàng, không sợ trời mà cũng chẳng sợ đất, rất hợp với Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Thiếu Tướng Loan giao cho ông vụ Quận Cán là đúng người, đúng việc.

Trường hợp của Thiếu Tá Lê Cảnh Thâm và ông Đoàn Công Lập. Việc đầu tiên sau lời khai của Hoàng Kim Loan, tôi yêu cầu Văn Phòng Cố Vấn CSĐB gởi 1 chuyên viên và máy đo sự thật ra Huế. Sau cuộc trắc nghiệm với máy đo sự thật xác nhận lời khai cuả HK Loan là đúng.

**[ Máy đo sự thật là một loại máy đo dựa trên căn bản hoạt động của nhịp đập tim và hoạt động thần kinh não bộ của người bị đo, để ghi nhận sự biến đổi và phản ứng của hai bộ phận này. Người bị đo máy được hỏi những câu hỏi rất ngắn, gọn, một số là câu hỏi vu vơ, một số là những câu hỏi cần biết đương sự có nói dối hay không, và người bị hỏi chỉ trả lời: Có/Không, Yes/No. Ví dụ: Anh Tên là Loan phải không? Yes. - Anh có 2 con, 1 gái,1 trai phải không? Yes. - Anh đặt chuyện để vu khống cho Ông Thâm, Cán và Lập phải không? Nếu hắn nói láo thì phản ứng tự nhiên để chống lại câu hỏi đó được phát hiện trên một biểu đồ hình Sin trong toán học, qua máy đo vì sự biến đổi của nhịp tim mà máy có thể ghi lại trên biểu đồ trong khoảng 1/ bao nhiêu ngàn giây đồng hồ.]

Mặc dầu cho đến ngày nay máy đo sự thật vẫn không đuợc chấp nhận có đủ tư cách pháp lý làm bằng chứng để buộc tội, nhưng các cơ quan Tình báo họ tin máy này còn hơn tin Tổng Thống của họ. Bây giờ tôi đủ 3 dữ kiện để có thể hành động ngay mà không sợ lầm lẫn:
- Lời khai của HK Loan đã được thâu băng.
- Lời khai do chính hắn viết tay.
- Kết quả máy đo sự thật.

Tôi ký giấy bắt giữ Thiếu Tá Lê Cảnh Thâm, thẩm vấn sơ khởi trong vòng 24 giờ, sau đó giải giao đương sự cho Thiếu tá Truật, Trưởng Ty ANQĐ Thừa Thiên-Huế, 'Tuỳ nghi'. Tôi cho lệnh bắt giữ Bác Sĩ Hoàng Bá, và cơ sở trạm giao liên ở chùa gần Cầu Lim. Riêng Ông Đoàn Công Lập, đây là một trường hợp rất khó cho tôi, mặc dầu ông hoạt động cho địch, nhưng dù sao ông cũng là ông Chief cũ của tôi trong 2 năm. Khi ông thay Thiếu tá Phạm Khắc Đạt làm Trưởng ty, tôi vẫn là Phó Trưởng ty CSĐB làm duới quyền ông Lập. Bây giờ nếu tôi ký lệnh bắt ông ta, tôi chẳng biết tôi là loại người gì? Lương tâm, tình cảm và nhiệm vụ, tôi phải chọn đường nào?

Tôi hỏi ý kiến phụ Tá của tôi Đại Úy Trương Công Ân Trưởng Phòng CSĐB. Có thể nói trong BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, ngoài tôi ra, Ân là người xếp hàng thứ hai khi trực diện đối đầu với đám giặc cỏ Việt Cộng, chúng tôi chẳng bao giờ tương nhượng và lùi bước một ly tấc nào. Hắn đúng là Sĩ Cảnh Sát Đặc Biệt thứ thiệt, loại sĩ quan nòng cốt của Lực lượng CSQG.

Trả lời câu hỏi của tôi, hắn nói:
- Thường ngày đụng việc, nhất là đối với đám Việt Cộng, anh cứng ngắc. Sao đối với chuyện này anh yếu xìu? Có gì đâu, tội hắn còn nặng hơn Việt Cộng, Trưởng ty CSQG mà làm nội tuyến. Nếu tôi là anh, tôi ký giấy bắt ngay.

Hắn dứt câu, tôi thấy có tí hổ thẹn trong lòng, tôi nói để chống đỡ:
- Thì đó, vì mình là người quốc gia, nhiều khi tình cảm yếu đuối thật.

Cuối cùng tôi chọn giải pháp trình Bộ Tư Lệnh CSQG tại Sàigòn xin BTL thụ lý vụ ông Đoàn công Lập. Tôi nhẹ người, trút được gánh nặng ngàn cân.

Ngày hôm sau, 21-5-72, tôi tiếp tục nói chuyện với HK Loan. Hắn khai tiếp những cơ sở nội tuyến của Tổng Cục 2 Quân Báo và Cụm TBCL trong các đơn vị quân lực VNCH. Tôi chỉ nêu một hai nhân vật điển hình như sau:

II- Đối tượng QLVNCH

* 1)- Thiếu tá Phan Huê.

Thiếu Tá Phan Huê là Chỉ huy trưởng Quân bưu cục (KBC) tại Huế. Cán bộ tình báo Việt Cộng điều khiển Thiếu tá Huê chính là Hoàng Kim Loan. Công tác chính của Thiếu tá Huê là sao chép, chụp hình những thư từ và các tài liệu quan trọng được chuyển qua hệ thống KBC, và chuyển lại cho Hoàng Kim Loan.

* 2)- Một Cựu Thiếu Tuớng QLVNCH (xin được miễn đề cập danh tánh và chi tiết nội vụ)

Ông này bị cơ quan Quân Báo Việt Cộng móc nối hoạt động từ khi còn mang cấp Tá. Cán bộ tình báo Việt Cộng điều khiển là Đại Tá quân Báo Việt Cộng Hà Văn Lâu.

* 3)- Một Trung Tướng Quân Lực VNCH còn tại chức vào năm 1972 (Xin được miễn nêu danh tánh và chi tiết nội vụ).

Cán bộ Tình Báo Việt Cộng đầu tiên được lệnh của cơ quan Cục TBCL /VC điều tra sưu tập toàn bộ lý lịch để mở đầu mối xâm nhập, tổ chức ông Trung Tướng này, chính là hắn, HK Loan. Sau đó Hoàng Kim Loan được lệnh chuyển giao toàn bộ đầu mối xâm nhập này lại cho Cục TBCL tại Hà Nội điều khiển, hắn không còn biết thêm gì nữa.

Hắn vưà dứt lời khai, toàn thân tôi như có một luồng hơi lạnh chạy suốt từ chân đến đầu. Tôi ngồi yên bất động. nếu quả đúng, thật là một đại họa, một tai ương, bất hạnh quá lớn cho quốc gia, và cho tập thể Quân Lực VNCH. Tôi dừng cuộc thẩm vấn, để HK Loan viết lời khai. Tôi trở về BCH gọi Ân, hai anh em cùng bàn soạn với nhau:
- Ân, mình phải cẩn thận hết sức. Có thể hắn khai thật, nhưng cũng phải đề phòng. Hắn là một con cáo già đã thành tinh đội lốt người trong giới Tình báo. Hắn dùng mình để gây xáo trộn, lũng đoạn, nghi ngờ trong nội tình Chính phủ, và cũng để hủy diệt mình. Bây giờ mình đi gặp chuyên viên đo máy sự thật yêu cầu họ soạn thảo thật nhiều và chi tiết các câu hỏi liên quan đến vụ này, yêu cầu đo máy chiều nay. Nếu mọi lời khai của hắn đúng, làm phiếu trình Thiếu Tướng Tư Lệnh. Tôi không thể rời nhiệm sở lúc này. Anh thay tôi, sáng mai lấy chuyến bay sớm nhất vào gặp Đại Tá trưởng khối CSĐB của anh, trình bày rõ ràng, để ông trình Thiếu Tướng Tư Lệnh, chuyện này ngoài tầm tay của mình.

Cuộc đo máy sự thật được thực hiện ngay chiều hôm đó và kéo dài khoảng gần 2 giờ. Kết quả chuyên viên cho biết lời khai của Hoàng Kim Loan thành thật.

* 4)- Một Nhân viên ngườì Việt Nam (Xin được miễn nêu danh tánh) làm tại phòng Thông Tin Văn Hóa Hoa Kỳ tại Huế là tình báo viên của Cục Tình Báo Chiến Lược Việt Cộng. Khi HK Loan khai báo về người này, tôi được Văn Phòng Cố Vấn CSĐB yêu cầu giữ kín nội vụ.

III- Đối tượng Chính quyền.

* 1)- Cựu Trưởng Ty Nội An Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế. (Đương sự hiện đang cư ngụ tại Hoa Kỳ, xin được miễn nêu danh tánh)

Tham gia kháng chiến, 1953 được bố trí ra đầu thú để hoạt động nằm vùng. Cán bộ điều khiển người này là Hoàng Kim Loan. Trước ngày ra đầu thú chính Hoàng Kim Loan đã tặng người này chiếc áo lạnh màu lục vì khi đó thời tiết quá lạnh vào tháng 2/1953. Trong hệ thống chính quyền Tỉnh, về phương diện an ninh, Trưởng Ty Nội an Tỉnh được xếp vào hàng thứ 2, giữ nhiệm vụ quan trọng sau Trưởng ty Cảnh Sát.

Ngoài việc tiếp nhận tin tức về vấn đề an ninh do Cơ quan Cảnh sát, phòng 2 Tiểu khu, Ty An Ninh Quân đội, Ty Chiêu Hồi gởi đến trình vị Tỉnh Trưởng sở tại. Trưởng ty Nội An là tổng thư ký Hội đồng An ninh tỉnh, có nhiệm vụ nghiên cứu và đề nghị biện pháp trừng phạt, chế tài những tù nhân Cộng Sản được ty Cảnh Sát đệ nạp đưa ra Hội đồng An ninh tỉnh xét xử. Thường thì đề nghị 6 tháng, 1 năm giam giữ, hoặc vì tình hình an ninh có thể giữ đến 2 năm và tái xét. Trong Hội đồng An ninh tỉnh, Trưởng ty Nội an có thể dùng quyền hạn giảm án tối đa cho những thành phần đó. Hoàng Kim Loan dùng y trong nhiệm vụ này, và ngoài ra chuyển những tin tức quan trọng mà các cơ quan an ninh, tình báo gởi trình vị Tỉnh trưởng.

**[Hội đồng An Ninh Tỉnh gồm có: Chủ Tịch: Tỉnh Trưởng, Trưởng ty Cảnh Sát: phó chủ tịch, Trưởng ty nội an: Tổng Thư ký. Hôị viên: Trưởng ty An Ninh Quân Đội, Trưởng Phòng 2 Tiểu Khu, Trưởng Ty Chiêu Hồi]


Tôi ký lệnh bắt y. Khi thẩm vấn, y chối quanh không nhận, nhưng khi nhắc lại chiếc áo lạnh màu lục của nguời bạn tặng trong tháng 2-1953, khi hắn ra đầu thú, và sau đó tôi còn cho hắn nhìn thấy Hoàng Kin Loan bằng xương bằng thịt, người bạn năm xưa, và hiện tại là cán bộ điều khiển hắn. Hắn hết chối cãi.

* 2)- Viên tùy phái của Đại Tá Tỉnh Trưởng.

Công việc thường nhật của y là đi sớm về muộn, đóng mở cửa văn phòng Tỉnh trưởng, lau bàn quét bụi, trà nuớc cho khách, sắp xếp hồ sơ tại văn phòng Tỉnh trưởng. Y phục vụ đến 3 đời Tỉnh trưởng: Đaị Tá Phan Văn Khoa, Đại Tá Lê văn Thân, Đại tá Tôn Thất Khiên. Đến đời Đại Tá Tôn Thất Khiên thì hắn mới bị phát giác và bị bắt. Nhiệm vụ mà Hoàng kim Loan giao cho y là nghe lén tin tức và đánh cắp một số tài liệu quan trọng trong văn phòng Tỉnh truởng.

* 3)- Lê Quang Nguyện. Nghị viên Hội Đồng Tỉnh Thưà Thiên.
Lê quang Nguyện là cơ sở lâu đời mà Hoàng Kim Loan gài nằm vùng trong Phật Giáo. Bị bắt cùng một lần với HK Loan.

* 4)- Nguyễn khoa Phẩm,Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Thưà Thiên.
Nguyễn Khoa Phẩm có người chị ruột là Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Việt Nam tại Hà Nội. Nguyễn khoa Diệu Hồng là thành phần tín cẩn của Hồ chí Minh, được Hồ Chí Minh nhận làm... em nuôi... (...!!!) . Nguyễn khoa Phẩm là cơ sở nội thành của Hoàng Kim Loan, nằm trong tổ trí thức vận

IV- Cơ sở Trí Thức Vận và Lực Luợng "Học Sinh Sinh Viên Giải Phóng".

Cơ sở Trí vận và lực lượng "Học sinh, Sinh viên Giải Phóng" của HK Loan mà hắn kê khai tôi có thể viết đến cả trăm trang giấy cũng không hết. Hầu hết những thành phần giáo sư, học sinh , sinh viên chủ chốt trong trong vụ Phật Giáo tranh đấu Miền Trung vào năm 1966 đều là cơ sở trí vận và lực lượng học sinh sinh viên Giảỉ Phóng của Hoàng Kim Loan. Những người này tôi đã đề cập đến trong bài Biến Động Miền Trung đăng trong các số báo trước, tưởng không cần nhắc lại. Ngoài số cơ sở cũ đó, Hoàng Kim Loan bổ túc thêm những nhân vật sau đây:

* 1)- Giáo Sư Châu Trọng Ngô.

Ông là giáo sư toán lâu đời tại trường Quốc Học. Những thế hệ học trò Đệ nhất B (ban toán), từ những năm 57- 61, hầu như tất cả đều là học trò của thầy Châu Trọng Ngô. Tôi cũng nằm trong số đó. Ông là giáo sư toán lâu đời tại trường Quốc Học mà cũng là cơ sở trí vận nằm vùng lâu đời của Hoàng Kim Loan. Ông có người em ruột bạn cùng lớp với tôi tại trường Quốc Học. Tôi nhớ không lầm thì vào năm đệ nhị hay đệ nhất, tôi không còn gặp người bạn đó trong lớp nữa. Năm 1997 Đại sứ nuớc Cộng Hoà Xã hôi chủ Nghiã Việt Nam tại Thái Lan là đại Sứ Lê Mai. Đại Sứ Lê Mai chính là người bạn học đã vắng bóng mà tôi vừa đề cập, chính là em ruột của Giáo Sư Châu Trọng Ngô. Có lẽ khi vào bưng anh ta đã thay tên đổi họ để khỏi liên lụy đến gia đình. Tôi và Đại Úy Ân đều tránh không gặp ông tại Trung tâm Thẩm vấn, vì cả hai chúng tôi đều là học trò ông. Trung úy Nguyễn thế Thông, Trung tâm trưởng trung tâm thẩm vấn đảm trách chuyện đó. Chỉ 2 tuần sau kể từ ngày bị bắt, tôi ký giấy trả tự do cho ông theo lệnh BTL/ CSQG tại Saìgòn vì Bộ Quốc gia Giáo Dục can thiệp với BTL Cảnh Sát. Tôi có thể viện nhiều lý do để không thả ông trong lúc đó, nhưng thôi, tình nghĩa thầy trò.

* 2)- Giáo Sư Lý Kiều.

Ông ta là cơ sở trí vận của Hoàng Kim Loan, nằm vùng lâu đời nhất từ năm 1954, mãi đến tháng 5-1972 mới bị bắt. Ông ta là bạn thân nhóm trí vận Tôn thất Dương Tiềm, Tôn Thất Dương Kỵ, cùng ở chung và sinh hoạt với nhau tại Liên Khu IV, tức vùng Nghệ An, Thanh Hóa, trước hiệp định Geneva. Sau năm 1954 vào Huế, sống nghề dạy học. Truớc ngày bị bắt ông là giáo sư tại trường Trung học Nguyễn Du, Huế.

Sau 1975, ông ra tranh cử chủ tịch Phường Thành Nội, nhưng thua phiếu một phu đạp xích lô. Đây là nỗi đau cuả người trí thức đi lầm đường. Có lẽ ông quên câu nói của Mao Trạch Đông: 'Giá trị của đám trí thức còn thua giá trị một bãi phân?.

* 3)- Lý Văn Bút.

Con trai Lý Kiều, cơ sở tình báo của cơ quan an ninh Tỉnh,Thị ủy Thừa Thiên-Huế. Cán bộ điều khiển là Nguyễn Mậu Huyên, tức Bảy Lanh thường được gọi là anh Bảy. Bảy Lanh là con nuôi chủ tiệm thuốc Bắc Thiên Tường ở đường Duy Tân cạnh chợ An Cựu. Bảy Lanh là Trưởng ban An Ninh Tỉnh Thị ủy Thừa Thiên Huế. Bảy Lanh và cha nuôi hắn Thiên Tường là hung thủ bắn, giết và chôn sống hàng trăm đồng bào vô tội trong Quận 3 (Hữu Ngạn) vào Mậu thân 1968.

Lý văn Bút nguyên giáo sư bị gọi động viên, cấp bậc cuối cùng Trung úy QLVNCH, được biệt phái trở lại đi dạy tại trường Trung học Hàm Nghi- Huế. Một câu chuyện liên quan đến hoạt động của Lý Văn Bút đã trải qua gần 37 năm, quá đủ thời gian tính để giải mật và cũng để giải tỏa nghi vấn cho đám giặc cỏ Việt Cộng, bọn chúng tìm tòi mà vẫn không có đáp số đúng. Vào đầu tháng 4-1970 cơ quan Tỉnh ủy Thừa Thiên phái một nữ cán bộ từ cơ quan ở vùng gần Tà Bạt, A Lưới thuộc quận miền núi Nam Hoà về Huế công tác và mua một ít vật dụng cho cơ quan, trong đó cần mua một máy đánh chữ. Người nữ Cán bộ nầy tên là Nguyễn Thị Gái. Sau nhiều ngày Nguyễn thị Gái đến được làng Đình Môn, mặt tiền lăng Vua Gia Long, vượt nguồn tả sông Hương, qua làng Vỹ Dạ thuộc Nam Hoà, điểm hẹn là làng Gia Lê Thượng, thuộc quân Huơng Thủy, sẽ có giao liên nội thành đón vào thành phố.

Giao liên nội thành đến điểm hẹn đúng giờ và chở Nguyễn thị Gái bằng xe Honda vào thành phố. Người giao liên nội thành đó chính là Lý văn Bút, giáo sư trường Trung Học Hàm Nghi và cũng là Trung úy QLVNCH biệt phái. Từ Dạ Lê Thượng vào thành phố Huế chỉ là một đoạn đường ngắn, nhưng trước khi vào thành phố lại có một trạm kiểm soát rất chặt chẽ của lực lượng CSQG/Thừa Thiên Huế, được tăng cường và phối hợp một số Quân Cảnh để kiểm soát cả dân sự và quân nhân, đó là trở ngại và là mối lo lớn của Lý văn Bút. Nhưng Lý văn Bút không biết rằng có hai người còn lo hơn hắn, đó là tôi, và Đại úy Trương Công Ân, Trưởng phòng CSĐB, mặc thường phục, cũng chở nhau bằng xe Honda chạy sau Lý Văn Bút để hộ tống cho Nguyễn Thị Gái, vì Nguyễn Thị Gái là cơ sở nằm vùng của chúng tôi. Cũng may, Lý văn Bút và Nguyễn thị Gái qua lọt trạm kiểm soát, nếu bị chận hỏi lôi thôi, thì một trong hai chúng tôi phải can thiệp ngầm để Nguyễn thị Gái khỏi bị bắt, như vậy có thể bại lộ công tác. Sau mười ngày, Nguyễn thị Gái trở lên cơ quan với nhiều vật dụng trong đó có chiếc máy đánh chữ. Khoảng 2 tuần sau đó, những trận mưa bom liên tục trút xuống khu vực cơ quan Tỉnh ủy Thừa Thiên. Những đợt oanh tạc này đã gây thiệt hại nặng nề nhân mạng, và cơ sở cho Tỉnh ủy Thừa Thiên, nhưng ngược lại chúng tôi cũng bị thiệt hại: Nguyễn thị Gái cơ sở nằm vùng của chúng tôi đã hy sinh.

Địa điểm trú đóng của Tinh Ủy Thừa Thiên bị phát giác và và các phi cơ không lực HK oanh tạc rất chính xác, tại sao? Câu hỏi bao nhiêu năm mà bọn giặc cỏ Việt Cộng vẫn thắc mắc, tìm hiểu, mà không bao giờ có giải đáp đúng, thì giờ đây là câu trả lời: - Chiếc maý đánh chữ do chúng tôi cung cấp hiệu Oliver, một máy phát làn sóng lên thẳng được chuyên viên kỹ thuật ngoại quốc khéo léo đặt trong máy đánh chữ. Máy phát làn sóng lên thẳng này vận hành trên căn bản cũng giống như máy của các đơn vị biệt kích nhảy toán, hoặc các phi công thường dùng để định vị trí khi cấp cứu, chi tiết hơn thì tôi không rõ. Khi tôi giao máy đánh chữ cho Nguyễn thị Gái và bí mật hộ tống Nguyễn thị Gái vào vùng Dạ Lê để trở lại mật khu, là lúc máy bay không thám của HK bắt đầu bao vùng theo dõi và ghi nhận làn sóng, sau đó là cuộc oanh kích dữ đội của không lực HK vào cơ quan Tỉnh Ủy Việt Cộng.

V- Đối tượng Học Sinh, Sinh Viên.

Chủ trương của Trung Ương Đảng Cộng Sản Hà Nội, do Hoàng Kim Loan thực hiện, là dùng lực lượng Học Sinh, Sinh viên làm... "Ngòi nổ" cho mọi cuộc dấy loạn, gây rối, bất ổn, xáo trộn chính trị tại miền Nam Việt Nam, và tạo những suy sụp, đổ vỡ cho nhiều chính phủ VNCH. Học sinh, Sinh viên là một trong những lực lượng chủ lực của mọi cuộc xách động biểu tình, lên đường xuống đường triền miên, xảy ra từ khi manh nha lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đến khi giựt xập nền Đệ I Cộng Hoà vào năm 1963, kéo dài cho đến cuộc nổi loạn miền Trung năm 1966 của Thích Trí Quang/Hoàng Kim Loan, và tiếp tục gây rối đến thời Đệ II Cộng Hoà, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, mà Huế là trung tâm điểm xuất phát. Từ sau năm 1963, hằng tháng, hằng năm, hằng loạt các cuộc biểu tình lên đường, xuống đường, đình công bãi thị chống đối chính phủ, cái gì cũng chống, từ chống tàn dư "Mật vụ Nhu Diệm, dư đảng Cần lao", "Đạo pháp lâm nguy", chống chiến tranh, đuổi Mỹ về nước, chống Quân sự học đường, chống bầu cử độc diễn, và cuối cùng chống luôn cả 17 triệu dân miền Nam vì họ không chấp nhận chế độ Cộng Sản.

Mọi cuộc biến động chính trị tại Huế trong thời gian này đều xuất phát từ Trung Tâm gây rối Từ Đàm, từ tiểu thương chợ Đông Ba, và từ đám cơ sở nội thành Học sinh, Sinh viên Giải Phóng, nằm trong Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Huế. Tổng Hội Sinh viên Đại học Huế biến thành đấu trường Gián điệp giữa Quốc gia và Cộng sản, giữa Chính phủ và các phe nhóm đối lập, kẻ nào cầm nắm được Tổng hội SV kẻ đó có thể hướng dẫn một phần nào Tổng Hội SV đi theo con đường mình muốn. Hai lực lượng chính đối đầu nhau trong mục tiêu Tổng hội SV Đại học Huế:

1- Lực lượng địch gồm có:
- Tổng Cục 2 Quân Báo Cộng Sản Hà Nội .
- Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng Sản Hà Nội.
- Ban An ninh Quân khu Trị Thiên .
- Ban An ninh Tỉnh, Thị Ủy Huế, Điệp viên VC Trung Tá Hoàng Kim Loan, và Thích Trí Quang.

2- Lực lượng ta gồm có:

- Phủ Đặc ủy Trung ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hoà
- Cảnh Sát Quốc gia Thưà Thiên-Huế.
- An Ninh Quân Đội .
- Đơn vị 101 Quân báo tại Huế.
- Tình báo Dân sự Hoa Kỳ.

Mọi cơ quan tình báo của địch và ta đều có sách lược riêng để xâm nhập, cài người vào. Mục tiêu của cả hai phe Quốc, Cộng tại Đại Học Huế là Ban chấp Hành Tổng Hội Sinh viên, từ Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên đến phó chủ tịch, Tổng thứ ký và hội viên trong ban chấp hành. Bên nào nắm được Ban chấp hành Tổng Hội Sinh viên, bên đó ở thế thượng phong. Từ 1963 đến 1966, Hoàng Kim Loan và Thích Trí Quang chủ động mọi hoạt động của Tổng hội Sinh Viên Đại Học Huế. Từ chủ tịch Sinh Viên đến toàn bộ ban chấp hành Tổng hội Sinh Viên hầu hết là cơ sở nội thành Việt Cộng và là người của Trí Quang, bọn họ chỉ huy đám sinh viên nòng cốt này để phát động mọi cuộc gây rối loạn tại Huế.

Điển hình là những sinh viên dưới đây:
- Nguyễn Đắc Xuân, SV Sư phạm.
- Hoàng Phủ Ngọc Phan, SV Y khoa.
- Nguyễn Thiết tức Hoàng Dung, SV Luật Khoa.
- Phạm Thị Xuân Quế, SV Y khoa.
- Tôn Thất Kỳ, SV.
- Hoàng Văn Giàu, SV.
- Phan Chánh Dinh tức Phan Duy Nhân, SV.
- Bửu Chỉ, SV.
- Nguyễn Hữu Châu Phan, SV.
- Hoàng Thị Thọ, Nữ sinh Đồng Khánh.
- Trần Quang Long , SV Sư Phạm.
- Võ Khuê, SV Văn Khoa.
- Phạm Cần , SV Y khoa.
- Trần văn Hoà, SV Cao Đẳng Mỹ Thuật.
- Trần Minh Thảo, SV Sư phạm.
- Trần Hoài, SV Sư phạm.
- Hồ Cư, Sinh viên ban Sử địa.

Và quá nhiều...


Biến động miền Trung 6-1966, một số trong đám này bị lực lượng CSQG/Thừa Thiên- Huế bắt giữ, một số khác chạy thoát lên mật khu, để rồi Mậu Thân 1968, bọn chúng trở vào Huế, trả mối hận xưa, bắn giết không nương tay hàng ngàn người dân Huế. Một số khác trong đám này bị bắt trong chiến dịch Bình Minh 5/1972, và đưa ra tạm giữ tại Côn Sơn.

Từ sau 1968 đến 1970, ban chấp hành Tổng Hội sinh viên Đại Học Huế có một số sinh viên của chúng tôi lọt vào được ban chấp hành Tổng hội, trong đó có 2 sinh viên là Sĩ Quan Cảnh Sát Đặc Biệt. Họ là 2 trong 8 Sĩ Quan Cảnh Sát vừa mới ra trường từ Học viện Cảnh Sát Quốc Gia, được thuyên chuyển ra Huế, bổ sung cho phòng CSĐB. Tôi chọn 2 sĩ quan này, dáng dấp thư sinh, một nguời đã có một chứng chỉ Đại học và người kia cũng đã học Đaị học được một năm. Từ sau buổi trình diện tại BCH, không còn ai biết họ là Sĩ quan CSĐB, ngoại trừ tôi và Đại Úy Ân. Họ thường gặp chúng tôi tại "nhà an toàn", để trình báo công tác và nhận chỉ thị. Họ đã trở thành sinh viên Đại Học Huế, hàng ngày chăm chỉ đến giảng đường Đại Học như mọi sinh viên khác. Với khả năng chuyên môn được đào tạo kỹ lưỡng từ Học viện CSQG, lần hồi họ đã lọt vào được ban chấp hành tổng hội Sinh viên và giữ chức vụ quan trọng. Vì thế chúng tôi nắm rất vững mọi hoạt động của đám sinh viên cơ sở nội thành, dưới quyền lãnh đạo của Trung tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan ???..

No comments:

Blog Archive