Monday, June 1, 2009

LÝ LỊCH CỦA Tiêu Dao Bảo Cự

NHỮNG ĐỨA TRÔNG NGÓNG BÊN KIA và sinh viên Berkeley

DCVOnline – Tiêu Dao Bảo Cự (TDBC) tên thật là Bảo Cự sinh năm 1945 lớn lên và đi học tại Huế. Từ khi 18 tuổi, TDBC đã tham gia tích cực trong phong trào sinh viên chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Sau đại học, Bảo Cự đi dạy học tại Ban Mê Thuột, Bảo Lộc, cùng lúc hoạt động nội thành cho MTDTGPMN.

TDBC gia nhập đảng cộng sản năm 1974 nhưng đến sau 1975, mới được kiểm tra hồ sơ và xác nhận đảng tịch; ông là cán bộ các đoàn thể và mặt trận đến 1987-88 là ủy viên thường trực Hội văn nghệ tỉnh Lâm Đồng và phó tổng biên tập báo Langbian.

Cuối năm 1988, được Nguyễn Văn Linh cho “đổi mới” và “cởi trói văn nghệ”, Tiêu Dao Bảo Cự cùng Bùi Minh Quốc, chủ tịch Hội văn nghệ Lâm Đồng, và nhà thơ Hữu Loan, cùng vài người khác tổ chức một chuyến đi suốt đất nước vận động cho tự do dân chủ, đi ngược lại đường lối của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đoàn vận động dân chủ đã 6.000 km trong một tháng rưỡi, đòi hỏi đổi mới thật sự, gây tiếng vang trong giới trí thức, văn nghệ. Vài tháng sau đó, Bảo Cự và Bùi Minh Quốc bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức ở Hội Văn Nghệ.

Tiêu Dao Bảo Cự bắt đầu gởi đăng ở DCVOnline từ 23/06/2005 với bài Hữu Loan: “Cây gỗ vuông chành chạnh...”. Sau đó, Hành trình mùa Xuân bút ký của TDBC về hành trình vận động dân chủ nêu trên đã đăng nhiều kỳ trên DCVOnline từ 30/08/2005 đến 29/10/2005. Một tác phẩm khác của Tiêu Dao Bảo Cự, “Tôi Bày Tỏ, Nhật ký Tiêu Dao Bảo Cự 1996-1998” cũng được giới thiệu và đăng nhiều kỳ ở DCVOnline từ 07/0/2006 đến 10/03/2006.

Tác phẩm đầu tay của TDBC gởi ra và in ở hải ngoại, khoảng cuối năm 1993, là cuốn Nửa đời nhìn lại cùng tên với một tác phẩm của Trifonov, một nhà văn Nga vào cuối thời Soviet, đã được Phan Hồng Giang (Nguyễn Đức Hân) dịch sang tiếng Việt.

Tác phẩm mới nhất của TDBC là Mảnh Trời Xanh Trên Thung Lũng, xuất bản lần đầu tại Hoa Kỳ năm 2007. Mới đây tác giả TDBC có buổi hội thảo với sinh viên tại Đại học Berkeley, CA. Mời bạn đọc theo dõi một số ghi nhận về buổi họp của tác giả Nguyễn Ngọc Ẩn.

Nguyễn Ngọc Ẩn

Buổi Thuyết Trình Của Tiêu Dao Bảo Cự và sinh viên Đại Học UC Berkeley

Tối thứ 5 ngày 7 tháng 5 lúc 7:00 PM –9:00PM ở phòng 100 Wheeler Hall có một buồi nói chuyện của Tiêu Dao Bảo Cự (TDBC) và sinh viên UC Berkeley. Người thông dịch là Nguyễn Khoa Thái Anh. Thành phần tham dự khoảng 40 sinh viên.

Buổi nói chuyện, thư mời ghi do hội sinh viên Việt Nam Đại học Berkeley tổ chức. Thư mời giớ thiệu Tiêu Dao Bảo Cự là người bất đồng chính kiến với chính quyền Cộng sản Việt Nam và đề tài buổi nói chuyện của TDBC là nhà thơ Hữu Loan và bài thơ Đồi Tím Hoa Sim. Buổi họp bắt đầu bằng lời tự giới thiệu về cuộc đời của TDBC

Bảo Cự đã kể ông là một sinh viên ở Huế, vì bất mãn với chính quyền miền Nam nên đã gia nhập MTDTGPMN giải phóng đất nước. Dưới chế độ miền Nam ông TDBC bị tù nửa năm. Sau tù TDBC trở về học hết bậc đại học và đi làm giáo viên ở Ban Mê Thuột. Trong thời gian dạy học, ông tiếp tục làm việc với MTDTGPMN và sau đó vào bưng hoạt động với Việt cộng.

Sau ngày 30/04/1975 thì TDBC và vài người bạn kể cả Hữu Loan và Bùi Minh Quốc họp nhau làm báo Langbian. Tờ báo bị đóng cửa không lâu sau đó. TDBC đã đi từ Đà Lạt về Sài Gòn và ra Bắc để lấy chữ ký vào bản kiến nghị khiếu nại với Hà Nội việc đóng cửa tờ Langbian và đòi tự do báo chí. Sau chuyến đi vận động trở về, TDBC bị quản thúc tại nhà trong 2 năm. Khi đó TDBC đã có 15 tuổi đảng và tiếp tục bị công an theo dõi suốt 10 năm sau đó. TDBC nói ông đã giúp cộng sản đánh đổ một chế độ tốt đẹp hơn cái chế độ cộng sản mà ông đã hy sinh cả tuổi trẻ để phục vụ.

Trong phần trao đổi, người viết hỏi ông vận động được bao nhiêu chữ ký; Bảo Cự cho biết có 118 người ký tên. Một sinh viên trẻ hỏi thêm, cần bao nhiêu chữ ký cho bản kiến nghị. Có lẽ bạn sinh viên đã đặt câu hỏi như người đang sống ở xứ tự do, nghĩ rẵng cần một số chữ ký nhất định trước khi sự khiếu nại được nhìn nhận. Bảo Cự không trả lời câu hỏi này vì cho đó là chuyện đã qua rồi.

Sau đó ông Bảo Cự đề nghị cử toạ nên bàn về đề tài “dùng phương cách nào để giúp các sinh viên Việt kiều muốn về VN phục vụ cho quê hương.” Ông nói, nếu có ai còn nghĩ đến quê hương thì hãy về giúp nước. Theo TDBC, muốn giúp nước thì tuổi trẻ cần phải hiểu được người trong nước muốn gì. Vì thế sinh viên Việt kiều cần và nên về Việt Nam để học ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam để hiểu được người Việt Nam muốn gì để giúp ích hiệu quả hơn. Người viết thiển nghĩ muốn học văn hóa Việt Nam thì nên qua Mỹ hay Pháp học hỏi có lẽ trung thực và nhân bản hơn.

TDBC cũng nói là Việt Nam đã đạt được những bước tiến kỳ diệu so với các nước bạn nhưng không khai triển rõ những bước tiến đó là gì. Tham nhũng và buôn bán phụ nữ tại Việt Nam cũng hơn xa các nước bạn. Có phải đây cũng là những “bước tiến kỳ diệu”?

Một sinh viên khác đặt câu hỏi có thể giúp những gì để người dân nổi dậy lật đổ cộng sản. Bảo Cự có đưa thí dụ dân Bắc Hàn và Cuba đói nhưng vẫn không nổi dậy lật đổ chính quyền. Ông TDBC không đề cập đến những nước cộng sản Đông Âu đã bị lật đổ. Về Việt Nam để học văn hóa, ngôn ngữ cần thời gian lâu dài. Như thế, người viết nghĩ rằng đảng cộng sản sẽ có cơ hội tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và khi sinh viên trở về Hoa Kỳ có nhiều khả năng sẽ xảy ra xung đột tư duy với thế hệ cha anh trong gia đình. Sông ở Việt Nam chừng 6 tháng, sinh viên có thể sẽ ý thức, nhìn thấy, kinh nghiệm thực cái văn hóa hối lộ và tham nhũng và những “bước tiến bộ thần kỳ” khác. Ở Việt Nam một năm có lẽ sinh viên Việt kiều sẽ học được thêm cái văn hóa “hèn” chỉ biết câm miệng nghe. Tỏ thái độ hay có hành động “lạng quạng” sẽ được gán tội làm gián điệp và vào tù học văn hóa đảng. Tấm gương của Lê Thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài vẫn còn đó.

Trong buổi họp ngoài Bảo Cự còn một số người Việt khác lên tiếng khuyến khích giúp Việt Nam qua các hội thiện nguyện thay vì giúp thẳng cho người nghèo. Những người cổ động phương án “giúp qua hội thiện nguyện” biện giải bằng thí dụ giúp người vô gia cư ở Mỹ. Nếu giúp người vô gia cư, gần trường Berkeley chẳng hạn, họ sẽ dùng tiền mua xì ke. Nếu cho tiền qua một hội từ thiện thì họ sẽ mua thức ăn phân phát. Người vận động này dường như cho rằng người vô gia cư là người nghiện ngập xì ke ráo trọi. Nhà nước Việt Nam thì không hút? Người viết phát biểu, giúp thẳng người nghèo vẫn tốt hơn phải qua các hội thiện nguyện ở Việt Nam vì độ đáng tin cậy của những tổ chức đó. Giúp trực tiếp người nghèo thì cuộc vận động của ông Bảo Cự tại Mỹ sẽ trớt quớt. Nhà nước Việt Nam có rất nhiều hội thiện nguyện. Tiền vô đó thì dân được 10-15% còn 85% là chi phí bồi dưỡng cán bộ.

Sau phần kêu gọi về Việt Nam học văn hoá và ngôn ngữ là màn quê hương ta không cần “democracy”. Một sinh viên và một phụ nữ ủng hộ nhà nước Việt Nam, không tiện nêu tên, đưa thí dụ: Philipines có dân chủ mà dân nghèo quá cỡ thì Việt Nam đâu cần dân chủ làm gì !!!! Người viết đã đề nghị mọi người nhìn vào Đại Hàn (Triều Tiên, Korea), một nửa là quốc gia dân chủ và nửa kia theo chế độ cộng sản, và làm cuộc so sánh sẽ có ngay kết quả. Dân Nam Hàn giàu, Nước Nam Hàn mạnh và tự do. Dân Bắc Bắc Hàn nghèo đói và chắc chắn không có tự do ở Bắc Triều Tiên.

Tới đây thì không khí trở nên gây cấn. Chương trình buổi hội thảo dự định một tiếng nhưng đã kéo dài từ 7:00PM đến 9:00PM. Bảo Cự muốn ngỏ lời cuối trước khi chia tay; hắn khuyên, nếu du lịch thì nên về Việt Nam thay vì đi các nước khác và nên tổ chức đi du lich từng nhóm, như nhóm sinh viên chẳng hạn. 

Sau Bảo Cự, đến người cổ động cho Hà Nội phát biểu tiếp “giữa con người và con người thì chúng ta cần giúp đỡ ngay đừng đợi đến khi có một hệ thống chính quyền tốt thì những người cần được giúp đã chết rồi.” 

Theo tôi, không thiếu gì quốc gia có hệ thống chính quyền tốt trên thế giới và họ cũng cần giúp đỡ. Thí dụ, ngay tại Hoa Kỳ này hay Philipines, họ đã đón giúp người tỵ nạn cộng sản. Tại sao lại phải đưa tiền cho các quốc gia có hệ thống chính quyền tồi tệ và tham nhũng, và nhất là Việt Nam. Chính bạo quyền cs độc tài đó đã áp bức dân chúng miền Nam đến nổi phải liều chết bỏ nước ra đi. Những người mà họ gọi là “phản động” ra biển và hôm nay lại muốn lợi dụng “khúc ruột ngàn dặm”?

Sau buổi họp Nguyễn Khoa Thái Anh có xin email của mọi người và cho biết sẽ có một số sinh viên theo Bảo Cự ra China Town ăn mì !!!!????Trong email trả lời người viết đã đặt câu hỏi tại sao những người bất đồng chính kiến khác thì đang bị quản thúc hay đang ở trong tù Việt Nam và người bất đồng chính kiến (như thư mời giới thiệu) Tiêu Dao Bảo Cự lại được sang Mỹ thuyết trình, hội thảo?

Câu hỏi thứ hai qua email - Trong thư mời ghi rõ Bảo Cự sẽ thuyết trình về nhà thơ Hữu Loan và bài thơ “Đồi Tím Hoa Sim” đã phổ nhạc, nhưng suốt 2 giờ đồng hồ hội thảo ban tổ chức không dùng tới 2 phút để nói về đề tài nêu trong thư. Thực sự chỉ có khoảng 10 giây để nhắc tên Hữu loan trong lần cùng với Bảo Cự đi khắp nước xin chữ ký để đòi tự do báo chí. Đồi Tím Hoa Sim biến thành làm thế nào để sinh viên Việt kiều về giúp nước thì đúng là một bước tiến thần kỳ. 

Nguyễn Khoa Thái Anh hứa là sẽ chuyển câu hòi của tôi đến Bảo Cự và không quên kèm theo những lời chẳng hạn như “chống cộng theo kiểu mấy ông già !!!!”, hay là muốn Bảo Cự phải ngồi xuống để nghe luận tội hay sao? Thực ra thì Nguyễn Khoa Thái Anh “già” hơn tôi khá nhiều. Chỉ hỏi vài câu đơn giản mà làm thiên hạ giận, tôi thành thật xin lỗi; Lần tới, cứ học văn hoá câm như hến giống như nhân dân xã hội chủ nghĩa là khoẻ. Không biết đến bao giờ sẽ được đọc câu trả lời từ Bảo Cự; Có thể, người viết phải gửi kiến nghị đến Bảo Cự và… chờ. Thôi thì cứ kiên nhẩn vì Bảo Cự đã nói thế, phải kiên nhẫn với chính quyền Cộng sản Việt Nam. Tôi cũng email đến các sinh viên về một ngày nào đó sinh viên Berkeley sẽ về Việt Nam và sẽ có buổi hội thảo với sinh viên trong nước.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến hai chữ “kiên nhẩn” mà Bảo Cự và những người ủng hộ Hà Nội dặn phải nhớ cho rõ. Dân Việt Nam dễ dạy thật; Họ đã kiên nhẫn cả 60 năm với Hochiminh và Đảng. Mượn một câu nhạc Trịnh Công Sơn để tả cái kiên nhẫn của dân ta

Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ, trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ, anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu, người tù ngồi chờ bóng tối mịt mờ, chờ đã bao năm, chờ đã bao năm?”

Chờ để trở thành công dân Trung cộng cho oai. Trịnh Công Sơn chết sớm chứ không thì cũng sắp thành công dân của cường quốc Trung Hoa. Oai hết cỡ!

Bảo Cự tự nhận là đã dại dột, năm 1966, vào bưng theo cộng sản và phá đi một xã hội miền Nam tốt đẹp hơn xã hội cộng sản. Năm 1966, bộ mặt buôn dân bán nước của Cộng sản Việt Nam chưa lộ rõ nên Bảo Cự có thể lầm. Năm 2009, theo thiển ý, Bảo Cự còn “ngây thơ” hơn hồi 1966. Cộng sản Việt Nam đã hiện rõ là bọn buôn dân, bán nước nhưng Bảo Cự vẫn tin theo lời đường mật của Bác và Đảng. Chuyện bô-xít và Tầu vào Tây nguyên đang nóng như than hồng, hắn không nói tới.

Đáng tiếc cho một kiếp người, suốt đời chỉ phục vụ cho tội ác mà cứ ngỡ là đang giúp quê hương và dân tộc.

“Sống tủi sinh chi sống chật trời,” cụ Phan Bội Châu nói như thế./-

No comments:

Blog Archive