Monday, February 9, 2009

Kỳ 1: ‘BÀI HỌC NẶNG KÝ’ TỪ VIỆT NAM

ANDERSON THAI QUANG
Việt Báo Thứ Ba, 2/10/2009, 12:00:00 AM

“Bài học nặng ký”: Mang bạc triệu về VN đầu tư và...Chào Thua! (II)

Tác giả là một trí thức Việt kiều Mỹ từng mang bạc triệu về Việt Nam đầu tư và... chào thua. Việt Báo trân trọng giới thiệu những "bài học nặng ký" mà nhà triệu phú 39 tuổi đã "mua được với giá rẻ."

"Hai vị anh hùng thời còn đi học của tôi có rất nhiều bí mật xấu xa. Hồ Chí Minh không nhìn nhận cha mẹ cũng như không ngó ngàng gì đến ít nhứt là 12 đứa con. Võ Nguyên Giáp thì có ông con rể Trương Quang Bình là người giàu nhất nước... Tất cả mọi con người, mọi con số đều là giả dối."
*
Saigon những ngày cận Tết mát lạnh và mang chút không khí của những ngày Giáng Sinh nơi Âu Mỹ. Mọi người chuẩn bị mua sắm cho nhà cửa và quà cáp cho người quen. Đường Nguyễn Huệ và quanh khu du lịch của trung tâm thành phố, hoa đèn rộn rịp trang điểm cho mùa xuân, luôn luôn là biểu tượng của niềm hy vọng mới và vào một thay đổi nào đó tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn cho năm tới. Nhưng nếu du khách rẽ vào ngõ hẻm từ một con đường lớn, những con chuột to bằng con mèo, những con dán biết bay cùng ruồi muỗi, những ổ rác lộ thiên, những vũng nước ao tù… cho thấy một bộ mặt khác của Saigon. Bộ mặt của nghèo khó, bất hạnh và tù túng đã không hề thay đổi suốt 70 năm qua, mặc cho bao nhiêu mùa xuân của hy vọng trong quá khứ.

* CÁI TÔI ĐÁNG GHÉT
Một chút ít về cái "tôi" để người đọc cảm thông thêm về chủ quan của lá thư này. Tôi đến Mỹ năm 1975 cùng làn sóng người tỵ nạn Cộng Sản sau khi miền Nam sụp đổ. Cha tôi là một đại úy của quân đội miền Nam (ở đây, nay gọi là Mỹ Ngụy), và tôi chỉ mới 5 tuổi, chưa hiểu biết chút gì về lịch sử hay chính trị. Cha mẹ tôi làm đủ mọi nghề, vất vả ngược xuôi, từ lao động chân tay đến mua bán tiểu thương, để nuôi gia đình. Sau 30 năm, ông bà đã lo xong cho con cái, đã về hưu với căn nhà nhỏ và cuộc sống ổn định. Tôi lớn lên như một trẻ Mỹ, đi học, chơi đùa và coi xứ Mỹ như một quê hương chính thức, dù vẫn biết nói tiếng Việt theo thói quen của cha mẹ. Tốt nghiệp Thạc Sĩ về điện tử, tôi có công việc tốt, lấy vợ và sống đời trung lưu như trăm ngàn người khác. Cha tôi và các bạn ông thường tụ họp và bàn luận nhiều về tình hình Việt Nam, về những thù ghét của họ với nhà cầm quyền Cộng Sản, nhưng tất cả đều rất xa lạ với tôi. Khi học lịch sử ở trung học, tôi chỉ thấy có chút hãnh diện về Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé đã đánh bại được hai cường quốc là Pháp và Mỹ. Hai ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là hai anh hùng trong ký ức của tôi.

Cuộc sống bình lặng đó thay đổi hoàn toàn khi vợ tôi qua đời vì tai nạn xe cộ ba năm về trước. Không có con, thừa hưởng một số tiền bảo hiểm hơn 1 triệu đô la, cộng với giá nhà đang tăng cao vụt và một khoản tiền tiết kiệm lớn, tôi không còn thấy nhu cầu phải kéo cầy 11 tiếng mỗi ngày trước máy vi tính. Tôi quyết định trở về lại Việt Nam để làm ăn và tạo dựng một sự nghiệp mới. Tất cả những gì tôi đọc cho thấy một Việt Nam đổi mới với những con số ấn tượng về đầu tư của nước ngoài, về xuất khẩu, về cơ hội đầy tiềm năng của một "con rồng mới". Cha tôi không phản đối, ông chỉ cho một lời khuyên," Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà coi những gì Cộng Sản làm."

* HƯNG PHẤN VÀ THẤT VỌNG
Tôi dọn về lại Saigon vào tháng Mười năm 2007. Chỉ số VNI của chứng khoán Việt khoảng 1,000 và đề tài thời thượng khắp nơi là cơn sốt địa ốc và số thu nhập của các đại gia. Số tiền 2.5 triệu đô la của tôi thật nhỏ bé khiêm tốn khi bàn chuyện đầu tư. Dường như ai cũng đầy tiền mặt và dự án, nhiều gấp mười lần khả năng của tôi. Dù vậy, tôi cũng rất hưng phấn cảm nhận niềm lạc quan vô bờ bến về sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia.

Trong khi đó, dựa theo truyền thống khoa học từ đại học Mỹ, tôi nghiên cứu kỹ hơn các con số từ các doanh nhân cũng như từ chánh phủ. Có rất nhiều điều sai trái và nghịch lý từ các con số, cũng như sự kiện thực tế về kết quả hoạt động. Sự nghi ngờ của tôi được xác nhận khi so sánh và định chuẩn theo mức sống thực sự của người dân, giàu cũng như nghèo. Chung đụng với mọi thành phần xã hội giúp tôi nhìn rõ hơn về thực trạng của quê hương. Những lời nói hoa mỹ, cũng như những biểu ngữ dăng kín thành phố, là một lớp son phấn rẻ tiền, che dấu một bộ mặt điêu tàn và thê thảm.
Tôi nhận ra rằng cái cơ chế "kinh tế thị trường" mà nhà cầm quyền hứa hẹn khi ký văn bản gia nhập WTO chỉ là hình thức. Tất cả những miếng mồi béo bở đều nằm trong tay quan chức và cán bộ Đảng Cộng Sản, cũng như bà con thân thuộc trong gia đình. Bộ Chánh Trị trung ương thì nắm chặt các công ty quốc doanh và bán quốc doanh, quan chức địa phương thì có những đặc lợi về ruộng đất, giấy phép, dịch vụ nhu yếu. Lãnh vực tư nhân chỉ được phép làm trong địa bàn nhỏ, nhiều rủi ro và những ai có lời đều phải chia xẻ lại cho các quan chức bằng nhiều phong bì lớn nhỏ. Tầng lớp quan chức và gia đình họ, qua hệ thống tham nhũng tinh vi, đã thâu tóm phần lớn lợi tức quốc gia và có quyền hành không kém các quan lại của triều đại phong kiến.

Tôi nhận ra rằng cuộc chiến tranh dành độc lập với bao nhiêu xương máu của người dân chỉ là một cái cớ để Đảng Cộng Sản cướp chánh quyền. Những quốc gia láng giềng như Singapore, Mã Lai, Indonesia, đã dành độc lập không cần hy sinh và giờ đây, dân họ (nhờ một nền dân chủ minh bạch) đã trở nên giàu có. Họ đang cấu kết với nhà nước Việt để trở thành những chủ nhân lớn của nhiều đơn vị kinh tế bằng cách dùng đồng tiền để mua lao động rẻ và tài nguyên định giá qua gầm bàn.

Tôi nhận ra rằng chế độ to mồm này thực sự sống nhờ phần lớn vào những khoản viện trợ nhân đạo của các nước tư bản (mà họ từng lên án và đánh duổi); vào khoản tiền kiều hối của các cựu thuyền nhân (mà họ đã từng giam giữ tù đày khi kết tội phản quốc); vào mồ hôi nước mắt của những nô lệ mới qua danh từ xuất khẩu lao động hay qua các cuộc hôn nhân mua bán áp đặt; vào những khoản lệ phí va sưu thuế đầy phi nghĩa, cũng như một con số khổng lồ về hối lộ, đối với những người dân còn kẹt lại trong nước.

Tôi nhận ra rằng hai vị anh hùng thời còn đi học của tôi có rất nhiều bí mật xấu xa mà chế độ đã dùng mọi thủ đoạn để biến họ thành thần thánh, giúp cho chúng giữ vững địa vị và quyền hành. Đọc kỹ tiểu sử của ông Hồ Chí Minh sẽ tìm thấy một chính trị gia quỷ quyệt, nhiều mờ ám, hoàn toàn không có một chút chân thật gì, dù nhìn ở bất cứ góc cạnh nào. Con người của ông có rất nhiều tên gọi; ông tự viết cả tiểu sử để ca tụng mình (Trần Dân Tiên); ông không nhìn nhận cha mẹ cũng như không ngó ngàng gì đến ít nhứt là 12 đứa con sinh rơi rớt từ các cuộc tình khắp thế giới; ông viết đơn cầu xin thực dân Pháp với những lời tâng bốc trơ trẽn (lá thư gởi Quan Toàn Quyền Pháp năm 1912); ông làm mật vụ cho Nga khi Pháp không đáp ứng lời khẩn cầu (chuyện của cựu Giám Đốc KGB Nga Vladimir Kryuchkov ); ông bỏ Nga theo Tàu khi có lợi (hồi ký của Li Zhi Sui); ông khoe là trọn đời độc thân để phục vụ tổ quốc trong khi có ít nhứt ba người vợ và bao nhiêu người tình, kể cả một tình nhân là vợ của một thuộc cấp (bà Nguyễn Thị Minh Khai, vợ ông Lê Hồng Phong). Gần đây, nhiều tài liệu lịch sử kết tội ông ra lệnh giết bà Nông thị Xuân và cô em, vì hai người này muốn tạo xì căng đan về mối tình khi chung sống với ông (cuốn sách 'Ho Chi Minh: A Life' bởi William Duiker và cuốn 'Đỉnh Cao Chói Lọi' của Dương Thu Hương). Chuyện ông thủ tiêu không biết bao nhiêu là đối thủ chánh trị có thể hiểu được vì ông làm chánh trị kiểu Cộng Sản, chỉ biết theo gương bậc thầy như Mao hay Stalin. Nhưng tôi thật khó chịu khi phải đi khắp Việt Nam và nhìn những biểu ngữ ca tụng "tấm gương đạo đức của Bác Hồ".

Còn đại tướng Võ Nguyên Giáp thì tôi không biết nghĩ sao khi đọc cuốn sách 'China and the Vietnam wars' của Qiang Zhai. Ông cho biết là một tướng Tàu, Wei Gouqing, nguyên cố vấn quân sự của tướng Giáp, khẳng định là chiến thắng Điện Biên thực sự là do ông cố vấn đặt chiến lược và điều khiển; ông Giáp và ông Hồ đã định đánh Pháp tại khu vực sông Hồng. Tướng Wei cũng tiết lộ là năm 1953, Hồ Chí Minh muốn thỏa hiệp với Pháp để đình chiến, nhưng Mao Trạch Đông ra lệnh cho Hồ là phải đánh đến cùng. Cuối cùng, Giáp và Hồ được nhận lãnh công lao vì chuyện xảy ra trên đất Việt, tướng Tàu không thể công khai xuất hiện. Một câu hỏi khác gây bàn tán là tài sản của con rể ông Giáp (Trương Quang Bình, người giàu nhứt nước) có bao phần là của ông tướng?

Sau 1 năm ở Việt Nam, tôi hiểu được một sự thât căn bản của xã hội: tất cả mọi con người, mọi con số đều là giả dối. Quan chức nói dối để giữ quyền hành bổng lộc; doanh nhân nói dối vì quan chức đòi hỏi; người dân nói dối vì nói sự thực sẽ làm mình đau khổ rồi còn bị công an bắt. Nói dối trở thành một hiện tượng tự nhiên, như ăn uống; và không ai suy nghĩ thêm về khía cạnh đạo đức của hiện tượng này.

Trong môi trường đó, tôi đã không làm ăn gì được như dự tính. Suốt 14 tháng chạy theo các dự án đầu tư, các cơ hội dài và ngắn hạn, tôi đành chịu thua. Thêm vào đó, những thủ tục hành chánh rươm rà, bất cập và luôn thay đổi, tạo cơ hội cho tham nhũng, đã làm tôi nản lòng. Cũng may, tôi chỉ mất hơn 200 ngàn đô la; một giá quá rẻ cho bài học nặng ký. Tôi không tiếc than gì cho cá nhân; chỉ thấy chua xót và thương hại cho những người kẹt lại.

10 VẤN NẠN CHO QUÊ HƯƠNG
Trước khi về lại Mỹ, trong một bữa tiệc chia tay tất niên, một người bạn trẻ chưa bao giờ sống ở nước ngoài, nhờ tôi tóm lược những kinh nghiệm cá nhân, những nhận xét về xã hội này, cũng như những vấn nạn mà thế hệ sắp tới của Việt Nam phải đương đầu. Tôi nhận lời và xin bắt đầu bằng…

BÀI HỌC LỊCH SỬ
Năm 1945, đảng Cộng Sản cướp chánh quyền và bắt đầu một cuộc chiến tranh dành độc lập chống thực dân Pháp. Người Việt anh hùng, mưu mô và kiên nhẫn, với sự trợ giúp nhiệt tình của Trung Quốc, đã chiến thắng sau 9 năm gian khổ và 1 triệu người hy sinh. Sau đó, nhận lãnh "nghĩa vụ quốc tế" của Cộng Sản Đệ Tam, cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ bắt đầu và kết thúc vào năm 1975 với sự sụp đổ của Saigon. Sau 20 năm chinh chiến, thêm 2.2 triệu người đã hi sinh; và đảng Cộng Sản cũng như phần lớn dân Việt đã kiêu hãnh với chiến thắng và tự nhận làm "đỉnh cao cho trí tuệ của loài người".

Thế nhưng một câu hỏi mà các nhà lãnh đạo của xứ ta không bao giờ trả lời thoả đáng được là, "tại sao các nước láng giềng như Singapore, An Độ, Mã Lai, Indonesia… cũng bị thực dân xâm chiếm mà họ lại dành được độc lập không cần phải chiến tranh?". Vào năm 1945, Việt Nam có số thu nhập mỗi đầu người ngang hàng với Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông… vào năm 1975, ta tụt hậu và số thu nhập trên chỉ ngang hàng với Thái Lan, Indonesia. Sau 63 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và sau 30 năm thanh bình xây dựng đất nước, vào năm 2008, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) tính là Việt Nam sẽ chỉ bắt kịp mức sống hiện tại của Thái Lan trong 95 năm nữa và của Singapore trong 152 năm nữa. Tại sao các láng giềng của ta lại may mắn đến như vậy? Không phải chúng ta là những người khôn ngoan, dũng cảm và thông minh nhất khu vực sao?

Năm 1945, chánh phủ DeGaulle của Pháp đề nghị một giải pháp hoà bình với Việt Minh nằm trong Liên Hiệp Pháp. Đảng từ chối và khởi động một chánh sách "tiêu thổ kháng chiến", có nghĩa là đốt phá hết nhà cửa và tài sản của dân. (Thiệt hai cho Pháp thì không rõ, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân Việt thì rất khắc nghiệt). Thế lực ngoại bang nào đã bắt chánh phủ mình gây chiến? Năm 1960, chánh phủ Saigon (bị lên án là do Mỹ giựt dây) đề nghị một miền Nam trung lập và độc lập phi chủ nghĩa. Thế lực ngoại bang nào đã bắt chánh phủ miền Bắc phải bác bỏ và tiếp tục chiến tranh? Đây là những câu hỏi cho các sử gia, tôi không dám lạm bàn. Nhưng các câu hỏi tối thiểu này phải được đặt ra vì cái nghèo khó khổ cực hiện nay bất nguồn rất nhiều từ các quyết định của các cấp lãnh đạo cộng sản.

Nhìn qua tổng thể của lịch sử 60 năm qua là nhận ro cái trách nhiệm đã khiến Việt Nam trở thành một trò cười của nhân loại và một tủi nhục cho những công dân của xứ này khi ra nước ngoài.

1. VẤN NẠN CĂN BẢN:
ĐẢNG CỘNG SẢN
Căn bản của chủ thuyết Mác Lê là tái phân chia tài sản để san bằng mọi bất công giàu nghèo của xã hội. Lý thuyết là thế, nhưng nhìn chung các xã hội theo Công Sản bao giờ cũng có một tầng lớp cai trị (gọi là đầy tớ nhân dân) với rất nhiều đặc quyền và lợi lộc hơn cả các vua chúa quan lại ngày xưa. Vài nước như Bắc Triều Tiên lại đi theo chế độ "cha truyền con nối", hay Cuba "anh để lại cho em", hay Trung Quốc (Mao trao quyền cho vợ bé, Giang Thanh).

Khi còn tranh đấu để cướp chánh quyền, họ luôn luôn nêu cao lòng yêu nước và chống chế độ phong kiến thực dân để thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Chỉ sau khi nắm được quyền lực, họ mới bắt đầu chánh sách "đấu tố địa chủ", "tich thu tài sản", "quốc hữu hoá ruộng đất"… thay vì từ xã hội phong kiến tiến lên tư bản và thành Cộng Sản như lý thuyết Mác Lê; họ thực tình quay ngược chiều, trở về xã hội phong kiến, với tất cả các đặc tính chuyên chế độc tài. Không những giai cấp lãnh đạo, từ trung ương đến xã huyện, vui hưởng quyền lực, con cái họ hàng cũng được chia xẻ bổng lộc như các triều đại vua chúa.

Trong một thế giới phẳng phiu của chủ nghĩa toàn cầu, chế độ phong kiến chứa đựng nhiều nghịch lý sẽ không sao giải quyết được bất cứ vấn đề nào của xã hội tân tiến. Lấy một cỗ xe ngựa chạy trên một xa lộ gia tốc thì không thể nào chạy kịp với trào lưu.

Đó là lý do chính tại sao Liên Bang Xô Viết và Đông Au, nguồn cội của Mác Lê, phải tan rã và đảng Cộng Sản bị chôn vùi. Với hệ thống công an tinh vi và một dân trí thấp kém hơn, đảng Cộng Sản Tàu, Việt, Bắc Triều Tiên và Cuba còn níu kéo được quyền lực. Nhưng ngày nào mà chế độ cộng sản phong kiến còn ngự trị ở những nơi này, ngày đó sẽ không thể có tiến bộ về chánh trị, kinh tế, xã hội hay dân trí. Ngày nào mà cơ cấu chánh trị còn bị đè nặng bởi một nhóm lãnh đạo lỗi thời, ngày đó Việt Nam không thể có tiến bộ hay sáng tạo để bắt kịp các láng giềng.

Tất cả những vấn nạn khác của Việt Nam đều có gốc rễ từ vấn nạn căn bản nói trên. Mọi cố gắng thay đổi, điều chỉnh đều có thể làm tốt hơn; nhưng không thể có hiệu năng đột phá nếu không giải quyết vấn đề cơ bản là sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng Sản.

Tôi không nghĩ là xã hội và dân tộc Việt chỉ có 10 vấn nạn. Nhưng sắp xếp theo chủ quan, tôi thấy sau đây là 9 vấn đề cấp bách mà Việt Nam phải đối phó để còn một tương lai sáng sủa hơn cho thế hệ kế tiếp: tư cách và dân trí (character and collective knowledge); tham nhũng (corruption); bất công xã hội (social inequality); các công ty quốc doanh (state-owned enterprises); giáo dục (education); môi trường (environment); sức khoẻ cộng đồng (health care); mạng lưới hạ tầng (infrastructure); và vấn đề đô thị hoá (urbanization).

2. TƯ CÁCH VÀ DÂN TRÍ
(Không ai quên được sự thực; họ chỉ nói dối một cách thành thạo hơn)
Sau 63 năm dưới chế độ Cộng Sản và 30 năm trong chiến tranh Pháp-Mỹ, con người Việt Nam biến thể rất nhiều, so với thời Khổng Mạnh lúc xưa và những ảnh hưởng sau đó của văn minh Tây Phương. Phần thì bị bịt kín không thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài, phần thì phải lo sinh tồn trong một cuộc chiến khốc liệt và trong tai mắt khắp nơi của bộ máy cảnh sát công an; tư cách của người Việt đã hoàn toàn thay đổi, khác hẳn với các dân tộc tự do khác. Vì nằm trong hệ thống Cộng Sản, họ xử thế rất giống với người Tàu hay người Nga hay người Bắc Triều Tiên.

Để tồn tại, bệnh giả dối bịp bợm là chỉ nam hàng đầu (dĩ nhiên, họ học hỏi rất nhiều ở tầng lớp lãnh đạo). Các đặc tính khác phát sinh từ chế độ chánh trị Cộng Sản gồm có bệnh hình thức (nói nhưng không làm), bệnh ích kỷ (bất cứ ích lợi gì cho ta và gia đình mà thôi), bệnh manh múng (làm đủ mọi cách để lách léo và tìm mối lợi), bệnh mặc cảm (vì biết mình yếu kém nên hay nổ bậy), bệnh quậy phá (cho đỡ những áp lực dồn nén từ một cuộc sống nghèo hèn), bệnh làm ẩu (thành công thì ta hưởng, thất bại thì thiên hạ chịu), bệnh ngắn hạn (không ai có tầm nhìn dài hạn vì cá nhân không có tương lai bảo đảm) và bệnh quan liêu (không lạ gì khi sống trong một xã hội phong kiến).

Về tư cách xấu tốt còn để lại từ truyền thống thì người Việt ta có bệnh sĩ diện (từ văn hoá Trung Quốc), bệnh ham chơi ăn nhậu (từ văn hoá Pháp), bệnh thiếu sáng tạo (do nền giáo dục khoa bảng không thực tế của Tàu và Pháp). Những đức tính tốt là tính ham học, lòng can đảm, liên hệ sâu đậm với gia đình, quê hương, sự tận tuỵ với công việc của cá nhân, sự chịu đựng và thích ứng với mọi hoàn cảnh, tinh thần cầu tiến và lòng kiên nhẫn vô bờ.

Dân trí (collective knowledge) là một yếu tố khác đã bị sự bưng bít che đậy của chế độ làm người dân trở thành mê muội với những kiến thức một chiều, lỗi thời và thua kém. Chỉ những năm gần đây, dù còn là một thiểu số không đáng kể, người Việt mới có cơ hội đi lại các quốc gia đã phát triển để thấy một cuộc sống hoàn toàn trái ngược với những tuyên truyền bịp bợm của bộ máy nhà nước. Vua Tần ngày xưa tuyên bố rằng "dân ngu thì dễ dạy". Những người Cộng Sản bây giờ đã khôn ngoan áp dụng triệt để chánh sách này.

Nói tóm lại, nếu không có những tư cách xấu phát nguồn từ thể chế chánh trị, thì người Việt có đủ tư cách và dân trí để phấn đấu thành công trên mọi lãnh vực so với các quốc gia láng giềng. Bằng chứng hiển nhiên là khi ra khỏi Việt Nam, các Việt Kiều đã đạt những thành quả rất đáng khâm phục và bắt kịp mọi cộng đồng thiểu số trên khắp thế giới. Ngân hàng thế giới cho là phải mất 152 năm, Việt Nam mới bắt kịp Singapore về mức thu nhập. Nhưng nếu chế độ Cộng Sản còn tồn tại, thì phải mất đến 300 năm, Việt Nam mới bắt kịp Singapore về tư cách con người.

VN: THAM NHŨNG 6 TỶ ĐÔ/ NĂM
Khoảng 3 tỷ dollars được chuyển dấu ra nước ngoài mỗi năm. Nhiều bất động sản sang trọng giá trên 5 triệu dollars tại Mỹ và Pháp được các du học sinh Việt Nam mua và trả bằng tiền mặt. Đó là ghi nhận trong loạt bài này. Tác giả là một trí thức Việt kiều Mỹ từng mang bạc triệu về Việt Nam đầu tư và... chào thua. Việt Báo trân trọng giới thiệu những "bài học nặng ký"ù mà nhà triệu phú 39 tuổi đã "mua được với giá rẻ."

3. THAM NHŨNG
(Quyền hành tuyệt đối thì nhũng lạm tuyệt đối)
Tham nhũng phải được đánh giá theo cường độ vì quốc gia nào, xã hội nào cũng có tham nhũng. Đặc tính lớn nhứt của con người là lòng tham lam, những gì có thể chiếm hữu được đều là miếng mồi ngon. Nhưng dưới một chế độ thực sự dân chủ tự do, cái giá phải trả cho sự tham nhũng khá cao, nên lòng tham lam phải bị đè nén. Ngoài cánh tay của pháp luật, các quan chức muốn tham nhũng phải lo sợ đến sự cáo giác của báo chí, của người dân, của hàng xóm và của cả những người bị ăn hối lộ.

Xã hội Việt không có những kiềm chế này. Khi tham nhũng liên quan đến những viên chức cấp cao nhứt của chánh phủ thì cái lo sợ khi tham nhũng chỉ là sự phân chia cho đồng đều các bổng lộc đến khắp nơi để tránh những ghen tị gây đổ vỡ. Không ai có thể chối cãi mức trầm trọng của căn bệnh tham nhũng ở Việt Nam, từ một anh cảnh sát đứng đường ngang nhiên bỏ túi tiền phạt vi phạm xe cộ, đến vụ ăn chặn hàng triệu đô la tiền cứu trợ của các quỹ nhân đạo quốc tế. Một vài trường hợp bị khui ra để làm dê tế thần (phần lớn các viên chức tham nhũng được cấp học bổng ra nước ngoài); nhưng cốt rễ của tham nhũng trong chế độ Cộng Sản (kể cả Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Liên Bang Xô Viết cũ) đã trở thành một truyền thống lịch sử.

Một vài nghiên cứu cho thấy mức độ tham nhũng ở Việt Nam (đứng hàng thứ 104 trong 142 quốc gia tính theo cường độ tham nhũng) lên đến khoảng 8% của GDP (tổng sản lượng quốc gia). Theo ước tính này, số tiền tham nhũng là 6 tỷ US dollars, tính ra trung bình khoảng 3 ngàn US dollars mỗi năm cho mọi viên chức chánh phủ và quân đội. Đây là một số tiền không nhỏ vì thu nhập của mỗi người dân chỉ vào khoảng 1 ngàn US dollars. Thêm vào đó, những số tiền này chỉ giúp tăng trưởng kinh tế khoảng 50%, vì có một nghiên cứu cho thấy khoảng 3 tỷ dollars được chuyển dấu ra nước ngoài mỗi năm.
Những con số trên chỉ nói lên khía cạnh kinh tế. Aûnh hưởng của tham nhũng sâu đậm hơn, nếu nói về niềm tin của những doanh nhân bị nhỏ dần về một sân chơi công bằng, về sự hiểu biết rằng cố gắng cá nhân của họ đã bị bòn rút ăn cắp trắng trợn. Niềm tin vào sự minh bạch cũng là điều kiện tối cần thiết cho các nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ từ thiện trên thế giới.

4. BẤT CÔNG XÃ HỘI
Như đã nói, lý thuyết cốt lõi của chủ nghĩa xã hội (Cộng sản) là sự tái phân chia tài sản để san bằng mọi bất công, mọi khoảng cách giữa tấng lớp nghèo giàu. Các nhà kinh tế học có dùng một hệ số gọi là "Gini" để đo lường sự khác biệt về thu nhập của lớp người giàu và người nghèo trong xã hội. Một thực tế phũ phàng mà người Cộng Sản luôn luôn che đậy là hệ số Gini của Trung Quốc và Việt Nam cao hơn của chế độ tư bản số một của thế giới là Mỹ Quốc (46.9 và 43.2 so với 40.8). Hệ số này nói rõ là sự bất công xã hội ở Việt Nam sau 60 năm thực hiện chế độ xã hội chủ nghĩa còn cao hơn các "chế độ tư bản bóc lột công nhân" của các bạn láng giềng như Indonesia (34.3), Thái Lan (40.2) hay Singapore (41.7). Hệ số này thực sự còn cao hơn nhiều nếu người ta cộng vào số tài sản chìm, không dám khai báo của số tiền tham nhũng của các quan chức Trung Quốc và Việt Nam (ước tính khoảng 8% tổng sản lượng quốc gia).

Thực ra, khi người dân nhìn vào các biểu tượng của xã hội thì không ai cần đến những con số này. Trong một xứ sở mà người dân trung bình chỉ thu nhập có 1 ngàn US dollars mỗi năm mỗi đầu người, một chương trình thi hoa hậu hoàn vũ tại Nha Trang năm 2008 với giá vé vào cửa từ 4 trăm đến 1 ngàn dollars đã không còn chỗ trống (chưa nói đến tiền máy bay từ Hà Nội hay Saigon và chưa nói đến tiền phòng khách sạn hay các bữa ăn khác). Đã có các đại gia bắt chước tư bản Mỹ sắm máy bay riêng (giá là 60 triệu US dollars mỗi chiếc) hay những chiếc xe hơi sang trọng nhứt (giá trên 1 triệu dollars cả thuế). Các Việt Kiều tại Mỹ và Pháp đã “khâm phục” khi đọc về những bài báo địa phương nói về những bất động sản sang trọng giá trên 5 triệu dollars do các du học sinh Việt Nam mua và trả bằng tiền mặt. Các sòng bài ở Las Vegas và Macau có những nhân viên cấp cao chỉ dành để phục vụ các khách VIP người Việt, nổi danh vì những canh bạc thua lỗ đến cả triệu dollars trong một đêm.

Các sở thuế ở Aâu Mỹ luôn luôn theo dõi những đại gia xài tiền như nước của quốc gia họ để bảo đảm là mọi số tiền đã được thu nhập minh bạch và hợp pháp. Các đại gia Việt Nam thì may mắn hơn: sở thuế của quốc gia nằm trong sự kiểm soát của Đảng và các quan chức đàn em. Báo chí thì im thin thít trước mọi trái tai gai mắt. Họ có thể tiêu xài không cần phải suy nghĩ hay lo lắng. Trong khi đó, 70% dân số là những nông phu, không hề hay biết những diễn biến của tình hình chánh trị hay xã hội trên thế giới. Phần còn lại là các công nhân nghèo nơi thành phố, quá mệt mỏi với công việc nặng nhọc để suy nghĩ nhiều về tiềm năng thay đổi. Thiểu số trí thức (chắc chắn là dưới 3%) không đủ can đảm để trưng bày bộc lộ sự thật dưới sự đe doạ thường trực của bộ máy công an. Bất công này sẽ còn kéo dài và kinh tế đất nước không thể triển khai theo tiến bộ toàn cầu. Hậu quả sau cùng là Việt Nam sẽ phải tiếp tục chấp nhận sự tụt hậu trong vài thế hệ tới.

Cũng oái ăm là trong định hướng "xã hội chủ nghĩa" này, người ta gần như không thấy những cơ quan từ thiện của tư nhân Việt. Trong khi đó, những cơ quan từ thiện từ nước ngoài lại bị nạn tham nhũng và hệ thốâng hành chánh ảnh hưởng nặng nề, nên họ cũng không đắc lực lắm trong việc cứu trợ; như đang làm với Kam Pu Chia hay Lào.

Từ Giáo Dục tới Môi Trường (IV); 10,000 quân tàu vô dak-nông

86% du học Mỹ Âu Úc đều là con cháu quan chức giáo dục của Cộng Sản. Môi trường: Mùi xú uế nồng nạc các kênh rạch Saigon, Hà Nội, Bình Dương, Hải Dương... Đó là những ghi nhận trong 10 vấn nạn cho VN. Tác giả là một trí thức Việt kiều Mỹ từng mang bạc triệu về Việt Nam đầu tư và... chào thua. Việt Báo trân trọng giới thiệu những "bài học nặng ký" mà nhà triệu phú 39 tuổi đã "mua” được từ VN."

5. GIÁO DỤC
Một sự kiện tạp chí IIENetworker nêu ra hai năm trước là 86% các quan chức cao cấp của Bộ Giáo Dục và các trường Đại Học Công đều có con đi du học ở Mỹ, Au hay Uc. Điều này chứng tỏ những người cầm đầu và thiết lập chương trình giáo dục tại Việt Nam không hề tin chút nào vào chất lượng của chính sản phẩm mình. Trong việc thiết lập học trình, họ bắt sinh viên trong nước phải học chủ nghĩa Mác Lê (khoảng 4 tiết một tuần). Gởi con đi học xa có lẽ là để tránh cho con họ khỏi nghĩ đến cái giáo điều rác rưởi này. Tôi chắc chắn là không một quan chức Việt Nam nào cho con đi du học tại Bắc Triều Tiên hay Cuba, hai tiền đồn Cộng Sản năng động nhứt hiện nay.

Một hiện tượng khác rất phổ thông ở Việt Nam và Trung Quốc. Đó là nạn bằng giả, nạn ăn cắp và sao chép nguyên bản các tài liệu của nước ngoài, nạn thuê ngừơi học dùm và thi dùm, nạn thầy giáo bị đe doạ phải chấm điểm cao cho con ông cháu cha. Giá trị của mảnh bằng Việt Nam là số không tại các cơ sở giáo dục nước ngoài; phần lớn các sinh viên du học phải thi lại các môn học để có một xác nhận về khả năng và kiến thức. Theo European Chamber of Commerce ở Việt Nam, trong một cuộc khảo sát năm 2005, các cơ sở thương mại kỷ nghệ của người nước ngoài đã phải giật mình về sự yếu kém của các sinh viên đã tốt nghiệp trong nước.

Một hiện tượng khác là các quan chức được gởi đi học khi còn tại chức. Phần lớn đều có bằng Tiến Sĩ, Thạc Sĩ mà không cần đến trường, không cần làm bài, không cần biết đến đề tài phải học. Đây là những quan chức xuất thân từ các trường Tiểu Học (vài vị viết và nói tiếng Việt không xong), và chỉ trong 3 hay 4 năm, trình luận án Tiến Sĩ về những đề tài rất thời thượng. Ban giám khảo là những thuộc hạ đàn em, ca tụng đủ điều, kể cả khi người sinh viên không có mặt để trình luận án.

Viện trưởng và khoa trưởng các trường đại học đều là đảng viên do Đảng đề cử được đặt dưới sự chỉ huy của Chính Uỷ (một đảng viên thâm niên, với quá trình chiến đấu và chưa hề có thì giờ để đi học). Một giáo sư muốn thay đổi học trình phải làm đơn xin phép với những thủ tục rất phức tạp, mất khoảng 2 hay 3 năm, và phải có sự chấp thuận của Bộ Công An và Bộ Tuyên Hoá (cơ quan tuyên truyền của nhà nước). Một thế giới mà công nghệ điện tử đột phá mỗi 3 tháng, mọi cố gắng để theo kịp trào lưu thế giới gần như là vô ích.

Nói tóm lại, ngày nào đảng Công Sản còn kìm kẹp chỉ huy nền giáo dục, thì ngày đó các sinh viên tốt nghiệp không thể có đủ khả năng để trở thành những cơ phận hữu ích cho bộ máy kinh tế hay quản trị của công hay tư. Không có tự do tư tưởng và tự do kiến thức thì tính ham học của người Việt (mà các cộng đồng Việt Kiều khắp thế giới đã minh chứng) đã bị bỏ phí thật đau lòng.

6. MÔI TRƯỜNG
Do sự cố tham nhũng của chế độ, phần lớn các dự án đầu tư đựơc chấp thuận không dựa trên khả thi về kinh tế tài chánh hay ích lợi chung của cộng đồng, mà lại dựa trên số tiền "gầm bàn" (chủ nghĩa phong bì) được chia xẻ giữa các nhà đầu tư và các quan chức liên quan.

Gần đây, vụ xì căng đan Vedan đã tạo nhiều chú ý về cách thức quản lý môi trường của chánh phủ. Nhà máy làm bột ngọt của Đài Loan này đã đổ hàng tấn hoá chất độc hại trong suốt 14 năm hoạt động vào sông Thị Vải ở Đồng Nai và đã gây thiệt hại rất to lớn cho người dân sống quanh sông; từ nạn tôm cá chết sạch không còn lợi tức, đến những bệnh nan y như ung thư cho thân thể. Một cơ quan môi trường ở Saigon ước tính thiệt hại lên đến hơn 78 triệu dollars cho các người dân và khoảng 18 triệu dollars để làm sạch sông Thị Vải. Thế nhưng, dưới chủ nghĩa phong bì, công ty Vedan và các nhà quản lý chỉ bị phạt hành chánh một số tiền là 17 ngàn US dollars và mọi chuyện coi như dàn xếp xong. Nếu ở một quốc gia Au Mỹ, các vị quản lý này sẽ bị đi tù vì đây là một hành động cố ý; và chúng ta chưa nói đến các tội phạm khác, gồm việc hối lộ các quan chức để bịt miệng họ trong suốt 14 năm.

Trong thời gian 20 năm qua, từ khi mở cửa nền kinh tế để phát triển, chánh phủ Việt Nam đã cố tình che đậy những tác hại hậu quả về môi trường để có tiền "phong bì". Vedan không phải là một thí dụ đơn lẻ. Có cả ngàn vụ Vedan khác trên khắp các tỉnh thành ở Việt Nam. Ai cũng nhận biết những mùi xú uế nồng nặc khi đi qua các kinh rạch gần các nhà máy, từ Saigon, Hà Nội, đến Bình Dương, Hải Dương. Thải rác sinh học ra sông ra biển, rác y khoa phóng xạ ra các khu chứa rác, chất ô nhiễm carbon dioxide vào khí quyển là những việc làm quá quen thuộc đến độ không ai còn muốn bàn cãi hay chú ý. Gần đây nhứt là dự án bauxite ở Tây Nguyên được các nhà khoa học môi trường cảnh báo về mức độ tác hại; nhưng chánh phủ vẫn tiếp tục tiến hành mặc các phản kháng. Dự án này chỉ được báo chí nói đến khi biết là một công ty quốc doanh Trung Quốc đã được giấy phép khai thác và có ý đưa khoảng 10,000 nhân công Tàu qua làm việc tại đây. (Tin mới cho hay các toán đầu tiên của lực lượng xuất thân từ hồng quân Trung Quốc hiện đã làm việc tại Dak Nông) Người ta nói đến vấn đề an ninh quốc gia nhiều hơn là tác hại môi trường.

Trong khi đó, nếu ai đã từng bị kẹt xe trong những giờ cao điểm tại Saigon hay các thành phố lớn sẽ biết đến thế nào là khói bụi. Ngoài ô nhiễm đến từ 22 triệu xe máy trên toàn quốc, những ô nhiễm từ các vật dụng xây cất như xi măng, cát, than đá khiến tệ nạn ô nhiễm không khí trở thành một hiểm hoạ cho sức khỏe cộng đồng. Theo một khaỏ sát từ Clean Air Program do Thuỵ Sĩ bảo trợ, người ta đo được 135 ngàn tấn bụi và khí độc ở Hà Nội mỗi ngày. Mức độ sulphur dioxide cao gấp 8 lần độ báo động của Cơ Quan Y Tế Thế Giới. United Nations Environment Program xếp hạng Saigon và Hà Nội vào 6 thành phố ô nhiễm nhứt thế giới (sau Beijing, Shanghai, New Delhi và Dhaka).

Trong tổng số đầu tư trực tiếp (FDI) $32 tỷ US dollars nhận được từ nước ngoài kể từ 2005, các nhà kinh tế ước tính là Việt Nam sẽ phải chi ra hơn $22 tỷ US dollars để rửa sạch môi trường đem lại từ các dự án FDI này. Con số này chưa tính đến những thiệt hại về y tế và sức khoẻ cộng đồng của những người dân nằm trong vùng dự án.

Kỳ tới: Thảm hoạ công ty quốc doanh.
Anderson Thai Quang

No comments:

Blog Archive