Saturday, November 7, 2020

ĐỢI BÌNH MINH

- Bùi Xuân Cảnh -

Đã ba ngày nay, chiếc xà-lan to dềnh dàng này vẫn lang thang quanh quẩn trong những sông rạch vùng Bến Tre, cửa Tiểu, cửa Đại. Nếu có ai bỏ công theo dõi, sẽ thấy chiếc thuyền này như không có nơi để đi tới, không có một bến cảng để hẹn hò. Khi nước lớn, nó xuôi dòng từ phía biển đi vô, khi nước ròng, nó lại lừ đừ trôi về phía biển! Ban đêm, khi bóng tối đầy đe dọa đã phủ trùm cảnh vật và con sông đã trở thành một dải mực đen ngòm, nó táp vào những lùm cây vắng ven bờ, buổi tối náu mình bên tả ngạn, nửa đêm đã thấy núp dưới bóng lá bên hữu ngạn.

Dưới hầm xà-lan, nơi thường chất đầy các bao lúa, lúc này rộng rinh. Một nhóm người gồm đủ đàn ông, thanh niên, phụ nữ, con nít trong những bộ quần áo lôi thôi, nhem nhuốc, ẩn mình trong các xó kẹt. Cha con tôi cũng lẫn lộn trong đám người đang lo âu, hồi hộp đó. Mới có ba ngày trôi qua mà tôi đã thấy lâu như đã mấy năm! Nhớ lại, mới hôm kia, tôi và bé Giang vẫn còn nằm trong chăn ấm, dưới mái nhà ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa.Trời cuối năm Saigon hơi se lạnh. Giang vẫn còn đang ôm lưng mẹ, và tôi cũng ngán ngẩm, chưa bắt đầu một ngày vô định, chờ đợi sự sách nhiễu của tên Lĩnh, Công an khu vực. Chợt có tiếng xe gắn máy ngừng trước cửa nhà, rồi tiếng Hòa lọt qua khe cửa:” Chú Cảnh thức chưa ?” Hòa là cháu, con bà chị họ của tôi, đang tổ chức vượt biên.

Saigon năm 1979, dưới móng vuốt của quân cướp nước, dường như ai cũng chỉ còn có một chuyện để lo toan: vượt biên ! Vượt biên với bất cứ giá nào.! Đối với tôi và đám bạn hữu quân nhân công chức mới thoát ra từ các trại tập trung kinh hoàng và còn đang bị cộng sản quản chế, vượt biên là con đường duy nhất, là lẽ sống. Sau ngày giặc cộng chiếm đóng Saigon, bàn tay nham hiểm của chúng đã gieo rắc bao tang thương đau đớn cho người dân miền Nam, đến mức không ai chịu nổi.

Trong hoàn cảnh nghiệt ngã, những tin kinh hoàng, tin thực và tin đồn, đã như những nhát búa giáng vào thần kinh căng thẳng của đám dân đen vừa bị mất nước và mất tự do: Đánh tư sản, tịch thu nhà đất, bắt bớ văn nghệ sĩ, truy lùng sĩ quan, công chức, đổi tiền, gạo thóc biến mất, đói khổ, trại tập trung như Đức Quốc Xã, khu “kinh tế mới” lưu đầy nơi ma thiêng nước độc dành cho Ngụy… toàn những tin có sức quất sụm sự chịu đựng cuối cùng của cái bản năng sinh tồn nơi một sinh vật.

Thà liều thân tranh đấu với thủy thần nơi đại dương sóng gió, hay với hải tặc dã man, còn hơn sống với bọn người đồng bào đồng chủng, nhưng say men chủ nghĩa, mê man trong chém giết, nên đã hết là người. Sự hành hạ, khủng bố về tinh thần, sự thiếu thốn những nhu cầu vật chất tối thiểu, đã xô người dân đến đường cùng. Không khí thê lương ảm đạm bao trùm khắp nơi, khiến không ai biết được ngày mai.

Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ
Vương trên khung cửa bây giờ tang thương
Đìu hiu cuối ngõ, cùng đường
Bên anh tuyệt vọng, đoạn trường bên em
Ngày lại ngày, đêm lại đêm
Ngày rơi tàn tạ, đêm chìm phôi pha
Buồn từ trong cửa buồn ra
Buồn từ ngã bảy, ngã ba buồn về.
( Hoàng Hải Thủy )

Không có hộ khẩu, đã hết hạn tạm trú, tôi bị tên công an khu vực săn đuổi như thú dữ tìm mồi. Cái sự ngược ngạo : chủ nhà phải xin phép để được tạm trú trong nhà mình, chỉ là một trong ngàn thảm cảnh mà dân ta phải chịu dưới bàn tay “giải phóng” của lũ ăn cướp! Ban ngày, tôi lang thang ngoài đường phố bụi bặm, áo quần nhầu nát, dưới cái nắng thiêu người, trong đói khát, vật vã. Đêm đến, tôi hồi hộp trà trộn trong đám người qua lại, len lén vượt qua cổng cư xá có bộ đội canh gác, để lẩn về nhà, mê mệt thiếp đi trong giấc ngủ đầy mộng mị hãi hùng. Có đêm vừa mới chợp mắt, tôi đã nghe tiếng công an đập cửa ầm ầm, khám hộ khẩu. Biết không có chỗ ẩn mình trong nhà, tôi trườn mình qua cửa sau, thoát ra mảnh vườn nhỏ sau nhà. Nhưng tên công an khu vực giống như một loài chó săn thính mũi, nó còn biết mọi xó kẹt trong nhà, ngoài vườn, hơn cả chủ nhà. Đừng có làm trò diễu dở, núp mình như con nít trong bụi chuối, gốc cây,chơi trốn, tìm.

Không nơi ẩn mình, tôi đành nằm vùi mình bên rãnh nước cống hôi thối, kéo một tấm tôn sét rỉ che trên mình. Vậy mà thoát ! Bọn công an sau khi lục soát mọi ngõ ngách trong nhà, liền ra vườn soi đèn pin hết các gốc cây, bụi chuối. Tôi nghe tiếng thằng công an khu vực người Bắc kỳ hậm hực nói :

” Thằng này lẩn như chạch ! Rõ ràng cái áo nó còn treo trong nhà mà nó đã biến mất rồi! “.

Trong tình cảnh trên đe dưới búa như thế, con người nào còn có thể sống ở nơì mà ta gọi một cách trìu mến là đất nước, quê hương. Rõ ràng quê hương, tổ quốc đã bị cướp đoạt và giầy xéo, chẳng còn là chốn dung thân, dù là chỉ để sống cúi mặt, lầm lũi một đời


Hôm nay, Hòa tới như đã hẹn trước để dẫn cha con tôi tới một nơi bí mật. Biết giờ ly biệt đã tới, vợ tôi vội vã buông bé Hồng Vân lúc ấy mới hơn ba tuổi, để lo cho tôi và Giang. Cũng như bao gia đình sĩ quan khác trong Cư Xá, chúng tôi lâm cảnh khốn cùng khi giặc Bắc tới. Hai vợ chồng , năm đứa con nhỏ dại, đứa lớn nhất mới tám tuổi và đứa nhỏ nhất còn ẵm trên tay và một mẹ già trên bảy mươi, đột nhiên bị cắt hết nguồn sống, bị “chém treo ngành”, chờ giờ chui vào tù tội. Chồng quân nhân, vợ công chức, chúng tôi không dành dụm được chút vốn liếng nào để phòng ngừa trong cơn hoạn nạn này. Hai vợ chồng bàn nhau cho đứa con trai lớn và lanh lợi nhất vượt biên theo bố. “ May ra đi được, thì nó thoát cái cảnh phải sống đời của một con vật, và nhà cũng bớt một miệng ăn ! ” Niềm ” mơ ước” mới tội nghiệp làm sao ! Nhưng khi con người ở đáy sâu địa ngục, ước mơ được làm người và được có đồ ăn mỗi bữa, rõ ràng cũng là một mơ ước gần như viển vông.

Thương ôi ! chính niềm khao khát cho con được làm người, và có cơm ăn , đã đẩy vợ chồng tôi đưa ra một quyết định thảm khốc, đã bao năm qua , và sẽ suốt đời vò xé nát tim tôi, làm chảy bao nhiêu nước mắt trong gia đình tôi. Giờ đây, khi viết những dòng chữ này, nước mắt tôi cũng rơi ướt bàn phím đánh chữ. Bịn rịn nhìn người vợ trẻ mắt đẫm lệ và đàn con thơ dại đang ngủ yên lành trong giờ ly biệt, trí óc tôi như tê dại, chân tôi như bị chôn chặt trong đất.Trong một ánh chớp của linh tính, tôi cảm nhận được có cái gì đó, vô cùng đau thương, vô cùng thảm khốc, đang rình rập theo bước chân cha con tôi.Tôi đã muốn buông trôi tất cả, ôm lấy vợ con, để cùng nhau chịu khổ nạn dước ách bọn thực dân bản xứ, mà sự tàn độc còn gấp nhiều lần kẻ ngoại xâm. Nhìn thấy chúng tôi bịn rịn, và vợ tôi mắt đẫm nước, Hòa dục dã :

“Thôi ! thím để cho chú và em Giang đi cho may mắn ! Cháu cũng đang vội vì còn nhiều việc phải lo. “.

Như một cố gắng cuối cùng để bảo vệ con, vợ tôi vồ lấy Giang trong vòng tay với dáng dấp của con gà mẹ che chở cho con trước bóng đen của lũ diều, quạ. Và tôi cũng xô tới ôm chặt cả hai mẹ con. Khi chúng tôi buông tay nhau, tâm trí tôi rã rời. Tôi có cảm giác rất rõ rệt : mình đang bị một bọn lưu manh vô lại chận đường, ăn cướp và hãm hiếp vợ con, mà tôi đành phải khoanh tay bất lực.

Tôi quay ra cửa, vật vờ như kẻ mộng du, và Hòa dắt tay Giang theo sau. Trời chưa sáng rõ. Những ngọn cây như còn mờ mịt trong sương đêm. Cư Xá Sĩ Quan im lìm, câm nín, như đang bị bóp nghẹt bằng một bàn tay vô hình nhưng vô cùng tàn bạo. Trong cái buổi sáng hôm đó, khi bóng đêm đen còn lấn áp bình minh, khi “đêm như vô tận, ngày chưa hết ngày” ( Huy Lực ), tôi nghĩ tới và khắc khoải chia sẻ tâm hồn đòi đoạn của những người bị cướp đánh giết, phải rời bỏ mái ấm của vợ con để lao mình vào nơi vô định, đầy chông gai nguy hiểm. Có ai đo lường nổi sự đau thương, bi phẫn đắng cay của những người dân Việt miền Bắc như tôi, đã một thời kinh tởm đến tột độ cái xã hội sắt máu của bọn quỷ đỏ không tim óc, đến phải bỏ cả những thứ mình thương yêu nhất, chỉ để được cách ly, xa lìa một sự cuồng tín thú vật, mà giờ đây định mệnh lại cho nó chụp xuống đầu mình !

Chiếc xe gắn máy chở ba người phải mất gần một giờ mới tới một bến sông vắng. Một chiếc thuyền gắn máy đuôi tôm nhô ra từ đám lau sậy ven sông. Hòa ra dấu với người lái đò và vội vã dắt cha con tôi xuống thuyền. Khi chiếc thuyền rời bến, Hoà cũng cùng với chiếc xe gắn máy biến mất trong màn sương sớm. Tôi ôm chặt Giang khi chiếc thuyền nhỏ chòng chành như muốn lật. Gió lạnh từ mặt sông thổi lên cùng với sự giá lạnh trong lòng, làm cho cha con tôi cùng cảm nhận rõ ràng sự rình rập của tử thần như gần gũi đâu đây. Người lái thuyền câm nín, mắt dáo dác nhìn tứ phía, nét mặt luôn có vẻ hốt hoảng. Trên đường đi, thỉnh thoảng anh ta lại thình lình lủi thuyền vào một đám lau sậy ven bờ, ngồi sụp xuống, lặng lẽ quan sát tứ phía.Thái độ và hành động của anh ta làm cho hai hành khách trên thuyền vốn đang hồi hộp và lo sợ, trở nên hoảng loạn. Giang níu chặt lấy tôi, mặt trắng nhợt vì sợ hãi, nói nhỏ vào tai tôi: ” Bố ơi ! con sợ quá, mình đi về nhà đi !” Tôi chưa kịp đáp lời con thì anh lái đò đã trợn mắt, ra dấu phải giữ im lặng và lấy tay đè đầu chúng tôi sát xuống sàn xuồng.

Giây lát sau, một chiếc xuồng tuần tiễu xé nước trên sông, tạo ra những lớp sóng làm cho con thuyền nhỏ của chúng tôi cơ hồ muốn lật úp. Cuộc hành trình hồi hộp kéo dài trong những sông lạch quanh co, tới khoảng chiều tối thì chúng tôi cặp vào một chiếc xà-lan lớn dềnh dàng đang đỗ ở một khúc sông vắng vẻ. Hai cha con tôi hối hả leo lên xà-lan và được đưa ngay xuống hầm tầu. Hầm rộng rinh, nhưng tối om và vắng lặng như tờ. Khi mắt đã quen với bóng tối, chúng tôi nhận ra ít nhất cũng có cả chục người đang núp mình trong các xó kẹt . Họ như những con gián, thấy ánh sáng và tiếng động là vội vã chui vào khe, lỗ ẩn mình. Chừng như đã quan sát rất kỹ, và nhận biết chúng tôi chỉ là những người như họ, đang tìm cách trốn đi, một vài người ra khỏi chỗ núp và lân la làm quen, hỏi thăm tin tức. Nhưng chúng tôi vẫn còn quá dè dặt, nghi ngờ nhau, nên không ai biết thêm được tin tức gì ngoài cái tin mình cùng là người đang tìm cách vượt biên và đang nằm chờ đợi chưa biết đến bao giờ. Vả lại, chúng tôi cũng đâu có biết tin gì khác !

Xà-lan vẫn lờ lững trên dòng sông mênh mông, nước trôi cuồn cuộn. Mỗi ngày, vào chiều tối, lại có thêm người từ các thuyền nhỏ chở tới. Họ xuất hiện bất ngờ, nhưng ai cũng giống nhau ở nét mặt hốt hoảng, đôi mắt dáo giác, đầy lo âu, sợ sệt. Vào ngày thư hai, khi ruột gan tôi đang nóng như lửa đốt, thì chiều tối, một toán người được đưa xuống xà-lan. Có ba người là anh em của Hòa trong đám mới tới. Vì tôi là anh em họ và cùng có nhà trong cư xá sĩ quan, Hòa lại là người trong tổ chức vượt biên, chúng tôi vồ lấy nhau, mừng rỡ, tưởng như đã qua mười kiếp đầu thai mới gặp lại . Nhờ mấy người em của Hòa, chúng tôi được biết đêm mai, đúng đêm Chúa Giáng sinh, mọi người sẽ ra ” cá lớn ” và sẽ thoát, vì đã mua hết các trạm công an biên phòng !

Mấy đứa em Hòa cũng mang tới nhiều đồ ăn và lương khô. Chúng tôi chia nhau ăn, và cùng cảm thấy bớt lo âu. Giang cũng vui, vì có thằng Hiệp cùng trạc tuổi nó và là bạn học cùng trường Trần Phú trong cư xá. Hai đứa nhỏ rù rì kể chuyện với nhau. Tôi lóng tai nghe trộm, mới biết trong thời gian tôi trần mình trả nợ đòn thù trong trại tù cải tạo, thằng con trai chưa đầy mười tuổi của tôi đã phong sương và dầy dạn như thế nào. Giang kể cho Hiệp rằng nó đã từng trốn mẹ, ra tới bến Nhà Rồng, nơi cô giáo của nó khi giảng bài, đã phải uốn lưỡi và méo miệng mới đọc nổi tên con tàu “ La tút Trê Vi Ê “ chở bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Nó cũng đã tập bơi trên sông Saigon, và hợp sức với bạn làm phu khuân vác, kiếm chút tiền, để làm dịu bớt cơn đòi hỏi dữ dội của dạ dày! Câu chuyện kiếm ăn độ nhật của Giang như mũi dao nhọn xoáy vào tim tôi. Thằng Hiệp đáp lời Giang bằng cách nêu những câu hỏi rất khó cho Giang trả lời:

” Sao ‘bác’ đi tìm cách đánh Tây mà ‘bác’ lại được Tây cho xuống tàu của nó, cho ‘bác’ làm bồi, rồi chở ‘bác’ sang Tây ! Đi tàu của Tây chắc khoái lắm. Sao mày không nói với ba mày tới bến Nhà Rồng xem có tàu nào thuê gọt vỏ khoai, rồi mày đi theo, khỏi phải đi tàu bé tí tẹo của anh Hòa. Mà sao ‘bác Hồ’ phải sang Tây để đánh Tây. Chắc ở bên Tây có nhiều Tây, nên ‘bác’ dễ tìm nó để đánh hơn là ở bên ta ? ”

Câu chuyện thơ ngây của hai đứa trẻ khiến tôi nghĩ tới một tên đại gian, đại ác khoác áo ” kách mệnh “. Đúng ! dưới “biện chứng phét” của nhà cộng, “bác” của chúng nó, một thằng lưu manh trôi sông, lạc chợ, đi lang thang kiếm ăn, đã được đảng cướp của cộng phù phép cho là đi ” kíu ” nước, song vẫn không dấu được cái việc xin làm bồi dưới tàu Tây, lãnh lương Tây, ngồi gọt vỏ khoai để kiếm bánh mì và sang tới Tây, ngồi rị mọ chia véc-bờ, viết đơn xin học trường thuộc địa, nuôi mộng được Tây cho nhập hàng khuyển mã. Nhưng thôi, nó gọt vỏ khoai để kiếm ăn , thì mặc mẹ nó, nhưng điều đáng nói là cái thằng bất nhân đó, dưới thời thống trị của thực dân mà chúng ta vẫn cho là tàn bạo, nó đã có thừa tự do, dư an toàn, để xuất ngoại học nghề làm loạn và ăn cướp, nhưng bây giờ đồ đảng của nó đang rình rập, hờm súng bắn giết những kẻ vì bàn tay tàn bạo của nó mà phải bỏ xứ ra đi . Ngày nay, dưới ánh sáng chói lọi của lịch sử, ” bác ” của chúng nó đã hiện nguyên hình là một con quỷ, giết vợ, bỏ con, chặt đầu ân nhân đã che chở nó lúc nó khốn cùng. Nó trơ trẽn say mê danh vọng, đến nỗi phải dùng mưu con trẻ, giấu mặt, viết sách để tự ca tụng ” công đức” tưởng tượng của nó.Tôi ước ao được có ngày nhổ vào mặt nó, hay hơn nữa, như “cháu ngoan ” Dương Thu Hương của nó hằng ước mơ, được ị lên mặt nó.

Vào ngày thứ ba dưới xà-lan, cũng là ngày cuối cùng, một nhóm đông đảo được mấy chiếc xuồng nhỏ chở tới. Tôi chú ý tới một gia đình có bốn người. Người chồng là một thanh niên đẹp trai. Bà vợ là một thiếu phụ rất trẻ và duyên dáng. Họ có một con nhỏ khoảng bốn năm tuổi, mà họ gọi là thằng Bo. Một người nữa trong gia đình đó là một thanh niên, tôi đoán là em bà vợ, vì nét mặt đẹp trai của cậu rất giống chị. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã, phải núp lén và chờ đợi trong lo âu, căng thẳng, họ vẫn giữ được vẻ hồn nhiên, tươi mát. Người vợ dỗ con bằng giọng ngọt ngào :

” Bo ơi ! con ăn miếng bánh nhé ? hay uống cho mẹ chút sữa này !”

Rồi quay qua chồng, bà âu yếm nói :

” Trông anh hơi mệt ! Để em lấy cho anh vài lát sâm, anh ngậm nhé ? “.

Đó là gia đình của trung úy không quân Khúc Ngọc Bảo. Tôi chẳng ngại viết tên anh ra đây, vì tôi biết ở nơi an bình vĩnh cửu, anh đang là chứng nhân tố cáo tội ác ghê khiếp của việt cộng và Hồ tặc, trước sự phán xét của Chúa, Phật, qủy thần. Còn tại nơi trần thế đầy khổ đau và nước mắt này, bọn cộng sản bỉ ổi dù có khát máu xương cách nào cũng không rớ tới lông chân của những kẻ đã về bên Chúa, Phật.

Tôi còn hy vọng những dòng chữ muộn màng này có may mắn lọt vào mắt bạn hữu và thân nhân của anh chị. Dù là một tin đau thương đứt ruột, tôi nghĩ mọi người thân của anh chị sẽ chấm dứt được nỗi khắc khoải đợi chờ quá lâu tin tức của anh.

Gia đình anh Bảo và tôi nhanh chóng thân nhau. Bảo kể lại câu chuyện khi anh di tản trong sân bay Nha Trang vào cuối tháng tư đen, anh nhặt được một bé gái, còn đang quấn trong tã, bị mẹ nó đánh rơi trong khi chen lấn lên tàu bay. Khi máy bay về tới Tân Sơn Nhất, đứa nhỏ khát sữa, khóc khan cả tiếng, anh bươn chải đi tìm sữa cho nó bú, thì gặp ngay… bà mẹ của con bé ! Nỗi mừng biết lấy chi cân ! Bà mẹ vồ lấy con, rồi lại cuống quýt ôm chặt lấy ân nhân đã cứu con mình. Nước mắt lưng tròng, họ vội vã trao đổi tin tức về gia cảnh của nhau. Bà mẹ trẻ nghẹn ngào, đoan chắc rằng :

” Nếu sau này con bé thành người, nó phải là con ông ! Nó sẽ là vợ của cháu Bo “.

Cháu bé gái nay chắc đã ” thành người “, nhưng nó chẳng bao giờ được trả nghĩa ân nhân, được là vợ của Bo.

“À, mà cái tên Bo nghe có vẻ lạ tai. Có phải khi chị sanh cháu thì cả nước cùng được ăn bo bo, nên anh chị muốn… kỷ niệm cái thời của bác Hồ chó đẻ đó chăng ? ” Tôi hỏi Bảo.

Anh lắc đầu, phì cười:

” Không phải thế đâu anh ! Ai lại dùng những kỷ niệm đen tối để đặt tên cho đứa con thương yêu của mình. Tôi ngưỡng mộ tài năng và tư cách một nhà bác học, hy vọng con mình sau này tới bờ bến tự do, sẽ học hành giỏi và trở thành một ông Bo khác ”

“À ! có thế chứ. Hy vọng lắm. Ai biết được tương lai. Niels Bohr, nhà vật lý nguyên tử lừng lẫy của Đan mạch . ” Tôi đáp lời Bảo, rồi cả hai chúng tôi đều im lặng, mơ màng.Tôi nghĩ một người đã làm phúc lớn như anh Bảo, thì thằng Bo con anh có thể sẽ là một Niels Bohr người Mỹ gốc Việt. Rồi tôi hy vọng : được đi chung chuyến tàu với một con người nhân hậu như thế, tôi sẽ thoát.

Ôi, những giấc mơ vỡ vụn, đã sớm chìm vào lòng đại dương ngay sáng hôm sau ! Suốt cả buổi chiều ngày thứ ba, nhiều xuồng, thuyền nhỏ tới tấp cặp vào xà-lan. Người ta leo lên xà-lan như kiến. Lòng xà-lan rộng rinh lúc ban sáng, giờ đây chật cứng. Chúng tôi bị xô dạt vào một khe nhỏ, giữa những cây cột bên vách . Tin tức lan truyền nhanh chóng cho biết: tối nay sẽ “đánh “. Ai nấy hối hả kiểm lại hành lý, dặn dò nhau, nét mặt căng thẳng.

Đêm xuống thật mau. Các trưởng toán đếm đầu người và hướng dẫn người trong toán. Tôi nghe có tiếng cãi cọ , tiếng đe dọa rút súng bắn, tiếng van lơn, khuyên can nhau. Chưa xuống được tàu mà sự tranh sống đã bắt đầu quyết liệt. Tôi linh cảm một sự bất tường. Vừa kiểm lại cái bình năm lít đựng nước ngọt và túi bánh bich quy, tôi vừa dặn Giang phải nhớ cái địa chỉ của người em tôi ở Texas, phòng khi ” bị lạc bố, thì con biết đường báo tin cho chú “. Giang làm tôi yên lòng bằng cách đọc ngay cái địa chỉ : ” con nhớ kỹ rồi ! …Houston, Tx 77089.! “. Cẩn thận hơn, tôi dùng viết bic mực đen, viết địa chỉ vào áo Giang. Linh tính báo cho tôi biết, chúng tôi sẽ lạc mất nhau. Sự lo âu, đau đớn làm tôi rã rời, miệng đắng chát, mắt hoa lên và tôi lảo đảo như người say rượu. Giang lo lắng ôm lấy tôi, và nói : ” Hay mình đi về, bố ạ !”. Nhưng làm gì còn có thể về được nữa! Toán của tôi đã bị xô lên boong xà-lan.

Trong bóng tối lờ mờ, tôi nhìn thấy một chiếc ghe nhỏ đang cặp sát xà-lan, và một dòng người như kiến đang leo xuống ghe. Chiếc ghe nhỏ tới nỗi so với xà-lan, nó như một chiếc xe hơi đậu cạnh tòa bin đinh ! Giang thất vọng nói: ” Mình xuống tàu nhỏ chứ không lên tàu lớn bố ạ ! “ Chúng tôi cùng kinh ngạc về sự nhỏ bé của chiếc ghe sẽ chở chúng tôi ra biển. Anh Bảo an ủi tôi rằng có lẽ đây chỉ là chiếc ” taxi ” dùng chở khách ra ghe lớn ở ngoài xa. Nhưng kinh hãi thay! Đó chính là chiếc ghe định mệnh đã ” giải phóng ” hơn trăm con người khỏi cái tai ương Cộng sản mà dân ta còn đang phải sống quằn quại với nó chưa biết tới bao giờ !

Khi cha con tôi bị đẩy xuống hầm ghe, thì nơi đó đã chật cứng. Vậy mà người ta vẫn tiếp tục ấn người xuống tiếp. Một người đàn bà đã ngồi ngay trên… đầu tôi ! Khi Giang lên tiếng gọi, tôi không thể trả lời nó, vì cái mông to lớn của người đó áp chặt vào mặt tôi. Giang sờ soạng trong bóng tối, và khi biết rõ tại sao tôi không thể lên tiếng, nó dùng hết sức đẩy cái mông người đàn bà ra xa mặt tôi. Bà ta tức giận, nói lớn:

” Gớm! Cái thằng bé này sao đành hanh quá! Ghe chật mà nó xô đẩy mới khiếp chứ ! “.

Giang cãi lại :

” Bà không được ngồi lên mặt người ta ! “.

Có tiếng người can ngăn: ” Thôi! ráng chút đi. Lát nữa ra khơi, lên boong tàu, tha hồ ngồi rộng rãi! “ . 

Đúng ! lát nữa ra khơi…! Nhưng bây giờ còn phải ngồi lên đầu nhau và nín thở để qua ba trạm biên phòng nữa. Mỗi khi chiếc ghe nhỏ phải ghé vào bờ, lại nghe tiếng quát nạt lẫn tiếng van xin và ánh đèn pin loang loáng quét xuống hầm tầu, nơi cả trăm sinh vật khốn khổ xanh mặt, cảm thấy mạng mình nhỏ như con sâu, cái kiến. Kết quả của những sự dọa nạt và van xin đó là ghe phải nhận thêm năm bẩy nhân mạng tình nguyện hy sinh, để vàng thêm đầy túi quân ăn cướp ! Tới trạm thứ ba, và cũng là trạm cuối cùng, tiếng van xin nghe thống thiết hơn và tiếng quát nạt cũng dữ dội hơn.

“Xin các anh tha cho ! Ghe đã quá tải, không còn nhét người vào đâu được nữa!”

“À! bọn mày định trở mặt, nuốt lời không chở người của chúng ông hả ? Muốn đi tù cả đám phải không? Tưởng chúng ông không dám bắn vỡ sọ bọn vượt biên sao! “

Đến tình cảnh ấy thì kết quả vẫn như đã xảy ra nơi các trạm biên phòng trước. Một số người lại được lục tục cho xuống ghe. Nhưng may mắn (!) cho những người đang ngồi chồng chất lên nhau dưới hầm ghe, bọn mới xuống không còn bị ấn xuống hầm. Họ ôm nhau ngồi trên boong. Chiếc ghe nhỏ thoát tay quỷ dữ, ì ạch lết đi trong đêm đen… Nó chỉ có sứ mạng chở 30 hay 40 người, đã phải ôm một trăm hai mươi sáu nhân mạng ! Sự lo âu, hồi hộp kéo dài đã làm tê liệt nhận thức con người… Không ai biết được thời gian đã trôi qua bao lâu. Chợt có tiếng sóng biển ầm ầm như sấm, đập vào mạn ghe. Ai nấy có cảm giác như chiếc ghe bị nâng lên tới mây xanh rồi lại chúi đầu xuống đất. Đã có người nôn oẹ và môt mùi chua, tanh nồng bay vào mũi, làm tôi thấy ruột gan như muốn trào lên cuống họng. Chợt Giang kêu lên: ” Nước lên ướt hết quần Giang rồi bố à ! ” Có tiếng một người khác la lớn: “Cho chạy máy bơm nước đi Hòa ơi ! Nước vô nhiều quá rồi ! ” Máy bơm nước trong ghe được khởi động. Sau những tiếng nổ phành phạch, một làn khói khét lẹt tràn đầy trong hầm tầu, gây nên những trận ho sặc sụa và cơn uạ mửa tập thể.

Nhưng sao nước không rút xuống mà lại dâng lên quá nhanh. Chiếc ghe hình như chìm xuống thấp hơn. Một lượn sóng tung bọt nước trắng xóa tràn lên boong tàu, trút một trận mưa xuống tầng dưới. Ai nấy ướt như chuột lột… Tôi nhìn chiếc mặt đồng hồ xanh lè trên cổ tay anh Bảo : 12g15 ! Đã quá nửa đêm. Chúa đã giáng sinh đem an bình cho người dưới thế. Nhưng một đám con cái bất hạnh của Chúa đêm nay đã sa vào tay quỷ dữ và sẽ chẳng còn dịp thấy ánh sáng mặt trời của ngày mai, để hát bài thánh ca tạ ơn Chúa. Phút chốc nước đã tới ngực, mọi người dưới hầm chen nhau ùa lên boong tàu. Khi cha con tôi lập cập leo lên tới nơi, một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt. Từng gia đình xúm quanh nhau, kêu khóc, cầu Chúa, khấn Phật. Vài thanh niên còn đang cố gắng một cách tuyệt vọng để cứu chiếc ghe, bằng cách dùng thùng hối hả múc nước trong ghe đổ ra ngoài.

Gia đình anh Bảo bốn người cũng đang bíu lấy nhau. Một tay anh ẵm thằng Bo, tay kia nắm lấy tay vợ. Họ không cầu nguyện, nhưng hai vợ chồng liên tiếp rền rĩ những tiếng kêu thương đứt ruột: “Ôi! Bo ôi ! Bo ôi…Bo ôi…!” . Trong giờ lâm tử, họ đã quên nghĩ đến thân mình, nhưng nỗi đau xé ruột của họ chính là sự tiêu diệt cái mầm sống tươi non mà họ hết lòng yêu thương và chứa chan hy vọng. Tâm trạng tôi nào có khác gì vợ chồng anh Bảo. Tôi nghĩ tới Giang, nghĩ tới mẹ nó, các em nó và tôi muốn kêu lên một tiếng xé trời cho bớt nỗi bi ai thống khổ của một kiếp người chẳng may bị nghiền trong hàm răng máu me của một loài qủy dữ. “Ôi ! Bo ôi , Bo ôi ! “. Tiếng kêu than vỡ tim, xé óc từ bên ngưỡng cửa tử sinh vẫn còn mãi mãi âm vang bên tai tôi, vì nó chỉ là tiếng dội từ chính trái tim tan nát của riêng tôi. “Ôi ! Giang ơi ! Giang ơi ! “

Giang theo lời tôi, cúi xuống mở nắp cái bình 5 lít mà nó mang theo. Nó trút nước trong bình xuống sàn tàu nhưng giữ lại một it nước, và đưa bình cho tôi: ” Bố uống đi ! có khi bố sẽ khát !” Tôi vội vã làm theo ý Giang, rồi đóng nắp bình, tôi nói với nó: ” Con ôm lấy cái bình này…” Tôi chưa nói hết câu thì chiếc ghe như bị một bàn tay khổng lồ đẩy cho lật sấp. Từng chùm người rơi nhanh xuống biển. Dưới ánh sao đêm, tôi thoáng nhìn thấy những bóng đen tung theo từng đợt sóng trắng xóa . Vừa rớt xuống nước, tôi bị cả chục bàn tay bíu lấy cổ, lấy đầu. Tôi theo chùm người, chìm sâu mãi xuống. Càng xuống sâu, các vòng tay càng nới lỏng, và sau cùng, không còn ai bám vào tôi nữa. Tôi hụt hơi, uống nhiều nước biển, trước khi trồi lên mặt nước. Nghĩ tới Giang, tôi sải cánh tay bơi qua bơi lại rất vội vã, miệng rền rĩ gọi tên Giang, hy vọng tìm thấy con. Sự gắng sức bừa bãi làm tôi kiệt lực rất mau.

Những ngày dở sống dở chết trong tù cải tạo, sức khỏe tôi đã tiêu mòn, lại thêm ba ngày bó rọ, lo âu dưới xà-lan, tôi đâu còn bao sức lực. Sóng rất lớn. Tôi ráng giữ cho cái mũi trồi lên trên mặt nước mà không được. Tôi sặc sụa và …chìm dần.! Chợt một cái bọc ni lông trắng trôi qua trước mặt.. Tôi vội bám lấy nó, và tôi đặt cằm lên cái phao đó, há miệng gấp gáp thở, thỉnh thoảng lại bị nuốt những ngụm nước lớn do sóng biển đẩy vào miệng. Tựa cằm vào cái bọc ni lông đó, tôi nghỉ ngơi, và có lúc đã xỉu đi. Mỗi lần mê đi như thế, tôi đều vuột tay khỏi cái phao. Chẳng bao lâu, tôi nhận ra cái phao đang chìm dần. Thì ra đó chỉ là một bọc quần áo. Bị ngấm nước, nó sẽ chìm.

Khi nhận biết điều đó, tôi bỏ bọc quần áo và cố sức bơi lại một vật đen thù lù có vẻ như đứng yên một chỗ trên mặt biển. Bơi đã kiệt sức mới tới gần cái vật lạ đó: đấy là một chùm người đang tuyệt vọng bám vào cái mũi ghe. Ghe chìm, nhưng cái mũi nó còn lưu luyến thêm chốc lát trên lớp sóng bạc đầu. Không còn chỗ cho tôi bám, tôi đành bơi loanh quanh. Chợt một cái bọc ni lông khác tấp vào mặt tôi. Đây là một cái bọc trái cây, trong có những trái cam hay bưởi. Sức nổi của cái bọc này rất yếu, nhưng nó cũng giúp tôi đỡ phải vùng vẫy để giữ cho cái đầu khỏi chìm. Nhưng do tôi quơ cào nhiều lần, cái bọc rách toang, và những trái cam trái chanh gì đó, thoát ra, nổi lều bều khắp nơi, mang theo chút hy vọng sống còn của tôi.

Một lần nữa, tôi sắp bị biển khơi nuốt sống, thì tôi chợt nhìn thấy có hai bóng đen đang vật vã cạnh một vật nổi. Ráng chút sức tàn, tôi bơi lại chỗ hai người. Đó là một phụ nữ trẻ và một đứa bé trai khoảng trên mười tuổi. Một phi dầu, nằm ngang, nổi bập bềnh trước mặt họ. Thằng bé kiệt lực, buông tay và kêu cứu mẹ nó. Người mẹ khuyến khích: ” Con ráng bám vào đây. “. Nhưng làm sao mà bám được vào cái thùng phuy tròn, nổi bập bềnh, không một chỗ để nắm. Mỗi khi bám vào, nó liền xoay tròn theo sức nặng người bám. Chỉ còn cách duy nhất là … bám lại. Hai tay luôn luôn quơ cào để ráng bấu một cách tuyệt vọng vào cái vật vừa cứng vừa tròn, vừa quay như con vụ.! Sức voi cũng phải cạn kiệt rất mau. Một đứa trẻ làm sao chịu thấu.

Khi tôi bơi tới nơi, nhận thấy đây là một cái phao chắc chắn, tôi cố bám vào, và tôi kéo tay thằng bé đặt trên thùng phuy, nhưng tay nó mềm nhũn. Nó úp mặt xuống nước, nổi bập bềnh theo chúng tôi.. Tôi cố sức bám vào cái thùng phuy tới nỗi mười đầu móng tay bị mài cụt tới thịt, rướm máu, đau nhức, không còn chịu nổi. Tôi nói với người phụ nữ, để chúng tôi nắm lấy tay nhau, choàng qua cái thùng phuy, kèm nó vào giữa ngực hai người. Nhưng sóng đánh mạnh quá, chiếc thùng tung lên, hụp xuống, làm cho tay chúng tôi cơ hồ muốn gãy, Nó cũng đập vào mặt làm tôi bị dập môi và bà ta bị chảy máu mũi. Chúng tôi đành buông tay nhau ra, và lại dùng phương pháp ” chuột bạch đánh vòng “, nghĩa là cào cấu, để bám vào cái thùng sắt. đang quay tròn.. Nhưng chúng tôi cùng kiệt sức quá rồi. Tôi đã mấy lần buông tay, và người thiếu phụ cũng rã rời. Tôi chợt nghĩ: nếu có một sợi dây thừng, đem quàng qua cái thùng, rồi mỗi người nắm một đầu dây, thì có thể chịu đựng được khá lâu. Làm sao có cái thừng? làm sao có cái thừng ??

Đầu óc tôi rộn lên một ý muốn mãnh liệt, để cố tìm được một sợi dây thừng. Tôi nhìn trừng trừng vào mái tóc dài của người thiếu phụ trôi lòa xòa trong sóng, và nghĩ tới cách cắt tóc đó bện làm sợi dây thừng. Ý muốn mãnh liệt tới nỗi tôi tưởng như có thể thực hiện nổi trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh này. Nhưng đó vẫn chỉ là ý nghĩ. Sao không xé áo quần để làm sợi dây ? Ý đó lóe lên trong óc tôi như tia chớp. Nhưng tôi thất vọng ngay. Trên người tôi chỉ còn chiếc quần cụt.! Nhưng kìa, người phụ nữ đang cùng tôi chống chọi với thủy thần vẫn còn đủ áo quần. Tôi suy nghĩ và đề nghị với chị một điều mà tôi chắc chưa một người đàn ông nào có tâm trí bình thường dám nói : tôi xin chị cởi chiếc quần đang mặc, quàng nó qua cái thùng phuy, và mỗi người sẽ nắm lấy một ống quần, như một điểm tựa để sống còn.

Tôi không phải giải thích đến lần thứ hai, người thiếu phụ lập tức làm theo lời tôi nói. Sóng đã dịu bớt. Chúng tôi mỗi người nắm một ống quần, ngủ thiếp đi trên mặt biển mênh mang, cuồn cuộn sóng bạc đầu, rải rác vẫn còn những xác người bập bềnh trôi theo! Chúng tôi vật vờ trong sóng nước không biết đã bao lâu. Khi tôi ngẩng lên trời cao và cầu nguyện, tôi thấy những ngôi sao như ít đi. Một thứ ánh sáng màu xám nhạt như đang lan tỏa trong không gian, đẩy lùi bóng tối. Trên mặt biển vắng lặng, một làn hơi nhẹ như sương như khói bốc lên từ mặt nước.Trời đã sắp sáng ! Đột nhiên tôi cảm thấy lạnh cóng.Trong mấy giờ qua, lo vật lộn với sóng nước, lo tìm kiếm và bám víu vào các vật nổi, tôi quên đi cái lạnh cắt da của buổi sớm mùa đông giữa biển khơi lộng gió. Khi tôi nhớ ra mình đang bị lạnh,cơn lạnh như ào ào kéo tới. Nó làm tôi run bắn, hàm răng va vào nhau lộp cộp.

Tay tôi như cứng đơ và tôi không còn cảm giác đang cầm nắm vật gì. Trông sang người phụ nữ, tôi thấy môi chị tím lại, da mặt trắng bệch như xác chết; một bên tóc rủ xuống che lấp mắt mà chị cũng không còn sức hất nó lên.. Nghĩ tới Giang, một cơn tuyệt vọng não nề làm tôi rã rời. Tôi nói với người thiếu phụ :

” Chị ơi! tôi mệt quá rồi! Không có ai cứu, chắc mình sẽ chìm mất thôi. Tôi chỉ còn đợi bình minh lên để nhìn thấy mặt trời một lần cuối cùng thôi, rồi tôi sẽ buông tay! ”

Người phụ nữ hốt hoảng kêu lên :

“Xin đừng buông tay! anh buông tay là tôi cũng chết theo!”

Điều ấy đã hiển nhiên. Không có tôi nắm một ống quần, sẽ chẳng còn đối trọng, cái ống quần chị đang nắm sẽ hụt hẫng, không còn quấn vào cái thùng phuy. Lúc ấy, chị chỉ còn cách tái diễn việc dùng tay bám vào cái thùng quay tròn trong sóng. Chị biết rõ là không còn sức lực để làm việc ấy. Tôi an ủi chị bằng cách hứa trước khi kiệt lực chết, tôi sẽ ráng cột chặt cái ống quần vào cổ tôi, điều ấy tôi biết mình không làm nổi.

Rồi bình minh cũng tới. Mặt trời thổ ra một vũng máu hồng trên biển. Nền trời vẫn đầy những đám mây đen viền vàng, hình thù quái dị đầy đe dọa. Tôi vẫn nắm chặt cái ống quần, nhưng không còn đủ sức cất đầu khỏi mặt nước. Khi đầu tôi chìm trong nước, tôi cảm nhận mơ hồ thấy âm thanh của một cái máy tàu đang chạy. Đó là cái tiếng ùng ục của chân vịt máy quậy trong nước. Tôi ngửng đầu nói với người thiếu phụ: ” Hình như có cái tàu đang tới! “

Mặt người phụ nữ sáng lên niềm hy vọng. Chị dồn dập hỏi tôi : ” Sao anh biết ? sao anh biết?? “. 

Khi tôi đáp : ” Tôi nghe thấy nó ! “, chị thất vọng, tưởng tôi nói trong cơn mê sảng. Tôi mệt quá, lại gục đầu xuống nước. Lần này âm thanh tôi nghe được lớn hơn và rõ hơn. Tôi lại ngẩng đầu lên nói: “Đúng! có cái tàu đang tới ! “. Chúng tôi cùng quay nhìn khắp bốn phương. Trong khi mắt tôi bị chói ánh mặt trời, chỉ thấy một vầng sáng lòa trước mắt, chị reo lên mừng rỡ: ” Có một cái chấm đen phía sau lưng anh kìa ! Đúng rồi, một cái tàu đang tới ! “.

Chúng tôi như hồi sinh, mạnh mẽ hẳn lên với niềm hy vọng thoát tay tử thần. Giây lát, một chiếc ghe đánh cá nhỏ lướt sóng tới nơi. Nó chạy vòng quanh chúng tôi, với vòng tròn ngày càng thu hẹp lại. Một người đàn ông trên ghe chìa ra một cây sào. Người phụ nữ buông cái thùng phuy, nắm lấy cây sào và nhanh chóng được kéo lên tàu. Không còn người giữ cái ống quần bên kia thùng phuy làm vật đối trọng, tôi hụt hẫng, dùng tay cố bám cái thùng, nhưng đành chịu thua . May mắn, chiếc ghe cứu người đã quay lại, và cây sào lại chìa ra.

Tôi không còn đủ sức nắm lấy nó Các ngón tay tôi co quắp, cứng đơ. Người trên tàu lùa cây sào vào nách tôi, quậy mạnh và thét lớn “Kẹp lấy ! kẹp chặt lấy !” Nhưng khi cây sào được kéo lên, không có tôi đi theo. Tôi đã quá yếu, không đủ sức kẹp cây sào vào nách. Người ta phải lượn chiếc ghe vào sát bên tôi, và nhanh chóng túm lấy tóc tôi, kéo lên. Tôi được lôi lên tàu như một con cá chết. Tôi nằm vật ra sàn ghe, thân thể nhăn nheo, trắng bợt. Thấy tôi rét run, một người đánh cá quơ đống lưới trên sàn tàu phủ lên người tôi, rồi thản nhiên bỏ đi. Đối với đám dân chài cộng sản, sự cấp cứu một người gần chết, chỉ tới mức đó. Lòng nhân đạo của con người dưới thời cộng sản cũng ít ỏi và sơ sài như cái tem phiếu phân phối nhu yếu phẩm của Đảng. Dù đang mệt xỉu, tôi cũng ngửi thấy cái lưới cá vô cùng tanh tưởi. Tôi ụa mửa. liên hồi. Nước biển mặn chát tuôn ồng ộc qua miệng. Tôi cũng liên tục tiêu chảy ra nước biển. Mắt hoa lên, tôi ngất đi. Thời gian không biết đã trôi qua bao lâu.

oOo

Tôi tỉnh dậy thấy thân mình ấm, nóng, nhưng mệt rã rời và cổ khô như cháy. Chao ơi! Tôi khát nước ! Nhưng vì quá yếu, tôi không thể lên tiếng, cũng không đủ sức đẩy cái lưới cá phủ trên mình. Đúng lúc đó, tôi nghe tiếng một người đàn ông nói : 

” Anh kia chắc chết rồi! Không thấy động đậy chi cả. Phải chồng chị không? Không phải! Vậy để tôi coi. Nên quăng xác anh ta xuống biển để khỏi phiền nhiễu khi về tới bến .” 

Khi cái lưới cá được dở lên, tôi trông thấy một người đàn ông mình trần, da đen bóng, đứng bên môt phụ nữ xinh đẹp, nhưng lại mặc bộ bà ba của đàn ông, trông hơi quen. Không nói được, tôi lấy tay chỉ vô miệng. Chị ta reo lên : 

“Ông ấy còn sống ! ông ấy khát nước. Tội nghiệp ! Để tôi cho ông hớp nước .” 

Rồi chị tất tả chạy vào cabin, bưng ra một bát nước. Chị nhẹ nhàng nâng dầu tôi lên và kê bát nước vô miệng. Nước ngọt như cam lồ của Phật bà Quan Thế Âm.

Sau khi uống bát nước, tôi nằm xuống ngủ li bì như chết. Khi tôi tỉnh dậy, trời đã về chiều, người tôi đang lắc lư theo nhịp di chuyển của chiếc xe vận tải có công an cầm súng. Tay tôi bị xích chung với tay một người thanh niên lạ. Tám người chúng tôi sống sót trong chuyến ghe định mệnh. Sự đau đớn xót xa vì mất người thân khiến ai nấy ngậm ngùi câm nín, không một biểu lộ vui mừng vì mình thoát chết.. Ôi, nếu những kẻ được trời cho sống qua cơn đại nạn này, mà lại biết trước rằng : trại giam chấp pháp Bến Tre và các trại lao động khổ sai Bến Tranh, Châu Bình đang chờ đón họ, tôi chắc họ cũng đã vui vẻ buông tay theo người thân về lòng biển cả, nơi không có loài thú cộng sản và cũng chẳng có hận thù. Tôi tự hỏi : phải chăng lời cầu nguyện của tôi trong lúc sắp tan biến vào lòng Đại dương, đã cho tôi thấy lại một bình minh.

Tôi không biết. Nhưng tôi linh cảm thấy từ nay, bình minh sẽ mãi mãi rực rỡ trên đầu tôi, dù bọn cộng giết người có đầy đọa, chà xát tôi đến cỡ nào. Đạo bùa linh mà loài ác quỷ ăn cắp ở đâu đó, để xử dụng làm toàn điều ác kinh khiếp cho chúng ta, nay đã hết thiêng và không còn hiệu lực nào đối với tôi. Tôi còn niềm tin sắt đá rằng : dù nước Việt ta trải qua trăm cay ngàn đắng trong đêm dài cộng sản, một bình minh tươi sáng sẽ theo ánh dương về soi rõ mặt kẻ thù, và quét sạch đêm đen. Không thể khác được, vì có ai ngăn được mặt trời xuất hiện sau đêm dài tăm tối !

Ngày nay, mỗi đêm ngồi lặng lẽ thiền định trong bóng tối, theo dõi hơi thở, để chú tâm sống những giây phút nhiệm màu của hiện tại, tôi vẫn phải thỉnh thoảng vật lộn với những hình ảnh và cảm giác khủng khiếp của con thuyền định mệnh năm nào. Tôi thấy Giang khom mình đổ nước xuống sàn tàu, tôi thấy gia đinh anh Khúc Ngọc Bảo đang xúm vào nhau kêu thương rền rĩ ” Bo ơi! Bo ơí ! “,,; ;tôi thấy xác đứa nhỏ bập bềnh trong sóng nước trôi theo mẹ nó đang quay tròn bên cái thùng phuy lập lờ trong sóng…Tôi ngừng theo dõi hơi thở, để quán chiếu những hình ảnh bi thương đó cho đến khi nó tàn úa trong tâm tưởng, và biến mất,trả lại cho tôi phút giây hiện tai. Nhưng nhiều lần tôi thất bại, không làm cho nó biến đi được. Tôi càng quán chiếu, những hình ảnh ghê rợn và cảm giác hãi hùng càng hiện ra rõ rệt như thực. Tôi đành bỏ phí một buổi thiền tập, ra bàn thờ thắp hương và niệm Phật.

Nhiều đêm trong mơ, tôi thấy người phụ nữ mặc áo bà ba đàn ông, đứng bên đống lưới cá, nâng đầu cho tôi uống nước. Người phụ nữ mà tôi có dịp chia sẻ sự sống còn trong đêm Giáng Sinh năm 1979 chính là hiền thê của anh Ngô Cảnh H., một bạn đồng môn của chúng ta. Tôi ngậm ngùi tưởng nhớ hàng trăm ngàn đồng bào, như Giang, như gia đình anh Khúc Ngọc Bảo đã bỏ mình vì sự tàn độc của một lũ cuồng tín, hung bạo và dốt nát. Thân xác họ đã yên nghỉ trong lòng đại dương, nhưng anh linh của họ sẽ kết tụ thành mây bão, thổi sập cái chế độ bất nhân đang siết cổ dân ta.

Biển xanh yên giấc ngàn thu
Thuyền nhân yên nghỉ trong mồ trùng dương
Hồn thiêng nêu chí quật cường
Ngày tan giặc cộng bốn phương tìm về !

BÙI XUÂN CẢNH
Virginia, August 2008,

No comments:

Blog Archive