Friday, November 27, 2020

ĐÁO BỈ NGẠN 

Nhà văn Quế Hương

Người khách cuối ngày vẫn chưa chịu về dù ông đã từ chối cuộc viếng thăm bằng im lặng. Hắn tới "xin ý kiến anh" nhưng thật ra để thăm dò ông còn bao lâu mới chết. Mặt hắn phủ đầy bóng mây buồn bã nhưng không che giấu được tia nắng nhảy nhót trong đáy mắt khi sắp được thay ông làm giám đốc.

- Mẹ thằng Nhất!

Ông gọi vợ bằng cái giọng của đứa trẻ buồn ị gọi mẹ khiến hắn phải ngừng lải nhải, lải nhải, đứng dậy:

- Em về! Gắng anh nhé!

Vợ ông tất tả lấy bô nhưng ông mệt nhọc khoát tay bảo đừng và nhắm mắt lại.

Lượng khách đến thăm ông giảm dần theo thời gian. Ban đầu đông như hội. Sau lác đác. Có người ông tiếp bằng nụ cười héo hắt. Có người ông nhắm mắt lại. Ông nói ít, hầu như chỉ trả lời có - không. Cái nhìn trống rỗng. Bước chân ai ra cửa cũng nhẹ nhõm vì không phải mình sắp chết. Ngay cả bà vợ tận tụy của ông giờ cũng đã quen với chuyện ông sắp ra đi, và những đứa con đến thăm đã hồn nhiên nói cười như thể việc ấy chẳng can dự gì đến cuộc sống chúng nó.

Khi mở mắt ra, ông bực mình thấy một vị khách ngồi trên chiếc ghế bên giường. Lão ta trông lạ hoắc, vào khi nào không hay.
- Mẹ thằng Nhất!

- Gì thế mình?

- Mời khách ra!

- Có ai đâu? - Bà ngạc nhiên.

- Đui à?

- Có ai đâu? - Bà lặp lại.

Lão ta vẫn ngồi trên ghế, giương mắt nhìn ông. Một gương mặt lạ lẫm, không gian hoạt, đớn hèn khúm núm hay vênh vang tự đắc như những khuôn mặt ông thường gặp mà bình lặng đến phẳng lì.
- Ông là ai?

Im lặng.
Kẻ im lặng là kẻ yếu hoặc mạnh.
Vợ ông hoảng hốt khi thấy ông không bình thường.
- Mình nói với ai thế?

- Không có ai trong phòng thật sao?

- Thật.

Ông quay mặt vào tường. Một luồng khí lạnh phả ra làm lưng ông lạnh buốt. Ông quay ra. Lão vẫn ngồi đó .
- Ông là ai? - Ông hoảng hốt.

- Bạn.

- Tôi không biết ông.

- Ta đồng hành với ngươi từ khi sinh ra. Có khi gần đến nỗi giơ tay là chạm... 

- Ông là...?

- Không dám gọi tên ta ư? Có khởi đầu là có kết thúc. Không kết thúc mới là bi kịch. Mọi người sinh ra để biết nỗi kinh hoàng khốc liệt này - ai cũng phải chết. Chịu khó thôi!

Lão quét cái nhìn lạnh như nước đá lên người ông khiến ông đông cứng trong sợ hãi. Vẫn biết cái chết sẽ ập đến với mọi cuộc đời nhưng khi người khác chết, điều ấy ở ngoài ông, mơ hồ xa xôi. Giờ đến lượt ta - ông nhắm mắt lại.

Khi mở mắt, ông vẫn còn sống mà lão đã đi. Ghế trống trơn. Ông không nhìn thấy gương mặt trơ lì cảm xúc của lão nữa. Nhưng thấy nó - cơn đau lì lợm, dai dẳng, quen thuộc. Nó đang thong thả dạo bước trong xương thịt ông. Giữa nó và lão, ai dễ chịu hơn?

***
- Đêm bà có nghe thấy gì không?

- Thỉnh thoảng ông rên.

- Tôi mơ chuột gặm ngón chân mình và giọng ai đó hát đều đều bên tai.

- Hát gì?

- Một bài vè tôi nghe ở Đồng Tháp mấy mươi năm trước: "Cái đồ gặm nhấm. Cắn hủy cắn hoài. Mặt dạn mày dày. Cắn hoài cắn hủy...".

- Tại tâm ông bất an đó thôi!

Giấc ngủ ông giờ cũng bệnh, đầy ác mộng. Chân dài thơm phức, ngực vun như núi hễ kéo vào lòng là da thịt nõn nường mọc lông mọc lá. Sơn hào hải vị hễ bỏ vào mồm biến thành đất cát. Những tòa nhà lẩy bẩy như âm binh không đủ ngày tháng đổ ập xuống người ông... Không ngủ, càng khổ. Tiếng chuông gọi hồn của lão cứ rõ mồn một dọc hành lang bệnh viện. Gọi ai hôm nay. Gọi ai ngày mai?

Giờ thì ông đã nhận ra lão qua những hồi chuông báo tử vọng từ xa thẳm. Có lúc chuông rung khi tiếng cười chưa dứt, cái chết xé gió mang hình nụ cười, không kịp đớn đau, kinh ngạc. Có khi cái chết đến từ mọi phía, dữ dằn gớm ghiếc, chuông gióng giả từng tràng át cả tiếng con chim sắt xé nát bầu trời, tiếng bom nổ, cây đổ, đất đá rào rào... Diện mạo cái chết khác nhau nhưng chuông gọi hồn bao giờ cũng thế. Mồn một và đĩnh đạc. Suốt ngày ông nghe văng vẳng tiếng chuông. Từ quá khứ vọng về. Hiện tại vọng đến. Nhét bông vào tai vẫn nghe.

- Tôi muốn về nhà - ông thều thào.

Vợ ông chưng hửng. Rồi chiều. Vả lại, bệnh viện ung bướu trong nước và cả bệnh viện Thái Lan đều đã lắc đầu trước lá gan mục nát. Từ khi thấy lão, ông biết cuộc chiến đấu với thần chết đã vô vọng. Tiền và sự tiến bộ của khoa học vẫn không cản được bước chân lạnh lùng của lão. Về thôi!

Kẻ đón ông cuồng nhiệt đến ứa nước mắt ngay từ ngõ là con Vàng. Nó rên ư ử như giận dỗi vì sao ông đi lâu thế, rối rít chạy theo cáng, chui tọt xuống giường, đánh đuổi cũng không chịu ra.

Lão cũng có mặt. Áo choàng đen tối hơn huyệt mộ. Cái bị bắt hồn phồng to.

"Người này thế mà đi trước ngươi!". Lão ngó người em họ hồng hào khỏe mạnh mới trên bốn mươi.

"Còn gã này cũng theo ngươi - vì nhậu!"- lão chỉ tay trưởng phòng kế hoạch vừa ló mặt.

Lão vuốt con Vàng bằng bàn tay xương xẩu khiến hắn như bị điện giật sủa ổng lên: "Không thể sống thiếu chủ!".

Căn phòng lạnh và tối hẳn khi có lão. Nắng vàng vọt. Gió lẩy bẩy. Nỗi sợ hãi làm tóc tai ông dựng đứng. Không, ông không muốn chết. Ông có trong tay mọi thứ - quyền lực, tiền bạc, những mảnh đất đẹp như mơ "ăn" từ các dự án, những em chân dài xinh như mộng...

"Ta đi rước năm thằng nhóc chán sống đèo nhau trên một xe. Sinh tử như hơi thở vào ra của vũ trụ nên lúc nào ta cũng có việc". Lão vụt ra như làn khói còn ông nhìn tay trưởng phòng kế hoạch đang nói huyên thuyên, hình dung hình hài béo tốt ấy rồi sẽ dán vào giường như mình. Cuối cùng lão chộp được tất. Có ai thoát đâu! Lão đến để kết thúc mọi cuộc đời, chỉ sớm hay muộn. Sợ cũng vô ích. Nhưng còn mẩu thời gian bé tẹo này, nó vẫn là của ông, không phải của lão. Ông sẽ mút nó như mút viên kẹo cuối cùng. 

Đúng là lão đã đi. Ông cảm thấy đỡ buốt giá. Nghe tiếng thở của con chó dưới gầm giường. Tiếng lá rơi ngoài cửa sổ. Có nhẹ nhàng không nhỉ lá ơi!

Xôn xao một đỗi rồi lặng im. Vợ ông đút cho ông vài muỗng sữa Ensure nhưng ông đẩy ra.
- Tôi muốn ăn bánh nậm bà làm!

Người vợ ngẩn người vì kinh ngạc. Ở bệnh viện về mấy hôm nay ông không ăn được, chỉ uống sữa hoặc truyền dịch, làm sao ăn được bánh nậm? Cũng dễ đã trên hai mươi năm, ông không ăn món ruột của bà. Các món bánh lá, bánh canh ấy đã nuôi sống gia đình những năm khó khăn nhất rồi bị lãng quên không thương tiếc khi cuộc sống thay đổi. Đúng là chồng bà sắp ra đi. Cứ cho ổng ăn, ông ngửi những gì ổng thích còn hơn sau này cúng ruồi.

Bà tất tả đi chợ mua lá, bột gạo, tôm tươi, chuẩn bị tỉ mỉ từng chút như để tặng ông món quà cuối cùng. Đích thân bà chấy tôm, làm chả, dáo bột, gói bánh, sống lại một quãng đời cũ, vừa làm vừa chặm nước mắt. Bà biết ông sắp ra đi. Những kẻ sắp chết thường rất lạ lùng.

Mùi bánh lá hấp chín nhẹ nhàng đưa vào tận phòng người bệnh khiến ông ứa nước bọt. Đã lâu lắm rồi mới ngửi lại mùi hương thanh đạm rưng rưng của quá khứ. Xa xăm như từ kiếp trước, tiếng rao lanh lảnh của bà dội vào tim ông: "Bánh canh, bánh lọc, bánh nậm nóng hổi đây...!".

Lúc ấy lão đến.
Lão tò mò nhìn chiếc mẹt tre mới toanh còn thơm mùi đồng nội. Trên mẹt để đĩa bánh lá sắp theo hình rẽ quạt, châu đầu vào quả ớt đỏ tỉa hoa. Đầu mỗi chiếc bánh đội một miếng chả tôm hồng nhạt cắt theo hình trăng khuyết trông như chiếc vương miện. Chén nước mắm vàng nhạt trong vắt điểm mấy lát ớt đỏ thắm. Đúng kiểu quà Huế, thanh đạm mà tinh tế. Bà đỡ ông ngồi tựa vào gối, mở lòng lá bánh nóng hôi hổi, xắn đút cho ông từng mẩu nhỏ như đút cho em bé.
- Ăn cái cho biết! Không ai qua mặt bà ấy về món này - Ông buột miệng mời.

- Mình nói với ai thế?

- Với tôi.

Lão nhón một miếng chả tôm hình trăng khuyết bỏ vào cái mồm tối thui không răng, say mê nhóp nhép.

Thấy lão ăn ngon lành, ông thều thào:
- Chả...

Kệ, thích cứ chiều. Bác sĩ bảo không còn hy vọng nữa. Bà tự nhủ rồi xắn đút cho ông mẩu chả tôm nhỏ. Ông ngậm trong miệng nhưng mùi cuộc sống vẫn không đánh dạt vị ốm đau nhàn nhạt. Đắng nghét.

Lão vừa đi. Ông nôn thốc nôn tháo.

***
Ông đối mặt với cái chết đang nhích lại gần với vẻ tò mò. Ông từng chứng kiến nhiều cái chết - nóng hổi, tươi rói, dịu dàng, bạo liệt... Với ông, lão sẽ múa lưỡi hái như thế nào?

Một người bạn năm xưa tới thăm, khuyên ông tập thở bụng. Phình bụng hít vô. Thóp bụng thở ra. Gác mọi phiền não, chỉ kiểm soát hơi thở vào ra để biết mình đang sống. Khi cơn đau quen thuộc bên sườn trỗi dậy, lì lợm, bướng bỉnh, ông làm theo bạn, chuyên chú vào nhịp thở. Hớp một ngụm không khí, đẩy vào tận ngóc ngách, đối đầu với cái đau và có khi đánh dạt được cả nó. Đúng là gần chết mới biết thở. Gần chết mới nhận ra cái đẹp lạ lùng của trần gian mà mình sắp xa lìa. Cây bàng bên bờ tường đối diện cửa sổ phòng ông ở đấy từ lâu mà tâm hồn hoang mạc của ông có bao giờ nhìn thấy? Giờ nằm đợi chết mới có dịp ngắm. Sắc vàng nâu trầm tĩnh chuyển qua đỏ lộng lẫy như trút hết sinh lực đẹp lần cuối rồi nhẹ nhàng lìa cành để nhường cho chồi biếc, mầm non. Kết thúc cái này là để bắt đầu cái khác... Không kết thúc mới là bi kịch. Lão đã bảo thế.

Cái chết xâm chiếm ông từng ngày, nhưng cũng theo từng ngày, một mầm sống khác lại quẫy cựa, trồi lên. Dường như có một thằng bé chui ra từ hình hài mục ruỗng của ông, đái lên trái tim khô của ông làm nó ướt đẫm. Hắn dẫm lên tâm hồn băng giá của ông khiến băng tan chảy thành buồn thương, xấu hổ. Hắn nhìn mọi thứ bằng cặp mắt ngạc nhiên và lạ lẫm. Hắn nhảy nhót và hát: "Ta bị nhốt quá lâu. Trong tấm thân máu lộn mỡ. Trong cái đầu ma quái. Đầy mưu ma chước quỷ. Trời xanh trong thế này ư? Hoa đẹp thế này ư?...".

Ông khước từ mọi thăm viếng, quà cáp. Chiến đấu với đớn đau bằng sự dũng cảm và trầm tĩnh. Trên gương mặt in dấu thần chết, đôi mắt lại sống, da diết thiết tha. Sự bình thản của ông làm bầu không khí nặng nề của ốm đau chết chóc vơi nhẹ. Ngôi biệt thự mang dáng dấp một mái nhà bình yên. Không tiếng đóng sập cửa xe, tiếng giày nện quyền uy, tiếng quát tháo, tiếng thì thầm xin xỏ, biếu xén. Cổng đóng. Chuông điện tắt. Cây cỏ im lặng xanh. Con Vàng gần như túc trực trong phòng. Hơi thở của nó hòa với hơi thở người bệnh, và ông lắng nghe với sự thương cảm.

Gần chết ông mới hiểu tấm lòng của một con chó. Hắt hủi, quát tháo mà vẫn lăn xả vào thương. Gần chết mới biết dịu dàng với người vợ hiền tận tụy. Dịu dàng đến nỗi bà khóc một cách âm thầm. Đúng là chồng bà sắp ra đi. Bà không còn nhận ra ông trong những ngày này. Ai đó đã nhập vào người chồng độc đoán của bà, người mà mỗi cái liếc mắt, quát tháo, ra lệnh đều thể hiện quyền lực tối thượng của một chủ nhân ông. Người đã chê bà già rồi, không xứng đầu ấp tay gối, không xứng cùng đi, không cùng chia sẻ... Người ấy hôm nay lại cầm tay bà, dịu dàng săm soi bàn tay đầy vết chai sần, lổm ngổm gân xanh. Cái nhìn day dứt, ấm áp...
- Sao bà không sai bọn nó, tự làm chi cho khổ?

- Người khác làm sao tôi yên tâm. Chỉ tôi mới thành thuộc những gì ông thích.

- Bà có oán tôi không?

- Tôi chỉ ước mình đau thay ông. Đàn bà chịu đựng giỏi hơn đàn ông.

- Người ta chỉ được sống một lần, sai không làm lại được.

- Cũng có thể chết và sống lại trong từng khoảnh khắc, ông à! Lúc này ông cũng đang sống lại đó thôi. Ông như ông ngày xưa, của tôi...

Người đàn ông mạnh mẽ, quyền uy giờ bất lực, yếu ớt như một đứa trẻ và hoàn toàn của bà. Bà bón cho ông từng giọt sống, vỗ về ông khi đau, lau mình mẩy ông nhẹ nhàng như lau em bé - tẩn mẩn từng vết sẹo, từng nốt ruồi, nốt ghẻ thân thuộc.

- Có bà bên tôi, cái chết bớt đáng sợ hơn. Da tôi vàng thêm nhưng hồn tôi thì xanh lại, phải không?

- Có. Xanh ngắt - Bà nhìn sắc da vàng nghệ, ứa nước mắt.

- Bà lại khóc! Đừng khóc! Những phút quý giá này đừng dành cho nước mắt... Này, bà mua cho tôi một con chó cái...

- Làm gì?

- Để con Vàng có bạn, khuây khỏa. Có những con chó chủ chết nó nhịn ăn chết theo bà à! Nó thương tôi lắm đó!

Nghe nhắc tên, con Vàng đang nằm dưới chân đứng dậy vẫy đuôi kêu ư ử...

***
Lão tạt qua, ngạc nhiên thấy ông có vẻ nhẹ nhõm, bình tĩnh. Lão bảo: "Tốt. Chết cũng phải học. Quẳng hết. Về tay trắng. Giờ ngươi như đứa trẻ tập đi, phải tự bước, không ai bước thay. Đừng sợ ngã. Không ngã nữa. Chỉ bay, nếu nhẹ như hạt bụi".

Và ông đã bay trong những cơn mê. Tấm thân nặng nề khi quẳng hết hỉ nộ ái ố, thoát khỏi những trò chơi khốc liệt của cuộc đời, nhẹ như phù vân. Ông bay vào những đám mây xốp màu sáng bạc, màu của hư vô bát ngát. Tắm gội linh hồn thanh sạch bằng tiếng ngân dài bay bổng của sơn ca, giọng rừng nguyên thủy mang theo tiếng suối reo, thác đổ của chích chòe lửa. Bay qua tán rừng xanh lục, nơi ông gửi lại một chặng đời trong trẻo tươi xanh khi lòng còn tinh khôi chưa lốm đốm u sần của tham vọng gian dối. Tuổi trẻ ông nhìn ông xa lạ còn đồng đội không nhận ra ông. Họ nằm lại giữa màu xanh và tiếng chim, linh hồn nhẹ như mây, làm sao nhận ra cái lão bụng phệ ăn đất và sắt thép này là anh chàng thủ kho xanh rớt ngày nào sẵn sàng ăn sắn nhường cơm cho đồng đội?

Ông bay qua nơi mình tạo ra dâu bể - khách sạn, nhà hàng, quán nhậu mọc như nấm sau mưa trên dải đất trước kia là thôn xóm, ruộng vườn yên ả. Những ngọn lúa, ngọn rau bị vùi dưới lớp xi măng cốt thép ngóc dậy nhìn theo. Bay qua hội chợ phù hoa - phòng VIP, rượu ngoại, cờ bạc, chân dài như ngọn lửa dịu êm thiêu đốt nhân cách và làm mục nát lá gan mình.

Ông đảo lại lần cuối trên tòa nhà ba tầng, công ty xây dựng và phát triển nhà ở. Phòng giám đốc, hắn ta đang ngồi. Hắn có ngồi tù thay ông, kẻ hạ cánh an toàn xuống cái chết? Ông cố tìm trong lô xô, bé tẹo dưới kia những mảnh đất mình "ăn" qua các dự án nhưng tất cả như những mảnh ghép hình trong thành phố đồ chơi. Người ông chợt sà xuống như diều đứt dây và ông nghe lão quát: "Về thôi!".

Ông rơi vùn vụt xuống hố thẳm không đáy, muốn mở miệng kêu mà không kêu được. Thân xác này không còn của ông nữa. Nó đã bị cái chết xâm chiếm. Ông nghe vẳng vẳng tiếng khóc gào, tiếng tụng niệm. Thấy mình bị nhấc bổng lên và tiếng lão dõng dạc hô to: "Đáo bỉ ngạn !"(*)

***
Theo ước nguyện sau cùng của người đã khuất, di chúc mở ra có sự chứng kiến của gia đình và đại diện chính quyền. Trong đó có đoạn:

"Đến cuối đời tôi mới nhận ra lương tâm là quyền lực lớn nhất.

Dưới quyền lực ấy, tôi xin để lại cho vợ và hai con những gì do sức lực, trí tuệ mình làm ra trong mấy mươi năm gồm...

Xin trả lại những gì do mưu ma chước quỷ tôi chiếm đoạt được gồm...

Xin tha thứ cho tôi...".

Vừa qua giỗ đầu, thằng Nhất bảo:
- Mẹ bán nhà chia cho tôi! Nhà này tôi cũng có phần.

- Bán rồi ở đâu?

- Ra nghĩa địa mà hỏi ổng. Trâu chết để da, người ta chết để của. Tự dưng đem khai ra rồi đem trả. Ngu! Cha mẹ ngu thì con khổ! Tui còn sống là còn oán ổng. Vì ổng mà con cái xuống đời! Người ta ăn đầy ra đó có ai tự nguyện trả đâu! Miếng đất ở ngã tư giờ phải mấy tỉ, nếu xây khách sạn ba sao tui đâu có thành thằng ma - cà - bông! Còn miếng ở khu trung tâm, xây nhà hàng cho con Thanh làm chủ, hắn đâu có đi làm cực khổ mà lương chỉ hơn triệu bạc. Cha mẹ ngu con mới khổ!... Ngu! Ngu! Đại ngu!

Cứ rượu vào là cậu quý tử đem chuyện ấy ra nhấm nháp, liên miên...

Bà nuốt nước mắt ngước nhìn trời. Bà tin đám mây trắng nhẹ thênh bay ngang qua nhà là ông. Hình hài tan rã, tham sân gửi lại, chỉ còn linh hồn lãng du theo mây trắng.

Từ khi ông mất, bà bỗng sinh chứng nhìn mây, nói với mây, khóc với mây. Chuyện con cái xâu xé nhau của cải. Chuyện chúng đã quen làm cậu ấm cô chiêu, tiêu xài như nước, gì cũng có người lo sẵn, giờ không tự đi được.

"Bay đi ông ơi! Đừng nhìn! Đừng nghe!", nhưng giọt nước mắt vô hình vẫn nhỏ trúng tâm hồn bà. Bà thì thào: "Ông khóc đó ư?".

***
Năm sau ngôi nhà vườn tuyệt đẹp biến thành quán Hương Huế chuyên bán bánh nậm, bánh lọc, bánh bèo, bánh canh. Khách ngồi dưới bóng cây râm mát, ăn những món dân dã nóng hổi, trình bày tinh tế đẹp mắt. Bánh nậm xếp theo hình quạt, mười cái một dĩa. Mở lòng mỏng mảnh, phơi dạ trắng ngần, điểm nhụy tôm hồng, chấm nước chấm ngọt thanh, ăn kèm chả tôm cắt hình thoi, xếp thành đóa hoa vàng, đưa đũa lên, cứ tần ngần vì quá đẹp. Dĩa bánh ướt nhụy tôm cũng mười cái, uốn cong thành mười cánh hoa. Bánh bèo chén để trên mẹt tre, rắc nhụy hồng, điểm tóp mỡ giòn, ăn bằng chèo tre vót mảnh... Bắt mắt nhất là tô bánh canh Nam Phổ. Tô nhỏ để vừa say, chưa ngán, hòa quyện tinh tế sắc màu và hương vị. Rẻ, ngon, đẹp mắt, lịch sự, khách vô ra quán nườm nượp, làm không kịp bán.

Cuối ngày, khi xong việc, bà lại thắp lên bàn thờ ông một cây nhang, thì thầm kể chuyện: "Hôm nay thằng Nhất có phụ tôi đôi chút ở quán! Nó hết đòi bán nhà rồi! Tôi đang tập cho nó đi. Khi nào nó bước đi vững vàng rồi, tôi sẽ về với ông, ông ơi...!".

Tàn hương uốn cong như lời đáp. Đốm lửa như mắt người, lung linh đỏ, đỏ lung linh...

(*) Đáo bỉ ngạn: Tới bờ bên kia

No comments:

Blog Archive