Wednesday, January 28, 2015

Cuộc đời nhà tiên tri nổi tiếng nhất Trung Hoa Gia Cát Lượng

Với người Trung Quốc, quân sư Khổng Minh là một nhà tiên tri vĩ đại. Tài tiên đoán, liệu sự như thần của ông khiến hậu thế phải nghiêng mình thán phục.

Trí tuệ tinh thông, tài năng lỗi lạc lẫn lòng trung hiếu sắt son của Khổng Minh luôn được hậu thế tôn vinh, trân trọng. Sử sách ghi nhận ông là một nhà chính trị, quân sự, chiến lược, ngoại giao tài ba, kiệt xuất thời Tam quốc.

1. Thân thế của Gia Cát Lượng

Theo Bách kho toàn thư mở, Gia Cát Lượng (181 - 234), tự là Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh. Ông là quân sư xuất chúng của Lưu Bị nước Thục, thời hậu Hán. Gia Cát Lượng quê tại Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông).

Không chỉ kiệt xuất trong lĩnh vực quân sự, chính trị, Khổng Minh còn là một học giả và nhà phát minh kỹ thuật đại tài. Ông đã sáng tạo ra các chiến thuật quân sự nổi tiếng như: Bát trận đồ (Hình vẽ tám trận), Liên nỏ (Nỏ Liên Châu, tên bắn ra liên tục), Mộc ngưu lưu mã (trâu gỗ ngựa máy).



Tương truyền, chính vị quân sư này là nhà phát minh ra đèn trời (Khổng Minh đăng - một dạng khinh khí cầu cỡ nhỏ) và món màn thầu nổi tiếng của Trung Quốc.

Tài năng của Khổng Minh không chỉ dừng ở những lĩnh vực ấy. Với người Trung Quốc, Gia Cát Lượng còn là nhà tiên tri vô cùng vĩ đại. Ông được mệnh danh là người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, có tài tiên đoán mọi việc cực chuẩn xác.

2. Những lời tiên tri chính xác của Gia Cát Lượng

Nói về kỳ tài "liệu sự như thần" của Khổng Minh, dân gian Trung Quốc hãy còn lưu truyền một câu chuyện khá thú vị. Tương truyền, trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng dặn dò con cháu: “Sau khi ta chết, trong số các con sẽ gặp phải đại họa chết người. Tới lúc ấy, hãy dỡ nhà, lấy từ trong tường ra một bọc giấy, trong đó có cách cứu mạng”.

Sau khi ông qua đời, Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế. Nghe tin trong số quan quân triều đình có viên tướng quân là hậu thế của Gia Cát Lượng, Viêm bèn nghĩ cách trừng trị người này.

Một hôm, Tư Mã Viêm tìm cớ định tội chết cho viên tướng nhà Gia Cát. Trên Kim điện, Viêm cất lời hỏi: “Trước khi chết, tổ phụ nhà ngươi đã nói những gì?”. Kẻ “tội đồ” bèn thật thà truyền đạt tới vua lời dặn dò của Gia Cát Lượng. Nghe thấy vậy, Tư Mã Viêm bèn ra lệnh cho quân lính dỡ nhà, lấy bọc giấy ra xem. Bên trong chỉ có một phong thư kín, phía trên viết rằng: “Ngộ hoàng nhi khai” (nghĩa là đúng hoàng thượng mới mở ra xem).

Đám binh sĩ bèn dâng thư lên vua. Trong thư có mấy chữ: “Xin lùi ba bước”. Tư Mã Viêm lập tức làm theo. Vừa đứng vững đã nghe thấy một tiếng “rầm”, chiếc xà rơi thẳng xuống chỗ vua ngồi, khiến bàn ghế tan tành. Viêm trông thấy vậy mà sợ hãi lạnh người, rồi lại xem tiếp những dòng ở cuối thư: “Ta cứu mạng ngươi, ngươi hãy giữ lại mạng sống của con cháu ta”.

Xem xong thư, Tư Mã Viêm thầm thán phục tài tiên đoán như thần của Gia Cát Khổng Minh rồi ra lệnh phục nguyên chức cho vị tướng quân này. Còn theo Bách Khoa toàn thư mở, Khổng Minh bỗng lâm bệnh nặng khi ra Kỳ Sơn lần thứ 6.

Biết mệnh sắp tàn, ông cho gọi tướng tài Khương Duy vào truyền thụ 24 thiên binh thư của mình. Gia Cát Lượng còn cẩn thận dặn dò các tướng quân phải nêu cao cảnh giác, đề phòng mối nguy quân Ngụy tấn công, Ngụy Diên trở mặt làm phản rồi bày cho diệu kế đối phó.

Quả nhiên, mọi lo lắng, tiên liệu của ông trước khi qua đời đều thành hiện thực. Ngụy Diên tráo trở làm phản, nhưng vì nghe lời căn dặn của quân sư, Mã Đại đã chém chết Diên. Lại nói, khi Tư Mã Ý hô quân tới đánh, bên Thục bèn đẩy xe có tượng gỗ của Khổng Minh ra trận, khiến Ý hoang mang lo sợ rồi tháo chạy. Nhờ đó, quân Thục bình an vô sự rút về Thành Đô.

Thêm lần nữa, tài tiên liệu hơn người của Gia Cát Lượng đã bảo toàn mạng sống cho quân binh và cứu vãn thế sự cho cả vương triều. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, dân gian lưu truyền câu nói: “Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống”.

3. Tiên tri của Gia Cát Lượng về vận mệnh Trung Quốc

“Mã Tiền Khóa” được cho là một tác phẩm kiệt xuất của Gia Cát Lượng. Tương truyền, nhà quân sư trong lúc nhàn nhã việc quân đã hoàn thành “Mã Tiền Khóa” với những tiên đoán như thần về việc đại sự trong thiên hạ. Nếu giải nghĩa về mặt câu chữ, “Mã Tiền Khóa” ý chỉ việc gieo quẻ bói trước ngựa.

Theo những chiêm nghiệm của hậu thế, lời tiên đoán trong các khóa của Gia Cát Lượng vô cùng linh ứng và chính xác. Ví như khóa thứ nhất:

“Vô lực hồi thiên

Cúc cung tận tụy

Âm cư dương phất

Bát thiên nữ quỷ”

Nhiều quan điểm cho rằng, khóa này chính là lời dự ngôn về bản thân Gia Cát Lượng và thế sự thời Tam Quốc. Sớm biết vận mệnh nhà Hán đã tới hồi tận, mọi nỗ lực chỉ là “vô lực hồi thiên”, nhưng ông vẫn tận tâm tận sức phò tá Thục Hán, không phụ nghĩa bạc tình với chủ nhân Lưu Bị.

Tổng cộng, Khổng Minh đã 5 lần Bắc phạt Tào Ngụy để khôi phục trung nguyên, tái hưng giang sơn Đại Hán. Trong “Xuất Sư Biểu”, ông cũng bày tỏ nỗ lực tâm huyết tái hưng Hán thất của mình: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ” (ý chỉ: Cúc cung tận tụy tới chết mới thôi).

Vậy nên, hai câu trước: “Vô lực hồi thiên, Cúc cung tận tụy” là viết cho chính mình. Trong hai câu sau: “Âm cư dương phất, Bát thiên nữ quỷ”, câu “Bát thiên nữ quỷ” được xem như một câu chơi chữ. Chữ “bát” (八) thêm chữ “thiên” (千) rồi thêm chữ “nữ” (女) và chữ “quỷ” (鬼) hợp lại thành chữ “Ngụy” (魏). Điều ấy có nghĩa, nhà Thục Hán cuối cùng sẽ bị Ngụy Quốc tiêu diệt.

Còn ở khóa thứ hai:

“Hỏa thượng hữu hỏa

Quang chúc trung thổ

Xưng danh bất chính

Giang Đông hữu hổ”

là những dự ngôn của Khổng Minh về Tấn triều. Thực tế lịch sử cho thấy, gia tộc Tư Mã nắm đại quyền trong triều đình nhà Ngụy thời Tam Quốc, trong đó, Tư Mã Chiêu trở thành kẻ thống trị thực quyền. Tới năm 265, Chiêu qua đời, con là Tư Mã Viêm lập tức bắt Hoàng đế cuối cùng của Tào Ngụy là Tào Hoán thoái vị, giao lại triều đình cho mình. Viêm tức vị hoàng đế, lập ra triều Tây Tấn trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Tới khóa 10:

“Thỉ hậu ngưu tiền

Thiên nhân nhất khẩu

Ngũ nhị đảo trí

Bằng lai vô cữu”

là những dự ngôn của Gia Cát Lượng về sự ra đời của Trung Hoa Dân quốc. Ngày 13/2/1912, hoàng đế nhà Thanh chính thức thoái vị, vương triều Đại Thanh hoàn toàn sụp đổ. Câu: “Thỉ hậu ngưu tiền” (tức: Lợn sau trâu trước) chính là chỉ sự kiện này. Năm 1911 là năm Tân Hợi, tức năm lợn. Còn năm 1913 là năm con trâu. Trong khi đó, sự thống trị của vương triều nhà Thanh kết thúc vào năm 1912, chính là năm ở giữa: “Thỉ hậu ngưu tiền” (Lợn sau trâu trước).

“Ngũ nhị đảo trí” (tức năm và hai đảo ngược vị trí) ý chỉ chế độ và quốc thể của Trung Hoa Dân Quốc: mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nguyên thủ quốc gia được gọi là Tổng thống và chức vụ này cũng là do dân bầu. Trước kia có câu: “Cửu ngũ chí tôn”, “ngũ” ở đây ý chỉ ngôi vua. Vì vậy, câu “Ngũ nhị đảo trí” là chỉ chế độ nhà nước do dân làm chủ, dân nắm quyền.

4. Tiên đoán trước được cái chết của chính mình

Cũng như các nhà tiên tri nổi tiếng khác, Gia Cát Lượng tính được mệnh của mình. Theo ghi chép, trước khi chết, nói về việc lo hậu sự của mình, Gia Cát Lượng nói với các tướng sỹ rằng, sau khi mình chết thì đem bỏ xác vào quan tài, lấy dây thừng buộc lại rồi cho quân sỹ khiêng theo đoàn quân rút về Hán Trung. Dây thừng đứt ở đâu thì lấy nơi đó làm mộ.

Truyền thuyết kể rằng, quân sỹ theo lời dặn của Gia Cát Lượng, buộc dây thừng vào quan tài rồi khiêng theo đoàn quân rút lui về phía Hán Trung. Cứ khiêng đi như vậy một thời gian rất lâu nhưng dây vẫn không đứt.

Tuy nhiên, khi tới núi Định Quân thì đột nhiên sợi dây thừng rất chắc chắn bỗng dưng đứt bật ra, quan tài rơi xuống đất. Quân sỹ vội đặt quan tài xuống rồi tìm xẻng để đào huyệt hạ quan tài xuống. Nhưng khi binh lính vừa tản ra đất tại nơi đặt quan tại bỗng sụp xuống, vừa khít lấp trọn quan tài của Gia Cát Lượng.

Thời kỳ Tam Quốc là thời kỳ “mộ tặc” cực kỳ lộng hành. Vì vậy, ngoài việc chọn phong thủy cho ngôi mộ, việc đầu tiên cần nghiên cứu đối với các nhà phong thủy chính là làm cách nào để chống lại bọn mộ tặc này. Tào Tháo vốn là một chuyên gia trộm mộ, vì vậy cũng trở thành một người cực kỳ tài năng trong việc chống lại mộ tặc.

Nghi án về 72 ngôi mộ của Tào Tháo cho tới tận ngày nay vẫn chưa có lời giải và người ta vẫn chưa thể nào tìm thấy ngôi mộ thật của nhà chính trị lừng danh thời Tam Quốc này.

Về mặt phong thủy, Gia Cát Lượng có lẽ không thua gì Tào Tháo, vì vậy, việc chống mộ tặc của Gia Cát Lượng cũng đặc sắc không kém. Gia Cát Lượng khi chọn mộ cũng đã nghĩ đến việc sẽ bị Tư Mã Ý hoặc những người đời sau đào và cướp mộ vì vậy đã yêu cầu tướng lĩnh dưới quyền không chôn theo các vật tùy táng, mộ huyệt cũng không cần đào lớn, chỉ vừa đủ để đặt quan tài là được. Khu vực đặt mộ cũng không cần xây kín, cũng không trồng cây đánh dấu hay làm bất cứ thứ gì có thể bị phát hiện.

Phương Thảo (tổng hợp)

No comments:

Blog Archive