Ông chính là người đã có công tìm ra những phương pháp giúp tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư được tăng thêm 80%.
Gương mặt trang bìa của tạp chí Forbes số tháng 9/2014 là một người đàn ông Trung Quốc đã ngoài 60 tuổi, được đánh giá là người giàu nhất nước Mỹ trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, Patrick Soon-Shiong. Vị bác sỹ, nhà nghiên cứu kiêm doanh nhân này đang là tâm điểm sự chú ý của giới tinh hoa y học khi trình làng một dự án đầy tham vọng mang tên "Dự án Manhattan".
Patrick Soon Shiong là ai ?Là con trai của một cặp vợ chồng người Trung Quốc lưu lạc tới Nam phi, sự nghiệp phi thường của Patrick Soon Shiong là đối tượng của không ít sự ngờ vực, những ý kiến trái chiều đến từ nhiều phía. Hoàn tất trung học phổ thông năm 16 tuổi và tốt nghiệp trường y năm 22 tuổi, chàng trai trẻ làm việc ở Nam Phi một thời gian trước khi chuyển tới Los Angeles năm 1980. Tại đây, anh được đồng nghiệp nhìn nhận là một bác sỹ phẫu thuật hiếm có, chưa bao giờ chùn bước trước những ca phức tạp. Cũng trong thời gian này, Shiong tìm ra cách cấy Insulin vào tế bào của người bị bệnh tiểu đường để chữa bệnh. Chủ tịch hiệp hội nghiên cứu về bệnh tiểu đường ở Mỹ khi đó đã cho rằng đây là một biện pháp vô nghĩa, không giải quyết được vấn đề gì, chứ chưa nói là có triển vọng cứu người.
Sau một thời gian nghiên cứu và phát triển phương pháp này, năm 1991 Patrick dồn tâm huyết vào loại thuốc đã mang lại danh tiếng cho ông: Abraxane, bao gồm một hợp chất kháng tế bào ung thư được bọc trong lớp vỏ albumin protein. Ý tưởng của Patrick là khiến cho các khối u hấp thụ những albumin này như những albumin thông thường khác, khi lớp vỏ albumin được tiêu hóa đi, hợp chất diệt ung thư sẽ phát huy tác dụng.
Nhiều bác sỹ chuyên khoa đã giễu cợt phương pháp của Shiong là "bình mới rượu cũ", nhưng bản thân vị bác sỹ này cho rằng đây là một bước đột phá rất có triển vọng. Ông quyết định vay tiền để lập lên một công ty dược phẩm nhỏ mang tên American Pharmaceutical Partners (APP). Từ đó, doanh nghiệp của Soon Shiong trải qua không ít thăng trầm với những lần cổ phiếu tăng giảm giá như vũ bão.
Năm 2005, hiệp hội tiểu đường nước Mỹ công nhận tính năng hiệu quả của thuốc Abraxane, cổ phiếu APP tăng tới 47%.
Vài tháng sau Soon Shiong sáp nhập APP với một công ty khác do ông sở hữu, giá cổ phiếu lại giảm 18%. Tới năm 2005, khi tất cả các sản phẩm thuốc có chứa hợp chất herapin chống đông máu đều bị thu hồi sau vụ bê bối làm chết 81 bệnh nhân trừ thuốc của APP, cổ phiếu của công ty này lại một lần nữa bật lên trên thị trường chứng khoán.
Tài năng, lòng kiên định và may mắn đã mang lại cho Patrick Soon Shiong khối tài sản trị giá lên tới 12 tỉ USD, và đưa tên tuổi của ông nổi lên như cồn trong giới kinh doanh. Tuy nhiên điều đó dễ khiến người ta quên mất những đóng góp của ông trong lĩnh vực y học: ông chính là người đã có công tìm ra những phương pháp giúp tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư được tăng thêm 80%.
Dự án đột phá
Ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng kỳ thực ông là người giàu nhất Los Angeles, qua mặt nhiều tên tuổi đình đám khác về giá trị tài sản.
Dự án Manhattan mà Soon Shiong đang làm việc ngày đêm để xây dựng được mô tả là có thể mang lại cho chúng ta trải nghiệm như ở trong những bộ phim viễn tưởng hoang đường nhất, theo đó khi một bệnh nhân ung thư tới bệnh viện để chẩn đoán, tất cả những thông số của người đó như ADN, hàm lượng protein trong máu sẽ được phân tích ngay lập tức thông qua một hệ thống máy tính cực nhanh. Sau vài phút, máy tính sẽ đưa ra kết luận người bệnh đó nên sử dụng loại thuốc nào. Kể cả khi bệnh nhân này trở về nhà, công nghệ khám chữa bệnh vẫn đồng hành cùng người đó, theo dõi tình trạng sức khỏe của họ trong thời gian thực, không ngừng tính toán các phương án chữa bệnh, so sánh giá cả các loại thuốc và đối chiếu với ghi chép chẩn đoán bệnh của tất cả các bệnh viện khác trên cả nước.
Ý tưởng về một bệnh viện công nghệ cao như vậy được Patrick Soon Shiong ấp ủ từ năm 2005, khi ông đang nghiên cứu thuốc Abraxane. Ông nhận thấy một con số đáng giật mình: khoảng 2/3 số bệnh nhân ung thư bị điều trị nhầm phương pháp. Do đó, những tri thức và phác đồ điều trị ung thư rất cần phải được tổng hợp và xử lý bằng một hệ thống tự động hóa cao độ. Ông nhấn mạnh: "Làm sao chúng ta có thể dùng những hiểu biết lẻ tẻ và bất biến của từng cá nhân nếu muốn chiến thắng trong cuộc chiến với bệnh ung thư, vốn biến hóa khôn lường ? Chỉ có một cách là hợp nhất những tri thức đó lại trong một hệ thống ưu việt.
Tầm nhìn đầy tham vọng
Dự án Manhattan vẫn đang trong quá trình triển khai, nhưng cũng như tất cả các sản phẩm trước đó của Soon Shiong, nó gây ấn tượng mạnh với giới quan sát về tầm nhìn xa của vị bác sĩ giàu nhất thế giới này. Cụ thể, mới đây trong một buổi họp báo, Patrick Soon Shiong đã tuyên bố mục tiêu của dự án là có thể trả kết quả cho bệnh nhân trong vòng 24h sau khi xét nghiệm. Hiện nay tốc độ xử lý thông tin cũng đã gần chạm tới mốc này. Chủ tịch hệ thống chăm sóc sức khỏe UCLA David Feinberg cũng xác nhận rằng ông đã từng nhận lại kết quả phân tích bệnh án từ Patrick chỉ sau 2 ngày.
Đáng kinh ngạc hơn nữa, Shiong cho biết trung tâm của ông còn có thể phân tích khoảng 500 bộ gen mỗi ngày, tương đương với những trung tâm nghiên cứu DNA hàng đầu cả nước, và sang năm tới sẽ tăng hiệu suất lên 4000 bộ một ngày.
Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng điểm mấu chốt của việc xét nghiệm là đưa ra kết quả đúng chứ không phải là đưa ra kết quả nhanh.
Nhưng cũng có rất nhiều học giả và nhà nghiên cứu tỏ ra hào hứng với dự án này. Để kết bài, người viết xin trích dẫn ý kiến của bà Susan Desmond-Hellmann, chủ tịch quỹ từ thiện do vợ chồng Bill Gates lập lên, người đã chứng kiến quá trình phát triển và thành công của Soon Shiong từ những ngày đầu: "Đừng đánh giá thấp Soon Shiong. Sâu thẳm trong tim, người đàn ông này hiểu rõ danh hiệu giàu nhất thế giới không phải là một tấm séc để dùng vô tội vạ, mà là để phục vụ cho mục đích cao nhất là cải thiện nền y học thế giới. Chỉ cần một phần nhỏ trong bức tranh viễn cảnh mà Soon Shiong vẽ ra trở thành sự thật cũng đã đủ khiến cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn rất nhiều rồi".
Theo Hải Hà-Infonet
No comments:
Post a Comment