SEN XA HỒ SEN KHÔ HỒ CẠN
Tôn Thất Tuệ
Xem hình trái lựu trên FB, chúng tôi nhớ đến câu ca dao
"Sen xa hồ sen khô hồ cạn
Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng
Hai tay ôm quả đào tiên
Miệng cười hớn hở, dạ ưu phiền xiết bao".
Thú vị nhất là cái ngôn ngữ không có chủ từ, có khi không có động từ. Người Bắc mắng yêu: thế mới đểu chứ! mắng yêu nhé. Thuần túy ngôn ngữ, hai tay là chủ từ của ôm nhưng của ai? thế mới đểu chứ!
Xin thưa là cô dâu ôm quả hộp nhỏ đựng những thứ quý, gồm sính lễ nhà trai đem qua và thứ quý nhà cha mẹ cho đem về nhà chồng. Quả đào tiên có khác với quả hộp, hình trái cây, lớn đựng những thứ khác như xôi thịt, bánh trái.
Miệng cười hớn hở là đúng bài bản, thiếu nữ vu quy nhật. Dạ ưu phiền xiết bao; mối tình chân thật có thật đã xa mờ. Hai câu nầy không có gì mới lạ, trong xã hội không có tự do hôn nhân.
Nhưng hai câu bảy dấy lên một ý thức rộng rãi hơn, tôi biết bên ấy cũng ngả cũng nghiêng như hồ cạn; đau cho bên nầy và đau cho bên kia, người ơi có biết không.
"Sen xa hồ sen khô hồ cạn" nói lên sự tương hợp sống chết của ngoại vật. Có lần chúng tôi đã sửa câu hai thành "Lựu xa vườn, vườn ngả vườn nghiêng", có ý làm câu đối và gia tăng sức mạnh lý luận môi sinh. Nhưng chúng tôi đã lầm. Câu thứ hai nói về tương sinh của con người. Người với cảnh đâu xa nhau. Lựu không nhất thiết là cây lựu mà là cô Lựu và cô Đào, đôi bạn sống chết có nhau, hay một cặp tình nhân.
Sen xa hồ sen chết nhưng sao hồ cạn? Nếu sen không còn nữa thì không ai tha thiết chăm sóc hồ. Nếu hồ chuyển thành hồ nuôi cá thì không còn là hồ sen, hồ sen đã cạn, đã hết làm hồ sen. Ví như hồ Tịnh Tâm thành hồ cá dồ, bạn có đến thăm không? Có, nếu muốn cho cá một chút dinh dưỡng hữu cơ!
Rộng lớn hơn như cây rừng già Trưòng Sơn bị cắt đem về làm thành những mặt bàn dày 15 cm, bán ra lấy tiền đem qua Mỹ, xây biệt phủ thì núi cũng như hồ sen đã cạn đã chết. Những gốc cây nhỏ thì phong trào bonsai kéo nhau đào tận gốc vì bonsai quý ở cái rễ cái gốc rồi mới đến thân. Nhiều chỗ trống trong đô thành chưa xây cất là chỗ chưng vạn thứ cây rừng. Có cả chục ngàn cây thiên tuế, vạn tuế héo khô chờ chết. Trong lúc ấy, chỗ trồng xưa bị nước xoi mòn lụt càng nhiều xoi mòn càng nhiều theo vòng lẩn quẩn. Thực trạng núi rừng VN như hình trên, núi nguyên sơ chỉ còn 0,25%. 0,25 = 1/4 của phần trăm, nghĩa là zéro. Nếu viết sai muốn nói 25% (0,25), thì rừng đã trụi, 1/4 còn lại sẽ bị trốc gốc vì nước xoi mòn, cây rừng không còn khắc chế bệnh tật cho nhau; những loài thảo mộc sống trong bóng mát cũng chết theo. Thú rừng không còn chỗ sống. Hậu quả tai hại môi sinh theo cấp số nhân so với nguyên nhân. Chúng tôi cứu sống con chó berger vô chủ về nuôi, nó đã đào sườn núi cỏ xanh từng lổ nhỏ như cái tô ăn phở nhưng từ đó nước xoi mòn, hiện không có tiền trồng cỏ theo lối khoa học ở chỗ đất triền.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, hổn danh Phúc Niễng ma de inh VN, trước khi làm thủ tướng Hà Nội là chính ủy Quảng Ngãi. Ông nói nếu núi Quảng Ngãi trọc lóc ông sẽ từ chức. Ông xem cái chức ông to quá. Mà ông nói thật, khi núi rừng Quảng Ngãi trọc lóc ông đã nhét đầy túi, chén anh chén chủ giúp ông thành thủ tướng; lúc ấy không cần rừng nữa, từ chức làm oai, tui nói thiệt mà.
Lựu xa Đào Lựu ngả đào nghiêng. Sống có nhau là điều kiện sinh tồn của cỏ cây, súc vật và con người. Bán bà con xa mua láng giềng gần. Một nữ học giả Tàu 70 năm trước về nước phục vụ rồi bị biệt giam. Bà viết trong hồi ký bà mong thấy mặt một con người dù đó là thằng cai ngục đến chửi mắng còn hơn chỉ thấy bốn bức tường xi măng.
Tương hợp sống có nhau trong thế giới người không rõ rệt bằng trong thiên nhiên. Mỗi loại thảo mộc mang trong mình một chứng bệnh và sẽ được trị bởi một loại cây khác, đồng thời có khả năng chữa trị cho thân hữu trong rừng. Lương Nông Quốc Tế rất vui mừng thành công thí nghiệm của Tàu trồng lúa xen kẽ, chúng diệt trừ sâu bọ và bệnh tật cho nhau. Chỉ nói sơ, sợ phiền độc giả với quá nhiều chi tiết khoa học.
Chúng tôi chú trọng hai câu đầu, tuy đó không phải là ý chính. Hai câu ấy chỉ là khai tấu khúc, cho nhiều biến thể khác, trong nội dung tình duyên không xuôi ngọt; ví như
Sen xa hồ sen khô hồ cạn
Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng
Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền
Chỉ phiền một nỗi tơ duyên không tròn.
Hai câu đầu cho thấy một nhân sinh quan với tình người vô lượng vô biên, không xa lìa khung cảnh sống, tức là môi sinh; đồng thời rất khoa học tự nhiên.
Những người bình dân vô danh, tác giả kho lẫm thi ca, không làm cái việc gọi là triết lý, học thuật cho rằng triết lý kiểu Tây phương không có ở Á Đông. Á Đông chỉ có huệ. Ai đó tác giả hai câu nầy, cày ruộng xong, ngồi đánh cờ với Trang Tử, không biết mình là một huệ nhân. Không biết mình đang ôm một túi tinh hoa của đời người và người đời, sống tự nhiên như sen trong hồ, sống nhờ hồ và nuôi dưỡng hổ, không quên tỏa mùi hương theo gió.
Nhưng mà, thời hoàng kim đã xa. Thời cuộc đã làm chúng tôi thành một loài sen xa hồ, một lựu xa đào. Chỗ nầy không thể dùng 'Thế mới đểu chứ'; mà phải hỏi có buồn không người ơi!?
No comments:
Post a Comment