Tuesday, October 29, 2024

SÀI GÒN XƯA DẬP DÌU TÀI TỬ GIAI NHÂN…


Bút ký Huỳnh Công Ân

Ai là dân Sài Gòn trước 1975 đều không ít lần để lại những bước chân mình trên vỉa hè đại lộ Lê Lợi mà ngày trước người ta gọi là phố Bô Na (Bonard). Có thể nói đại lộ Lê Lợi đối với thành phố Sài Gòn cũng giống như đại lộ Champs Élysées đối với thành phố Paris.

Là dân Sài Gòn nên tôi cũng thường lui tới phố Bô Na. Con đường từ trụ sở Quốc Hội đến chợ Bến Thành ghi đậm trong ký ức tôi nhiều kỷ niệm nhứt là những kỷ niệm của tuổi thanh xuân.

Có thể nói, tôi còn nhớ từng góc phố, từng cửa tiệm hai bên đại lộ Lê Lợi. Từ nhà hàng bánh ngọt Givral đối diện công trường Lam Sơn, phía trước Quốc Hội, đi bên lề phải về hướng công trường Diên Hồng (Bùng binh Sài Gòn) phía trước chợ Bến Thành thì người ta sẽ đi ngang công viên trước tòa đô chánh, qua khỏi đại lộ Nguyễn Huệ là café Mini Rex, quán Phạm Thị Trước và quán kem Mai Hương.

Băng qua đường Pasteur người ta gặp nhà hàng Kim Hoa, nhà sách Phúc Thành và nhà sách Khai Trí. Ngay mũi tàu Công Lý và Nguyễn Trung Trực, bên dưới là nhà sách Vĩnh Bảo và sạp bán nhạc Minh Phát, ở trên là nhà hàng ca nhạc Quốc Tế. Ở góc Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực có nhà hàng Kim Sơn bên dưới và phòng trà ca nhạc Bồng Lai bên trên. Đi ngược lên theo đường Nguyễn Trung Trực gần góc Tạ Thu Thâu là nhà hàng Thanh Thế. Nằm giữa hai đường Công Lý và Nguyễn Trung Trực là thương xá Tam Đa (Crystal Palace); sau 1975 thương xá này trở thành Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế và bị cháy năm 2002 đến nay vẫn chưa xây cất lại.

Khi đến góc đường Phan Bội Châu, băng ngang đại lộ Lê Lợi để đi ngược lại người ta thấy bót cảnh sát Lê Văn Ken, nơi mà các anh cảnh sát phải đương đầu với các cuộc biểu tình của sinh viên trong những năm 60 và 70 và bệnh viện Đô Thành (nhà thương Sài Gòn), kế đó là nhà hàng Thanh Bạch, trên lầu là phòng trà Olympia và rạp xi nê Vĩnh Lợi, Ngay góc đường Lê Lợi và Công Lý, trước một tiệm thuốc tây (?) là gian hàng bán sách cũ của mấy chị em tuy không đẹp nhưng vui vẻ và thật thà đúng như bản tánh của các cô gái miền Nam. Đa số khách hàng của các cô là sinh viên, họ đến đây một phần vì tánh tình đôn hậu của các cô và một phần vì họ có thể tìm một cuốn sách giáo khoa cũ trong chương trình học của mình rẻ hơn mua một cuốn mới ở nhà sách. Có một dạo người ta xôn xao nghe tin một trong các cô bán sách đó; cô trẻ và coi được nhất tự tử chết. Các cô còn lại không hé nữa lời về nguyên nhân cái chết của cô ấy vì tình hay lý do khác?

Từ góc đường Công Lý đến đường Pasteur, bên hông của bộ Công Chánh là các sạp bán sách cũ khác. Năm 2019 khi sang thăm thành phố Paris, Pháp Quốc tôi gặp một quang cảnh tương tự như khu chợ sách cũ này trên một dốc cầu dọc bờ sông Seine. Băng qua đường Pasteur là một khu ăn uống vỉa hè thường được gọi là khu nước mía Viễn Đông, nơi người Sài Gòn ít tiền như công tư chức nhỏ, học sinh và sinh viên thường lui tới để thưởng thức không những ly nước mía nguyên chất ngọt ngào mà còn những cuốn bò bía, những dĩa gỏi đu đủ khô bò hay những ghim đồ lòng khìa...Tiệm kem Hải Phòng cũng ở trong khoảng này, Ở góc Lê Lợi và Nguyễn Huệ là thương xá Tax mà mặt tiền là tiệm kem Pôle Nord.

Gần nửa thế kỷ đã qua, thành phố Sài Gòn thân yêu của tôi đã đổi tên nhưng những địa danh kể trên vẫn không phai mờ trong tâm khảm tôi,

Đai lộ Lê Lợi trước 1975 là nơi mà nam thanh, nữ tú lui tới dập dìu nhứt là dịp cuối tuần. Ai có đào đẹp thì dẫn đi "rước đèn" ở phố Bô Na. Ai "độc thân vui tính" thì ngồi "rửa mắt' ở café Rex, Phạm Thị Trước, Mai Hương, Kim Sơn, Thanh Thế, Thanh Bạch, Pôle Nord ...

Về ăn uống, người ta có thể ngồi ở café Rex với ghế nệm êm ái vừa uống nước vừa nghe những bản nhạc như Proud Mary, Love Botion Number Nine, Let It Be, Something...Còn muốn ăn ngon người ta ghé Thanh Thế ăn bún suông hay Thanh Bạch ăn bò kho. Muốn ăn đồ tây thì người ta vào nhà hàng Kim Hoa. Đọc sách báo nước ngoài thấy món trứng cá Caviar của Nga được khen ngon, một hôm tôi đến nhà hàng Kim Hoa gọi món đó ăn thử để rồi thất vọng vì đó chỉ là một nón ăn lạnh lạt thếch. Một đêm tôi được mời ăn cưới trên nhà hàng Quốc Tế, bị bạn bè ép uống lẫn lộn rượu chát với rượu mạnh đến say hết biết đường về phải ngủ qua đêm ở đó.

Muốn mua tờ nhạc mới người ta ghé sạp bán tờ nhạc Minh Phát. Đặc biệt, ở nhà sách Khai Trí người ta có thể vào xem sách tự do như là trong thư viện. Học sinh chuẩn bị thi tú tài đi tìm những cuốn annales trong đó có các đề thi tú tài của các thành phố ở Pháp vì chắc chăn để thi tú tài sắp tới ở VN sẽ lấy trong đó.

Còn muốn ngắm những người đẹp, người ta có thể vào thường xá Crystal Palace, lên lầu đi qua các quầy bán băng nhạc, bán mỹ phẩm.

Đêm về, muốn nghe nhạc người ta vào phòng trà Queen Bee trên lầu thương xá Eden, hay Quốc Tế , Bồng Lai, Đi xi nê thì vào Rex, Mini Rex A và B nếu muốn xem phim mới và vào Vĩnh Lợi xem phim cũ nhưng toàn phim hay.

Khi tôi đi dạy học ở Trà Vinh xa Sài Gòn gần 200 km đường xe (thời đó), cuối tuần nào tôi cũng về Sài Gòn chỉ để ngồi ở nhà hàng Kim Sơn nhìn cảnh tài tử, giai nhân dập dìu trên phố Bô Na trước khi về nhà. Ngày nay, mỗi lần về Việt Nam phố Bô Na không còn như xưa, tôi chỉ thấy bức vách bằng tôn màu xanh che kín con đường hoa lệ ngày xưa nói là để xây dựng tuyến métro Sài Gòn-Suối Tiên mà mười năm qua vẫn chưa hoàn thành.

Montréal, ngày 16/3/2022

Huỳnh Công Ân

No comments:

Blog Archive