Tuesday, November 3, 2020

CHO TRỌN CUỘC TÌNH

Vào khoảng đầu thập niên 60, nơi một xóm nhỏ nông thôn miền Tây, ven sông Hậu, có anh thanh niên chất phác, dáng người cao ráo chắc nịch, vốn mồ côi từ nhỏ, phải tự mưu sinh với nghề làm ruộng và đánh bắt cá. Đó là Hai Nhựt. 

Cũng cùng trong xóm, có cô Út Nguyệt, con ông giáo Hương, đẹp người đẹp nết. Vẽ đẹp của cô là đặc trưng của các cô gái miền Tây sông nước: mặn mà, đằm thắm.

Thấy Hai Nhựt giỏi giang, ông giáo Hương thường kêu qua làm ruộng giúp. Những lúc thợ nghỉ tay, theo lời cha, Út Nguyệt hay đem cơm nước cho họ dùng. Nhìn thấy Út Nguyệt, Hai Nhựt chết mê chết mệt, nhưng nghĩ phận mình, anh chỉ dám đưa mắt nhìn, chứ không dám thổ lộ, thầm yêu trộm nhớ đành nuốt vào trong bụng!

Riêng Út Nguyệt, cũng "chịu đèn" Hai Nhựt lắm, vì anh hiền lành, tháo vát, chịu thương chịu khó. Nhưng (lại nhưng)phận thuyền quyên, lẽ nào cột lại tìm trâu!?

Năm tháng cứ chầm chậm trôi qua, nàng chờ đợi một tiếng nói, mà chàng vẫn nín như nín địt!

Rồi một hôm, có chàng trai lạ đến, rinh "dĩa mứt gừng" của Hai Nhựt. 

Ngày mai sánh lễ Vu Qui
Ta sang tiễn bước em đi lấy chồng 
Trời mưa bong bóng phập phồng 
Bậu đi lấy chồng để khổ cho qua!

Về nhà, Hai Nhựt buồn, Hai Nhựt "hóc", Hai Nhựt "hận đời cô lẻ hận kẻ bạc tình" anh muốn chết. Nhưng chết sao? đâm đầu xuống dòng sông Hậu? vô duyên và lãng xẹt. Hai Nhựt chọn vào lính.

Kể từ đó, anh xung phong vào các chiến trường ác liệt khắp Bốn Vùng Chiến Thuật, lao vào làn tên mũi đạn để tìm cái chết! Thần chết từ chối, trái lại Hai Nhựt lập nên những chiến công hiển hách, bạn bè nể phục. 

Mùa hè đỏ lửa năm 72, đơn vị anh, Biệt Cách Dù, được lệnh nhảy vào An Lộc giải vây. Sau bao ngày đêm chiến đấu ác liệt, thập tử nhứt sinh, cuối cùng An Lộc được giải vây, đổi lại đồng đội anh,nhiều người đã ngã xuống và chính anh cũng gởi lại nơi đây, một phần máu thịt mình:bàn tay trái. 

Trận chiến nầy vẫn còn được lưu truyền đến nay qua hai câu thơ bất hủ :

An Lộc địa sử ghi chiến tích 
Biệt Cách Dù vị Quốc vong thân

Được giải ngũ, Hai Nhựt trở về gian nhà xưa, sau những tháng năm hải hồ lang bạt. 

Phần Út Nguyệt, chẳng may chồng bạo bệnh mất sớm, cô ở vậy nuôi con, không đi thêm bước nào nữa. Cô rời nhà chồng, mang con về ở với cha mẹ ruột nơi xóm cũ. 

Tình cũ không rủ cũng tới? 

Chàng trai năm ấy, nay đã là một gã trung niên phong trần và cô độc như thuở xưa.

Chú Hai Nhựt được nhiều người yêu mến vì tốt bụng, phóng khoáng, hào hiệp. Đúng chất dân miền Tây và người Lính.

Trở về xóm cũ, gặp lại người xưa, chú Hai Nhựt mừng lắm. Chú thường xách sang nhà dì Út Nguyệt, khi con gà, con vịt, con cá hay chút gạo thơm nếp mới biếu dì Út ăn lấy thảo.

Thương mẹ nên cũng thương con, chú Hai thường sang rủ thằng Tâm đi câu cá, mò cua, bắt ốc, vớt lục bình, hái điên điển.. Những lúc chỉ có hai chú cháu, biết chú Hai thương mẹ mình, thằng Tâm hay ghẹo, nó nhạy giọng Thanh Tuấn (A Khắc Chu Sa): Chú Hai ơi, ai biểu ngày xưa chú thương mà không dám nói, để đến hôm nay thì không còn gì nữa cả, khi má con đã dẫm chân lên bôi xóa một thiên..ớ.ơ.ờ.đường.. Chú Hai Nhựt nghe nó ca mà khoái chí cười ha hả. 

Hàng năm, khi con nước lũ từ thượng nguồn đổ về, chú Hai thường đi vớt cá linh, hái bông điên điển về cho dì Út nấu canh chua, dì Út rất thích món nầy, rồi chú qua nhà ăn cơm chung.

Năm nay, mùa nước nổi lại đến, những con nước lũ đổ về ngập trắng xóa sông rạch và các cánh đồng. Chú Hai xách vợt đi vớt cá linh, hái bông điên điển, ở nhà dì Út nấu cơm chờ đợi đến tối và rồi cơm đó chỉ mình chú ăn trong nhang khói! Chú bị trúng gió, hụt chân vào vùng nước sâu chảy xiết, chú không về nữa! 

Người ta thấy chú trôi mị mị đầu vàm.

Dì Út khóc!

Dì Út đốt nhang khấn ba thằng Tâm gì đó.

Chú Hai Nhựt không người thân, không con cháu, đám tang lạnh ngắt! 

Lúc ông thầy tụng hỏi ai đội tang. Dì Út nói: Dạ, tui thầy ơi, tui để tang CHO TRỌN CUỘC TÌNH, có duyên mà không nợ! 

TÓC MAI SỢI DẮN SỢI DÀI
LẤY NHAU CHẲNG ĐẶNG THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM.

Ghi lại theo lời kể của thằng Tâm.

No comments:

Blog Archive