Wednesday, February 3, 2010

Cú Phôn Đường Dài
Truyện Nguyên Nhung

Gần cuối năm, nhận một lúc ba bốn lá thư từ Việt Nam gửi sang, đầu hắn rối như tơ vò. Những lá thư nhắc nhở bổn phận cho người phương xa, nhớ tới nhiều thứ để nhớ. Trước tiên là nhắc đến Tết ở quê nhà, khiến những ngày Ðông rét ngọt như thế này, lòng kẻ xa quê lại càng nhung nhớ đến thắt ruột.

Gì chứ Tết ở quê nhà thì không nơi đâu sánh bằng. Trước tiên là khu chợ Tết, bánh mứt, hoa quả bày tràn cung mây, nhưng những thứ ấy cũng không hấp dẫn bằng cái thú đi chợ hoa ngắm nam thanh nữ tú chen chân trên đường phố, người người quần là áo lượt. Ở quê người chả mấy khi có được những ngày hội đông đảo như thế, mà nếu có thì cũng không tìm đâu ra không khí náo nức mừng Xuân như những buổi chợ Tết ở quê hương. Hắn nhớ nhất đêm giao thừa cả nhà kéo nhau đi chuà lễ Phật xin xăm, hái lộc cầu bình an cho cả năm. Bên này chùa chiền, nhà thờ cũng mở cửa làm lễ nghinh Xuân, nhưng đêm ba mươi rét cắt ruột, thò đầu ra gió thổi lồng lộng buốt nhức óc, bao nhiêu không khí ấm áp đầu xuân bay đi mất biệt. Mấy lần hắn cũng định thu xếp về quê hương ăn Tết một lần với gia đình, nhưng ngoài khoản vé máy bay, nghĩ đến món tiền biếu tết và lì xì lại làm hắn khựng ngay ước muốn đó.

Nhận thư bên nhà, hắn cũng chẳng đủ văn chương hay thú vị để trả lời một lúc những ba bốn lá thư gửi sang, trong đó ngoài những lời chúc tụng và ao ước sự no đủ, sung sướng cho người ở bên này, cuối cùng kèm theo nhiều ý nhắn gửi rất mông lung mà đầy những nhắc nhở gần xa. Thương thì thương lắm những người thân cuả mình đang nghĩ về nơi xa xôi như nghĩ về miền đất hưá, chẳng qua cũng chỉ vì khổ, từ cái khổ mà mơ ước, nhưng sống ở đâu thì cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, rồi tin vào miệng những ông những bà về quê nổ như bắp rang, khoe sang khoe giàu mà làm khổ những người thân cuả mình đang đầu tắt mặt tối ở quê người.

Thôi thì sẵn đầu năm, gọi một cú phôn về thăm cả nhà, chúc tụng thế là xong, lâu nay đi cày tối mày tối mặt hắn đâu có cầm tới cây bút, tay chân đã cứng còng, ngồi gò gẫm mất thì giờ rồi cũng chẳng viết được gì. Viết gì người ta cũng không tin, đôi khi hắn thèm hét lên cho nhẹ bớt những lo lắng, những vất vả cuả cuộc sống hằng ngày oằn nặng trên đôi vai, những điều ấy chỉ làm người bên nhà cho là hắn ích kỷ, trốn tránh sự giúp đỡ cha mẹ, anh em.

Hắn sang đây chỉ có một mình, hồi mới sang cũng định đi học để có tý bằng cấp làm cần câu cơm cho xứng đáng, nhưng cả một gánh nặng bên nhà, hắn không đành lòng làm ngơ, ăn trợ cấp và theo đuổi việc học. Thôi đành đi làm vậy, ba cọc ba đồng nhưng tháng tháng có tý tiền gửi về giúp mẹ già, anh em đỡ khổ một chút, nhất là những năm quê nhà còn duy trì chính sách “bế quan toả cảng” chả thèm chơi với ai. Ðược ít lâu thì vướng vào nghiệp yêu, đàn ông ai không phải lấy vợ, thế mới hợp với lẽ âm dương của trời đất. Sống ở quê người thui thủi một mình cũng thèm không khí ấm cúng cuả bữa cơm nhà hơn là cơm hàng cháo chợ, ngoài ra còn lý do nữa, đàn ông không vợ tính hay dở hơi, dễ về chầu trời vì con tim thiếu nhịp đập.

Lấy vợ rồi có trăm thứ phải lo, nhất là khi lũ nhóc con ra đời, nỗi vất vả ấy tăng lên gấp năm gấp mười. Ấy là hắn chỉ có hai đứa con, vợ hắn cũng đi làm, hai đứa nhỏ phải gửi nhà trẻ, cho nên khoản tiền gửi trẻ cũng nuốt hết bao nhiêu tiền lương của hắn. Cứ tính toán mãi thì chắc đất nước này sẽ không có nụ cười trẻ thơ, các nhà trường phải đóng cửa, và cuối cùng chỉ còn lại những người lớn sống với nhau mặt mũi đăm đăm như khỉ ăn gừng. Bây giờ hai đứa nhỏ đã lớn, nhưng lớn lại có nỗi lo cuả lớn, mà nỗi lo này có khi lại còn to bằng mười nỗi lo kia, chưa kể khoản thuế má xứ này ai có đi làm rồi mới thấy thất kinh, những thứ "dở thầy dở thợ" lại càng chết dở. Thà cứ nghèo "tận cùng bằng số" lại được hưởng chút mưa móc cuả chính phủ, hơn là đi làm để chỉ mỗi việc mua bảo hiểm sức khoẻ hắn đã muốn đau tim nín thở.

Riêng việc gửi tiền về Việt Nam, cũng nằm trong nguyên nhân làm gia đình hắn xào xáo, vì nhu cầu bên nhà thì nhiều, sự cung ứng lại không bao giờ đủ, cho nên mỗi lần nhận thư nhà gửi sang, mặt vợ hắn chưa gì đã nhăn nhăn , méo xẹo như bánh bao chiều ướt nước. Có nhiều khi vấn đề viện trợ này đã làm vợ chồng hắn cắng đắng nhau mãi, những món chi tiêu bất ngờ dồn dập tới ngoài sự trù liệu , hắn lại phải dấu diếm để gửi tiền về bên nhà mà không dám nói cho vợ biết. Hắn nhận được thư nhà, đọc xong rồi dấu béng đi. Không phải hắn sợ vợ và theo đạo "thờ Bà", nhưng hắn biết có đưa cho vợ coi thì trước tiên nhìn cái bản mặt chằm vằm, nhăn nhó cuả vợ , hắn cũng khổ lắm rồi. Hắn im lặng và chờ khi nào tiện thì dấu diếm gửi về theo nhu cầu bên kia, còn thì im lặng là vàng, không nói năng chi cho nhà cưả xào xáo thêm ra.

Lần này, hắn quyết định phải gọi về bên nhà. Nói hết, kể hết, để thông cảm với nỗi khổ của nhau, vì thực ra cuộc sống của mỗi người, có bao giờ lại chỉ toàn những điều may mắn, đẹp đẽ. Cũng tại mấy tay họ Nổ, “áo gấm về làng xem hoa dạo kiểng” nổ như bắp rang mà hắn bị vạ lây. Lần đầu đưa vợ con về Việt Nam thăm gia đình, hắn đã gần chết vì nghe mọi người than thở. Chẳng biết bên ấy họ xài tiền ra sao, chứ ân cần đưa biếu một trăm đô la hắn chỉ nhận lại được lời cám ơn hờ hững với vẻ mặt buồn buồn. Hắn cứ nghĩ hoài không ra, bên này đi làm nếu may mắn được thưởng cho một trăm, hắn đã mừng húm. Hoá ra không phải vì một trăm nó. . . nhỏ, chỉ tại vì sự mơ ước của người ta nó. . . lớn, mà thành ra món quà tặng bỗng trở nên rất . . . ít.

Còn nhớ lại cái thuở mới liên lạc lại được với người nhà ở Việt Nam, điện thoại viễn liên mắc ơi là mắc, mỗi phút kim đồng hồ nhúc nhích được tính tương đương với hột xoàn. Chưa kể là lần nào cũng phải ngưng chờ cho tiếng “sụt sịt” ở đầu dây bên kia giảm bớt niềm xúc cảm, còn con mắt người bên này cứ dán chặt vào cái đồng hồ sốt ruột vì thời gian sao nó đi gì mà lẹ thế, bên nhà càng thổn thức bên này càng sốt ruột …

Sau này đến thời kỳ dễ chịu hơn, mỗi lần muốn gọi về nhà, mua một cái thẻ điện thoại nói hết bấy nhiêu phút là xong, nhưng mấy lần hắn đã bị lừa khi thời gian quy định là ba mươi phút, hai bên vừa ráp vào được hơn mười lăm phút thì đã nghe báo chỉ còn "zero" đồng, chuẩn bị lời tạm biệt kẻo không kịp. Thế là mất đứt mười tì, cả hai bên đều ngẩn ngơ vì câu chuyện trao đổi chưa ra ngô khoai gì cả. Bây giờ đã qua cảnh ấy, nhưng hết rồi một thời thương nhớ cách trở hai bờ đại dương, nhờ một lần về thăm nhà hắn đã trắng mắt ra khi biết mình không phải cái máy in ra bạc, đã làm thất vọng cho vô khối người thân ở bên nhà.

* * *
Bấm một lúc gần hai chục con số, hắn đã nghe đầu giây bên kia có tiếng chuông reo, đợi ba bốn hồi thì một giọng con gái cất lên:
" Alô, alô. . ."

Ðường giây lại bị nhiễu cho nên sau khi cả hai cùng “alô” thì im bặt, hắn vội nói to hơn:
" Có ai ở nhà không?"

Bên kia, lại nghe hỏi:
" Xin lỗi ông hỏi ai?"

Hắn mừng rỡ:
" Chú Hùng đây, có ba ở nhà không?"

Ðứa con gái reo lên hớn hở:
" Dạ có, chú chờ ba con một chút. Ba ơi ba, có chú Hùng gọi".

Bên kia đầu giây im lặng, sau đó thì vẫn giọng đứa cháu gái cất lên:
" Ba con đang tắm, chú chờ chút xíu nghe. Chú khỏe không? Thím và các em khỏe không? Chà, ở bển ăn Tết chắc vui lắm hén chú?"

Hắn nghĩ thầm, vui gì mà vui, đang buồn nẫu ruột đây, nhưng vẫn trả lời:
" Ừ khỏe, khỏe hết, nhưng bên này không có Tết đâu."

Ðứa cháu lại tiếp tục nói theo mục đích của nó:
" Chú nhớ lì xì cho tụi con nghe chú. Năm nay em con sắp vào Ðại Học, nó phải đóng nhiều tiền lắm. Hôm rồi ba con có viết thư sang, chú có nhận được chưa?"

Hắn hừ hừ trong cổ họng, nói hết muốn nổi:
" Ừ, có nhận, nhận đủ. Ba tắm xong chưa?"

Con bé eo éo gọi , hắn tưởng tượng ông anh mình mẩy còn ướt nhem, quấn chiếc khăn lông chạy vội ra khỏi nhà tắm. Bên kia một giọng đàn ông khàn khàn cất lên:
"Alô, Hùng đó hả? Khỏe không em?"

Lại hỏi thăm sức khỏe, đầu tiên là mất cha nó 15 phút đồng hồ để hỏi thăm sức khoẻ và nghe ông anh kể bệnh. Kể ra hắn cũng hơi tệ với anh em, vì xa cách cả nửa vòng trái đất, ai cũng muốn hỏi thăm nhau về sức khỏe cái đã, như người Mỹ ngày nào cũng gặp nhau, ngày nào cũng hỏi "how are you?", ngày nào cũng phải trả lời như cái máy, khỏe, khỏe, huống gì lâu lâu hắn mới gọi phôn về nhà. Hắn sốt ruột hỏi:
" Mẹ lúc này ra sao? Còn nhớ ra ai nữa không?"

Bên kia đầu giây, giọng ông anh càng thảm não:
" Mấy tháng nay mẹ không ăn uống gì mấy, mẹ chờ chú về rồi có nhắm mắt mới đành lòng. Chú thu xếp về thăm mẹ được không?"

Hắn nghe vã mồ hôi dù trời tháng mười hai lạnh như cắt. Thật tình thì cũng rất muốn về thăm mẹ, nhưng thời gian sau này trí nhớ cuả cụ đã lẫn lộn chẳng nhận ra ai với ai, nên có về cũng như không, chi bằng để khoản tiền ấy lo thuốc thang cho cụ thì tốt hơn. Với lại,nghĩ tới chuyến về quê lần trước, hai vợ chồng với hai đứa con, hắn bay mất mười mấy ngàn mà vẫn không đủ để quà cáp, chút đỉnh cho anh em, cháu chít, bạn bè, khiến hắn nghe xa xôi những lời trách móc, cho hắn chỉ là thứ Việt Kiều "kẹo kéo" .

Hắn định nói gì với ông anh mà quên tiệt, bên kia ông anh lại thao thao kể:
" Mẹ ho hoài, anh đưa đi nhà thương nhưng người ta bảo bịnh già, không có thuốc chữa. Chỉ khuyên bà cụ thay đổi chỗ ở nếu có điều kiện."

Hắn mau mắn nói:
" Em cũng muốn về thăm nhà và gia đình, nhưng ( thở dài), thôi thì anh đưa mẹ đi đổi gió ngoài Vũng Tàu, Long Hải gì đó."

Bên kia ông anh như vớ được vàng:
" Ừ, anh cũng định nói với chú điều đó, nhưng ngại chú từ chối."

Hắn ngạc nhiên:
" Từ chối cái gì, em đâu biết gì mà hỏi?"

Ông anh dù dừ một chút rồi thở ra:
" Ðó, vậy là chú bằng lòng nghen. Anh định ra ngoải mua cái nhà nho nhỏ cho mẹ ở, vùng biển khí hậu tốt lắm em ơi. Sài Gòn bây giờ nhà cửa chật chội, người đông đúc, xe cộ như nêm, muốn băng qua đường đợi nửa tiếng đồng hồ chưa sang được. Mẹ không có không khí để thở, tiền chú gửi về chỉ lo đủ trả tiền thuốc men và bác sĩ. Bà ho hoài, bác sĩ cũng bảo chỉ có ra ngoài ấy. . ."

Hắn giựt mình, đúng là tự nhiên chuyện này lại xọ ra chuyện kia. Hắn vội nói:
" Chứ không phải lâu lâu ra đó nghỉ ngơi khi nào khỏe thì về sao? Ồ, nhà cửa Vũng Tàu mắc lắm, em đâu có tiền, với lại..."

Hắn định nói cái chuyện hồi nãy hắn chưa nói được thì ông anh đã cắt đứt giòng tư tưởng của hắn:
" Em tiếc làm gì với mẹ. Mình chỉ có một mẹ thôi mà, mai mốt mẹ chết đi còn tìm đâu ra mẹ để mà báo hiếu. Anh biết có một chỗ đất lý tưởng mà lại rẻ, ở ngay Long Thành thôi, chỗ này khí hậu tốt mà anh cũng có thể lập vườn trồng cây ăn trái. Chú có mua thì cũng là của chú , sau này về quê có nơi nghỉ ngơi an hưởng tuổi già."

Hắn nghĩ thầm trong bụng, "chả biết có sống được tới già để mà an hưởng không". Hắn đang sắp chết dở đây, kinh tế tuột dốc, việc làm từ từ giảm bớt, mới tuần trước lão chủ đã tuyển một số người cho ở nhà ăn tiền thất nghiệp, không hiểu chừng nào thì tới lượt hắn đây. Hắn sợ nhất cái cảnh vưà sáng sớm, mới bước chân vào xưởng đã có người chặn đường mời lên văn phòng nói chuyện. Chuyện gì thì ai cũng biết, đó là cái lễ "farewell" rất âm thầm như đưa một cái áo quan ra nghĩa địa. Hắn thở dài, mắt liếc nhìn đồng hồ:
" Dạo này kinh tế khó khăn, em chẳng tính được chuyện gì đâu. Nếu mẹ không khoẻ, anh đưa cụ lên Ðà Lạt nhờ chị Ba trông hộ, tháng tháng em gửi tiền về để chị ấy lo..."

Giọng ông anh có vẻ buồn phiền:
" Chú nói thế sao được. Tôi là con trai thì phải lo cho mẹ chứ, nó là con gái, đã lấy chồng, con mình đã vậy còn con rể thì sao?"

Hắn chẳng hơi đâu cãi lý với ông anh lúc này. Con nào chả con, hễ có tiền thì đứa nào chả muốn rước mẹ về phụng dưỡng. Bên kia đầu giây, ông anh đổi đề tài như chớp:
" Thôi chuyện ấy tính sau, tạm thời chú gửi thêm tiền về để thuốc men, săn sóc cho mẹ, vật giá bây giờ đắt đỏ quá (ông anh lại rỉ rả làm một con toán về những chi phí cho bà mẹ). Bây giờ còn chuyện này nữa, chú có quen ai đem được cháu Hạnh sang bên đó cho có chú có cháu không?"

Hắn nhăn nhó lắc đầu, nhưng qua đường dây điện thoại, ông anh làm gì thấy được bộ mặt như khỉ ăn gừng cuả hắn. Ông thao thao tiếp tục câu chuyện theo ý muốn của ông:
"Chả dấu gì chú, có người đề nghị về kết hôn với cháu, chỉ lấy hai chục ngàn thôi. Anh định bàn với chú, nếu người ta mang được cháu đi thì chú ứng cho anh cái khoản tiền ấy nhé. Cháu nó đi được nó cũng mang ơn chú, với lại hai chục ngàn đâu có là bao, hì hì, sau này nó làm ăn khấm khá, nó sẽ trả lại chú."

Giữa lúc đang lo sốt vó vì viễn ảnh thất nghiệp tới nơi, nghe ông anh nói “hai chục ngàn” một cách thản nhiên, hắn cứ vã mồ hôi hột. Hắn nói:
" Không ổn đâu anh, coi chừng bị chúng lừa mà tiêu cả chì lẫn chài đấy. Anh bảo cháu ở bên ấy hễ thương ai thì lấy người ấy, lấy nhau phải vì tình chứ không đem tình yêu mà đuà bỡn kiểu ấy. Hiện giờ em . . ."

Hắn chưa kịp nói hết ý thì tiếng ông anh đã đầy vẻ hờn giận:
" Bên này cả nhà trông mong vào chú, mà hễ nói việc gì ra chú cũng cản. Thôi, còn mẹ đấy, chú không gửi tiền về để lo cho mẹ thì bên này anh cũng phải lo, nhưng nếu có con ăn sung mặc sướng , nhà cao cửa rộng, còn mẹ thì thiếu thốn trăm bề, chú tính sao cũng được?"

Hắn định vặc lên với ông anh, nhưng chẳng lẽ gọi phôn về chúc Tết, anh em lại cãi nhau. Hơn nưã, tính hắn vốn hiền lành, ưa dấu kín nỗi khổ một mình, cho nên nghe ông anh hờn trách, hắn chỉ im lặng. Bên kia ông anh hình như cũng tức tôí, im lặng không nói gì, hắn lại sốt ruột nhìn đồng hồ. Cuối cùng, hắn dứt khoát:
" Chuyện lo cho mẹ thì em không từ chối, nhưng những chuyện vớ vẩn khác em không có khả năng, anh có trách em cũng chịu."

Thấy không ép được ông em, ông anh đành chuyển sang chuyện khác:
" Thằng Út năm nay lên Ðại Học. Nhà xa, nó cần cái xế nổ, chỉ độ hai ngàn thôi, chú cho cháu cái xe đi học vậy."

Thế là chuyện này đẻ ra chuyện kia, hắn thấy đời mình như vướng hết món nợ này đến món nợ khác, nhưng nãy giờ hai ba vấn đề hắn đều từ chối, nay lại tiếp tục từ chối nưã, hắn thấy có vẻ kỳ cục quá. Hắn tìm cách hoãn binh:
" Thong thả rồi em tính, bên này em cũng ..."

Vẫn chưa nói hết câu thì đã nghe tiếng cười ha hả cuả ông anh từ bên kia đầu giây vọng sang:
"Chú bằng lòng cho cháu rồi nhé! Xa xôi quá, chứ ở gần chắc chú cho luôn chiếc xe hơi chứ tiếc gì."

Hắn nghẹn họng, ruột rối như mớ bòng bong, lẩm nhẩm tính: "Lại hai nghìn, tháng giêng là giấy thuế má gửi về nườm nượp, cái nhà cũng đến lúc phải mua bảo hiểm”. Ðang nói chuyện với ông anh mà hắn lại nghĩ vẩn vơ đến chuyện "lay off" , người ta cũng đã thông báo cho nhân viên hay là công việc đã đến lúc kiệt quệ, tối qua cố nghe hết bài nói chuyện cuả tổng thống Obama về kinh tế, y tế , chiến tranh nhưng có nghe được đâu, lào xào những lời hưá hẹn ... cho một chiếc xe không phanh đang trên đà xuống dốc. Trước mắt là nếu thất nghiệp lúc này, nỗi kinh hoàng nhất là không có bảo hiểm sức khoẻ cho cả nhà gồm hai vợ chồng với hai đưá con. .

Hắn hừ hừ trong cổ họng như bị mắc nghẹn. Gần xa, xa gần, chính vì ở xa mà hắn mới khổ như thế, bởi vì chẳng ai nhìn thấy những cái lo cuả hắn, những cái trời ơi từ trên trời rơi xuống nơi xứ này, mà nhu cầu thì lại không đơn giản như ở quê nhà. Nếu ở Việt Nam, chỉ cần ba trăm đô hắn cũng gói ghém đủ chi tiêu cho một tháng, nhưng ở bên này thì không như thế được. Tiền nhà không trả được là mất, tiền xe không trả là đi bộ, và nếu việc, nhà, xe đều mất thì hắn có cơ hội mất luôn nhiều thứ nữa, kể cả vợ con. Hai vợ chồng đi làm, hắn mới đủ xoay sở để mua nhà , mua xe, dư chút đỉnh đẩy vào tiền thuế má hằng năm và mục sửa chữa nhà cửa. Chưa kể hai đứa con đang đi học, một đứa sắp vào Ðại học, cũng đang cần một chiếc xe, hắn cũng chỉ dám nghĩ đến việc mua một cái "used-car" cho thằng nhỏ, nhưng khoản bảo hiểm thấy đã toát mồ hôi trán. Vụ bão lụt vừa qua bảo hiểm nhà, xe cứ thế nhảy vọt như diều gặp gió, cơ khổ là không dám tiết kiệm những khoản này, chỉ vì trăm thứ " nhỡ " có thể xảy ra trên cõi đời này lắm.

Bên kia đầu giây ông anh vẫn không ngớt than thở vài chứng bịnh cuả tuổi già. Hắn cũng chỉ ậm ừ cho qua, bởi vì chính hắn đây ngoài những thứ bịnh thể xác có nguyên nhân hẳn hoi, còn có thứ bịnh phiền, bịnh lo mà hắn chưa có người để chia xẻ. Đã có tiếng chuyển máy điện thoại:
"Em nói chuyện với chị nhé!"

Hắn lại nhìn đồng hồ. Bỏ mẹ rồi, nãy giờ hắn chưa chấm dứt được câu chuyện với ông anh thì lại sang bà chị, chưa kể là không nói chuyện được với bà mẹ vì cụ bị nghễnh ngãng đã lâu. Không nói cũng không được, bên kia đầu giây một giọng phụ nữ rè rè vọng sang:
" Chú khoẻ hả chú? "

Hắn nghĩ bụng : " Lại khoẻ, nãy giờ mất nhiều thì giờ cho cái vụ hỏi thăm sức khoẻ ", nhưng hắn cũng lịch sự trả lời:
" Cám ơn chị, em vẫn bình thường, còn chị thế nào?"

Như chớp được cơ hội, bà chị dâu bắt đầu rỉ rả vào máy:
" Ðau nhiều lắm chú ơi, đêm ít khi ngủ được, mình mẩy nhức như rêm, mà tới bữa cũng hổng muốn ăn cơm."

Hắn nhớ tới kỳ về thăm nhà mấy năm trước, hắn đã ngạc nhiên khi cả nhà suốt ngày ngồi dán mắt vào cái truyền hình coi phim bộ, rồi ăn uống lai rai, chiếc bánh giò, đĩa bánh cuốn, ly cà phê sữa đá, cứ thế mà bồi dưỡng khi bận bịu theo dõi những màn chưởng mà lại có tý tình cảm ướt át lâm ly Trung Hoa trên màn ảnh. Tới bữa, mâm cơm dọn lên thì bụng đã ứ hự, còn ăn vào đâu được. Ðêm hai ba giờ sáng vẫn mải mê theo dõi các màn gay cấn trong phim bộ Đại Hàn, chưa kể còn sụt sịt khóc theo nhân vật chính cuả phim đang gặp cảnh hoạn nạn trên bước đường giang hồ, lưu lạc. Gía mà họ thấy được nỗi vất vả của thằng em bên này, muà Ðông giầm mình trong tuyết lạnh để đi làm, muà hè nắng chang chang đốt cháy da thịt, chưa kể nhiều thứ kèn cựa , bon chen trong sở làm khiến hắn nhiều khi muốn chảy nước mắt.

Cả nhà bên ấy hầu như sống dựa vào bên này, bao nhiêu năm rồi mà nhà nước vẫn chẳng ổn định được đời sống thằng dân, hở ra là lại gọi "khúc ruột ngàn dặm" kéo cái ruột dài ra nối nửa quả địa cầu. Hắn rầu lắm, chả biết nhà người ta thế nào, chứ nhà hắn ai cũng than khổ, đến nỗi từ hôm ấy đến nay, trở về Mỹ, mỗi lần nhận được thư bên kia nhắc gửi tiền, vợ hắn lại trì triết hắn mãi.Hắn cũng nói theo cho có chuyện:
" Bây giờ già cả rồi, chẳng ai mà không bịnh này bịnh nọ. Em cũng vậy chị ơi, phải đi cày từ mờ sáng đến chiều tối, chả thấy mặt trời đâu. Bây giờ lại sắp sửa . . ."

Hắn đang định nói cái chuyện hắn cần nói từ lúc gọi cú phôn đường dài về Việt Nam, nhưng bà chị đã cướp lời:
" Bên ấy chú có thứ thuốc gì uống cho ăn được, ngủ được, mua gửi về cho anh chị một ít. Hay là cứ gửi tiền về đây chị mua cũng tiện, chẳng mất công chú gửi để tốn tiền cước phí, bên này bây giờ cái gì cũng sẵn, chỉ ngặt không có tiền thôi. Nãy giờ, anh đã nói chuyện với chú rồi phải hông? Thằng nhỏ đến hè này lên Ðại Học rồi, chèn ơi sau này nó cũng thông minh giỏi giang như chú vậy, chị mong chú mang được cả nhà qua bên đó thì thiệt là nhà mình có phước. Ðể chị nói cháu đi coi xe lần lần, hễ chú gửi “dzià” là nó mua ngay. Tụi nhỏ bên này tội nghiệp lắm chú ơi, không được bằng mấy em ở bển đâu, đứa nào cũng lên xe xuống ngựa. . . "

Hắn nghe mà muốn rụng cả tim vì sợ. Thế là khi khổng khi không hắn mắc thêm một món nợ. Mắc một món nợ chỉ vì không nói thẳng được điều hắn muốn nói. Bây giờ thì hắn sợ những cú phôn đường dài, vì chính nó cũng là món nợ mà hắn phải thanh toán, vợ hắn thế nào cũng cằn nhằn là "nói gì mà nói lắm thế!"

Hắn lại nhìn đồng hồ. Cần phải học tính dứt khoát cuả người Mỹ đi là vừa, nãy giờ hắn đã để tình cảm lấn áp thực tế quá nhiều, khiến hắn cả đời điêu đứng vì hai chữ tình cảm. Hơn một tiếng đồng hồ qua đi, hắn vội vã nói mấy câu từ biệt và sức khoẻ cuả mẹ già một lần nưã, chỉ biết ừ ào vì những lời dặn dò cuả bên kia, hình như hắn chả kịp nói gì, vì người bên đầu giây cứ thao thao bất tận không cần biết là hắn có sốt ruột không.

Ðặt chiếc máy điện thoại xuống, hắn thấy nhẹ cả người, thôi kệ đầu năm chỉ nói nhiều có một bận. Nhưng hắn bỗng nhớ ra có một điều hắn cần nói mà chưa nói được, "hắn sắp thất nghiệp rồi!"

No comments:

Blog Archive