Tôi nằm gác tay lên trán...
Tiểu Tử
Hồi nãy, nằm một mình trong phòng, tôi gác tay lên trán hồi nào tôi không hay!
Một cử chỉ rất tầm thường, ở quê tôi - Việt Nam – thiên hạ hay làm như vậy khi suy nghĩ chuyện gì hay khi gặp khó khăn gì. Và thường thì cử chỉ ‘gác tay lên trán’ đó lâu lâu có kèm theo tiếng thở dài… làm như để trút ra một cái gì đang đè trong lòng ngực.
Nhớ hồi nhỏ, bắt chước người lớn nằm gác tay lên trán là bị rầy: “Lấy tay xuống! Làm vậy không nên!”. Không ai giải thích tại sao không nên, nhưng rồi khi lớn lên, không ai dạy mà tự nhiên cũng biết nằm gác tay lên trán, và cũng không ai dạy mà tự nhiên cũng biết thở dài…
Tôi bỏ xứ đi chui từ cuối 1978. Bao nhiêu năm ‘trôi sông lạc chợ’ ở nhiều nơi, tôi không thấy ai nằm gác tay lên trán hết! Và tôi cũng quên mất cái cử chỉ tầm thường đó, cho đến hồi nãy đây tôi bắt gặp lại ‘nó’ trong lúc nằm một mình trong phòng. Thì ra ‘nó’ đã theo tôi đi lưu vong, ẩn mình một cách khiêm nhường trong tiềm thức, để bây giờ ‘nó’ cầm cánh tay tôi gác lên trán, tự nhiên như ngày xưa – ba mươi năm trước – khi tôi chưa rời khỏi quê hương…
Ở đây - ở Pháp - thời tiết đang vào thu. Lá cây chỉ mới lai rai ngả màu vàng chớ chưa rơi rụng vội. Trời còn sáng trong, đầy nắng chớ chưa ảm đạm âm u và cũng mới se se lạnh thôi, chỉ cần quấn cái khăn lên cổ là ra đường đủ ấm.
Một chút ‘tả cảnh’ để thấy tôi không bị tù chân tù cẳng trong chung cư như vào mùa đông tháng giá, cái mùa mà một người già ‘tám bó’ như tôi ngày ngày vì sợ lạnh nên cứ ru rú trong nhà bước qua bước lại trong sáu chục thước vuông hay xem tê-lê để ngủ gà ngủ gật! Như vậy, thì đâu có gì bắt tôi phải nằm nhà để gác tay lên trán?
Kể ra, từ ngày tôi vượt biên rồi định cư ở Pháp, chắc nhờ Ông Bà độ nên cuộc đời lưu vong của tôi đã không bị ‘ba chìm bảy nổi’. Có… lang bang ba tháng đầu đi tìm việc làm, nhờ tiền trợ cấp của nhà nước nên không đến nỗi te tua, mấy đứa con cũng có chỗ ăn chỗ học. Rồi duyên may đưa tôi qua Phi Châu làm việc hết mười mấy năm, khi về hưu ở Pháp thì con cái đã lập gia đình và ‘ra riêng’ hết. Vợ chồng tôi thâu gọn lại, liệu cơm mà gắp mắm, nên cuộc sống cũng an bày. Lâu lâu chạy lại nhà con giữ cháu nội cháu ngoại, và lâu lâu đi ‘đổi gió’ xa xa gần gần… Tóm lại, cuộc sống về già mà được như vậy là…‘có phước rồi còn muốn gì nữa?’. Vậy mà hồi nãy tôi đã nằm gác tay lên trán và lâu lâu lại thở dài…
Hồi sáng, một thằng bạn già gọi điện thoại cho hay vợ chồng thằng A về Việt Nam bị chận lại ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Sau đó, ‘họ’ cho bà vợ ‘nhập khẩu’ còn ông chồng thì bị đuổi trở về Pháp, dĩ nhiên là không cho biết lý do! Ông chồng khuyên vợ cứ vào đi, dẫu là gì gì đi nữa thì cũng là quê hương mình mà! Nghe kể đến đó, tôi tưởng tượng như chính tôi đang đứng ở trong nhà ga phi trường Tân Sơn Nhứt, nhìn qua các khung cửa kiếng thấy quê hương tôi ở ngay bên ngoài, cái quê hương mà ba mươi năm tôi chưa nhìn lại, cái quê hương mà ngay bây giờ, mặc dầu đang đứng bên trong nhà ga, khứu giác của tôi vẫn nghe rõ được mùi…
Ờ… mùi quê hương! Có mùi bông lài, bông bưởi, bông cau… Có mùi lúa chín, mùi rơm mùi rạ… Rồi mùi đống un, mùi chuồng trâu chuồng bò… Rồi mùi bùn non khi nước ròng bỏ bãi…v.v… Tôi biết, vợ chồng thằng A - nhỏ hơn tôi gần một con giáp – cũng có gốc ‘ruộng’ như tôi, nghĩa là đã lớn lên ở thôn quê, đã lội bưng lội đồng bắt cá mò cua từ thuở nhỏ bị nước phèn đóng lớp vào tay chân nên lúc nào cũng thấy mốc cời! Tôi chắc chắn vợ chồng nó đứng trong ga phi trường cũng nghe mùi quê hương như tôi đã tưởng tượng. Vợ thằng A - người VN được chánh quyền VN cho phép về quê hương để dời mồ mả ông bà cha mẹ họ hàng ra khỏi đất hương hỏa theo lịnh của nhà nước – nghe lời chồng khuyên ‘vào đi em’ bèn nhìn qua lần cửa kiếng để nhận thấy cái mùi quê hương nó hấp dẫn vô cùng, nó lôi kéo vô cùng, chỉ cần bước có mấy bước là đặt chân vào mảnh đất thân yêu mà mình đã xa cách gần ba mươi năm… Tôi biết, vợ thằng A là một người dàn bà thật thà trung hậu, chắc thế nào cô ta cũng quay lại nhìn chồng rồi rơi nước mắt lắc đầu.
Đúng như tôi nghĩ, thằng bạn già kể tiếp trong điện thoại: “Hai đứa nó đã về đến Paris hồi sáng, phone từ phi trường Charles de Gaulle cho hay nội vụ và nhấn mạnh rằng tụi nó coi như tụi nó thí cô hồn! ”. Nói xong, thằng bạn già cười vang khoái trá trước khi nói ‘au revoir’!
Tôi gác máy, nhìn quanh nhớ lại hôm nay rằm vợ tôi đi làm công quả ở chùa tới tối mới về, tôi bèn vào phòng nằm đọc báo. Tờ Figaro đầy chữ như vậy mà tôi không làm sao đọc được một hàng! Trong đầu tôi còn vang vang tiếng cười của thằng bạn già và câu nói ‘thí cô hồn’ của vợ chồng thằng A. Tôi buông tờ báo, nghiêng người nhìn ra cửa sổ, nghĩ đến cảnh vợ chồng nó bị ‘quây’ trong phi trường Tân Sơn Nhứt, mà thương! Ở xứ người, mình vào ra dễ dàng – dĩ nhiên là đừng… mang dao hay mang bom mang súng, cũng đừng mang bạch phiến cần sa! – còn mình về xứ mình, mặc dầu trong thông hành có ‘Giấy Miễn Thị Thực – Certificate Of Visa Exemption’ do Đại Sứ Quán VN tại Pháp cấp, mình vẫn gặp khó khăn trắc trở bất ngờ mà mình không bao giờ được biết lý do! Vợ chồng A ‘thí cô hồn’ là phải! Ở đó mà cãi à? Toàn là một lũ cô hồn thì nói thứ tiếng gì cho chúng nó hiểu?
Tôi trở mình nhìn lên trần nhà, miên man nghĩ về quê hương, hay nói cho rõ hơn, tôi nhớ về cái làng quê của tôi nằm bên sông Vàm Cỏ. Không biết cái ‘Chợ Nhỏ’ bây giờ còn đó hay đã bị ‘di dời’ đi nơi khác, theo… truyền thống đổi đời của cách mạng? (Trong làng chỉ có một cái chợ, vậy mà thiên hạ gọi là Chợ Nhỏ, làm như còn một cái chợ nào khác lớn hơn vậy!) Còn ‘Ngã Ba Cây Trôm’ nằm trên con lộ cái, chỗ có bãi đất trống để xe đò tấp vô rước khách, chỗ có cây trôm mà dân trong làng hay đem dao đến chém vào thân cây để lấy mủ đem về pha nước đường uống giải khát giải nhiệt… không biết có nằm trong một ‘quy hoạch cải cách đô thị có trình độ khoa học cao’ của nhà nước Còn cái đình làng, bây giờ đã thành một cơ quan gì chưa? Cái bến cát nằm dài theo ven sông, chỗ mà ngày xưa - thuở nhỏ - tụi tôi kéo nhau một lũ cởi truồng tắm giỡn đùng đùng… bây giờ vẫn còn là bến cát hay đã bị chiếm dụng để mấy ‘ông lớn’ xây dinh thự với tường rào kiên cố và nhà thủy tạ có cầu tàu nằm trườn ra sông ngạo nghễ? Cái lò đường trong Xóm Mới, vào mùa mía chạy che ép mía ngày đêm nghe trèo trẹo, nấu đường làm mùi thơm ngọt lịm bay trùm cả xóm… bây giờ còn là ‘Lò Đường Ông Út K’ hay đã… biến thành ‘Nhà Máy Đường của Nhà Nước’? Trường tiểu học mà thời tôi còn đi học, ông đốc H cho gắn trên trụ cổng tấm bảng ‘Cấm Trâu Bò Vào Trường’ vì mấy ông chủ bò hay thả bò vào ăn cỏ dọc hàng rào bông bụp… bây giờ đã thành… cái gì rồi Và nghĩa địa của làng, thường gọi là ‘gò đồng mả’, nằm một bên con đường đất đỏ dẫn vào Xóm Trong, cái gò đó - cả trăm năm – là nơi an nghỉ cuối cùng của dân trong làng, không phân biệt lớn nhỏ giàu nghèo… vẫn còn đó hay đã nhường chỗ cho những ‘Công Trình Văn Hóa Phục Vụ Nhân Dân’?
…Nhớ đến đó, tự nhiên tôi thở dài… Rồi tự nhiên tôi gác tay lên trán…
Tôi vẫn nhìn lên trần nhà: trần nhà trắng phau, ở đó không hiện lên được một nét nào của quê hương tôi hết. Rồi tôi nghĩ: nếu tôi có trở lại VN, có ‘được phép’ đặt chân lên vùng đất mẹ, chắc chắn tôi sẽ không tìm lại được những hình ảnh cũ. Bởi vì quê hương tôi đã bị ‘họ’ bôi xóa trắng như trần nhà tôi đang nhìn, để thay vào đó bằng một cái gì không ra cái gì hết, mang nhãn hiệu ‘Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh’, nghe mà… điếc con ráy!
Bây giờ, tôi hiểu tại sao tôi đã nằm gác tay lên trán mà thở dài…
No comments:
Post a Comment