SÓNG BIỂN
Trọng Ðạt
(Viết để riêng tặng những kẻ đã chết trên con đường đi tìm Ðất Hứa)
Hầu như cuối tuần nào cũng vậy, khi màn đêm vừa buông xuống là tôi lại vội đến thăm ông bạn chí cốt ở gần nhà để hàn huyên tâm sự, bàn bạc những vấn đề thời sự chính trị, văn chương... Ðộ này chúng tôi hay bàn chuyện văn thơ, nghệ thuật, những buổi tọa đàm như vậy đã giúp chúng tôi giết thì giờ trong cuộc sống tha hương buồn tẻ. Người Việt ở đây cũng khá đông, bạn bè bà con cũng nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy một sự lạc lõng, bơ vơ... Có lẽ vì đây không phải là đất nước của mình. Xa xứ khá lâu nhưng mỗi lần tỉnh giấc, tôi vẫn biết rằng mình đang sống tại một đất nước xa lạ với những lối sống, tập quán mà đối với tôi, đến bây giờ cũng vẫn còn rất xa lạ. Tôi có cảm tưởng như mình vẫn chưa hoàn toàn hội nhập được vào xã hội mới. Những buổi đàm luận ấy cũng thật bổ ích vì khi trao đổi ý kiến, nó cũng mở mang tầm hiểu biết của chúng tôi hơn lên.
Tối nay, một tối mùa đông giá lạnh, tết tây đã qua, tết ta gần kề. Năm nay hên, ngoài trận tuyết mong manh hôm nọ người ta không phải nếm cái mùi băng giá thấu xương như năm ngoái. Ngoài các chợ Á Ðông, chợ Việt, chợ Tầu... hàng Tết đã bầy đầy cả ra từ mấy tuần trước. Thôi thì đủ thứ... nào bánh chưng, bánh tét, dưa món, kẹo, mứt, cây quất, cành mai, hoa đào, hoa cúc... Người mình cũng nô nức mua sắm hàng Tết đón Xuân, và mặc dù ai cũng cố giữ truyền thống dân tộc tổ tiên nhưng nó cũng không tránh khỏi cái vẻ lạc lõng như một thứ vui gượng, vì tất cả đang nằm giữa một ngoại cảnh, một nước non xa lạ. Ông bạn cũng đã mua sắm được một ít bánh mứt, hạt sen, trà tầu... đem ra đãi khách cho có chút hương vị dân tộc quê hương trong những ngày năm tận. Ông pha trà mời tôi nhấm nháp rồi đưa cuốn sách mới mượn ở thư viện ra bảo:
– Cuốn này viết về văn học miền Nam, phần tiểu sử các tác giả đầy đủ lắm, nhiều tác giả không có tên tuổi gì cũng được đề cập rất đầy đủ chi tiết. Một người bà con tôi là nhà văn ít ai biết, thế mà ông soạn giả này cũng biết rất rành. Tôi lấy làm lạ, ông ấy lấy tài liệu ở đâu mà biết rõ thế?
Tôi cầm cuốn sách ngắm nghía một lúc, xem sơ mấy trang rồi giở phần tiểu sử ở cuối ra xem, lật qua lật lại... bỗng tôi dừng lại ở một trang rồi lẩm nhẩm đọc:
Trần Ðại, sinh tại Bắc phần năm 1941, vào Nam năm 1954. Dạy đại học. Sau 1975, mất tích trên đường vượt biển tị nạn chính trị. Chuyến đi khởi hành ngày 2-10-1978.
Tác phẩm: Con đường (tựa của Vũ Hoàng Chương, 1963)
Tôi bèn đọc lớn cho ông bạn nghe rồi bảo:
– Chắc đúng là anh bạn tù cải tạo cùng tổ với tôi hồi 1975, 76, 77... Anh này có dạy ở một trường đại học Ðà Lạt, cỡ tuổi tôi, được về sớm, mấy người cùng trại với tôi nói anh chàng đi vượt biên mất tích cả gia đình từ 1978. Hồi ấy không nghe anh nói đã viết sách, nhưng các chi tiết khác đều đúng hết.
Tôi cứ tấm tắc khen ông soạn giả thật là kỳ tài, biết rõ cả chuyến đi vào ngày nào tháng nào nữa, mình là bạn anh ta mà cũng chỉ biết loáng thoáng thôi. Ông bạn bèn hớp một ngụm trà tầu đang bốc hơi nghi ngút rồi chép miệng than.
– Bao nhiêu tinh hoa của đất nước đã bị chôn vùi dưới đáy biển!
Từ đấy tôi cứ thắc mắc, ưu tư về cái tên Trần Ðại mãi. Nhớ hồi chàng được về hơn một năm, chúng tôi chuyển trại khác, một người bạn thân của Ðại - tên Bình - có nói với mọi người ngoài bãi lao động:
– Trời ơi! Ðại tốt lắm, anh chị có lại thăm vợ tôi, cho vợ tôi mượn một ngàn đồng. Tôi đã viết thư dặn vợ tôi, nếu anh ấy muốn mượn bất cứ cuốn sách gì cũng cho anh ấy mượn.
Rồi tự nhiên tôi lại tò mò đi điều tra xem có đúng người trong cuốn sách này là anh bạn tù xa xưa của tôi không, y như một nhà thám tử đi điều tra một vụ án. Tôi bèn tìm hỏi Bình - hiện cũng đang sống tại Mỹ - cho Bình biết chi tiết trong cuốn sách. Anh ta đáp:
– Vậy thì đúng hắn rồi! Ðại có ra một tập thơ, anh ấy tốt nghiệp cao học ở Ðà Lạt, đậu thủ khoa được nhà trường giữ lại để giảng dậy. Sau có làm cho bộ văn hóa, xã hội... gì đấy. Hồi anh ấy sắp đi vượt biên có cho vợ tôi mượn một ngàn đồng, một ngàn hồi ấy lớn lắm, mỗi lần thăm nuôi tụi mình chỉ có mấy chục hay một trăm thôi. Nói đến anh ấy bà xã tôi xúc động lắ. Em của Ðại cũng đang sống ở Mỹ.
Thế là cuộc điều tra của tôi coi như hoàn tất. Ðúng là anh ấy rồi! Và trong ký ức tôi, Ðại tự nhiên sống dậy y như một cuốn phim cũ nay được đem ra chiếu lại.
... Tôi nhớ lại hồi 1975, công chức chúng tôi ra trình diện cải tạo được đưa lên trại Long Thành. Năm đầu có một số đợt thả về khá đông, nghe nói Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài Gòn Gia Ðịnh ăn hối lộ đã cho những người chạy tiền về trước. Chừng một năm sau trại được chuyển giao cho Bộ nội vụ, cái thòng lọng ngày càng xiết chặt. Sau nhiều đợt chuyển tù công chức cao cấp và trung cấp đi Bắc, chúng tôi còn vài trăm người được giữ lại, dọn nhà hai ba lần và sau cùng ở một căn nhà rộng bằng gỗ gọi là nhà 13.
Ðại ở chung đội rồi chung tổ với tôi, không thân lắm nhưng tôi có cảm tình với hắn vì tính hiền lành. Ðại hay đùa giỡn trêu chọc tôi, có lần cáu quá tôi la lối hắn um cả lên, thế mà hôm sau hắn lại vui vẻ vỗ vai tôi bảo:
– Tớ có chọc gì cậu đâu mà cậu la tớ dữ vậy? Tụi nó chọc cậu mà sao cậu không la tụi nó, cậu lại la tớ!
Ðại y như ông Bụt vậy, không biết giận biết ghét ai bao giờ, hắn thích trêu chọc tôi nhưng chỉ đùa vui chứ không bao giờ có ác ý. Ngoài bãi lao động hắn hay kể chuyện vui, có khi bàn chuyện kinh tế ngoài xã hội, Ðại có vẻ người hiểu biết.
Tôi còn nhớ một buổi chiều tối, hồi ấy tù còn được tự do thoải mái, tôi và Ðại pha trà uống ngoài sân kể chuyện ngày xưa, anh thích kể lại những ngày còn giảng dạy ở trường đại học Ðà Lạt và có vẻ tiếc nhớ cái thời vàng son của mình.
Chúng tôi cải tạo được hơn hai năm thì bỗng có đợt thả về khoảng mười sáu người, đa số có bảo lãnh hoặc quá trình nhẹ, không liên hệ đến an ninh chính trị là mấy. Ðại may mắn có tên trong danh sách đợt này... Thế rồi hơn một năm sau chúng tôi chuyển trại đến một khu rừng âm u, nhân một buổi lao động Bình có nhắc đến Ðại, khen anh là người bạn tốt đã cho vợ Bình mượn một ngàn đồng để thăm nuôi chồng, sự thực Ðại muốn để lại cho bạn số tiền lớn ấy trước khi lên đường đi tìm Tự do và Ðất hứa. Trước khi ra đi anh còn làm được một việc tốt cho xã hội, còn giúp được một người bạn tù.
Ðược thả về giữa cái xã hội nghèo đói xơ xác, đâu đâu cũng chỉ thấy toàn là những cảnh áp bức hăm dọa, bắt bớ ghê sợ của công an cảnh sát, Ðại không còn cách nào khác hơn là phải tìm cách thoát thân ra khỏi vũng lầy. Hồi ấy người ta đổ xô nhau tìm đường xuất ngoại, ai nấy thu vét tiền bạc trong nhà để nạp cho bọn tổ chức vượt biên, hy vọng thoát thân tới được bờ bến mới.
Và rồi vào chuyến đi ngày 2-10-1978, Ðại đã cùng gia đình lênh đênh qua cửa Cần Giờ... Theo thống kê cũng như lời xác nhận của dân tỵ nạn, số người bỏ xác trên đường vượt biển phần lớn là do hải tặc Thái Lan đâm chìm tầu, chúng cướp bóc hãm hiếp, bắt đàn bà con gái rồi đâm chìm tầu để phi tang...
Thế rồi tôi lại mường tượng ra cảnh biển cả rộng mênh mông bát ngát, có một con tầu gỗ mỏng manh lềnh bềnh trôi trên làn sóng, rồi trận phong ba bão táp nổi lên hay tầu hải tặc xông tới cướp bóc hãm hiếp rồi đâm chìm thuyền tỵ nạn... Tôi thấy Ðại và bao nhiêu người khác đang cố vùng vẫy trên mặt biển. Bản năng tự vệ sinh tồn khiến con người phải cố sức chống lại cái chết đến cùng dù chỉ là để sống thêm được một vài giây phút nữa, để rồi cũng từ từ chìm sâu dưới làn nước biếc...
... Tất cả không còn gì trừ sóng biển. Ðại dương mênh mông bát ngát đã chôn vùi không biết cơ man nào mà kể những kẻ bất hạnh đi tìm Ðất Hứa. Biển cả đã chôn sâu cái hy vọng cuối cùng của đời Ðại, của hàng nghìn, hàng vạn những người tỵ nạn khác, những kẻ đã chết trên con đường đi tìm Tự do và Ðất hứa, nhưng vẫn còn sướng hơn làm nô lệ. Biển cả cũng đã chôn vùi biết bao tinh hoa của đất nước, biết bao người tài trí đã bỏ nước ra đi và cũng đã có biết bao người không hẹn ngày về.
Hôm được trả tự do, các bạn tù vẫy tay chào Ðại và mười mấy người khác bước lên xe vận tải, bọn ở lại nhìn những kẻ diễm phúc bằng cặp mắt thèm thuồng tuy trong lòng có chút mừng thầm cho họ, ngày trở về của Ðại tươi đẹp và hạnh phúc biết bao.
... Ngày trở về anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre, nắng vàng hoe vườn rau trước hè chờ đón người về...
Anh đã ra khỏi trại giam và còn phải ra khỏi nước, bởi trại giam chỉ là nhà tù nhỏ, đất nước, xã hội là nhà tù lớn. Ðại xây dựng nhiều mộng đẹp, hy vọng lập lại cuộc đời mới ở xứ tự do, ở miền Ðất Hứa, với những giấc mộng đẹp và rực rỡ như nắng mùa hè...
Thế rồi tất cả ước mơ, hy vọng của anh chỉ là những toà lâu đài xây trên bãi cát, những ảo tưởng vĩ đại, những mơ mộng hão huyền của kẻ tuyệt vọng đi tìm Ðất hứa. Biển cả đã chôn vùi mộng đẹp của anh, của muôn vạn kẻ bất hạnh cùng đường tuyệt vọng khác.
Ðối với các nhà nghệ sĩ, biển cả thật là mỹ miều thi vị dưới những tên thật là gợi hình, bóng bẩy, nào là Biển Nhớ, Hoàng Hôn Trên Bãi Biển, Bãi Biển Nương Dâu... nhưng đối với bọn thuyền nhân khốn khổ đi tìm tự do, biển cả mênh mông chỉ là mối nguy khốn hãi hùng cho họ. Một hình ảnh vĩ đại bao la bát ngát kinh hoàng vì nó đã từng chôn vùi biết bao sinh linh vô tội. Nhiều người đã định cư tại bờ bến mới mấy chục năm nhưng mỗi lần nghĩ lại, họ vẫn còn rùng mình ghê sợ.
Thế rồi tuần sau, tôi lại đến thăm ông bạn vào một ngày năm cùng nguyệt tận, tối ấy nhiều người đã lên chùa, đến nhà thờ để chuẩn bị đón Giao thừa. Thế là lại thêm một cái Tết nơi đất khách quê người, rồi lại xuân tha hương... tuổi đời cứ chồng chất thêm trên mái tóc, ngày tận cùng của đời người cứ từ từ tiến lại.
Tối nay ông bạn bầy một bàn tiệc nhỏ để đãi người tri kỷ: một đĩa bánh chưng đã cắt làm nhiều miếng, một bát dưa món, mấy đĩa mứt sen, mứt gừng, mứt bí.... một chai rượu nho mầu chiều tím gọi là có chút hương vị quê nhà trong mấy ngày thiêng liêng dân tộc. Khi ấy tiếng hát thanh tao dịu dàng của cô ca sĩ bỗng vang lên trong máy ngoài phòng khách:
Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ hoa mận nở...
Ðể mở đầu buổi đàm luận tối nay, tôi nói cho ông ta biết Trần Ðại, tác giả tập thơ Con Ðường đúng là người bạn tù của tôi hai mươi mấy năm trước đây. Ông bạn vừa rót rượu vừa ra giọng triết lý bảo:
– Thế gian như một cái quán trọ, con người chỉ là khách qua đường.
Chúng tôi nâng ly chúc mừng năm mới. Uống xong một hớp rượu xuân tôi bèn thở dài đáp:
– Cuộc đời chỉ là giả tạo, cái chết mới là có thật! Ôi một đời người! Sinh ra ở miền Bắc, lớn lên di cư vào Nam, học hành xuất chúng, làm giáo sư, công chức cho chính phủ... rồi vào tù, được thả về, mang nhiều mộng đẹp, lên đường đi tìm Tự do, Ðất hứa... Biển cả đã chôn vùi cái hy vọng cuối cùng của đời anh. Một đời người đã hết, chẳng còn một vết tích gì, chẳng để lại đến một mảnh xương tàn, chỉ còn lại một vài dòng tiểu sử trong một cuốn sách nói về văn học miền Nam...
source:www.thegioimoionline.com
Thursday, May 21, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Blog Archive
-
▼
2009
(183)
-
▼
May
(20)
- A legacy of corruption, economic ruin, repression ...
- Thư của Ông Võ Văn Ái gởi Ông Nguyễn Quốc Nam, một...
- TRỊNH CÔNG SƠN VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG NẰM VÙNG. (Bài v...
- Đi vào lòng địch: Câu chuyện thật của một Người Nh...
- Pháo thủ Lê Châu Lộc nói chuyện về Tổng Thống Ngô ...
- SÓNG BIỂNTrọng Ðạt(Viết để riêng tặng những kẻ đã ...
- Người Việt Hải Ngọai: Miếng Mồi Ngon Của Việt Cộng...
- 29 Loại Thực Phẩm Tốt Cho Sức KhoẻThanh Diệp sưu t...
- PHÁP CHỮA BỆNH BÁT NHÃ KHÍ CÔNG Thứ nhất là ăn uốn...
- Hiểu Đời Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, ...
- CON ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI* Đinh Lâm Thanh * Khi bước c...
- GENEVE 08/05/092009-05-10 05:45
- Hy Sinh Đời Bố Để Củng Cố Đời Con * Nguyễn Sơn * ...
- Giây phút nát lòngLiệt Lão Đào Huy NgọcLTS: Dưới đ...
- Hồ Ly Tinh - Trần Thanh - Trong chúng ta hầu như a...
- NHỮNG CHUYỆN CÓ THỰC - Kiêm Ái -Cộng đồng người ...
- Does Anyone Smell 'Vietnam' In The New Administrat...
- Phỏng vấn bà Phạm Ánh Linh, Phó Chủ Tịch Văn Hóa G...
- VIỆT NAM SAU 34 NĂM CAI TRỊ BỞI ĐẢNG CỘNG SẢN(Bài ...
- Sleeping With the Enemy.By James Webb, 30 April 20...
-
▼
May
(20)
No comments:
Post a Comment