Tuesday, May 5, 2009

Phỏng vấn bà Phạm Ánh Linh, Phó Chủ Tịch Văn Hóa Giáo Dục của CĐNVTD/NSW, về cuộc biểu tình chống Casula Powerhouse Arts Centre

LTS: Ngày 14.4.2009 Việt Luận (VL) đăng bài phỏng vấn ông Hoàng Ngọc-Tuấn – đồng chủ bút diễn đàn văn học– nghệ thuật Tiền Vệ -- về cuộc biểu tình do CĐNVTD/NSW tổ chức trước cổng Casula Powerhouse Arts Centre (CPHAC) ngày 4.4.2009. Ngay sau đó chúng tôi có gởi bài phỏng vấn đó đến cho ông Võ Trí Dũng và đề nghị ông cho độc giả Việt Luận biết quan điểm của Cộng Đồng về những nhận xét của ông Hoàng Ngọc-Tuấn. Đồng thời trong hơn một tuần qua có nhiều độc giả đã gọi điện thoại yêu cầu VL nên phỏng vấn các vị lãnh đạo cộng đồng đã được ông Hoàng Ngọc-Tuấn nêu tên để cho công bằng.

Chúng tôi thành thực cảm ơn quý độc giả đã nhắc nhở và xin nhấn mạnh rằng “công bằng” là một yếu tố mà VL luôn tôn trọng: ngay từ khi đăng bài phỏng vấn nói trên, chúng tôi đã nghĩ đến cuộc phỏng vấn thứ hai này, vấn đề là thời gian.

Chúng tôi đã liên lạc với Luật sư Võ Trí Dũng, chủ tịch CĐNVTD/NSW. Ls Võ Trí Dũng cho biết rằng: thứ nhất, trong vấn đề này, bà Phạm Ánh Linh là người đặc trách về Văn Hóa và Giáo Dục trong Ban Chấp Hành Cộng Đồng và đã theo dõi vấn đề này từ thời gian đầu 1997, cho nên cuộc phỏng vấn nên được thực hiện với bà; thứ hai, hiện ông còn phải dành tâm trí và thì giờ để chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 30.4.

Sau đó chúng tôi có liên lạc với bà Phạm Ánh Linh và sau đây là cuộc phỏng vấn mà bạn đọc mong đợi.

1. Việt Luận (VL). Thưa bà, một cách ngắn gọn bà có thể cho biết cộng đồng đã căn cứ trên những lý do nào để biểu tình phản đối nội dung cuộc triển lãm?

Phạm Ánh Linh (PAL): Cuộc triển lãm “Nam Bang!” (khai mạc vào ngày 4/4/2009) là sự tiếp nối của cuộc triển lãm “Viet Nam Voices” do Casula Power House Arts Centre (CPHAC) tổ chức vào tháng 2 và 3/2009. Cuộc triển lãm “Viet Nam Voices” nguyên thủy đã thực hiện cách đây hơn 10 năm, đã đi chu du các tiểu bang và nay trở về Sydney triển lãm lại. Lý do phản đối là:

1) Hầu như toàn bộ các cuộc triển lãm này có tính cách thiên vị, thiên cộng, không công bằng, không nói lên thực chất của cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến TỰ VỆ, chống lại chiến lược bành trướng chủ nghĩa CS vào miền Nam của Hà Nội, để bảo vệ các nguyên tắc dân chủ nhân quyền mà mọi người cần để sống yên lành.

2) Đường lối thiên cộng, của CPHAC từ hơn 10 năm nay trong nhiều cuộc triển lãm.

3) Thái độ coi thường người Việt tỵ nạn của CPHAC. Cách đây hơn 10 năm, CPHAC đã tham khảo, mời gọi sự hợp tác của CĐ NVTD NSW để tổ chức triển lãm Viet Nam Voices lần đầu. CĐ đã có hợp tác vào thời điểm 1997. Do đó cuộc triển lãm mới có bức hình Vá Cờ, bức hình Cờ Vàng Nở Hoa bằng hoa cúc (mà tôi cung cấp) và bức hình thuyền nhân (do Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến cung cấp). Tuy nhiên vào ngày khai mạc, những tác phẩm về phía VNCH chỉ là phần rất ít trong hàng ngàn tác phẩm của cuộc triển lãm. CĐ có góp ý nhưng CPHAC, qua ông Con Gouriotis, lúc đó là Curator (điều hợp viên cho cuộc triển lãm) đã hứa sẽ sửa đổi và sẽ tham khảo với CĐ trong những đề án về Việt Nam. Việc tham khảo này không hề xẩy ra. CPHAC ngày càng thiên cộng hơn nữa, nhất là vào những giai đoạn sau này qua các triển lãm Phở Chó, Viet Nam Voices 2009, Nam Bang v.v...Con chó bằng giấy bồi có dán Cờ Vàng trên mông đã bị che lại tại cuộc triển lãm Pho Dog tai Perth vào tháng 6/2008 do áp lực của đồng bào và CĐ Liên Bang cũng như tiểu bang Tây Úc, nhưng ngay sau đó, CPHAC vẫn còn lên đài truyền hình ABC qua mục Date Line để tố cáo CĐ là quá khích, độc tài, mà không nhìn ra cái đau thương mà CPHAC đã gây ra cho những nạn nhân CSVN.

4) Mặc dù đã có những đối thoại, gặp gỡ CPHAC (luôn luôn do CĐ chủ xướng) với các phái đoàn CĐ trước đây do Luật Sư Võ Minh Cương, Kỹ Sư Phan Đông Bích hướng dẫn các năm trước đây, và do Luật Sư Võ Trí Dũng hướng dẫn vào những ngày tháng trước ngày khai mạc Viet Nam Voices 2009, qua đó CĐ nêu lên những đau thương mà người Việt cảm nhận về cuộc triển lãm, mặc dù vậy, vào buổi họp ngày 30/3/09, trước mặt 4 vị Chủ Tịch CĐ suốt 10 năm qua (Ls Võ Minh Cương, Bs Nguyễn Mạnh Tiến, Ls Nguyễn Văn Thân, Ls Võ Trí Dũng) và quý vị trong Hội Đồng Tư Vấn Giám Sát và Ban Chấp Hành CĐ NSW, bà Thị Trưởng Liverpool Wendy Waller vẫn lạnh lùng tuyên bố: “I feel comfortable with the exhibition, and I don’t have to tell you who are the Vietnamese who were consulted” (Tôi cảm thấy hài lòng với cuộc triển lãm, và tôi không cần phải cho quý vị biết những người Việt nào đã được tham khảo).

Chừng ấy những thái độ của CPHAC và của Liverpool Council đã đủ để đồng hương phẫn nộ và tham gia cuộc biểu tình chống CPHAC vào ngày khai mạc triển lãm Nam Bang!, 4/4/2009.

2. VL: Trong cuộc phỏng vấn đăng trên Việt Luận ngày 14.4.2009, ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã đưa ra những bằng chứng để chứng minh rằng những thông tin trong Thông Báo kêu gọi biểu tình của CĐNVTD/NSW là không đúng với sự thật. Xin bà cho biết ý kiến về điều này?

PAL: Theo tôi, thông tin trong Thông Báo đã nói lên sự thật. Tôi xin trình bầy từng điểm như sau:

A) Cuộc triển lãm Viet Nam Voices có Cờ Vàng, và bức tranh Vá Cờ hiện diện trong cuộc triển lãm.

Vào thời điểm 1997, ông Con Gouriotis, Curator (người điều hợp cuộc triển lãm), và ông Adam Lucas, Arts Manager (người chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật cho cuộc triển lãm) của Trung Tâm Nghệ Thuật Casula Power House Arts Centre (CPHAC) đã gặp tôi, mà ông biết qua các sinh hoạt văn hóa, xã hội Úc Việt, vì tôi là một nhân viên xã hội làm việc cho nhiều bộ, sở, các cơ quan khác nhau trong và ngoài chính phủ Úc. Ông cho biết CPHAC dự trù tổ chức một cuộc triển lãm mang tên “Viet Nam Voices” để nói về chiến tranh VN, nhấn mạnh vào thời điểm Quân Đội Hoàng Gia Úc tham chiến, tức là từ 1967 đến 1972. Tôi có hỏi là ông có bàn thảo với Ban Chấp Hành CĐ NVTD không. Ông cho tôi biết là ông đã tham khảo với Ls Võ Minh Cương (lúc đó là Chủ Tịch CĐ NSW), ông Võ Đại Tôn và sẽ còn tham khảo thêm với các ông Văn Tấn Thạch, Bs Nguyễn Mạnh Tiến v.v....và các nhân sự khác để đóng góp bài viết hoặc tham gia thuyết trình trong các buổi hội thảo. Ông cho biết ông có mời các nghệ sĩ Vi Phát, Nguyễn Tư, La Thảo Nhi v.v... để đóng góp phần tranh ảnh. Ông cũng cho biết sẽ mời “phía bên kia” gồm có Bùi Kim Chi v.v…. và nhóm phản chiến người Úc, vì khi nói đến chiến tranh Việt Nam tại nước Úc dân chủ thì phải nói đến cả mọi phía.

Tôi có gợi ý với họ rằng thời gian 67-72 có một biến cố quan trọng, đó là Tết Mậu Thân, vì vậy cuộc triển lãm phải có trưng bầy và nói về biến cố này. Đồng thời phải đề cao chiến thắng Long Tân của quân đội Hoàng Gia Úc. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị rằng: hình ảnh, bài vở về hậu quả của chiến tranh là làn sóng vượt biên, cũng phải có. Nhất là, phải có lá cờ vàng ba sọc đỏ. Các điều trên ông đồng ý cả, nhưng đến đây thì ông Con từ chối, ông không đồng ý đưa lá Cờ Vàng vào cuộc triển lãm và đòi rằng nếu đưa lá cờ vào thì phải là một tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, tôi đã tìm cách liên lạc với nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh (từ Hoa Kỳ) và xin mượn bức tranh “Vá Cờ”. Tôi cũng đã nhờ cô Kim Nhạn tại Sydney thực hiện bức tranh nghệ thuật “Lá Cờ Vàng Nở Hoa” hay “Vietnam Flag in Blossom” bằng các bông hoa cúc vàng làm nền và hoa thược dược làm ba sọc đỏ. Đó là những điều được thỏa thuận giữa tôi với ông Con Gourioutis và Adam Lucas.

Đến khi cuộc triển lãm khai mạc thì có hình lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam nửa xanh nửa đỏ, riêng một mình, kích thước khoảng 1m x 80cm như một lá cờ bình thường, được trưng bày ngay tại một vị trí rất thuận lợi để người thưởng ngoạn thấy. Ở ngoài cửa nhìn vào, người xem thấy như lá cờ MTGPVN này đặt ở trên bức tranh Cờ Vàng bằng hoa kết lại. Cờ đỏ sao vàng thì rải rác trong các bức hình, bức tranh. Tôi đã nhận thấy sự bất công và sự thiếu thành thực của ông Con và ban tổ chức triển lãm. Đi một vòng thì tôi chẳng thấy hình thảm cảnh Mậu Thân và hình chiến thắng Long Tân đâu. Người Việt Nam thưởng ngoạn sẽ đau lòng lắm.

Sau đó, vài vị trong Ban Chấp Hành CĐ và cá nhân tôi đã gặp ông Con và trách ông về sự thiếu công bằng trên, và đề nghị ông sửa đổi, thêm bớt trong cuộc triển lãm đó và từ nay, nếu có những đề án gì liên quan đến Việt Nam, thì xin ông cho chúng tôi có ý kiến trước khi thực hiện để tránh những đau thương cho người Việt thưởng ngoạn. Ông đã bằng lòng, nhưng từ đó (1997) đến cuộc triển lãm lần này (2009), CPHAC không hề tiếp xúc với CĐ NVTD NSW. Chỉ có vài lần gặp gỡ do CĐ chủ động, mỗi lần gặp gỡ, ông Con đều nhắc lại lời hứa sẽ tham khảo CĐ cho những đề án sau!

B) Bức tường “Names From the Book Of The Dead” với rất nhiều hình các chiến binh Úc tử trận trên chiến trường Việt Nam.

Trọn bức tường với các hình nhỏ của các tử sĩ Úc trên chiến trường Việt Nam, kích thước bằng nhau, đặc biệt có hình chiến binh Denis Trew, là tác giả của tác phẩm nghệ thuật này, được phóng đại, nổi bật. Ông Denis Trew hiện nay còn sống, tức là được đặt để vào danh sách tử sĩ một cách sai lầm. Trong bài viết của ông Denis Trew để cắt nghĩa tác phẩm này, ông không hề khen tặng, thương tiếc hay cám ơn các tử sĩ. Ngược lại, ông nêu lên những bất công, mà chính phủ Úc đã dành cho chiến binh Úc khi họ sống sót trở về. Ông mô tả cuộc sống dằn vặt, đầy ác mộng, tưởng như điên cuồng mà các binh sĩ Úc, đã hy sinh cũng như đang còn sống, đã phải trải qua vì chiến tranh Việt Nam. Không nói đến sự cao quý bảo vệ những giá trị dân chủ nhân quyền cho một nước bị xâm chiếm. Hiểu như vậy thì việc “bức tường tưởng niệm” này rất đau đớn cho hương hồn các tử sĩ.

C) Bức Tranh “Hình Ảnh Một Người Chết” của tác giả Ray Beattie vẽ lại cảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan kề súng vào màng tang của tên Việt Cộng Nguyễn Văn Lém trong Tết Mậu Thân tại Sài gòn, sau khi tên này hạ sát dân lành. Nét mặt sợ hãi của tên Việt cộng này muốn tố cáo sự tàn ác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tấm hình này là một tấm hình do phóng viên chiến trường người Mỹ, Eddie Adams, thuộc nhóm phản chiến chụp. Tấm hình này, cùng với tấm hình bà Phan Thị Kim Phúc, lúc đó là một bé gái 9 tuổi chạy loạn vào năm 1972 do Quân Đội VNCH thả bom Napalm tại Trảng Bàng, trên mình không một mảnh áo, hai tấm hình này đã là biểu tượng mà nhóm phản chiến dùng để kêu gọi cả thế giới chống lại chiến tranh Việt nam. Hai tấm hình này đã được giải thưởng quốc tế Pulitzer và đã dẫn đến sự phẫn nộ của thế giới, đưa đến việc Mỹ phải rút quân ra khỏi chiến trường Việt Nam. Nhiều bài phân tích đã bênh vực hành động này của Tướng Loan, vì trong hoàn cảnh lúc đó Tướng Loan phải hạ sát tên Việt Cộng này để cứu dân lành. Cách đây vài năm, trước khi tướng Loan mất vì tuổi già tại Hoa Kỳ, chính anh phóng viên chiến trường Eddie Adams đã xin lỗi tướng Loan, bầy tỏ sự hối hận thống thiết vì đã phổ biến tấm hình này khiến cho đám phản chiến thắng thế đưa đến cuộc vượt biên đầy nước mắt của người Việt Nam. Ông đã quay trở ngược lại, phản đối những người phản chiến khi xưa. Coi như thế giới, qua sự hối hận của tác giả, đã xếp lại tấm hình này. Như vậy, cuộc triển lãm Viet Nam Voices 1997 và 2009, khi đặt bức tranh này - với kích thước lớn, khoảng 2m x 2.5m - vào vị trí tốt đẹp nhất của phòng đầu tiên, đã mang ẩn ý gì nếu không phải là vẫn tiếp tục ca ngợi nhóm phản chiến?

Tác giả của bức tranh này, ông Ray Beattie, một cựu chiến binh Úc trong cuộc chiến Việt Nam, thuộc nhóm phản chiến, tại buổi Xem Trước (Preview) ngày 29/1, vẫn to tiếng với Thượng Nghị Sĩ David Clarke để bênh vực thái độ phản chiến của ông. Ngay sau buổi Preview, Thượng Nghị Sĩ David Clarke đã bị CPHAC và bà Thị trưởng Hội Đồng thành phố Liverpool, Wendy Waller tấn công trên tờ Sunherald.

D) Bức hình Hồ Chí Minh

Đây là một bức hình được cấu tạo bởi nhiều tấm hình khuôn mặt HCM nhỏ, đặt gần nhau thành hàng, trên những hàng chữ từ bản di chúc của Hồ. Rải rác trên bức tranh có những đóa hoa hướng dương. Ban Tổ Chức triển lãm cắt nghĩa rằng đây là bức tranh làm giảm giá trị của Hồ (vì dùng những tấm hình thu nhỏ). Đối với người Việt tỵ nạn, thấy hình Hồ là thấy tội ác rồi. Nếu thực sự muốn giảm giá trị thì phải gạch chéo. Đằng này lại thêm các đóa hoa hướng dương tô điểm.

Điều đáng ghi nhận là tấm hình này được dùng để minh họa cho một bài viết trong cuốn kỷ yếu (catalogue) được phát cho những người tham dự cuộc triển lãm. Bài viết này ca ngợi các phụ nữ can đảm miền Bắc đã chọn Hồ Chí Minh làm thần tượng (như hoa hướng dương hướng về mặt trời), đã xâm nhập vào chiến trường miền Nam, đã làm người tình, người tớ để len lỏi làm gián điệp trong nhà các tướng, tá miền Nam. Đặc biệt, bài viết này tả rõ nét sự dã man của binh sĩ VNCH đã giết các phụ nữ này trên chiến trường, hãm hiếp và quăng các bộ phận sinh dục trên bãi cỏ. Đây là một sự bôi bác quân đội VNCH một cách ghê rợn và tinh vi.

E) Trong Viet Nam Voices, có vài bức tranh nói lên các chiến thắng của Quân Lực VNCH, tuy nhiên, theo nhận xét khách quan, những bức tranh “thuận lợi” cho Miền Nam chỉ là phần rất ít của hàng ngàn tác phẩm trong cuộc triển lãm, và chỉ để “làm cảnh”. Toàn bộ cuộc triển lãm đã gây ấn tượng xấu cho miền Nam, hoàn toàn không nói lên chính nghĩa của cuộc chiến là: một cuộc chiến tự vệ do người cộng sản gây ra. Nếu người cộng sản miền Bắc không gây nên cuộc chiến thì đâu có chiến tranh Việt Nam. Người thưởng ngoạn không cảm thấy được điều này mà chỉ thấy: chiến tranh, giết chóc, quân đội Mỹ và quân đội Miền Nam ngây ngô, tàn ác, quân miền Bắc oai hùng bảo vệ đất nước chống giặc Mỹ ngoại xâm. Trên quảng cáo của triển lãm Nam Bang! còn giới thiệu: Đây là triển lãm về chiến tranh Việt Mỹ (Vietnamese American War)!!! nghĩa là chỉ có CS miền Bắc đánh Mỹ, y như khẩu hiệu “chống Mỹ Cứu Nước” của Việt cộng. Quân đội miền Nam thì không hiện diện trong lời quảng cáo này!!!

F) Theo lời tường trình của những người đã vào xem cuộc triển lãm Nam Bang! có
những phần chính như sau: Phòng giam (chuồng cọp) tại Côn Đảo với lời trích dẫn
là chính quyền VNCH và Mỹ đã sử dụng để hành hạ những người chống chiến tranh, bức tranh nói về tội ác của lính Mỹ đối với người miền Nam và được mô tả là chuyện xảy ra bình thường (standard operational procedure), hình chụp các nữ cán bộ VC đứng trước bàn thờ gia tiên với hình của Hồ Chí Minh trên bàn thờ, hình và bài phỏng vấn Huỳnh Tấn Mẫm kể lại tội ác của VNCH, hình của một em bé bị dị tật vì chất độc da cam vân vân…

Trong Nam Bang! hầu như không có một bức tranh nào nói về tội ác của Việt Cộng.

Chả gì, Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang NSW Charlie Lynn, một cựu chiến binh Úc tham chiến tại Việt Nam, sau khi đã tham dự buổi khai mạc triển lãm Nam Bang! ngày 4/4 đã phải viết ra rằng: “Tôi nhận thức được chính những gì mà Casula Power House không nhắc đến mới thật sự là một sự xúc phạm”.

3. VL: Trong cuộc biểu tình bà đã đọc diễn văn, nói rằng mọi cuộc triển lãm do người Úc tổ chức với nội dung có liên quan đến chiến tranh Việt Nam đều phải hỏi ý kiến của CĐNVTD/NSW. Nhưng có ý kiến cho rằng chúng ta sống tại Úc thì phải hành xử theo những luật lệ thành văn hay bất thành văn của Úc: các viện bảo tàng nghệ thuật ở Úc đã tổ chức vô số cuộc triển lãm như thế và họ đều có quyền lập ra một ban giám tuyển có trình độ chuyên môn về nghệ thuật chịu trách nhiệm chọn lựa tác phẩm, họ không bao giờ phải trưng cầu dân ý hay hỏi ý kiến của chính phủ Úc. Bà nghĩ như thế nào về chuyên này: Ban tổ chức triển lãm nghệ thuật nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia hay phải hỏi ý kiến của một tổ chức hành chánh - xã hội?

PAL: Giả sử như triển lãm về các holocaust (phòng hơi ngạt mà quân Phát Xít Đức dùng để giết hại hàng triệu người Do Thái) mà không tham khảo những nạn nhân Do Thái còn sống sót và đang cư ngụ tại Úc thì bạn nghĩ sao? Thêm nữa, nếu các nạn nhân Do Thái này bầu ra một cơ cấu đại diện cho họ, thì các cuộc triển lãm về holocaust có nên đuợc tham khảo với cơ cấu này không? Đương nhiên là nên.

BCH CĐ là một cơ cấu có tầm vóc được các hội đoàn, đoàn thể và đồng hương bầu và tín nhiệm qua lá phiếu trong các kỳ bầu cử mỗi hai năm. Cơ cấu này được công nhận bởi chính phủ Úc ở cấp Liên Bang, Tiểu Bang, và địa phương cũng như các cộng đồng sắc tộc và các tổ chức khác. Cơ cấu này được các đơn vị trên tham khảo về nhiều vấn đề như văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, xã hội, di trú, tội phạm, an ninh, nhân quyền v.v… Do đó, việc CPHAC nên tham khảo với cơ cấu đại diện này là một chuyện thường tình và dễ hiểu.

Đặc biệt, những đề tài rất tế nhị liên quan trực tiếp đến nhiều người trong cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản Việt Nam lại càng nên được tham khảo cận kẽ để tránh gây thêm đau thương cho những nạn nhân của chế độ CSVN.

Chủ đề của cuộc triển lãm này không chỉ thuần túy nghệ thuật mà mang tính cách lịch sử và chính trị. CPHAC còn quảng cáo kêu gọi các trường học tổ chức các buổi thăm viếng để học sinh có thể nghiên cứu và sử dụng tài liệu cho môn lịch sử cận đại (modern history) được trưng bày tại cuộc triển lãm này. Một cơ sở giáo dục (như một cơ quan truyền thông) có trách nhiệm tôn trọng sự quân bình và công bằng, đặc biệt khi CPHAC là một cơ sở văn hóa trực thuộc HĐTP Liverpool, nơi có nhiều người Úc gốc Việt sinh sống và đóng thuế (council rates).

Các cơ quan nhận tài trợ của chính phủ lại càng nên tham khảo cơ cấu CĐ cho các cuộc triển lãm hay sinh hoạt văn hóa nghệ thuật liên quan đến Việt Nam, nhất là vì con em chúng ta cần được hướng dẫn để hiểu biết về lịch sử một cách trung thực.

4. VL: Trong bài phát biểu của bà tại cuộc biểu tình, bà khẳng định: "Cuộc triển lãm Nam Bang này đã nêu lên một chủ đề là “Change Your Minds” ngụ ý kêu gọi những người thưởng ngoạn cuộc triển lãm hãy thay đổi lối suy nghĩ, ngừng xem cuộc chiến VN là để bảo vệ nước Úc và miền Nam VN tránh hiểm họa CS, mà hãy vào Casula Power House để chứng kiến những tội ác của Mỹ và những người lính miền Nam mà họ tả trên tranh vẽ như những người lính đánh thuê cho Mỹ. Thật là những luận điệu của những người phản chiến, phản bội 508 binh sĩ Úc đã hy sinh trên chiến trường VN để bảo vệ lý tưởng tự do dân chủ mà người Úc hằng yêu mến. Vì vậy, qua các biểu ngữ cầm tay, CD NVTD kêu gọi ngược lại: “Change your minds to truth on VN War, do not follow lies”. ("Hãy thay đổi suy nghĩ để hiểu sự thật về chiến tranh VN, đừng tiếp tục chấp nhận những sự dối trá”). Trong khi đó thì ông Hoàng Ngọc-Tuấn nêu ra sự thật khác hẳn. Trong cuộc phỏng vấn trên VL 14.4.2009 ông cho biết motto "Change Your Mind" chỉ ngụ ý là “Phải thay đổi suy nghĩ về miền Tây Sydney, đừng xem đó là một vùng nhà quê, không biết gì về nghệ thuật”. Ông Tuấn cho biết câu này đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và phổ biến đến tất cả các cộng đồng sắc tộc. Bà có ý kiến và bằng chứng nào để bảo vệ quan điểm của mình và bác bỏ lời giải thích này?

PAL: Một cuộc triển lãm hầu như hoàn toàn thiên lệch và một chiều, đứng bên cạnh dòng chữ “Change Your Mind/Hãy Thay Đổi Sự Suy Nghĩ Của Bạn”, làm cho người xem triển lãm có thể suy diễn hợp lý rằng: cuộc triển lãm về lịch sử Việt Nam này là đúng, trung thực, vì vậy, bạn hãy thay đổi suy nghĩ cũ của bạn mà hiểu rằng đây mới là sự thật, đây mới là lịch sử Việt Nam!

5. VL: Trong thông báo tổ chức biểu tình, ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW cũng tuyên bố rằng hoạ sĩ Mai Long đã mang lá cờ vàng ba sọc đỏ dán lên mình bức điêu khắc hình con chó để bôi bác. Nhưng sự thật là trên con chó ấy có cả hình cờ CSVN, và trong lễ khai mạc, khi con chó ấy được đốt cháy rụi, thì chính Thượng Nghị sĩ Charlie Lynn, người được CĐNVTD/NSW xem là một chiến hữu chống Cộng, lại mô tả rằng: "The traditional ‘burning of the dog’ was interesting and well received”. Bà nghĩ thế nào? [1]

PAL: Cờ vàng bị đặt ngay mông con chó là chỗ xấu xa nhất. Đây là một sự sỉ nhục đối với lá cờ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, của người Việt tự do. Người ta vẫn thấy cờ Mỹ, cờ Úc được dùng để may quần áo, kể cả quần áo lót phụ nữ. Người Âu Tây có thể xem đó là chuyện thường, nhưng đối với người Việt Nam tự do thì không bao giờ chấp nhận hiện tượng này. Lá cờ là biểu hiện thiêng liêng nhất của dòng máu Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên con chó bôi nhọ lá cờ vàng được triển lãm. Vào tháng 6/2008, con chó này đã được triển lãm tại Perth. Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang kết hợp với Cộng Đồng tại Tây Úc đã phản đối mãnh liệt nên con chó này bị che đi . Tuy nhiên, ông Con Gouriotis, lúc đó đã lên chức Giám Đốc CPHAC, vẫn lên đài truyền hình ABC để tiếp tục kết án CĐ là quá khích. Nay CPHAC, tiếp nối ông, vẫn giữ nguyên con chó này để triển lãm tại Viet Nam Voices 2009 và Nam Bang! Phải chăng đây là một sự coi thường CĐ NVTD Úc Châu nói chung và CĐ NSW nói riêng.

Khi ông Charlie Lynn mô tả việc đốt con chó là “interesting and well received” có thể là ông ta xem việc đốt là một việc lạ trong buổi khai mạc, và cũng vì lạ nên đã được sự chú ý của nhiều người tham dự. Trong bài cảm nghĩ, ông Charlie Lynn đã có nhiều nhận xét khác nhau. Tuy nhiên, chính ông Charlie Lynn đã kết luận rằng: Nhưng tôi đã ra về với một cảm nhận thật rõ rệt và mạnh mẽ rằng nó (Triển lãm Nam Bang) chẳng qua chỉ là bàn đạp cho những kẻ thù ghét John Howard và những tên thân cộng để chúng thỏa chí thóa mạ bôi bẩn không hơn không kém.

6. VL: Ông Hoàng Ngọc-Tuấn nêu ra sự kiện: kiện hoạ sĩ La Thảo Nhi bị một số người hăm doạ phải tháo gỡ một tác phẩm (cho dù tác phẩm đó không hề có nội dung ca ngợi CS). Theo bà, những hành vi đó có vi phạm pháp luật nuớc Úc và vi phạm nhân quyền hay không?

PAL: Bức tranh của họa sĩ La Thảo Nhi chiếm một diện tích khá lớn, cao khoảng 3 thước, bề ngang khoảng 2 thước, có vẽ bản đồ Việt Nam, các hình người dân, các cụ già, em bé cũng như quân nhân. Rải rác trên khắp ba miền trên bản đồ, đều ghi lại những câu nói bằng tiếng Việt, viết tay, mà cô thu lượm từ những người cô phỏng vấn. Tiếc thay, toàn là những lời oán trách chiến tranh, ta thán về những hậu quả chiến tranh như mất chồng, mất con, không muốn đi lính v.v...Không một câu nào nói lên chính nghĩa và sự hy sinh cao quý để bảo vệ tự do dân chủ mà người dân Việt đã và đang mong ước. Sau buổi Xem Trước (Preview) vào ngày 29/1/09, vào khoảng 7g chiều cùng ngày, theo đề nghị của BCH CĐ, tôi đã điện thoại đến họa sĩ - vì tôi là chỗ thân quen với họa sĩ qua sinh hoạt và việc làm - để cắt nghĩa rằng những lời ghi trên bức tranh đó rất xúc phạm đến những người thưởng lãm từng là chiến binh hoặc nạn nhân của cuộc chiến. Tôi chưa kịp đề nghị gì thì cô La Thảo Nhi đã phản ứng rất tự nhiên: “Vậy hả? em không ngờ, em không muốn làm ai buồn đâu, em sẽ gọi ngay đến Ban Tổ Chức triển lãm nói họ remove (cất đi) ngay bức tranh em đi.” Có thể vì tuổi nhỏ, vì thiếu kinh nghiệm sống trong chiến tranh nên cô đã vô tình tiếp tay cho nhóm phản chiến, làm đau lòng người tỵ nạn thưởng ngoạn. Tuy nhiên, cô đã mau chóng hiểu ra vấn đề và không ngần ngại bỏ đi một tác phẩm đã từng tốn bao nhiêu công sức và tim óc, không phải vì cô sợ. Sợ ai đây? Qua điện thoại lúc đó, cô không tỏ vẻ sợ hãi chút nào, thái độ của cô chỉ là vì ý thức được điều sai trái, dù là vô tình của cô.

Ngày hôm sau, khoảng 9 giờ sáng, từ nhà, cô gọi điện thoại lại tôi, cho biết là Ban Tổ Chức triển lãm từ chối không remove (cất đi) bức tranh này. Và cô ấm ức cho biết là, ngay sau khi bỏ điện thoại xuống, cô sẽ đích thân đến Casula Power House để đòi tận mặt Ban Tổ Chức cất bức tranh ấy đi. Sau khi về nhà, cô lại điện thoại tôi cho biết là cô đã phải quyết liệt lắm với Ban Tổ Chức, cuối cùng họ mới chịu cất bức tranh đi, và cô không tiếc nuối gì cả. Tôi cám ơn cô và cô nói: “Không sao đâu chị, em không muốn làm buồn người xem đâu.” Cô không tỏ vẻ gì là sợ sệt, vì tôi cũng có buộc cô làm gì đâu, mà chỉ giải bầy nhỏ nhẹ trong tinh thần chị em và tôn trọng tài nghệ. Chính cô tự ý muốn gỡ bỏ bức tranh sau khi hiểu ra rằng bức tranh ấy làm đau lòng người thưởng thức tranh của cô.

Thái độ của họa sĩ La Thảo Nhi rất đáng ca ngợi. Tôi mong rằng rồi sẽ có nhiều nghệ sĩ, những nhân tài VN, cũng sẽ như cô: vô tình, thờ ơ trước đây và nay đã hiểu ra chính nghĩa và sẵn sàng từ bỏ đi những cách làm việc trước đây để cùng tiếp tay với Cộng Đồng, phục vụ, nâng cao hình ảnh tốt đẹp của người Việt. Đây mới tạo được sức mạnh để còn giúp người dân trong nước sớm thoát khỏi hiểm họa cộng sản Việt Nam.

Sau buổi đó, tôi có vài lần đến nhà cô vì một chuyện không liên quan đến cuộc triển lãm này. Cô và gia đình vẫn vui vẻ với tôi như trước đây, không có gì là sợ hãi cả. Hiện nay, cô vẫn tiếp tục sáng tác và cộng tác trong những sinh hoạt văn hóa tại NSW trong tinh thần luôn dùng nghệ thuật để làm rạng danh người Việt.

7. VL: Một số độc giả than phiền với chúng tôi là khi lái xe vào xem triển lãm họ bị một số người biểu tình chạy theo và có những lời lẽ sách nhiễu, thậm chí rút máy chụp hình, chụp cả số xe. Trên phương diện pháp luật việc này có thể diễn dịch như một hành vi đe doạ, khủng bố và xâm phạm vào chuyện riêng tư của người khác. Xin bà cho biết điều này có xảy ra hay không, và đây là chủ trương của cộng đồng hay việc làm tự phát của các cá nhân trên?

PAL: Ban Tổ Chức các cuộc biểu tình của CĐ, qua các cơ quan truyền thông, trong những buổi họp cũng như tại chỗ biểu tình, đã luôn luôn kêu gọi đồng hương ôn hòa, trật tự. Cuộc biểu tình ngày 4/4 đã diễn ra trong ôn hòa, trật tự. Ban Tổ Chức đã không nhận được lời than phiền nào của cảnh sát bảo vệ hay của cư dân sống ngay tại nơi biểu tình. Hơn nữa, có rất nhiều cơ quan truyền thông chính mạch đã có mặt để tường trình. Không có một lời than trách nào được các cơ quan này ghi nhận. Ngược lại, các báo Úc tại các thành phố Liverpool, Fairfield và Bankstown (trong đó có Liverpool Leader, Liverpool Champion, South Western Rural Advertiser, Fairfield Advance, Canterbury- Bankstown Express) đã tường thuật cuộc biểu tình rất tốt đẹp, ôn hoà, trật tự và có ý nghĩa. Họ đã hiểu được nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt chúng ta.

8. VL: Theo lời ông Hoàng Ngọc-Tuấn thì Thông Báo kêu gọi biểu tình do Chủ tịch CĐNVTD/NSW ký đã nêu ra những thông tin sai lệch về một một trung tâm văn hoá của chính phủ Úc. Trên phương diện luật pháp thì chuyện này có thể diễn dịch như là hành động mạ lỵ, bà có đồng ý với chuyện này hay không, và theo bà thì cộng đồng có cần rút kinh nghiệm và tỏ ra thận trọng mỗi đưa ra những cáo buộc nào đó đối với bất cứ cá nhân hay tổ chức khác hay không?

PAL: Trước khi đi đến quyết định biểu tình và ra thông báo kêu gọi biểu tình, đại diện CĐ đã có 2 lần gặp mặt Ban Quản Trị CPHAC, 1 buổi Xem Trước cuộc Triển Lãm (Preview), 1 buổi họp với Thị Trưởng Hội Đồng Thành Phố Liverpool và 3 phiên họp vào các ngày 4/2, 21/2 và 21/3 với sự tham dự của các Hội đoàn, Đoàn thể và đồng hương. Đây là quyết định chung của CĐ.

Thông báo cũng dựa theo một lá thư do bà Thị Trưởng Hội Đồng Thành Phố Liverpool ký vào ngày 22/12/2008, gởi đến Luật Sư Võ Trí Dũng, trong đó có đoạn như sau:

“Using photographs and art created by Australian and Vietnamese war veterans, anti war protesters, the Viet Cong and soldiers from the army of North Vietnam, Viet Nam Voices is a deeply moving and delicate journey through personal and unofficial histories of the Vietnam War”

Bằng cách dùng hình ảnh và nghệ thuật sáng tạo do những cựu chiến binh Úc Việt, những người phản chiến, Việt Cộng và những bộ đội của quân đội Bắc Việt thực hiện, cuộc triển lãm Viet Nam Voices là một hành trình sâu sắc, cảm động và tế nhị qua những câu chuyện cá nhân và lịch sử không chính thức về chiến tranh Việt Nam.)

Tinh thần của đoạn văn này cho thấy cuộc triển lãm này không có bóng dáng của QLVNCH, mà chỉ có nhóm phản chiến, Việt Cộng và quân đội miền Bắc mà thôi. Mặc dù bà Thị Trưởng dùng chữ “Vietnamese war veterans”, nhưng các cựu quân nhân trong Hội Cựu Quân Nhân VNCH đều không hay biết gì cả, và trong những người Việt tham gia tổ chức cuộc triển lãm dường như không thấy bóng dáng người quân nhân QLVNCH nào xuất hiện công khai.

Chính vì vậy mà Thượng Nghị Sĩ Charlie Lynn đã chia sẻ như sau:

“Tôi nhận thức được chính những gì mà Casula Power House không nhắc đến mới thực sự là một sự xúc phạm”.

“Rõ ràng tất cả những thủ đoạn dã man, tàn nhẫn của bọn cộng sản đã được che dấu, phủi sạch khỏi cuộc triển lãm”.

(Sau buổi khai mạc triển lãm Nam Bang!) “Tôi ra về với một cảm nhận thật rõ rệt và mạnh mẽ rằng (cuộc triển lãm) chẳng qua chỉ là bàn đạp cho những kẻ thù ghét John Howard và những tên thân cộng để chúng thỏa chí thóa mạ bôi bẩn không hơn không kém”.

Ngoài ra, Úc là một quốc gia dân chủ, có tự do ngôn luận. Hiến pháp và luật pháp của Úc bảo đảm cho quyền tự do thảo luận và trình bày quan điểm chính trị (the right to free political discourse).

Trong phiên họp với Bà Thị Trưởng và Ông Tổng Giám Đốc Điều Hành, họ cho đại diện CĐ biết Casula Power House Museum chỉ là một cơ sở của HĐTP Liverpool và mọi quyết định quan trọng đều do HĐTP Liverpool chủ xướng. Tôi không phải là luật sư nhưng chưa bao giờ nghe qua một cấp chính quyền địa phương đòi kiện cử tri hoặc một nhóm cử tri về tội mạ lỵ bao giờ. Tôi nghĩ là các nghị viên của HĐTP Liverpool không có tư tưởng phản dân chủ đến mức độ đó.

9. VL: Chúng ta kết án rằng cuộc biểu tình mang nội dung “thân cộng” và “phản chiến”, thế nhưng CPAC cho chúng tôi biết là trong cuộc tiếp xúc trước cuộc biểu tình họ đã hứa là sẽ dành chỗ cho cộng đồng: muốn triển lãm thứ gì tùy ý, có thể lên tới 30 bức tranh và được phép trưng bày ngay trong phòng chính. Hãy so sánh: nếu biểu tình thì giỏi lắm thì chúng ta chỉ tập trung hoan hô đả đảo cho chúng ta nghe trong 1 hay 2 tiếng đồng hồ là cùng, còn tranh ảnh hiện vận thì trưng bày tại đó nhiều tuần lễ. Thưa bà, tại sao chúng ta không sử dụng cơ hội này để “nội dung” cuộc triển lãm trở nên có lợi cho chúng ta hơn?

PAL: Sau buổi Preview (ngày 29/1), BCH CĐ, mặc dù bận bịu tổ chức Hội Chợ Tết Kỷ Sửu 6,7,8/2/09, đã đòi một buổi tiếp xúc với Hội Đồng Thành Phố Liverpool, (là cơ quan bảo trợ chính cho CPHAC) trước khi cuộc triển lãm chính thức khai mạc vào ngày 7/2. Qua sự can thiệp của nghị viên Ned Mannoun, ông Phil Tolhurst, Giám Đốc Điều Hành tại Liverpool Council, đã nói rất “tỉnh bơ”, vừa nói vừa đi lùi vì bận chuyện khác, là: “CĐ muốn thì tôi sẽ nói Ban Tổ Chức triển lãm dành chỗ cho 15 bức tranh (không phải 30) mà CĐ mang tới, nói về Tết Mậu Thân và cuộc sống tỵ nạn”. Lúc đó chỉ còn 3 ngày nữa là cuộc triển lãm sẽ được mở cho công chúng (vào ngày 1 tháng 2, tức 1 tuần trước ngày chính thức khai mạc - 7 tháng 2).

Ba ngày sau buổi họp trên tại Liverpool Council, vào ngày 4/2, CĐ đã họp các Hội đoàn đoàn thể và quyết định không đưa bức tranh nào tham gia cả, bởi vì, một lần nữa, sẽ lại ... “làm cảnh” như 10 năm trước đây. Điều CĐ chống là đường lối thiên cộng của CPHAC, và thái độ coi thường CĐ, không tham khảo. Chính CPHAC phải nhận thấy điều họ làm là sai. Đáng lẽ họ phải xin lỗi đã khơi lại nỗi đau thương cho người Việt cư dân của thành phố Liverpool, và có biện pháp giảm bớt nỗi đau thương này, đằng này họ còn trách CĐ đã phản đối, và “bố thí” cho một góc vào giờ chót, thì CĐ không thể hợp tác được.

10. VL: Thử nêu ra hai chiến thuật: a/ Biểu tình, tẩy chay; b/ Tích cực tham gia để làm sáng lên chính nghĩa của chúng ta. Thưa bà, nhìn chung thì trong hai giải pháp này chúng ta nên chọn giải pháp nào?

PAL: Trong một xã hội văn minh và tự do như tại Úc, có nhiều cách khác nhau để bày tỏ nguyện vọng như: tiếp xúc, viết thư, tổ chức hội thảo, tổ chức tâm tình, vận động chính giới, cầu nguyện, thực hiện thỉnh nguyện thư, biểu tình. Biểu tình luôn luôn là phương cách cuối cùng khi mọi phương cách khác đã không đạt hiệu quả mong muốn. Thường thì nhiều người trong cộng đồng chỉ thấy biểu tình mà không để ý lắm đến các vận động trước khi phải tổ chức biểu tình. Trường hợp này cũng vậy, Ban Chấp Hành Cộng Đồng đã làm các bước trên nhưng không được CPHAC lắng nghe.

Tại Việt Nam, một nước kém văn minh và đang bị một chế độ độc tài cai trị, người dân không có quyền bầy tỏ nguyện vọng. Trung Cộng xâm lấn đất nước một cách rõ rệt nhưng người dân không nói lên được tiếng nói của mình. Ở đây chúng ta có quyền nói lên tiếng nói của mình, và khi đã không được nghe thì biểu tình là phương tiện cuối cùng, dĩ nhiên là trong ôn hòa trật tự. Chính vì vậy, tham gia biểu tình là đóng góp phần mình vào những nỗ lực đòi hỏi chính đáng cho người Việt chúng ta.

11. VL: Ông Hoàng Ngọc-Tuấn cho biết ông và nhóm Tiền Vệ đã “tích cực tham gia” vào các hoạt động của CPAC. Cụ thể là những buổi thuyết trình về đời sống ngục tù ở Việt Nam và cuộc vượt biển tìm tự do của hàng triệu người Việt (VIETNAM VOICES, 11.2 - 13.3.2009), bài tham luận về thực trạng đàn áp quyền tự do tư tưởng và diễn tả trong văn học nghệ thuật của chế độ CS (Hội thảo “Echoes of a War”, NAM BANG, 17.4.2009 và đăng trên VL ngày 24.4.2009). Ông còn cho biết nhóm Tiền Vệ đã tổ chức một buổi giao lưu văn nghệ với hoạ sĩ Trần Trọng Vũ (con út của cố thi sĩ Trần Dần) từ Pháp sang (5.4.2009), tổ chức một buổi toạ đàm về “Thơ & Nhạc thời chiến tranh ở Việt Nam” tại (19.4.2009). Theo bà, nếu xét trên lập trường chống Cộng của CĐNVTD/NSW thì việc làm của nhóm là đáng khuyến khích hay đáng bị lên án?

PAL: Khi nhận xét về một cá nhân, một tổ chức, một cơ quan hay, ở đây, là một trung tâm văn hóa nghệ thuật, Cộng Đồng luôn luôn quan sát kỹ về đường lối và quá trình sinh hoạt lâu dài của cá nhân hay tập thể đó. Vì vậy, nếu hợp tác để “làm cảnh” cho một nhóm nào đó thực hiện ý đồ quá rõ ràng của họ, thì có nên không ? Đương nhiên là không.

Theo tôi, chỉ hợp tác với những cá nhân, những tổ chức rõ ràng, minh bạch lập trường, bởi vì người dân trong nước chỉ mong chúng ta làm như vậy mới sớm đem lại tự do dân chủ hạnh phúc cho quê hương. Những kiểu “lập lờ đánh lận con đen” thì cần được đề phòng tối đa. Đối với CPHAC, CĐ đã quan sát trên 10 năm nay và đã kết luận qua nhiều cuộc họp với các Hội Đoàn, Đoàn Thể và đồng hương, rằng CPHAC một chiều và thiên cộng.

Ngay cả người Úc, đặc biệt là Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang NSW Charlie Lynn, một cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam, cũng đã nhận ra điều này. Là người Việt Nam, việc nhận ra họ thiên cộng là một điều quá dễ dàng và hiển nhiên.

12. VL: Trong vai trò là Phó Chủ Tịch Văn Hóa Giáo Dục của CĐNVTD/ NSW, bà có nghĩ đến việc tổ chức một chương trình triển lãm tương tự của riêng cộng đồng? Chẳng hạn như kêu gọi các nghệ sĩ sáng tác, kêu gọi các chứng nhân của chiến tranh, của trại cải tạo cung cấp hình ảnh, hiện vật để nói lên tội ác của cộng sản nhằm giáo dục thế hệ trẻ hay không?

PAL: Cộng Đồng đã thực hiện riêng rất nhiều triển lãm nói về sự thật, sự trung thực về lịch sử Việt Nam để hướng dẫn các thế hệ sau, ví dụ như trong các lễ hội hay qua các sinh hoạt văn hóa kỷ niệm 25 năm, 30 năm định cư.

CĐ sẽ tiếp tục thực hiện những cuộc triển lãm khác trong tương lai.

CĐ sẵn sàng hợp tác với các trung tâm văn hóa nghệ thuật được chính phủ Úc tài trợ để thực hiện các cuộc triển lãm về lịch sử Việt Nam trong tinh thần tôn trọng sự thật.

13. VL: Cuối cùng, xin bà cho biết trong tương lai CĐNVTD/NSW có những dự định gì đối với Casula Powerhouse Arts Centre?

PAL: Vấn đề này đã gây chú ý cho nhiều cơ quan và báo chí địa phương cũng như giới truyền thông Việt ngữ tại Úc và các nơi trên thế giới qua mạng lưới điện tử. Vì vậy, những dự định tương lai đối với CPHAC sẽ phải được các Hội đoàn, Đoàn thể góp ý chung để đưa đến một cách giải quyết rốt ráo. Cũng tương tự như ba cuộc họp với các Hội đoàn, Đoàn thể và đồng hương (các ngày 4/2, 21/2 và 21/3), những quyết định phải do tập thể đồng ý với đa số quá bán.

Nói chung, CPHAC là một cơ quan dùng tiền thuế của người dân thì phải phục vụ người dân với một thiện chí trong sáng.

14. VL: Ngoài những vấn đề trong câu hỏi nêu trên, bà có điều gì cần nói thêm nữa hay không?

PAL: Vì đã tiếp xúc với CPHAC ngay từ đầu vào năm 1997 nên tôi hiểu rõ cách làm việc của họ. Họ chỉ sử dụng CĐ mình như một bình phong để thực hiện ý đồ thân cộng của họ. Nay, là người được giao phó trách nhiệm về Văn Hóa Giáo Dục trong CĐ, tôi lại càng phải cố gắng tìm hiểu hơn nữa để chu toàn nhiệm vụ, không thể để một cơ quan dùng tiền thuế của dân để làm theo ý đồ của mình, hứa hẹn sửa đổi rồi “quên” và còn tiếp tục ngày càng gây đau thương cho người dân thọ thuế nhiều hơn nữa. Chính vì vậy nên tôi đã nhận trả lời cuộc phỏng vấn này.

Đối với các văn nghệ sĩ, đặc biệt đối với các bạn trẻ, tôi mong rằng quý vị, các em, các cháu, nhìn ra được nguyện vọng chính đáng của Cộng Đồng Người Việt Tự Do, hiểu được sự thật về cuộc chiến tranh chính nghĩa của miền Nam, một cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn để sớm đem lại sự toàn vẹn lãnh thổ, và cuộc sống ấm no trong tự do và dân chủ cho người dân Việt Nam đang quá điêu tàn trên quê hương rách nát tả tơi. Tài nghệ, khả năng của các bạn luôn được trân trọng để làm rạng danh người Việt nơi hải ngoại, và nhất là để tiếp tay trong cuộc chiến với kẻ thù chung là CSVN, sao cho sớm có ngày quê hương được tự do dân chủ phú cường.
______________________________________
Chú thích:

Lời của Thượng Nghị sĩ Charlie Lynn trích từ trang web : http://www.vietland.net/main/showthread.php?t=6339

Bản tiếng Anh này có nhiều điểm sai:

i. Bức tranh Image of a Dead Man là của Ray Beatie chứ không phải Ron Beatie.
ii. Có lẽ viết nhầm: “I am not at art critic” nên là “I am not an art critic”
iii. “tried to be keep” nên là “tried to be kept.

Tạm dịch:

[1] “Sự ‘hỏa thiêu con chó’ theo truyền thống thật lạ và được đón nhận tốt.”

No comments:

Blog Archive