Monday, March 31, 2008

Phỏng Vấn Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh
VOA, 25/12/2007

Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, một người từng được biết đến dưới danh hiệu là Bomb Lady, sau biến cố 11/09/2001, khi Hoa Kỳ bị tấn công. Bà đã dẫn đầu toán khoa học gia và chuyên viên Bộ quốc phòng Hoa Kỳ để chỉ trong 67 ngày, chế tạo được loại bom áp nhiệt có khả năng công phá vào các hang động, hầm hố để quân đội Mỹ sử dụng trên chiến trường Afghanistan, giúp tiết kiệm xương máu cho rất nhiều chiến binh Hoa Kỳ trong công tác truy lùng quân khủng bố trong vùng núi non hiểm trở đầy hang động.

Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh

Ngoài ra, bà còn là người đứng đầu một công trình khác sắp sửa được quân đội Mỹ đem sử dụng ngay trên chiến trường, đó là phòng thí nghiệm lưu động, để xác định ngay tại chỗ lý lịch các nghi can bị bắt. Mới đây, bà đã được tổ chức Partnership for Public Service trao tặng huy chương cao quí 'Phục Vụ Quốc Gia' (Service to America Medal). Lan Phương của ban Việt ngữ đài VOA đã tiếp xúc với khoa học gia Dương Nguyệt Ánh và ghi lại như sau :

Ngoài vũ khí sử dụng trên chiến trường, một trong những vấn đề ưu tư của các lực lượng Mỹ sau khi bắt những kẻ tình nghi khủng bố tại hiện trường là : nên trả tự do hay nên giam giữ ? Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh giải thích về hệ thống nhận diện quân khủng bố mà bà đang giúp triển khai và kiện toàn như sau.

Bà Ánh nói : " Đây là một dự án thiết kế những phòng giảo nghiệm cho chiến trường để mà giúp nhận diện quân khủng bố. Trước hết, Ánh phải nói ngay là những kỹ thuật như lấy dấu tay hoặc là mẫu DNA hay là các vết tích khác để điều tra tội phạm không phải là một chuyện mới. Như quí vị đã biết là những kỹ thuật này đã được cảnh sát sử dụng từ lâu nay rồi. Cái mới là làm sao để ứng dụng những kỹ thuật này cho chiến trường và vì vậy phải làm sao để thiết kế hóa lại vì nhiều lý do : thứ nhất là chiến trường thì mỗi ngày có hằng hà sa số những thứ mà mình có thể giảo nghiệm được để tìm tung tích quân khủng bố, thí dụ như mảnh bom, mảnh mìn trong những vụ đặt bom ở bên đường, gài bom trong xe hay những vũ khí tịch thu được và những thứ khác nữa mà mình có thể thu lượm được, bản đồ ở trong một chiếc xe hay căn nhà nào đó. Thành ra không phải chỉ có vài ba mẫu dấu tay hay DNA như là một vụ án mạng ở trong nước. Tiến trình phân tích phải thật nhanh vì số lượng quá nhiều mà chuyên viên thì rất là ít oi. Vì thế các loại máy móc, dụng cụ phải được thiết kế khác với một phòng giảo nghiệm của cảnh sát ở trong nước. Thêm nữa chiến trường Iraq là một chiến trường lưu động, thành ra tôi muốn là các phòng thí nghiệm cũng phải lưu động. Cái ý niệm của tôi là thực hiện những phòng giảo nghiệm như là những cái hộp. Khi cần thì gửi những cái hộp mà tôi gọi là lab in the box đến một địa điểm nào đó ở chiến trường. Mở hộp ra thì bên trong nó là cả một phòng giảo nghiệm sẵn sàng rồi, đầy đủ dụng cụ máy móc, ngay cả máy biến điện riêng và hệ thống truyền tin qua hệ thống vệ tinh. Như thế công binh của chúng ta không mất thì giờ xây cất xong rồi phải lắp máy, ráp bàn đóng ghế, bắt dây điện, bắt hệ thống truyền tin ... Vì thế phòng giảo nghiệm khi gửi đến chiến trường, mở hộp ra thì nó là cái phòng giảo nghiệm sẵn sàng để mình có thể hoạt động ngay, thay vì phải đợi cả 5, 6 tháng sau là ít. Đến khi xong sứ mạng thì chỉ việc xếp cái hộp lại và đem về lại Hoa Kỳ hay là đem đến một địa điểm khác hoặc là một chiến trường khác. Hơn nữa, mỗi một cái hộp là một loại giảo nghiệm khác nhau, hoặc là dấu tay, hoặc là DNA, hoặc là đầu đạn ... nếu mình cần loại giảo nghiệm nào thì mình gửi loại hộp đó đi, và những hộp này có thể nối kết với nhau giống như những đồ chơi Lego của trẻ em, thành ra có thể nối hộp này với hộp kia thành những phòng thí nghiệm lớn hơn nếu mà mình cần".

Khi được hỏi đây là sáng kiến của bà hay được chỉ thị của bộ quốc phòng để thực hiện, bà cho biết các kỹ thuật để nhận diện thì đã có từ lâu và đã được áp dụng rộng rãi, tuy nhiên đem phòng giảo nghiệm đến tận chiến trường là sáng kiến do chính bà đề xuất. Bà cho biết khoảng thời gian kể từ lúc bà đề nghị với bộ cho đến khi được chấp nhận là 6 tháng, sau đó bà đã thành lập toán chuyên viên để cùng nhau thực hiện đề án. Hiện giờ thì phòng thí nghiệm lưu động này sắp được đưa ra sử dụng vào đầu năm 2008.

Toàn thể tiến trình mất một khoảng thời gian chừng một năm. Tuy nhiên, kích thước của phòng thí nghiệm lưu động này vẫn còn khá lớn, ít nhất là 20 feet, tức là từ 5 cho đến 6 mét. Sau đó, toán chuyên viên sẽ tìm cách thu nhỏ để chỉ còn kích thước như một túi đeo lưng.

Đây là kỹ thuật được áp dụng cho những nghi can mà dấu tích sinh học và những chi tiết liên hệ đến họ đã được đưa vào kho dữ kiện của hệ thống điện toán rồi, nhưng đối với những tên khủng bố mới được tuyển mộ, chưa có dữ kiện gì về họ được thu thập thì phòng thí nghiệm này giúp ích được những gì ?

Bà Ánh nói : "Nếu mà mình chưa có chứng tích gì như chị nói, giả sừ như người nào mới bắt đầu gia nhập vào tổ chức khủng bố chẳng hạn, thì chúng ta không có cách nào để biết cả. Hiện giờ ở bên Iraq, quân đội thường xuyên thu thập những mẫu sinh học của nhiều người vì bên Iraq họ thành lập những cái mấu để mà kiểm soát giao thông hay trước khi vào một vùng an ninh mà mình gọi là Green Zone thì tất cả những người đi qua cái trạm kiểm soát đó, chúng ta đều lấy mẫu sinh học của họ, tàng trữ vào trong data base đó. Lúc thì lúc đầu chỉ để tham khảo thôi, chứ mình chưa có biết là họ có làm gì đáng tình nghi hay không nhưng mà sau đó mình cứ tiếp tục thu thập những mẫu sinh học đó và mình có những softwares, những phương cách để so sánh dữ kiện rồi từ đó mình mới có thể để ý, chú ý đến một người nào đó hay một nhóm người đặc biệt nào đó và theo dõi họ".

Với một gia đình tương đối đông con, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh cho biết bà luôn luôn được sự chung sức của phu quân trong việc dạy dỗ con cái, chăm sóc gia đình và được chồng con thông cảm mỗi khi bà phải lao mình vào những dự án gấp rút hầu giúp cho binh sỹ Mỹ đang phải đương đầu với những hiểm nguy ngoài chiến trường. Tuy nhiên sau những tháng phải làm việc cật lực như vậy, bà thường có một thời gian dài để hồi sức và cùng với gia đình nghỉ ngơi để đền bù cho sự vắng mặt thường xuyên trong những lúc công việc dồn dập.

Với trọng trách nặng nề, Ở lứa tuổi 47, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh vẫn giữ được gương mặt tươi sáng và dáng dấp khỏe mạnh, trẻ trung. Làm thế nào bà có thể giữ được sức khỏe cá nhân về cả tinh thần lẫn thể chất ?

Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh cho biết bà là người không để ý đến sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, nhờ được đức lang quân luôn luôn chăm sóc cho sức khỏe của vợ con, để ý từng ly từng tý đến cách ăn uống sao cho hợp dinh dưỡng, rau trái và sữa thật nhiều, và cứ cách 2 ngày cả gia đình còn ăn chay một ngày.

Riêng về sức khỏe tinh thần, bà cho biết bà là người có khả năng cao trong cách đối phó với những áp lực của công việc và đời sống. Làm được như vậy bà phải có những bí quyết. Trước hết, đối với những chuyện bình thường, bà quyết định rất nhanh, và đã quyết định rồi thì không thắc mắc, ân hận nữa, kể như xong, để đỡ mất thời giờ, không tự dằn vặt mình một cách vô ích vì tự dằn vặt mình sẽ làm tổn hại rất nhiều cho khả năng chịu đựng áp lực. Còn đối với những chuyện không thể quyết định nhanh chóng được thì sao ?

Bà Ánh nói : "Có những chuyện mà mình không có thể nào suy nghĩ nhanh hay quyết định nhanh được ; như nghiên cứu về khoa học kỹ thuật chẳng hạn. Nhiều khi mình trông đợi thí nghiệm sẽ ra một đàng nhưng nó lại ra đàng khác. Mình còn phải suy nghĩ nhiều, còn phải tính lại hay mình hiểu lầm hoặc là mình tính equation nhầm chẳng hạn ... mình đặt phương trình không đúng hay là tại sao, hay là mình quên một dữ kiện nào về vật lý hay hóa học cho nên mình tính một đàng mà nó đi một nẻo chẳng hạn. Những cái chuyện đó dĩ nhiên là mình không giải quyết được thật nhanh hay suy nghĩ được thật nhanh. Nhưng mà tôi có thêm một bí quyết khác là không bao giờ tôi bỏ thì giờ hay để tâm trí suy nghĩ vào một vấn đề nào lâu quá vài tiếng đồng hồ. Sau đó thì tôi xếp nó lại qua một bên để tôi làm chuyện khác. Nhưng mà trước khi xếp nó lại hay trước khi đi ngủ chẳng hạn, thì tôi dặn tôi là mình còn chuyện đó ngày mai phải suy nghĩ tiếp, giống như là mình tự bảo tiềm thức của mình là 'thôi mình đi ngủ đây', nhưng tiềm thức của mình vẫn làm việc ; và phần nhiều như vậy thì đến sáng ngày hôm sau lúc leo lên xe đ làm thì tự nhiên mình nghĩ tới những chuyện cũ và phần nhiều là mình nghĩ ra được thêm những vấn đề mới mà tối hôm qua mình nghĩ mãi không ra".

Mới đây, tờ Newsweek có tường trình về buổi lễ trao tặng huân chương 'Phục Vụ Quốc Gia', ghi lại rằng bà đã đứng lên cảm tạ sự hào hiệp và lòng, nhân ái của nước Mỹ đã cho bà và gia đình bà đến tỵ nạn và gia đình bà đã nhận được rất nhiều giúp đỡ trong giai đoạn đầu ở xứ sở mới. Sau đó bà phát biểu rằng : 'Có một nhóm người đặc biệt mà tôi mang ơn mắc nợ rất nhiều. Đó là 58 000 người Mỹ mà tên tuổi của họ được khắc trên bức tường kỷ niệm chiến tranh Việt Nam và 260 000 quân nhân miền Nam Việt Nam đã hy sinh để những người như tôi có một cơ hội thứ nhì được sống trong tự do. Xin thượng đế ban phúc lành cho tất cả những ai sẵn sàng chết cho tự do, nhất là cho những ai sẵn sàng chết cho tự do của người khác. Xin cảm tạ quí vị'.

Tờ Newsweek viết tiếp : 'Và cám ơn bà Ánh Dương. Xin nhắc bà rằng món nợ đã trả xong, kể cả vốn lẫn lời !'

No comments:

Blog Archive